Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Hai Mươi Hai - Thọ Ký Biến Tịnh Thiên
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nhật Xưng, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH CHA CON GẶP NHAU
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nhật Xưng, Đời Tống
PHẨM HAI MƯƠI HAI
THỌ KÝ BIẾN TỊNH THIÊN
Lúc đó, trong hội có mười hai ức Biến Tịnh Thiên Tử, thấy các A Tu La Vương cho đến Quang Âm Thiên ở chỗ Thế Tôn cúng dường các thứ, lại nghe Đức Như Lai thọ ký cho họ thành Phật, tâm sinh hoan hỷ thật chưa từng có.
Các Thiên Tử này đã từng gặp vô lượng Chư Phật thơi quá khứ trồng các đức căn bản, hiểu rõ chánh pháp, đầy đủ pháp tài, có đại thần lực, tự tại vô ngại, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ sát chân Phật thưa: Thưa Thế Tôn! Có Tam Ma Địa tên là Siêu Chư Pháp Lạc.
Nếu có Bồ Tát nào chứng được Tam Ma Địa vi diệu này thì có khả năng làm được mọi sự nghiệp, lìa các phan duyên, được vui tối thượng không sinh khổ thọ, không có một nhân nào là không phải tưởng vui. Giả sử có vào các địa ngục, chịu đủ mọi hình phạt khổ cực bức bách, do nhờ sức Tam Ma Địa của Bồ Tát nên tất cả mọi khổ não thảy đều thành vui thích.
Như các loại hữu tình ở thế gian kia tạo ra các ác, không làm theo luật nghi, cướp đoạt tài sản của người khác, bị phép Vua bắt chém, hoặc cắt tai, mũi, hoặc chặt tay chân, hoặc bị đánh đập, hoặc bị trói buộc, bị các ngục tốt tống vào tù. Tuy bị khổ sở như vậy nhưng tâm không hối hận, hay bị tham lam che lấp, ngược lại tưởng là vui.
Hoặc các hữu tình tự dùng sức lực đi làm thuê mướn, vượt qua mọi gian truân đau khổ để tìm cầu, lấy khổ làm vui như các nghề may vá, làm đèn đuốc, ép nước mía, làm kỹ nhạc, làm các món thức ăn, hoặc cho voi uống rượu, hoặc đốt đèn tô và đèn dầu.
Những người như vậy làm tất cả mọi việc, hoặc không như pháp, hoặc biếng nhác bị chủ quở trách chửi mắng đuổi việc, chịu mọi sự lăng nhục đều tưởng như vui. Lại như những người phường chèo ở thế gian, làm vui cho người khác, thay hình đổi dạng, vẽ mặt hình con cò tai mèo, hoặc mặt sư tử, hoặc đánh, hoặc trói, nhưng lại tưởng là vui.
Vì sao?
Vì chúng sinh ấy tạo nghiệp quyết định, bị tham sai khiến, tâm không hối hận. Đại Bồ Tát cũng như vậy, vì lợi hữu tình mà nhiều kiếp ở trong sinh tử, tu tập mọi khổ hạnh khó làm, chí cầu Chánh Đẳng Chánh Giác, cho đến cứu giúp chúng sinh đói khát, cho họ ăn thịt uống máu mình, thường sinh tưởng vui. Hoặc đối với Bồ Tát chửi mắng đánh đập trói buộc và giết chết.
Tuy chịu khổ não nhưng vẫn sinh tưởng vui, đầy đủ nguyện lực rộng lớn như vậy, có thể cùng với mọi vui thích chúng sinh. Đến khi lơn lên tu hành không có gián đoạn thì mới có thể đạt được Tam Ma Địa đó không bị ác ma làm động loạn, lại còn có khả năng phá hoại tất cả ma nghiệp.
Nhờ thế mà được năm thứ tự tại:
1. Thọ mạng tự tại.
2. Chỗ sinh ra được tự tại.
3. Nghiệp báo tự tại.
4. Tầm từ tự tại.
5. Thọ dụng tự tại.
Bồ Tát kia nếu cầu một đời thành Chánh Đẳng Chánh Giác, nhờ Tam Ma Địa vi diệu này nên được như ý mãn nguyện. Nếu Bồtát không chóng cầu bồ đề vô thượng thì có thể sống lâu vô lượng, vô số A tăng kỳ kiếp lợi lạc hữu tình, trang nghiêm thanh tịnh Cõi Phật.
Vì sao?
Vì Bồ Tát ấy từ khi mới phát tâm đã vì nhiếp thọ hết tất cả hữu tình, không sợ đường ác, thọ sinh vào trong đó đều khiến tập học các hạnh Bồ Tát, phương tiện khéo léo, thông đạt các pháp, thành thục bát nhã Ba la mật đa. Đây là người khéo trụ Bồ Tát thừa.
Thưa Thế Tôn! Nếu Bồ Tát thích tu Tam Ma Địa như vậy, nên biết người này đều là nhờ sức gia trì công đức oai thần của Như Lai thì mới có thể quyết định hiểu được các pháp tự tánh vốn không, không có nghi hoặc.
Biến tịnh Thiên Tử nói như vậy rồi, liền chắp tay đảnh lễ khen ngợi Đức Phật:
Chúng con biến tịnh các Thiên Tử
Biết rõ được chánh pháp của Phật
Cúi đầu đảnh lễ Điều Ngự Sư
Các căn vắng lặng không sợ gì.
Như Lai dùng sức đại trí tuệ
Hay phá hoại các bọn ma quân
Quy Y Đấng Tối Thượng Mâu Ni
Dẫn dắt quần sinh lên bờ giác.
Tự tánh các pháp không có gì
Cũng lại rốt ráo không chỗ trụ
Vọng tưởng phan duyên đều biết rõ
Như người ảo thuật biết việc huyễn.
Như vậy chúng sinh ở sáu nẻo
Đều từ nhân duyên hư vọng có
Tìm cầu tiếng vang tự tánh không
Như Lai chứng pháp cũng như vậy.
Nhân Trung tối thượng Thích Sư Tử
Quán các pháp vọng thảy đều không
Nó không ngã tướng cũng không nhân
Không tưởng chúng sinh và thọ giả.
Như Lai đại từ không ai bằng
Vì độ người ngu hiện thế gian
Diễn pháp thật tướng khó nghĩ bàn
Tất cả đều không thể lường được.
Phật quán chúng sinh giới bình đẳng
Thường khởi vô duyên từ thanh tịnh
Nên hay thương xót các thế gian
Rốt ráo không thấy tướng chúng sinh.
Nay con đối biển trí tuệ Phật
Tâm không cấu nhiễm lìa các nghi
Từ môn thanh tịnh lợi hữu tình
Kham nhận cúng dường của Chư Thiên.
Như Lai tối thắng Thiên Trung Thiên
Đối với chúng sinh khởi từ hộ
Nhưng ở trong mười phương Thế Giới
Tìm tánh khổ kia không thể được.
Đã không chúng sinh cũng không khổ
Thế nên Như Lai không sở duyên
Có thể trừ khử mọi nghi lo
Chứng được chân thường vui tịch tĩnh
Phật ở các nẻo không thấy khổ
Cũng không sở chứng đại bồ đề
Đem lòng thương xót các hữu tình
Đều khiến lìa bỏ trói sinh tử.
Không khổ, không cứu, không chúng sinh
Cũng không bồ đề có thể được
Phật biết pháp tánh vốn như vậy
Nên con cung kính cúng dường Phật.
Như Lai xuất hiện ở thế gian
Dùng bốn vô lượng lợi hàm thức
Không thấy tâm từ, bi, hỷ, xả
Cũng không thấy có tướng chúng sinh,
Cũng không thấy có người buông lung
Cũng lại không thấy tu Thánh đạo
Biết môn phương tiện Phật như vậy
Nên con cúng dường lên Đức Phật.
Như Lai thường nói bốn niệm xứ
Quán thân rốt ráo không thể được
Nay con biết rõ lời Phật dạy
Nên khởi cúng dường Bậc Cứu Thế.
Phật nói quán thọ không thể được
Vì thọ không có tánh chân thật
Cho đến thọ giả cũng như vậy
Nên con cúng dường Đức Thế Tôn.
Phật nói quán tâm và quán giới
Tìm hai tướng đó không thể được
Cũng không thấy có chỗ tu niệm
Cho đến người an trụ niệm xứ.
Con nay không thấy có các pháp
Cũng lại không thấy người tu pháp
Phật dùng niệm xứ độ chúng sinh
Nghĩ rằng tự tánh thường vắng lặng.
Lại nói niệm cùng pháp hòa hợp
Muốn cầu giải thoát nên tu tập
Nên con biết được lời Phật dạy
Nay được cúng dường nhất thiết trí.
Niệm xứ một còn không thể được
Thì làm gì có hai ba bốn
Thế nên con nay đạt ý Phật
Rốt ráo không còn thọ khổ vui.
Như Lai thường nói bốn chánh cần
Có các Tỳ Kheo chuyên tu tập
Đây chính là nhân của giải thoát
Thoát khỏi biển sinh tử luân hồi.
Như vậy không mở cũng không buộc
Không Phật, không pháp và bồ đề
Nhưng giả danh ấy lại không hoại
Nên con cung kính đảnh lễ Phật.
Phật nói như ý bốn thần túc
Thù thắng tối thượng vui an ổn
Các căn tịch tĩnh được giải thoát
Nên tu như vậy được Niết Bàn.
Còn như ý và thần túc kia
Quán kỹ thể ấy không thể thấy
Không động, không tịnh, không vô tác
Hiển hiện như vậy khó nghĩ bàn.
Nay chúng hội các Thiên Tử này
Lại không thấy có tưởng chúng sinh
Con đã biết rõ lời Phật dạy
Nên hay xa lìa mọi nghi hoặc.
Đó là pháp cúng dường tối thượng
Chỉ Phật kham thọ cúng dường này
Như Lai diệu trí không ai bằng
Nên con nhất tâm sinh tán thán.
Lại nữa, Mâu Ni nói năm căn
Pháp này có thể được bồ đề
Phát sinh phước trí hai tư lương
Người khéo quán sát trừ nghi hoặc.
Đó là tín, tấn, niệm, định, tuệ
Không thấy năng tu và sở đắc
Con đối pháp Phật không có nghi
Thế nên con nay khởi cúng dường.
Như Lai tuyên nói năm thứ lực
Trừ khử tà kiến tâm siểm khúc
Dứt các phiền não phá các ma
Hướng đến vô vi đạo tịch tĩnh.
Như vậy các lực không khuất phục
Không có bị trói va người trói
Con đối pháp Phật lìa nghi ngờ
Nay con cúng dường Điều Ngự Sĩ.
Thế Tôn khai thị bảy giác phần
Thanh tịnh tối thượng đạo bồ đề
Nên các hữu tình khéo tu tập
Được chứng chân thường chỗ an ổn.
Mâu Ni lại nói tám Thánh đạo
Thành thục chúng sinh các thiện căn
Thường tu Thánh trí hiện ra trước
Dứt sạch nguồn khổ các trói buộc.
Thánh trí như vậy và các hoặc
Rốt ráo thanh tịnh không có gì
Chư Thiên từ đó không còn nghi
Nên con cúng dường Nhân Trung Thánh.
Khéo hay tu tập Xa Ma Tha
Tỳ bát xá na cũng như vậy
Như Lai nhiều kiếp đã viên thành
Hay đoạn các hoặc và tập khí.
Như vậy tương ứng nhân và quả
Và người quán sát thảy đều không
Chư Thiên nhờ đó không còn nghi
Nên con cúng dường Mâu Ni chúa.
Nói quán bất tịnh trừ tham dục
Từ tâm đối trị các giận dữ
Dùng trí tuệ kia dứt ngu si
Vì lợi chúng sinh Phật đã nói.
Nhưng rồi tội tác không tội tướng
Thế nên không dơ cũng không sạch
Chư Thiên nhờ thế không còn nghi
Do đó cúng dường Vô Thượng Sĩ.
Lại nữa, Phật nói mười bất thiện
Sát, đạo, dâm, vọng và lưỡng thiệt
Ác ngôn, ỷ ngữ, tham, nhuế, si
Như vậy gọi là mười nghiệp đạo.
Chúng sinh không có cũng không sát
Còn chín lỗi ác lý cũng vậy
Không tướng thiện ác không đối trị
Vì tánh tội kia vốn vắng lặng.
Nghĩa này chính là lời Phật dạy
Nhưng nó không hoại pháp thể tánh
Pháp Mâu Ni tối thượng như vậy
Tuyên dương dẫn dắt các quần mê
Như lý tác ý suy nghĩ đúng
Đây là tối thượng chân Phật Tử.
Khi Biến tịnh Chư Thiên nói kệ này rồi đều im lặng đứng qua một bên.
Lúc đó, Đức Thế Tôn biết được tâm niệm của các Thiên Tử mong được Phật thọ ký, liền từ trong miệng phóng ra ánh sáng thanh tịnh.
Thấy việc này rồi, Tôn Giả Mã Thắng chắp tay hướng lên Đức Phật dùng kệ thưa hỏi:
Hay thay, Điều Ngự Đại Thánh Chúa
Vì lợi quần sinh hiện thế gian
Trí tuệ thậm thâm khó nghĩ bàn
Hóa độ điều phục các Thiên chúng.
Cũng tận các pháp bậc cứu thế
Hiện tướng lạ này vì nhân gì
Đạo Sư dẫn dắt các chúng sinh
Cúi xin Năng Nhân vì diễn nói.
Các chúng Biến tịnh Thiên Tử này
Chắp tay tán thán rất hiếm có
Chiêm ngưỡng Như Lai núi công đức
Nghe rồi nhất tâm mà đảnh tho.
Phật là tối thượng Thiên Nhân Sư
Thông đạt các pháp không trở ngại
Nên nguyện thương xót các chúng sinh
Nói việc phóng quang thần biến này.
Người nào từ đó sinh tịnh tâm
Hiểu rõ cam lồ vi diệu ấy
Ở trong mười phương Thế Giới đó
Sẽ được viên minh nhất thiết trí.
Ai ở vị lai quốc độ Phật
Nhiêu ích nhiếp thọ các quần mê
Khéo tuyên diệu pháp luân vô thượng
Hàng phục ma quân và dị luận.
Các Thiên Tử này nghe Phật dạy
Thâm nhập nghĩa vị tâm quyết định
Cúi xin Như Lai chấn pháp âm
Khiến các chúng hội trừ lưới nghi.
Trăm phước trang nghiêm vô thượng
Sĩ Từ tâm phủ khắp các thế gian
Tám thứ tiếng phạm âm công đức
Đều nguyện nghe trì lời Phật dạy.
Nếu có chúng sinh ở chỗ Phật
Muốn nghe chánh pháp siêng tu tập
Tâm bồ đề vững chắc không lùi
Dần dần thành tựu nhất thiết trí.
Như Lai khéo nói pháp vi diệu
Dứt sạch khổ sinh tử hữu tình
Phật Tử tịnh tâm nên phụng trì
Khiến cho Phật chủng mãi không đoạn.
Khi ấy Đức Thế Tôn vì Tỳ Kheo Mã Thắng nói kệ rằng:
Mã Thắng khéo hỏi việc phóng quang
Ta vì lợi lạc các Trời Người
Phước ông có được khó nghĩ bàn
Tỷ dụ nói ra còn không hết.
Hay thay, Tôn Giả ứng căn cơ
Tất cả đại chúng tâm vui thích
Các chúng Biến Tịnh Trời người này
Ở trong pháp ta được giải thoát.
Thuở xưa từng cúng dường Chư Phật
Số ấy ngàn ức na do tha
Đạt các pháp tánh không có nghi
Đối với Phật ấy hỏi nghĩa này.
Do nhờ nhân duyên thuở xưa ấy
Dùng kệ vi diệu tán thán Phật
Đời này lại đem tâm thanh tịnh
Xưng dương các thiện thệ hiền kiếp.
Về sau kiếp Ưu Đàm Bát La
Thành Phật hiệu là Na La Diên
Giáo hóa vô số ức chúng sinh
Đều chứng vô vi vui tịch tĩnh.
Đồng cùng một kiếp hiện thế gian
Đều hiệu Pháp Tràng Chánh Đẳng Giác
Hóa độ chúng sinh số bằng nhau
Lần lượt đều sẽ thành Phật Đạo.
Các Như Lai này hóa duyên xong
Phân bố di hình các xá lợi
Xây dựng vô lượng vô số tháp
Như rải hoa trang nghiêm Cõi Phật.
Như vậy tất cả loại chúng sinh
Đều khởi cúng dường nơi xá lợi
Đều lên cửa cam lồ thanh tịnh
Tất cả Như Lai đều khen ngợi.
Nếu có ai xưng danh Phật ấy
Phat sinh tâm tịnh tín hoan hỷ
Nên biết nhờ nhân duyên thiện ấy
Đương lai được gặp Phật Di Lặc.
Họ được Từ Tôn nhiếp thọ cho
Siêng năng tinh tán đoạn các kết
Thích tu tịch tĩnh Xa Ma Tha
Lần lần được thành quả vô học.
Từ một Cõi Phật đến Cõi Phật
Cúng dường thân cận không mệt mỏi
Ở trong các Trời, người, đại chúng
Khen ngợi công đức Phật tối thượng.
Nay đây các Biến Tịnh Thiên Tử
Đều đủ oai đức danh tiếng lớn
Thâm đạt Phật trí không nghĩ bàn
Đều đảnh lễ sát chân Như Lai.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Phân Biệt Về Sự Thật
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Ba Mươi Bốn - Phẩm Phật Có Ra đời
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi - Pháp Hội Nhật Mật Bồ Tát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bong Bóng Nước Mưa
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - ðại Kinh Malunkyaputta
Phật Thuyết Kinh Ma Ha Ma Da - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bi đại ái - Phẩm Mười Chín - Phẩm Chấm Dứt Lậu Hoặc