Phật Thuyết Kinh Bồ Tát đẳng Mục Hỏi Về Tam Muội - Phẩm Hai - Bồ Tát đẳng Mục Nói Về Hành định
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT ĐẲNG MỤC
HỎI VỀ TAM MUỘI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM HAI
BỒ TÁT ĐẲNG MỤC
NÓI VỀ HÀNH ĐỊNH
Bấy giờ, Đức Phật nói với Bồ Tát Phổ Hiền: Bồ Tát nên vì chỗ mong muốn của Bồ Tát Đẳng Mục cùng chư vị Bồ Tát trong Đạo Tràng này mà nêu bày, chỉ ra để chư vị được thông suốt, tức là sẽ nói về các phương tiện tu tập mười pháp tam muội của hàng Bồ Tát Ma Ha Tát, nhờ đó chính Bồ Tát đã thành tựu được mọi công đức của bản hạnh mình, chư vị sẽ theo đấy cùng tu tập, đạt được hạnh nguyện như vậy.
Những gì là mười?
1. Đạt được ánh sáng của đức lớn ban đầu, là điều thiện cho phương tiện tu tập của Bồ Tát Ma Ha Tát.
2. Hạnh hướng tới niềm vui thích trong đại định, đạt được hạnh nguyện làm phương tiện tu tập cho Bồ Tát Ma Ha Tát.
3. Sự thanh tịnh của ánh sáng vượt qua mọi cõi.
4. Sự thanh tịnh của pháp tu tập nội tâm.
5. Sự thanh tịnh đã được tích chứa từ quá khứ.
6. Kho chứa trí tuệ được tỏa sáng.
7. Âm thanh của trí tuệ Chư Phật thanh tịnh thấu triệt đến các Cõi Phật.
8. Phân biệt thân tướng, tạo tác cùng pháp giới của tất cả chúng sinh đạt được tự tại.
9. Đạt được các hạnh rộng lớn không chút vướng mắc, chấp bám.
10. Đạt được trọn vẹn các phương tiện làm hạnh nguyện lớn cho Bồ Tát Ma Ha Tát.
Đó là mười pháp tam muội lớn của hàng Bồ Tát Ma Ha Tát. Là điều Chư Phật thời quá khứ hiện tại và vị lai thảy đều trình bày, đã thuyết, đang thuyết hay sẽ thuyết.
Chư vị Bồ Tát nào tâm có thể hành mười pháp tam muội hội nhập vào cảnh giới ấy thì đó là sự giác ngộ, là bậc Chánh Giác, là bậc Như Lai gồm đủ mười trí lực, là vị Đạo Sư, là bậc Đạo Sư, là bậc đạt được trí tuệ rộng khắp.
Là bậc hiển hiện, là bậc đạt được các hạnh nguyện vô tận, là bậc đạt được những hạnh nguyện vô hạn, là bậc chỉ dẫn các pháp tối tôn tối thắng. Chư vị Bồ Tát đã đạt các pháp tam muội ấy thì có thể ứng hiện khắp các cõi nước của Chư Phật, nơi mọi cõi nước đều có được sự an lạc tự tại.
Các vị đó chính thực là những bậc đã an trụ cảnh giới của chúng sinh, là bậc thấu đạt mọi nẻo giác ngộ của chúng sinh, là bậc đã đạt được kho tàng dứt sạch mọi mối nghi hoặc, là bậc đã hội nhập vào các nẻo cốt yếu của pháp giới, là bậc đã tỏ ngộ tính chất vô lượng của pháp giới.
Là bậc đã thông đạt mọi hành quá khứ hiện tại vị lai của Chư Như Lai, là bậc đã thấy rõ các pháp của Như Lai, là bậc đã nêu ra và lý giải thấu đáo các ngôn thuyết về tự lợi, lợi tha, là bậc đã đạt được mọi tác động cả âm thanh câu chữ, là bậc gồm đủ mọi hạnh thanh tịnh của hàng Bồ Tát, là bậc đã được sự an trụ trong mọi hạnh nguyện của Bồ Tát.
Các bậc ấy ở trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai luôn làm sáng tỏ các hạnh nổi bậc thông tỏ tất cả các hành của diệu lý vô nhị, là bậc có thể giảng thuyết các pháp của Chư Phật dùng hạnh nguyện làm phương tiện, chuyển mọi pháp luân mà không hề có sự thoái lui.
Là bậc giác ngộ hết thảy mọi hạnh thiết yếu trong quá khứ vị lai và hiện tại của Chư Phật, là bậc đã đem sự giác ngộ của một vị Phật để nêu lên yếu chỉ của Chư Phật, đó cũng là pháp yếu của Chư Bồ Tát. Các vị ấy đã tỏ ngộ được trí tuệ đó, tức là làm sáng tỏ trọn vẹn cái trí tuệ rộng khắp, không ai, không gì có thể vượt hơn được. Là bậc đã gồm đủ các hạnh nguyện của Bồ Tát Phổ Hiền.
Là bậc đã nêu rõ những lợi lạc nơi hạnh các pháp định tuệ của Bồ Tát. Là bậc đã đạt được các pháp tổng trì, nhận rõ ba thời, được thấy Chư Phật quá khứ hiện tại và vị lai, tạo nên tất cả mọi ánh sáng của trí tuệ vô biên. Đó đúng là các bậc đã đạt được sự thanh tịnh nơi các cõi của Bồ Tát, được thấy nơi chốn hành hóa của Chư Phật.
Bồ Tát đã có được pháp yếu ấy, ở nơi pháp giới của Bồ Tát luôn đạt được diệu lực dũng mãnh, dùng mười pháp tam muội đó để nêu bày một cách thông suốt các công đức vô biên, đức ấy như hư không. Đó là cõi vô hạn, ánh sáng tỏa sáng vô lượng.
Là bậc Pháp Vương ở đời, đối với khắp mọi loài chúng sinh, đạt được trí tuệ không thể lường tính, mười lực thể hiện rộng khắp, làm sáng tỏ một cách thích hợp cuộc sống thanh thản, ung dung cùng tâm tu tập các pháp an tĩnh, hòa nhập hoàn toàn vào các hạnh của cảnh giới tịch tĩnh, thể hiện tâm đại từ như Sư Tử. Là bậc trượng phu đầy đủ trí tuệ.
Là bậc làm cho ngọn đuốc chánh pháp hiển hiện, nêu rõ tên tuổi của mọi công đức, khiến chúng luôn được tồn tại, làm cho các quả vị Thanh Văn, Duyên Giác có mặt khắp cõi đời mà không thể nghĩ bàn, thông đạt pháp giới, an trụ tích chứa các pháp, lãnh hội thảy mọi thuyết giảng về các nẻo phương tiện quyền xảo, thông suốt tất cả ý nghĩa của bao âm thanh nêu bày, nắm được yếu chỉ vô hình tượng vì hình tượng chỉ là phương tiện.
Đạt được nơi chốn phát khởi thanh tịnh thì đó chính là Phật chủng thanh tịnh phân biệt rõ tất cả các pháp. Đó cũng là sự kết hợp với nhiều thứ trí tuệ để lý giải hiện tướng các pháp, đi vào các phương tiện thông thường để thấu suốt một cách thuận hợp với sự thật, đem trí tuệ đạt đạo hóa độ khắp chốn, cũng là nhằm làm sáng tỏ và thanh tịnh thể tánh của chính mình.
Là bậc có khả năng nhận lấy các hạnh nguyện rộng lớn, làm cho các Đạo Tràng được hưng thịnh, ánh sáng giác ngộ tỏa chiếu không chỉ ở nơi chốn Bồ Tát hành hóa mà còn lan khắp đến vô cùng vô tận.
Là bậc có thể thị hiện những biến hóa lớn lao, trí tuệ hạnh nguyện sáng tỏa khắp nơi, hiểu biết đúng đắn về các phương tiện. Đấy chính là những điều thuyết giảng của Bồ Tát Phổ Hiền.
Đó là mười pháp tam muội của Bồ Tát thể hiện qua các hạnh nguyện rộng lớn trùm khắp, đã được nhận rõ và nêu bày. Đấy cũng chính là những hạnh cốt yếu của hàng Bồ Tát.
Bấy giờ, Bồ Tát Đẳng Mục lãnh hội những điều Phật nêu dạy, ứng hợp với ý nguyện và niềm vui thích của chư vị Bồ Tát trong chúng hội nên Bồ Tát Đẳng Mục đã nói với chư vị Bồ Tát: Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai!
Có mười pháp chánh thọ, thích hợp trọn vẹn với các pháp tu tập đạt giải thoát của Bồ Tát, thế nào gọi là mười?
Đó là dấy khởi từ các Phật Pháp để tạo sự thuận hợp tuệ hạnh. Hóa độ chúng sinh quy thuận vào tuệ hạnh. Soi sáng các cõi nước để nhận rõ âm vang của tuệ hạnh. Nêu bật ánh sáng trí tuệ từ pháp giới.
Nhận lấy các phương tiện hành hóa của Bồ Tát để đạt tuệ hạnh. Hội nhập trí tuệ không thoái chuyển của Bồ Tát. Vì mọi chúng sinh quán tưởng các pháp làm phát khởi trí tuệ. Chế ngự, nắm giữ dụng lực của tâm là trí tuệ của phương tiện tu tập.
Hội nhập sâu rộng vào trí tuệ của Bồ Tát thể hiện qua các nẻo tâm hành. Đạt đến trí rộng khắp của Chư Phật, là tuệ của nguyện lực dấy khởi các Phật Pháp.
Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Đó gọi là mười pháp tu tập hết mực lớn lao nhằm đạt giải thoát của hàng Bồ Tát Ma Ha Tát.
Lại nữa, nàychư vị Bồ Tát! Có mười pháp tu tập làm dấy khởi tuệ tâm vô lượng của hàng Bồ Tát Ma Ha Tát.
Những gì gọi là mười?
Đó là thấu đạt mọi cảnh giới của chúng sinh. Vượt qua mọi dấy khởi tùy thích, để tự biết rõ mọi dấy khởi của tâm, nghĩa là gặp được Chư Phật dấy khởi vô số tâm. Tôn thờ công đức của Chư Phật, khởi tâm nuôi dưỡng muôn loài.
Nghĩa là trông thấy Chư Phật mà có ý niệm về vô lượng. Chính mắt trông thấy nên dấy khởi tâm vô lượng. Gọi là được gặp Chư Phật, hội nhập nơi âm thanh mà thọ nhận pháp tu giải thoát, làm hiển lộ vô số tâm.
Gọi là cõi bờ của Chư Phật, phân biệt nhận rõ vượt qua trí tuệ của phương tiện, đó là các bậc Hiền Thánh dấy vô số tâm. Gọi là con đường của Như Lai nhập vào lực dụng không vướng mắc làm hưng khởi vô số tâm.
Gọi là lực dụng của trí tuệ rộng khắp, thực hiện các hạnh vi diệu, xiển dương Phật Pháp, đem điều thuận phân bố khắp chốn, làm hưng khởi tâm vô lượng cùng hạnh nguyện vô bờ.
Gọi là Cảnh giới của Phật, nên không có hạn lượng về hạnh nguyện của sự hội nhập rộng khắp, làm hưng khởi vô số hạnh của tâm trong sáng. Gọi là sự biện tài của Phật, là sở nguyện của thể tánh mình, đều nhờ thu thập mà đạt được, cầu các Phật Pháp làm dấy khởi vô số tâm.
Gọi là hội trường của Như Lai, hòa nhập khắp cõi, ứng hiện các thân tướng cùng nơi chốn làm hưng khởi vô số tâm.
Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Các bậc Bồ Tát Đại Sĩ nên dấy khởi đầy đủ về mười pháp tu tập với vô số tâm như vậy.
Lại nữa, này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ Tát Đại Sĩ lại có mười đức nhập chánh định làm phát khởi ý tuệ.
Những gì gọi là mười?
1. Tại phương Đông nhập chánh thọ tức thì phương Nam khởi biết.
2. Phương Nam nhập chánh thọ thì ở phương Đông khởi, rõ.
3. Phương Đông bắc nhập chánh thọ thì phương Tây Nam khởi biết.
4. Phương Tây Nam nhập chánh định thì phương Đông bắc khởi thức.
5. Ở phương Nam tuệ định tức thì phương Bắc hiện rõ thức.
6. Ở phương Bắc định rõ thì ra phương Nam mà tỏ ngộ.
7. Ở phương Tây Bắc nhập định thì phương Tây Nam hiện ra thức tỉnh.
8. Ở phương Đông nam nhập định thì phương Tây Bắc khởi lên.
9. Ở nơi phương Dưới nhập chánh thọ tức thì phương Trên thức tỉnh.
10. Ở phương Trên nhập chánh thọ thì phương Dưới phô bày sự thức tỉnh.
Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Các bậc Bồ Tát Đại Sĩ nhập mười thứ định ý có được trí tuệ phân biệt nhận rõ là thế.
Lại nữa, này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bậc Bồ Tát Đại Sĩ có mười pháp tam muội lớn làm phát khởi trí tuệ của phương tiện hành hóa.
Những gì được gọi là mười?
Này chư vị Bồ Tát! Bồ Tát Đại Sĩ hiện các cõi trong tam thiên Đại Thiên tại trên một đóa hoa sen, tự thấy thân mình ở trên đóa hoa sen đó ngồi kiết già nhập định. Trong tam thiên Đại Thiên ấy đều hiện đủ thân tướng mình cùng ánh sáng tỏa ra từ thân tướng đó.
Nơi mỗi mỗi phương đều có thân tướng mình hiện ra, đứng thẳng. Đem mỗi mỗi thân tướng ấy nhập vào các cõi trong tam thiên Đại Thiên. Ở các cõi, mỗi mỗi bốn cõi thiên hạ đều hiện ra trăm ngàn vạn ức vị Bồ Tát.
Nơi mỗi mỗi hạnh Bồ Tát hiện ra ức ức sự hóa độ thuận hợp. Ở mỗi mỗi nơi chốn hóa độ lại hiện ra ức ức sự phân biệt các căn tánh đều có đầy đủ hàng ngàn vạn ức vị Bồ Tát, đều là bậc đạt pháp không thoái chuyển. Các thân tướng thị hiện ở đây chẳng là một thân, cũng chẳng là nhiều thân, cũng không nhập chánh thọ, cũng chẳng thức tỉnh nhận biết.
Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Ví như A Tu Luân Vương, thân tướng vốn dài đến bảy trăm do diên, đã dùng thần lực hiện thân dài đến những sáu mươi tám trăm ngàn do diên, đứng thẳng nơi biển lớn, chỉ hiện ra một nửa thân tướng thôi thì đầu đã cao bằng đỉnh ngọn núi Tu Di.
Chỗ thân hóa hiện đó là sáu mươi tám ngàn dodiên, tuy cao lớn như vậy nhưng cũng như nơi thân gốc kia không có sự suy giảm hay bị hủy diệt. Giống như thân gốc của A Tu Luân Vương, thân hóa hiện cao lớn đó cũng là thân do tứ đại giả hợp, chẳng có gì để nghi ngờ.
Lại, đối với thân hóa hiện cao lớn có thể tưởng như là thân của kẻ khác nhưng đối với thân gốc kia thì chẳng tưởng là đã mất đi, không còn. Đem chỗ thân tướng của A Tu Luân Vương ấy từ chỗ thương ghét bình thường hóa hiện làm an vui, hóa hiện làm sức mạnh lớn lao. Do dốc chí nên có thể hóa hiện, chỗ hóa hiện đó chẳng nghi ngờ, cũng lại không có lầm lẫn.
Vị A Tu Luân Vương ấy còn ôm đầy bao mối tham dâm, sân hận ngu si cấu nhiễm độc nhơ, dấy khởi tà vọng, cao ngạo, ở nơi biển cả cho là chỉ có cung điện của mình là lớn mà còn có thể nổi lên hóa hiện thân tướng cao to như thế.
Huống hồ là chư vị Bồ Tát Đại Sĩ dốc tu tập các pháp tam muội, đã thấu rõ tính chất huyễn hóa của các pháp, thông tỏ nên thấy mọi hiện tượng thảy đều như mộng ảo, biết Chư Phật ứng hiện ỏ đời với ánh sáng tỏa lan khắp cõi, không gì là không thông đạt, vì mọi hiện tượng cũng như cảnh huyễn hóa, rõ mọi âm thanh đều là tiếng vang, quán sát nơi các pháp mà hóa độ một cách thuận hợp.
Lại như pháp thân là cội nguồn của mọi sự thanh tịnh, hội nhập vào các pháp thì cũng như vậy.
Hiểu rõ về thân tâm thảy đều không thể thủ đắc, thông suốt vô số thân cùng nơi chốn mà thân ấy cùng hội nhập, nên đều phát tâm tu tập nhằm đạt đến giác ngộ như Phật, hướng theo đường thanh tịnh tất được an trụ pháp tam muội lớn lao như thế thì lẽ nào lại có sự nghi ngờ?
Huống hồ còn cho là lầm sao?
Nhưng lãnh hội được cái gì?
Thực hiện con đường như vậy tất đạt tới cõi tam muội rộng lớn, thấy rõ cõi đời để hiện thân, nhập thân khắp chốn, như vị thủy thần kia đứng ở nơi vị trí gốc của mình, do từ chỗ thân được thọ nhận biến hóa thành thân lớn lao.
Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Ví như vị Tỳ Kheo quán sát thân mình, trong ngoài đều là bất tịnh, cũng quán sát hình sắc do thức nhận biết tất đều như thế cả, do đó mà tinh tấn siêng năng tu hành. Các vị Bồ Tát Đại Sĩ cũng lại nên quán sát như vậy.
Bồ Tát Đại Sĩ quán sát pháp thân để tạo được các hạnh nguyện rõ ràng, nên đối với việc ứng hiện ở đời tất phải nhận rõ đối tượng cũng như các pháp thế gian, ở nơi các pháp đó mà không hề bị vướng mắc hoặc chấp trước. Đó chính là Bồ Tát đã tác động tạo sự cảm ứng đối với cảnh giới, do vậy mà các bậc Đại Sĩ đạt được pháp tam muội.
Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bậc Bồ Tát Đại Sĩ ứng hiện khắp cõi đời mà vẫn trụ ở cảnh giới bất động.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Ly Thế Gian - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Bốn - Phẩm Lợi ích Trong Ngoài
Phật Thuyết Kinh Tứ Thập Nhị Chương - Chương Năm - Chuyển Nặng Thành Nhẹ
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hoại Pháp
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Sáu - Phẩm Năm - Phẩm Niệm Trụ
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Hai Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Sa Di Giữ Giới Tự Sát