Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thực Hành Phương Tiện - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT THỰC HÀNH PHƯƠNG TIỆN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cầu Na Bạt Đà La, Đời Lưu Tống
PHẦN MỘT
Ta nghe như thế này, một thời Đức Phật ở tại nước Ưu Thiền Diên, dưới gốc cây Bàn Trà trong vườn của Đề Vương. Trong ấy có rất nhiều cây Sa La, cây Đa La, cây Ca Ni Ca La, cây Ni Câu La, cây Bác Dạ, cây Ưu Đàm Bát La.
Lại có Hoa Bà Sư. Hoa Đa Nhị Ca. Hoa A Đề Mục Đa. Hoa Chiêm Bà cùng cây A Thục Ca, cây Bà Thác La để trang nghiêm nơi ấy.
Lại cũng có suối, giếng, ao, hồ, lạch, sông chảy xiết trong sạch trang nghiêm. Lại cũng có những hoa sen xanh vàng đỏ trắng nổi trên nước. Các loại chim ngỗng, thiên nga, Câu Na La, chim Bạt Thác Quân Đà cùng với các chim lạ tạo ra những âm thanh vi diệu, cùng lúc cất lên những tiếng hát khác nhau làm cho thấm nhuần cả cây cỏ trong rừng.
Cùng với các vị Tỳ Kheo độ mười hai ức người câu hội. Đại Đức Xá Lợi Phất. Ngài Mục Kiền Liên. Ngài Ma Ha Ca Diếp. Ngài A Ni Kiền Đà. Ngài Tu bồ đề. Ngài Đại Ca Chiên Diên. Ngài Ma Ha Kiếp Tân Na. Ngài Ly Bà Đà. Ngài Ba Tân Na. Ngài Nan Đề Sí Na Na Đề Ca Diếp. Ngài Dà Da Ca Diếp.
Ngài Phú Lâu Na Di Đa La Ni Tử. Ngài Kiều Phạm Ba Đề Na Đà Sí Na. Ngài Châu Lợi Bàn Trì. Ngài Thát Bà Ma La Tử. Ngài Khứ Đà Bà Lâm. Ngài Nan Đà. Ngài Ma Ha Câu Hy La. Ngài La Hầu La cùng với Đại Đức A Nan v.v… vì mười hai ức vị mà làm Thượng Thủ.
Tất cả đều nhập vào nơi hành pháp giới, đã vào trong tất cả các pháp. Như nơi tánh hành, không hành. Nơi không nương vào làm việc không nương vào, lìa tất cả những ràng buộc dính mắc bị kết lại, đã vào nơi Như Lai.
Không có pháp giới nào mà chỉ gần một pháp giới. Hướng tất cả con đường trí mà không lui sụt. Muốn được tất cả trí mà tâm không thối chuyển. Trí huệ chứng rồi liền đến bờ kia. Sau đó khuyên răn tu hành làm cảnh giới phương tiện.
Ngài Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Ngài Da Du Đà La v.v… cùng với tám ức Tỳ Kheo Ni cũng đồng câu hội. Tất cả đều thành tựu pháp trong sạch. Tất cả đều tốt đẹp.
Tất cả con đường trí tuệ đều gần gũi nhau. Tất cả việc làm tốt đẹp ấy được vào chỗ vô hữu pháp tánh. Xem tất cả các pháp đều không có tánh tướng. Tự hiểu các pháp thật tướng không tướng, chứng được vô ngã giải thoát trí tuệ. Tùy thuận chúng sanh. Cho nên dễ dàng điều phục. Thường hay thị hiện.
Lại cùng với bảy mươi hai ức Đại Bồ Tát có tên là: Nhật Đại Lực Bồ Tát, Đại Lực Trì Bồ Tát, Đại Biến Hóa Bồ Tát, Đại Biến Hóa Vương Bồ Tát, Đại Tiến Thú Bồ Tát, Đại Tiến Kiền Bồ Tát, Đại Hống Bồ Tát, Đại Hống Ý Bồ Tát, Đại Chúng Chủ Bồ Tát, Đại Hương Chúng Bồ Tát, Đại Nguyệt Bồ Tát, Thiện Nguyệt Bồ Tát, Công Đức Nguyệt Bồ Tát, Bảo Nguyệt Bồ Tát, Phổ Chiếu Nguyệt Bồ Tát.
Pháp Vô Cấu Nguyệt Bồ Tát, Nguyệt Chiếu Bồ Tát, Diệu Danh Nguyệt Bồ Tát, Phóng Quang Nguyệt Bồ Tát, Mãn Nguyệt Bồ Tát, Phạm Âm Bồ Tát, Phạm Chủ Lôi Âm Bồ Tát, Địa Âm Bồ Tát, Pháp Giới Âm Thanh Bồ Tát, Giáng Nhất Thiết Ma Trường Âm Bồ Tát, Diệu Âm Thanh Bồ Tát, Phổ Cáo Âm Bồ Tát, Vô Vọng Tưởng Phân Biệt Âm Bồ Tát, Địa Luân Âm Bồ Tát.
Nhất Thiết Vô Chướng Âm Bồ Tát, Phổ Tạng Bồ Tát, Vô Cấu Phổ Tạng Bồ Tát, Đức Tạng Bồ Tát, Chiếu Tạng Bồ Tát, Bảo Tạng Bồ Tát, Nguyệt Tạng Bồ Tát, Nhật Tạng Bồ Tát, Thức Tạng Bồ Tát, Liên Hoa Tạng Bồ Tát, Liên Hoa Đức Tạng Bồ Tát, Đại Ý Bồ Tát, Ích Ý Bồ Tát, Diệu Ý Bồ Tát, Hảo Ý Bồ Tát, Thắng Ý Bồ Tát, Tăng Ý Bồ Tát, Vô Biên Ý Bồ Tát, Quảng Ý Bồ Tát, Giác Ý Bồ Tát, Vô Tận Ý Bồ Tát, Tu Di Đăng Bồ Tát, Đại Đăng Bồ Tát, Pháp Cự Đăng Bồ Tát, Chiếu Nhất Thiết Phương Đăng Bồ Tát, Phổ Đăng Bồ Tát.
Diệt Nhất Thiết Ám Đăng Bồ Tát, Chiếu Nhất Thiết Đạo Đăng Bồ Tát, Nhất Chiếu Minh Đăng Bồ Tát, Nguyệt Đăng Bồ Tát, Nhật Đăng Bồ Tát, Ly Nhất Thiết Ác Đạo Bồ Tát, Ma Bất Hàng Phục Bồ Tát, Đại Ma Bất Hàng Phục Bồ Tát, Uy Đức Bồ Tát, Vô Hàng Phục Bồ Tát, Vô Năng Trắc Bồ Tát, Uy Đức Giác Càng Ác Bồ Tát, Đắc Đại Thế Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử Bồ Tát Ma Ha Tát v.v… gồm bảy mươi hai ức vị câu hội, đều là những vị nhất sanh, chứng Đà La Ni, được tam muội, được vô biên lạc thuyết, được vô ngại vô sở úy, chứng được thần thông rốt ráo. Hay qua lại nhiều Quốc Độ của Chư Phật. Đi lại bằng thần thông, thân tâm giải thoát.
Các chướng ngại của tri kiến đã thành tựu. Thế Giới không có Phật liền hiện thân ra nơi đó. Thường chuyển pháp luân, không có phân biệt. Tùy theo tất cả chúng sanh mà độ. Vì họ mà nói pháp, nói vô tác pháp. Ở trong pháp tánh ấy không có động phát sinh mà cũng không có việc không động phát sinh.
Những chúng sanh nào đã vào Quốc Độ này liền được đến bờ giác ngộ. Khi nói pháp dùng tiếng như Sư Tử Hống, hàng phục tất cả những ngoại đạo đang phá hoại, làm cho ma phải kinh sợ. Những vị Bồ Tát này có những thần thông như thế. Lìa các tâm yêu giận mà được bình đẳng, giống như đất nước gió lửa, vào trong tất cả các nơi bí mật của Như Lai.
Vì tất cả chúng sanh mà làm tất cả những Phật Sự, thường vì Chư Phật mà xưng dương tán thán, giữ gìn tất cả những kiếp vị lai, giữ gìn tất cả những pháp tánh của Như Lai, lấy mưa pháp để tán thán tất cả các công đức, không thể hết được. Vì Thế Giới mà thành tựu bổn nguyện chính vậy. Làm việc giải thoát của các Đức Như Lai. Trước tiên phải phát tâm tu theo Đại Thừa. Lòng tin nơi mắt thanh tịnh không có ô nhiễm.
Thường hay khuyến tấn cúng dường cho các việc Phật Sự của các Đức Như Lai. Hay làm những việc trang nghiêm không thay đổi và luôn hướng về lòng từ. Những tấm lòng này không thể giải thích mà cũng chẳng thí dụ được. Vượt lên các sự nghi ngờ, do tâm can đảm. Vì các Phật quá khứ mà hộ trì.
Lại cũng có rất nhiều Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di ở nơi ba ngàn đại thiên Thế Giới oai đức vô cùng không thể sánh kịp. Chủ của các Cõi Trời, chủ của các loài rồng, chủ của các loài Dạ Xoa, chủ của các loài Càn Thiết Bà, chủ của các A Tu La, chủ của các La Hầu La Già, chủ của các Ma Hầu La Già, chủ của các Khẩn Na La, chủ của loài người và không phải loài người đã cùng với tất cả trăm ngàn quyến thuộc đều đến đây để ngồi.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn có rất nhiều trăm ngàn đại chúng vây chung quanh. Ngồi nơi Tòa Sư Tử Đức Tạng, phóng ánh quang minh bao quanh đại chúng, giống như núi Tu Di nằm trên biển lớn chiếu đến các núi khác và ánh sáng ấy luôn được bảo trì.
Lúc ấy Đức Thế Tôn từ tòa ngồi Sư Tử điều phục tất cả Trời người và dùng ánh sáng ấy chiếu soi rực rỡ. Cũng giống như Mặt Trời, Mặt Trăng vào ngày rằm chiếu sáng thanh tịnh như thế.
Lúc ấy Đức Thế Tôn yên ổn cùng với Chư Thiên loài người đều được chiếu sáng thanh tịnh như hư không thuần khiết không có một đám mây che. Ánh sáng Mặt Trời tỏa ra như màn lưới, chiếu sáng đến những nơi tối tăm và làm cho được sáng sủa.
Lúc ấy Đức Thế Tôn từ Tòa Sư Tử hàng phục tất cả Chư Thiên và loài người một cách rốt ráo và cũng đã làm cho Thích Phạm hộ thế được yên ổn cũng cùng với những ánh sáng như thế.
Giống như giữa đêm tăm tối từ trên đỉnh núi cao phóng ra ánh lửa chiếu soi thanh tịnh. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn, từ nơi Tòa Sư Tử đã hàng phục yên ổn Trời người, ánh sáng quang minh rực rỡ không bợn nhơ như chúa sơn lâm đã hàng phục tất cả các loài thú nhỏ.
Lúc ấy Đức Thế Tôn từ nơi Tòa Sư Tử đã hàng phục và làm yên ổn trời người, như Tỳ Lưu Ly như ý bảo châu bát lăng vô cấu phóng ra ánh sáng.
Lúc ấy Đức Thế Tôn từ nơi Tòa Sư Tử đoan nghiêm vi diệu chiếu sáng mười phương như Chuyển Luân Vương hàng phục tứ hoặc để có được chúng sanh.
Lúc ấy Đức Thế Tôn từ nơi Tòa Sư Tử hàng phục yên ổn Chư Thiên loài người và Thích Đề Hoàn Nhân cũng như Thích Ca Tỳ Lăng Già Bảo Anh Lạc Xứ, nơi thiện pháp đường đã dùng ánh sáng để hàng phục Chư Thiên vậy.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn từ nơi Tòa Sư Tử hàng phục yên ổn Chư Thiên và loài người, ánh sáng chiếu khắp thanh tịnh.
Lúc ấy Ngài Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử biết được tâm của đại chúng rồi, thấy thân của Như Lai oai đức tự tại liền mới nghĩ rằng: Đây là ánh sáng gì mà nay Đức Thế Tôn đang ngồi Tòa Sư Tử, các ánh sáng rất thanh tịnh thù thắng. Trong chúng ấy có nhiều người. Nên ta nay sẽ hỏi Đức Như Lai nghĩa này.
Lúc ấy Ngài Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử từ nơi chỗ ngồi mà đứng dậy, chỉnh trang y áo bày vai mặt cúi sát xuống đất chắp tay hướng về phía Phật mà thưa rằng:
Mười phương chiếu ánh sáng
Hàng phục Trời và Người
Ba Cõi cũng không cùng
Chúng sanh không qua hết
Như trên đỉnh Tu Di
Tất chiếu sáng tất cả
Hàng phục các núi khác
Chiếu mạnh đến các nơi
Phật oai đức cũng vậy
Biết hết nên ra đời
Hàng phục các chúng sanh
Thường hay chiếu sáng cho
Như trăng nơi hư không
Chiếu công đức Trời Trăng
Đầy đủ và viên mãn
Hàng phục cho các loài
Mười phương cũng như vậy
Đệ tử vây chung quanh
Dùng ánh sáng Mặt Trăng
Chiếu cho cả Trời người
Giống như ánh Mặt Trời
Chiếu sáng đến tất cả
Mọi người đều như vậy
Được hàng phục cả thảy
Giống như lửa trên núi
Nửa đêm chiếu sáng tỏa
Biết ánh sáng như thế
Đấng Điều Ngự phóng ra
Như chúa loài Sư Tử
Dùng uy đức hàng thú
Ngoại đạo cũng như vậy
Chiếu sáng để hàng phục
Người Đời Chuyển Luân Vương
Uy đức hàng phục đời
Thế Tôn cũng như vậy
Hàng phục cả thế gian
Ba Mươi Ba Cõi Trời
Hàng phục cả Chư Thiên
Không thể so sánh bằng
Hàng phục chiếu các loài.
Sau khi Đức Văn Thù Sư Lợi Đồng Tử làm kệ tán thán Đức Phật xong liền chắp tay bạch Phật rằng: Duy nguyện Thế Tôn! Nay vì chúng này mà nói Kinh: Hành phương tiện cảnh giới thần lực biến hóa, để có chúng sanh nào nghe được Kinh này mà thực hiện vậy, để phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác và những người khác cũng được thắng tiến, để phát tâm vô thượng bồ đề, tăng ích vô thượng bồ đề cảnh giới. Các chúng sanh bị giải đãi sẽ phát tâm hoan hỷ.
Các chúng sanh bị đày đọa sẽ được an ổn và tất cả những chúng sanh khác phát tâm tu hành vậy, đầy đủ trang nghiêm trí tuệ của Như Lai. Sau khi Văn Thù Sư Lợi thỉnh lời như thế rồi.
Đức Phật liền bảo Văn Thù Sư Lợi rằng: Như Lai Ứng Cúng chánh biến tri nay nói khó giải.
Vì nhân duyên gì mà nói.
Vì duyên gì mà vào?
Thật khó biết, khó hiểu, khó có thể đo lường và khó giáo hóa cũng như khó độ. Loài trời người đã làm hoại oai nghi và những người phá giới thì không thể giải thích được.
Những chúng sanh thấp kém cũng không thể giải thích được. Những kẻ tín tâm bị hoại thì khó giải thích được. Vì kẻ ác tri thức mà nhiếp hóa, cũng không thể giải thích cho những người chỉ dùng đến tri thức. Do không biết mà không vì Chư Phật để hộ trì, không hay nghe theo, hà huống là cắt nghĩa, không có nơi đâu cả, chỉ trừ khi những kẻ ấy được Chư Phật hộ trì.
Lúc ấy Đức Phật nói bài kệ rằng:
Văn Thù nghe ta nói
Nên đã hỏi sự nghi
Nơi thấp khó thực hành
Không biết pháp tánh này
Ánh sáng Phật không hiểu
Đấng Điều Ngự khó độ
Nếu có kẻ nghe pháp
Mà tâm không cung kính
Nương vào ác tri thức
Lìa những thiện tri thức
Nếu có nghe pháp này
Tất không sanh lòng tin
Tâm nhỏ không phát triển
Không có tâm cao cả
Người thấp không lòng tin
Nghe rồi sanh không vui
Phật thương không vì nói
Làm hại đến chúng này
Do họ không tin pháp
Đêm dài chẳng ích gì.
Lúc bấy giờ Ngài Văn Thù Đồng Tử bạch Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn: Trong chúng hội đây tất cả đều thanh tịnh. Trước đây đã làm những việc lành như đã cúng dường quá khứ Chư Phật và thiện tri thức, đã giữ gìn tín căn, đã cung kính các pháp xuất thế giải thoát, tâm họ thanh tịnh, nghe hiểu và thực hành …
Như vậy tất cả chúng sanh như thế câu hội nơi đây và muốn biết muốn nghe muốn hiểu pháp này. Lành thay Thế Tôn, nguyện vì đó mà thuyết pháp, do việc giữ gìn lợi ích cho chúng sanh vậy.
Lại nói kệ rằng:
Có nhiều chúng sanh cầu các pháp
Đã hiểu rõ nghĩa pháp tánh này
Quá khứ Chư Phật đã tu hành
Cho nên Đức Điều Ngự mới thuyết pháp
Tất cả đều cùng cung kính ngồi
Thị hiện đấng hộ thế trong đời
Điều Ngự vì họ mà hiện ra
Vì giác ngộ nói thắng nghĩa này
Vì lợi ích nhiếp hóa Bồ Tát
Vì loài người mà khai pháp Tạng.
Ngài Văn Thù Sư Lợi thỉnh như thế rồi, Phật liền tán thán: Lành thay! Lành thay! Văn Thù Sư Lợi! Nay ngươi hỏi Đức Như Lai Ứng Cúng chánh biến tri nghĩa này thì Văn Thù Sư Lợi, ngươi phải nên biết tất cả pháp hành và ở trong pháp đó phải không có những sự nghi ngờ. Ngươi hãy nên dùng sự hiểu biết và trí huệ phương tiện.
Văn Thù Sư Lợi! Vì sự lợi ích của nhiều chúng sanh mà làm.
Văn Thù Sư Lợi! Hãy vì vị lai các vị Bồ Tát mà làm nên ánh sáng rạng rỡ.
Này Văn Thù Sư Lợi! Hãy nên lắng nghe! Hãy nên nhớ nghĩ! Nay ta đang nói kinh Bồ Tát sở hành phương tiện cảnh giới thần thông biến hóa đây.
Ngài Văn Thù Sư Lợi thưa: Như vậy đó Thế Tôn, chúng con đang lắng nghe.
Phật lại bảo: Này thiện nam tử! Nếu có kẻ thành tựu mười hai ức pháp công đức thì kẻ thiện nam người thiện nữ kia hãy vì phát tâm chứng được vô thượng bồ đề.
Thế nào là mười hai?
Lý giải trong sạch lìa các bợn nhơ.
Có tánh từ bi sanh ra thanh tịnh.
Có tâm chuyên hành trì pháp vô vi.
Có trang nghiêm việc thiện và làm cho việc thiện này lâu bền.
Có tâm cung kính cúng dường Chư Phật nên thành tựu những pháp thanh tịnh.
Có thân khẩu ý nghiệp không làm những điều sai trái, xa lìa đường ác.
Có tâm xa rời những kẻ ác trí thức và gần gũi bậc thiện trí thức. Như pháp mà nói mà làm, không xảo trá.
Có sự hiểu biết các pháp, không tham cầu đồ ăn ngon.
Có hộ trì các Đức Như Lai, xa lìa ma chướng. Hay thường trong tất cả chúng sanh, sanh tâm đại bi. Không xa lìa tất cả chúng sanh. Tâm không sanh tham đắm.
Có sức mạnh của nhân duyên trang nghiêm công đức.
Này thiện nam tử! Đây gọi là thành tựu mười hai pháp công đức vậy.
Này các Thiện Nam Tử Thiện Nữ Nhân! Hãy phát tâm thành được vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Vì tâm lợi ích, hay cùng với chúng sanh tạo ra niềm vui. Có tâm ai mẫn, không làm những điều ác.
Tâm từ bi hay thương xót tất cả chúng sanh.
Tâm đại từ làm cho tiêu diệt tất cả các ác đạo. Bạch tịnh tâm, không cầu dư thừa. Vô ái tâm, lìa tất cả những kiết sử lậu vậy.
Tâm thanh tịnh làm cho tánh được tịnh. Như huyễn tâm, không có vật gì dính mắc.
Tâm vô sở hữu, lìa việc sở hữu.
Tâm kiên cố, không giao động vậy.
Tâm không thối chuyển, được các pháp vậy.
Độ tất cả cho chúng sanh là người có tâm làm những điều như vậy.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn mới nói lời rằng:
Nếu có Phật Tử hay tu hành
Thanh tịnh các pháp tâm đầy đủ
Tất cả chúng sanh tâm từ bi
Mềm mỏng chính là tâm bồ đề
Đầu tiên xa rời ác tri thức
Sau đó gần gũi thiện tri thức
Thệ nguyện khuyến tấn quả bồ đề
Sanh ra hiểu biết bồ đề tâm
Thường hay không sanh tâm mệt mỏi
Hay tu hành làm như lời dạy
Ví như kim cương không thối tâm
Như vậy đó sanh bồ đề tâm
Vì các chúng sanh sanh tâm từ
Để cho chúng sanh nơi an lạc
Xa lìa tất cả các khổ não
Như vậy sẽ sanh bồ đề tâm
Kẻ trí không cầu cho dư thừa
Suy nghĩ giác ngộ là công đức
Tâm sạch không dơ và không ái
Như vậy luôn là tâm bồ đề
Xa rời không vật, không có yêu
Tánh này giống như tánh điện vậy
Lìa tất cả vật không có tướng
Phật nói tâm bồ đề như thế
Lìa xa tất cả các điều ác
Không dơ trong sáng như hư không
Tất cả chữ nghĩa không thể thấy
Nên nói tâm bồ đề thanh tịnh
Gốc giác ngộ thắng tất cả pháp
Lại giống như là một Thần Chú
Lại làm các căn được trong sạch
Điều này được Phật các công đức.
Phật bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi rằng: Bồ Tát ở yên, thấy mười hai công đức khuyến tấn tu hành Đàn Ba la mật.
Thế nào là mười hai?
Thấy đạo bồ đề, an ổn thích nghi, khuyến tấn tu hành bố thí.
Thấy các gia đình giàu có, khuyến tấn bố thí.
Thấy nơi đồng loại dễ thương, khuyến tấn tu hành bố thí.
Thấy lìa bợn nhơ, khuyến tấn tu hành bố thí.
Thấy thí tâm đầy đủ, khuyến tấn tu hành.
Thấy cửa nơi ngạ quỷ đóng lại, khuyến tấn tu hành bố thí.
Thấy tiền nhiều cùng cầu bền chắc, khuyến tấn tu hành bố thí.
Thấy các việc tự tại đầy đủ, khuyến tấn tu hành bố thí.
Thấy tu hành làm những việc xả hỷ, khuyến tấn tu hành bố thí.
Thấy ta đang đầy đủ nơi bố thí, khuyến tấn tu hành bố thí.
Thấy ưng thuận lời dạy của Như Lai, khuyến tấn tu hành bố thí.
Những sự bố thí như thế đều hồi hướng về Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Này thiện nam tử! Đây có tên gọi là Bồ Tát thấy mười hai công đức nên khuyến tấn tu hành bố thí vậy.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói lời kệ rằng:
Thí cầu khó sánh tất cả trí
Tay chân cùng mắt đầu gân cốt
Không kể trong ngoài đều xả hết
Sau không tham chứa nhiều phước đức
Sẽ thành vi diệu kẻ cao cả
Ta sanh giác ngộ bỏ tham cầu
Được tự tại chính nhờ bố thí
Tất cả Chư Phật hay tán thán
Dùng huệ thấy đây các công đức
Ta nay tu hành bỏ tất cả.
Lại nữa này các thiện nam tử! Nếu có Bồ Tát thấy được mười hai công đức như thế, nên khuyến tấn tu hành về Thi Ba la mật.
Thế nào là mười hai?
Thấy ta đương hộ trì giữ gìn thành tựu các giới, nên khuyến tấn tu hành giữ giới.
Thấy ta đang hướng đến con đường giác ngộ, hãy khuyến tấn thực hành giới.
Thấy ta đang cởi bỏ những sự ràng buộc, nên khuyến tấn tu hành giữ giới.
Thấy ta đang xa lìa ác đạo, hãy khuyến tấn tu hành giữ giới.
Thấy ta đang trừ tất cả đường ác, khuyến tấn tu hành giữ giới.
Thấy ta đang làm cho thân khẩu ý không tạo nghiệp, hãy khuyến tấn tu hành giữ giới.
Thấy ta đang vì kẻ trí tuệ, hãy khuyến tấn tu hành giữ giới.
Thấy ta đang tập không buông lung, khuyến tấn tu hành giữ giới.
Thấy ta đang cho tất cả chúng sanh sự không sợ hãi, hãy khuyến tấn tu hành giữ giới.
Thấy ta đang vì tất cả pháp mà được tự tại, khuyến tấn tu hành giữ giới.
Này thiện nam tử! Đây tên gọi là Bồ Tát thấy mười hai công đức vậy. Nên khuyến tấn tu hành giữ giới. Những giới đức này hồi hướng về nhất thiết trí.
Lúc ấy Đức Thế Tôn nói lời kệ rằng:
Ta nay giải được các ràng buộc
Ta đang đóng tất cả cửa ác
Ta đương nghĩ suy những nghĩa màu
Ta nay giữ giới, trâu yêu đuôi
Ta nay như Phật mà dạy dỗ
Ta nay trí tuệ được xưng tán
Ta nay hộ trì thường không lìa
Ta đang ở nơi giới công đức
Ta nay thân khẩu được vô tác
Ta đang ý thức việc làm này
Ta nay hay giữ thân khẩu ý
Ta nay không trở lại đường ác
Nếu không buông lung được tán thán
Đây là tất cả các nghiệp lành
Ta hay thường ở nơi chốn này
Xa rời tất cả các phóng dật
Ta đương hành trì Thi Ba La
Ta đương thành tựu các Phật Pháp
Ta nay thanh tịnh Như Lai giới
Giới là tất cả hơn ai hết
Không cần hy vọng công đức này
Nếu đến giải thoát cầu như thế
Giữ giới ví như trâu mến đuôi
Sẽ được tất cả các công đức.
Lại nữa này các thiện nam tử! Bồ Tát nhớ mười hai việc này, tu hành kham nhẫn.
Thế nào là mười hai?
Tất cả các hành, phải tu pháp nhẫn.
Không được giới, phải tu nhẫn.
Không được chúng sanh, phải tu nhẫn.
Không được nơi kẻ khác, phải tu nhẫn.
Cứu cánh không sân, phải tu nhẫn.
Dứt sạch ràng buộc, phải tu nhẫn.
Xa rời tham sân, phải tu nhẫn.
Thành tựu tướng tốt, phải tu nhẫn.
Muốn sanh Cõi Phạm Thiên, phải tu nhẫn.
Xa đây sinh kia, phải tu nhẫn.
Muốn được trí huệ, phải tu nhẫn.
Muốn hàng phục các ma, phải tu nhẫn.
Muốn thấy nhiều thân của Như Lai, tu hành phải nhẫn.
Nếu mà nhẫn nại được như thế, tất nhiên sẽ được hồi hướng đến nhất thiết trí.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tịch Diệt
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đà Phiêu - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Mặt Trăng
Phật Thuyết Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết - Phẩm Tám - Phẩm Phật đạo
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phật độ Nghiêm Tịnh - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Vô Tưởng - Chương Ba - Nói Về đà La Ni
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm Thọ Ký
Phật Thuyết Kinh Uy Nghi Hình Sắc Của Pháp Hoa Mạn đà La - Phần Ba