Phật Thuyết Kinh Bồ Tát đẳng Mục Hỏi Về Tam Muội - Phẩm Mười Hai - Bồ Tát đẳng Mục Nêu Rõ đại Phương Tiện
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT ĐẲNG MỤC
HỎI VỀ TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI HAI
BỒ TÁT ĐẲNG MỤC
NÊU RÕ ĐẠI PHƯƠNG TIỆN
Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Chư Bồ Tát Đại Sĩ, thế nào là thực hiện pháp đại tam muội thứ mười dùng trí tuệ phương tiện nêu rõ các đức tối thượng?
Này chư vị! Chư Bồ Tát có phá đại tam muội gọi là Vô tận tràng. Nhập chánh thọ thực hiện pháp tam muội ấy, Bồ Tát đạt được sự an trụ của thân, khẩu, ý hành vô tận, cũng an trụ các Cõi Phật vô tận.
Hành hóa độ khắp chúng sinh vô tận, dẫn dắt đưa trí tuệ của chúng sinh đến chỗ an trụ cũng vô tận, phóng ra hòa quang cùng các vòm lưới ánh sáng đều vô tận, hiện ra mọi thứ biến hóa lớn cùng góp sức chuyển pháp luân cũng vô tận, nơi thân tướng có thể hóa hiện Bồ Tát, Phật ở nơi các cõi nước cũng lại vô tận.
Bồ Tát, trong pháp đại tam muội ấy, nơi thân tướng tất thấu đạt mọi diệu lực của Chư Phật. Cũng như chí nguyện là mong có được trí tuệ như Chư Phật, ở nơi các cõi, dùng pháp thanh tịnh của Phật tạo sự cảm ứng lớn lao khiến cho khắp chốn đều nhận biết rõ ràng, đi theo con đường của Phật Thánh.
Thực hiện viên mãn các hạnh của Phật, nơi thân ấy cũng thâm nhập đầy đủ mọi hạn lượng của Phật, tu trì hoàn thành mọi Phật Sự, đi đúng nẻo tự tại của Phật. Đó là mười đức tối thượng có được từ pháp đại tam muội ấy.
Lại nữa, Chư Bồ Tát đó an trụ pháp tam muội trên, quán chiếu Phổ Trí nhất thiết trí thông tỏ Phổ Trí, lãnh hội Phổ Trí, thể nhập Phổ Trí, phân biệt Phổ Trí, hiện ra nơi Phổ Trí, nêu bày về Phổ Trí, thâm nhập Phổ Trí để làm hiển lộ sự rộng lớn của trí tuệ giác ngộ ấy. Đó là mười.
Lại nữa, Chư Bồ Tát ấy cũng nguyện tu tập theo các hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền, cùng với tâm, hành, nơi chốn hiện bày các hành, chốn nhập, chốn hiện khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, chốn hướng đến, chốn kiến lập, chốn được nhuần thấm mưa pháp của vị Đại Bồ Tát ấy, tất cả đều không gián đoạn. Đó là mười.
Bồ Tát an trụ pháp tam muội, lại có mười hạnh: Đấy là không thoái chuyển, không tạo sự hao tốn, không quay lại, không mệt mỏi, không nhớ nghĩ, chẳng nhớ nghĩ về ngã, không rời bỏ, không loạn đọng, không đoạn tuyệt, không chấp vào âm thanh cho đấy là Bồ Tát. Đó là mười.
Như thế là Chư Bồ Tát ấy ở nơi các pháp đạt đến đại nguyện, thực hiện đầy đủ các hành, tạo sự hưng khởi cho đại đạo.
Bồ Tát đều khéo tu học theo biển lớn pháp Phật cũng là nơi hàm chứa các hạnh nguyện hết mực lớn lao của Bồ Tát, học hỏi theo ánh sáng hiển lộ của trí tuệ phương tiện quyền xảo.
Dùng sự khéo học hỏi tính chất huyễn hóa của Bồ Tát mà khéo thông tỏ tất cả mọi âm thanh, đạt được sự kiến lập, cũng như khéo thực hiện mọi kiến lập của Chư Phật trong ba thời quá khứ hiện tại vị lai cùng tất cả Chư Phật ở đời, thực hiện được hạnh của tâm đại bi, đem các hành ấy hoàn thành sự nghiệp của pháp Phật, làm cho pháp Phật hưng khởi không hề bị ngăn ngại. Đó là mười.
Vậy thì sự thực hiện ấy thế nào?
Ví như có người được ngọc báu như ý, luôn nhớ nghĩ về viên ngọc báu ấy như hình tượng thường tỏa sáng của nó, như thế thì hình tượng viên ngọc trong sự nhớ nghĩ so với hình tượng viên ngọc thật không khác nhau.
Bồ Tát cũng như thế. Đạt được ngọc báu như ý là sự kiến lập, nên đối với trí tuệ không hề tỏ ra nhàm chán, trái lại, thấu tỏ mọi tuệ của Phổ Trí, ở nơi hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền tu tập không lười trễ.
Như ngọc báu Ma ni tự hiện tận cùng mọi màu sắc dáng vẻ của nó mà không làm mất bản thể của ngọc báu. Bồ Tát cũng như thế. Thành tựu trọn vẹn hình tượng của Phổ Trí mà không làm mất thể của bản hạnh.
Vì sao như vậy?
Là vì ý nghĩa phát nguyện của Chư Bồ Tát đó là vì tất cả mọi loài, nhằm cứu độ hết thảy chúng sinh, mà phát nguyện tu tập theo các hạnh của Chư Phật không hề thoái chuyển, vì muốn đạt được sự thanh tịnh của Chư Phật nên không tỏ ra mệt mỏi, biếng nhác, nhằm gánh vác mọi việc nên không chậm chạp lùi bước.
Bồ Tát đối với tất cả vô số các pháp thảy dứt mọi tưởng niệm về ngã, không lùi, không trễ, thể hiện khắp tất cả mọi cảm ứng lớn, ở nơi chúng sinh mà luôn được thanh tịnh, không nhàm chán mệt mỏi, đem lợi lạc cho khắp mọi loài ở đời không tỏ ra chậm trễ thoái chí.
Bồ Tát đem ánh sáng giác ngộ soi sáng khắp thế gian mà tự thân không mệt mỏi nản bước, hội nhập trong vô số các pháp huyễn mà không chuyển hướng, tâm luôn tinh tấn hết mực. Đó là mười.
Ví như cõi mênh mông nơi hư không. Không có nơi chốn trụ dừng, không có chỗ để nắm giữ, chẳng dấy sự mệt nhọc, cũng không suy giảm, hết thảy mọi ý không thể đạt được vì không có nơi chốn, không có sự trói buộc, không có chỗ nhận thức, chẳng ở trong cũng không ở ngoài, quán nội cũng chẳng có đối tượng, mà cái gốc thanh tịnh không hề bị hủy hoại.
Vì sao?
Là vì pháp Hư Không, bản tánh của nó là thanh tịnh.
Bồ Tát cũng như vậy: Tu tập theo các nguyện hạnh rộng lớn vô tận, không dấy mệt mỏi vì sự hưng khởi của đạo pháp để độ khắp mọi chúng sinh. Ví như nói về sự diệt độ, vậy những ai được diệt độ đều hiểu rằng, vô tận hạn cúng sinh nơi ba đời đã diệt độ đều không có sự mệt nhọc, lo sợ, cũng không hề thoái chuyển.
Vì sao?
Là vì các pháp đều bất nhị, đều quy về cõi diệt độ thanh tịnh thì sao lại có chuyện mệt nhọc. Bồ Tát cũng như vậy.
Vì muốn độ khắp chúng sinh mà xuất hiện ở cõi đời, thế thì sao lại có chuyện thoái chuyển?
Không hề thoái chuyển là nhằm để hóa độ mọi chúng sinh, cũng như là sự thực hiện đạt được Phổ Trí vậy. Bồ Tát hành hóa cũng như thế. Đối với đạo pháp không có sự mệt mỏi, cũng không khó nhọc. Không trụ vào quá khứ, đối với hiện tại, an trụ vô lượng Chư Phật ở đời.
Vì sao?
Là vì các pháp của Chư Phật là như nhất không hai.
Thế thì duyên nào đâu mà có sự khó nhọc?
Đối với các pháp đều như huyễn hóa, nên không có nơi chốn nhập vào. Các pháp ấy cũng không gây sự lo sợ.
Bồ Tát như vậy là nên dùng thân tướng mình dốc vào việc tu tập để hội nhập Phổ Trí, thế thì do đâu lại có chuyện lười trễ?
Chư Bồ Tát đó thực hiện việc tu tập kia là đem ánh sáng của trí tuệ giác ngộ chiếu soi khắp đến mọi nơi chốn để cùng được sáng tỏ, chiếu soi khắp các cõi nước thảy đều không bị ngăn ngại.
Những màu sắc của ánh sáng ấy là vô số, là kho chứa của mọi chủng loại, là cành hoa khó tìm, là châu báu quý giá vô tận, là mùi hương khó đạt được, thanh tịnh vô lượng, là sự chấn động mà hết mực trang nghiêm.
Là tiếng sấm lớn vang rền, tất cả như cùng hòa hợp, xen nhau lộ bày càng tăng vẻ tôn nghiêm tươi đẹp. Màu sắc ấy cũng rất mực tươi tốt như dùng các châu báu kỳ lạ tạo sự chất chứa tranh nhau cũng như thể hiện vẻ thanh tịnh trang nghiêm.
Lại nữa, nơi mỗi xứ đều có những hàng lan can dựa nhau, trong khoảng ấy đều tạo ra các màu sắc thể hiện sự thanh tịnh của Như Lai tăng thêm vẻ của ánh sáng, đem gốc của mọi đức làm ánh sáng chói lọi tỏa khắp bên ngoài, là chỗ tiếp cận với sự an lành của Như Lai dẫn tới nơi chốn kiến lập hiện rõ của Chư Như Lai. Đó là mười.
Chư Bồ Tát đều an trụ một đóa hoa sen, hoa ấy thật vô đắc, vô hạn, tỏa rộng đến tận cùng mười phương, mười đức thích ứng với muôn ngàn vẻ thanh tịnh. Nơi chốn hành hóa của Bồ Tát là nguyên do phát sinh ra ánh sáng của trí tuệ giác ngộ.
Nơi chốn nào có thể là nguyên do phát sinh ấy?
Đó là sự giữ gìn ánh sáng nơi các pháp của Chư Phật, là sự diệt trừ mọi thứ lửa dữ tham, sân, si trong khắp thế gian, nên được đời kính lễ. Bồ Tát thông đạt, thể hiện khắp các pháp huyễn hóa, ở nơi tận cùng cõi đời mà hành hóa, có thể hoặc không thể nêu bày.
Lại nữa, nơi chốn Bồ Tát an tọa trong tư thế kiết già nhập định, nơi đó đầy kín những đóa hoa sen tung rải khắp chỗ ngồi của Bồ Tát.
Đó là do thần lực của Chư Phật tạo ra khiến cho Bồ Tát vì Chư Phật mà kiến lập ở nơi mười vô đắc trăm ngàn ức na thuật Cõi Phật số lượng cõi nước như vi trần. Ở nơi mỗi mỗi lỗ chân lông nên thân tướng của Bồ Tát đều phóng các luồng hòa quang sáng chói. Cũng như nơi mỗi mỗi lỗ chân lông, đôi mắt cũng phát ra ánh sáng chiếu khắp.
Nơi mỗi mỗi ánh hào quang phát ra từ mắt ấy hiện lên mười vô đắc trăm ngàn ức na thuật Cõi Phật với số lượng cõi nước như vi trần, đều có ngọc báu ma ni tên là Minh hiển tạng với vô số màu sắc kỳ lạ thảy thảy trang nghiêm, là nơi kết hợp của vô số đức, lưới báu giăng phủ bên trên, các thứ hoa xen nhau tô điểm, làm cho ánh sáng thêm lộ rõ.
Bồ Tát an trụ ở chỗ tối tôn, chỉ từ nơi pháp tam muội ấy mà thực hiện mọi sự hành hóa. Hành hóa của sự rốt ráo tột Bậc. Hành hóa không ngừng nghỉ. Tâm không tán loạn.
Nên đem cái niệm của tâm an định ấy tạo thành sự thật mà hành hóa, tạo thành sự thật không chận chạp thoái lui, tạo nên sự thật dứt mọi sân hận, tạo nên sự thật để tu tập, tạo nên sự thật cho hành động, tạo nên cứu cánh của hành động.
Vì sao như vậy?
Là vì Bồ Tát rốt cuộc không hành hóa một cách sai khác, trái lẽ. Bồ Tát cũng không nhờ vào kẻ khác làm giúp mình, ngôn hạnh của Bồ Tát luôn tương ưng.
Vì sao?
Ví như kim cương, được khen ngợi vì tính chất rắn chắc không thể hủy hoại. Thể tánh của kim cương là không bị hủy hoại nên rốt cuộc bản tánh của nó không hề mất. Bồ Tát cũng như thế. Thực hiện các pháp ấy và làm cho chúng thêm sáng tỏ, hiển lộ, nhưng không tan dứt đi nơi chỗ an trụ của chúng.
Ví như loại vàng ròng được ca ngợi vì màu sắc óng ánh của nó trong khi đem dùng nhưng không hề bị mất đi các ánh sáng tinh túy nơi thể tính nó. Bồ Tát cũng như thế. Đem ánh sáng tinh túy nơi các pháp tự làm cho chúng thêm sáng tỏ nhưng không hề hủy hoại các hành của sự tu thiện.
Ví như Nhật Thiên Tử làm hiển lộ một vùng ánh sáng rộng lớn mà không làm mất đi cái vẻ sáng rực rỡ. Bồ Tát cũng như thế. Đem ánh sáng giác ngộ chiếu khắp tận cùng cõi đời mà không làm mất đi đức sáng chói của Bồ Tát.
Ví như núi chúa Tu Di là nơi cất chứa vẻ đẹp của bốn thứ châu báu, đỉnh cao tột bậc đó là từ nơi biển sâu hiện ra. Bồ Tát cũng như thế. Gốc đức của Chư Bồ Tát ấy chính là vẻ đẹp hiển lộ khắp cõi đời. Làm cho chúng hiển lộ khắp mà không hề xa lìa chúng.
Ví như vẻ đẹp củ đại địa, có thể tạo nên sự vững vàng cho khắp thế gian mà không hủy diệt cái gốc của nơi chốn gìn giữ đó. Bồ Tát cũng như vậy. Hiển bày sự hóa độ chúng sinh. Không hề lìa tâm đại bi.
Ví như vẻ đẹp của biển cả, có các thứ châu báu nhưng hủy hoại nước biển, Bồ Tát cũng như vậy. Có được vẻ đẹp từ gốc của mọi công đức nhưng không lìa cái trách nhiệm nặng nề là vì chúng sinh để hóa độ họ.
Ví như người giỏi luyện tập quân binh, biết rõ chiều cao thấp của khí giới, cùng sự nặng nhẹ của chúng thì công việc tập luyện sẽ được thực hiện thuận tiện, trọn vẹn. Cứ dựa theo hình ảnh của lúc xông vào chiến trận mà tập thì sự luyện tập sẽ không khó khăn mà cũng không nhầm lẫn, áp dụng cho việc chiến đấu sẽ được lanh lẹ, thấu đạt.
Bồ Tát cũng như vậy. Ở các hình tượng như thế, tu tập nơi các pháp môn tam muội mà làm cho dấy khởi, hiển lộ. Đem ánh sáng của trí tuệ giác ngộ để tạo nên vẻ sáng rực cho sự tu tập của mình.
Ví như Việt Vương Già Ca, thọ mạng hết sức lâu dài, đối với thọ mạng của loài người thì đó là cứu cánh nhằm đạt đến. Bồ Tát cũng như vậy. Dốc tâm nơi việc tu tập các hạnh của Bồ Tát, đem các hình tượng nơi pháp đại tam muội chánh thọ ấy mà đi đến tận cùng các cõi chúng sinh để đạt được mọi thanh khiết của cứu cánh.
Ví như người chứng đắc năm thứ thần thông, tự mình biết được túc mạng của mình cùng của người khác. Bồ Tát cũng như thế. Dốc tâm dấy khởi việc tu tập theo các hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền, làm cho mọi cảnh giới của chúng sinh đều đạt được thanh tịnh, thể hiện gốc của mọi công đức kia.
Ví như mây lớn tạo ra mưa, thấm nhuần mọi nơi chốn, đem lại lợi ích cho khắp các loài. Bồ Tát cũng như thế. Dốc chí dấy lên những đám mây tạo ra các trận mưa pháp, đem đức hạnh của Bồ Tát làm cho thấm nhuần khắp nơi.
Bồ Tát đem các hình tượng nơi pháp đại tam muội chánh thọ ấy đến với tất cả chúng sinh, lấy thanh tịnh làm cứu cánh nên mới được chúng sinh quy kính, mà luôn có được mọi an lạc thường tại, luôn tu tập các pháp giải thoát độ vô cực.
Luôn luôn cứu độ nơi khắp thế gian, luôn luôn đem lại sự an vui cho khắp cõi đời, luôn luôn dứt trừ hết thảy mọi hồ nghi, luôn luôn thực hiện hạnh bố thí tạo các phước điền, thường mong đạt đến việc thọ nhận ánh sáng hiển lộ từ các Bậc Thánh.
Luôn luôn đem trí tuệ giác ngộ của Bồ Tát hòa đồng cùng bao số phận khác mà kiến lập bánh xe chánh pháp không hề thoái chuyển, luôn luôn đạt đến sự nhanh nhẹn trong ngôn từ, không gì là không thọ nhận, vì tất cả chúng sinh trong khắp ba đời mà làm chõ nương tựa cho họ, luôn luôn vì đạo pháp nên đạt đến ý nghĩa vững chắc của trí tuệ giác ngộ tạo thành sự thuận hợp cho chúng sinh.
Vì sao như vậy?
Là vì Bồ Tát tu tập đầy đủ các pháp ấy, làm theo nơi chốn kiến lập của Phật, khai mở cõi cửa pháp không thể nghĩ ngợi, lường tính.
Bồ Tát mọi nơi chốn hành hóa cùng ngôn từ của mình, khéo tu tuệ nhằm đạt đến trí tuệ giác ngộ, vì chúng sinh nên khéo tu tập để hóa độ hết thảy các loài, khéo tu tập nơi các cõi để thực hiện các thệ nguyện, khéo tu các pháp để có được mọi kiến lập, khéo tu tập để đạt tinh thần vô úy, dứt mọi nỗi kinh sợ, tu tập về biện tài để tuyên giảng, nêu bày chánh pháp đến các nơi.
Đem việc tu học với các pháp để diễn giảng rộng khắp. Tu tập nơi các pháp Tổng trì nên đối với mọi pháp luôn đạt được tự tại. Tu tập lễ bái các bảo tòa của Chư Phật nên tạo được sự thuận hợp với Chư Phật.
Bồ Tát như thế là an trụ pháp đại tam muội ấy, ở nơi các đức ấy cùng với mọi thứ đức khác vô đắc không thể nói và vô đắc, các đức trăm ngàn ức na thuật, thảy đều đạt được thanh tịnh. Bồ Tát đem nơi chốn của pháp đại tam muội ấy làm hiển lộ ánh sáng rực rỡ của uy nghi, thừa uy thần của Chư Phật, do từ gốc đức hạnh của chính mình mà dấy rõ lực thể hiện.
Do từ nơi ánh sáng của trí tuệ giác ngộ, thâm nhập một cách thích hợp lực thể hiện. Ở nơi các Bậc bạn lành, từ đó mà dấy khởi rõ hơn lực thể hiện. Hết thảy mọi tạo tác của chúng ma cũng được xoay chuyển thành lực thể hiện.
Bồ Tát đối với các thứ hành động, gốc của mọi đức, đem tất cả chúng tạo thành một lực. Đối với các thệ nguyện chính là lực kiên cố như mặc đầy đủ áo giáp chắc chắn. Cũng như từ gốc của các loại công đức làm dấy khởi diệu lực. Trải qua vô tận Thế Giới, đem mọi phước tạo nên lực của thân tướng không biết khuất phục.
Bồ Tát dùng pháp tam muội chánh thọ ấy mà thực hiện đạt được mười thứ hình tượng. Hết thảy Chư Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại vị lai đều cùng có hình tượng ấy.
Những gì là mười?
1. Đó là sắc tướng gồm những vẻ đẹp dùng để trang nghiêm thân mình, các vị Bồ Tát ấy đều có được hình tượng đó.
2. Các Bồ Tát ấy đều cùng có những màn lưới ánh sáng thanh tịnh.
3. Các vị Bồ Tát đều có thần túc, cảm ứng lớn lao tạo nên những nơi chốn ứng hóa, tùy thuận chỗ thích hợp của chúng sinh để hóa độ cho họ mà thị hiện các hình tượng.
4. Bồ Tát ấy có được thân tướng không thể nêu tính về hạn lượng, vô lượng màu sắc, hết thảy âm thanh đều thể hiện thích hợp với sự thanh tịnh.
5. Bồ Tát ấy kiến lập được những đức thanh tịnh của Cõi Phật, tùy theo mọi tạo tác tội phước của chúng sinh mà thích ứng để hiện khắp các hình tượng.
6. Bồ Tát ấy tùy thuận tất cả chúng sinh, nơi mọi hành động tạo tác, dùng lực của đức mà thâu tóm gìn giữ hết thảy, dùng tâm ý đã dứt mọi mê lầm, mặc đầy đủ áo giáp đức hạnh mà hiện ra các hình tượng.
7. Bồ Tát ấy dùng các biện tài vô tận, tùy theo ngôn ngữ âm thanh của chúng sinh, chỗ nhận biết về mọi hành tướng của sắc trần, thuận chuyển pháp luân mà hiện ra các hình tượng.
8. Bồ Tát ấy luôn có được tinh thần vô úy, như tiếng gầm vang của Sư Tử, vì hết thảy chúng sinh dùng phạm âm để thuyết pháp nên hiện khắp các hình tượng.
9. Bồ Tát ấy thâm nhập nơi câu lời Kinh Điển, ở nơi tích chứa của ba đời, thấu đạt thần thông, hiện ra các hình tượng.
10. Bồ Tát ấy dùng lực thanh tịnh của Phật, từ cảnh giới của Như Lai, vì chúng sinh mà thị hiện các hình tượng của Chư Như Lai.
Đó là mười.
Bấy giờ, Bồ Tát Đẳng Mục thưa bày với Bồ Tát Phổ Hiền: Thưa Bậc Đại Sĩ! Các vị Bồ Tát ấy, dùng các pháp về hình tượng như thế mà có được đầy đủ, cũng như đạt đến các hình tượng nơi Chư Như Lai.
Chẳng phải là Phật sao?
Chẳng phải là Bậc đã đủ mười lực sao?
Chẳng phải là Bậc đã đạt Phổ Trí sao?
Chẳng phải ở nơi các pháp giác ngộ mà cùng giác ngộ sao?
Chẳng phải là Bậc đã đạt Phổ Nhãn sao?
Chẳng phải ở nơi cõi gốc của các pháp mà vượt qua một cách mau chóng sao?
Có người lại chẳng tin tưởng vào việc tu tập theo các hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền sao?
Chẳng phải mọi nơi chốn hưng khởi của các Bồ Tát đó là đã thấu đạt tận cùng mọi nẻo của pháp giới đó sao?
Lúc này, Bồ Tát Phổ Hiền nói với Bồ Tát Đẳng Mục: Lành thay! Lành thay! Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Như thế đấy!
Như chỗ Bồ Tát vừa nói, các vị Bồ Tát ấy đã hiện ra các hình tượng của Chư Như Lai, lẽ nào chẳng phải là đúng theo lời chỉ dạy của Phật hay sao?
Như chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai ở đây, hết thảy Chư Bồ Tát nơi các cõi trong ba thời quá khứ hiện tại vị lai dốc tu tập các thệ nguyện thì đâu có sự phát khởi khác nhau?
Cõi ánh sáng giác ngộ ấy, nếu chẳng có thể đạt được, thì đối với các vị Bồ Tát đó lại chẳng dốc tâm cầu đạt giác ngộ như Phật hay sao?
Nơi chốn tu tập của Bồ Tát đối với Chư Như Lai không hề gián đoạn thì đó chẳng phải là sự dốc tâm của các vị ấy hay sao?
Diệu lực của chư vị đó là đã hội nhập vào Chư Như Lai chăng?
mười lực kia là còn phân biệt đây kia chăng?
Lại nữa, các diệu lực của Bồ Tát ấy không là sự niệm tưởng đối với Chư Như Lai chăng?
Các Bồ Tát ấy cũng không dừng trụ nơi các hạnh của Bồ Tát Phổ Hiền, không dừng lại ở sự phân chia đây kia mà dấy khởi các hạnh Bồ Tát.
Các vị Bồ Tát đó, nơi mọi nẻo của pháp giới, tạo được các chốn nêu bày thuyết giảng, tạo được sự hội nhập đến cõi tận cùng thì đấy gọi là đạt được Phổ Trí. Như các vị Bồ Tát ấy diễn nói về các pháp, là nơi chốn hội nhập của mọi chủng loại. Đều là từ nơi các hành động theo phương tiện ở ngoài mà cũng không thoái chuyển.
Lại nữa, sự nêu bày của các vị Bồ Tát ấy cũng như các pháp ấn mà Bồ Tát có được, từ đó nhận thức lãnh hội các hành, thực hiện sự giác ngộ của bản tính giác ngộ nơi các pháp.
Như các Bồ Tát ấy ở nơi nhị mà hành theo vô nhị, tỏ mọi trí tuệ phương tiện của các pháp, thâm nhập trí tuệ theo phương tiện để tu tập các pháp giải thoát vượt bờ, cũng không hề thoái chuyển, thì đấy được gọi là Bồ Tát.
Như các Bồ Tát đó đạt được cảnh giới Phổ Nhãn, thông tỏ các nẻo ánh sáng của trí tuệ là từ sắc tướng sinh ra chăng?
Và được gọi là Bậc Phổ Nhãn.
Như các vị Bồ Tát đó thực hiện các hành của cảnh giới Phổ Nhãn, ý là vô sở hành, như tâm luôn dấy khởi mà càng tăng thêm, mà không xa lìa, thì đó gọi là Bồ Tát.
Như các vị Bồ Tát đó đem ánh sáng rực rỡ của các pháp mà làm cho hiển lộ hơn nữa, như làm cho các địa được hiện bày, dùng trí tuệ vô ngại thực hiện các niệm, niệm tưởng Chư Phật, thì gọi là Bồ Tát.
Như các vị Bồ Tát ấy đạt được tuệ nhãn của Chư Như Lai thì có thể cho rằng đối với các pháp đã đạt quả vị Chánh Giác.
Như các vị Bồ Tát đó đã đạt đến tuệ nhãn Chánh Giác của Chư Như Lai, luôn tư duy quán tưởng về nó, không vướng mắc ở nơi hạn lượng thì gọi là Bồ Tát. Như các vị Bồ Tát đó, thực hiện các hạnh của Như Lai, ứng dụng hết thảy các hạnh của Như Lai thì đó là đã an trụ pháp vô nhị, vì Chư Phật trong ba đời cũng đều an trụ pháp ấy.
Như các Bồ Tát đó, tu tập theo Như Lai đạt được thần thông, tự mình thực hiện nơi chốn kiến lập theo diệu lý vô sở hành thì đó gọi là Bồ Tát.
Như các vị Bồ Tát ấy tạo được sự an trụ tận cùng cõi đời, mọi nơi chốn đều có sự vun trồng tích chứa căn lành thì gọi là Bậc tích tụ trí tuệ.
Như các vị Bồ Tát ấy an trụ gốc tích tụ, trừ bỏ đi mà phân biệt, cũng không cầu nơi gốc tích tụ ấy, cũng không dấy vọng tưởng, dấy vọng về cái có, ở nơi các pháp nhận rõ mà hành động thì gọi là Bồ Tát.
Như các vị Bồ Tát đó, chẳng động trong vô động, chẳng niệm trong vô niệm thì gọi là đã hưng khởi tận cùng gốc của đức.
Như các vị Bồ Tát đó đã thực hiện đầy đủ mọi sự hưng tạo rộng lớn, đều đạt thanh tịnh cũng không hề thoái chuyển, ở nơi ấy luôn thực hiện liên tục thì gọi là đã hoàn thành các hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền.
Như các vị Bồ Tát ấy, ở nơi pháp giới thông đạt tính chất vô lượng, đem cái gốc của các pháp là không, cùng ứng dụng để thực hiện các tướng nên tỏ ngộ các pháp là vô tướng. Lại nữa, các vị Bồ Tát ấy, ở nơi pháp giới nhận rõ tính chất an trụ, dừng nghỉ, như thế là dứt mọi tưởng chấp của Bồ Tát còn vướng ở nơi lưu chuyển.
Như các vị Bồ Tát đó, thông tỏ pháp giới, thấu đạt vô lượng, hội nhập nơi pháp giới, ở mỗi mỗi pháp trong các pháp dùng vô tướng mà đều thấu triệt dị tướng của chúng, không dấy sự mệt mỏi, chán nản, cho đến trải qua vô số ức kiếp cũng không lười trễ, thoái chí, đem tâm đại bi tế độ hết thảy mọi loài trong đời, tùy thuận giáo hóa chúng sinh thì Bậc Bồ Tát Đại Sĩ ấy chính là Bồ Tát Phổ Hiền.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba