Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Mười Tám - Phẩm đạt đến Vô Lượng - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI TÁM

PHẨM ĐẠT ĐẾN VÔ LƯỢNG  

PHẦN MỘT  

Đức Phật nói: Các vị thiện nam, thiện nữ dốc tâm phụng trì tu tập ba pháp thiền hành ấy thì liền đạt được đầy đủ mọi công đức thiện, đi đến khắp các Cõi Phật để cúng dường phụng sự Chư Phật Thế Tôn.

Bấy giờ Đức Thế Tôn ở nơi đại chúng liền đọc bài kệ:

Hằng sa Phật quá khứ

Đều từ ba pháp Thiền

Pháp vô tướng, vô nguyện

Nên hợp nẻo giới Thánh

Ba Thiền, pháp cội rễ

Tự đạt đến Nê Hoàn

Chính khiến tụng vô lượng

Chưa thể hết pháp ấy.

Như khiến một sĩ phu

Thọ mạng vô lượng kiếp

Trong ấy muốn tuyên giảng

Chẳng hết được ba Thiền.

Tự quán thức quá khứ

Chẳng phải ý nêu được

Thức vị lai cũng thế

Thức chẳng có chẳng không

Vô hình chẳng thể thấy

Nhưng gốc mọi sinh tử

Tư duy pháp Cửu Địa

Sau mới được giác ngộ.

Pháp phạm hạnh thanh tịnh

Ủng hộ pháp Như Lai

Nhằm mỗi mỗi phân biệt

Chưa suốt thân Như Lai

Bậc tôn quý ba đời

Phá tan mọi lưới dục

Mọi trói buộc dẫn dắt

Thảy đều được dứt sạch

Quán thế gian biến đổi

Đời đời mãi nối nhau

Huống muốn rõ gốc thức

Hiện thân sáu hang hốc

Gốc ngã chẳng tạo nghiệp

Do nhiễm nên sinh cấu

Đều nhờ ba pháp Thiền

Mới tọa gốc Bồ Đề

Nếu có Tộc Tánh Tử

Tâm trí nhằm tính lường

Phân biệt thân Như Lai

Thảy đều như vi trần

Các pháp giới quá khứ

Mỗi mỗi chẳng nghĩ bàn

Đều từ ba thiền ấy

Nên được xưng danh hiệu

Nếu muốn đạt gốc thức

Nhận rõ pháp chẳng có

Nẻo hướng vô số biến

Mới hợp ba hành thiền.

Đời ta đã tự an

Cũng khiến chúng nhân an

Nhưng người nhiều nhớ nghĩ

Ta dẫn dắt chỉ nẻo

Ta từ gốc các định

Hành quán ngộ ba Thiền

Chẳng có tưởng thức địa

Vượt hết hành quá khứ

Gốc sinh từ ta, người

Lưu chuyển theo năm cõi

Năng dứt nhiễm một đời

Mới hợp với ba Thiền

Có ba pháp rốt ráo

Soi rõ gốc mọi nhiễm

Hai là Tuệ hiện tại

Quán đạo đó là ba.

Nên tận nẻo nghĩa ấy

Hành vô lượng ba thiền

Điều ấy chẳng thể nghĩ

Ba pháp hành dốc đạt

Lại rõ gốc ân ái

Dần dần chuyển nhập định

Đã dốc chí theo thầy

Sau mới thành đạo quả

Hoặc hiện ba ngàn cõi

Như ngọc nơi tay người

Mỗi mỗi nhập quán định

Rửa sạch mọi bụi bặm

Như người nhằm đo định

Muốn dùng hộc đấu lường

Tuy tâm kia lập được

Đâu lại có lẽ ấy!

Tâm niệm không bến bờ

Sinh khởi luôn nối tiếp

Như nước xuôi về biển

Chẳng thấy có tăng giảm

Huống người muốn lường được

Cội nguồn của tâm kia

Muốn tìm nẻo tâm niệm

Đâu lại có lẽ ấy!

Bậc Thánh sở dĩ xuất

Thị hiện nơi cuộc đời

Như muốn lượng tính không

Khiến rõ lượng hộc đấu

Nhận rõ niệm dấy khởi

Trước sau cùng khoảng giữa

Mỗi mỗi thảy đều rõ

Dứt gốc giống sinh tử

Tâm người chẳng một loại

Hành tạo từng ấy đường

Tự đánh mất cõi gốc

Nên bị hãm vực sâu

Quá khứ mọi hằng sa

Các pháp thảy cùng đồng

Đều nhờ ba hành Thiền

Thành tựu đạo vô thượng

Chư Như Lai vị lai

Cũng sẽ giữ hành ấy

Mọi chúng sinh xứ yên

Cùng đều thành đạo giác

Như ta nay thành Phật

Pháp Vương ba cõi này

Cũng do ba nẻo tuệ

Thành tựu đạo Vô thượng.

Đức Thế Tôn nói xong bài kệ ấy liền nói với các vị thiện nam, thiện nữ: Trong vô số hằng sa kiếp về thời quá khứ có Phật xuất hiện ở đời hiệu là Kiến Vô Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, cũng ở nơi xứ ấy thành Phật.

Bấy giờ có vị quốc vương tên là Cát Mãn, ở cõi đó cai trị, giáo hóa dân chúng, đem lại sự thịnh vượng hết mực.

Năm thứ lúa thóc luôn dồi dào, thành tựu đầy đủ bảy thứ báu: Đó là châu báu, xe báu, ngọc nữ báu, ngựa báu, voi báu, quan giữ kho tàng và quan coi việc binh quý giá. Nhà Vua lại có tới một ngàn người con toàn là hạng nhiều tài năng dũng mãnh hơn người, sáu nghệ gồm đủ.

Lúc này Đại Vương Cát Mãn tuổi tác đã cao, muốn lìa bỏ ngôi Vua để theo Đức Như Lai Kiến Vô nhằm tịnh tu phạm hạnh, tức thì trao lại ngôi báu cho vị Thái Tử thứ nhất, rồi đi đến chỗ Đức Phật Kiến Vô dốc cầu tu tập phạm hạnh.

Suốt trong mười hai năm luôn gần gũi với Đức Phật để tu học ba pháp thiền ấy, hãy còn chưa thấu đạt diệu nghĩa của một cú. Sau khi Đức Như Lai Kiến Vô diệt độ trở đi, trong khoảng hai mươi đại kiếp không có Phật, sau đấy mới có Phật xuất hiện thì nhà Vua Cát Mãn lại tìm đến Đức Phật đó tu tập phạm hạnh.

Như thế là trải qua mười hai ức na thuật Chư Phật, đối với mỗi mỗi vị Phật, nhà Vua cũng đều dốc tu phạm hạnh. Lại theo các Đức Phật ấy cúng dường vô số Chư Phật. Mãi về sau này mới gặp đức Quang Minh Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Từ lúc được nhận nơi Đức Phật ấy ba pháp thiền tuệ cho tới hôm nay mới được thành tựu.

Đức Phật bảo các vị trong chúng hội: Quốc Vương Cát Mãn thời bấy giờ nào phải là một người nào xa lạ?

Chớ nên nghĩ như vậy, vì vị quốc vương thời đó hiện tại chính là ta, là Phật Thích Ca Văn Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Từ đó trở đi cho tới nay mới đạt được ba pháp thiền ấy làm cái gốc cho sự tu tập tự đạt thành Phật an tọa nơi Đạo Tràng.

Bấy giờ Đức Thế Tôn liền đọc bài tụng:

Nhớ ta chứa công đức

Trải qua vô số Phật

Gặp phải bao phiền não

Chưa thể tự xua diệt

Khoảng ấy lại cúng dường

Hằng sa vô lượng Phật

Vợ con, của, nước, thí

Ba pháp ấy chưa đạt

Sau gặp đức Quang Minh

Mới được tuệ quý đó

Luôn dốc tu hạnh tịnh

Mới ngộ ba pháp thiền

An nhiên dứt lo sợ

Không sinh, không cấu nhiễm

Chúng tướng thêm trang nghiêm

Nên hiệu Nhân Trung Tôn

Do ta tuệ bình đẳng

Chẳng dấy mọi tưởng chấp

Hóa độ trời, thế gian

Bậc tôn quý ba cõi.

Đức Thế Tôn nói xong bài kệ này, lúc ấy nơi tòa ngồi có hàng trăm ngàn ức chúng sinh đều phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Lại có nhiều Chư Thiên, người đời theo chỗ nhớ nghĩ về đạo pháp của mình mà thảy đều thành tựu.

Bấy giờ có một vị Bồ Tát tên là Tịnh, liền đến trước Đức Phật cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Phàm bậc Chuyển Luân Thánh Vương cai trị bốn cõi thiên hạ nên có thể gồm đủ bảy thứ báu, sau đấy mới được gọi là Chuyển Luân Thánh Vương. Đức Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác có bảy pháp Ba La Mật, sau đấy mới được tôn xưng là Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.

Nay con xin được hỏi Đức Như Lai, bảy pháp ấy là hữu hình hay vô hình?

Đức Phật nói: Này vị Tộc Tánh Tử! Hãy nên thận trọng! Ta nay sẽ nêu bày những điểm then chốt để cho Bồ Tát rõ. Như chỗ thưa hỏi của Bồ Tát thì bảy pháp của Như Lai rõ ràng là không có hình tướng.

Vì sao?

Vì pháp ấy hết sức thâm diệu chẳng thể cùng tận, chỉ vì nhằm để giáo hóa chúng sinh nên hiện ra có sự cùng tận. Nhưng gốc của bảy pháp ấy là không có cùng tận.

Bồ Tát Tịnh thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Bảy báu của bậc Chuyển Luân Thánh Vương là hữu hình hay vô hình?

Đức Phật nói: Có hữu tình hữu hình, cũng có vô tình hữu hình.

Thế nào là hữu tình hữu hình?

Như ngọc nữ báu, voi báu, ngựa báu, vị quan coi kho tàng báu, vị quan giữ việc binh báu. Đó là hữu tình hữu hình.

Thế nào là vô tình hữu hình?

Như xe báu, châu ngọc báu. Đó là vô tình hữu hình.

Bồ Tát Tịnh thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như bậc Chuyển Luân Thánh Vương an tọa nơi Cõi Trời, ý có chỗ suy nghĩ, liền theo chỗ nghĩ nhớ ấy mà đến.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần