Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bổn Hạnh - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thiên Tức Tai, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT BẢN HẠNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thiên Tức Tai, Đời Tống
PHẦN MỘT
Nghe như vậy!
Một thuở nọ Đức Phật ở tại khu lâm viên Thái Tử Kỳ Đà, cấp cô độc thuộc nước Xá Vệ.
Bấy giờ Đức Thế Tôn thấy các vị Sa Môn tâm biếng nhác, chẳng siêng năng, tinh tấn, mới bảo Tôn Giả A Nan: Tánh biếng nhác, đem lại hậu quả vô cùng tai hại. Nếu người ở đời mà biếng nhác thì cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, tài sản nghiệp nhà không phát triển.
Nếu hàng xuất gia mà biếng nhác thì không thể vượt ra khỏi bể khổ sinh tử. Do đó nên biết rằng tất cả kết quả tốt đẹp đều phát sinh từ hạnh tinh tấn. Nếu người ở đời mà tinh tấn thì cơm ăn, áo mặc đều đầy đủ, dư giả, nhà cửa ngày càng phát đạt, được kẻ xa người gần khen ngợi.
Nếu người xuất gia tu hành tinh tấn thì đạo nghiệp sẽ được thành tựu. Muốn được đầy đủ kho tàng pháp ba mươi bảy phẩm trợ đạo và các chánh định… cắt đứt dòng sinh tử, đạt đến cảnh giới Niết Bàn vô vi an lạc, thì phải siêng năng tinh tấn.
Nếu biết lấy hạnh tinh tấn làm nền tảng, thì việc thực hiện các pháp: Sáu độ Ba la mật, bốn pháp bình đẳng, bốn ân, bốn vô úy, mười lực, mười tám pháp đặc biệt bất cộng của Như Lai, sáu thông, ba đạt, thành nhất thiết trí, thì cũng không có gì là khó khăn cao xa hết. Ngoài ra muốn đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, giáo hóa chúng sinh để trang nghiêm Cõi Phật, cũng đều do tu hạnh tinh tấn này mà thành tựu.
Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Về thuở quá khứ cách đây vô số kiếp, có năm trăm người con hàng trưởng giả, thiết lập đàn tràng bố thí rộng lớn, dựng cờ, đánh trống và bố cáo rằng: Các bậc Sa Môn, Bà La Môn và những người ăn xin đều được cúng dường cung cấp.
Năm trăm người con hàng trưởng giả đều bỏ ra nhiều loại ngọc ngà châu báu, voi, ngựa, xe cộ, áo quần, mùng mền và các thức ăn uống… tùy theo nhu cầu của mỗi người mà cung cấp.
Thời ấy có một người nghèo khổ, tha phương cầu thực ở rất nhiều nước, nay đến nước này, thấy năm trăm người con hàng trưởng giả thiết lập đàn tràng, chẩn thí để giúp đỡ người nghèo thiếu một cách chu toàn, trong tâm không có một chút lẫn tiếc, nên hỏi các người con hàng trưởng giả: Quý vị đem công đức bố thí này cầu mong việc gì?
Năm trăm người con hàng trưởng giả liền trả lời: Đem công đức bố thí này cầu thành Phật Đạo.
Kẻ nghèo khổ lại hỏi: Sao gọi là Phật Đạo?
Và Phật ấy thế nào?
Các người con hàng trưởng giả đáp: Xét về quả vị thì Phật vượt hai quả vị A La Hán và Bích Chi Phật, là vị Thầy đặc biệt tôn quý của trời, người trong ba cõi.
Ngài có lòng đại từ vô lượng, đại bi vô biên, thương xót chúng sinh trong năm đường giống như mẹ hiền thương con đỏ. Ngài khuyến hóa tất cả chúng khiến thực hành điều lành để cắt đứt các cảnh khổ trong ba đường ác, vượt qua biển khổ sinh tử, đi đến cảnh giới Niết Bàn an lạc.
Sở dĩ gọi là Phật vì Ngài đã dứt sạch các điều ác, chứa tất cả điều lành, các phiền não ô nhiễm không còn phát sinh, tâm ái dục đều diệt, đầy đủ sáu độ Ba la mật, dùng phương tiện tùy thời giáo hóa không có lúc nào gián đoạn. Có mười thần lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng đặc biệt, ba mươi bảy phẩm trợ đạo là kho tàng Phật Pháp vô giá.
Thân màu vàng tía, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, sáu phép thần thông thông suốt không bị chướng ngại, biết rõ vô cùng kiếp quá khứ, vô cùng kiếp vị lai và những sự việc trong hiện tại, không có việc gì là không thấu suốt.
Ba minh như tấm gương soi sáng vô cùng tận không gian và thời gian, được thể hiện qua mười câu nghĩa. Có đầy đủ những đức như thế gọi là Phật. Sở dĩ các người con hàng trưởng giả mỗi mỗi đều ca ngợi Đức Phật có vô lượng đức hạnh là do nguyên nhân như vậy.
Khi đó, kẻ nghèo khổ nghe được công đức của Phật, trong tâm tự nghĩ: Ta nay cũng muốn học theo nguyện ấy để rộng độ tất cả chúng sinh, ngặt vì ta nghèo không có tài sản quý giá, vậy nên đem cái gì làm việc bố thí?
Trong tâm tự nghĩ sẽ đem tấm thân mình dùng vào việc bố thí.
Ý nghĩ như vậy rồi, liền thực hành hạnh cao cả ấy, đem bùn thoa khắp châu thân, nằm ngoài gò mả, phát nguyện: Ta nay dùng thân này bố thí cho tất cả chúng sinh. Như có ai muốn dùng thịt, đầu, mắt, tủy, não, ta đều xin bố thí, nguyện đem công đức này cầu thành Phật Đạo, độ khắp chúng sinh.
Phát nguyện này rồi, liền lúc đó, cả cõi tam thiên đại thiên Thế Giới đều chấn động dữ dội, các cung điện cao ngất của Chư Thiên bị lay chuyển.
Bấy giờ, Chư Thiên nơi Cõi Trời run rẩy lo sợ. Thích Đề Hoàn Nhân lập tức dùng thiên nhãn quan sát Cõi Diêm Phù Đề, thấy một Bồ Tát dùng thân bố thí đang nằm ngoài gò mả, liền giáng xuống để thử tâm Bồ Tát này.
Thích Đề Hoàn Nhân liền biến hóa làm các loài chó, loài chim, loài thú… cùng nhau bay đuổi muốn đến ăn thịt. Bồ Tát thấy đàn chó và bầy chim cùng nhau đến ăn thịt mình, tâm ý lại hoan hỷ, không chút lay động, thoái chuyển.
Vua Trời bèn hiện nguyên hình là Thích Đề Hoàn Nhân ca ngợi: Lành thay! Lành thay! Rất là đặc biệt, khó ai làm được. Rồi hỏi vị Bồ Tát.
Chẳng biết Ngài đem công đức của hạnh bố thí này cầu mong việc gì?
Phải chăng là cầu mong làm Vua Cõi Trời Phạm Thiên hay làm Vua Chuyển luân?
Bồ Tát đáp: Chẳng phải mong cầu làm Chuyển Luân Thánh Vương hay làm Vua các Cõi Trời, Ma Vương, Phạm Vương, cũng chẳng nguyện cầu cảnh vui trong ba cõi. Ta nay chí tâm cầu thành Phật. Vì ta nghèo không có tài sản dùng. Vào việc bố thí, nên đem thân này bố thí với sở nguyện cầu mong thành Phật, độ vô lượng tất cả chúng sinh.
Vua Trời Thích Đề Hoàn Nhân cùng vô số Chư Thiên, khác miệng cùng lời đồng nhau ca ngợi: Hay thay! Hay thay! Quá đặc biệt, khó ai sánh được!
Bèn đọc bài kệ:
Mong cầu đạo tối thắng
Chẳng tiếc thân mạng mình
Xả thân như đất bẩn
Do chấp ngã không còn.
Tài thí tuy là quý
Việc này chẳng phải khó
Dũng mãnh như thế kia
Tinh tấn mau thành Phật.
Đọc bài kệ xong, Thích Đề Hoàn Nhân nói với Bồ Tát: Sức đại dũng mãnh, đại tinh tấn của Ngài khó ai sánh bằng, vượt hơn sự tài thí của năm trăm vị Bồ Tát con hàng trưởng giả, gấp hơn trăm ngàn muôn ức lần, không thể kể xiết. Do việc làm ngày hôm nay, Ngài sẽ thành Phật trước năm trăm vị Bồ Tát kia.
Đế Thích và Chư Thiên đùng hương hoa Trời rải trên mình Bồ Tát, rồi lui về một cách hoan hỷ.
Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Người nghèo cùng đó chính là thân ta hôm nay, còn năm trăm người con hàng trưởng giả lúc ấy nay là Di Lặc cùng năm trăm vị Bồ Tát. Ta do dũng mãnh tinh tấn, vượt lên trên công đức của các vị Bồ Tát kia, nên nay ta thành Phật trước.
Bồ Tát bố thí như vậy, siêng năng tu hành tinh tấn là việc làm cần thiết trước tiên.
Tôn Giả A Nan và chư Tỳ Kheo nghe lời Phật nói, không một ai là không hoan hỷ, tất cả lễ Phật, mọi người đều tinh tấn, chỉnh đốn đạo hạnh của mình.
Nghe như vậy: Một thuở nọ, Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ. Có một vị Cư Sĩ giàu có, của cải vô số, ngọc ngà châu báu của ông ta nhiều hơn kho tàng nhà Vua, tên là Ma Ha Nam Ma, là người tham lam bỏn sẻn, không dám ăn mặc, không biết bố thí.
Khi nào đi đâu thì đánh chiếc xe cũ kỹ, kết cỏ làm lọng, mặc đồ tồi tàn, ăn thì cơm hẩm tầm thường chứ chưa từng nếm thử món ngon vật lạ, đến giờ ăn lại đóng cửa. Qua cơn đau nặng thành phải bỏ thân, lại không con cái nên Vua Ba Tư Nặc sung công tất cả tài sản, châu báu ngọc ngà mà chính bản thân ông ta cùng vợ chưa từng dám thọ dụng bao giờ.
Vua Ba Tư Nặc liền đến nơi Đức Phật đang trụ, cúi đầu đảnh lễ sát chân Phật, rồi trở về chỗ mình thường ngồi, bạch Phật: Thưa Đức Thế Tôn, nước con có một Cư Sĩ tên là Ma Ha Nam Ma, là người tham lam bỏn sẻn, không biết bố thí, không dám ăn mặc nay đã chết rồi, không biết ông ta sinh về cảnh giới nào?
Đức Phật bảo nhà Vua: Thần thức ông ta đọa vào Địa Ngục thú dữ, trải qua ngàn vạn năm chịu mọi đau khổ. Thoát khỏi cảnh địa ngục rồi, lại đọa vào cảnh ngạ quỷ, suốt ngày đêm bị đói khát, thân thường bị lửa đốt, trải qua trăm ngàn năm như vậy, hoàn toàn chưa từng nghe đến danh từ cơm nước.
Nhà Vua nghe lời Phật dạy, lòng quá sợ hãi, chân lông nổi ốc, không dằn được lòng nên buồn tủi rơi lệ.
Đức Phật bảo với Vua: Xét về người trí, thường xả bỏ tánh bỏn sẻn tham lam, thực hành hạnh bố thí, hiện đời được nhiều người giúp đỡ, kiếp sau được hưởng phước giàu sang.
Đức Phật lại bảo: Này Đại Vương, về thời quá khứ, Cõi Diêm Phù Đề này có một Hoàng Đế trị vì một nước lớn tên là Ca Na Ca Bạt Di, là người nhân từ, làm chủ Cõi Diêm Phù Đề có tám vạn bốn ngàn Vua chư hầu, một vạn Đại Thần, hai vạn thể nữ và một vạn phu nhân, đời sống của dân chúng hết sức hưng thịnh.
Bỗng nhiên có hỏa Tinh Xuất hiện vận hành, quan Thái Sử tiên đoán: Sẽ bị đại hạn, trải qua mười hai năm không mưa.
Thái Sử đem việc này tâu lên Hoàng Đế: Hỏa tinh vừa xuất hiện, chắc chắn Cõi Diêm Phù Đề sẽ bị đại hạn, trải qua mười hai năm không mưa, nếu không mưa thì ngũ cốc thất thu, muôn dân đói khát, Quốc Gia sẽ lâm vào cảnh hoang tàn điêu đứng.
Ta sẽ làm thế nào bây giờ?
Chúa thượng nghe tâu, lòng rất lo âu phiền muộn, liền ra lệnh Quần Thần triệu tập tám vạn bốn ngàn Vua nơi các tiểu quốc lập tức về tâu chúa thượng, nói rõ chư hầu phải dâng sớ kê khai sổ nhân khẩu của nước mình, lại cũng phải kê khai số lượng thực hiện còn nhiều ít, là bao nhiêu đấu, thăng. Bất luận nam nữ, giàu sang, nghèo hèn, lớn nhỏ… tính số người và số ngày, bình quân cấp mỗi người một ngày là một thăng thóc, không được ăn no.
Quần Thần và các Vua chư hầu răm rắp tuân lệnh, rồi mỗi người trở về nơi nước của mình tuyên đọc sắc lệnh của hoàng thượng cho dân chúng nghe, tất cả từ trên xuống dưới một mực thi hành.
Từ đó về sau Trời hạn không mưa, không có nước gieo trồng, nên không thư hoạch lúa thóc gì cả, do đó dân chúng chết đói rất nhiều.
Quần Thần tâu lên Hoàng Đế: Dân chúng quá đói nên chết rất nhiều.
Hoàng Đế ra lệnh bảo cho các nước chư hầu dạy dân của mình tu tập mười điều lành. Tuy thân có chết đi, thần thức sinh lên Cõi Trời hưởng mọi diệu lạc tự nhiên.
Quần Thần nhận sắc lệnh của Hoàng Đế rồi, đều ra lệnh cho muôn dân từ lớn đến nhỏ phải tu tập mười điều lành, ai giữ được mười điều lành, sau khi chết sinh lên Cõi Trời.
Lúc ấy, có một người trí tuệ thông minh, hình dung tuấn tú không ai sánh bằng.
Người này thấy gia đình bà Tỳ Xá mẹ con thông dâm, thấy việc như vậy rồi tâm ông không vui, trong ý suy nghĩ: Tuy mang thân người mà làm việc súc sinh, bị sắc dục khiến cho điên cuồng, con chẳng biết mẹ, mẹ chẳng biết con, điên đảo không biết kẻ trên người dưới, ở trong sinh tử, thật đáng sợ hãi.
Người ấy liền cạo tóc xuất gia, mặc áo hoại sắc, vào trong thâm sơn hay đến nơi đầm vắng, thiền tọa tư duy, suy nghĩ thế này: Do có ngu si, tham dục và sân hận mà phát sinh các hành nghiệp, nên chịu quả báo đau khổ sinh tử trong năm đường. Nếu không có ba độc th ìkhông có hành nghiệp, hành nghiệp đã diệt thì không thọ thân căn, đã không có thân thì các khổ liền diệt.
Suy nghĩ như vậy, bỗng nhiên tâm trí được khai ngộ, các sự ham muốn tức thì diệt hẳn, liền chứng quả Bích Chi Phật, sáu phép thần thông thấu suốt không bị ngăn ngại.
Rồi lại nghĩ: Ngày nay ta sẽ đi khất thực ở đâu?
Quán sát dân chúng trong Cõi Diêm Phù Đề đều đói khát, không thể đến họ khất thực được, chỉ có Đại Vương Ca na ca bạt di là thí chủ duy nhất, ta phải đến đó khất thực, tức liền bay đến nội cung của Đại Vương ấy để khất thực.
Đại Vương nói: Thực phẩm của ta chỉ đủ ăn một ngày nay nữa là hết.
Rồi Đại Vương thầm nghĩ: Nếu hôm nay ta ăn phần ăn này rồi cũng phải chết, nếu ta không ăn thì cũng phải chết, chi bằng may gặp Bậc Thần nhân khó gặp này, ta thà chẳng ăn, đem cúng phần ăn của ta cho vị Thượng Nhân ấy.
Nghĩ như thế rồi, Đại Vương đem phần ăn của mình dâng cúng cho vị Bích Chi Phật.
Bích Chi Phật thọ trai xong rồi, trong ý suy nghĩ: Sự bố thí hôm nay của Đại Vương này khó ai sánh bằng, ta sẽ làm cho Đại Vương tăng thêm lòng hoan hỷ.
Nghĩ như vậy rồi, liền ở trước mặt Đại Vương, Bích Chi Phật bèn bay bổng lên Hư Không, biến hóa đủ cách: Ẩn phương Đông, hiện phương Tây. Ẩn phương Tây, hiện phương Đông. Ẩn phương Nam, hiện phương Bắc. Ẩn phương Bắc, hiện phương Nam.
Ẩn phương dưới, hiện phương trên. Ẩn phương trên, hiện phương dưới. Đi vòng quanh trên hư không, hoặc ngồi, hoặc nằm. Phía trên thân phun ra lửa, phía dưới thân phun ra nước, phía dưới thân phun ra lửa, phía trên thân phun ra nước. Từ một thân phân ra làm trăm ngàn vạn thân cho đến vô số, rồi đem vô số thân hiện làm một thân.
Biến hiện xong rồi, từ hư không giáng xuống đứng trước mặt Đại Vương, nói: Sự bố thí ngày hôm nay của Đại Vương khó ai sánh bằng. Đại Vương muốn cầu nguyện những gì, ta sẽ giúp đỡ cho.
Đại Vương cùng Quần Thần, phu nhân, thể nữ, tất cả đều vui mừng, đầu mặt sát đất đảnh lễ dưới chân Bích Chi Phật, cầu nguyện: Nay muôn dân trong nước chúng tôi gặp phải tai họa khốn cùng, đến nỗi mạng sống chỉ còn trong giây lát, nay đem công đức của bữa ăn cuối cùng cúng dường cho Thượng Nhân để cầu dứt trừ tai họa đói khát hiện có trong nước này. Đó là niềm ước mong duy nhất.
Bích Chi Phật đáp: Ta sẽ đáp ứng đúng như sở nguyện của các vị.
Nói xong liền bay đi mất dạng. Ngay khi đó, trên bầu Trời mây cuồn cuộn nổi lên, gió lớn nổi dậy thổi sạch những vật dơ bẩn trên mặt đất, tất cả phẩn uế đều biến mất. Tiếp theo, mưa xuống thực phẩm đủ trăm mùi hương vị khắp Cõi Diêm Phù Đề. Kế đến, mưa tuông toàn là ngũ cốc, rồi đến áo quần, mền mùng, cuối cùng là mưa xuống bảy thứ châu báu.
Tất cả tám vạn bốn ngàn Vua chư hầu cùng thần dân trong Cõi Diêm Phù Đề đều vui mừng không kể xiết!
Khi ấy Hoàng Đế bảo Quần Thần ra lệnh cho tám vạn bốn ngàn Vua chư hầu, mỗi người phải dạy tất cả dân chúng trong nước của mình tu hành mười điều lành.
Bấy giờ, toàn Cõi Diêm Phù Đề ngũ cốc đều tươi tốt, thực phẩm đầy dẫy, muôn dân vui vẻ thực hiện theo mười điều lành, đem tình thương đối xử với nhau như cha, như mẹ, như anh, như em. Tất cả mạng chung đều sinh về Cõi Trời, không có một ai đọa vào ba đường dữ.
Đức Phật bảo Đại Vương Ba Tư Nặc: Hoàng Đế Ca Na Ca Bạt Di thời đó là thân ta ngày nay. Ta lúc ấy chỉ đem một bữa ăn cúng dường cho một vị Bích Chi Phật, hiện đời đó đã được công đức phước báo như thế, do công đức này đưa đến ngày nay Ta thành Phật, tất cả dân chúng đói khát khổ não trong thời ấy nay đều được chứng đạo, hưởng cảnh an ổn diệu lạc cho đến Niết Bàn tịch diệt.
Lúc ấy, tất cả hàng đệ tử cùng Vua quan, thứ dân trong hội đều vui mừng.
Đức Phật bảo Đại Vương Ba Tư Nặc: Tất cả chúng sinh bị sợi dây tham lam bỏn sẻn trói buộc, bị sự phủ che của tham lam bỏn sẻn ấy nên không biết bố thí, phải chịu lấy quả đau khổ không thể kể xiết. Đức Phật nhớ lại về thuở quá khứ xa xưa, tại Cõi Diêm Phù Đề này có một thành tên là Bất Lưu Sa, vị Vua trong thành tên là Ba đàn ninh, phu nhân tên là Bạt Ma Kiệt Đề.
Trong nước nhằm lúc củi quế gạo châu, muôn dân lâm vào cảnh đói khát, lại thêm bệnh tật. Nhà Vua cũng bị lâm bệnh, phu nhân tự ý một mình ra ngoài thành cầu thần linh.
Dọc trên đường đi có một gia đình, nhằm lúc người chồng đi vắng, người vợ lâm bồn mà không có người hộ sinh, thêm vào đó khi sinh xong ruột đói như cào, trong nhà không có thực phẩm, sản phụ đói lả muốn chết.
Nên lại thầm nghĩ: Nay cái chết của ta sắp đến, toan tính vô phương, chỉ có một cách duy nhất là ăn thịt con mình để tự cứu mạng mà thôi. Nghĩ như thế rồi, tay liền cầm dao sắp sửa giết con mình, nhưng trong lòng cảm động nên cất tiếng khóc òa!
Đúng lúc đó phu nhân trên đường đi về cung, tai nghe tiếng khóc của sản phụ rất thảm thiết, lòng càng áo não xót thương, nên dừng chân lắng nghe.
Còn người sản phụ ngay lúc cầm dao giết con mình trong tâm tự nghĩ: Sao lại nhẫn tâm ăn thịt con. Nghĩ như vậy rồi nên cất tiếng kêu khóc.
Phu nhân lập tức bước vào trong nhà, hỏi sản phụ: Vì sao kêu khóc?
Muốn làm việc gì?
Sản phụ liền đáp: Không có thực phẩm để ăn, lại thêm vừa mới sinh, thân thể thêm yếu đuối bội phần, ý muốn giết con ăn thịt để cứu sống mạng mình.
Phu nhân nghe qua trong lòng xót xa đau đớn, nói: Người chớ giết con, đợi ta về cung, sẽ đem thịt đến cho người dùng.
Sản phụ nói: Phu nhân là bậc tôn quý, hoặc lại chậm trễ, hoặc lại quên mất. Mà tôi ngày nay mạng sống chỉ còn trong hơi thở không thể dần dà, chi bằng ăn thịt con mình để cứu lấy mạng.
Phu nhân lại hỏi: Người có thể ăn những thịt gì?
Sản phụ đáp: Thịt gì cũng được, miễn sao cứu được mạng người, không cần ngon dở.
LúC ấy, phu nhân liền cầm dao tự cắt vú của mình và tự nguyện: Ta nay đem thịt vú này dùng vào việc bố thí để cứu nguy ách cho người ấy. Chẳng cầu làm Chuyển Luân Thánh Vương, Thiên Đế, Ma Vương, Phạm Vương… mà chỉ đem công đức này nguyện thành tựu đạo quả Vô Thượng Chánh Chân.
Nguyện rồi đem vú của mình đưa cho sản phụ. Ngay lúc phu nhân cầm dao tự cắt vú, cả Cõi Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới hiện đủ sáu thứ chấn động, các cung điện của Chư Thiên đều bị rung chuyển.
Trời Đế Thích dùng Thiên Nhãn quán sát thế gian, thấy phu nhân tự cắt vú của mình để cứu mạng sống cho sản phụ. Lúc đó, Trời Đế Thích cùng vô số Chư Thiên liền bay xuống trụ trong Hư Không, đều buồn khóc, nước mắt tuôn rơi như trận mưa lớn.
Đế Thích hiện xuống, đứng trước mặt phu nhân, hỏi: Sự bố thí ngày nay của phu nhân không ai sánh bằng, không biết phu nhân đem công đức ấy cầu nguyện việc gì?
Phu nhân đáp: Nguyện đem công đức này cầu thành tựu đạo vô thượng chánh chân, để độ cho tất cả chúng sinh thoát khỏi các khổ ách.
Đế Thích hỏi: Sở nguyện ấy lấy gì làm bằng chứng?
Phu nhân lập lời thề: Nếu công đức bố thí ngày nay của ta chắc chắn thành tựu đạo Chánh giác thì cái vú bị cắt của ta lập tức bình phục như cũ.
Dứt lời thệ nguyện, thì vú của phu nhân bình phục lại như xưa.
Đế Thích Ca ngợi: Lành thay! Lành thay! Đúng như sở nguyện, nhứt định không bao lâu Ngài sẽ thành Phật.
Nhà Vua, Quần Thần cùng muôn dân hết sức ca ngợi, cho là việc hy hữu, vui mừng không kể xiết. Sau đó, bệnh tật trong nước được tiêu trừ, lúa gạo dồi dào, muôn dân hưởng cảnh thái bình an lạc. Chẳng bao lâu, nhà Vua băng hà, Quần Thần nhóm họp, bàn luận tìm người kế vị.
Trời Đế Thích bèn giáng hạ, bảo Quần Thần: Phu nhân Bạt Ma Kiệt Đề ngày nay đã biến thành thân nam tử, lại thêm phước đức hơn người, vậy nên thỉnh người lên ngôi quốc vương. Tất cả Quần Thần vô cùng hoan hỷ, liền làm lễ đăng quang cho phu nhân.
Tròng thời kỳ phu nhân làm Vua, Quốc Gia hưng thịnh, dân chúng giàu có, hưởng cảnh thái bình no ấm.
Đức Phật bảo Đại Vương Ba Tư Nặc: Phu nhân Bạt Ma Kiệt Đề lúc ấy tức là thân ta ngày nay. Ta không tiếc thân mạng, bố thí như vậy, nên hiện đời bấy giờ hưởng quả báo thân nữ biến thành thân nam, lại nối nghiệp đế vương. Cũng nhân công đức đó nên ngày nay thành Phật, hóa độ khắp tất cả chúng sinh.
Bồ Tát bố thí không còn chấp tướng và dũng mãnh như thế.
Thánh chúng đệ tử, Vua, quan, muôn dân… nghe lời Đức Phật nói ai ai cũng đều hoan hỷ, lễ Phật mà lui về.
Nghe như vậy: Một thuở nọ Đức Phật ở tại khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc thuộc nước Xá Vệ.
Trong thành có một Bà La Môn, một hôm ra ngoài thành lập đàn cúng tế, bày tiệc ăn uống. Cúng tế ăn uống xong rồi, vị Bà La Môn ấy thỉnh các Bà La Môn khác vào thành. Nhân lúc ấy Đức Phật vào thành khât thực.
Trên con đường vào thành, Bà La Môn trông thấy Đức Phật dung mạo oai nghiêm, hào quang rực rỡ, nên trong lòng hớn hở vui mừng, đi nhiễu quanh Phật một vòng, đảnh lễ rồi đi.
Đức Phật mỉm cười, hào quang từ miệng Phật chiếu khắp mười phương, trên tỏa đến Cõi Trời Ba Mươi Ba, dưới soi tới mười tám địa ngục lớn. Các loài ngạ quỷ nói chung, cảnh giới nơi năm đường không một ai là không hưởng sự mầu nhiệm của ánh quang minh này.
Người bệnh thì được lành, cảnh xiềng xích giam cầm trong lao ngục, tất cả đều được phóng thích. Còn Chư Thiên, muôn dân, trông thấy hào quang của Đức Phật tất cả đều vui mừng, liền đi tới chỗ Đức Phật, dùng bao nhiêu là hương hoa để cúng dường Đức Thế Tôn.
Tôn Giả A Nan quỳ mọp trước Đức Phật, bạch: Nụ cười hân hoan của Đức Phật hôm nay nhiệm mầu như vậy, không biết nụ cười ấy có ý nghĩa như thế nào mong Phật chỉ giáo cho.
Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Tôn Giả có thấy ông Bà La Môn lúc nãy đi nhiễu quanh Phật một vòng hay không?
Tôn Giả A Nan đáp: Dạ vâng, con có thấy.
Đức Phật nói: Người Bà La Môn ấy thấy Phật hoan hỷ, dùng ý thanh tịnh cung kính đi nhiễu quanh Phật một vòng. Do công đức này, Bà La Môn đó từ nay trở về sau, trải qua hai mươi lăm kiếp không đọa vào trong ba đường ác.
Ngược lại, sinh vào loài người hay trên Cõi Trời, nơi nào cũng hưởng an lạc vô cùng. Mãn hai mươi lăm kiếp rồi sẽ chứng quả Bích Chi Phật hiệu là Đặc sấn na kỳ lê.
Tôn Giả A Nan và tất cả đại chúng nghe lời Đức Phật nói, thân tâm đều được thanh tịnh. Có vị chứng quả Tu Đà Hoàn, có người chứng quả Tu đà hàm, có người chứng quả A Na Hàm, A La Hán, hoặc có người phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng Chánh Chân.
Chúng hội vui mừng, nhiễu quanh bên phải rồi lễ Phật lui về.
Nghe như vậy: Một thuở nọ Đức Phật ở tại nước Uất đơn la diên. Đức Phật cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Sa Môn đi vào trong xóm làng. Sắc tướng của Như Lai, với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp tỏa hào quang rực rỡ chiếu sáng cả Trời đất, không có một nơi nào là không sáng tỏ, cũng như ánh sáng vằng vặc của trăng đêm rằm giữa những đám sao nhấp nháy.
Ngài du hành gặp lúc Trời nắng oi bức mà lại không có một bóng râm mát nào.
Lúc ấy, có một người chăn dê thấy hào quang của Phật trong tâm tự nghĩ: Như Lai Thế Tôn là Bậc Đạo Sư trong ba cõi, đi trong nắng oi ả thế này mà không có bóng râm mát. Ông liền bện cỏ làm dù đi theo sau che trên đầu Đức Phật. Đi được một khoảng đường, cách bầy dê quá xa, anh ta bèn bỏ cỏ dù xuống đất, lật đật chạy về coi dê.
Đức Phật liền mỉm cười. Nụ cười vừa chớm nở thì nơi kim khẩu của Đức Thế Tôn phóng ra ngàn vạn đạo hào quang màu vàng rực rỡ lạ thường.
Trong mỗi đạo hào quang lại phát ra trăm ngàn tia sáng chiếu khắp cả mười phương, trên cho đến Cõi Trời thứ Ba Mươi Ba, dưới thì đến mười tám địa ngục lớn, ngạ quỷ, súc sinh… không một nơi nào là khổng sáng chói.
Người và Chư Thiên trong ba cõi thấy ánh quang minh của Đức Phật, lập tức liền đến chỗ Phật, tất cả dân chúng và các loài Rồng, A Tu La, vô số chúng hội hết sức vui mừng, đem tất cả hoa hương và đủ thứ âm nhạc cúng dường Đức Như Lai.
Tôn Giả A Nan quỳ mọp trước Đức Phật, bạch: Nụ cười của Phật không phải chỉ là cười suông, ắt có lý do. Xin Đức Phật nói rõ về ý nghĩa của nụ cười ấy.
Đức Phật bảo Tôn Giả A Nan: Tôn Giả có thấy người chăn dê khi nãy không?
Tôn Giả A Nan thưa: Dạ, con có thấy!
Đức Phật bảo: Người chăn dê ấy đem tâm cung kính, bện cỏ làm dù để che trên đầu Đức Phật.
Do công đức này, trong mười ba kiếp tới đây, bất luận sinh lên Cõi Trời hay tại nơi thế gian, cuộc đời luôn luôn giàu sang phú quý, thường có chiếc dù bằng bảy thứ ngọc quý tự nhiên che trên đầu. Sau khi mạng chung không đọa vào ba đường ác. Mãn mười ba kiếp rồi, xuất gia hành đạo thành Bích Chi Phật hiệu là A Nậu Bà Đạt.
Tất cả đại chúng nghe Phật nói việc này rồi, có kẻ chứng các quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm hay A La Hán, hoặc thành Bích Chi Phật, hoặc phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, hoặc chứng quả vị bất thoái chuyển.
Chúng hội vui mừng lễ Phật lui về.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế âm đạo đà La Ni Thân - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Phổ Môn Phẩm - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Ma La Ca Cữu
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Ba Mươi Chín - Phật Thuyết Kinh Thái Tử Mộ Phách
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Tam Ma địa - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Ba - đại Phẩm - Kinh Sela