Phật Thuyết Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Phần Ba - Phần Lưu Thông

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Cảnh, Đời Tiêu Tề

PHẬT THUYẾT KINH

VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Cảnh, Đời Tiêu Tề  

PHẦN BA

PHẦN LƯU THÔNG  

Khi bấy giờ, Vua Ba Tư Nặc quỳ gối chắp tay bạch Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Nay trong đại chúng đã nghe Phật giảng nói, mối nghi tan sạch. Ví cũng như ánh sáng mặt trời tiêu hết các tối tăm, thấy được tỏ rõ.

Công đức như đây, ân kia khó đền. Đệ tử chúng con làm cách nào thi thiết cúng dường, để đền cái ơn nặng Đức Thế Tôn ngày nay vậy.

Phật bảo Vua và cả trong đại chúng rằng: Giáo pháp cam lồ công kia khó trả, dù cho có người ở trong hằng sa kiếp, tận tâm phụng sự Phật Pháp Tăng áo mặc, ăn uống, đồ nằm, tật bệnh, thuốc thang, thì ý Vua nghĩ sao, phước kia nhiều chăng?

Vua nói rằng: Dạ nhiều lắm, không có thể so lường được.

Phật bảo Vua rằng: Giáo pháp cam lồ đây, tinh diệu khó lường, cứu độ tất cả bất kỳ việc lớn hay nhỏ. Chẳng phải dùng cái sức phước đức cõi Nhân Thiên mà có thể trả được vậy. Nếu muốn trả chỉ có một việc, có thể trả ơn Phật được.

Sao là một việc?

Nghĩa là thường dùng tâm từ đem cái chỗ của mình hiểu biết tất cả thiện pháp đó, lần lựa khai hóa nhẫn đến một người, cũng làm cho họ tín tâm thành tựu trí huệ.

Cứ thế rồi làn đến vô cùng vô tận. Ví như một ngọn đèn, mồi ra không biết bao nhiêu ngọn đèn, người tu như thế mới gọi là học trò trả ơn nặng cho thầy.

Đại Vương phải biết. Muốn trả ơn thầy giải thoát cho mình đó, thì mình lại phải đem trí huệ giải thoát cho chúng sanh, người tu như vậy thời chẳng những cúng dường trả ơn cho thầy mà thôi, mà cũng là cúng dường ba đời Chư Phật vậy.

Vua lại vòng tay bạch Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Con xin tuyên truyền giáo pháp khai ngộ quần sanh, cầu mong đi về con đường chánh kiến tu tập Thánh Đạo, thì cái phước đó làm sao?

Cúi xin Phật dủ lòng từ thương xót, khai dạy cho con và tất cả chúng sanh.

Phật bảo Vua rằng: Hoặc có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào theo thầy nghe pháp một câu, một nghĩa, rồi lần lựa giáo hóa thêm ra, cho đến một người nào chưa tin thì khiến cho họ tin, người nào chưa hiểu khiến cho họ hiểu, cái công đức như đây không lường không ngằn, chẳng phải phàm phu mà có thể biết được.

Này Đại Vương! Giả sử như có người ở trong ngàn năm, dùng thức ăn thuốc uống, y phục quý báu cung kính cúng dường Phật, Pháp và Thánh Tăng, phước đức kia nhiều chăng?

Vua nói rằng: Dạ nhiều lắm, không thể cân lường.

Phật bảo: Này Đại Vương! Nếu có thiện nam tử, người thiện nữ nào, theo thầy nghe thuyết chánh giáo của Phật, rồi lần lựa giáo hóa thêm ra cho đến một người nào cũng khiến cho họ tin hiểu, thì cái chỗ được phước còn hơn muôn ngàn ức bội, đối với người bố thí không bằng một phần.

Vì sao?

Vì cái công đức thuyết pháp thật là không lường vậy.

Khi bấy giờ, Phật bảo ông A Nan: Này A Nan! Như giáo pháp đây, ông phải tinh cần, tuyền truyền giáo hóa, tất cả nhân dân, thì phước đức không lường.

Này A Nan! Ngày nay ta dùng pháp mầu vô thượng tuyệt đối đây giao phó cho ông. Vậy ông phải tuyên bố, giáo hóa đi độ khắp tất cả chúng sanh, ấy là cúng dường tất cả Chư Phật đó vậy.

Ông A Nan lại vòng tay bạch với Đức Thế Tôn rằng: Phật giao cho con Kinh này, mà không biết tên Kinh này là tên chi?

Phật bảo ông A Nan rằng: Kinh này tên là Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên. Vậy phải cần tu và lưu hành.

Khi bấy giờ, Vua Ba Tư Nặc, Thái Tử Kỳ Đà, Phu Nhân, Hậu Cung, bốn bộ đệ tử Thích, Phạm, Chư Thiên, Bát Bộ, Long Thần, tám mươi muôn người, nghe Phật giảng nói đều rất vui mừng, mỗi người đều phát tâm trước ngôi Tam Bảo, lễ Phật rồi lui về, đúng như pháp mà vâng làm.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần