Phật Thuyết Kinh Bột Sao - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH BỘT SAO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Chi Khiêm, Đời Ngô
PHẦN BỐN
Vua nói: Hôm nay, cùng được đạo nhân chuyện trò, bàn bạc, khiến cho sự hiểu biết của trẫm tăng thêm rất nhiều.
Bột thưa: Xin lược nêu ra những điều quan trọng về chỗ con người cần nên nhận thức, lãnh hội là có bốn mươi lăm sự việc: Tu tập, sửa đổi ngay nơi gia đình. Hòa thuận với mọi người trong nhà. Gần gũi, thân thiện với họ hàng bà con xa gần.
Tin tưởng đối với bạn bè. Theo học nơi các bậc thầy sáng suốt. Làm việc phải dốc đạt thành tựu tốt đẹp. Chuộng bậc tài cao trí rộng.
Phải nên giữ vững nẻo thiện. Giàu sang thì nên thực hiện việc thi ân. Xử lý của cải phải luôn thận trọng. Có tài sản, phải nên mở rộng nghề nghiệp có lợi cho đạo đức. Con còn nhỏ tuổi chớ nên giao phó của cải. Nên kết giao với người tốt, lành, chớ nên tin tưởng ở hạng người thiếu lễ nghĩa, không liêm sỉ.
Tài sản còn nằm ở nơi quan quyền thì phải sớm lo liệu lấy ra. Mua bán giao dịch phải nên thành thật, đừng gian dối. Phàm những nơi chốn cần giao phó, ủy thác, ắt phải đi tới trước để xem xét, tìm hiểu. Chỗ lui tới nên biết đấy là hạng sang hay hèn, vào nước nào phải nên gần gũi, kết thân với kẻ thiện.
Làm khách nên nương dựa vào kẻ sáng suốt, hào hiệp, không nên tranh cãi quyết liệt với họ. Giàu có lâu đời thì có thể lại tìm tới, còn vốn dĩ đã bần cùng thì chớ nên mong chờ gì. Có vật báu chớ nên chỉ cho người xem, chuyện cần giấu kín không nên nhỏ to với vợ.
Làm Vua nên kính trọng kẻ hiền, hậu đãi kẻ dũng lược phải giữ lấy sự trung tín. Hạng người trong sạch có thể trị nước, việc hứng thú nên dốc lập công. Giềng mối của sự giáo hóa, phải lấy hiếu thuận làm gốc. Tình nghĩa thầy trò, luôn lấy sự tôn kính để quý trọng, hòa hợp.
Muốn có nhiều đệ tử, phải dốc đem điều nghĩa mà dạy bảo. Làm nghề thuốc phải có kinh nghiệm tạo được hiệu quả, phương thuật tay nghề còn cạn cợt thì chẳng nên thi thố. Đau ốm phải theo sự chỉ giáo của thầy thuốc. Ăn uống phải biết hạn chế đúng mức, phải nhận biết rõ có lợi cho thân thì mới nên dùng các món ngon vật lạ. Vui đùa với cờ bạc thì không thể có của cải, phải khiến chống lại chỗ bày đặt ấy.
Ví như cho vay mượn thì tự tay trao cho, có chứng cớ giúp vào. Theo nẻo chánh chớ nên hạ mình. Không lỗi lầm thì mới nên can ngăn những trường hợp giận dữ. Lấy sự thuận hợp mà xa lánh điều ác. Đem sự nhẫn nhục đối với người không kể sang hèn. Tánh hòa thuận, nhã nhặn là tốt. Tu đạo giữ giới, thanh tịnh là trên hết. Đạo lớn trong thiên hạ không gì hơn là đạo tịch diệt giải thoát.
Đạo giải thoát ấy không còn sinh, già, bệnh, chết, dứt cảnh đói khát, nóng lạnh, chẳng còn sợ về nước lửa, thù oán, trộm cắp, giặc cướp, cũng dứt mọi ràng buộc của ân ái. Mọi thứ xấu ác của tham dục, mọi nẻo sầu lo khổ não đều diệt hết, nên gọi là diệt độ. Nhà Vua phải nên tự bảo trọng, Bột xin cáo từ.
Vua nói: Đạo nhân đã quyết ra đi, có nên nêu bày thêm lời khuyên dạy nào khác nữa chăng?
Bột thưa: Ví như ở chỗ đã từng có dòng nước lớn đột nhiên dâng cao lênh láng, dù hàng trăm năm sau, cũng không nên ở trong ấy mà xây dựng thành quách, vì dòng nước đó ắt sẽ tràn xuống trở lại. Người đã từng làm việc xấu ác, dù muốn làm điều lành cũng chẳng nên tin tưởng, vì gốc của tâm xấu kia chưa diệt hết, nên có thể sẽ trở lại làm điều sai trái không thể đề phòng.
Chỗ con người dốc làm, ví như đào ao, cứ đào mãi không ngừng, ắt sẽ gặp được mạch nước. Sự việc đều có tính chất dần dần. Kẻ trí phải thấy được điều tinh tế ấy thì mới có thể giữ lấy mạng mình. Như người bơi lội khỏe mạnh có thể cắt ngang dòng nước để vượt qua.
Vua nói: Những lời nêu bày trước sau, trẫm đều ghi khắc trong lòng. Kẻ sĩ, người nữ nói chung là mọi người trong nước không ai là không vui mừng. Kẻ xấu ác trước đây sẽ cúi đầu quy phục không dám hó hé nữa.
Xin được nghe lời chỉ dẫn, thảng hoặc gặp người khác lạ, làm sao biết đó là hàng sáng suốt?
Bột đáp: Bậc sáng suốt khi hỏi đáp mỗi mỗi đều rõ rệt phân minh, ngôn từ luôn thể hiện điều lành, điềm hay, luôn dựa theo gốc chân chánh. Dự theo đấy để nhận biết.
Tánh của người sáng suốt luôn hiền hòa, dịu dàng, cẩn trọng, thuần lành, trí thức sâu rộng nhưng không cao ngạo, là chỗ quy ngưỡng của những cái tốt đẹp không còn nghi ngờ gì nữa. Xem nơi ngôn ngữ, hành động, lòng miệng luôn tương ứng. Xét chỗ ngồi xuống đứng lên, mọi động tĩnh không chút càn quấy.
Quán sát nẻo xuất xứ, cũng như cách ăn mặc phô bày… nhờ đấy có thể đủ biết được. Cùng với bậc cao minh luận đàm, nên gắng đạt được thâm ý. Đạt được điều ấy rất khó, như tay cầm nắm vật nhọn sắc, nguy hiểm, nên không thể không thận trọng.
Vua hỏi: Muốn phụng sự bậc cao minh, tất không thể làm mất cái diệu ý kia.
Vậy phải làm thế nào?
Bột đáp: Kính trọng chớ khinh thường, nghe, lãnh hội thì phải thi hành. Bậc cao minh luôn nhận biết nẻo chân lý, rõ bản thể của đạo là vô vi tịch diệt, thấu đạt mọi pháp qua lại xưa nay thảy đều quy về không vô, muôn vật cũng như con người chỉ là huyễn hóa, trẻ trung rồi phải già yếu, khỏe mạnh rồi cũng suy ốm, có sinh ắt có tử, giàu sang đều vô thường.
Vì vậy, lúc an phải nên nghĩ tới khi nguy, lúc hưng thịnh phải xét tới khi không còn gì cả. Người lành thì nên tăng lòng yêu mến, kẻ bất thiện thì phải đuổi đi xa, dù có thù oán cũng không thực hiện được việc ác xấu. Mềm mỏng mà khó có thể xâm phạm, tưởng như yếu đuối mà thật khó hơn khó thắng. Bậc sáng suốt là như thế đấy, chẳng nên xem thường.
Vua nói: Hết lòng yêu kính để phụng sự bậc trí thức cao minh thế thì được phước đức gì?
Bột đáp: Bậc trí đem các pháp của Thánh Nhân thực hiện nhân ái, vui thích, khai mở sự ngu tối cho mọi người, giúp họ có được sự hiểu biết. Bậc có trí tuệ, trị nước thì luôn dùng nẻo thi ân giúp đỡ làm điều thiện.
Tu tập đạo pháp thì theo vị dẫn đường làm chính, nước nhà gặp khó khăn cấp bách thì có thể phân giải, tiến lui luôn biết thời không chút than oán, ân rộng đức lớn, không hề mong cầu đáp trả. Vì thế mà phụng sự bậc ấy thì được phước, trọn đời dứt mọi hoạn nạn. Vua chớ nên nghi ngờ về họ. Phép trị nước không thể để mất đạo. Khuyến khích dân học tập điều thiện, ích lợi ấy đối với nước thật hết mực sâu dày.
Vua than thở: Ai có thể giữ đạo nhân ở lại được! Lòng trẫm sầu thảm vật vờ như ngây như dại, hướng về đạo nhân như sắp khóc mà xin xám hối, giải trừ mọi lỗi lầm.
Bột nói: Như người không thể bơi lội được thì không nên đi vào chỗ nước sâu. Muốn báo hận thù thì chẳng nên do dự, yếu đuối. Thân thiện, hậu đãi giữa chừng thì xích mích tranh cãi, về sau trở lại tạ lỗi, tuy biết hòa giải, nhưng sự gắng sức ấy sao bằng từ gốc không để xảy ra mâu thuẫn! Điều thiện chẳng được khen thưởng mà trái lại đi nghe lời gièm pha.
Thân nay như chim bay, dừng nghỉ ở chốn vô thường, đạo quý ở chỗ thanh tịnh tịch diệt, thì chẳng thích hợp với cõi đời ô trọc như đồng lửa đang lúc cháy lan, cây đứng bên cạnh cũng bị thiêu rụi. Quậy nước phá thuyền khác nào thả rắn độc hại người. Cùng với bậc trí làm việc không nên nhiễu loạn. Cây cỏ tính chất đều khác, chim thú mỗi loài phân biệt.
Chim Hạc trắng tự trắng, chim Lô tư tự đen. Thần với những kẻ ấy khác nhau. Ở đời, dứt mọi tham dục, như ông già làm ruộng quen sống nơi chốn núi đầm, tặng cho ông ta y phục tốt đẹp thì có ích gì. Trong thiên hạ có loại cây tên là Phản liệt, người chủ tự trồng cây nhưng chẳng được ăn quả.
Kẻ khác trộm lấy thì quả liền hiện ra. Vua nay cũng như thế. Người khéo đem lại an ổn cho xã tắc thì bày tỏ sự xua đuổi. Kẻ dua nịnh dối trá làm hư hỏng triều chính thì trái lại được lưu giữ để ăn lộc nước. Khách khứa giữ lại lâu ngày chủ nhân ắt chán. Thần nên ra đi thôi.
Vua nói: Mạng người hết sức quý trọng, mong đạo nhân rủ lòng nhớ nghĩ lại, nay trẫm muốn dốc hết sức mình phụng sự đạo nhân còn hơn cả trước đây.
Bột thưa: Vua tuy nói như thế nhưng cũng không nên bày tỏ ý xấu ác của phu nhân. Thần chẳng nên ở lại. Nhà nhà trong thiên hạ đều có người lo chuyện bếp núc. Hàng Sa Môn sở dĩ mang bình bát đi khất thực là tự vui với việc dứt trừ tham lam, giữ vẹn giới luật tịch diệt, xa lìa mọi tội lỗi.
Vua nói: Nay đạo nhân đã bỏ đi, chớ nên hoàn toàn dứt tuyệt mối quan hệ, mong lúc nào đấy sẽ trở lại, khiến trẫm khỏi phải ân hận.
Bột thưa: Như cùng khỏe mạnh cả thì hãy còn gặp lại nhau. Huống chi thần lại muốn vào núi để tu tập theo chí nguyện của mình thì việc gặp lại khó xảy ra. Phàm gần nhau mà cùng nghĩ về điều ác thì không bằng xa cách mà cùng nghĩ về điều thiện.
Người trí, chỉ qua thí dụ là tự thông tỏ. Xin nói một chuyện. Ví như có người lấy mật bôi lên dao bén, con chó trông thấy mật nên liếm, do thế mà bị dao cắt vào lưỡi, chỉ vì tham chút vị ngọt ấy mà không biết tới sự thống khổ của vết thuơng phải chịu.
Bốn vị quan lớn trong triều cũng như vậy. Chỉ đẹp đẽ nơi lời nói, còn tâm địa thì như dao bén, Bệ Hạ phải hết sức đề phòng. Từ nay về sau, như có các trường hợp kinh sợ, thì luôn nhớ nghĩ, niệm tên của thần mọi thứ sợ hãi tất sẽ tiêu trừ.
Bột lại nói tiếp: Loài chim Kiêu, chim Cú vọ thì chỉ thích kiếm ăn nơi các gò nổng, bầy chuột cống thì chui rúc nơi những đống phân dơ, trăm loài chim thường đậu nơi rừng cây, đàn chim hạc thì ở nơi có ao nước đục, mỗi loài vật đều có những đặc tính khác nhau, sự ham muốn cũng không đồng.
Thần thì ưa thích đạo giải thoát. Như nhà Vua thì thích trị nước. Vật dùng tuy thô xấu, nhưng chẳng thể vứt bỏ vì mỗi thứ đều có chỗ tích chứa. Ngu hèn hư đốn cũng không thể bỏ vì đều có chỗ dùng.
Vua nên biết điều ấy. Thần cũng biết người ở chỗ hướng tới của lời nói, tâm ý. Như chim đậu trên cây, trước sau đều đáp xuống cành, nhánh, chỗ nào kín đáo thì bay tới đậu lên. Thấy con chó Tân Kỳ gầm gừ, là biết ngay trong ngoài đã có âm mưu. Ý muốn chán cái cũ để lại nhận lấy cái mới.
Lúc này thì Bột xin lui, liền đi ra khỏi thành. Vua và phu nhân sụt sùi đưa tiễn. Dân chúng lớn nhỏ không ai là không kêu gào, oán trách.
Nhà Vua đi theo hỏi tiếp Bột: Ai là người có thể tin được?
Bột đáp: Con của người chị thần cũng là đạo nhân hiền đức, chuộng thiện có thể cùng hỏi han bàn bạc. Thường thường cùng đi ra khỏi hoàng cung, tuần hành khắp trong nước xem xét các tập tục, lắng nghe những câu hò hát của dân chúng, thì có thể biết được tin tức cùng những sự diễn biến.
Vua nói: Xin ghi nhận lời chỉ dạy.
Rồi Vua cùng với quan hầu cận và dân chúng, vì Bột mà làm lễ từ biệt.
Sau khi Bột ra đi, bốn vị đại thần kia mặc sức tung hoành ở bên ngoài, dùng những biện luận gian nịnh để xử trị việc nước.
Phu nhân thì ở trong cung sử dụng đủ cách yêu mị để chiều chuộng nhà Vua, khiến tâm ý Vua hầu như mê hoặc, không còn thiết lo nghĩ đến việc nước, chỉ xa xỉ hoang dâm theo sự ưa thích, ngày đêm chìm trong đam mê phóng túng. Các quan trong triều bày ra thuế khóa rồi tự thu lấy, không còn đạo lý gì. Quân lính đủ loại, đi tới các chợ búa mua hàng chẳng cần tiền bạc gì cả.
Kẻ mạnh lấn áp kẻ yếu, chuyển sang cướp đoạt, cho tới việc sát hại lẫn nhau, chẳng hề sợ pháp luật, con cái của dân lành bị cướp lấy bắt làm nô tỳ, khiến họ hàng bà con xa gần bị thất lạc, tản tác, dắt dìu nhau chạy trốn sống tạm bợ qua ngày.
Bao nhiêu tai biến liên tiếp xảy ra nhưng nhà Vua không thể hay biết. Mưa gió không đúng thời, mọi sự trồng trọt đều thất thu, nước nghèo dân khốn, kẻ đói khát lang thang đầy đường, than oán đủ lời, cảm động đến quỷ thần.
Dân chúng sầu khổ, kinh sợ, bỏ trốn đến khắp cõi, gào khóc trên đường đi, không ai là không nhớ nghĩ đến Bột. Bột như chim Thương, chim Ưng, luôn đứng đầu các loài chim, ngăn chặn đè bẹp lũ người gian tà, đem lòng từ bi nuôi dưỡng muôn dân vạn vật khác nào Trời Đế Thích.
Vị đạo nhân con người chị của Bột, sau này đã đến một quận khác, thấy đất nước hoang tàn loạn lạc, làng xóm tiêu điều, dân chúng lẻ loi, tan tác, nên trở về hoàng cung tâu với Vua: Các vị đại thần trong triều đều bất chính, phóng túng, trộm cướp, luôn bắt bớ giết hại người, tàn bạo, độc ác vô đạo, dân oán thần giận, Trời thường giáng tai họa, xa gần đều hay mà Vua không hề biết. Nay không sớm lo liệu thì dân hẳn không còn biết đâu là nước là Vua nữa!
Vua nghe tâu, cả Kinh, nói: Đúng như Bột đã khuyên răn! Chỗ ta tin dùng như chó sói giữa bầy dê. Đã biết dân ly tán, tình cảnh như xe tuột dốc, như ngựa sổng chuồng, đạo nhân đã nêu bày như thế, vậy xin có lời chỉ dạy.
Đạo nhân thưa: Bột ra đi là nước loạn, đều do đám gian thần thao túng, nhà Vua nên tính lại, thì đất nước hãy còn cơ hội phục hồi. Xin một chuyến đi tuần dù để mắt thấy tai nghe, sẽ rõ sự thật.
Vua bèn cùng với đạo nhân riêng làm một cuộc xuất cung để đi xem xét tình hình trong nước. Trông thấy chừng vài chục người đàn bà đã lớn, đầu cạo trọc, đều ở tuổi năm sáu mươi, áo quần rách rưới, bẩn thỉu, vừa đi vừa kêu la hò hét.
Đạo nhân hỏi họ: Các người tuổi đã lớn, sao chẳng thấy có chồng con gì?
Đáp: Phải khiến cho nhà Vua cùng khốn cũng như bọn tôi đây thì mới thật là hả dạ.
Đạo nhân bảo: Các người nói sai rồi! Vua là bậc ở ngôi vị tôn quý sao lại có thể gây sầu khổ cho bà được?
Người đàn bà đáp: Chẳng phải thế! Vua trị nước không đúng pháp, khiến cho đất nước hoang tàn nghèo đói, ban đêm thì khốn đốn với lũ trộm, ban ngày thì cực khổ với đám quan lại sâu mọt. Cơm không đủ bỏ bụng, quần áo không đủ che thân, ai đâu đi cưới hỏi chúng tôi?
Vua lại đi tiếp lên phía trước, thấy nhiều bà già cả, quần áo tả tơi nhớp nhúa, dáng người tiều tụy, mắt lờ đờ, vừa đi vừa gào khóc.
Đạo nhân hỏi: Thảy đều sầu khổ là do đâu?
Đáp: Đáng khiến cho quốc vương phải bị cùng khổ, mù tối cũng như chúng tôi đây thì mới thật là hả hê đó!
Đạo nhân bảo: Nói như thế là không đúng.
Các người già cả rồi, mắt tự mờ tối, chứ Vua có lỗi lầm gì?
Mấy bà già đáp: Chúng tôi ban đêm thì bị trộm cướp, ban ngày thì bị quan lại xâm đoạt, cùng khốn phải đi kiếm củi sống qua ngày, gặp phải ong độc chích, rắn rít cắn nên mới ra nông nổi này, chẳng phải là do nhà Vua độc ác sao?
Vua và đạo nhân lại đi dần tới trước nữa, nhìn thấy một người đàn bà đang quỳ khom người để vắt sữa, bị con bò giẫm lên hất lăn ra đất, giận mắng con vật: Mày phải giẫm lên vợ nhà Vua cũng bị té nhào như tao thì mới hả.
Đạo nhân hỏi: Bò tự đạp vào người bà còn vương gia có tội lỗi gì?
Đáp: Vua cai trị bất chính khiến cho đất nước hoang tàn rối loạn, giặc cướp, trộm cắp, không ai ngăn cấm, nên con bò tốt của tôi bị đoạt mất, nay mới bị con bò chết tiệt này đá đạp.
Chẳng phải là do Vua độc ác sao?
Đạo nhân nói: Bà do không có đức nên chẳng thể làm được việc vắt sữa đấy thôi.
Người đàn bà nói: Chẳng phải thế! Nếu vương gia tốt, thì đạo nhân Bột sẽ tự lưu lại, đất nước đâu có loạn lạc như vậy.
Vua và đạo nhân cùng tiến lên đàng trước, trông thấy con quạ đang mổ gắp con ễnh ương.
Ễnh ương mắng: Phải khiến cho nhà Vua ác độc cũng bị mổ ăn như ta đây thì mới thích chí!
Đạo nhân hỏi: Ngươi tự mình bị quạ mổ ăn, nhà Vua sẽ giúp đỡ cho ngươi được gì?
Ễnh ương đáp: Chả cần chuyện giúp ấy! Vua không ban bố ân trạch, việc nước rối loạn, mọi sự tế lễ đều bỏ phế, Trời làm hạn hán, nước nôi khô kiệt, nên khiến thân tôi không chốn nhờ vả mới ra tình cảnh này.
Ễnh ương nói tiếp: Người biết việc trị nước, thì bỏ đi một tên gian ác để đem lại an vui cho một nhà, trừ bỏ một tên gian ác để đem lại an vui cho cả một làng, một xã. Còn kẻ không biết trị nước thì dân chúng, muôn vật mất hết chỗ ở, thiên hạ oán than, nguyền rủa.
Đạo nhân nói với Vua: Trăm họ vô tội, lời than oán động đến Trời nên thần khiến loài ễnh ương mới phát ra những lời lẽ như thế.
Bệ Hạ đã tự nghe thấy đủ, phải nên trừ đuổi kẻ xấu ác, đổi xưa sửa nay, tạo cho dân chúng làm lại từ đầu, như gieo trồng trên đất tốt, mưa nắng đúng thời thì lo gì mà không thu hoạch được?
Vua hỏi: Hiện nay nên giao phó công việc ấy cho ai?
Đạo nhân tâu: Phải gấp thỉnh Bột trở lại. Bột là bậc Thánh đầy lòng nhân, thông tỏ thời cơ, trở lại là nước ắt an ổn.
Vua trở về cung, liền sai sứ giả vào núi tìm thỉnh Bột, dặn kỹ: Như Bột không chịu trở lại hoàng cung, thì phải hướng về Bột, cung kính, khấu đầu thưa: Nhà Vua đã tự biết bao nỗi oán hờn đang chồng chất trên lưng muôn dân, nên ưu sầu chẳng ăn uống được, đang từng giờ từng phút trông đợi Bột. Bột vốn dĩ từ bi, nhân ái, luôn nhớ nghĩ đến muôn loài trong mười phương, biết đất nước ta đang hoang tàn, chắc là sẽ trở lại.
Sứ giả vâng lệnh Vua, tìm tới chỗ Bột, dập đầu thưa bẩm: Đại Vương ân cần bày tỏ lòng quý kính vô lượng, tự biết tội lỗi quá sâu nặng, đã từng làm trái ý Thánh, khiến đất nước xơ xác loạn lạc, trăm họ khốn cùng, lúc này thì luôn rơi nước mắt nhớ nghĩ tới đạo nhân, chẳng thiết gì ăn uống, mong bậc Thánh rủ lòng từ thương tưởng, một lần trở lại hoàng cung để nhà Vua cùng gặp mặt.
Bột vì thương xót muôn dân nên đã theo sứ giả trở lại cung Vua, trên đường đi gặp một con khỉ lớn bị chết đã nhờ người lột da, tính dùng làm tấm trải ngồi cho nhiều người. Người trong nước nghe tin Bột trở về đều ra khỏi biên giới để nghênh đón. Bột về tới ngoài thành, dừng nghỉ ở tinh xá cũ.
Nhà Vua thân hành ra đấy gặp Bột, làm lễ, hỏi thăm sức khỏe xong thì ngồi qua một bên, chắp tay cung kính tạ lỗi Bột và nói: Trẫm ngu bướng chẳng ra gì, không thấu hiểu sự việc, gây ra bao tai họa cho muôn dân, xin tự gắng sức hối lỗi, cầu cho được toại nguyện.
Bột khen: Rất tốt! Bốn đại thần cho rằng lỗi lầm là do mình.
Bột nói: Các vị không có lỗi lầm, sao chẳng bàn nói về chuyện nước?
Bốn đại thần giận, bảo: Phàm là Sa Môn đều nhằm cầu mong ở phước Trời, người đều xưng tụng đức thiện, thế thì chẳng nên giết chết loài khỉ để lột lấy tấm da nó.
Bột đáp: Các vị tự mình theo nẻo lầm lạc, không phân biệt rõ chân, ngụy, đấy thôi. Phải trái tốt xấu, Trời thảy đều biết hết. Khổ vui đều có căn do không thể lấy sức mạnh mà giành được.
Làm ác tội đuổi theo, tuy lâu vẫn không hề buông tha. Làm thiện phước tới, trọn không hề mất đi. Họa phước do nơi bản thân mình, kẻ ngu cho đó là chuyện xa xôi. Các vị cho rằng ta có tấm da lột này là đã giết chết con khỉ lớn, sự bắt bẻ ấy chỉ dựa dẫm mà nói thôi.
Các vị thì cứ im ỉm làm chuyện gian tà, không hề dừng để cùng nhau hỏi han công việc mình làm! Nói rằng mạng người đều tại Trời, cho là làm thiện không ích gì. Làm ác không gặp tai họa, sự báo ứng của họa phước chỉ tự nhiên như âm vang.
Tiếng vang là ứng theo âm thanh, chẳng phải từ trên Trời rơi xuống, các vị làm ác há không tự biết?
Dù muốn vu cáo nhưng rõ ràng là không thể được. Đấy không phải là can ngăn ta mà là tự nói đúng về chính mình.
Các vị một người thì cho là con người ta chết, thần thức mất hẳn, không còn sinh trở lại nữa.
Đó là lời dạy của bậc Thánh chăng?
Hay chỉ là theo ý mình nói ra thôi?
Tự mình muốn làm ác, thì phản lại nói rằng làm thiện là không có phước, làm ác là không mang họa!
Phàm các hình tượng soi sáng trên Trời như mặt trời, mặt trăng, tinh tú, đều có vị trí riêng trên kia, thế thì ai làm công việc sắp đặt ấy?
Bốn vị đại thần đều im lặng, Bột lại nói tiếp: Mọi sinh hoạt trong khoảng Trời đất, thảy đều do từ tội phước. Con người tạo tác thiện ác, như bóng theo hình, khi chết đi, bỏ thân xác, nhưng cái tạo tác kia thì không mất.
Ví như gieo hạt lúa thóc, hạt giống ấy bị hủy hoại trong lòng đất, nhưng từ gốc sinh ra cây lá, rồi đơm hoa kết trái trên cành, sự tạo tác đó không bị dứt đoạn. Ví như đèn đuốc được thắp sáng lần lượt thì cái bấc đèn dần dà bị tiêu mất đi, nhưng lửa không hề bị mất, vẫn tiếp tục cháy.
Mọi tạo tác đều có tội phước, như người ngày đêm đốt lửa, lửa cháy rồi tắt đi, lại tiếp tục tồn tại. Thần hồn của con người theo sự tạo tác mà lần lượt sinh ra chứ không bị dứt hẳn. Các ông là những người có ý chí, tự cho mình là hơn người, vậy thì như có kẻ giết người thân của mình, có thể cho là vô tội chăng?
Bốn đại thần đáp: Ôi, bóng mát của cành cây đã không thể vứt bỏ những lá ấy, huống chi là giết hại người thân mà gọi là vô tội được.
Bột nói: Rõ ràng là các ông vấn nạn ta cũng tương tự như thế! Ta chỉ lấy tấm da của con vật đã chết, mà các ông hãy còn đặt điều như vậy được, thế khi các ông nắm pháp luật trong tay thì sự việc sẽ ra sao?
Một người trong các ông bảo là người chết thì thần thức diệt, không còn trở lại sinh ra nữa. Một ông lại cho rằng khổ vui đều tại Trời. Một ông thì nói làm thiện không phước, làm ác không họa. Còn một ông thì cậy mình biết xem thiên văn, chỉ là bày ra vẻ bề ngoài là thiện, còn bên trong thì ngầm làm điều gian trá. Ví như vàng giả, thực chất bên trong chỉ là đồng.
Trang điểm dáng vẻ bên ngoài với ngôn từ hay ho nhưng tâm thì làm điều dối trá mưu hại, khác nào chó sói ở giữa bầy dê, người chủ không thể biết được. Kẻ ác trong thiên hạ cũng xưng là đạo, trùm tóc, nằm nơi đất, giảng nói kinh sách, giới luật, mà chuyên làm chuyện gian xảo lừa dối, tham lam lợi dưỡng thế tục, chỉ được đám người ngu tin phục theo.
Như mưa chỉ làm tung thêm bụi bặm, đám yêu quái cùng tỏ ra ưng bụng. Như nước chảy tràn lan, không biết lúc nào đổ vào biển cả, toàn là gây hư hoại, đau khổ. Chỉ có bậc Thánh Nhân là có thể cứu độ khắp thiên hạ, hóa cải điều ác, trao cho điều thiện, không ai là không đội ơn tế độ.
Nếu như làm thiện không phước, làm ác không họa thì các bậc Thánh xưa do đâu mà phải tạo ra Kinh Điển, trao cho bậc Vua chiếc gươm bén. Phàm tạo tác là có báo ứng, pháp ấy là tự nhiên. Kẻ làm thiện được phước, kẻ làm ác chịu họa, chỗ ứng báo mau chóng ấy của lẽ Trời khiến phước đến không hề chậm trễ, âm đức tuy ẩn giấu, nhưng về sau thì không gì có thể ngăn chận được.
Vì vậy mà nước lập Vua, Vua thực thi pháp của Trời, sử dụng bậc Hiền, sai khiến kẻ tài năng, khen thưởng người thiện, trừng trị kẻ gian, thảy đều theo sự tạo tác của mỗi người. Như tiếng vang từ âm thanh. Người chết thần thức ra đi, tùy theo sự tạo tác mà sinh trở lại, như bánh xe lăn không hề rời mặt đất.
Tội phước là điều đáng tin thảy không hề là chuyện vu khoác. Người hành động chí thành thì được quỷ thần hỗ trợ, kẻ ác tuy không biết, nhưng chung cuộc tất phải nhận lấy tai họa. Vì vậy mà phải dè dặt, thận trọng, xa lánh điều ác, biết hổ thẹn. Như đều làm thiện, thì khí chất thọ bẩm sẽ đồng.
Còn kẻ làm điều bất thiện thì nhiều. Hoặc có trường hợp không bằng nhau, hoặc thọ hay yểu, nhiều bệnh, ít bệnh, xấu thô hay xinh đẹp, nghèo giàu, sang hèn, hiền ngu không đều, đến cả loại mù điếc câm ngọng, què quặt, thịnh suy trăm bệnh đều do thọ mạng kiếp trước tạo tác điều ác dẫn đến.
Như được thọ nhận trăm phước, đem lại sự an lạc cho con người, đều là do từ đời cũ đã tạo điều thiện mà có, từ sự tích chứa phước đức, trung thành chánh trực mà được. Nên mới có mặt trời, mặt trăng, trăm sao, mới có Trời, người, Vua chúa, phú hào, tôn quý… là những chứng cớ rõ ràng, sao có thể cho là không có. Phải nên suy nghĩ thật chín chắn, chớ cho là không phải.
Lúc Bột thuyết giảng như vậy, nhà Vua cùng với quan, dân, không ai là không thông tỏ vui thích, Bột lại nói: Ngày xưa có một vị Vua tên là Cẩu Liệp, trong ao nơi cung Vua có nuôi nhiều cá ngon ngọt, đã ngon mà xương ít, Vua sai một người làm công việc trông coi giữ gìn, khiến mỗi ngày dâng lên Vua tám con cá ấy.
Người trông coi việc đó hàng ngày cũng ăn trộm tám con cá như Vua. Vua biết được là đàn cá giảm dần, nên mới lập ra tám người cùng lo việc giữ gìn ao cá. Tám người ấy cũng lại mỗi ngày ăn trộm tám con cá, số cá bị mất vì đám coi giữ này càng nhiều nên đàn cá coi như hết sạch.
Vua hiện nay cũng thế. Công việc thì không ít mà kẻ làm loạn thì nhiều quá lắm! Cũng như người vội hái quả non, đã làm mất giống của nó mà ăn thì chẳng mùi vị gì. Vua muốn thực hiện việc trị nước, nếu không dùng bậc hiền tài, thì đã mất hết dân mà về sau cũng không có phước đức. Trị nước mà bất chính thì sẽ khiến thiên hạ dấy tâm tranh giành, cướp đoạt.
Như người cai quản tài sản, nếu không dốc tâm chuyên ý thì của cải ngày một hao hụt mất mát. Nước có tướng dũng lược lo việc luyện tập chiến trận, nếu không phát huy đầy đủ ý chí ấy thì đất nước sẽ yếu kém. Làm Vua mà không tôn kính đạo đức, chẳng thờ bậc cao minh, còn sống thì những hiền không quy phục, khi chết thì thần thức không được sinh lên Cõi Trời.
Cướp của giết người vô tội khiến muôn dân oán trách, thì Trời sẽ giáng tai họa, thân danh đều mất hết. Dùng pháp trị nước, theo nẻo chánh được lòng trung, kính lớn yêu nhỏ, hiếu thuận dốc làm thiện, thì đời hiện tại được an lành, khi chết được sinh lên Cõi Trời.
Ví như con bò đi trên đường, con đi trước đi theo lối ngay thẳng thì những con khác đều đi theo nẻo ấy. Bậc tôn quý có đạo đức thì sẽ làm đích cho kẻ dưới theo đường chính, xa gần đều quy phục sự giáo hóa đó đất nước tất đạt được thái bình.
Làm Vua phải sáng suốt thấu xưa đạt nay, biết rõ mọi thời cơ động tĩnh, đạt được lẽ cương nhu, cứu giúp kẻ thấp đem lợi ích cho dân, bố thí bình đẳng đều khắp, như thế thì đời đời được giàu sang hơn người, về sau có thể đạt được đạo quả giải thoát.
Nghe Bột nêu giảng như vậy, mọi người ngồi nghe đều vui mừng, hết mực tán thán sự tốt đẹp ấy. Vua liền rời chỗ ngồi đứng dậy, cung kính lễ bái và thưa: Những lời đạo nhân nói hôm nay khác nào luồng gió mạnh thổi tan đi bao lớp mây mù, mong được mau chóng thể hiện lòng thương tưởng, dốc lòng giáo hóa như trước.
Bột liền khởi hành, theo nhà Vua vào hoàng cung. Bốn đại thần ngu muội mê si tức thì bị phế bỏ. Bột lại lo việc trị nước, thi ân nhuần thấm khắp nơi, mưa thuận gió hòa, năm thứ lúa thóc hoa màu luôn được mùa, dồi dào, muôn dân vui thích ủng hộ, bốn phương đều quy thuận lui tới đông đúc như mây, trên dưới vui hòa nên xã tắc được thái bình.
Đức Phật nói: Đạo nhân Bột thời đó là tiền thân của ta, đạo nhân con của người chị Bột nay là Tôn Giả A Nan, Vua Lam đạt ngày ấy nay là Vua Ty Tiên Nặc, phu nhân của Vua lúc bấy giờ nay là Hảo Thủ Toan Đà Lợi, con chó Tân Kỳ nay là Xa Nặc, bốn vị đại thần nay là bốn đạo nhân đã giết Hảo Thủ chôn xác nơi khu Tinh Xá Kỳ Hoàn, con vật ễnh ương đã bày tỏ những nhận xét về thời cuộc, nay là Tôn Giả Âu Đà Da đã đắc quả A La Hán.
Ta lúc còn là Bồ Tát, đời đời đi theo nẻo thiện, lao khổ vun chứa công đức trải qua hàng vô số kiếp luôn vì muôn dân, cho đến nay đã đạt được quả vị Phật mọi sở nguyện đã thành tựu. Các vị đã được gặp ta, nghe thuyết giảng Kinh Pháp, đều phải nên tinh tấn làm thiện chớ có biếng trễ.
Đức Phật thuyết giảng xong Kinh này, có ba ức người lãnh hội và liền đạt được quả Đạo tích Tu Đà Hoàn, đều thọ trì năm giới để tu tập.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Ba - Ba Pháp - Phẩm Năm - Phẩm Nhỏ - Phần Một - Sự Có Mặt
Phật Thuyết Kinh Bảo Lăng Già A Bạt đa La - Phẩm Hai - Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Mười Sáu - Phẩm Thanh Tịnh
Phật Thuyết Kinh Chư Phật Cảnh Giới Nhiếp Chân Thật - Phần Bảy
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Bốn - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Thiên Chủ
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Canki
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Một - Phẩm Rắn - Kinh Con Tê Ngưu Một Sừng