Phật Thuyết Kinh Bồ Tát đẳng Mục Hỏi Về Tam Muội - Phẩm Mười - Bồ Tát đẳng Mục Bày Biện Sự Biến Hóa Ngoại Thân

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT ĐẲNG MỤC

HỎI VỀ TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM MƯỜI

BỒ TÁT ĐẲNG MỤC BÀY BIỆN

SỰ BIẾN HÓA NGOẠI THÂN  

Lại nữa, chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai!

Bồ Tát Đại Sĩ có được pháp tam muội chánh thọ gọi là: Vô Thân Hỷ. Thực hành pháp tam muội ấy sẽ khiến cho Bồ Tát tâm ý được an trụ đó mà thân không bị hủy hoại, lại được đầy đủ mười thứ không mong cầu tham đắm.

Những gì là mười?

1. Ở nơi các cõi nước mà không tham cầu.

2. Ở khắp các nơi chốn mà không tham cầu, chấp trước.

3. Ở mọi nơi tưởng niệm mà không dấy tham cầu, vướng mắc.

4. Đối với chúng sinh mà không tham cầu, đắm nhiễm.

5. Đối với các pháp đều không tham cầu, vướng mắc.

6. Đối với các hạnh của Bồ Tát cũng không chấp bám, vướng mắc.

7. Đối với những sở nguyện của Bồ Tát cũng không tham cầu.

8. Đối với các pháp tam muội cũng không chấp vướng.

9. Đối với mọi hình tượng Phật mà không tham cầu.

10. Đối với các hành địa cũng không vướng chấp.

Bồ Tát đạt được mười thứ không mong cầu tham đắm ấy thì liền đạt được sự an trụ trong khi thực hành pháp tam muội và hết thảy thân tướng không bị hủy hoại.

Làm thế nào, Chư Bồ Tát vẫn còn mang thân chúng sinh mà không bị hủy hoại trong khi thực hiện pháp tam muội ấy?

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ Tát thực hành pháp tam muội này, nội thân nhập chánh thọ thì ngoại thân giác ngộ, ngoại thân nhập chánh thọ thì nội thân giác ngộ. Dùng một thân nhập chánh thọ thì dùng nhiều thân mà giác ngộ. Dùng nhiều thân nhập chánh thọ thì một thân giác ngộ.

Dùng thân người nhập chánh thọ thì dùng thân quỷ thần mà giác ngộ. Dùng thân quỷ thần nhập chánh thọ thì dùng thân Rồng mà giác ngộ. Dùng thân Rồng nhập chánh thọ thì dùng thân chất lượng thần mà giác ngộ. Dùng thân chất lượng thần nhập chánh thọ thì dùng thân Chư Thiên mà giác ngộ. Hoặc dùng thân Chư Thiên nhập chánh thọ thì dùng thân Phạm Vương mà giác ngộ.

Hoặc dùng thân Phạm Vương nhập chánh thọ thì dùng thân ở Cõi Dục mà giác ngộ. Hoặc dùng thân ở Cõi Dục nhập chánh thọ thì dùng thân ở Cõi Sắc mà giác ngộ. Hoặc ở nơi Cõi Sắc nhập chánh thọ thì ở nơi Vô sắc mà giác ngộ.

Hoặc ở nơi Vô sắc nhập chánh thọ thì hiện thân ở nơi địa ngục mà giác ngộ. Hoặc ở nơi địa ngục nhập chánh thọ thì hiện thân nơi ngạ quỷ mà giác ngộ. Hoặc ở nơi ngạ quỷ nhập chánh thọ thì hiện thân súc sinh mà giác ngộ.

Hoặc ở nơi tịch tĩnh mà nhập chánh thọ thì ở nơi đông đảo mà giác ngộ. Hoặc ở nơi ngàn thân mà nhập chánh thọ thì ở nơi vô thân mà giác ngộ. Hoặc ở nơi hữu thân mà nhập chánh thọ thì ở nơi vô số thân mà giác ngộ. Hoặc ở nơi vô số ức na thuật thân nhập chánh thọ thì hóa hiện ở nơi không thân mà giác ngộ.

Hoặc ở nơi cõi Diêm Phù Lợi nhập chánh thọ thì ở nơi cõi Cù Da Nặc mà giác ngộ. Hoặc ở nơi Cõi Cù Da Nặc nhập chánh thọ thì ở nơi cõi Uất Đan Việt mà giác ngộ. Hoặc ở nơi cõi Uất Đan Việt nhập chánh thọ thì ở nơi cõi Phất Vu Đãi mà giác ngộ. Hoặc ở nơi cõi Phất Vu Đãi nhập chánh thọ thì ở nơi Tam Thiên hạ mà giác ngộ.

Hoặc ở nơi Tam thiên hạ nhập chánh thọ thì ở nơi Tứ Thiên hạ mà giác ngộ. Hoặc ở nơi Tứ Thiên hạ nhập chánh thọ thì ở nơi khắp ba xứ chúng sinh mà giác ngộ. Hoặc ở nơi mọi cảnh giới của biển cả nhập chánh thọ thì cũng ở nơi tận cùng mọi cảnh giới của biển cả cùng với chúng sinh mà giác ngộ. Hoặc ở nơi đỉnh núi Tu Di nhập chánh thọ, thì cũng lại ở nơi chân núi Tu Di mà giác ngộ.

Hoặc ở nơi chân núi Tu Di nhập chánh thọ thì cũng lại ở đỉnh núi Tu Di mà giác ngộ. Hoặc ở trong khoảng núi Thất Bảo nhập chánh thọ thì cũng lại ở nơi đỉnh núi ấy mà giác ngộ. Hoặc ở nơi đủ các giống các loài nhập chánh thọ thì cũng ở nơi lớp lớp tạp loại mà giác ngộ.

Hoặc ở nơi chốn thanh tịnh trong ấy có lớp lớp hoa hương cùng các thứ vật báu làm cho trang nghiêm,… nhập chánh thọ thì cũng hiện thân ở nơi thanh tịnh với vô số hoa hương, các thứ vật báu mà giác ngộ.

Cho đến tận cùng các cảnh giới của tứ thiên hạ cùng với mọi chúng sinh thuận theo tâm ý của họ mà nhập chánh thọ thì cũng lại hiện ở nơi mọi cảnh giới của tứ thiên hạ, cùng với mọi chúng sinh theo tâm ý của họ mà giác ngộ. Ở nơi ngàn cõi nước, tận cùng mọi cảnh giới của cõi ấy nhập chánh thọ thì cũng lại hiện ở nơi ngàn cõi nước mà giác ngộ.

Ở nơi tam thiên đại thiên cõi nước, tận cùng cảnh giới của cõi đó nhập chánh thọ thì cũng lại hiện ở nơi tam thiên đại thiên cõi nước mà giác ngộ. Ở nơi ức na thuật trăm ngàn cõi nhập chánh thọ thì cũng lại hiện ở nơi ức na thuật trăm ngàn cõi mà giác ngộ. Ở nơi vô số cõi nước nhập chánh thọ thì cũng lại hiện ở vô số sát độ mà giác ngộ.

Ở nơi A tăng kỳ cõi nước nhập chánh thọ thì cũng lại hiện ở nơi A tăng kỳ cõi nước mà giác ngộ. Ở nơi lượng của vô lượng, hạn của vô hạn Cõi Phật nhập chánh thọ, nói tóm lại, thì cũng từng ấy cõi nước ở khắp trong các cảnh giới đó mà giác ngộ.

Từ một thiên hạ, số lượng cõi nước như vi trần, đến tứ thiên hạ, lại ngàn thiên hạ, lại đến tam thiên đại thiên thiên hạ, lại đến ức na thuật cõi nước, lại đến A tăng kỳ cõi nước.

Cho đến vô hạn vô số, lại vượt quá vô hạn vô số các cõi nước số lượng như thế, ở khắp nơi trong các cõi ấy nhập chánh thọ thì cũng ở trong từng ấy cõi mà giác ngộ. Ở nơi trong một vi trần nhập chánh thọ thì cũng lại hiện ở nơi như thế, trong một vi trần trên cõi nước mà giác ngộ.

Từ số lượng vi trần như thế trên một cõi nước mà nhập chánh thọ thì lại hiện một vi trần mà giác ngộ. Ở trong một thân Thanh Văn nhập chánh thọ thì lại hiện vô số thân Thanh Văn mà giác ngộ. Ở nơi trong một thân Bích Chi Phật nhập chánh thọ thì lại hiện vô số thân Bích Chi Phật mà giác ngộ.

Ở trong tự thân nhập chánh thọ thì lại hiện ở trong vô số thân Phật mà giác ngộ. Ở trong vô số thân Phật nhập chánh thọ thì lại hiện ở trong tự thân mà giác ngộ. Ở trong khoảnh khắc một niệm của nhất tâm nhập chánh thọ thì hiện ở nơi ức kiếp mà giác ngộ. Ở trong ức kiếp nhập chánh thọ thì hiện ra trong khoảnh khắc một niệm khởi nơi tâm mà giác ngộ.

Hoặc có lúc thì giác ngộ, có lúc thì nhập chánh thọ. Hoặc đồng thời nhập chánh thọ mà giác ngộ. Hoặc ở nơi gốc tích chứa nhập chánh thọ thì hiện ở nơi ngọn tích chứa mà giác ngộ. Hoặc ở nơi ngọn tích chứa nhập chánh thọ thì hiện ở nơi gốc tích chứa mà giác ngộ.

Hoặc ở nơi hiện tích mà nhập chánh thọ thì lại ở nơi hiện tích mà giác ngộ. Ở nơi gốc tích chứa nhập chánh thọ thì ở nơi ba đời mà giác ngộ. Ở nơi lúc tích chứa mà giác ngộ thì ở nơi lúc tích chứa mà nhập chánh thọ. Ở nơi ba đời nhập chánh thọ thì ở nơi gốc không mà giác ngộ. Hoặc ở nơi gốc vô kiến nhập chánh thọ thì lại ở nơi gốc không mà hốt nhiên giác ngộ.

Này chư vị! Ví như có người trong lúc bị quỷ thần quấy nhiễu, đã bị quấy nhiễu như vậy thì người đó dù cố giữ cho khỏi bị xao động cũng chẳng được tự tại, chỉ theo sự tác động của quỷ thần.

Ở nơi tha thân thì thuận theo sự tác động kia, còn nơi tự thân thì chẳng được tự tại như trước. Bồ Tát cũng giống như vậy, do đạt được pháp tam muội này thì hoặc nội thân nhập chánh thọ, ngoại thân giác ngộ, hoặc ngoại thân nhập chánh thọ thì nội thân giác ngộ.

Ví như người chết, tử thi ấy do tha thần sai khiến, làm cho trổi dậy, đuổi theo, quay trở lại, tất cả đều như sự biến hóa, nhưng tác nhân của sự việc đó là dụng lực của tha thần.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Cũng vậy các vị Bồ Tát đã đạt được pháp tam muội này, nhằm dấy khởi nhập chánh thọ thì dùng sự phân biệt để nhập chánh thọ, lại dùng sự phân biệt mà giác ngộ.

Dùng sự phân biệt bình đẳng để nhập chánh thọ thì cũng dùng sự phân biệt bình đẳng mà giác ngộ. Ví như có vị A La Hán tâm được tự tại, thể hiện sự biến hóa tự tại. Hoặc hóa làm một thân, hoặc lại hóa làm nhiều thân, hoặc hóa làm nhiều thân, hoặc lại hóa làm một thân.

Chẳng do một thân mất đi mà hiện ra nhiều thân, cũng chẳng do nhiều thân mất đi mà hiện ra một thân. Ở vào lúc hiện ra một thân, cũng chẳng phải là có một thân. Không do biết một mà hiện nhiều, cũng chẳng phải do biết nhiều mà hiện một.

Cùng một cùng nhiều, từ một mà hưng lên. Bồ Tát cũng như thế. Ở nơi một thân nhập chánh thọ thì nhiều thân mà giác ngộ. Hoặc nhiều thân nhập chánh thọ thì do một thân mà giác ngộ. Ví như chỉ một loại đất, đất ấy chỗ nương dựa một vị. Nhưng với đất ấy, nơi các xóm làng huyện ấp dân chúng trồng trọt những loại cây trái khác nhau, vị của chúng cũng chẳng đồng. Đất có một vị giống nhau nhưng cây trồng thì có nhiều vị khác nhau.

Bồ Tát cũng thế! Đã an trụ pháp tam muội này, dùng một thứ để nhập chánh thọ thì có nhiều thứ mà giác ngộ. Ở nơi nhiều thứ nhập chánh thọ thì có một thứ giác ngộ.

Này chư vị! Bồ Tát Đại Sĩ, đây là pháp tam muội thứ tám của Bậc Bồ Tát tên là Phân biệt tất cả các thân. Chư Bồ Tát ấy, đạt được nơi chốn an trụ yên định của pháp tam muội đó thì sẽ có được mười pháp danh dự luôn được lưu truyền.

Những gì là mười?

1. Đạt đến cảnh giới được Như Lai khen ngợi.

2. Đạt được uy lực bình đẳng của Như Lai.

3. Gọi là Tối Tôn vì đã thông tỏ tất cả các pháp không chút ngăn ngại.

4. Gọi là Tối Tôn vì được mọi nơi chốn trong khắp thế gian cúng dường.

5. Gọi là Bậc hiểu biết khắp vì đã giác ngộ tất cả các pháp.

6. Gọi là Bậc Đạo Sư vì là chốn nương dựa của mọi chúng sinh trong các cõi.

7. Gọi là Bậc nêu bày dẫn dắt muôn loài vì đã thấu đạt cùng hội nhập được thể tánh của các pháp.

8. Gọi là Bậc Vô Thượng Sư vì đã đạt được trí nhận biết khắp, lãnh hội cội nguồn các pháp của chúng sinh là không.

9. Gọi là Bậc hưng khởi ánh sáng cho đời, vì đã tùy thuận trí tuệ của tất cả muôn loài trong thế gian mà hiện bày ánh sáng vĩ đại.

10. Gọi là Bậc mười lực vì đã đạt đến sự hoàn hảo tối thượng, mọi nơi chốn tạo tác, hành hóa đều thành tựu trọn vẹn.

Phân biệt nhận rõ các pháp, dùng trí tuệ ấy thông đạt các niệm, hạnh nguyện đầy đủ không chấp vướng. Đó gọi là làm cho bánh xe chánh pháp có mặt khắp mọi nơi chốn, đạt tự tại, là nhờ ở mười pháp danh dự đó đem lại. Chư Bồ Tát do vậy nên có được sự quy ngưỡng tôn kính của đời.

Bồ Tát an trụ pháp tam muội này lại có được mười thứ ánh sáng hiển lộ, hết mực tôn nghiêm, chói lọi.

Những gì là mười?

1. Ánh sáng ấy bình đẳng của Chư Phật.

2. Ở nơi tận cùng mỗi chốn trong thế gian, dùng ánh sáng ấy soi khắp, nêu rõ cội nguồn các pháp, tạo nên trí tuệ sáng chói làm cho các pháp được hiển lộ, nổi bật.

3. Nơi muôn loài, dùng ánh sáng chói lọi đó soi tỏ, nêu bày cho lớp lớp chúng sinh.

4. Đem vô số ánh sáng ấy dẫn dắt chúng sinh đi tới, lấy đó là ánh sáng của pháp tràng.

5. Đem ánh sáng ấy chiếu khắp pháp giới khiến cho nó càng thêm rực rỡ, truyền tụng.

6. Tạo được sự cảm ứng lớn lao đối với các pháp nhưng không hủy hoại ánh sáng đó.

7. Đạt được tính chất vô dục của các pháp, do nắm được diệu lý vô sở đắc nên ánh sáng ấy luôn rạng rỡ.

8. Thấu đạt tính chất vô dục của chúng sinh, nhớ nghĩ thế gian tạo nên hết thảy mọi biến hóa không hề bị ngăn ngại.

9. Khéo đem ánh sáng đó chiếu soi khiến cho mọi nơi chốn kiến lập của Chư Phật không bị đứt đoạn.

10. Đạt đến cảnh giới của Chư Phật, giáo hóa chúng sinh tu tập các pháp giải thoát, thấu đạt cội nguồn các pháp là không, soi sáng tận cùng các cõi trong thế gian, hết thảy đều không bị hủy hoại.

Bồ Tát dùng mười thứ ánh sáng hiển lộ ấy an trụ trong pháp tam muội nên có được ánh sáng chói lọi.

Bồ Tát lại có mười sự, nhờ đó đạt được diệu lý vô sở trước đối với câu, lời, sự nhận thức, dẫn tới nẻo giác ngộ.

Những gì là mười?

1. Đối với những tạo tác của thân, khéo tu tập điều hòa, uyển chuyển.

2. Về mọi tạo tác của khẩu nên dứt bỏ thô ác.

3. Tâm tánh luôn nhu hòa, dịu dàng.

4. An trụ không chốn trụ.

5. Mọi tình căn không dấy.

6. Mọi hành đều hành theo diệu lý không chốn tạo tác.

7. Đối với các pháp là không chốn hủy hoại.

8. Đối với trí tuệ là không chốn dấy khởi.

9. Đối với các pháp là không chốn nhận biết.

10. Tùy thuận các lẽ trên để đạt được trí tuệ.

Đó gọi là pháp tam muội mà Bồ Tát Đại Sĩ dùng để hàng phục chúng ma, dùng các thứ ấy để thực hiện sự hàng phục. Lấy một làm nhiều. Nhập chánh thọ mà giác ngộ. Hành nơi vô hành. Ở nơi hành mà hành.

Đối với tự thân thì lớn lao, tôn quý. Cùng Phật đều bình đẳng vĩ đại. Dùng nhỏ mà dẫn đến rộng lớn, đem cái rộng lớn mênh mông dẫn về cái nhỏ hẹp. Nơi hướng đến cũng là không chốn đến. Nơi đi tới cũng là không chốn hướng tới.

Dùng vô thân làm thân. Ở nơi có thân mà không thân. Dùng giác ngộ để hội nhập chánh thọ. Đem chỗ hội nhập chánh thọ mà giác ngộ. Ở nơi thấy mà không thấy. Ở nơi không thấy mà có thấy. Đó gọi là thực hiện đầy đủ mười pháp.

Bồ Tát lại có mười sự, nhờ đó mà tạo nên mọi biến hóa.

Những gì là mười?

Đó là, biến hóa tất cả các cảnh giới, đều do từ pháp tam muội. Ví như có nhà ảo thuật sử dụng đại thần chú, ngôn ngữ và hành động đều rõ ràng, hiện ra đủ loại hình sắc, ánh sáng, sự tạo dựng đều thích hợp.

Các nơi chốn được hiện ra như tách rời khỏi ngôn ngữ của thần chú, tùy thuộc về huyễn sự, mà sự tạo dựng tôn nghiêm đó đều thích hợp với sự nhận thức và ngoại cảnh, nên đối với cảnh huyễn cho là như thật. Phải học hỏi, thực hành thì mới biết được tính chất huyễn thuật, nhờ trí tuệ mà thông đạt.

Bồ Tát cũng vậy, dùng bình đẳng nhập chánh thọ thì hiện ra việc dùng không bình đẳng mà giác ngộ. Dùng không bình đẳng nhập chánh thọ thì dùng bình đẳng mà giác ngộ. Ví như Chư Thiên với A Tu Luân đánh nhau, Chư Thiên Thắng, A Tu Luân thua. Chất lượng đế dùng thân tướng cao đến bảy trăm dụ tuần hợp với bốn thứ binh chủng mà tự phủ quanh.

A Tu Luân Vương lại biến hóa thân tướng đến trăn ngàn dụ tuần. Chư Thiên Cõi Trời Đao Lợi thảy đều cùng trông thấy mà đám quân binh ẩn trốn kia thứ lớp đều nghiêm chỉnh. Lại như A Tu Luân Vương, rõ là để thông tỏ về huyễn thuật. Chư Bồ Tát Đại Sĩ cũng vậy. Tất rõ nơi mọi xứ tạo tác của tuệ huyễn, mà tuệ thì vô tận. Chư Bồ Tát thể hiện các tuệ huyễn kia cũng là Bồ Tát cả.

Những tuệ huyễn kia chính là Bồ Tát. Dùng cái không hủy hoại đoạn diệt để nhập chánh thọ thì ở nơi hủy hoại mà giác ngộ. Ví như có đại chú gọi là yêu hoặc. Trì chú ấy, nắm lấy một ít hạt giống tung rải ra nơi đất liền có được cây cỏ với cành lá, hoa quả, hạt dùng để ăn uống.

Bồ Tát cũng như thế. Đạt tới sự chuyên nhất nơi pháp tam muội thì có thể hiện ra lớp lớp bày tỏ sự giác ngộ. Giống như sự gặp gỡ thuận hợp của nam nữ tất đưa đến việc mang thai, bào thai trọn nên và đủ mười tháng thì hài nhi sinh ra đầy đủ.

Bồ Tát cũng như thế. Luôn nuôi dưỡng bào thai của trí tuệ giác ngộ, thành tựu viên mãn các hạnh nguyện, đem cái nội tánh rộng lớn để đạt tới cái tuệ sáng tỏ an trụ nơi pháp tam muội Vô Hủy mà giác ngộ.

Ví như cung điện của Long Vương, nương tựa vào đất mà Long Vương cũng hiện ra nơi hư không, nhưng chẳng quấy động hư không cùng chẳng khiến chư Long kinh sợ. Nơi hư không cũng có thành Càn Đà La, cũng có chư Long, mà hư không ấy chẳng hề tăng giảm.

Long Vương hoặc muốn cho hư không tạnh bóng mây mà hư không cũng chẳng động. Còn các cung điện thành quách thì vẫn tiếp tục nương dựa nơi đất hoặc nương dựa nơi hư không.

Bồ Tát cũng như thế. Do đạt được pháp tam muội như huyễn nên ở nơi hữu tướng để nhập chánh thọ thì ở nơi vô tướng mà giác ngộ. Ở nơi vô tướng nhập chánh thọ thì ở nơi hữu tướng mà giác ngộ.

Ví như cung điện lớn của Phạm Thiên Vương hiệu là trì thế thanh tịnh tạng, là cung điện tối thượng trong số đền đài lầu gác nơi Phạm Thiên trú ngự.

Từ cung điện này, hiện ra ngàn thiên hạ, mười ngàn thiên hạ, trăm ngàn thiên hạ, hoặc hiện ra tam thiên đại thiên thiên hạ. Hoặc hiện ra ở nơi Thiên, Long, Thần, Càn Đà La, A Tu Luân, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, mọi người, cung điện quỷ thần cùng mọi chúng sinh trong thế gian.

Hoặc hiện ra Tu Di Sơn cùng toàn bộ Thất Bảo Sơn, Thiết Vi Sơn, Bảo Hắc Sơn, Tuyết Sơn cùng bốn cõi thiên hạ với những làng xóm, thôn ấp, quận huyện, cõi nước, quân Vương nhân gian, cho đến nơi chốn của Phạm Thiên không đâu là không hiện ra và trông thấy khắp. Cũng như đối với gương sáng, soi vào thì thấy rõ mặt mình.

Bồ Tát cũng như thế. An trụ nơi pháp tam muội này, đối với tất cả mọi thứ tuệ không gì là không thông tỏ, thấu triệt, không nơi nào là không hội nhập một cách bình đẳng, đi đến khắp thảy các cõi, đem ánh sáng trí tuệ soi tỏ mọi nẻo.

Chư vị Bồ Tát cũng như thế. Dùng sự phân biệt tất cả các thân trong pháp tam muội ấy mà đem lại ánh sáng tự tại nơi các cõi nước, tất thấy được Phật chủng hóa hiện ra hết thảy mọi chủng, mà vượt qua pháp chủng, thực hiện trọn vẹn các hành chủng giải thoát.

Cũng dùng Định chủng chủng tam muội tạo sự cảm ứng, dấy khởi chủng của sự giác ngộ, hiện bày khắp nhờ đạt được tuệ chủng, nhờ an trụ trí chủng. Bồ Tát ở nơi mười thứ cảm ứng lớn lao mà đạt được các pháp tu tập vượt bờ.

Những gì là mười?

1. Tạo được sự cảm ứng lớn lao mầu nhiệm của Phật, cũng như hư không.

2. Cảm ứng tận cùng nơi các pháp giới.

3. Đem sự cảm ứng lớn lao của Bồ Tát, biến hóa thể hiện sự vô hủy, ở nơi hủy diệt mà được tự tại, nhằm tu tập các pháp giải thoát.

4. Đem những cảm ứng lớn lao ấy thể hiện các tạo tác, các đại nguyện của Bồ Tát.

5. Thực hiện sự hội nhập nơi Như Lai hạnh, Phật Sự thông qua các pháp tu độ vô cực.

6. Tạo cảm ứng biến hóa nơi các cõi, thể hiện hết thảy các thứ các loại hành của cuộc sống tự tại an lạc.

7. Tạo cảm ứng tác động đến tất cả các cõi nước, nương dựa ở nơi ánh sáng hiển lộ.

8. Tạo cảm ứng đối với tất cả chúng sinh, thể hiện qua các hành chẳng thể nghĩ bàn, khiến cho họ thấy rõ được sự mầu nhiệm, biết được sự biến hóa ấy là từ ánh sáng trí tuệ.

9. Sự cảm ứng biến hóa ấy làm rõ thêm các pháp tam muội.

10. Dùng pháp tam muội Kim Cang, dùng sự hóa hiện mầu nhiệm để nhập chánh thọ, dùng trí tuệ mà giác ngộ.

Bồ Tát đem mười hành quả của pháp tam muội ấy để thực hiện viên mãn các chủng.

Lại nữa, chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ Tát có thể biến hóa làm Phật, có thể an trụ như Phật, có thể hóa hiện pháp luân, kiến lập mọi biến hóa thích ứng, hiện ra khắp nơi ánh hào quang của Đức Như Lai, chí nguyện tu tập Đại Thừa, từ nơi nẻo ấy mà ứng hóa, hết mực tôn quý đối với tâm, tạo mọi cảm ứng thể hiện thần thông biến hóa để dẫn dắt chúng sinh tu tập các pháp giải thoát.

Ở trong Bậc Bồ Tát luôn được tôn quý hết mực, vì đã thông tỏ pháp tam muội Bồ Tát Vô Trước Tuệ, dùng cái đắc của vô đắc, đem các pháp môn trong trăm ngàn pháp môn tạo sự cảm ứng rộng khắp nhằm chuyển bánh xe chánh pháp.

Bồ Tát thông đạt hết thảy mọi hành một cách vô ngại, đều nhận biết nẻo vô tưởng niệm, dùng ánh sáng của trí tuệ ấy để trong một lúc có thể thông tỏ trọn vẹn, tạo cảm ứng lớn lao cả ba đời thảy đều vô ngại.

Bồ Tát dùng mười sự việc ấy tạo sự cảm ứng biến hóa hết sức lớn, thể hiện mọi nẻo hành trì của Bồ Tát và Chư Phật nhằm dẫn đến việc tu tập các pháp giải thoát, vượt bờ.

Này chư vị trong tộc họ của Đức Như Lai! Bồ Tát Đại Sĩ nhận rõ các hành của thân, các nơi chốn có thể nương dựa, an trụ để đạt được trí tuệ thông tỏ các pháp tam muội đại đức quyền.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần