Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Hai Mươi Hai - Phẩm Chín - Chuyện ðại Vương Vessantara Tiền Thân Vessantara - Phần Ba - Bố Thí Voi Báu

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

 An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG HAI MƯƠI HAI  

PHẨM CHÍN  

CHUYỆN ÐẠI VƯƠNG VESSANTARA

TIỀN THÂN VESSANTARA  

PHẦN BA

BỐ THÍ VOI BÁU  

Vào năm mười sáu tuổi, Bồ Tát đã tinh thông mọi môn học thuật. Lúc ấy Phụ Vương muốn cho Ngài lên ngôi, liền hỏi ý kiến Hoàng Hậu. Từ Hoàng Gia Madda tiến dâng công chúa Maddì, em họ ngoại của Ngài cùng mười sáu ngàn thị nữ, Vua phong nàng làm chánh hậu và cử hành lễ quán đảnh rảy nước phong Vương cho Ngài.

Từ lúc lên ngôi, Ngài vẫn thực hành đại bố thí, mỗi ngày phân phát sáu trăm ngàn đồng tiền. Sau đó chánh hậu Maddì sinh một Vương Tử được đặt vào một chiếc võng bằng vàng, vì thế Vương tộc đặt tên Vương Tử Jàli chiếc võng.

Vào thời Vương Tử chập chững biết đi, chánh hậu lại sinh một công chúa, được đặt vào một tấm da đen nên họ gọi tên cô là Kanhàjinà. Mỗi tháng bậc Ðại Sĩ ngự đến sáu bố thí đường sáu lần trên con voi lộng lẫy của Ngài.

Lúc bấy giờ Quốc Độ Kàlinga có hạn hán, lúa không mọc, nạn đói tràn lan, dân chúng không sống nổi sinh trộm cướp. Bị cơn túng quẩn bức bách, dân chúng tụ tập trước sân chầu và phỉ báng Vua.

Nghe vậy, Vua hỏi: Có chuyện gì vậy các con?

Họ trình Vua.

Ngài đáp: Ðược rồi, các con.

Ta sẽ làm mưa xuống: Rồi Vua bảo họ ra về. Ngài phát nguyện sống đức hạnh và giữ ngày trai giới Bồ Tát, nhưng vẫn không thể làm mưa xuống.

Vì vậy Vua triệu tập dân chúng lại và bảo họ: Ta đã phát nguyện sống đức hạnh và giữ bảy ngày trai giới, tuy nhiên vẫn không làm mưa rơi.

Vậy phải làm gì bây giờ?

Họ đáp: Tâu Chúa Thượng, nếu Ngài không thể làm mưa rơi, thì có Đại Vương Vessantara ở Kinh Thành Jettuttara Thái Tử của Vua Sañjaya, chuyên tâm bố thí. Ngài có một con voi lộng lẫy toàn trắng. Hễ nơi nào Ngài ngự đến, mưa liền rơi xuống. Chúa Thượng hãy phái các Bà La Môn đến xin con voi ấy và đem nó về đây.

Vua chấp thuận, triệu các vị Bà La Môn đến chọn tám người trong số đó và ban lương thực cho họ đi đường và bảo: Các khanh hãy đi tìm voi báu của Vua Vessantara. Vì sứ mạng này, họ lên đường đến Jetuttara. Tại bố thí đường, họ được tiếp đãi ân cần. Rồi rảy bụi bặm và phết bùn dơ khắp thân mình, vào ngày trăng rằm, họ đi xin voi báu của Vua.

Từ sáng sớm, Vua định đi thăm bố thí đường, nên đã tắm rửa bằng mười sáu bình nước hoa thơm và dùng điểm tâm, rồi ngự lên lưng bảo tượng được trang hoàng rực rỡ tiến về cổng phía Ðông.

Các Bà La Môn không tìm được cơ hội ở đó, liền đi về cổng nam, đứng trên một mô đất cao nhìn Vua bố thí ở cổng Ðông.

Khi Ngài đến cổng Nam, họ đưa tay ra và kêu lên: Ðại Vương Vessantara vạn tuế!

Khi thấy các Bà La Môn, bậc Ðại Sĩ thúc voi về phía họ đứng và ngâm vần kệ:

Các Đạo Sĩ kia, rậm tóc, lông,

Răng dơ, đầu phủ bụi màu hồng,

Cớ sao giơ cả hai tay nọ,

Gì đó các người vẫn ước mong?

Nghe vậy, các Bà La Môn đáp:

Bảo vật chúng thần vẫn khát khao

Cứu toàn dân tộc ấy, muôn tâu,

Con voi tối thượng phò nguy khốn,

Ngà trắng dài như một chiếc sào.

Bậc Ðại Sĩ nghe vậy, nghĩ thầm: Ta đang muốn bố thí bất cứ vật gì của chính ta, từ đầu trở xuống, thế mà họ đòi một vật ở ngoài thân ta. Thôi ta sẽ cho họ thỏa nguyện.

Và từ lưng voi, Ngài đáp:

Bố thí, ta không hề chối từ

Vật kia Ðạo Sĩ muốn ta cho,

Cao sang bảo vật phò Vua ngự,

Dũng mãnh con voi có bộ ngà.

Và Ngài chấp thuận:

Vua, vị cứu tinh dân tộc Ngài,

Nhẹ nhàng bước xuống khỏi lưng voi,

Hy sinh bố thí, đầy hoan hỷ

Cho đám La Môn vật họ đòi.

Các vật trang hoàng bốn chân voi trị giá bốn trăm ngàn đồng, các vật hai bên hông trị giá hai trăm ngàn, tấm vải che dưới bụng trị giá một trăm ngàn, trên lưng là những tấm lưới đầy ngọc vàng, châu báu, ba tấm mạng trị giá ba trăm ngàn, hai tấm trên hai lỗ tai trị giá hai trăm ngàn.

Trên lưng có tấm thảm trị giá một trăm ngàn, món trang hoàng trên mắt trị giá một trăm ngàn, ba tấm phủ đầu trị giá ba trăm ngàn, các vật nhỏ trang hoàng lỗ tai trị giá hai trăm ngàn, các vật trang hoàng đôi ngà trị giá hai trăm ngàn.

Các món trang hoàng biểu hiện điềm lành trên vòi trị giá một trăm ngàn, bảo vật trên trị giá một trăm ngàn, không kể các món trang hoàng vô giá trên thân giá hai trăm hai mươi vạn đồng, máng thức ăn trị giá một trăm ngàn đồng, tất cả lên đến hai trăm bốn mươi vạn đồng.

Hơn nữa, các thứ châu ngọc lớn nhỏ trên tấm thảm, trong chuỗi đeo cổ, châu báu trong chiếc gậy thúc, châu báu trong chiếc vòng quanh cổ, châu báu trên mắt voi, tất cả các món này đều vô giá, con voi cũng vô giá, hợp lại thành thất bảo vô giá.

Tất cả các vật này Ngài đều bố thí cho các Bà La Môn. Ngoài ra còn có năm trăm quân hầu cùng đám quản tượng và quét chuồng voi.

Một cuộc Tài Thí lớn như vậy khiến quả đất rúng động cùng với các điềm hy hữu như đã kể trên.

Ðể giải thích việc này, bậc Ðạo Sư ngâm kệ:

Lúc ấy khắp nơi thật hãi hùng

Người người cảm thấy rợn da lông,

Khi Ngài bố thí con voi báu

Quả đất kinh hoàng phải chuyển rung.

Lúc ấy khắp nơi thật hãi hùng,

Người người cảm thấy rợn da lông,

Khi Ngài bố thí con voi báu

Tất cả Kinh Thành phải chuyển rung.

Tiếng kêu gào thét thật kinh hoàng

Toàn thể Kinh Thành bỗng dậy vang:

Sivi Chúa Tể nuôi dân chúng

Cho các La Môn đại Tượng Vương.

Cả Kinh Thành Jetuttara đều rúng động. Chuyện kể rằng các Bà La Môn ở cổng phía Nam nhận được voi báu xong liền cỡi lưng voi chen lấn trong đám người đông như thác lũ, đi qua giữa Kinh Thành.

Ðám dân chúng nhìn thấy họ, liền la lớn: Này các Bà La Môn ngất ngưởng trên lưng voi, tại sao các ông lấy voi của nước ta?

Bọn họ đáp: Ðại Vương Vessantara đã ban voi cho chúng ta.

Còn các người là ai?

Bộ điệu họ hống hách với quần chúng như vậy, rồi họ băng qua Kinh Thành và ra khỏi cổng phía Bắc nhờ sự hỗ trợ của Chư Thần.

Dân chúng Kinh Thành phẫn nộ với Bồ Tát cất tiếng trách móc ầm ĩ.

Bậc Ðạo Sư ngâm kệ giải thích việc này:

Tiếng thét lớn kia cứ vọng vang

Tai nghe như vậy thật kinh hoàng

Khi Vua bố thí con voi báu,

Quả đất hãi hùng phải chuyển rung.

Tiếng hét lớn kia cứ vọng vang

Tai nghe như vậy thật kinh hoàng,

Khi Vua bố thí con voi báu

Dân chúng Kinh Thành thảy chuyển rung.

Tiếng thét lớn kia cứ vọng vang

Toàn dân đều khủng khiếp bàng hoàng:

Si vi Chúa Thượng nuôi dân chúng

Ðem bố thí luôn đại Tượng Vương!

Tất cả dân chúng Kinh Thành rúng động trong lòng vì đại sự bố thí này, liền đến trình Vua Cha.

Do đó có chuyện kể:

Vương tứ, La Môn, Vệ xá, Ug ga,

Quản tượng, bộ binh, kỵ mã, quản xa,

Ðiền chủ, toàn dân Si vi vội đến,

Thấy Tượng Vương đi, tìm Vua yết kiến:

Quốc Độ suy tàn rồi, tấu Ðại Vương,

Sao Ves san ta, Thái Tử vinh quang,

Bố thí Tượng Vương mọi người quý trọng?

Voi cứu tinh, ngà như sào, bạch tượng,

Biết lập chiến công trên mọi đấu trường,

Với quạt đuôi trâu rừng, ngọc trang hoàng,

Ðã dẫm nát tan mọi quân cừu địch,

Hung hãn, ngà dài, toàn thân trắng bạch

Như tuyết trên đỉnh núi Ke Là Sa,

Với cân đai, lọng trắng xứng Vương gia,

Cùng quản tượng và đám quân hầu cận,

Bảo vật này, Ngài đã đem ban tặng.

Sau đó, dân chúng còn nói thêm:

Ban y phục, lửa, xe, thức uống ăn,

Là cúng dường xứng với Bà La Môn.

Tâu Ðại Vương, bạn của toàn dân chúng,

Xin cho biết sao xảy ra hành động

Bởi Vương Nhi là dòng dõi Vương gia,

Chính người là Thái Tử Ves San Ta?

Lệnh dân Si vi, nếu Ngài từ chối,

Các Ngài sẽ bị toàn dân chống đối.

Nghe vậy, Vua Cha nghi ngờ họ muốn giết Vessantara, nên Ngài phán:

Vâng, ta chẳng màng Quốc Độ, ngai vàng,

Ta quyết không đày trẻ khỏi quê hương,

Thái Tử ta chẳng chút nào lầm lỗi,

Ta cũng không muốn vâng lời dân nói,

Vì con ta dòng chính thống là chàng.

Không, ta chẳng màng Quốc Độ, ngai vàng,

Ta quyết không đày trẻ khỏi quê hương,

Thái Tử ta chẳng có gì lầm lỗi,

Ta cũng chẳng muốn vâng lời dân nói,

Vì con ta, đích thực chính là chàng.

Không, ta quyết không làm hại hoàng nam,

Vì Thái Tử thật vô cùng cao cả.

Việc ấy đối với ta đầy nhục nhã,

Nó sẽ gây nhiều khổ não cho ta:

Làm sao ta cầm kiếm giết Vessa?

Dân chúng Sivi đáp:

Người không xứng dù bất kỳ hình phạt,

Dù kiếm, đao hay phải vào ngục thất,

Song hãy đuổi người ra khỏi giang sơn,

Ðến đỉnh núi Vam ka để náu nương.

Vua phán:

Hãy xem đây ý nguyền toàn dân chúng

Và chính ta không thể nào phủ nhận,

Song cho chàng hạnh phúc một đêm thôi

Trước khi chàng phải cất bước xa rời.

Sau khoảnh khắc của đêm nay vừa mãn,

Khi ngày mai bình minh vừa ló dạng,

Cả toàn dân hãy đến đuổi chàng đi.

Dân chúng đồng ý lời Vua đề nghị chỉ một đêm thôi. Sau đó, Vua bảo họ lùi về và nghĩ đến việc gửi thông điệp cho con, Ngài giao trọng trách cho một sứ giả, người này liền đi đến cung của Thái Tử Vessantara và trình mọi việc đã xảy ra.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần