Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Sáu - Phẩm Cảnh Giới Của Thức - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM SÁU

PHẨM CẢNH GIỚI CỦA THỨC  

PHẦN BA  

Bồ Tát Quang Tướng thưa: Nhận rõ ba độc là pháp tối tăm, chẳng thấy ba đạt là pháp thanh tịnh. Đó gọi là hành tuệ không dứt sạch vướng chấp.

Bồ Tát Sở Tác thưa: Chẳng thấy nhất tướng, nhận rõ vô tướng, chẳng thấy khổ, chẳng thấy lìa khổ, dứt khổ chẳng khổ, cũng không chỗ tạo tác. Đó gọi là hành tuệ không dứt sạch vướng chấp.

Bồ Tát Bất Thọ Hình thưa: Không có gốc của bốn đại, cũng không thấy cảnh giới hiện có, dốc hướng một nẻo vô vi, chẳng dấy khởi ba ý. Đó gọi là hành tuệ không, dứt sạch hết vướng chấp.

Bồ Tát Vô Đẳng thưa: Lìa mọi khổ vui thế gian, không đắm nơi tám pháp, thấy có được lời khen không cho đấy là vui, dù bị phỉ báng cũng không ôm lòng lo lắng, tâm nhẫn như đất. Đó gọi là hành tuệ không dứt sạch mọi tham đắm.

Bồ Tát Vô Cấu thưa: Chẳng thấy sáu tình tạo tác từ trong với sáu trần từ bên ngoài, chẳng thấy sáu trần cùng sáu tình đối nghịch. Đó gọi là hành tuệ không dứt sạch vướng chấp.

Bồ Tát Trùng Quán thưa: Sáu trần bên ngoài không làm dấy khởi thức bên trong, thức cũng không tham chấp sắc trần bên ngoài. Thức không biết ngã là sắc, sắc chẳng biết ngã là thức, âm thanh, hương vị cùng các pháp vi tế khác cũng lại như thế.

Pháp chẳng biết ngã là thức, thức chẳng biết ngã là pháp, hết thảy các pháp đều chẳng cùng biết. Đó gọi là hành tuệ không dứt sạch mọi vướng chấp.

Bồ Tát Viễn Ly thưa: Chẳng thấy năm ấm có nhiễm chấp.

Vì sao?

Vì tánh của năm ấm là tánh của các pháp, tánh ấy là thường trụ không biến đổi. Đó gọi là hành tuệ không, dứt sạch tham chấp.

Bồ Tát Hiền Hộ thưa: Các pháp tổng trì chẳng thấy có trông mong hay không trông mong, chẳng thấy có pháp có thể thuyết hay không thể thuyết, dốc giúp chúng sinh được đứng vững không còn thoái chuyển. Đó gọi là hành tuệ không, dứt sạch vướng chấp.

Bồ Tát Bảo Lai thưa: Các pháp luôn an định, không có từng ấy thứ, cũng không phân biệt có Pháp Phật, pháp Bồ Tát, pháp thế gian, pháp giải thoát, pháp hữu hình hay pháp vô hình, pháp có thể hộ trì, pháp chẳng thể hộ trì, thảy đều không phân biệt. Đó gọi là hành tuệ không, dứt sạch vướng chấp.

Bấy giờ nơi các tòa ngồi có vô số các vị trong bốn bộ chúng được nghe nói về các pháp tuệ không thanh tịnh, dứt sạch mọi vướng chấp ấy thì lại càng tăng thêm hồ nghi, không thấu đạt cứu cánh.

Đức Thế Tôn liền biết mọi niệm vừa dấy nơi tâm của các vị kia, rõ ràng là chưa đủ căn duyên để lãnh hội pháp tuệ không ấy.

Tức thì Đức Thế Tôn tự hóa thân tướng cao đến bốn trăm do diên do tuần, phát ra âm thanh lớn, nói với Chư Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác khắp mười phương Thế Giới hiện đang thuyết pháp được biết rằng: Các vị nào muốn được nghe để lãnh hội các pháp Bồ Tát Anh Lạc thì thảy nên vân tập đến Thế Giới Ta Bà này.

Lại hóa ra vô số chúng Bồ Tát lễ bái khắp mười phương Chư Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, cùng thưa: Hiện nay Đức Như Lai Năng Nhân ở cõi Ta Bà này đang diễn nói về pháp Bồ Tát Anh Lạc. Chúng con đều đã vân tập đông đủ đến cõi ấy.

Như vậy là khắp mười phương, Chư Như Lai ung dung tự tại, thân tướng cũng như hình tượng Thế Tôn hiện có, đều thu giữ, giữ gìn mọi oai nghi, đi tới Thế Giới Ta Bà. Các vị Bồ Tát vững tin, đạt được mười trụ thảy đều thấy rõ Chư Như Lai và cùng lễ bái cúng dường.

Mỗi mỗi vị Như Lai đều lần lượt an tọa nơi tòa vô úy. Những người chưa được vững tin còn ở cảnh giới phàm phu, chưa được thiên nhãn nên mọi thần thông chưa đầy đủ, cũng không thấy được Chư Như Lai ở mười phương đến.

Vì sao?

Vì tâm ý của hàng phàm phu ít lo sợ về việc mất phạm hạnh. Hoặc có vị Như Lai tọa định nơi ấy, thân tướng cao đến Cõi Phạm Thiên. Hoặc có vị Như Lai thân biến hóa khắp cả một ngàn Quốc Độ, hai ngàn Quốc Độ, cho đến tam thiên đại thiên Thế Giới.

Vì sao?

Vì chúng sinh được thọ nhận sự biến hóa nên được thấy hình tướng ứng hợp, được thọ nhận giáo pháp nên được lãnh hội đúng pháp mình thọ nhận.

Bấy giờ ở phương Đông, trải qua hai hằng hà sa Quốc Độ có Đức Như Lai hiệu là Bản Tịnh, liền cùng với đại chúng dùng kệ để nói pháp ngôn này:

Hư Không chẳng bến bờ

Tưởng chấp dấy hồ nghi

Cõi gốc hành đã chọn

Không hai, không kẻ sánh.

Muốn thuyết tướng hư không

Bản chất không sinh khởi

Nghi hư không được gì

Trong ấy muốn cầu không.

Ta nay đã thành Phật

Tâm định, dứt mọi nhiễm

Sạch cấu, thêm tôn quý

Lại chẳng hề dấy diệt

Đã vào đường bằng phẳng

Không theo ý nhỏ hẹp

Ngã hợp, tâm không sinh

Đạo đạt theo đó diệt.

Ta thọ mạng có kiếp

Nẻo hóa độ vô cùng

Ý đoạn, luôn tịch diệt

Đâu biết có độ người?

Bảy quán thân trang nghiêm

Sắc hoa đạo không đổi

Không hình vào mọi nẻo

Đó là đường Bồ Tát

Như Lai gồm hai lối

Gốc đạo, các đức đủ

Quyền hiện pháp ảo hóa

Nên hợp không sinh diệt

Trời, Người đủ muôn loài

Không hình, chẳng có số

Người hữu hình được gì

Khéo rõ pháp không sắc

Thế hùng, kho vô tận

Chẳng sắc cũng dốc đạt

Huống lại chưa đạt đạo

Muốn thấu tuệ bình đẳng

Tuy trải trăm ngàn kiếp

Chưa từng tự dứt ý

Chúng sinh do lười kể

Trụ giữa, ý chẳng lập

Pháp đại thừa bình đẳng

Lãnh hội sao hết được?

Nay tạm nêu Tuệ không

Sao lại nghi nơi không?

Đức Như Lai Bản Tịnh nói xong bài kệ ấy hốt nhiên biến mất.

Về phương Nam, cách xa cõi này mười tám ức hằng sa Quốc Độ, ở đấy có Cõi Phật tên là Nghiêm Tịnh, Đức Phật nơi cõi đó hiệu là Như Lai Ly Cấu Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ, hiện thân với sắc tướng lồng lộng, ở nơi đại chúng lại nói bài tụng:

Ta gốc từ đạo có

Nghe Tuệ không bình đẳng

Trải qua mười hai kiếp

Nên được định ý ấy

Tư duy trước sau lại

Sáu độ, bốn bậc hành

Đều từ nẻo tuệ không

Sáng rực gốc các pháp

Phát tâm có thứ bậc

Thệ nguyện lớn chẳng khác

Niệm quán, tuệ dứt chấp

Độ người không tính kể

Như ta nẻo du hóa

Nhiều Anh Lạc trang nghiêm

Nêu bày tuệ thù thắng

Nước không ba đường ác

Chỉ diễn hành tuệ không

Chẳng vướng nẻo không có

Ta đã dứt nẻo tâm

Làm sao nên thuyết hữu?

Tánh như không hình tướng

Pháp giới cũng thanh tịnh

Thông tỏ, diệt đã tận

Vì thế không sinh diệt

Lại qua cõi nghiêm tịnh

Mười ức các Quốc Độ

Nơi ấy có pháp này

Hành vô vi thanh tịnh

Thuyết lời chẳng có lời

Không chấp gốc có tướng

Nên hợp định tịch nhiên

Hành trọn không danh hiệu

Tâm chúng sinh nẻo hướng

Theo loài gốc thức dấy

Như ta hằng tự tại

Chẳng thấy đường có không.

Từng qua vô số kiếp

Dứt mong, chẳng chấp có

Muốn cầu diệt không dấy

Đạt được bước thành tựu

Nay đem không thân không

Hiện hình như chốn hướng

Tuệ Phật thật mênh mông

Trọn không chút cấu nhiễm

Tánh tự nhiên thanh tịnh

Chẳng thấy tưởng chấp thường

Tuệ đạo, mọi đức đủ

Nên hiệu là Ly Cấu

Tự thành tựu đạo quả

Du hóa cõi hư không

Hoặc làm Thiên Đế Thích

Phạm Thiên Vương đại tôn

Sở dĩ biến hóa hình

Hóa độ kẻ chấp có

Tuệ vô sinh nẻo tận

Cứu cánh luôn thanh tịnh

Lại làm Chuyển Luân Vương

Thống lãnh vô số thành

Lìa bỏ để học đạo

Biết rõ chẳng dài lâu

Lại vào nẻo Thanh Văn

Hiện như, đạo chẳng đạt

Nên liền dốc theo thầy

Dứt mọi tưởng chấp buộc

Lại đến Tịnh Cư Thiên

Thuyết gốc hành thanh tịnh

Khiến lìa phước báo ấy

Bậc đó chẳng hết khổ

Chúng sinh, sắc Vô Sắc

Chấp thường chẳng trừ tưởng

Kiêu mạn tự buông thả

Khiến nhập hết cửa đạo

Bậc Chánh Giác gốc không

Nẻo hóa chẳng có hình

Gốc sinh tử thấu lẽ

Trọn chẳng rời tịch tĩnh

Huống bốn bộ chúng nay

Mới nghe liền biếng trễ

Loại ấy tự hạn kỳ

Khó mau thành tựu được.

Đức Như Lai Ly Cấu nói xong bài kệ ấy liền hốt nhiên biến mất.

Về phương Tây, cách cõi này trăm ức hằng sa Quốc Độ Chư Phật, có cõi tên là Thủy Tinh, Đức Phật ở cõi ấy hiệu là Như Lai Tịnh Tôn, là Bậc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, mười tôn hiệu gồm đủ. Chúng sinh nơi cõi ấy chỉ phụng trì một pháp, không có sáu độ và các hành gốc của mọi tạo tác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần