Phật Thuyết Kinh đại Thừa Hiển Thức - Phần Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Địa Bà Ha La, Đời Đường
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI THỪA HIỂN THỨC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Địa Bà Ha La, Đời Đường
PHẦN BA
Bấy giờ, trong chúng hội có Bồ Tát Nguyệt Thật thắng thượng, từ chỗ ngồi đứng dậy, chấp tay thưa:
Bạch Thế Tôn! Vì sao thấy nhân của sắc?
Vì sao thấy nhân của dục?
Vì sao thấy nhân của kiến?
Vì sao thấy nhân của giới thủ?
Phật bảo Bồ Tát Nguyệt Thật: Trí thấy cảnh giới của trí, ngu thấy cảnh giới của ngu. Người trí thấy các sắc tinh sạch, đẹp đẽ, biết rõ dơ uế, chính là các phần thịt, gân, xương, máu mủ, động mạch, tĩnh mạch, ruột già, ruột non, sống lưng, dịch vị, não, thận, lá lách, tim, mật, lá gan, phổi, bụng, bao tử, sinh tạng, thục tạng, đờm, nước mũi, tóc, móng tay, móng chân, đại tiển, tiểu tiện, da mỏng bao bọc đều là những thứ bất tịnh, ô uế lộ ra, đáng nhàm chán, ghê sợ.
Phàm các sắc hiện có đều từ bốn đại sinh. Đó là nhân của sắc.
Này Bồ Tát Nguyệt Thật! Như cha mẹ sinh ra thân ta, phần cứng chắc là địa đại, sự ướt chảy là thủy đại, hơi ấm là hỏa đại, sự chuyển động nhẹ nhàng là phong đại. Còn giác tri, suy niệm về cảnh giới của thanh, hương, vị, xúc v.v… những phần này đều là thức.
Bồ Tát Nguyệt Thật lại thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Khi sắp chết thức lìa bỏ thân như thế nào?
Làm sao thức di chuyển nơi thân?
Vì sao thức biết nay lìa bỏ thân này?
Phật bảo Bồ Tát Nguyệt Thật: Chúng sinh tùy theo nghiệp mà nhận chịu quả báo. Thức lưu chuyển liên tục giữ lấy thân không dứt, trải qua một thời hạn chịu quả báo xong, thức bỏ thân này, theo nghiệp chuyển dời thọ thân khác. Ví như sữa hòa với nước, lấy sức nóng của lửa để nấu, sữa, nước và chất béo mỗi loại đều bị phân tán.
Như vậy, này Bồ Tát Nguyệt Thật! Mạng sống của chúng sinh kết thúc là do nghiệp lực tan nên hình hài, thức, các nhập, giới, mỗi mỗi đều bị phân tán. Thức lại làm chỗ nương tựa, vì giữ lấy pháp giới và nhớ nghĩ về pháp giới cùng nghiệp thiện, ác, thức chuyển sang thọ báo nơi thân khác.
Này Bồ Tát Nguyệt Thật! Ví như thuốc đại cát thiện tô, dùng vị của các loại thuốc hay dốc công sức hòa hợp mới là đại cát thiện tô, loại bỏ tánh của loại tô thường, chỉ giữ lấy sức mạnh của thuốc hay với sáu vị cay, đắng, chua, chát, mặn, ngọt, dùng nuôi thân người, liền cùng với thân người tạo nên sắc hương vị.
Thức bỏ thân này, giữ lại nghiệp thiện, ác và biến khắp pháp giới, chuyển dời thọ báo nơi thân khác cũng như vậy.
Này Bồ Tát Nguyệt Thật! Chất tô như thân, các loại thuốc hòa hợp là đại cát thiện. Như các pháp cùng hòa hợp với các căn tạo ra nghiệp.
Vị của các loại thuốc hòa với nhau tạo thành với chất tô. Như nghiệp hỗ trợ cho thức, uống đại cát thiện thì vui vẻ, tươi tỉnh sung mãn được hình sắc đẹp đẽ, sức lực an ổn, không còn lo lắng. Như thiện hỗ trợ cho thức thì được quả báo an vui. Uống chất tô trái cách thì dung mạo trở thành xấu xí, khô cạn huyết khí, trắng dã như kẻ chết. Như nghiệp ác hỗ trợ cho thức thì phải chịu quả báo khổ đau.
Này Bồ Tát Nguyệt Thật! Chất liệu tốt lành của tô không tay, không chân, không mắt mà có thể giữ lại sức mạnh nơi sắc hương vị của thuốc hay.
Thức cũng như vậy, giữ lấy pháp giới thọ nhận và các nghiệp thiện, bỏ thân giới này, thọ thân trung ấm được ý niệm vi diệu của Cõi Trời, thấy sáu tầng Trời nơi cõi dục và mười sáu tầng địa ngục, thấy thân mình tay chân đoan nghiêm, các căn tốt đẹp, thấy bỏ thây chết, và biết rằng đây là thân đời trước của ta.
Lại thấy tướng cao đẹp thù thắng nơi cung điện của các Cõi Trời với vô số các thứ trang nghiêm, hoa quả cỏ cây um tùm che phủ, chiếu tỏa ánh sáng rực rỡ như vàng mới luyện thành các đồ quý báu để trang sức. Người kia thấy những thứ này rồi, tâm rất vui mừng, nhân sự vui mừng ấy, thức khởi lên sự ham thích, liền gá vào.
Người ấy nhờ tạo nghiệp thiện, xả bỏ thân hay thọ thân đều được an lạc không khổ. Như người cỡi ngựa bỏ một, cỡi một. Như người tráng sĩ võ nghệ thao lược gồm đủ, thấy kẻ địch đến liền mặc áo giáp, đội mũ chắc chắn ngồi xe ngựa tốt xông len, không sợ hãi.
Thức hỗ trợ các căn lành, bỏ hơi thở ra vào, lìa thân giới, nhập, dời chuyển để thọ nhận sự an lạc thù thắng cũng như vậy. Từ Cõi Trời Phạm Thân cho đến Trời Hữu Đảnh đều được sinh trong ấy.
Bấy giờ, trong chúng hội, có Vương Tử Đại Dược từ chỗ ngồi đứng dậy, chấp tay thưa: Bạch Thế Tôn! Thức bỏ thân này tạo ra hình sắc gì?
Đức Phật bảo: Lành thay, Vương Tử Đại Dược! Chỗ ông vừa hỏi rất là sâu xa nơi cảnh giới của Phật, chỉ có Như Lai mới có thể hiểu được.
Lúc này, Bồ Tát Hiền Hộ thắng thượng thưa Phật: Vương Tử Đại Dược đã thưa hỏi về điều rất sâu xa, trí của vị ấy thật thông tuệ, sáng suốt, vi diệu.
Đức Phật bảo Bồ Tát Hiền Hộ: Vương Tử Đại Dược này đã ở chỗ Đức Phật Tỳ Bà Thi gieo trồng các căn lành, từng trải qua năm trăm đời sinh trong nhà ngoại đạo. Lúc làm ngoại đạo thường suy nghĩ về ý nghĩa của thức.
Thức là thế nào?
Vì sao gọi là thức?
Trong năm trăm đời ấy không thể hiểu rõ, chẳng biết được đầu mối, sự đến, đi của thức. Ngày nay, ta vì muốn phá trừ lưới nghi cho vị ấy khiến được hiểu rõ.
Lúc đó, Bồ Tát Hiền Hộ thắng thượng nói với Vương Tử Đại Dược: Lành thay! Lành thay! Nay Nhân Giả thưa hỏi về chỗ thật sâu xa vi diệu.
Điều Bồ Tát Nguyệt Thật thưa hỏi, nghĩa đó còn cạn hẹp giống như đứa trẻ, tâm còn giong ruổi theo cảnh bên ngoài, không biết được bên trong. Chánh pháp khó được nghe, Chư Phật khó gặp. Trí Phật rộng lớn trọn vẹn, tuệ sâu xa khó suy lường, đối với lý vi diệu tột bậc nên chuyên tâm cầu thỉnh giải bày.
Khi ấy, Vương Tử Đại Dược thấy Đức Phật dung mạo tươi sáng, hoan hỷ, rạng rỡ như hoa sen nở vào mùa thu, liền vui mừng hết mực, nhất tâm chấp tay thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Con rất mến mộ, khát ngưỡng pháp thâm diệu, thường sợ Như Lai nhập Niết Bàn, không nghe được chánh pháp.
Đối với chúng sinh ở trong đời ác gồm đủ năm thứ ô trược, ngu tối không biết nơi pháp thiện, bất thiện, thuần thục cùng không thuần thục, đều không thể hiểu rõ nên me lầm, mãi lưu chuyển trong sinh tử khổ nơi các cõi.
Phật bảo Bồ Tát Vương Tử Đại Dược: Chánh pháp của Như Lai khó gặp, khó được. Ta về thời xa xưa, vì nửa bài kệ phải lên núi tự rơi xuống, xả bỏ thân mạng để cầu chánh pháp, trải qua vô lượng trăm ngàn vạn ức năm, chịu vô số khổ nạn. Này Vương Tử Đại Dược, ông có điều mong cầu, nên tùy ý hỏi, ta sẽ phân biệt giảng nói cho ông thấu tỏ.
Vương Tử Đại Dược thưa: Bạch Thế Tôn! Thế nào là hình tướng của thức, xin Phật chỉ bày?
Phật bảo Vương Tử Đại Dược: Như hình bóng của người hiện ra trong nước, hình tướng này không thể nắm giữ, chẳng phải có hay không có. Như hình tướng Sô Lạc Ca, như hình tượng khát ái.
Vương Tử Đại Dược thưa: Thế nào là khát ái?
Phật dạy: Như người đối với sắc hợp ý nên nhãn căn hướng về sắc. Đó gọi là khát ái. Như cầm gương sáng soi thấy mặt mình, nếu cất gương đi thì không thấy mặt. Sự chuyển biến của thức cũng như vậy. Nghiệp thiện, ác cùng với hình sắc của thức đều không thể thấy.
Như người mù bẩm sinh đối với mặt trời mọc, mặt trời lặn, đêm ngày, sáng tối đều không thể thấy. Thức không thể thấy cũng như vậy. Khát ái, thọ, tưởng ở trong thân không thể thấy. Các đại, các nhập, các ấm của thân đều là thức.
Các thể hữu sắc như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và sắc, thanh, hương, vị, xúc v.v… cùng với thể vô sắc gồm: Tâm thọ nhận khổ, vui, cũng đều là thức.
Này Vương Tử Đại Dược!
Như người dùng lưỡi nếm thức ăn, biết được sáu mùi vị: Mặn, ngọt, đắng, cay, chua, chát. Lưỡi cùng thức ăn đều có hình sắc, nhưng các vị ấy thì vô hình. Lại nhân nơi thân, xương tủy, da thịt, máu huyết mà biết được các thọ. Các thứ nơi thân như xương v.v… có hình tướng mà thọ thì không có hình sắc. Thức biết phước hay chẳng phải phước quả cũng như vậy.
Bấy giờ, Bồ Tát Hiền Hộ thắng thượng đảnh lễ dưới chân Phật, thưa: Bạch Thế Tôn! Thức này có thể biết về phước hay chẳng phải phước chăng?
Phật dạy: Hãy lắng nghe, chẳng phải chưa kiến đế mà có thể thấy được thức. Thức không thể nhìn thấy được. Chẳng phải như quả A ma lặc trong lòng bàn tay. Thức không ở trong tai, mắt, mũi v.v… nếu thức ở trong mắt, tai, mũi thì khi phá vỡ mắt, tai, mũi thì sẽ thấy thức.
Này Bồ Tát Hiền Hộ! Hằng sa Chư Phật thấy thức là vô sắc, ta cũng như vậy, thấy thức là vô sắc. Hàng phàm phu ngu tối không thể thấy được, nhưng nhờ ví dụ mà mở bày hiển hiện.
Này Bồ Tát Hiền Hộ! Muốn biết tội phước của thức, ông nay nên lắng nghe. Ví như có người tham chấp làm Chư Thiên Thần, Càn Thát Bà, quỷ thần Tắc Kiền Đà.
Này Bồ Tát Hiền Hộ! Ý ông nghĩ sao?
Người ấy vì tham chấp làm thân Trời, quỷ thần v.v… do tâm tham chấp mà cầu đạt thân thì có thể thấy được không?
Bồ Tát Hiền Hộ đáp: Bạch Thế Tôn! Không thấy được. Sự tham chấp làm thân Trời, Rồng, quỷ thần không sắc, không hình, thân bên trong, bên ngoài đều không thể thấy được.
Này Bồ Tát Hiền Hộ! Người muốn được phước thù thắng của Chư Thiên phải đem các thứ hương hoa tốt đẹp, thức ăn thơm ngon, nước uống tinh sạch, tất cả vật cúng dường đều phải tinh khiết, những việc làm này là do thức tạo, phước báo sẽ được quả hoặc làm Vua, hoặc làm tể tướng, hoặc làm người giàu có, sang trọng.
Hoặc làm trưởng giả, đại thương chủ, hoặc được thân Chư Thiên thọ nhận phước báo thù thắng của Cõi Trời, do thức làm phước mà thân đạt được quả báo an vui. Người đó đạt phước báo thù thắng của Cõi Trời được hương hoa tốt đẹp, thức ăn thơm ngon, sức khỏe không bệnh, an ổn, đời nay được giàu có, tôn quý, tự tại. Nên biết tất cả đều nhờ phước hỗ trợ cho thức mà thân được quả báo an vui.
Này Bồ Tát Hiền Hộ! Người ấy vì tâm tham đắm nên phải làm Phú Đan Na là loại quỷ thần ác, ưa thích những thứ bất tịnh, phân dơ, đờm giải, do những việc như vậy mất đi sự an vui, bệnh hoạn càng tăng thêm, người ấy theo sự ham muốn mà ưa thích những mùi hôi bất tịnh, phân dơ uế.
Thức do tội tạo nên cũng như vậy. Hoặc sinh trong các nẻo ác, nhà bần cùng, hoặc sinh làm loài ngạ quỷ, súc sinh, ăn đồ dơ uế. Do tội hỗ trợ cho thức nên nhận chịu quả khổ.
Này Bồ Tát Hiền Hộ! Chư Thiên không có hình tướng mà lãnh thọ được các thứ hương thơm cúng dường. Phước của thức không hình tướng, thọ nhận quả báo an lạc, thù thắng cũng như vậy. Phú Đan Na v.v… là loài quỷ thần xấu ác, vì tham đắm liền thọ nhận đồ ăn uống bất tịnh, dơ uế, thức tạo nghiệp tội phải nhận khổ báo cũng như vậy.
Này Bồ Tát Hiền Hộ! Nên biết, thức không hình tướng, thể chất, như quỷ thần, Chư Thiên thể chất hiện rõ, đạt được các vật dụng cúng như thức ăn uống tốt, xấu, như thức tạo tội phước được quả báo khổ vui.
Vương Tử Đại Dược thưa Phật: Làm thế nào thấy được nhân của dục?
Phật bảo Bồ Tát Đại Dược: Sự hỗ trợ cho nhân sinh ra dục cũng như do nơi đồ dùng lấy lửa cộng với sức người mà sinh ra lửa. Như vậy, nhân nơi thức và nam, nữ, sắc, thanh, hương, vị, xúc mà có dục sinh. Ví như nhờ hoa sinh quả, trong hoa không có quả, quả sinh thì hoa diệt. Như vậy, nhân nơi thân mà thức hiển bày.
Theo thân tìm thức thì không thể thấy thức, nghiệp quả của thức lúc sinh thì thân liền diệt. Xương tủy nơi thân và các thứ bất tịnh đều bị tiêu tán. Lại như hạt giống giữ lấy quả của vị lai với sắc, thanh, hương, vị, xúc theo sự gieo trồng mà sinh.
Thức bỏ thân này, giữ lại nghiệp thiện, ác, thọ, tưởng, tác ý chịu quả báo của đời sau cũng như vậy. Lại như nam, nữ ái dục hoan lạc, rồi xa lìa nhau mà đi. Thức với thân hòa hợp, lưu luyến, tham chấp, say đắm, khi quả báo hết thức ly tán theo nghiệp thọ quả báo khác.
Thưc của thân trung ấm nhờ duyên nơi cha mẹ, do nghiệp lực sinh thức mà được quả báo thọ thân. Ái tình và nghiệp đều không có hình chất, nhân nơi tướng của sắc dục mà sinh ra dục. Đó là nhân của dục.
Này Vương Tử Đại Dược! Thế nào là thấy nhân của giới thủ?
Giới là những điều răn dạy được chế ra của bậc thầy, như không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Thủ là chấp thủ. Giới này chế ra với nhan thức như vậy, nhờ trì giới này mà đạt được các quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.
Nhờ nhân này nên đạt được nơi cõi thù thắng, nghĩa là được thọ thân nơi hàng Trời, người. Đây đều là pháp thiện hữu lậu, chẳng phải là pháp thiện vô lậu. Thiện vô lậu không có quả dị thục của ấm. Nay giới thủ này là gieo hạt giống hữu lậu. Đối với thức giữ lấy nghiệp thiện ác thì thức không thuần tịnh, là nhân của phiền não nên phải nhận quả khổ bức bách. Đó là nhân của giới chấp thủ.
Vương Tử Đại Dược thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào là thức nhận lấy thân Chư Thiên cho đến thân địa ngục?
Phật bảo Vương Tử Đại Dược: Thức cùng với pháp giới giữ lấy sự nhìn biết vi diệu, chẳng phải là chỗ nương của nhục nhãn để thấy được nhân. Sự nhìn thấy vi diệu này cùng với cảnh giới của phước hòa hợp, vừa thấy sự dục lạc vui thích nơi cung Trời, thức liền bị đắm nhiễm.
Nghĩ rằng: Ta nên đến đó. Do có niệm ái nhiễm, luyến tiếc là có nhân, thấy rồi bỏ thân, nghĩ như vậy: Thây chết này là đại thiện tri thức của ta, do đã tích tập các căn lành, nên nay ta được quả báo nơi Cõi Trời.
Vương Tử Đại Dược thưa Phật: Thức này đối với thây chết đã có nhiều tham ái, sao không gắn bó vào đấy?
Phật bảo Vương Tử Đại Dược: Ví như râu tóc đã cắt bỏ, tuy thấy tóc đen, óng mượt nhưng không thể đem tóc đó trồng lại nơi thân, khiến chúng mọc lại được.
Như vậy, này Vương Tử Đại Dược! Thây chết bỏ đi rồi, thức cũng không thể nương gá vào để thọ nhận quả báo.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba