Phật Thuyết Kinh Bồ Tát đẳng Mục Hỏi Về Tam Muội - Phẩm Chín - Bồ Tát đẳng Mục Nói Về Sự Hưng Khởi, Hiển Lộ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT ĐẲNG MỤC
HỎI VỀ TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM CHÍN
BỒ TÁT ĐẲNG MỤC NÓI VỀ
SỰ HƯNG KHỞI, HIỂN LỘ
Lại nữa, chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ Tát Đại Sĩ có pháp tam muội gọi là: Chư Phật làm sáng rõ cõi nước thanh tịnh.
Này chư vị! Chư Bồ Tát làm thế nào để có thể thực hiện nhập chánh thọ pháp tam muội Chư Phật làm sáng rõ cõi nước thanh tịnh ấy?
Lúc đầu Bồ Tát nhập ở Thế Giới phương Đông, từ một cõi nước này sang một cõi nước khác. Đối với các phương Tây, Nam, Bắc bốn phương và hai phương trên dưới, cũng từ cõi nước này đến cõi nước khác.
Ở nơi các cõi nước đó, Chư Bồ Tát làm cho mọi Phật Sự dấy khởi hiện diện khắp cõi, kính lễ đối với Chư Như Lai, Chư Bồ Tát hiện ra những cảm ứng lớn của Phật, hiện ra sự vui thích an lạc của Chư Phật, hiện rõ sự tôn quý hơn hết cùng các cảnh giới nơi sự tự tại của Chư Phật. Hiện rõ tiếng Sư Tử gầm của Phật. Hiện rõ mọi hạnh nguyện, tính chất trang nghiêm cùng diệu lực thần thông của Phật.
Cũng hiện rõ các chúng hội của Chư Phật, hiện những chúng hội thanh tịnh, hiện các chúng bình đẳng, các chúng như nhất, các chúng đông đúc lớn lao, các chúng nương tựa hỗ trợ, các chúng yên tĩnh dứt mọi loạn động, các chúng giáo hóa, các chúng ứng hợp, các chúng dũng mãnh to tát. Cũng hiện ra các chúng hội ở khắp Cõi Diêm Phù Đề. Bốn cõi cũng đều như thế. Ở nơi ngàn cõi nước, hai ngàn cõi nước, cũng đều như vậy.
Ở nơi tam thiên đại thiên cõi nước cũng hiện ra như thế. Nơi ức na thuật trăm ngàn cõi nước cũng hiện ra đầy đủ tính chất đông đảo của các chúng hội. Ở nơi vô tận số các cõi nước, hiện ra đầy đủ các chúng hội đông đúc. Cũng như nơi trăm ngàn Cõi Phật với số lượng các cõi nước như vi trần đều hiện đông đủ các chúng hội.
Nói tóm lại: Cho đến vô số, vô lượng Cõi Phật với các cõi nước số lượng như vi trần, cũng đều hiện khắp các chúng hội đông đảo hết mực. Đối với các chúng hội đông đảo tôn nghiêm ấy mà hiện ra lớp lớp Chư Phật được trông thấy, chiêm ngưỡng.
Hiện ra loại loại thân tướng của Chư Phật, hiện ra lớp lớp Chư Phật trong mọi thời, mọi nơi chốn, với vô vàn sự biến hóa, cảm ứng lớn lao, với muôn ngàn vẻ trang nghiêm, vẻ uy nghi cùng mọi hình sắc ảnh tượng tức là hiện ra đầy đủ lớp lớp sự việc của Chư Phật.
Chư Bồ Tát ở những nơi ấy, nơi các chúng hội đó, tự mình trông thấy mà cùng hiện khắp, cũng tự mình trông thấy ở nơi đó mà thuyết giảng khắp chốn. Cũng tự mình xem thấy việc phụng trì các pháp ở mọi nơi. Cũng tự biết về các phương tiện quyền xảo để thể hiện các pháp.
Cũng tự biết việc lãnh hội về mọi nghĩa lý của các pháp. Cũng tự biết việc lãnh hội thấu đạt về hư không, lãnh hội thông tỏ về Pháp Thân, về việc dứt mọi mối sợ hãi. Cũng tự biết là mọi nơi chốn đều là vô thường, chẳng có nơi chốn nào có các tưởng niệm bất biến.
Cũng tự nhận thức mà dứt bỏ vọng tưởng, nhận rõ các tuệ, lãnh hội các nghĩa, nhớ nghĩ các hành địa, nhớ nghĩ về các ý nghĩa hàm súc, đa dạng. Cũng tự nhận thức để lại thông tỏ là vô sở niệm, để chuyên tâm nhớ nghĩ đến Chư Phật, nhớ nghĩ đến các lực, nhớ nghĩ đến các tình các căn, nhớ nghĩ đến không hành, thấu đạt về sự nhàn tĩnh.
Nắm vững sự nhận thức như thế, Chư Bồ Tát chẳng niệm về cõi nước, chẳng niệm là có người, chẳng niệm về diệu nghĩa của Phật. Cũng chẳng tạo pháp, không hoại thân mạng, chẳng hủy thân hành.
Cũng không dấu ý niệm, không nhập tâm hành, chẳng dấy niệm về thọ mạng, về ta người, nơi chốn. Ví như dùng pháp để biết pháp. Cũng không khởi ý niệm có không về hạnh Bồ Tát, cũng vô niệm, cũng không dấy niệm về việc đi đến khắp các cõi.
Chư Bồ Tát ấy có thể hiện ra vô số màu sắc hình tượng của Phật, đầy đủ các hành, có thể tạo ra mọi sự thanh tịnh thể hiện khắp chốn. Có thể hiện ra đầy đủ mọi sắc tướng của Phật, cũng như hiện ra ánh hào quang của Đức Thế Tôn.
Mọi nơi chốn hiện ra đều bình đẳng, thanh tịnh hết mực, nói chung là thảy đều thích ứng, thành tựu. Có thể hiện ra đầy đủ hình tượng màu sắc như Phật, đầy đủ ánh hào quang tươi sáng như Phật. Cũng hiện ra hình tượng mang tâm ý như Phật. Cũng hiện ra thân tướng Phật với đầy đủ các tướng tốt siêu việt. Cũng hiện ra ánh sáng tỏa chiếu thể hiện uy thần tối thượng của Phật.
Cũng hiện ra những vẻ đẹp nơi thân tướng tối tôn của Phật. Cũng hiện ra thân tướng Phật óng ánh màu sắc kim cương. Cũng hiện ra thân tướng Phật với màu sắc và hình tượng thanh tịnh. Cũng hiện ra thân tướng Phật với vô lượng hình tượng và màu sắc. Cũng hiện ra thân tướng Phật lớn lao thanh tịnh được cấu tạo bằng ngọc ma ni.
Cũng hiện ra thân tướng Như Lai cao bảy nhận, tám nhận, mười nhận. Cũng hiện ra thân tướng Như Lai cao hai mươi nhận, ba mươi nhận, bốn mươi nhận, năm mươi nhận, sáu mươi nhận, bảy mươi nhận, tám mươi nhận, chín mươi nhận, một trăm nhận.
Cũng hiện ra thân tướng Như Lai cao đến một dặm, cao đến nửa dụ tuần, một dụ tuần, mười dụ tuần, trăm dụ tuần, ngàn dụ tuần. Cũng hiện ra thân tướng Như Lai như một Diêm Phù Lợi. Cũng hiện ra thân tướng Như Lai như bốn cõi thiên hạ, như ngàn cõi thiên hạ, như tam thiên đại thiên cõi thiên hạ.
Hoặc là hiện ra thân tướng Như Lai như trăm Cõi Phật, như ngàn Cõi Phật, như trăm ngàn Cõi Phật, như ức na thuật Cõi Phật, như vô lượng Cõi Phật, như vô hạn Cõi Phật, như A tăng kỳ số Cõi Phật, như vô biên Cõi Phật, như vô tế Cõi Phật, như vô tư nghì Cõi Phật, như vô xưng Cõi Phật, như vượt quá tâm ý tư duy Cõi Phật. Hoặc lại hiện ra thân tướng Như Lai như vô xứ sở Cõi Phật, như không thể nghĩ bàn lường tính Cõi Phật, như vô vọng quá vọng Cõi Phật.
Như thế đấy, Chư Bồ Tát đã hiện ra thân tướng Như Lai với vô số hình sắc, vô số hình tướng như vậy. Hiện ra vô số vẻ đẹp, vô số ánh sáng, vô số màn lưới.
Cũng hiện ra vô số pháp cội nguồn là không, vô số pháp gốc không có tôi ta. Hiện ra các pháp là gốc của trí tuệ, nơi chốn từ đó trí tuệ dấy khởi. Hiện ra vô tận thân tướng. Hiện ra mọi vẻ thanh tịnh của diệu lý vô hành.
Chư vị Bồ Tát như vậy là đã hiện ra vô vàn Chư Như Lai, ở nơi thân tướng của Chư Như Lai ấy không tăng cũng không giảm.
Ví như Hư Không, không có sự mệt mỏi chán nản, cũng như có sự phân biệt lớn nhỏ. Ở nơi vô số cõi, các cõi có những nơi chốn sâu xa mênh mông, không vì nơi chốn mênh mông mà hiện ra to lớn hay ngược lại. Thân tướng của Như Lai cũng như thế, do nơi chốn có chỗ lớn lao nhỏ hẹp nhưng sự thị hiện thì không lớn nhỏ.
Ví như hình tượng mặt trăng chiếu sáng nơi Cõi Diêm Phù Đề cũng không có lớn nhỏ. Hình tượng mặt trăng ấy trụ nơi ánh sáng mà không có dời đổi. Chư Bồ Tát ấy cũng như thế. Đạt đến sự hóa hiện như Phật an trụ pháp tam muội ấy.
Cũng chẳng dấy vọng tưởng về sự hoại diệt đối với màu sắc, hình tượng của Như Lai, vì nơi chốn hóa hiện của Chư Phật cũng giống như cảnh trong mộng. Ở nơi đó là không chỗ thấy mà có thấy, mà hiện ra âm thanh của Chư Phật, Như Lai.
Nơi chốn hiện ra âm thanh của Chư Phật, Như Lai ấy là ở nơi pháp không, là vô sở hữu. Nhưng từ đó mà đều thọ nhận các pháp, nêu bày, truyền bá, thảy đều ở nơi các pháp không còn mê lầm.
Ví như chúng sinh, sau khi mạng chung, nơi chốn hướng về, tâm do đấy mà có sự chuyển đổi. Chư Bồ Tát cũng vậy. Ở nơi pháp tam muội ấy mà an trụ thì các cõi thảy đều được trang nghiêm, dùng trí tuệ Phật mà độ mà độ thoát, đạt được thanh tịnh. Bồ Tát dùng mười thứ mau chóng để ứng hợp với khắp chốn khắp loại.
Những gì là mười?
1. Mau chóng thực hiện đầy đủ viên mãn các hạnh nguyện.
2. Mau đem ánh sáng của Phật Pháp chiếu soi khắp các cõi.
3. Mau dùng trí tuệ phương tiện chuyển pháp luân hóa độ chúng sinh.
4. Mau tùy thuận tất cả các hành thích hợp để tạo nên các cõi thanh tịnh.
5. Mau thành tựu được trí tuệ gồm đủ mười lực.
6. Mau chóng thành tựu sự bình đẳng hội nhập cùng Chư Như Lai.
7. Mau chóng dùng diệu lực đại từ bi để hàng phục các thứ ma oán.
8. Mau chóng giúp cho chúng sinh dứt trừ mọi nghi hoặc đạt được an vui.
9. Mau chóng thị hiện mọi cảm ứng lớn lao, tùy thuận nơi chốn mà hóa độ.
10. Mau chóng dùng loại loại âm thanh hướng đến các pháp môn, tạo nên các cõi thanh tịnh.
Chư Bồ Tát lại có được mười thứ pháp ấn, dùng các pháp mà ấn chứng cho quá trình tu tập của chư vị Bồ Tát ấy.
Những gì là mười?
1. Bồ Tát đó cùng với Chư Phật ba đời cùng thực hiện từ một cội nguồn đức lớn.
2. Bồ Tát đó hội nhập làm một thân, xem pháp thân là không có gì hơn được.
3. Bồ Tát ấy hành theo nẻo vô nhị của Như Lai.
4. Bồ Tát ấy tạo ra vô số Đạo Tràng, đều từ nẻo vô nhị mà sinh khởi.
5. Bồ Tát ấy thực hiện vô hạn hạnh nguyện, cùng với pháp thân hội nhập.
6. Bồ Tát ấy hành hóa đều vô ngại, đối với thế gian đạt được đầy đủ mười lực.
7. Bồ Tát đó hành theo pháp không, thanh tịnh, tức hành theo nẻo vô nhị.
8. Bồ Tát đó đạt được các pháp vô lậu, vì thế gian mà hết sức hóa độ.
9. Bồ Tát ấy tâm ý không còn vướng trong ngoài, đạt được trí rộng khắp thông qua các tuệ phương tiện quyền xảo.
10. Bồ Tát ấy luôn được có Chư Phật dốc tâm hộ niệm.
Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ Tát Đại Sĩ có được định đại tuệ, gọi là âm thanh Chư Phật soi khắp cõi nước.
Chư Bồ Tát đó thực hiện pháp tam muội chánh thọ ấy thì sẽ là bậc không còn ai có thể làm thầy mình nữa vì hội nhập các pháp của Chư Phật không còn có sự nghi hoặc. Là bậc trượng phu có trí tuệ hơn đời vì đã đạt được sự thanh tịnh giải thoát. Do đã đạt được cội nguồn trong sáng thanh tịnh của tâm nên được xem là bậc tối tôn, vĩ đại.
Là bậc hết tâm vì đời mà chỉ dạy, dẫn dắt, nên bản thân luôn được tôn quý kính trọng. Là bậc dấy khởi, kiến lập sự dũng mãnh tối thượng của Chư Phật đời vị lai vì đã đạt đến cội nguồn chủng loại của trí tuệ giác ngộ.
Là bậc tu tập trí tuệ, tành tựu các thứ tín, ngôn từ luôn như nhất. Là bậc đại trí tuệ, quá khứ không hề bị ngăn ngại vì đã tạo nên pháp tạng. Là bậc luôn đem pháp của Chư Phật để dấy lên các trận mưa pháp thuận hợp với mọi hành của chúng sinh.
Này chư vị! Ví như Thích Đề Hoàn Nhân, nhờ có ngọc ma ni mà nơi chốn của vị Thiên Vương này được tôn quý hết mực. Ngọc ma ni đó đã làm tăng uy quang, tạo nên uy thần. Do đó được ngọc báu ma ni ấy nên uy danh của Thích Thiên Vương càng nthêm lớn lao. Dùng mười sự việc, ở nơi Cõi Trời Đao Lợi nhờ đó mà đạt được sự tôn kính.
Những gì là mười?
1. Dùng sắc tưởng hơn hết của bậc Thiên Vương để bảo ban đối với các vị Thiên Tử.
2. Dùng hình tượng hơn hẳn của bậc Thiên Vương.
3. Dùng hình tướng của bậc Thiên Vương để thị hiện.
4. Dùng quyến thuộc hết mực đông đảo của bậc Thiên Vương.
5. Dùng mọi ham muốn hết mực của hàng Thiên Vương.
6. Dùng sự an lạc tột bậc của hàng Thiên Vương.
7. Dùng y phục của bậc Thiên Vương để tạo sự tin tưởng.
8. Dùng sự tự tại hơn hết của bậc Thiên Vương.
9. Dùng tâm ý cao xa của bậc Thiên Vương.
10. Dùng trí tuệ lớn lao của bậc Thiên Vương, do công đức của ngọc báu ma ni tạo nên.
Do sử dụng đầy đủ mười sự việc đó mà đạt được tôn trọng hơn hết đối với các bậc Thiên Vương.
Chư Bồ Tát cũng vậy. Do thực hiện được pháp tam muội chánh thọ đó mà liền đạt được mười thứ trí tuệ rộng lớn vô bờ.
Những gì là mười?
1. Ở nơi Cõi Phật đạt được trí tuệ vô ngại.
2. Ở nơi mọi chúng sinh, đạt được gốc làm dấy khởi tuệ hạnh.
3. Nương vào ba đời đạt được trí tuệ thích ứng.
4. Ở nơi thân tướng của Chư Phật đạt được nơi chốn nương tựa của trí tuệ.
5. Ở nơi các pháp của Chư Phật đạt được tuệ hạnh.
6. Ở nơi tất cả các pháp mà đạt được một pháp tuệ hạnh.
7. Ở nơi tất cả mọi nẻo tận cùng của thế gian đạt được sự hội nhập vào trí tuệ của pháp thân.
8. Ở nơi cội nguồn của hết thảy các pháp mà đạt được tuệ hạnh bình đẳng.
9. Ở nơi tất cả mọi tự tại đạt được nơi chốn nương dựa của trí tuệ.
10. Ở nơi tất cả các pháp đạt đến cõi an lạc của trí tuệ.
Đạt được pháp tam muội đó thì dùng âm thanh của Chư Phật, ở nơi các Thế Giới luôn tạo được sự thanh tịnh.
Bồ Tát lại có mười sự việc, nhờ đó mà có được thân tướng uy nghi thanh tịnh.
Những gì là mười?
1. Dùng cái đắc của vô đắc, cái hành của vô hạn mà chẳng trụ ở cõi nào.
2. Dùng cái trông mong của sự không trông mong.
3. Dùng mọi thứ sắc tướng, hình tượng ở nơi các cõi nước mà an trụ thanh tịnh.
4. Dùng cái ý nguyện của vô nguyện mà phóng ra vùng ánh sáng lớn làm chỗ an trụ để hóa độ chúng sinh.
5. Dùng cái tưởng của vô tưởng khiến cho thân được an trụ, để tạo sự hưng khởi của Chư Phật.
6. Dùng cái mong cầu của sự vô cầu mà tuôn xuống như mưa vô số các thứ hoa hương để cúng dường Chư Phật.
7. Dùng cái niệm của vô niệm nhằm bày biện sự cúng dường của Chư Phật với đủ loại âm nhạc, để hóa độ chúng sinh.
8. Dùng cái phục sức của sự không phục sức, tạo được mọi việc thanh tịnh cũng như vô số các thứ trang sức để cúng dường Chư Phật, ứng với nơi chốn hóa độ chúng sinh.
9. Dùng cái hành của vô hành, hiện ra lớp lớp sắc tướng, đạt được thân thanh tịnh, dứt hết mọi mê lầm khiến cho chúng sinh cùng được nhận biết.
10. Dùng cái có của cái không thật có, phát ra đủ loại âm thanh trong lành vi diệu, khiến cho chúng sinh được biết rõ muôn ngàn các thứ ngôn ngữ khác.
Chư Bồ Tát cũng như vậy! Đạt được mười phần thanh tịnh đó, các vị Bồ Tát kia cũng có được đầy đủ nơi chốn.
Thế nào là mười nơi chốn dẫn dắt chúng sinh được thấy các Phật Sự?
1. Nơi chốn làm cho chúng sinh được an trụ, đạt niềm tin hướng về Chư Phật.
2. Nơi làm cho chúng sinh được an ổn nhờ âm thanh Phật Pháp.
3. Chốn hóa độ chúng sinh khiến họ được sinh ở nơi có Cõi Phật.
4. Nơi chốn cứu giúp chúng sinh khiến họ tin tưởng nơi Chư Phật.
5. Nơi chốn dẫn dắt chúng sinh đến những lợi lạc khiến họ được nghe pháp âm của Chư Phật.
6. Nơi chốn tế độ chúng sinh thông qua việc hóa hiện các cảm ứng của Phật.
7. Nơi chốn tạo sự yên lành cho chúng sinh khiến họ nhớ nghĩ, giống như các hành động thích ứng, bao gồm đầy đủ sự nhất tâm.
8. Nơi chốn làm cho chúng sinh được thuận hợp, an định để đến nơi cảnh giới trang nghiêm của Phật.
9. Nơi chốn đem lại sự lợi lạc an ổn cho chúng sinh, khiến họ phát tâm Bồ Tát.
10. Nơi chốn tạo được sự an lạc vững chắc cho chúng sinh, khiến họ được đầy đủ trí tuệ của Phật.
Do vậy, này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Các vị Bồ Tát ấy dùng mười sự việc kể trên để đem lại đầy đủ sự an ổn lợi lạc cho chúng sinh.
Chư Bồ Tát kia, như thế là đã thực hiện viên mãn mười độ, khiến cho chúng sinh được an lành, lại vì chúng sinh khắp các cõi mà làm mười thứ Phật Sự.
Những gì là mười?
1. Bậc Bồ Tát dùng âm thanh vì chúng sinh mà làm Phật Sự để hóa độ các chúng hội.
2. Thấy bậc Bồ Tát dùng sự tùy thuận để dẫn dắt chúng sinh mà làm cho Phật Sự hưng khởi.
3. Bậc Bồ Tát đó chỉ trong khảnh khoắc của hành động mà thực hiện Phật Sự, khiến cho tâm chúng sinh đạt được thanh tịnh.
4. Bậc Bồ Tát đó dùng sự chấn động khắp các cõi nước mà làm Phật Sự, khiến cho chúng sinh cùng lìa khỏi ba nẻo ác.
5. Bậc Bồ Tát ấy dùng mọi nơi chốn trong cuộc sống để là Phật Sự, nhằm đem lại cho chúng sinh tâm ý được an lạc chính đáng.
6. Bậc Bồ Tát ấy dùng các chốn hành động thích hợp để làm Phật Sự, nhằm đưa chúng sinh đến chỗ lợi lạc, khiến tâm ý họ dứt hết mọi sự mê lầm.
7. Bậc Bồ Tát đó dùng phương tiện phóng ra ánh sáng mà làm Phật Sự, nhằm thu giữ giáo hóa vô số chúng sinh.
8. Bậc Bồ Tát đó dùng công việc tu tập các đức mà làm Phật Sự, khiến cho chúng sinh tạo được vô số các công đức.
9. Bậc Bồ Tát ấy dùng sự thành tựu quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác mà làm Phật Sự, khiến cho mọi chúng sinh lãnh hội được hết thảy các pháp đều như huyễn mộng.
10. Bậc Bồ Tát ấy dùng phương tiện chuyển pháp luân để là Phật Sự, vì chúng sinh khắp thế gian mà thuyết pháp khiến cho pháp bảo của các bậc Thánh Hiền được an trụ lâu bền.
Này chư vị! Chư Bồ Tát Đại Sĩ đó đã hoàn thành mười thứ Phật Sự, dùng để giáo hóa vô số người, cứu độ vô số chúng sinh, thành tựu viên mãn vô lượng hạnh nguyện của mình hết thảy mọi ý nguyện và hành động đều được an lập, khiến cho Phật Sự luôn được tồn tại.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Ngũ Vương - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Năm - Pháp Hội Hư Không Tạng Bồ Tát - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Bảo Vân - Phần Mười Năm
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Năm - Phẩm đại Như - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ưu đàm Bà La Sư Tử Hống - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát - Phần Bốn