Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Trì Nhân - Phẩm Tám - Ba Mươi Bảy Phẩm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TRÌ NHÂN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM TÁM

BA MƯƠI BẢY PHẨM  

Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Thế nào là Bồ Tát thông đạt về niệm xứ, phân biệt, quan sát và thực hanh bốn niệm xứ?

Sao gọi là bốn niệm xứ?

Đó là tự quán nơi thân, thọ, tưởng và pháp.

Thế nào là quán nơi thân, thọ, tưởng và pháp?

Ở đây, Bồ Tát tự quan sát thật tướng của thân: Vô thường, khổ và không chẳng phải là điều cốt lõi của thân, thân chính là bệnh tật, tai họa, nhóm họp các sự tổn hại cho là vui, luôn thay đổi không ngừng, nhơ uế chẳng sạch.

Nên quan sát như vậy: Khắp trong thân này có vô số bệnh tật, chín nơi nhơ uế lúc nào cũng bài tiết chất chẳng sạch, giống như nhà xí.

Lại nên quan sát kỹ như vậy: Không có sợi lông tóc nào đáng ưa, đáng giữ, nhơ uế chẳng sạch, chỉ là bọc da che thịt gân cốt chằng chịt, đều từ tội phước mà thành, tích tập các nhiễm ô liền có các ấm.

Thế nào là tích tụ?

Thế nào là các ấm?

Đều do nhân duyên đời trước mà có các ấm, vốn nương vào sự giả tạm rồi cho sự tắm rửa, trang sức… là thân ta. Đây gọi là tích tụ.

Thế nào là các ấm?

Từ nhân duyên sinh khởi thành ra quả báo, từ sự tạo tác mà có bốn đại, xét kỹ ngọn nguồn của thân đều chẳng thật có, thọ nhận bốn đại thành sắc ấm do nhân duyên nên tạm có.

Vì sao gọi là thân?

Là chính mình tạo tác nên gọi là thân, là chỗ nương của tâm nên gọi là thân, nơi tạo ra tội  phước gọi là thân, từ tư tưởng sinh khởi, dễ mất đáng khinh, cùng hòa hợp với các nghiệp tạo tác gọi là thân, từ nhân duyên mà có thân, không có một chút an ổn, lại tan rã ngay, không tồn tại lâu dài, không thể tồn tại mãi, sẽ phải xa lìa nên gọi là thân.

Thân không ở trong, không ở ngoài cũng không ở chặng giữa, tuy có khổ não nhưng thân không biết là thân, cũng không thể thấy, không thể hiểu rõ, không vượt qua, cũng chẳng có tư tưởng, giống như các loài cỏ cây, ngói đá, thân chẳng tạo thành thân. Nhờ quán như vậy nên hiểu rõ, không còn tham đối với thân, không còn ưa thích, biết thân là tai họa.

Thân không có quá khứ, hiện tại hay vị lai, thân này như bọt nước, nhờ tắm rửa trang sức, thân này như nhà ở của tám mươi thứ vi trùng, thân này là khổ đau, vô số bệnh tật.

Thân này không thể cứu, bị ba khổ làm nguy khốn. Nói khổ là tai họa sinh tử, hoạn nạn phải xa lìa. Thân này là vật để chứa khổ đau và các tai nạn. Nếu tư duy theo nghĩa này thì không còn tham thân mình, không ngưỡng mộ người khác cũng chẳng có đối tượng ưa thích.

Thân này là vô ngã, chẳng có gì lợi ích, không thể nắm giữ cũng chẳng thật có. Thân này chẳng phải thật tướng mà trống rỗng, hoàn toàn không chân thật, chỉ kiến lập giả tạm mà thôi, là sự nhóm họp từ gốc tạo tác, không lợi ích, tuy có thân này nhưng chẳng phải là thân ta, nên siêng năng đoạn trừ tham dục.

Khi đã quan sát về thân mình và mạng sống thì không còn vướng mắc vào hợp tan, không thấy đến đi hay xứ sở an trụ, chẳng còn thấy quá khứ, hiện tại hay vị lai, luôn dấy khởi tưởng nhưng không hề chấp giữ, không nương vào thân mạng, vì thân chẳng phải là ngã cũng chính là vô ngã, nên không có đối tượng chấp giữ.

Không hợp, không tan cũng chẳng từ đâu đến, chúng khiến cho phiền não thiêu đốt tâm không biết nơi hướng đến, xét ngọn nguồn của thân nhưng không thấy đối tượng sinh khởi tức đã an trụ vào diệt độ.

Bồ Tát cũng vậy, nên quán thân chẳng phải thân, vì đã thông đạt thân là rỗng không, nếu thân muốn đầy đủ tức đã tự tiêu diệt, mà thân, ý phải trụ nơi sự vận hành thuận hợp. Đó là quán thân mà không chấp vào thân.

Đức Phật nói: Này Bồ Tát Trì Nhân! Thế nào là Bồ Tát quan sát về thọ?

Bồ Tát nào quan sát ba thọ nơi thân là thọ lạc, thọ khổ và thọ không lạc không khổ. Xét những thọ ấy, không biết nơi hướng đến, không đến không đi, đều là rỗng không, do nhân duyên hòa hợp mà có, lại nhận chịu quả báo tội, phước, chỉ do điên đảo dấy khởi, biết thọ vốn là không, vì tư tưởng kiến lập.

Quán như vậy rồi, vị ấy không vướng mắc thọ, không thấy có quá khứ, hiện tại hay vị lai, cũng chẳng có xứ sở, biết rõ thọ trong quá khứ là rỗng không chẳng có ngã cũng không có ngã sở, vô thường hay kiên cố đều là pháp điên đảo, thọ trong quá khứ là rỗng không, tịch tĩnh bặt dứt tư tưởng, hiện tại và vị lai cũng vậy.

Nên biết, thọ không hề được kiến lập, không có hình tướng để nắm bắt, đều tự phân tán. Thọ ấy không khởi cũng chẳng diệt, không có xứ sở, không ở bên trong cũng chẳng ở bên ngoài.

Phàm phu thiếu trí tuệ nên từ điên đảo sinh khởi thọ, quả báo tội phước có hợp thì có tan, cho nên gọi thọ là không, là pháp giả tạm, trống rỗng, biết được từ nhân duyên mà có thọ là thấu đạt xứ sở của tâm, thọ và ý đều trở về diệt độ.

Không thấy chỗ tích chứa của thọ nên tâm tự cho: Thọ là không, là thật tướng, không hình tướng, không thấy sinh ra vì thọ không có sinh khởi cũng chẳng diệt đi, không tạo lập tư tưởng. Do không lập tư tưởng nên chẳng có tướng, tướng không có đối tượng phát sinh.

Như vậy là quán khắp thọ nơi thân, không có đối tượng duyên dựa, hiểu rõ thọ là chân thật vốn là không, nhờ đoạn trừ thọ, xa lìa các nhập về thọ, không hòa hợp với chúng nên không lệ thuộc thọ, các hành đều tịch tĩnh, mau chóng đạt đến phương tiện để thành tựu chánh định. Bồ Tát quan sát sự vận hành của thọ như vậy nên thông đạt các hành, thấy khắp mười phương.

Đức Phật nói: Này Bồ Tát Trì Nhân! Thế nào là Bồ Tát quan sát sự vận hành của tâm ý?

Bồ Tát nào quan sát sự vận hành của tâm thì nên phát tâm quan sát về tâm pháp trong khoảng một niệm, nếu thấy tâm luôn thay đổi thì có khả năng quan sát.

Vị ấy tự nghĩ: Tâm kia chưa từng buông lung, không đến đi, do các duyên khác nhau khiến có hình tướng. Tâm có đối tượng để dấy khởi cũng chẳng thành tựu, vì không hình tướng nên không thể nắm bắt, tâm không đến đi cũng chẳng có xứ sở, không có quá khứ, hiện tại hay vị lai, do nhân duyên hiện bày mà có đối tượng để nhớ nghĩ.

Nếu xét về tâm ấy thì không ở trong, không ở ngoài cũng không ở chặng giữa, không có phiền não, tâm không xứ sở cũng chẳng phải thật tướng, không thể thực hành xong cũng chẳng thể đoạn dứt. Nếu có đối tượng đoạn trừ thì gọi là tâm có vô số sự biến hóa. Giả sử không thể suy xét thì tướng sinh khởi liền tiêu diệt.

Này Bồ Tát Trì Nhân! Tâm không có chỗ an trụ, không có chỗ tồn tại, nếu có chỗ tồn tại thì đã biết được, nên gọi là không có tâm niệm cũng chẳng có đối tượng thấy.

Vì sao?

Vì tâm ấy rỗng lặng, thật tướng, không hình dáng, không có chúng sinh. Lại nữa, tâm không thể nắm bắt vì chẳng có xứ sở, không có sự hòa hợp cũng chẳng có sự tan rã. Tâm không có quá khứ, không có vị lai cũng chẳng ở giữa nên không thể thấy.

Tâm không phải thật tướng, chẳng thanh tịnh, tâm không tự biết là tâm, tâm không thể đoạn hẳn, tâm chẳng có tâm nên gọi là vốn thanh tịnh. Phàm phu do điên đảo nên lấy nhân duyên giả tạm làm thành các tướng, tâm tự dấy khởi niệm.

Lại nữa, tâm ấy là rỗng không, chẳng có ngã, ngã sở mà cho là có thân tâm, luôn tồn tại lâu dài, vĩnh viễn an ổn, đó là do pháp điên đảo, là tự mình đi vào chỗ tối tăm. Quan sát tâm như vậy là đạt được niệm xứ ve tâm nhu hòa, tâm không còn tưởng niệm cũng chẳng phải không có tưởng để hiểu rõ về tâm, mà không hề sinh khởi, không có đối tượng phát sinh tưởng.

Vì sao?

Vì tâm không có đối tượng phát khởi, không thể nắm bắt giới hạn sự chân thật, không thể thủ đắc tướng ấy vì tướng của tâm không dấy khởi. Người sáng suốt thì phân biệt, thông đạt điều này, biết sự tích tập của tâm và chỗ diệt tận.

Các vị quan sát kỹ về tâm nên biết rõ tâm chẳng có sự chứa nhóm, không có chỗ diệt tận do chẳng nắm giữ được tâm. Tâm còn không thể nắm bắt huống nữa là có đối tượng tích tập, có nơi nương tựa rốt ráo.

Do đó, tâm không diệt các tưởng cũng chẳng phải không có tưởng vì đạt đến sự thanh tịnh của tâm. Tâm đã thanh tịnh thì không còn rơi vào phiền não, không bị nhiễm ô.

Vì sao?

Vì thông đạt, trừ hết các vướng mắc nên tâm thanh tịnh. Tâm chúng sinh do loạn động nên nhiễm phiền nao. Tâm thanh tịnh là nhờ có khả năng nhận biết và đoạn trừ.

Tâm tự nhớ nghĩ: Trong tâm có phiền não, do đó mới có thể quan sát hoạt động của chúng sinh. Tâm có đối tượng để vướng mắc là vì có phiền não, nhờ tâm sáng suốt nên đạt được sự thanh tịnh.

Quan sát như vậy rồi, vị ấy không còn tham dục, phiền não, không mong đạt được tâm thanh tịnh, lúc ấy mới thấu đạt tâm vốn thanh tịnh. Bồ Tát quan sát sự vận hành của tâm ý như vậy là thông suốt về nguồn gốc thanh tịnh.

Đức Phật nói: Này Bồ Tát Trì Nhân! Thế nào là Bồ Tát luôn chú tâm nơi pháp để quan sát sự vận hành của pháp ấy?

Bồ Tát nào quan sát tất cả pháp mà không chấp pháp bên trong, không nắm giữ pháp bên ngoài, không thấy ở giữa hoặc có khổ não. Pháp không có quá khứ, hiện tại hay vị lai, do mười hai nhân duyên mà có, các pháp là điên đảo, không thể thành tựu. Lại quan sát pháp ấy không có bên trong, bên ngoài hay ở giữa. Pháp không có hợp, tan.

Hết thảy các pháp đều không có hình tướng, không thật có cũng chẳng phải không thật có, chỉ tạm nói có mà thôi. Tất cả các pháp giống như hư không, cũng là tưởng huyễn hóa, phát sinh thật tướng vốn sáng suốt, thanh tịnh nhưng do nương tựa vào phiền não.

Hết thảy các pháp là không thể thấy, quan sát tướng chân thật của chúng giống như sự thấy trong giấc mộng, tỉnh giấc thì không còn đối tượng để thấy. Tất cả các pháp giống như hình ảnh phản chiếu, vốn thanh tịnh, không hình tướng, không có tên gọi và tưởng.

Các pháp không thể tư duy. Tất cả các pháp như tiếng vang, từ hư không, chẳng kiến lập nên chúng là không, là thật tướng, không thể nắm bắt. Các pháp như sóng nắng, không thật có, nên kiến lập, quan sát các pháp như vậy.

Phàm phu nếu thấy có vô số sự biến hóa thì biết là không có pháp, tức không cho là pháp không hợp không tan, thấy các pháp hoàn toàn không có sự nhiễm ô. Nhờ quán như vậy nên thấy tất cả các pháp không đến không đi, không chấp vào chỗ kiến lập của các pháp.

Vì sao?

Vì không có xứ sở cũng chẳng phải khong có xứ sở, hết thảy các pháp đều từ nhân duyên sinh khởi, ở nơi điên đảo, xoay chuyển không cùng tận, không có ngôn ngữ cũng chẳng phải không có ngôn ngữ, không có hai tướng cũng chẳng phải một tướng, không có tướng nhỏ. Bậc trí thông đạt nên không nắm giữ cũng chẳng phải không nắm giữ.

Vì sao?

Vì các pháp không sinh cũng chẳng khởi, không tạo cũng chẳng tác, cho đến không có người tạo tác. Các pháp lìa hình tướng cũng chẳng có thân thể, không phải tự nhiên hay tự nhiên mà thành. Các pháp có vô số, vốn là chân thật.

Quan sát như vậy thì hiểu rõ tất cả các pháp, chúng không có ngã, ngã sở, không có người, không có mạng sống, xét kỹ đều là rỗng không, tâm liền nghĩ: Tất cả các pháp vốn là tánh không, là tự nhiên, không có tưởng, không chấp vào các tưởng cũng không mong tạo ra pháp.

Xét hết thảy các pháp không hề sinh ra nên tự nghĩ: Pháp không có đối tượng phát sinh cũng chẳng hề diệt. Do quán như vậy nên đạt được niệm xứ về pháp, đối với tất cả các pháp đều thông đạt chúng không sinh khởi, biết là do tập và tưởng mà thành, lìa thật tướng nên không có tướng.

Vì sao?

Vì không có sự thành tựu. Pháp là vô tướng nên xả bỏ tướng. Các bậc có trí tuệ phân biệt biết rõ tất cả các pháp này vốn là không.

Bồ Tát nên quan sát như vậy: Các pháp và sự vận hành của pháp đều do tạo tac, không thủ đắc các pháp, cũng không sinh, không khởi lên các pháp, nếu có đối tượng để dừng thì cũng chẳng có đối tượng diệt. Tất cả các pháp đều là tướng diệt độ, các tướng vốn vắng lặng và tịch tĩnh.

Bồ Tát quán như vậy là thấy các pháp, thông đạt về niệm xứ, không có nơi chốn để dừng cũng chẳng phải không có đối tượng để dừng nghỉ, hết thảy đều thể nhập vào tướng sáng suốt của các pháp.

Tự quan sát tâm mình thì đạt được pháp niệm xứ, mới gọi là xiển dương Kinh Điển, đối với tất cả các pháp thì không có chỗ trụ, giảng nói các pháp, dùng trí tuệ để cứu giúp chúng sinh, đây gọi là bậc thấy được tánh chân thật của tất cả các pháp, đạt được pháp niệm xứ.

Đức Phật nói: Nhờ niệm xứ mà đạt đến sự siêng năng tu tập về thân, thọ, tưởng và pháp, hiểu rõ ba cõi là không, không chấp vào thân, thọ, tâm và pháp thì gọi là bốn chánh cần.

Đức Phật bao Bồ Tát Trì Nhân: Bồ Tát nào thông đạt về năm căn thì vượt trên thế gian, luôn quan sát chân chánh.

Những gì là năm?

Một là tín căn, hai là tinh tấn căn, ba là ý căn, bốn là định căn và năm là tuệ căn.

Đó là năm căn, nên quan sát sự vận hành của chúng.

Thế nào là quan sát?

Nghĩa là, tin tất cả các pháp đều từ nhân duyên mà khởi, kiến lập do điên đảo, do hư vọng hợp thành, xoay vần không cố định giống như bánh xe, không có giơi hạn, cũng như giấc mộng tự nhiên biến mất. Tin tất cả các pháp là vô thường, khổ, không, vô ngã, bệnh tật, đau đớn, già yếu, không tồn tại mãi, không thể sống lâu, lại phải xa lìa.

Các pháp đều là không thật có, các căn lập tức tan rã giống như vạch ánh sáng, như sắc lực trẻ con, nhưng tư tưởng thì vui thích, cho là chân thật, không biết chúng đều là hư giả, không thật có. Những ai có tín căn đều biết tất cả các pháp không có quá khứ, hiện tại hay vị lai, không đến, đi cũng chẳng có chỗ trụ.

Tất cả các pháp là không, vô tướng, vô nguyện, chẳng khởi chẳng vận hành không tưởng cũng chẳng thành tựu, giới và định đều thanh tịnh, trí tuệ biết rõ các pháp thanh tịnh. Nhờ có thể kính giữ, thực hành theo tín căn nên hành giả này không còn luân hồi, dốc tâm tin làm đầu, giữ gìn giới cấm, không bao giờ quên mất hoặc làm trái với đạo nghiệp.

Do không quên mất nên vị ấy thuận theo chánh pháp, trụ ở tâm tin không thể lay động, những quả báo thiện, ác đều trở lại giúp đỡ, luôn tạo lập nghiệp ngay thẳng, không hề dối trá.

Đoạn trừ hết sáu mươi hai tà kiến, không tìm cầu sự học hỏi bên ngoài làm thầy, như đã có được mặt trời, mặt trăng nên không có dùng đèn đuốc, chỉ quy y Đức Như Lai và Thánh Chúng tri thức thiện, khéo léo thành tựu trọn vẹn giới thanh tịnh, thường nhẫn nhục, nhu hòa.

Như vậy là tam tin không lay động, nhờ tâm tin ấy không thể lay động nên luôn giữ vững niềm tin, đầy đủ đạo pháp.

Đức Phật nói: Này Bồ Tát Trì Nhân! Thế nào là Bồ Tát quan sát tinh tấn căn?

Thế nào là thành tựu đầy đủ và thông đạt các phương tiện?

Bồ Tát nào tin vào đạo, không chống trái, nhờ siêng năng nên diệt trừ hết năm triền cái, nếu được nghe Kinh Điển sâu xa như vậy mà siêng năng kính nhận, thực hành suốt ngày đêm.

Không hề sợ hãi, tâm chẳng quên mất, thích học rộng nghe nhiều thì đối với pháp không hề bị trở ngại vì đoạn trừ vô minh, không xa lìa tinh tấn, nếu tâm khởi lên niệm ác hay pháp bất thiện thì dùng sức tinh tấn rộng lớn để tiêu trừ sạch.

Sau khi đã thông đạt pháp, vị ấy lại siêng năng tu tập, chưa từng biếng nhác, không xem tinh tấn ấy là đủ mà lại càng siêng tu hơn, không vì sự thực hành này mà có đối tượng chống trái, không trở lại để theo thế lực, thông suốt các pháp, phân biệt ứng hợp, không tôn sùng người khác, do khéo léo, siêng năng tu học nên có tên gọi là tấn căn.

Đức Phật nói: Thế nào là Bồ Tát đạt được ý căn?

Thế nào là hiểu rõ và thực hành theo ý căn?

Bồ Tát nào làm chủ được ý mình, luôn bố thí, trì giới, học hỏi, đầy đủ phạm hạnh, giới phẩm trọn vẹn, hạnh nghiệp thanh tịnh, chánh định, tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến đều đầy đủ.

Thân, miệng và y thanh tịnh, hoàn toàn rỗng không, luôn cung kính, tâm ý ngay thẳng, đối với tất cả các pháp không sinh khởi tưởng, biết chúng luôn tồn tại với nhiều tướng khác nhau để quan sát và thực hành, thông đạt khổ, tập dùng diet đạo để đoạn trừ, kiến lập niệm xứ, dùng phương tiện để thấu đạt các căn, lực, giác chi, nhất tâm, thiền định và tam muội chánh thọ.

Xiển dương các pháp không, vô tướng và vô nguyện, thì đạt được tuệ vô sinh và nhẫn nhục của Bậc Thánh, không còn tham dục, được diệt độ là nhờ chú tâm nơi niệm xứ, đầy đủ các pháp, không thực hành theo các địa của hàng Thanh Văn, Duyên Giác, kính giữ tuệ vô ngại, tâm không mê hoặc.

Trong thời tượng pháp, những ai có thể siêng năng như vậy, cẩn thận đối với thân và miệng, không xa rời ý, không nương tựa người khác, quan sát pháp như vậy là bậc trên hết, có oai đức, đạt được cội nguồn chân chánh. Đó là thông suốt, đạt đến ý căn.

Thế nào là Bồ Tát đạt được định ý căn?

Thế nào là hiểu rõ về định ý căn ấy?

Bồ Tát nào thường thực hành thiền định, nhất tâm không tán loạn, tu hành theo hạnh nghiệp của bậc Hiền Thánh, tâm không vướng mắc do không buông lung nên khéo léo an trụ trong thiền định, tâm ý sáng suốt, đạt được các định.

Quan sát pháp môn thiền định không hề điên đảo, nhờ không tán loạn nên thể nhập tịch tĩnh, từ tam muội xuất ra nhưng không nương vào thiền định, có sự ưa thích nên tạo lập đạo nghiệp, dùng thiền định làm nhân duyên, tự mình hoan hỷ, không nương vào người khác.

Có thiền định chánh thọ nhưng không lệ thuộc vào lời dạy về thiền, nhờ đạt được oai đức và định ý nhất tâm nên vị ấy không còn tham đắm lợi dưỡng, tu hành lặng lẽ, là bậc tối thượng, có oai đức, đạt được định ý căn và được giải thoát.

Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Thế nào là Bồ Tát thực hành trí tuệ căn?

Thế nào là hiểu rõ về trí tuệ căn?

Là Bồ Tát không còn ngã và ngã sở.

Sao lại gọi như vậy?

Vì diệt trừ hết các khổ, làm tiêu tan hết sự tạo tác của thân, lúc nào cũng thực hành theo trí tuệ, thấy khắp nơi, không còn tham dục, đoạn trừ tập, chứng đắc đạo quả, hướng đến nẻo vô vi. Vì thực hành theo tuệ căn nên thấy khắp ba cõi đều bừng cháy, biết ba cõi là khổ.

Bậc trí không nương vào ba cõi, quan sát hết thảy đều là không, vô tướng và vô nguyện, tâm chẳng sinh khởi cũng chẳng vận hành, thấy chúng đều là hữu vi nên không bỏ hết thảy như cứu lửa cháy trên đầu.

Đầy đủ Pháp Phật, chuyên tu tập các pháp, tuy ở trong ba cõi nhưng dập tắt và buông bỏ vướng mắc, đối với ba cõi không hề luyến tiếc, tiêu trừ hết mọi ưa thích, xả bỏ các pháp hữu vi, tất cả nhiễm ô và sự trói buộc của ái dục, tâm không hề bị vướng mắc, không ưa thích năm dục lac.

Không tham đắm Cõi Dục, Cõi Sắc và Cõi Vô Sắc, tâm luôn mong muốn trí tuệ sáng suốt và vun trồng công đức của Bậc Thánh không có giới hạn giống như sông biển, sự hành hóa chí thành không bờ bến, thông đạt các phap, dùng trí tuệ để hiểu rõ ba cõi nhưng không bị nhiễm ô. Đó là bậc hơn hết, đầy đủ công đức và trí tuệ căn, được đến bờ bên kia.

Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Thế nào gọi là căn?

Căn nghĩa là không thể lay động, do không thể lay động nên chẳng buông lung, giong ruổi nên gọi là căn. Vĩnh viễn không xoay vần, không nương tựa người khác, một mình không có bạn, tùy thuận theo giáo pháp gọi là căn. Không nhục mạ người khác, không the lay động, chẳng bị sai lầm gọi là căn.

Này Bồ Tát Trì Nhân! Như vậy là Bồ Tát hiểu rõ về các căn.

Lại nữa, này Bồ Tát Trì Nhân! Bồ Tát hiểu rõ về các căn của chúng sinh, khéo tu học Đại Thừa, biết căn tánh của chúng sinh thanh tịnh hay nhiễm ô.

Căn tánh tham dục hay không tham dục, căn tánh sân hận hay không sân hận, căn tánh ngu si hay sáng suốt, biết căn tánh bị đọa vào cõi ác hoặc sinh vào loài người, biết căn tánh được sinh lên Cõi Trời hay Cõi Phật khắp mười phương, căn tánh tâm thông minh, thấp kém hay trung bình… thảy đều thấy biết hết.

Hoặc biết rõ hạng hạ tiện, thô xấu, các căn không đầy đủ, hoặc đủ các căn… đều biết tất cả. Các căn ứng hợp với pháp, có căn tánh phương tiện hoặc chẳng có phương tiện cũng đều biết hết. Căn tánh có tội hay không tội, căn tánh ô nhiễm hay không ô nhiễm, căn tánh nguy hại hay chẳng nguy hại thảy đều biết hết.

Căn tánh tùy thuận, căn tánh không tùy thuận, căn chướng ngại, căn không chướng ngại, căn hạnh Cõi Dục, căn hạnh Cõi Sắc, căn hạnh Cõi Vô Sắc, căn xiển dương điều lành, căn hoàn toàn ác… có thể biết tất cả.

Căn có nơi hướng đến, căn nhân từ, căn ở nơi tà kiến, căn tạo lập chánh kiến, căn tham tiếc, căn không keo rít… thảy đều biết hết.

Căn tánh nhạy bén, căn tánh chậm lụt, căn tánh mê hoặc, căn tánh sáng suốt, căn tánh nhanh nhẹn, căn tánh hiền hòa, căn tánh nhẫn nhục, căn tánh sân hận, căn tánh ganh ghét, căn tánh không ganh ghét, căn tánh đầy đủ sự bố thí.

Căn tánh không đầy đủ sự bố thí, căn tánh có niềm tin, căn tánh không có niềm tin, căn tánh tham dục, căn tánh lìa tham dục, căn tánh tại gia, căn tánh xuất gia, căn tánh trọn vẹn giới, căn tánh phá giới, thảy đều biết hết.

Căn tánh tin vào giới, căn tánh không tin vào giới, căn tánh thanh tịnh, căn tánh trọn vẹn nhẫn, căn tánh sân hận, căn tánh hướng đến tinh tấn, căn tánh biếng nhác, căn tánh tâm tán loạn, căn tánh giữ gìn điều cốt yếu, căn tánh định ý.

Căn tánh trí tuệ sáng suốt, căn tánh bỏ mất trí tuệ, căn tánh đầy đủ ánh sáng của Bậc Thánh, căn tánh ngu si, căn tánh không sợ hãi, căn tánh tự cao tự đại, căn tánh không còn tự cao, căn tánh đạt được đạo, căn tánh theo tà kiến, căn tánh tâm an ổn, căn tánh tâm ý buông lung… thảy đều biết hết.

Căn tánh ý tán loạn, căn tánh tịch tĩnh, căn tánh phát khởi, căn tánh không có đối tượng sinh khởi, căn tánh thanh tịnh, căn tánh ô nhiễm, căn tánh thông minh, căn tánh hiển bày sáng suốt, căn tánh Thanh Văn, căn tánh Duyên Giác, căn tánh thừa Bồ Tát, căn tánh thừa Chư Phật… thảy đều hiểu rõ và biết tất cả.

Đó gọi là bậc đạt được diệu lực, không có bạn cũng chẳng buông lung, gọi là không còn luân hồi, đạt đến phương tiện khéo léo, tên là ý căn, biết rõ căn tánh của Chư Thiên, Rồng, Thần, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân, là bậc tối thượng oai đức cao vời, không ai sánh kịp cũng chẳng thể lay động, dùng mọi phương tiện để hành hóa, đạt đến bờ bên kia.

Những ai siêng năng tu tập theo Kinh Điển như vậy thì mau chóng thông đạt, được tự tại đối với tất cả các pháp, đi đến các cõi nước khắp mười phương không hề bị chướng ngại.

Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Thế nào là Bồ Tát hiểu rõ về đạo?

Thế nào là đạt được đạo?

Đó là Bồ Tát thực hành theo tám Thánh đạo:

Một là chánh kiến.

Hai là chánh niệm.

Ba là chánh ngữ.

Bốn là chánh mạng.

Năm là chánh nghiệp.

Sáu là chánh tinh tấn.

Bảy là chánh niệm.

Tám là chánh định.

Thế nào là chánh kiến?

Đó là Bồ Tát đoạn trừ tất cả các tà kiến.

Vì sao?

Vì tất cả các đối tượng để thấy cho đến Niết ban, nếu muốn thấy Phật thì phải đoạn trừ các kiến chấp như vậy, mới gọi là chánh kiến.

Do không có kiến chấp, không nắm giữ kiến chấp, không thành lập danh tự về các kiến chấp, không có chỗ nương tựa, tất cả đều khong có đối tượng nhớ nghĩ, do không điên đảo, không có đối tượng, không có tưởng, nên gọi là chánh kiến.

Thế nào gọi là thấy bình đẳng?

Là buông bỏ hết tà kiến, hư vọng ở thế gian, như vậy là đoạn trừ hết các đối tượng thấy, trụ ở chánh kiến mà không hề vướng mắc, không có tưởng cũng chẳng phải không có tưởng, không chấp vào Niết Bàn, xa lìa sự nắm bắt các dục và không chứa nhóm các kiến chấp.

Thế nào là chánh kiến?

Tất cả đều tịch tĩnh, không còn sinh khởi, an lạc, cũng chẳng tan mất, thấy tất cả là không tạo tác, vốn là thanh tịnh, không mong cầu hết thảy các pháp, cũng chẳng phải không có tưởng, ứng hợp với tất cả. Đó gọi là chánh kiến xuất thế gian.

Thế nào là chánh kiến?

Là không thủ đắc hiện tại, cũng chẳng ra khỏi thế gian mà dùng chánh kiến để hiện bày pháp thế gian và xuất thế gian nhưng không khởi tưởng hiện bày, diệt trừ tất cả các tưởng, không nắm giữ pháp tà kiến, bình đẳng đối với các pháp không bình đẳng, không còn tạo tác.

Đó gọi là xuất thế gian, mới gọi là chánh kiến. Như vậy, tất cả các pháp đều không có đối tượng sinh khởi, cho nên gọi là chánh kiến. Thấy sự chân thật, ngay thẳng không sai lệch, đó gọi là chánh kiến.

Này Bồ Tát Trì Nhân! Đó là Bồ Tát thực hành chánh kiến.

Thế nào là chánh niệm?

Đó là biết như thật về tất cả các ý niệm, những tư duy về vô vi, Pháp Phật, Thánh Chúng… đều là tư tưởng tà vạy.

Vì sao?

Vì đoạn trừ tất cả những tư tưởng và tư duy về bình đẳng… thì niệm ấy gọi là chánh niệm, vì không còn các tưởng nên gọi là chánh niệm.

Vì sao?

Vì diệt trừ hết thảy những tư duy gọi là quan sát chân chánh, khi nào không có tà vạy cũng chẳng có các tưởng mới trụ trong chánh niệm, không thủ đắc tư duy, xa lìa các tưởng tà hay chánh… gọi là chánh niệm.

Do trừ hết các tưởng, các tập khí, mọi ý niệm, xả bỏ sự hư vọng, điên đảo, dứt bặt các tưởng và chẳng phải tưởng… hết thảy các niệm, không nương vào các niệm, tiêu trừ các tưởng. Đó gọi là chánh niệm.

Thế nào là chánh ngữ?

Tất cả ngon từ đều là hư vọng, là điên đảo, là tưởng mê hoặc mà cho là chân thật rồi tự nghĩ: Đoạn trừ hết thảy các ngôn từ đã giảng nói, đó là chánh ngữ.

Ngôn ngữ không thể diễn đạt, không đến, không đi, chỗ thấy cũng vậy, không có gì sai khác, do đạt được chánh ngữ nên miệng luôn nói lời ngay thẳng, chân thật, cho nên gọi là chánh ngữ, miệng nói lời thanh tịnh, bất cứ ở đâu cũng đều bặt dứt ngôn từ, biện tài, tuy tâm thông đạt nhưng miệng chẳng giảng nói, xả bỏ lời nói tà vạy, trụ nơi chánh ngữ.

Thế nào là chánh nghiệp?

Đạt được chánh nghiệp thì biết rõ tất cả các nghiệp tà vạy. Tất cả những nghiệp ấy chẳng phải chân thật, vốn chẳng tạo tác.

Vì sao?

Vì tất cả các nghiệp đều không đạt đến chỗ rốt ráo mà chúng đều tan rã, đó gọi là chánh nghiệp. Nghiệp không có chánh, không có tà, không có đúng, chẳng có sai, không có tưởng cũng chẳng phải không có tưởng… đều vượt qua các nghiệp, không tạo tác chánh, tà, hiểu rõ các nghiệp là không tạo tác cũng chẳng phải không tạo tác, đó gọi là chánh nghiệp.

Có thể giảng nói về các nghiệp chánh, tà, hiểu đúng như thật về các nghiệp, cũng thấy được sự chân thật, không có sự ứng hợp nào mà chẳng ứng hợp, đó gọi là chánh nghiệp. Do thực hành chân chánh, không có nghiệp tà, thấy bình đẳng, hành hóa theo chân lý, đó là chánh nghiệp.

Thế nào là chánh mạng?

Nghĩa là, biết tất cả các mạng sống đều rơi vào tà vạy.

Vì sao?

Vì các tưởng như: Tưởng về mạng sống, tưởng về vạn vật, về vô vi, Niết Bàn, tưởng về thanh tịnh và tưởng thấy Phật… cho đến trụ vào nhất tam thanh tịnh, muốn được mạng sống thanh tịnh đều rơi vào nghiệp sai quấy.

Tất cả các mạng sống đều là tánh mạng chân chánh, nhưng không cho là tà cũng chẳng cho là chánh, đó gọi là chánh mạng. Nói rằng tà mạng và tất cả các mạng sống đều thanh tịnh, đó là chánh mạng.

Hiểu rõ tất cả các mạng sống là không có chánh hay tà, trụ vào hạnh thanh tịnh, không buông lung, không có chánh hay tà, không có hai, chẳng phải một, không có sự ứng hợp nào mà chẳng ứng hợp, đó là chánh mạng.

Không trụ vào tà vạy để đạt được mạng sống thanh tịnh, không tưởng về mạng sống, không có thiện, bặt dứt ngôn ngữ, không có mạng sống cũng chẳng phải không có mạng sống, luôn thực hành bình đẳng, thấy biết chân không hư dối, đó gọi là chánh mạng.

Thế nào là chánh tinh tấn?

Là trừ bỏ các tinh tấn tà vạy.

Vì sao?

Vì tất cả các sự tinh tấn đều rơi vào nẻo tà, ở đâu có tinh tấn mà tâm bị kết sử trói buộc thì gọi là tà tinh tấn.

Vì sao?

Vì tất cả các pháp không có tinh tấn chân thật hay tà vạy, các sự thực hành chân chánh thì không phải chân chánh, vì chúng chẳng phải chân chánh nên gọi là tà tinh tấn, là chẳng phải tinh tấn, không rốt ráo, chẳng có ngôn từ, bặt dứt sự tinh tấn vì chúng không thật có, đoạn trừ tưởng về Niết Bàn.

Không còn tưởng về Pháp Phật, biết tinh tấn thực hành và tất cả các sự tinh tấn đều chẳng phải chân chánh, cho đến không có tinh tấn, tất cả đều bình đẳng nên không có tinh tấn, bình đẳng đối với tất cả các pháp, không gì khác biệt, không có tinh tấn, vượt trên những phương pháp, nếu có phương pháp thì cũng chẳng chấp giữ, không có gì mà chẳng ứng hợp.

Đó là chánh tinh tấn, đạt được những điều này thì gọi là tinh tấn, cũng gọi tinh tấn là chánh định, bặt dứt cả tinh tấn mới gọi là chân lý, như vậy là thấy bình đẳng, không khởi tưởng về tinh tấn, do không có tưởng nên đúng là chánh tinh tấn.

Thế nào là chánh niệm?

Tất cả các niệm đều là tưởng về tà, các niệm của ý cũng chính là tư duy tà vạy.

Vì sao?

Vì tất cả đều rơi vào ta kiến, chúng đều từ ý sinh khởi nên gọi là tà. Ý không có đối tượng để nhớ nghĩ.

Vì sao?

Vì tất cả các sự nhớ nghĩ đều do nhân duyên sinh, nên cũng gọi nhân duyên là tà vạy. Ý nơi đối tượng của niệm không khởi cũng chẳng diệt gọi là chánh niệm.

Cho là chánh niệm vì không có ý niệm, trụ xứ và nghiệp phát khởi, không có ý cũng chẳng phải không có ý, thanh tịnh bậc nhất, ý niệm không tà vạy, đoạn trừ hết các tư duy, không khởi y niệm đối với các điều tà thì gọi là an trụ nơi chánh niệm.

Bậc chánh niệm ấy, không phải chánh, không phải tà, không phải chánh niệm hay tà niệm, diệt trừ tất cả các ý, các niệm và tư tưởng, hiểu rõ hết thảy nhưng tâm không hề loạn động, thường thực hành sáu độ, gọi là trụ nơi chánh niệm.

Ý chưa từng sinh khởi tưởng có ý hay chưa có ý, thông suốt hết thảy ý niệm, biết chúng là chân thật nhưng không suy nghĩ có ý hay không có y, ứng hợp hay chẳng ứng hợp, đó là trụ nơi chánh niệm, không có ý cũng chẳng tà vạy, nhớ nghĩ đến hạnh bình đẳng.

Không có niệm cũng chẳng phải không có niệm, không có nhân, không tư duy cũng chẳng có đối tượng để tư duy, hết thảy đều chẳng mong cầu, đạt đến chỗ bặt dứt ngôn ngữ, không có ý cũng chẳng phải không có ý.

Trụ vào tư duy bình đẳng, không ngôn từ, chẳng bàn luận, xả bỏ hết thảy từ ngữ, hiểu đúng như thật, không hề giảng nói, chẳng có tư duy cũng không có tưởng. Đó gọi là trụ vào bình đẳng.

Thế nào là chánh định?

Nghĩa là, thấy tất cả các định đều là tà định.

Vì sao?

Vì chấp giữ tưởng làm nhân duyên của định, chấp vào tà hay chánh đều là tà định, cho nên gọi thủ đắc định này không phải là chân chánh.

Nếu đối với các thọ mà không có đối tượng thọ nhận, chẳng mong cầu tưởng về chánh định, không giảng nói về tịch tĩnh, không nhớ nghĩ đến chánh định, không có đối tượng duyên dựa, không tạo tác cũng chẳng truyền trao, bặt dứt sự vui mừng, vĩnh viễn an lạc, hiểu rõ về tưởng của định, đối với tam muội không có chỗ trụ chấp. Đó gọi là chánh định tam muội.

Sở dĩ gọi chánh định vì đối với tất cả các định không hề vướng mắc nên không buông lung, đạt được tuệ như thật thông suốt định ý, không nương vào các định, không mong cầu ý niệm, không lệ thuộc vào các hạnh chân chánh, do đó không có tưởng nào mà chẳng phải tưởng, chẳng phải tưởng ấy cũng không có tưởng, gọi là chánh định.

Định này không chánh, không tà, tất cả đều chẳng mong cầu, vì đoạn trừ các tưởng và diệt hết các sự mong cầu, gọi là chánh định. Cho là chánh định vì không có định chánh hay tà, tâm không có đối tượng sinh khởi cũng chẳng có chánh hay tà, không có chánh định cũng chẳng có tà định.

Vì sao?

Vì có khả năng hiểu rõ các định phương tiện, cho đến trụ vào chánh định, không có tưởng về tam muội, không chứa nhóm bình đẳng, ban rải khắp tất cả mới gọi là chánh định.

Vị ấy không còn luân hồi, không tạo tác cũng chẳng buông lung, đối với các pháp chánh hay tà đều bình đẳng, tất cả định ý đều trở về nơi chánh định, biết tất cả ba cõi đều là pháp hữu vi, dùng trí tuệ để nhận biết và tư duy về chân lý, qua lại tự tại trong năm cõi.

Đức Phật bảo Bồ Tát Trì Nhân: Như vậy là Bồ Tát hiểu rõ ý nghĩa của đạo, đạt được như vậy nên thông suốt ngọn nguồn về đạo, nếu thực hành theo hạnh Bậc Thánh, xiển dương chân lý như vậy gọi là chánh định.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần