Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Trì Nhân - Phẩm Mười Bốn - Chúc Lụy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT TRÌ NHÂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI BỐN
CHÚC LỤY
Bấy giờ, Bồ Tát Trì Nhân bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai đã vì chúng con mà giảng nói chánh pháp, chẳng phải cầu danh lợi.
Ở đời vị lai, những ai được nghe Kinh Điển này thì sẽ ưa thích, kính nhận nghĩa lý vi diệu, nhờ đó mới mau chóng thông hiểu các pháp, đạt được tuệ phân biệt và diệu lực của ý, nhận rõ các pháp, thấu đạt tuệ về đạo, sinh ở chỗ nào cũng nhớ mãi không quên, dùng ánh sáng pháp rộng lớn chiếu khắp mười phương.
Đức Phật nói: Này Bồ Tát Trì Nhân! Bồ Tát nào quan sát pháp này thì được trí tuệ rộng lớn, sáng soi không bờ bến, chứa nhóm công đức không có giới hạn.
Nếu đời vị lai, những ai thọ trì hoặc đọc tụng Kinh pháp này, những kho tàng vi diệu khác của Bồ Tát và siêng năng tu tập các pháp giải thoát thì ma không thể phá hoại, không bị tội lỗi ngăn che, được Như Lai thọ ký sẽ được gặp hai.
Ba vị Phật, đạt được pháp nhẫn vô sinh, nhờ chứng đắc pháp nhẫn này nên sẽ thành tựu đạo quả bồ đề vô thượng, tự thông hiểu các pháp và luôn tự tại, làm nghiêm tịnh Cõi Phật, viên mãn cho hàng Thanh Văn, thọ trì lời dạy về đạo, thực hành hạnh Bồ Tát.
Do đó, này Bồ Tát Trì Nhân! Như Lai sẽ nói về pháp ấy để đoạn trừ tất cả nghi ngờ. Ở đời vị lai, những ai đạt được bốn nghĩa về hạnh tự tại, thực hành pháp Bồ Tát, thọ trì Kinh Điển này thì ủng hộ cho họ, khiến họ mặc áo giáp thệ nguyện.
Những gì là bốn?
Một là, tự mình đạt được cội gốc của công đức rộng lớn sâu xa không bến bờ, không thể giới hạn.
Hai là, vì chúng sinh mà phát khởi nguồn gốc căn lành.
Ba là, thưa hỏi, nhận lãnh Kinh pháp cốt yếu của Như Lai.
Bốn là, giữ gìn kho tàng chánh pháp, ở chỗ vô số Chư Phật để tuyên nói, giáo hóa.
Đó là bốn.
Lại có bốn pháp để hộ trì pháp sâu xa ở đời vị lai.
Những gì là bốn?
Một là, luôn thâu giữ, siêng năng, ở trong đời ác vẫn tu tập, kính giữ chánh pháp.
Hai là, nếu ở nơi tai nạn, nguy hiểm, khổ sở tột cùng, tranh luận về chánh pháp thì vẫn giữ gìn chánh pháp, khi mọi người tranh chấp thì giáo hóa khiến họ hòa hợp để ủng hộ chánh pháp.
Ba là, thực hành nhẫn nhục, đầy đủ nhân từ, hòa nhã.
Bốn là, ở đời vị lai, tâm không oán hận, ở đâu cũng thường thực hành từ bi.
Đó là bốn pháp để đạt đến pháp sâu xa, mau chóng thành tựu Nhất thiết trí.
Bấy giờ năm trăm Bồ Tát như Bồ Tát Bạt Đà Hòa, Bồ Tát Kiều Viết Đâu… và các Bồ Tát khác, nghe Đức Phật giảng nói về chánh pháp này, các vị đều ở trước Phật suy nghĩ: Ở đời vị lai, chúng ta sẽ ủng hộ chánh pháp.
Đức Phật liền dùng tay phải xoa đầu các Bồ Tát rồi nói: Này các thiện nam! Trong vô số kiếp, Như Lai đã chứa nhóm đạo quả chánh chân vô thượng này, thành tựu kho tàng báu rộng lớn, gắng nhẫn, siêng năng, chịu các hạnh khổ, đạt được an lạc, không bờ bến, bỏ hết tất cả an lạc, lo buồn nơi thân mới đạt được đạo pháp, thành Bậc Tối Chánh Giác.
Nay đem giao phó cho các ông. Nếu có thể tu học, đọc tụng pháp này thì giảng nói nghĩa lý rộng rãi cho bốn chúng. Nếu lúc chánh pháp sắp hủy diệt thì nên kiến lập, ủng hộ mới mong xiển dương ánh sáng pháp rộng lớn không bờ bến.
Đức Phật lại giao phó cho các Bồ Tát: Như Lai như cha, các Hiền Thánh như con, Phật như Vua, các ông như tôi, cha từ con hiếu, Vua chánh tôi trung thì thiên hạ thái bình.
Trong vô số kiếp, Như Lai đã chứa nhóm kho tàng chánh pháp quý báu này khiến lưu truyền khắp mười phương. Tất cả Chư Thiên, loài người đều từ hiếu, quy y Như Lai. Như Lai đã dùng tâm từ bi để cứu giúp.
Khi ấy, năm trăm Bồ Tát như Bồ Tát Bạt Đà Hòa, Bồ Tát Kiều Viết Đâu…
Và các chúng Bồ Tát khác cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, thưa: Thưa Thế Tôn! Nương vào thần lực của Phật, chúng con sẽ dốc tâm gánh vác, ủng hộ giáo pháp mà Như Lai đã giảng nói.
Cúi xin Đức Như Lai rũ lòng ban ân, khiến kho tàng chánh pháp quý báu này được lưu truyền khắp mười phương, cho tất cả chúng sinh đời vị lai đều được nhờ ân.
Khi Đức Như Lai dùng oai thần giảng nói pháp này, có vô số Bồ Tát không thể tính kể đều đạt được nhất sinh bổ xứ, đầy đủ cội gốc công đức, có trí tuệ trọn vẹn, vô số ức ngàn Chư Thiên, loài người phát khởi tâm đạo, được Đức Phật thọ ký, ở đời vị lai sẽ thành Phật Đạo, mỗi vị đều có danh hiệu.
Đức Phật giảng nói như vậy rồi, Bồ Tát Trì Nhân, năm trăm Bồ Tát như Bồ Tát Bạt Đà Hòa, Bồ Tát Kiều Viết Đâu… tất cả các chúng Bồ Tát và bốn bộ chúng, các hàng Trời, người A Tu La… nghe lời Phật dạy thay đều hoan hỷ, đảnh lễ rồi lui ra.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện - Phẩm Hai - Phẩm Phân Thân Tập Hội
Phật Thuyết Kinh đồng Tử Tô Bà Hô Thưa Hỏi - Phẩm Hai - Phẩm Phân Biệt Xứ Sở
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Mười Sáu - Phẩm Hai Mươi Kệ
Phật Thuyết Kinh Ma Ha Ma Da - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Hai - Phẩm Phạm Chí - Kinh Toán Số Mục Kiền Liên