Phật Thuyết Kinh Bổn Sự - Phẩm Một - Phẩm Pháp Một - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH BỔN SỰ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Huyền Trang, Đời Đường
PHẨM MỘT
PHẨM PHÁP MỘT
PHẦN MỘT
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế này.
Các Tỳ Kheo nên biết! Nếu các loài hữu tình hay nhớ đến một pháp, ta chứng cho họ được quả chẳng trở lại.
Như thế nào là một pháp?
Đó là nhớ nghĩ đến sự chết.
Ta nghe từ Đức Thế Tôn rằng: Tỳ Kheo nên biết khi ta quán sát thế gian, không có pháp nào sai biệt, làm chướng ngại cho chúng sanh, bị trôi lăn trong vòng sanh tử, như lớp vô minh, cho nên tất cả chúng sanh bị cái màn vô minh nó làm chướng ngại ngăn che tất cả, rồi cứ sanh tử tử sanh triền miên như vậy.
Cho nên phải biết. Nên học như thế. Ta vì sao tu hành được phát sinh trí tuệ, phá được vô minh, xa rời sự bó buộc của ái nhiễm.
Này các Tỳ Kheo! Phải biết thế này.
Lúc ấy Đức Thế Tôn nhiếp tâm vào nghĩa này mà nói kệ rằng:
Chẳng có một pháp nào
Không chướng ngại chúng sanh
Bị rơi vào sanh tử
Như vô minh che lấp
Vô minh tối tăm lớn
Do lưu chuyển dài lâu
Ta đây nay đến đi
Lên cao hoặc xuống thấp
Nếu phá được vô minh
Giải thoát lưới tham ái
Chẳng rơi vào sanh tử
Không gây ra nguyên nhân.
Ta đã nghe được từ Đức Phật nói rằng: Các Tỳ Kheo nên biết khi ta xem thế gian, chẳng có pháp nào mà không trói buộc chúng sanh, làm cho chúng sanh bị lưu chuyển trong sanh tử dài lâu, giống như tham ái nối kết lại.
Vì sao vậy?
Chúng sanh trong thế gian, do dây tham ái nối kết chằng chịt, cho nên phải bị lưu chuyển trong đường sanh tử dài lâu. Cho nên phải biết quán sát như thế.
Ta đã phải tu hành như thế nào để có được con dao trí tuệ nhằm đoạn trừ sự nối kết tham ái kia, để phá đi những mờ ám?
Này các Tỳ Kheo!
Phải nên biết rằng:
Lúc ấy Đức Thế Tôn chú tâm vào nghĩa này mà nói kệ rằng:
Chẳng có một pháp nào
Không trói buộc chúng sanh
Sanh vào vòng sanh tử
Như tham ái trói buộc
Dây tham ái chằng chịt
Do vậy sanh tử dài
Làm cho đến hoặc đi
Sinh cao hay đọa thấp
Muốn đoạn tham ái này
Phá trừ màn vô minh
Chẳng rơi vào sanh tử
Nên không nhân sinh ra.
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế này: Các Tỳ Kheo phải nên biết! Nếu có một hữu tình trong một kiếp số lưu chuyển sanh tử, do tham thân này, giả sử thường hay chứa nhóm các điều sai quấy. Sự chứa nhóm ấy cao dần giống như núi Tỳ Bổ La tại thành Vương Xá, huống nữa là chúng hữu tình, chẳng đầu không cuối, bị lưu chuyển sanh tử mãi mãi như thế, do yêu thân này, làm sao tính được.
Cho nên phải biết! Các Tỳ Kheo phải biết ta nói về loài có tình này không hiểu về tứ Thánh Đế, cũng chẳng quán sát bên trong, cũng chẳng thông suốt, chẳng phân biệt. Nên mãi mãi bị lưu chuyển trong vòng sanh tử, thọ lãnh nhiều thân khác nhau.
Cho nên phải biết, phải hiểu như vậy. Ta đã nói về tứ Thánh Đế như thế nào, hãy quán chiếu như thế để biết. Nếu nay quán chiếu rồi, sẽ đi đến chỗ cứu cánh.
Này các Tỳ Kheo! Hãy học như thế.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn, sâu nhiếp nghĩa này, liền nói kệ rằng:
Loài hữu tình mỗi kiếp
Thọ thân nhiều chẳng dứt
Chất chồng dần dần cao
Như núi Tỳ Bổ La
Chẳng có đầu có sau
Lưu chuyển trong sanh tử
Nên thọ nhiều thân hình
Không thể tính đếm được
Thọ lãnh nhiều nỗi khổ
Do chẳng gần Thánh Đế
Lại chẳng tu diệu trí
Chẳng quán bốn chân lý
Cho nên khổ không dừng
Khổ nhân và khổ quả
Hay diệt nguyên nhân khổ
Tám phần của Thánh Đế
Đây Bổ Đặc Già La
Đến bảy lần lưu chuyển
Kết thành nhiều mắc xích
Chưa dứt các nỗi khổ.
Ta nghe từ Đức Thế Tôn như thế này.
Các Tỳ Kheo nên biết! Ta lấy Phật nhãn quán chiếu thế gian, tất cả là kết quả của nghiệp, đều do tâm ý tạo thành. Tất cả các loại hữu tình, đều do tâm ý sai khiến, làm các việc làm, đi vào các đường, thân hoại mệnh chung, như bỏ gánh nặng, sanh vào địa ngục.
Vì sao như thế?
Những chúng hữu tình kia, tâm ý bị ô nhiễm. Do nguyên nhân này, thân hoại mệnh chung, đọa vào ác thú.
Lúc ấy Đức Thế Tôn, sâu vào nghĩa này, liền nói bài kệ:
Mỗi loại của hữu tình
Tâm ý khởi nhiễm ô
Ta nay nói cho biết
Tùy theo nơi mà sanh
Thân kia khi mệnh chung
Như bỏ một gánh nặng
Tất đọa vào ác thú
Sanh vào trong địa ngục
Nên biết người ác ấy
Do tâm ý nhiễm ô
Nhân vì nhiễm ô này
Mà rơi vào địa ngục.
Ta từ Đức Thế Tôn nghe rằng: Này các Tỳ Kheo! Ta dùng Phật nhãn quán chiếu thế gian, tất cả quả nghiệp, đều duyên vào tâm ý. Mỗi loại hữu tình, do tâm ý sai khiến, làm những việc làm, đi vào các đường, thân hoại mạng chung, như bỏ gánh nặng, lên các đường lành, sanh vào Chư Thiên.
Tại vì sao vậy?
Các loài hữu tình kia vì tâm ý thanh tịnh. Do nguyên nhân này, thân hoại mạng chung, sanh vào đường lành, sanh vào Thiên Giới.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn, sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:
Mỗi loại trong hữu tình
Tâm ý khởi thanh tịnh
Ta nay vì các ngươi
Giảng rõ việc sanh này
Thân kia khi mệnh chung
Như bỏ đi gánh nặng
Tức vào các đường lành
Sanh vào nơi Thiên Giới
Nên biết kẻ lành này
Do tâm ý thanh tịnh
Nguyên nhân thanh tịnh này
Nên sanh vào Thiên Giới.
Ta nghe từ Đức Thế Tôn nói như thế này: Các Tỳ Kheo nên biết! Tất cả các loài hữu tình đều do nghiệp lực. Nghiệp như người bạn, nghiệp sanh vào nhà, nghiệp làm quyến thuộc, nghiệp làm chỗ tựa, nghiệp hay phân định.
Tất cả các loài hữu tình, trên dưới hết thảy, tất cả như thế phải nên biết rằng: Các nghiệp là tánh, các nghiệp là nhân duyên, các nghiệp nhiều loại, các nghiệp sai khác, các nghiệp hết sạch, các nghiệp diệt rồi, làm chỗ nhân duyên.
Tỳ Kheo nên biết! Như ta đã nói, hãy cố lắng nghe, hiểu như thế nào về nghiệp và tự tánh của nghiệp. Hoặc là nghiệp riêng hay là nghiệp dĩ, như thế phải biết là nghiệp tự tánh.
Khi biết là tự tánh của nghiệp rồi, vì sao phải biết cái nghiệp do nhân duyên tạo nên?
Vì các tham ái gây ra. Nên tạo thành những nhân duyên vậy. Phải nên biết rằng tự tánh của các nghiệp đều do nhân duyên mà tạo ra vậy.
Làm sao để biết những loại nghiệp?
Các loại nghiệp nghĩa là do tạo tác thân đọa vào địa ngục có nhiều loại khác nhau. Có loại do nghiệp sanh vào bàng sanh. Có loại do nghiệp sanh vào ngạ quỷ. Có loại do nghiệp sanh vào A Tu La.
Có loại do nghiệp sanh lên làm người. Có loại làm Chư Thiên. Như thế phải biết nghiệp có nhiều loại như vậy. Phải nên biết về tự tánh của các nghiệp.
Biết được nhân duyên của các loại nghiệp rồi, làm sao có thể biết được sự sai biệt của các nghiệp?
Nghiệp dị thục có nghĩa là đời này tạo tác các nghiệp rồi sanh lại đời này, hay cảm các loại, hoặc sanh đời khác. Như thế nên biết là nghiệp sai khác. Nghĩa là đều do tự tánh của nghiệp, các nhân duyên của nghiệp, các phẩm loại của nghiệp và các sai khác của nghiệp.
Làm sao để biết các nghiệp tận diệt?
Nghĩa là các ái diệt rồi, các nghiệp sẽ diệt. Như thế nên biết là nghiệp tận diệt. Phải biết rằng các nghiệp đều do tự tánh, đều do nhân duyên, đều do phẩm loại, đều do sự sai khác mà tận diệt vậy.
Thế nào là nhân duyên của nghiệp làm vật của riêng?
Kẻ mà có nhân duyên vào con đường đạo, có nghĩa là trong bát chánh đạo có đầy đủ.
Đó là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mệnh, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Như vậy nên biết đây là những nhân duyên tạo nên con đường cao cả.
Các Tỳ Kheo nên biết! Cùng các Sa Môn hoặc các Bà La Môn, nếu hay hiểu biết các tự tánh của nghiệp hoặc nhân duyên các nghiệp, hoặc các loại nghiệp, hoặc sự sai biệt của nghiệp, hoặc sự tận diệt của nghiệp, hoặc con đường tận diệt, hoặc nhân duyên cốt cán, tức hay tin vào pháp Tỳ Nại Da nghĩa là luật, giới luật của ta.
Nếu hay tin vào giới luật của ta, tức hay nhập vào pháp giới của giới luật. Nếu hay nhập vào giới luật của ta, tức hay đạt thành pháp giới luật, tu hành phạm hạnh, tức hay cứu cánh, làm hết các nghiệp.
Vì sao vậy?
Này các Sa Môn! Các Bà La Môn! Phải biết tự tánh của các nghiệp này, các nghiệp nhân duyên, các loại nghiệp, các nghiệp sai khác, các nghiệp tận diệt, các nghiệp lành, các nghiệp căn bản rồi.
Tức các nghiệp này, xa rời ác thú, cứu cánh giải thoát, được thiện giải thoát, tức thiện giải thoát, tức hay độc lập, tức được phép lành, tức đủ phép lành. Thân kia chết đi như pháp này tất cả khó tạo thành.
Lúc ấy Đức Thế Tôn, sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:
Thế gian các hữu tình
Ở trước hay ở sau
Tất cả đều do nghiệp
Nghiệp giống như người bạn
Nghiệp làm chỗ phát sanh
Nghiệp làm kẻ quyến thuộc
Nghiệp làm chỗ nương tựa
Nghiệp hay chia ba loại
Tùy nghiệp mà sanh ra
Bất định như bánh xe
Hoặc ở trong Trời người
Hoặc ở nơi bốn đường
Thế gian các hữu tình
Đều do nghiệp lực chuyển
Chẳng tiền của vợ con
Tùy nơi sanh hoặc chết
Khi đến lúc lâm chung
Tất cả đều phải bỏ
Tùy theo nghiệp mà sanh
Tất cả đều do nghiệp
Vị lai các hữu tình
Như thế mà thọ nghiệp
Nếu hay y lời Phật
Chánh tín để xuất gia
Các ngu si loại ấy
Chẳng thầy được khai mở
Tên là làm việc lành
Chẳng ngu mà chánh pháp
Cho nên các Tỳ Kheo
Siêng năng chớ buông lung
Phải biết rằng các nghiệp
Liên tục để tu hành
Tự tánh nghiệp dứt rồi
Ngay cả nghiệp nhân duyên
Tu tám phần Thánh đạo
Khó liền được viên mãn.
Ta từ Đức Thế Tôn nghe như thế này: Này các Tỳ Kheo! Hãy nên biết rằng thế gian có các việc ác, chẳng có pháp lành. Lúc mới sanh ra những việc không lành, những loại không lành, tất cả đều do ý dẫn đầu, cho nên ý sanh khởi vậy. Các thiện pháp chẳng lành sanh theo sau đó.
Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:
Các bất thiện pháp sanh
Vì nguyên do cảm thọ
Do ý làm đầu đề
Cùng phiền não sanh ra
Ý dẫn đầu như vậy
Ý bị ý sai khiến
Do ý bị nhiễm ô
Cho nên nói có làm
Khổ theo đây mà sanh
Như bánh nhân đây lăn.
Ta từ Thế Tôn được nghe như thế này.
Các Tỳ Kheo nên biết! Trong thế gian có pháp sáng trong đẹp đẽ, khi mới sinh ra có bạch tịnh thiện pháp, sau đó sanh tiếp.
Lúc ấy Đức Phật sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:
Các thiện pháp khi sanh
Bởi vì hay cảm lạc
Do ý chí dẫn đầu
Cùng thiện pháp sanh ra
Ý là pháp đi đầu
Ý khiến ý sai sử
Do ý có thanh tịnh
Lại hay nói về hành
Vui từ đó mà sanh
Như ảnh theo hình vậy.
Ta từ Đức Thế Tôn được nghe như thế này.
Các Tỳ Kheo nên biết! Thế gian có pháp khi khởi sanh ra cùng các chúng sanh khác, chẳng làm lợi ích, thọ những khổ lớn.
Thế nào là một pháp?
Đó là việc phá Tăng.
Cho nên các Tỳ Kheo nên biết! Nếu phá hoại Tăng, tất cả mọi người lẫn đến tranh luận, hoặc hay nói lén, hoặc hay lăng mạ, hoặc hay tìm tòi, hoặc hay thêm bớt, hoặc hay giận hờn, hoặc hay não xúc, hoặc hay tức giận, hoặc hay phỉ báng, hoặc hay rúng rẩy thì lúc ấy tất cả thế gian đều là những người chưa có lòng tin. Nên không sinh kính tín. Đã không tin rồi, lại chẳng kính trọng.
Các Tỳ Kheo nên biết! Như thế đó có tên là một pháp. Lúc phát sanh ra cùng các chúng sanh, làm điều chẳng lợi ích, chẳng an lạc, dẫn các thế gian Trời người và đại chúng làm những việc chẳng có ý nghĩa, thọ các quả khổ.
Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:
Thế gian sinh một pháp
Hay sinh nhiều tội ác
Nếu mà phá hoại Tăng
Kẻ ngu si tùy hỷ
Kẻ phá Tăng hay khổ
Phá Tăng hay bị khổ
Tăng hòa hợp bị hoại
Qua nhiều kiếp Vô Gián.
Ta từ Đức Thế Tôn có nghe được rằng: Các Tỳ Kheo nên biết! Thế gian có một pháp sau khi sanh ra cùng với tất cả chúng sanh. Vì lợi ích của chúng sanh, vì sự an lạc của chúng sanh, dẫn các thế gian, Trời người đại chúng, làm lợi ích lớn, tạo quả an lạc.
Những gì là một pháp?
Đó là Tăng hòa hợp.
Cho nên các Tỳ Kheo nên biết! Nếu Tăng hòa hợp, tất cả đại chúng chẳng có tranh luận, chẳng có nói lén, chẳng hay lăng mạ, chẳng hay tìm tòi, chẳng hay thêm bớt, chẳng hay giận hờn, chẳng hay xúc não, chẳng hay tức giận, chẳng hay phỉ báng, chẳng hay rúng rẩy thì lúc ấy tất cả thế gian kẻ chưa tin sẽ phát lòng tin. Sau khi tin rồi lại thêm kính tin.
Các Tỳ Kheo nên biết! Như thế có tên là một pháp trong đời. Khi sanh ra rồi cùng các chúng sanh vì nhiều lợi ích, vì nhiều an lạc, dẫn các thế gian, Trời người, đại chúng làm lợi ích lớn, thọ quả an lạc.
Lúc ấy Đức Thế Tôn sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:
Thế gian một pháp sanh
Hay sinh một lượng phước
Bởi vì Tăng hòa hợp
Kẻ trí huệ tùy hỷ
Hay hòa hợp Tăng vui
Hòa hợp mọi người vui
Ta chẳng phá hòa hợp
Nhiều kiếp sinh thêm vui.
Ta từ Đức Thế Tôn nghe như thế này.
Các Tỳ Kheo nên biết! Thế gian hữu tình, lúc kết lúc không, trừ sự kết chặt, tất cả đều dứt.
Sao gọi là kết thành một?
Đó là ngã mạn.
Vì sao thế?
Do các sự kết lại với những điều li chi, tất cả đều do ngã mạn làm gốc. Từ ngã mạn sanh ra, ngã mạn sẽ lớn dần. Cho nên khi ngã mạn kết lại hay lìa nhau, trừ tất cả kết, đều cũng đoạn theo.
Dụ như thế gian khi đứng giữa quan sát giống như tòa nhà, chia ra chỗ này chỗ nọ. Nếu ở giữa thấp cùng lại mất theo. Ngã mạn như thế, nối kết vào nhau. Nếu đoạn ngã mạn chúng lại diệt theo. Nếu các Tỳ Kheo khi đoạn ngã mạn rồi, phải biết rằng cũng đã đoạn được sự kết nối.
Nếu các Tỳ Kheo khi đoạn sự nối kết rồi phải biết rằng hết sự khổ sở, nên tu chánh trí, tâm thiện giải thoát, huệ thiện giải thoát, không còn sau nữa.
Lúc ấy Đức Phật sâu vào nghĩa này mà nói kệ rằng:
Như ở giữa ngôi nhà
Tất cả chỗ nương tựa
Ở giữa nếu xuống sâu
Trừ phần không đọa lạc
Như vậy ngã mạn kết
Chúng kết và nương nhau
Khi ngã mạn đã dứt
Các kết cũng phải mất
Tỳ Kheo đoạn ngã mạn
Trừ kết phải tùy mất
Trừ kết và đoạn rồi
Tức chứng hết sự khổ
Liền được chỗ không khổ
Tên là tu chánh trí
Tâm huệ thiện giải thoát
Sau đó chẳng có gì.
Ta từ Đức Thế Tôn nghe như thế này.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Sáu - Phẩm Vương Tương ưng - Kinh Chuyển Luân Vương
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Hai Mươi Tám
Phật Thuyết Kinh Vô Cấu Xưng - Phẩm Cúng Dường Pháp
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Bảy - Phẩm Trường Thọ Vương - Kinh Hữu Thắng Thiên
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Bốn Mươi Bốn
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Mười Hai - Phẩm Kesi - Phần Một - Kesi