Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tòng đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Tứ đạo Hòa Hợp

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TÒNG ĐÂU

THUẬT THIÊN HÀNG THẦN MẪU

THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI HAI

PHẨM TỨ ĐẠO HÒA HỢP  

Bấy giờ, trong chúng hội có Bồ Tát tên Biến Quang, trí huệ thông đạt, trụ vào địa vị bất thối chuyển, lòng thệ nguyện rộng lớn không thể nào lường được.

Được Chư Phật khen ngợi chẳng phải một, chẳng phải hai, có công đức vô lượng với hằng hà sa Phật, chứa nhóm hạnh vô úy, thường dạo đi vô lượng Cõi Phật, cùng học với tám vị:

1. Bồ Tát Bất Tà Kiến.

2. Bồ Tát Trực Ý.

3. Bồ Tát Chúng Tướng.

4. Bồ Tát Khuất Thân.

5. Bồ Tát Giải Thoát.

6. Bồ Tát Giải Phược.

7. Bồ Tát Ấn Khả.

8. Bồ Tát Thệ Nguyện.

Từ vô số kiếp đã trụ vào Tận Địa, đắc bất thối chuyển.

Bấy giờ, Bồ Tát Biến Quang thưa Phật: Làm thế nào Đại Bồ Tát nhập vào bốn loại đạo mà không có trước sau, đắc thành đạo Vô Thượng Đẳng Chánh Giác?

Bồ Tát ngày đêm tư duy thấy dục như lửa, tưởng tri niệm đều tận những hành pháp điên đảo. Thấy lợi pháp đầu tiên được quả A Na Hàm, thì ngay ở Cung Trời ấy thủ đạo minh chứng.

Như vậy không bao lâu, có lúc Bồ Tát ở địa vị trên quán sát xuống Cõi Dục giống như đống bọt nước, đoạn trừ ba kiết sử, xa lìa ba ác đối với hữu, vô hữu.

Hoặc có Bồ Tát đắc căn đắc lực, lập chí tự tại, phá hữu diệt vô, không còn bốn đẳng tâm, kia đây đều bình đẳng không có tưởng ngã, chẳng quá khứ, vị lai, hiện tại, chẳng có Đẳng Chánh Giác.

Vậy những chúng sanh này đối với đạo vô thượng có gì sai khác?

Phật dạy: Lành thay! Những câu hỏi này ta sẽ phân biệt rõ ràng đầy đủ cho ông. Sao gọi là nhân duyên của nhân duyên Bồ Tát.

Sao gọi là nhân duyên của nhân duyên?

Sự xúc chạm của vòng xuyến nơi hai tay gọi là nhân duyên của nhân duyên. Người kia dạy ta tiếp thu nhờ nơi âm thanh tiếng nói giáo hóa, gọi là Thanh Văn, không có thầy, không có trí, không nhờ kia đây, nên gọi là Phật Duyên Giác.

Lại nữa, đối với đạo này đạo kia, Đại Bồ Tát học hỏi quyết nghi với nhau, được chứng hay không chứng đều trôi theo năm đường. Đó gọi là Giác, cũng không thấy giác, cũng không thấy không giác, không một, không hai, đó là không hai nhập.

Đại Bồ Tát bổn hạnh tu tập hiểu rõ Duyên Giác, với hữu dư, vô dư kiết sử đều đoạn hẳn, đó là không hai nhập. Tất cả tầng lớp chúng sanh hiểu rõ đều là vô thường. Thân chẳng phải của ta, trong ngoài đều là trống không. Đó là không hai nhập.

Ân đức của Phật lan rộng khắp nơi không bờ bến, lấy khổ tập đạo để đạt đến vô vi, đó là không hai nhập. Tứ đẳng đại bi che trùm hết tất cả, chúng sanh ngu si được đến đạo chân thật, đó là không hai nhập.

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:

Thanh Văn, Bích Chi Phật

Là tên mượn để gọi

Như người đại chiến thắng

Thắng giặc là trên hết

Không ai sánh bằng Phật

Một mình vào ba cõi

Điều tâm chiến thắng ma

Sức nhẫn đến Niết Bàn

Luân chuyển khổ sanh tử

Mạng như lửa đá mài

Trải qua ức trăm ngàn

Không biết khi nào thoát

Phật vốn không danh hiệu

Vì do người tôn trọng

La Hán, Bích Chi Phật

Chỉ một không có hai

Như Phật Định Quang kia

Thọ ký ta Vô Thượng

Sau chín mươi mốt kiếp

Ở trong hiền kiếp này

Bậc tối thắng thứ tư

Hiệu là Thích Ca Văn

Đời vạc sôi năm trược

Không hiếu thuận cha mẹ

Sát hại A La Hán

Không vâng lời Phật dạy

Những nơi ta từng ở

Chẳng một, chẳng hai đường

Trong sáu đường phiền não

Trải qua vô số kiếp

Đầu, giữa, cuối không ngủ

Kinh hành tu đạo đức

Kính tâm tự giác ngộ

Lìa chấp trước ba hữu

Hạnh nguyện xưa của Phật

Không xả thủ diệt độ

Một thân, một thần thức

Giống mình không có khác

Cực khổ trong số kiếp

Tinh thần bị suy sụp

Vì họ, không vì mình

Nên được thành Phật Đạo

Ta là nhất thiết trí

Dạy cho người chưa dạy

Huệ thông không chấp trước

Một tiếng dứt nghi ngờ

Ba đời Tu Đà Hoàn

Đạt đến đạo vô vi

Huống chi người đệ nhất

Theo Phật không còn nghi

Các đệ tử của ta

Hữu học và vô học

Tứ đẳng cứu vớt khổ

Không khởi, không sanh diệt

Vốn do tư tưởng sanh

Lại do tư tưởng diệt

Phi ngã tư tưởng sanh

Phi ngã tư tưởng diệt

Hành vốn do có căn

Trôi nổi chẳng một mối

Căn đoạn dứt tư tưởng

Không còn niệm căn bản.

Khi Thế Tôn nói kệ xong, có mười hai na do tha chúng sanh đều phát tâm đạo bình đẳng vô thượng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần