Phật Thuyết Kinh Bột Sao - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô
PHẬT THUYẾT KINH BỘT SAO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Chi Khiêm, Đời Ngô
PHẦN HAI
Phu nhân nghe nói thế, giận dữ bảo: Vua tin dùng kẻ ấy, không biết hắn là người xấu ác, mọi việc đều giao phó hết cho hắn, nay tự mình ta lo liệu việc này, chỉ nội trong sáng mai sẽ không còn thấy Bột nữa.
Phu nhân đưa bốn vị đại thần ra về rồi, liền dùng hạt quả Chi tử bôi vàng cả mặt mày, đầu tóc rối tung, nằm dài trên giường. Lát sau, nhà Vua trở về cung, kẻ hầu thưa với Vua là phu nhân không vui. Vua vốn rất yêu quý phu nhân, nên vào tận giường hỏi tới ba lần, phu nhân vẫn không hở môi.
Vua giận lắm bảo: Kẻ nào gây ra tội này thật đáng tru diệt! Khanh muốn khiến ta trị tội kẻ ấy chăng?
Phu nhân rơi lệ nói: Vua đâu có chịu nghe lời thiếp tâu bày.
Nhà Vua nói: Khanh cứ nói đi! Ta sẽ không trái với ý khanh đâu.
Phu nhân liền thưa: Sáng sớm nay, Vua vừa ra khỏi cung thì Bột tới nói với thiếp là hiện tại Vua quá già yếu, không thể dự việc triều chính, mà dân chúng cũng như quan lại trong nước thảy đều quy phục theo hắn, vậy có thể mưu đồ việc lớn để cùng hắn chung hưởng hạnh phúc. Tất nhiên là thiếp đã chống lại cái âm mưu xấu xa của gã hành khất kia, vì vậy mà thiếp mới ra nông nỗi này.
Vua nghe lời tâu ấy, khác nào như người đang ăn bị mắc nghẹn, không thể nuốt vào cũng không thể nôn ra được, không theo ý phu nhân thì sợ hối, mà trừng trị Bột thì sợ đất nước rối loạn. Vua nghĩ Bột đã hết lòng trợ giúp mình, đến nay hơn mười hai năm, luôn thể hiện lòng trung chính, lo lắng cho quốc gia, dứt trừ mọi hoạn nạn, xa gần đều trong cậy, đúng là vật báu của đất nước này, chẳng có thể xử trị được.
Vua nói: Nay nếu trừng trị Bột, về sau sẽ hoạn lớn. Vì sự an lành của muôn dân, mình nên nhẫn nhục bỏ qua thôi.
Phu nhân nghe Vua nói bèn gieo mình xuống khỏi giường cất tiếng khóc than lớn, nói: Nếu Bệ Hạ không trừng trị Bột thì thiếp sẽ dùng dao bén tự kết liễu, hoặc nhảy từ lầu cao xuống đất, không còn mặt mũi nào trông thấy Bệ Hạ nữa.
Nhà Vua lại khuyên giải, bảo: Khanh cũng biết về phép nước, đây không phải là việc nhỏ, phải cùng bàn luận cho kỹ.
Phu nhân ngồi lại chỗ cũ.
Vua nói: Pháp luật đối với đạo sĩ, không thể dùng dao gậy để gia hình, chỉ sử dụng sự khiển trách dần dần, giảm thiểu sự cúng dường, như sáng mai ông ta đến đây thì chớ có làm lễ như trước, chỉ giơ tay chào mà thôi, lại cấp cho giường gỗ ở nơi dưới điện để ngồi, nấu cơm dùng thứ gạo nát, xấu, bới vào đầy cả bình bát bằng sành. Như thế ông ta sẽ cảm thấy xấu hổ, cảm thấy hết sức khổ sở mà tự bỏ đi.
Lúc nhà Vua nói với phu nhân như vậy, con chó Tân Kỳ không chút vui mừng. Sáng sớm hôm sau, phu nhân theo như lời chỉ dẫn của nhà Vua, ra lệnh đầy đủ cho mọi người trong khu vực bếp núc những gì phải làm.
Bột đi tới, vào cung, con chó Tân Kỳ nằm ở dưới gầm giường thấy Bột thì gầm gừ nhe răng như muốn cắn. Bột nhìn xem dáng khác lạ của chó, thấy phu nhân chỉ giơ tay chào và bày biện các vật dụng như đã tính trước, liền biết ngay là có âm mưu gì, tự nghĩ mình không hề có ý hại người.
Trái lại, người khác thì muốn hãm hại mình, như thế thì nên xa lánh, đi vào chốn rừng sâu vắng mà thôi, vì việc oán nhỏ sẽ vỡ ra thành lớn, chẳng thể xem thường, họ đến có âm mưu thì mình phải nên thận trọng. Hễ thân con người đã suy yếu, thay đổi, thì đi theo nẻo chính phải miễn cưỡng, gắng gượng.
Ta nay chỉ có mấy thứ vật dụng gần gũi bên mình: Bát thọ trai, bình đựng nước uống, đôi dép da, tấm vải che mưa nắng và cái túi để lọc nước, chỉ từng ấy thứ thôi. Bột ăn xong, thu dọn các vật dụng, chuẩn bị lui gót.
Vua kinh hãi, vội hỏi: Sao lại vội vàng thế?
Rồi quay sang nhìn phu nhân bảo: Sao lại khiến ta phải làm trái với ý của Thánh Nhân thế này?
Liền đi trước dẫn đường cho Bột, hỏi Bột giờ định đi đâu.
Bột đáp: Tôi hết lòng vì Vua giúp nước, đã mười hai năm rồi chưa từng thấy con chó Tân Kỳ nhe răng gầm gừ như hôm nay, như thế tất có mưu hiểm chẳng lành, nên muốn lánh đi đấy thôi.
Vua nói: Thật sự là có việc ấy! Nay thấy ý của đạo nhân mới biết rõ là người rất sáng suốt. Xin tự răn mình phải gắng sức, sẽ trừng trị kẻ xấu ác, vậy đạo nhân chẳng nên bỏ đi.
Bột đáp: Vua tâm ý ngày trước thì hậu hĩ mà nay thì bạc bẽo, mà thần chẳng có lỗi lầm gì, vậy xét đúng là lúc nên đi. Phàm có thịnh có suy, có hợp tất có lìa, lành dữ vô thường, phước họa tự đeo đuổi.
Kết bạn không bền thì chẳng có thể cùng thân, thân mà không biết hạn chế thì lâu tất sinh ra khinh nhờn, như múc lấy nước suối nếu quậy càng sâu thì nước ắt đục.
Gần gũi bậc hiền thì nên trí, học theo kẻ ngu thì chỉ tăng sự mê lầm. Thường thấy sinh kiêu mạn, chỉ sơ xuất xao lãng là thành oán. Bạn lành đón tiếp, lui tới phải đúng lúc, thân tình mà tương kính thì càng lâu dài càng gắn bó đậm đà.
Bạn chẳng lành thì giả cầu mong mà không xứng, không thực lòng, ngôn từ đưa đẩy chỉ cốt bùi tai, tạm bợ, không tin nhau. Tiếp ta đúng lễ thì xin đem sự quý kính báo đáp.
Đãi ta theo kiểu khinh mạn thì xin sớm chọn nẻo xa lánh. Có lúc cùng thân ái thì có lúc trở lại ghét nhau. Lúc thân ái còn có thể nương cậy, còn ghét nhau thì chẳng thể gần.
Kính là để gần thiện, giới là nhằm xa ác, thiện ác nếu không rõ thì đó là con đường chẳng an lành. Người không lầm lỗi thì không thể dối bức. Kẻ ác việc đã rõ thì không thể dung nạp. Trước, người muốn qua loa thì chẳng thể thân một cách gượng ép.
Ân ái đã lìa thì không nên cứ mãi nhớ nghĩ dai dẳng. Chim ngủ đêm nơi cành gãy còn biết thay đổi để tìm chỗ đậu an toàn. Đi, đến luôn đúng phép, hà tất phải giữ lấy nẻo thường. Cành cây mục thì không nên vịn. Ý loạn thì chẳng nên phạm.
Người đã muốn ghét nhau, thì cùng thấy nhau nào có vui thú gì. Xướng mà không họa thì có thể biết đấy là bạc bẽo. Người đã dốc đối xử tốt với nhau thì thong thả hay gấp gáp cũng tìm tới nhau. Lời lấy lòng trung bày tỏ, thì có thể biết đấy là tình nghĩa sâu dày. Kẻ tốt không gần, kẻ xấu không lánh, trước kính sau khinh, hiền ngu không phân biệt.
Chẳng bỏ đi thì còn đợi lúc nào?
Phu nhân lúc đầu thì cung kính lễ bái, nay thì chỉ giơ tay vẫy chào. Nếu thần không đi thì sẽ thấy sự mạ lỵ xua đuổi.
Lúc mới đến thì cấp tòa ngồi bằng vàng, nay thì chỉ bày giường gỗ. Buổi đầu thì toàn vật dụng quý giá, còn nay thì chỉ dùng đồ đất, đồ sành. Lúc trước thì cơm là lúa gạo thơm dẻo, nay thì lúa mục gạo nát.
Thần mà không đi, thì có thể vừa ăn xong ngã ngay nơi đất. Tri thức cùng gặp gỡ, bậc chủ tất thấy rõ. Một đêm nghỉ lại thì như vàng, đêm thứ hai thì như bạc, đến đêm thứ ba thì chỉ còn như đồng.
Chứng cớ đã hiện rõ như thế, không bỏ đi còn đợi đến lúc nào?
Nhà Vua nói: Nước giàu, dân yên, là do sức đóng góp của đạo nhân, nay đạo nhân dứt bỏ đi thì sau này đất nước sẽ dở dang, bại hoại.
Bột thưa: Trong thiên hạ có bốn sự việc tự hủy hoại: Cây đang lúc sum suê hoa trái thì lại chặt bẻ cành nhánh của nói. Rắn hổ mang ngậm nọc độc, chính lại là giặc hại thân mình. Quan phụ tướng chẳng hiền tài, hại đến có đất nước. Người làm điều bất thiện, chết bị đọa vào địa ngục.
Đó là bốn đều tự hủy hoại.
Kinh nói:
Ác từ tâm sinh
Lại chính là giặc
Như sắt sinh rỉ
Tiêu hủy chính mình.
Vua nói: Nước không có người giúp việc tài giỏi, thực sự là mong được nhờ cậy nơi đạo nhân. Nếu muốn vứt bỏ thì đấy tất là sự nguy khốn.
Bột thưa: Con người thường có bốn điều tự tạo cái nguy cho mình: Gánh vác giúp việc gia đình kẻ khác. Vì người mà làm chứng giúp. Môi giới cho việc cưới vợ gả chồng và nghe, dùng lời gian tà. Đó là bốn điều tự rước lấy nguy khốn vào mình.
Kinh nói:
Người ngu tạo tác
Vì thân rước họa
Tâm ý buông lung
Khó lường tai vạ.
Vua bảo: Đạo nhân là thầy, là bạn của ta. Ta luôn coi trọng điều ấy, không chút xem thường. Xin gánh chịu hết thảy sự bất cập của mình, mong đạo nhân chớ bỏ đi.
Bột nói: Bạn có bốn bậc không thể không biết. Có bạn như hoa, có bạn như cân, có bạn như núi, có bạn như đất.
Sao gọi là như hoa?
Lúc tươi tốt thì cắt lấy đầu cành, khi khô héo thì chẳng ngó ngàng tới. Thấy giàu sang thì quý trọng cầu cạnh, còn gặp nghèo hèn thì rời bỏ. Đó là bạn như hoa.
Sao gọi là bạn như cân?
Vật nặng thì đầu cúi thấp, vật nhẹ thì đầu ngẩng lên, có cho thì kính, không cho thì coi thường. Đấy gọi là bạn như cân.
Còn thế nào là bạn như núi?
Ví như ngọn núi vàng, chim thú tụ tập về đấy, lông cánh hình dáng được phủ thêm màu sáng chói, sang quý có thể làm người cùng vinh, giàu sướng cùng vui, đó là bạn như núi.
Thế nào là bạn như đất?
Trăm thứ lúa thóc, của cải quý giá, tất cả đều trông nhờ vào đấy, ban cho, chu cấp, nuôi dưỡng, bảo vệ, ân dày, sâu chứ không bạc, mỏng. Đó gọi là bạn như đất.
Vua bày tỏ: Nay trẫm đã rõ, tâm trí suy nghĩ thật cạn cợt, mỏng manh, đã nghe dùng lời tà nịnh khiến đạo nhân phải bỏ đi!
Bột thưa: Người sáng suốt có bốn điều không nên nghe dùng. Đó là bạn bè tà ngụy, quan lại dua nịnh, thê thiếp yêu nghiệt và con cái bất hiếu. Bốn điều ấy thật chẳng nên tin dùng.
Kinh nói:
Bạn tà người hỏng
Quan nịnh triều loạn
Vợ nghiệt nhà tan
Con hư, thân lụy.
Nhà Vua nói: Đã từ yêu kính hậu đãi, nên nhớ lại những ngày tháng tốt đẹp cũ mà đừng rời bỏ trẫm!
Bột thưa: Có mười sự việc để nhận biết lòng yêu kính sâu dày: Xa cách không hề quên, gặp nhau thì mừng vui, có món ngon vật lạ cùng gọi, lỡ lời quá đáng thì nhẫn nhịn, nghe điều thiện thì thêm mừng, thấy ác thì hết lòng can gián, việc khó làm có thể làm được, không nhiều lời về chuyện riêng tư, việc gấp thì gắng giải quyết, nghèo hèn không bỏ nhau. Đó là mười trường hợp thể hiện lòng yêu kính sâu dày.
Kinh nói:
Chuyển ác theo thiện
Thiết tha vì pháp
Trung chính gắng dạy
Hợp nghĩa đúng đạo.
Vua nói: Sự xấu ác của bốn quan phụ chính đã khiến cho đạo nhân quá giận dữ, đến nỗi không thể hỷ xả cho trẫm.
Bột thưa: Có tám sự việc để biết là không cùng vui với nhau.
1. Cùng thấy nhau thì sắc diện thay đổi.
2. Những cái liếc cái nhìn lệnh lạc, gian tà.
3. Lời nói bày tỏ không thích hợp.
4. Nói phải thì cho là trái.
5. Nghe bạn suy kém thì thích thú.
6. Nghe bạn hưng thịnh thì không vui.
7. Chế giễu mỉa mai cái thiện của người.
8. Khen ngợi cái ác của người.
Đó là tám sự việc để nhận biết là không cùng vui với nhau.
Kinh nói:
Cùng đánh giết người
Còn rõ nguyên nhân
Âm mưu sâu độc
Lòng ấy khó gần.
Vua nói: Chính vì trẫm quá đổi ngu dốt, không phân biệt được ánh sáng và bóng tối, lầm lạc theo kẻ ác nên mới làm trái ý Thánh Nhân.
Bột đáp: Có mười sự việc để biết đó là người sáng suốt.
1. Phân biệt hiền, ngu.
2. Nhận biết sang, hèn.
3. Rõ giàu, nghèo.
4. Tường tận việc khó, dễ.
5. Tỏ suy, thịnh.
6. Xét kỹ chỗ gánh vác.
7. Vào nước thì rõ tập tục.
8. Biết đến nơi đến chốn chỗ quay về.
9. Phải nghe rộng, biết nhiều.
10. Thông đạt thọ mạng đời trước.
Đó là mười sự việc để nhận biết người sáng suốt.
Kinh nói:
Hoãn, gấp rõ bạn
Chiến đấu rõ tài
Luận bàn biết sáng
Gạo đắt biết lòng.
Vua than thở: Từ khi trẫm gặp được đạo nhân, trong ngoài đều được yên ổn, an lạc. Ngày hôm nay đạo nhân bỏ đi, trẫm hoàn toàn không biết dựa cậy vào đâu!
Bột thưa: Có tám sự việc có thể đem lại sự yên ổn.
1. Có được người cha tài năng.
2. Có được nghề nghiệp thành thạo.
3. Sở học thành đạt.
4. Bạn bè hiền lành.
5. Vợ trinh tiết, giỏi giang.
6. Con hiếu thảo, biết thương người.
7. Kẻ nô tỳ thuận hợp.
8. Có thể xa lánh điều ác.
Đó là tám việc đem lại sự yên ổn.
Kinh nói:
Sống mà có tài
Được bạn hiền thích
Các ác không phạm
Có phước thần giúp.
Vua bảo: Lời của Thánh Nhân chân thành, người nghe không ai là không thích thú.
Bột nói: Có tám việc đem lại sự thích thú:
1. Cùng được làm việc với người hiền.
2. Được hầu chuyện với bậc Thánh Nhân.
3. Thể hiện bản tánh nhân từ, nhu hòa.
4. Sự nghiệp ngày một đổi mới.
5. Khi giận dữ liền có thể tự ngăn chận được.
6. Luôn lo toan nên ngăn ngừa được hoạn nạn.
7. Được gần gũi với đạo pháp.
8. Bạn bè không hề lừa dối nhau.
Đó là tám việc đem lại sự thích thú.
Kinh nói:
Gặp Phật hiện, thích
Diễn kinh đạo, thích
Làng xóm hòa, thích
Hòa thì luôn an.
Vua nói: Đạo nhân thường tỏ ra dễ tánh khi được can ngăn, hôm nay sao khó khăn trong việc lưu giữ lại?
Bột tâu: Có mười trường hợp: Tham lam keo kiệt, hiếu sắc, lờ mờ không biết phân biệt, nóng nảy hung bạo, chống trả xung đột, mệt nhọc cực khổ, kiêu mạn phóng túng, ưa thích đấu đá, quá đổi ngu si, tiểu nhân hẹp hoài. Đó là mười trường hợp chẳng thể can ngăn.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Thập địa - Phẩm Bốn - Phẩm địa Diệm Tuệ
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chủng Thọ
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Pháp Mãn Túc Chân Ngôn
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Ba Mươi Ba
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Bốn - Phẩm Tám - Kinh Về Dục