Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tòng đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Phẩm Mười - Phẩm Thường Vô Thường

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TÒNG ĐÂU

THUẬT THIÊN HÀNG THẦN MẪU

THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI

PHẨM THƯỜNG VÔ THƯỜNG  

Bấy giờ, trong đại chúng có Bồ Tát tên Quán Kiến Vô Thường đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải sát đất, chấp tay thưa trước Phật: Lành thay! Lành thay!

Bạch Thế Tôn! Ngài hãy mau nói nghĩa này. Chánh pháp của Chư Phật không thể nghĩ bàn. La Hán, Bích Chi Phật không thể nào theo kịp. Vốn nó không có chân tánh, không thể cùng tận.

Như Lai hiện thân ra một vào một, biến hóa đủ cách, khi làm nát thân Xá Lợi, hoặc giữ toàn thân Xá Lợi, hoặc ẩn mất không hiện, hoặc lưu bố trong thế gian, hoặc hiện cảnh giới một Đức Phật, hoặc hiện rất nhiều cảnh giới Chư Phật, thần thông biến hóa, đạo lực tự tại, kỳ lạ đặc biệt như cõi hư không.

Thường cũng là vô thường, vô thường cũng vô thường. Trụ cũng vô trụ, vô trụ cũng vô trụ. Biến đổi chẳng phải một. Nguyện muốn nghe Như Lai nói về nghĩa thường, vô thường.

Như ngày nay con ở trong Cửu Địa là thường hay vô thường?

Khi ấy, Thế Tôn dạy Bồ Tát Thường Vô Thường: Nay ta hỏi ông, ông hãy đem tánh chân thật để trả lời cho ta.

Thế nào, này Tộc Tánh Tử! Sắc là thường phải không?

Trả lời: Thưa không.

Thế Tôn hỏi: Sắc là vô thường phải không?

Trả lời: Thưa không.

Thế Tôn hỏi: Sắc chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, phải không?

Trả lời: Thưa không.

Thế Tôn hỏi: Thế nào, này Tộc Tánh Tử!

Sắc là hữu dư phải không?

Trả lời: Thưa không.

Thế Tôn hỏi: Sắc là vô dư phải không?

Trả lời: Thưa không.

Thế Tôn hỏi: Sắc là hữu dư, vô dư phải không?

Trả lời: Thưa không.

Thế Tôn hỏi: Sắc chẳng phải hữu dư, chẳng phải vô dư, phải không?

Trả lời: Thưa không.

Phật dạy: Tộc Tánh Tử! Thọ tưởng hành thức là thường phải không?

Trả lời: Thưa không.

Thế Tôn hỏi: Thọ tưởng hành thức là vô thường phải không?

Trả lời: Thưa không.

Thế Tôn hỏi: Thọ tưởng hành thức là thường, là vô thường phải không?

Trả lời: Thưa không.

Thế Tôn hỏi: Thọ tưởng hành thức chẳng phải thường, chẳng phải vô thường, phải không?

Trả lời: Thưa không.

Thế Tôn hỏi: Thọ tưởng hành thức là hữu dư phải không?

Trả lời: Thưa không.

Thế Tôn hỏi: Thọ tưởng hành thức là vô dư phải không?

Trả lời: Thưa không.

Thế Tôn hỏi: Thọ tưởng hành thức là hữu dư vô dư phải không?

Trả lời: Thưa không.

Thế Tôn hỏi: Thọ tưởng hành thức chẳng phải hữu dư chẳng phải vô dư, phải không?

Trả lời: Thưa không.

Phật hỏi Bồ Tát Thường Vô Thường: Niết Bàn là tịnh phải không?

Trả lời: Thưa không.

Thế Tôn hỏi: Niết Bàn là bất tịnh phải không?

Trả lời: Thưa không.

Thế Tôn hỏi: Niết Bàn là tịnh bất tịnh phải không?

Trả lời: Thưa không.

Phật dạy Bồ Tát Thường Vô Thường: Thật tánh của Niết Bàn thật sự đứng ở chỗ nào:

Trả lời: Đứng mà không có chỗ đứng.

Phật hỏi: Phi hữu chúng sanh, phi vô chúng sanh phải không?

Trả lời: Thưa không.

Phật dạy: Duyên vị đoạn từ năm tụ tánh cho đến ba mươi bảy phẩm, không, vô tướng, vô nguyện. Duyên vị đoạn không lìa, chẳng phải không lìa, không sanh chẳng phải không sanh, cho nên đứng mà không có chỗ đứng.

Vì sao?

Vì tánh tự nhiên là không. Đây không, kia không, trong không, ngoài không, Niết Bàn không. Như Lai xuất hiện nơi đời năm trược không thấy có sanh diệt chấp đoạn.

Không thấy có định có loạn.

Không thấy trì giới phạm giới.

Không thấy có nhẫn có sân.

Không thấy tinh tấn giải đãi.

Không thấy có phiền não định tâm ý.

Không thấy có ngu si trí tuệ.

Không thấy có ý thức tư tưởng.

Không thấy đạo tục Ba la mật.

Không thấy cõi Phật thanh tịnh.

Không thấy tịnh tu Đạo Tràng.

Không thấy có chúng sanh đoạn cấu.

Đó gọi là Bồ Tát đứng mà không có chỗ đứng.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ:

Phạm hạnh tâm thanh tịnh

Phá hoại cảnh giới ma

Ức nhẫn đạo vô thượng

Yên định không nghĩ bàn

Ta từ vô số kiếp

Luôn đứng không chỗ đứng

Một lòng nhập không huệ

Thân trang nghiêm các tướng

Đương lai Tộc Tánh Tử

Và những người hiện tại

Sẽ đứng không chỗ đứng

Hiểu tánh thường vô thường

Các trần các chướng ngại

Hoại nghiệp thiện của ta

Rửa sạch hết trần cấu

Như vàng không tỳ vết

Huệ là tướng thế gian

Hướng dẫn người mắt mù

Khiến cho người ngu si

Hiểu rõ pháp chân như

Đạo Nhân duyên vô vi

Thông đạt sáu thần thông

Kho đại pháp vô tận

Ban bố người thấp kém

Thích thọ ba giải thoát

Ba đời không chấp trước

Hiện tại tất cả pháp

Hết cấu, nhập định Phật

Đại huệ quang Như Lai

Đoạn trừ pháp nghi ngờ

Tướng si trong lặng tịnh

Hiểu đạo không, vô thường

Bao nhiêu người cho thường

Dính chặt trong sanh tử

Không lìa pháp hữu vi

Bị phiền não trói buộc

Pháp sáu độ ba tuệ

Trân báu và vợ con

Dứt ái không thương tiếc

Xuất gia đạt thành đạo

Người có niệm thiện ác

Những hạng sơ, trung, hạ

Luân chuyển trong năm đường

Tánh sanh diệt không thật

Khổ vốn vô lượng số

Đời đời không dừng nghỉ

Trống pháp vang ngàn cõi

chấn động cảnh giới ma

Loài quần sanh các ngươi

Nương tựa sáu thần thông

Thân tùy theo tâm niệm

Đến chỗ không chướng ngại

Năm tháng tu đạo hạnh

Ngày đêm không trái thời

Chứa đức như Tu Di

Thành tựu chứng quả Phật

Sanh diệt như huyễn hóa

Cũng như bóng trong gương

Thọ nhập ba mươi sáu

Nhập định mới thành đạo

Tánh chân thật Như Lai

Không nhiễm không chấp trước

Hành từ vượt bảy độ

Các báu tự anh lạc

Ba mươi hai ức kiết

Trói buộc không thể mở

Cốt dùng kiếm trí huệ

Chặt đứt không còn gì

Lại lấy tám giải thoát

Như vị pháp cam lồ

Để kẻ khát ái kia

Sung mãn không còn nghĩ

Xưa ta chưa thành thiền

Luôn ở trong ngu si

Kết chặt bốn điên đảo

Cầu giải thoát khó được

Nhập tứ vô ngại thiền

Tự tại không sợ sệt

Định tâm ý vững chắc

Tận đời không tái sanh.

Khi Thế Tôn nói kệ xong, có tám mươi bốn ức chúng sanh phát tâm đạo chánh chân vô thượng, đối với tín hành không thối chuyển.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần