Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Trì Nhân - Phẩm Năm - Hiểu Rõ Về Ba Cõi
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT TRÌ NHÂN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM NĂM
HIỂU RÕ VỀ BA CÕI
Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Bồ Tát Đại Sĩ nhờ thông đạt về ý thức nên không chấp vào Cõi Dục, Cõi Sắc và Cõi Vô Sắc.
Nên quán sát như vậy: Tuy ở trong ba cõi nhưng không chấp giữ Cõi Dục, Cõi Sắc và Cõi Vô Sắc, hiểu rõ các cõi như vậy nên thấy đều không có các cõi, lại giảng nói rõ ràng.
Biết tường tận chúng sinh ở trong Cõi Dục nên Bồ Tát thị hiện ở Cõi Dục, biết Cõi Sắc và Cõi Vô Sắc nên thị hiện ở các cõi ấy, ở cõi nào thì thị hiện ở cõi đó, để diễn nói pháp cốt yếu.
Các vị hiểu rõ các pháp là tự nhiên, không có cảnh giới, ba cõi cũng không có hình tướng, không có xứ sở, đều từ nhân duyên sinh, luôn xoay vần không giới hạn.
Bậc trí thông đạt cảnh giới của ba cõi đều không thật có, từ không hợp thành, do điên đảo mà hiện hữu, hiểu như vậy là hiểu được sự giả tạm, nhưng hoàn toàn không bỏ hẳn sinh tử vì diệt trừ nghiệp điên đảo và tập khí trong ba cõi cho chúng sinh. Như Lai Chí Chân cũng giảng nói cho chúng sinh hiểu ba cõi là không có cảnh giới, chỉ vì họ thiếu trí tuệ, chất chứa những mê hoặc nên cho là có.
Tất cả vốn thanh tịnh, tự nhiên, không có cảnh giới nào cả, cũng chẳng nương tựa vào ba cõi. Người có trí tuệ hiểu rõ điều này, là không có cảnh giới, quan sát ba cõi và chúng sinh đều không, bản thân mình cũng như hư không, không có gì cả.
Tất cả các pháp đều từ nhân duyên sinh, từ điên đảo hợp thành, tạm có danh hiệu mà thôi, hết thảy đều không có đối tượng tạo thành, là rỗng không, không tạo tác, vốn tự nhiên thanh tịnh, bình đẳng như hư không, đối với tất cả các cõi đều không vướng mắc, giống như hư không thảy đều không thật có.
Vì sao?
Vì hoàn toàn tịch tĩnh. Hư không vốn thanh tịnh nên không thể nắm bắt, tất cả các cõi cũng như vậy, không ở trong, không ở ngoài cũng chẳng ở giữa, cõi không có cõi, đều không chấp giữ, không sinh khởi.
Các bậc có trí tuệ thấy không có sự phát sinh cũng còn phân biệt, không an trụ cũng chẳng phải không an trụ, không bình đẳng, không tà kiến, vốn thanh tịnh không chấp giữ. Bậc trí thông đạt như vậy nên không nắm giữ những điều giả tạm mà luôn bặt dứt ý niệm, không tạo tác.
Do đó, bậc Trí không lấy các cõi làm cảnh giới, tướng cũng không có đối tượng sinh ra, chỉ theo thế gian để đặt tên mà thôi, nên không phân biệt, không sinh khởi tưởng. Nếu diệt trừ điều này thì không còn các cõi, giả sử nói là có thì xét tận ngọn nguồn cũng không thể biết, vì không thể biết nên tất cả cũng như vậy. Chỉ có bậc trí mới thấy được.
Đức Phật nói: Này Bồ Tát Trì Nhân! Bồ Tát nào thông đạt như vậy thì hiểu rõ mười tám chủng tánh và ba cõi, các cõi của chúng sinh cùng cõi của chính mình, đạt đến bình đẳng như hư không.
Nhờ quan sát như vậy nên các vị ấy luôn bình đẳng, không chấp giữ cảnh giới, do không chap giữ nên thoát khỏi tất cả các cõi, nếu giảng nói thì chỉ tạm mượn mà thôi, biết hết thảy các cõi đều không thật có, ưa thích thể nhập vào đạo, thông suốt các cõi, biết tướng của chúng sinh là không hai.
Do thấy là không hai nên thấy các cảnh giới, dùng phương tiện thiện xảo để giảng nói cho chúng sinh, tạm nói là có mười hai duyên khởi để mở bày cho chúng sinh khiến họ thể nhập vào nghĩa rốt ráo, nhờ đạt được tuệ thấy khắp tất cả các cõi nên gọi là không có hình tướng.
Này Bồ Tát Trì Nhân! Như Lai Chí Chân không thủ đắc hết thảy xứ sở các pháp, cũng chẳng phải không thủ đắc, không hề quên mất tư duy bình đẳng mới đạt được đạo quả chánh chân vô thượng.
Vì sao?
Vì tất cả các pháp hoàn toàn không thật có, vốn chúng là tự nhiên, không hề thành tựu, thấy các cõi cũng đều như hư không, thật sự rỗng rang. Do bình đẳng như hư không nên không có tướng sinh khởi. Như Lai thông đạt tất cả các cõi như vậy, nên Như Lai không cho rằng các cõi là tự nhiên, không cảnh giới cũng chẳng có hình tướng.
Vì sao?
Vì chúng không thật có cũng không thể nắm bắt. Do không thật có nên biết chúng là tự nhiên.
Này Bồ Tát Trì Nhân! Nên biết, Như Lai đã giảng nói, nếu thông đạt về sự sinh khởi của các pháp thì hàng Bồ Tát Đại Sĩ ấy có khả năng hiểu được tất cả ngọn nguồn, phân biệt thô, tế như vậy nên giảng nói ý nghĩa hợp, tan của các cảnh giới, thể nhập vào các cõi.
Hiểu rõ chúng chẳng phải là tự nhiên mà tất cả các cõi đều là cõi hư không, trở lại tự thiêu hủy, không có cảnh giới cũng không thể nhập. Giả sử cho là có thì không bao giờ nắm bắt được, vì chúng sinh không biết nên cho là có.
Giống như nhà ảo thuật học làm các phép thuật, vì chúng sinh mà hiện bày vô số sự biến hóa, nhưng những sự biến hóa ấy thì không thể nắm bắt hình tướng, dù cho bao nhiêu người đi nữa cũng không thể biết được. Họ nghe, tin theo sự biến hóa rồi cho là thật có, nhưng người hiểu biết thì biết đó chính là huyễn.
Lời Như Lai nói cũng vậy. Nếu có thể hiểu rõ chúng huyễn hóa, không thật thì không bị chúng sinh mê hoặc. Nếu có trí tuệ sáng suốt để tự thấu hiểu chính mình như huyễn hóa, hiểu được mọi sự giả tạm thì đời này, người ấy đạt được bản chất tự nhiên như huyễn. Bồ Tát nào thông suốt, thể nhập điều này thì có thể diễn nói về thật tướng của huyễn.
Do hiểu được thật tướng nên sinh ở bất cứ đâu, vị ấy cũng như vậy, đều dùng phương tiện thiện xảo thị hiện, giảng nói cho chúng sinh hiểu biết thảy đều như huyễn hóa. Người nào được nghe, thấy, hiểu rõ pháp huyễn này thì không còn chấp giữ cho đến thành tựu đạo quả chánh chân vô thượng.
Những người thiếu trí tuệ thì không thể nào thấu đạt được, cho nên mới vì họ mà diễn nói tất cả các pháp. Nếu biết tất cả các pháp thảy đều như huyễn, muốn thể nhập ý nghĩa này thì nên học về pháp cốt lõi sâu xa, không cầu nắm bắt sắc. Do sắc không thể nắm bắt nên không thể đoạn trừ.
Nói không thể đoạn trừ tất cả các cõi đều là giả tạm, muốn diễn nói về mọi sự hợp, tan, phân biệt các cảnh giới, tạo ra nhân duyên, phương tiện thiện xảo để giảng nói về cội gốc, ngọn nguồn của chân lý, thế gian, xuất thế gian, hữu vi, vô vi, thuận hợp, không thuận hợp.
Ứng hợp hoặc chẳng ứng hợp, giảng nói về phương tiện thiện xảo, hoặc hoàn toàn bặt dứt ngôn ngữ, có ý nghĩa, không có ý nghĩa, nói về nhân duyên mà phân biệt xứ sở hay không có xứ sở… thì nên thông đạt tất cả đều như huyễn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Ma Ha Bát Nhã Sao - Phẩm Ba - Phẩm Công đức - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Hai Mươi Tám - Tu Hành Của Ba Bậc đệ Tử
Phật Thuyết Kinh Bát đại Linh Tháp Danh Hiệu
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Nói Về Cảnh Giới Phật Không Thể Nghĩ Bàn - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Bảy - Phẩm Trường Thọ Vương - Kinh Chi Ly Di Lê
Phật Thuyết Kinh Trung Bổn Khởi - Phẩm Sáu - Phẩm Trở Về Bổn Quốc