Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Mười Một - Tháp Bảy Báu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP HOA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI MỘT
THÁP BẢY BÁU
Lúc bấy giờ, trước Phật, có tháp bảy báu từ đất hiện lên, cao hai vạn dặm. Vừa hiện lên, nhiễu Phật, rồi vọt lên trụ trên hư không. Tháp ấy màu sắc đẹp đẽ lạ thường, biến đổi ngàn màu. Có năm loại hoa rải trên tháp ấy, rơi lả tả như tuyết.
Giảng đường của tháp đẹp đẽ trang nghiêm, do vô số vật báu hợp lại tạo thành. Trăm ngàn lan can, cửa sổ, cửa lớn, chẳng thể kể xiết. Các loại tràng phan, tàng lọng treo rủ xuống. Ngọc báu anh lạc, các thứ minh châu đầy khắp hư không giống các vì tinh tú.
Trong lư hương, bình báu đầy ắp các loại danh hương. Mùi gỗ Chiên đàn tỏa ngát hương thơm cùng khắp. Dùng vàng bạc, lưu ly, thủy tinh, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não của các Cõi Phật trong tam thiên đại thiên Thế Giới làm lọng báu.
Lọng ấy cao tận từng trời thứ nhất. Chư Thiên Cõi Trời Đao Lợi và Tứ Thiên Vương đều rải hương hoa cúng dường tháp bảy báu.
Trong tháp ấy, tự nhiên phát ra tiếng khen ngợi: Lành thay, lành thay! Thế Tôn an trú, đúng như đã nói, đạo đức huyền diệu, cao vời không ai sánh bằng, trí tuệ bình đẳng giống như hư không, chân thật, không gì sai khác.
Khi ấy bốn bộ chúng thấy tháp bảy báu ở trên hư không cao lớn vi diệu, ánh sáng chiếu rực, soi chiếu khắp nơi, đều khen: Lành thay!
Và mừng vui phấn chấn, đứng chắp tay, chiêm ngưỡng không chán.
Lúc đó có vị Bồ Tát tên là Đại Biện thấy Chư Thiên, loài người, trong lòng do dự, vừa lo, vừa mừng, muốn biết hiện tượng này là gì, nên liền đến trước Phật thưa hỏi: Kính bạch Thế Tôn!
Nay vì duyên cớ gì mà tháp bảy báu cao rộng vô cùng, hiện ra trước Thế Tôn ai ai cũng thấy? Bảo tháp ấy còn tự nhiên phát ra lời khen ngợi: Lành thay! Do cảm ứng điều gì mà có hiện tượng này?
Thế Tôn bảo với Bồ Tát Đại Biện: Trong tháp báu này, có thân Như Lai nguyên vẹn hoàn toàn, không có khuyết hoại.
Tại Thế Giới Chư Phật ở phương Đông, cách đây không thể tính biết, có Đức Phật Hiệu là Đa Bảo, tên nước là Bảo Tịnh, khi còn hành đạo đã tự phát nguyện: Ta sẽ quyết dùng Kinh Chánh Pháp Hoa này để tu hành đạo, khiến các Bồ Tát đều được nghe. Sau đó mới ngồi dưới gốc cây Bồ Đề, chứng thành đạo vô thượng chánh chân.
Do chí nguyện ấy của Phật cho nên kết quả đúng như lời nguyện, Ngài đã giảng thuyết Kinh Pháp khắp mười phương khai hóa tất cả chúng sinh đều được thành tựu đạo quả.
Khi sắp diệt độ, Đức Phật đã dạy Chư Thiên, người thế gian và chư Tỳ Kheo: Sau khi ta diệt độ, phải phụng thờ thân Như Lai, bảo toàn thân ấy một cách hoàn hảo và an trí trong một ngôi đại tháp.
Nếu ai thấy tháp ấy, thì biết là có Như Lai trong đó, công đức người ấy khó lường.
Bấy giờ, Đức Phật đã lập lời nguyện rộng lớn thế này: Ở mười phương Thế Giới, nơi nào có giảng Kinh Pháp Hoa này, thì tháp bảy báu của ta sẽ hiện ra trước chỗ Phật nói kinh ấy, thân Xá Lợi ở trong tháp bảy báu sẽ khen rằng: Hay thay!
Phật bảo Đại Biện: Tháp bảy báu ấy ở cõi phía dưới về phương Đông, cách đây vô lượng hằng hà sa Cõi Phật, trụ giữa hư không, chưa từng xuất hiện.
Đức Phật ấy nay thấy ta, Đức Năng Nhân Như Lai, Bậc Chánh Giác, khi tu hành đạo Bồ Tát, vì chúng sinh không tiếc thân mạng, tinh tấn không giải đãi, thực hành phương tiện khéo léo, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, nhất tâm, trí tuệ, xin đầu cho đầu, xin mắt cho mắt, xin mũi cho mũi, xin tai cho tai, cho đến tay, chân, các bộ phận trong thân, vợ con, người hầu, bảy báu, xe cộ, voi ngựa, y phục, quốc thành, tụ lạc, tùy ý người xin, không có tâm luyến tiếc.
Cho đến khi đắc Phật Quả, nên hiện đến đây để thăm ta và muốn ta ngồi trê n tòa vàng Sư Tử của Ngài để giảng Kinh Chánh Pháp Hoa, khai hóa cho tất cả chúng sinh, khiến họ đều được thấm nhuần ân đức của Đức Phật Thích Ca liền theo đúng như nguyện của Đức Phật ấy, lên ngồi trên Sư Tử ở giảng đường, phân biệt, giảng thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa, rồi nói bài tụng:
Ai nghe Phật Đa Bảo
Biết danh hiệu của Ngài
Trước sau chưa từng sợ
Lại không gặp nạn khổ,
Nếu nghe tên Dược Vương
Và nhớ danh hiệu Ngài
Các bệnh tự lành dứt
Liền biết được túc mạng.
Tất cả sự cúng dường
Kính pháp là hơn hết
Phân biệt không, vô tuệ
Tự đắc thành Phật Quả,
Nói thông Kinh Pháp Hoa
Để chỉ hàng thấp kém
Hiểu vốn không ba thừa
Chỉ một thừa vô thượng.
Phật bảo Đại Biện: Nay Đức Đa Bảo Như Lai Chí Chân, ở trong tháp ấy, xa nghe ta thuyết Kinh Pháp Hoa này, cho nê n xuất hiện, khen ngợi: Lành thay!
Bồ Tát Đại Biện lại thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Chúng con cùng các vị trong Pháp Hội này nay muốn được chiêm ngưỡng thân tướng của Đức Phật Đa Bảo.
Cúi xin Thế Tôn thương xót gia ân, dùng oai thần khiến cho người trong chúng hội đều được phát tâm đạo lớn.
Phật bảo Bồ Tát Đại Biện: Đức Phật Đa Bảo vốn cũng đã phát nguyện: Tháp của ta đến phương nào để nghe Kinh Điển này, nếu chư Như Lai và bốn bộ chúng muốn thấy thân ta thì tùy theo ước muốn đó, tất cả mười phương Phật đều phải được thấy, đều cùng cúng dường hóa tượng này.
Này Đại Biện muốn biết thân ta cũng phải cảm được mười phương Chư Phật khiến cho hóa thân của Như Lai ở tất cả Thế Giới đang thuyết pháp đều về nơi đây.
Bấy giờ Bồ Tát Đại Biện lại thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn thương xót gia ân làm hiện rõ thánh đức của Chư Phật trong tất cả mười phương quốc độ!
Đức Phật im lặng nhận lời, tức thời từ nơi lông trắng giữa đôi mày phóng ra hào quang vi diệu, chiếu khắp năm trăm hằng hà sa số, ức trăm ngàn quốc độ của Chư Phật.
Tất cả Thế Tôn đều hiện rõ ngay nơi quốc độ của các Ngài, ngồi dưới cội cây, trên Tòa Sư Tử trang nghiêm kỳ diệu và với vô số trăm ngàn Bồ Tát ngồi trên tọa cụ tốt đẹp, trang nghiêm bằng châu báu, đẹp đẽ lạ thường. Đây lụa, tràng phan, bảo cái treo rủ xuống bốn phía tòa ngồi của Chư Phật.
Các Ngài đang vì chúng sinh giảng thuyết Kinh Pháp, âm thanh nhu hòa ai cũng thông hiểu. Trăm ngàn Bồ Tát mở lòng thọ nhận những điều đã nghe.
Vô số trăm ngàn vạn ức hằng hà sa Thế Giới Chư Phật ở bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, phương Trên và phương Dưới cũng đều như thế, không đâu là không thấy.
Khi ấy Chư Phật ở mười phương đều bảo với chư Bồ Tát: Các Thiện Nam! Các ông nên đi đến Thế Giới Kham nhẫn thăm viếng Đức Phật Như Lai Năng Nhân Chí Chân và chiêm ngưỡng hình tượng cùng tháp của Đa Bảo Thế Tôn.
Lúc bấy giờ, ở Thế Giới Kham nhẫn tất cả công đức lành huân tập và oai thần vi diệu, đặc thù đều tự nhiên hiện ra. Các cây bảy báu xuất hiện chung quanh.
Mặt đất biến thành lưu ly xanh biếc, dây bằng vàng ròng giăng dài, nối tiếc trang hoàng tám giao lộ mặt đất bằng phẳng. Các quận, huyện, ấp, xóm làng, biển rộng, song ngòi, khe suối đều không hiện ra mà tự nhiên chỉ thấy lò hương của Chư Thiên đốt các loại danh hương và hoa trời rải khắp. Ở Cõi Phật này, khi ấy Chư Thiên và nhân dân được dời đến Cõi Phật khác.
Các chúng hội hiện tại ở trong màn trang hoàng bằng bảy báu đan xen nhau. Các bức màn bảy báu đan xen này trang nghiêm đẹp đẽ lạ thường, chẳng thể tả xiết, khắp cùng Cõi Phật này.
Khi ấy, tất cả Chư Phật mười phương, mỗi vị đều có thị giả cùng nhau đi đến Thế Giới Kham nhẫn này. Các Ngài đều đến dưới những cây báu. Các cây báu này cao hai vạn hai ngàn dặm, cành lá sum suê, hoa quả tươi tốt.
Dưới các cây ấy có giường sư tử cao hai vạn dặm, tòa ngồi đều làm bằng các loại châu báu. Như Lai ngồi trên tòa cũng giống như thế.
Trong Thế Giới tam thiên đại thiên này, chỉ thấy Chư Phật hiện ra khắp nơi, nhưng chẳng phải là do Đức Như Lai Thích Ca Văn Chí Chân Đẳng Chánh Giác biến hiện ra mà tất cả đều từ các Cõi Phật ở mười phương đến đây, hiển thị oai đức của đạo lớn tối thượng.
Lúc bấy giờ ở tám phương, mỗi phương có hai vạn ức quốc độ của các hóa thân Như Lai do Đức Thế Tôn Thích Ca Văn Phật biến hóa ra, đều không có địa ngục, ngạ quỷ, Súc Sinh. Chư Thiên và A Tu Luân được dời đến Thế Giới Chư Phật ở phương khác, mặt đất bằng lưu ly xanh biếc của hai vạn ức Cõi Phật đều hóa sinh ra cây bằng bảy báu.
Các cây báu ấy cao hai vạn, hai ngàn dặm, cành lá hoa quả sum suê tươi tốt. Các Tòa Sư Tử cao hai vạn dặm.
Các Cõi Phật ấy đều bằng phẳng, không có sông biển, khe suối, cũng không có các núi như: Núi Mục Lân, Đại Mục Lân, núi chúa Tu Di, núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi. Tất cả các nơi trong Cõi Phật, mặt đất đều bằng phẳng, do bảy báu tạo thành, trang nghiêm đẹp đẽ.
Tại các giao lộ báu, vui vẻ vô cùng, rải đầy các loại hoa, đốt các danh hương. Dưới các cây báu đều có chư Như Lai ngồi trên Tòa Sư Tử. Cũng giống như thế, lại riêng có hai vạn Thế Giới của Đức Phật Năng Nhân, mỗi Thế Giới trang nghiêm cho các phương, hiển bày thanh tịnh, đều vì Chư Phật tạo thành các Cõi Phật.
Những Cõi Phật ấy cũng không có địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, các hàng Rồng, Quỷ, Thần và A Tu Luân. Chư Thiên và nhân dân cũng được đến Cõi Phật khác. Mặt đất của các Cõi Phật này bằng lưu ly xanh biếc, dùng vàng ròng màu tía làm dây báu nối tiếp giữa các hàng cây ở tám giao lộ.
Các cây ấy cao lớn đẹp đẽ, Tòa Sư Tử cũng trang nghiêm đẹp đẽ như trước đã nói. Mặt đất bằng phẳng, không có núi, sông, biển…, hương hoa, các báu, ngọc ngà đan xen, ngọc minh nguyệt rủ xuống, cũng giống như trước. Đường xá giao thông đi lại cũng như trên, không khác.
Lúc bấy giờ các Đức Như Lai, hóa thân của Đức Phật Thích Ca Văn, tại hằng hà sa Cõi Phật ở phương Đông đang thuyết giảng pháp cũng đều đến. ba ngàn ức Đức Phật Chánh Giác ở mỗi phương trong mười phương Thế Giới cũng đều đến Thế Giới này.
Các Đức Như Lai đều ngồi trên Tòa Sư Tử báu, mỗi vị đều lấy hoa sen báu trao cho các thị giả và bảo: Các Thiện Nam! Các ông hãy đi đến núi Kỳ Xà Quật, chỗ của Đức Phật Năng Nhân, nói danh hiệu của ta, rồi ân cần thăm hỏi Thánh thể, sức lực, sự đi lại của Đức Phật có được khỏe mạnh, an lành chăng?
Rồi đem những hoa này, rải cúng dường trên Đức Phật cùng các đệ tử Bồ Tát và chuyển lời của ta là đã khai hóa được nhiều.
Khi ấy Đức Như Lai Thích Ca Văn Chí Chân thấy các hóa thân Phật đều ngồi trên Tòa Sư Tử và các thị giả đã đến rải hoa cúng dường, liền rời khỏi chỗ ngồi, trụ trên hư không.
Bốn bộ chúng cũng đều đứng đậy chắp tay. Đức Phật dùng ngón tay mở cửa giảng đường của tháp bảy báu, ánh sáng tự nhiên xuyên suốt như ánh mặt trời. Giống như cửa thành lớn mà lấy chốt cửa đi thì trong ngoài thông suốt, Đức Phật Thích Ca Văn dùng hai ngón tay mở cửa giảng đường tháp bảy báu, hiển bày oai đức chẳng thể nói hết, cũng lại như thế.
Như Lai mở cửa tháp bảy báu này, thân của Phật Đa Bảo Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác liền hiện ra, ngồi trên Tòa Sư Tử, màu da tươi nhuận như thường, không bị khô nám, sắc tướng đoan nghiêm, đẹp như tranh vẽ, miệng lại phát ra lời: Lành thay, lành thay! Phật Thích Ca Văn thuyết Kinh Điển này, còn gì vui hơn. Ta vì muốn nghe Kinh Pháp Hoa này nên tự xuất hiện.
Khi ấy bốn bộ chúng thấy Như Lai Đa Bảo Chí Chân Đẳng Chánh Giác, biết là Ngài diệt độ, cách đây trăm ngàn ức kiếp không thể kể xiết, và nghe lời khen: Lành thay! Thì vô cùng kinh ngạc, cho là từ trước chưa từng có, liền dùng hoa trời rải cúng Đức Phật Thích Ca Văn Phật và Đức Như Lai Đa Bảo. Đức Phật Đa Bảo liền nhường nửa bảo tòa cho Đức Phật Thích Ca.
Trong tháp bảy báu có tiếng vang ra: Xin mời Phật Thích Ca ngồi vào tòa này! Đức Phật Thích Ca liền làm theo lời. Hai Đức Như Lai cùng ngồi một chỗ, trên Tòa Sư Tử trang trí bằng bảy báu, ở trên hư không.
Khi ấy trong bốn bộ chúng, mỗi người đều suy nghĩ: Chư Phật chí chân, đạo đức cao viễn không ai có thể sánh bằng, vòi vọi khó lường, không thể kể xiết. Cúi xin Như Lai đoái thương cứu xét gia ân, dùng oai thần khiến chúng con đều được lên hư không.
Đức Phật biết tâm niệm đó, liền hiện thần lực, khiến bốn chúng tự nhiên vọt lên ở trên hư không.
Bấy giờ Đức Phật Thích Ca bảo với bốn chúng Tỳ Kheo: Ở trong cõi Kham nhẫn này, ai có khả năng đảm nhận thuyết Kinh Điển này nay chính là lúc, cũng là cơ hội lớn.
Nếu sau khi Như Lai hiện tại diệt độ, thì nên thọ trì, phúng tụng pháp này.
Nay Như Lai cũng sắp diệt độ, Tỳ Kheo nên thôi cúng dường, phụng sự Như Lai mà phụng thờ, cung kính Kinh này.
Khi ấy Phật nói kệ:
Đại Thánh vô thượng
Đã đế nơi đây
Do Phật đã hiện
Bảo tháp diệu kỳ
Tỳ Kheo muốn biết
Người xưa nghe pháp
Ai biết việc này
Mà chẳng tinh tấn
Diệt độ đến nay
Đã vô số kiếp
Hôm nay lại muốn
Nghe Kinh Điển này
Cho nên đến đây
Vì tuyên giáo pháp
Được độ vô cùng
Giáo pháp thiện lợi
Ở đời quá khứ
Tự phát thệ này
Nguyện của Đạo Sư
Chính là điều ấy
Diệt độ đến nay
Lâu xa cũng vậy
Nay lại hiện ra
Mười phương Thế Giới
Tự tại đến đây
Từ xa xôi đến
Số ức trăm ngàn
Như cát rạch sông
Cũng vì Kinh này
Mà đến nơi này
Đã diệt độ rồi
Mà tự hiện ra
Dạo chơi tất cả
Ở các quốc độ
Thấy tất cả ưa
Hạnh của Thanh Văn
Nên muốn hộ trì
Đối với chánh pháp
Vì lý do gì
Kinh trụ dài lâu?
Bởi vì nhờ vào
Đạo của Chư Phật
Ở trong vô số
Thế Giới Chư Phật
Chúng sinh tụ hội
Đi đến cõi này
Sửa sang nghiêm tịnh
Nhờ sức thần túc
Ai cũng tự nói
Nghĩa rộng như thế
Do đâu được nói
Ở Pháp Nhãn này
Chư Phật ở đây
Chẳng thể kể xiết
Ngồi ở dưới cây
Nơi chốn Đạo Tràng
Thân tướng đoan nghiêm
Muôn vàn cao cả
Các Bậc Đạo Sư
Ngồi Tòa Sư Tử
Thanh tịnh trang nghiêm
Sáng như mặt trời
Như ánh đại quang
Phá tan bóng tối
Hương thơm dìu dịu
Xông khắp mười phương
Dâng lên cúng dường
Thương xót cuộc đời
Các Ngài độ thoát
Tất cả chúng sinh
Ân đức thấm nhuần
Khắp cả nơi đây.
Sau khi ta diệt độ
Người trì Kinh Điển này
Sẽ mau được thọ ký
Sẽ gặp được Đạo Sư
Sau khi Phật diệt độ
Đức Từ phụ Đa Bảo
Thấy được Tòa Sư Tử
Trong tháp báu hiện lên
Kế là thân của ta
Ngàn ức đến nơi đây
Chỉ vì Bậc Tối Thắng
Giảng nói Kinh Điển này.
Nếu nghe pháp này
Thọ trì rốt ráo
Tức là phụng sự
Quy mạng thân ta
Và Đức Đa Bảo
Như Lai tôn quý
Phụng sự Chư Phật
Hiện tại mười phương
Và trong tương lai
Kính thờ Chư Phật
Trang nghiêm Thánh thể
Đẹp đẽ vô cùng
Đều vì cúng dường
Đầy đủ vô hạn
Vì người tuân theo
Thọ trì Kinh này
Vì từng gặp ta
Nghe ta thuyết giảng
Cũng lại được thấy
Thế Tôn trong tháp
Và thấy vô số
Các bậc Đạo Sư
Từ trăm ngàn ức
Quốc độ đến đây.
Thiện Nam tử, khéo nghĩa
Thương xót các chúng sinh
Nơi đây thật khó gặp
Chốn Đạo Sư ưa thích.
Vô số các Kinh Điển
Giống như cát trong sông
Phật tuy nói Kinh ấy
Chưa phải là kỳ đặc.
Người dùng tay đỡ nhấc
Núi Tu Di kia lên
Nhảy qua ngàn ức cõi
Không đủ cho là khó,
Dù có người phân biệt
Nói trăm ngàn chứng cứ
Nghe khắp các Cõi Phật
Không đủ cho là khó,
Hoặc trụ cõi cao nhất
Vì trời người giảng pháp
Tuyên nói vô số Kinh
Cũng không là kỳ diệu
Sau khi Phật diệt độ
Mạt Pháp năng thọ trì
Tuyên nói Kinh Điển ấy
Như vậy mới kỳ đặc,
Hoặc chỉ dùng một tay
Nắm trọn cả hư không
Cho đến chỗ vô cùng
Không đủ cho là khó
Sau khi ta diệt độ
Nếu quay về Thánh tượng
Sao chép Kinh Điển này
Mới gọi là kỳ đặc,
Hoặc lấy mười phương cõi
Để trên đầu móng chân
Đem đi đâu tùy ý
Lên để Cõi Phạm Thiên
Việc này không phải khó
Tinh tấn không gì lạ
Không bằng ở đời sau
Khoảnh khắc đọc Kinh này
Giả sử gặp kiếp thiêu
Mang cỏ đi trong lửa
Nhưng vẫn không bị cháy
Không đủ cho là lạ
Sau khi ta diệt độ
Nếu thọ trì Kinh này
Và vì người giảng nói
Như vậy mới thù đặc
Nếu có người thọ trì
Tám vạn các Pháp Tạng
Nói đúng như đã nói
Khai thị ngàn vạn người
Tỳ Kheo ở thời ấy
Khai hóa chư Thanh Văn
An trụ trong thần thông
Cũng chưa lấy làm lạ
Nếu trì Kinh Điển này
Vui tin và ưa thích
Luôn học hỏi, ngợi khen
Như vậy mới thù thắng
Dù kiến lập vô số
Ức ngàn ngôi bảo tháp
Nhờ Đại Thánh lục thông
Nhiều như cát Sông Hằng.
Sau khi Phật diệt độ
Nếu ai trì Kinh này
Thì công đức người ấy
Khó ai vượt qua được
Trăm ngàn các Thế Giới
Thuyết pháp không kể xiết,
Nay ta cũng tuyên nói
Phân biệt trí tuệ Phật
Trong tất cả các Kinh
Kinh này là hơn hết.
Người phụng trì Kinh này
Là thị giả Chư Phật
Thiện Nam tử giảng thuyết
Trước Như Lai hiện tại
Đời sau trì Kinh này
Hiền thánh mới kham nhận
Trì Kinh này phút chốc
Tức là phụng kính Phật
Và tất cả Đạo Sư.
Kinh này khó gặp được
Tất cả mười phương Phật
Hiện ra để ngợi khen
Người dũng mãnh oai thần
Đã đạt được thần thông
Danh đức nhuần thấm khắp
Chư Phật đều mến thương
Chỉ vì trì Kinh này
Nên đạt được tịch định.
Đạo Sư diệt độ rồi
Vì các trời, loài người
Hiện làm người dẫn đường
Tuyên bố Kinh Điển này
Ở vào đời vị lai
Khoảng khắc nói Kinh này
Thì tất cả chúng sinh
Đều cúi đầu đảnh lễ.
Lúc bấy giờ Đức Phật Năng Nhân nói với các chúng hội: Ta từ vô số kiếp khó thể tính đếm, cầu Kinh Pháp Hoa chưa từng mệt mỏi.
Khi làm quốc vương, ta tu sáu pháp Ba La Mật, bố thí vàng bạc, pha lê, lưu ly, hổ phách, san hô, châu ngọc, xa cứ, mã não, đầu, mắt, da thịt, tay chân, các bộ phận cơ thể, vợ con, nam nữ, voi ngựa, xe cộ, chẳng tiếc thân mạng.
Lúc bấy giờ nhân dân sống lâu không thể tính đếm.
Ta vì Chánh Pháp mà vứt bỏ ngôi vua, giao cho thái tử để đi cầu Kinh Điển lớn. Đánh trống, khua mỏ, tuyên bố cho khắp cả trong và ngoài nước được biết là ai có khả năng vì ta mà diễn nói Đại Kinh Điển thì ta sẽ làm nô bộc để cung phụng và sai xử.
Khi ấy có một vị Phạm chí đến bảo: Ta có Kinh Điển lớn tên là Chánh Pháp Hoa. Nếu chịu làm nô bộc của ta, ta sẽ ban cho.
Phật bảo các Tỳ Kheo: Ta nghe lời ấy rất vui mừng bèn theo phụng sự, hầu hạ vị Phạm chí ấy, cung cấp các thứ cần dùng như đồ ăn, thức uống.
Phục dịch quét dọn, lau chùi, đi hái rau quả, cất giữ lương thực, chưa từng mệt mỏi bỏ bê, hầu hạ cả ngàn năm mà không chán ngán.
Khi ấy Phật nói bài tụng:
Đánh trống gõ chuông
Tuyên bố xa gần
Muốn cầu đại điển
Kinh Chánh Pháp Hoa
Nếu ai ban cho
Ta làm người hầu
Đi theo phục dịch
Cấp thứ cần dùng
Cam lòng nghe theo
Không dám lười trễ
Đảm nhận cúng dường
Không màng sức khỏe
Chỉ muốn nghe được
Kinh Chánh Pháp Hoa
Nguyện khắp mười phương
Không phải vì mình
Vua ấy tinh tấn
Chưa từng nghỉ ngơi
Cung phụng áo cơm
Chẳng cầu ngon ngọt
Thương xót chúng sinh
Những kẻ chưa độ
Rồi vào khi ấy
Được Kinh Pháp Hoa.
Phật bảo các Tỳ Kheo: Quốc vương khí ấy chính là ta, còn vị Phạm chí chính là Điều Đạt. Nay ta đầy đủ sáu pháp Ba La Mật, đại từ, đại bi, thành tựu bốn tâm bình đẳng, đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân sắc màu vàng ròng, mười lực, bốn pháp vô sở úy, bốn sự không bảo hộ, mười tám pháp bất cọng, oai thần tôn quý, độ thoát mười phương đều là nhờ sức ân đức của Điều Đạt.
Vô số kiếp về sau, Điều đạt sẽ thành Phật hiệu là Thiên Vương Như Lai Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Thành, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Độ Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Chúng Hựu. Thế Giới tên là Thiên Cù.
Khi ấy Phật Thiên Vương rộng nói Kinh Pháp, hằng hà sa chúng sinh chứng quả A La Hán, vô số không thể kể xiết người cầu Duyên Giác thừa, hằng hà sa vô lượng nhân dân đều phát tâm đạo vô thượng chánh chân, không thoái chuyển. Đức Phật ấy thọ hai mươi trung kiếp.
Sau khi diệt độ, chánh pháp trụ hai mươi trung kiếp. Xá lợi không phân chia, để nguyên một chỗ, dựng tháp bảy báu, cao sáu mươi dặm, rộng tám mươi dặm để thờ. Người trong khắp thiên hạ đều đem hương hoa kỹ nhạc đến cúng dường và ca tụng công đức, nhiễu quanh bảo tháp làm lễ, số người chứng đắc quả A La Hán không thể kể xiết.
Vô số người có chí cầu Duyên Giác thừa. Vô số Chư Thiên, loài người không thể nghĩ bàn phát tâm đạo vô thượng chánh chân, chí không thoái chuyển. Nếu thiện nam, thiện nữ được nghe Kinh Chánh Pháp Hoa này mà trong tâm thông suốt, không còn hồ nghi, thì bít lắp ba đường, không đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, sẽ được sinh đến ở trước Chư Phật mười phương, học hỏi, thọ trì chánh pháp.
Hoặc sinh về cõi trời nhân gian giàu có. Hoặc tại trước Phật, tự nhiên hóa sinh trong hoa sen bảy báu.
Khi ấy, vị Bồ Tát tên là Trí Tích, ở phương Dưới, theo hầu Đức Thế Tôn Đa Bảo, thỉnh Phật Đa Bảo nên quay về bản quốc.
Đức Phật Năng Nhân liền bảo với Bồ Tát Trí Tích: Ta có vị Bồ Tát tên là Đoàn Thủ Đồng Chân, ông hãy đợi giây lát, cùng nhau gặp gở thà m hỏi vì xa vắng đã lâu và cùng giảng giải Kinh Điển, rồi sẽ về bản quốc.
Lúc đó Đoàn Thủ ngồi trên hoa sen bảy báu có ngàn cánh lớn như bánh xe và cùng với chư Bồ Tát khác cũng ngồi trên hoa sen báu, từ cung Long Vương vọt lên khỏi biển lớn.
Đoàn Thủ Đồng Chân rời khỏi hoa sen báu, đảnh lễ hai Đức Thế Tôn, xong rồi cùng Bồ Tát Trí Tích thăm hỏi nhau.
Bồ Tát Trí Tích hỏi Đoàn Thủ: Ngài đã vào biển sâu hóa độ được bao nhiêu?
Đáp: Số ấy vô lượng, không thể kể xiết, miệng chẳng nói hết, tâm không lường hết. Chẳng bao lâu nữa, sẽ tự ứng hiện.
Ngay lập tức một hoa sen từ biển vọt lên trụ trên hư không, có vô số Bồ Tát đều ngồi trên đó.
Những Bồ Tát này đều do Đoàn Thủ đã hóa độ ở biển, đều phát tâm, chí cầu đạo vô thượng chánh chân, cùng ở trên hư không giảng pháp đại thừa. Những vị vốn phát tâm Thanh Văn ở trên hư không nói hạnh Thanh Văn nay đã hiểu biết đại thừa.
Đoàn Thủ liền bảo với Trí Tích: Tại biển, tôi đã giáo hóa được như thế đó.
Bồ Tát Trí Tích dùng tụng để hỏi:
Ngài trí tuệ vô cùng
Ở biển, độ chúng sinh
Chỉ vì bày chánh giáo
Phân biệt nói pháp gì?
Đoàn Thủ đáp: Tại biển, tôi chỉ diễn nói Kinh Chánh Pháp Hoa.
Trí Tích lại hỏi: Pháp ấy sâu xa, cao cả nhiệm mầu khó đạt, có ai có khả năng giác ngộ tức thời không?
Đoàn Thủ đáp: Có con gái của Long vương mới tám tuổi, thông minh, trí tuệ siêu việt khác thường phát tâm cầu đại đạo, chí nguyện rộng lớn, tánh hạnh hòa nhã, cử chỉ khoan thai, có thể thành Phật.
Trí Tích nói: Tôi thấy Đức Năng Nhân là Bậc Đại Sư khi còn làm Bồ Tát cầu Phật Đạo đã tích chứa công đức, tinh tấn không biếng lười, trải qua số kiếp không thể tính đếm được, mới đạt quả vị Phật. Tôi không tin vị nữ nhân ấy có thể thành Phật được.
Nói chưa dứt lời, bỗng nhiên vị nữ nhân ấy xuất hiện, cúi đầu làm lễ, nhiễu Phật ba vòng, đứng sang một bên, khen ngợi:
Đạt công đức thù diệu
Hiện ba mươi hai tướng
Được Chư Thiên cung kính
Rồng, thần đều quy ngưỡng,
Tất cả loài chúng sinh
Không ai không tôn phụng
Nay tôi muốn thành Phật
Thuyết Pháp cứu quần sinh.
Khi ấy Xá Lợi Phất bảo với vị nữ nhân: Tuy Nhân giả đã phát tâm và có trí tuệ siêu việt nhưng không thể đắc quả Phật. Lại như thân nữ nhiều kiếp tinh tấn, chứa nhóm công đức cao vời còn không thành Phật được.
Vì sao?
Vì thân nữ không đạt được năm bậc: Một là Thiên Đế, hai là Phạm Thiên, ba là Thiên Ma, bốn là Chuyển Luân Thánh Vương, năm là Đại Sĩ.
Khi ấy Long nữ liền lấy một viên ngọc như ý quý giá lập tức, dâng lên Đức Phật.
Phật liền thọ nhận.
Long nữ hỏi Xá Lợi Phất và Trí Tích: Tôi dùng viên ngọc ấy dâng cúng Thế Tôn, Thế Tôn nhận lấy có nhanh không?
Đáp: Rất nhanh!
Long Nữ nói: Nay tôi đạt đạo vô thượng chánh chân, thành Bậc Tối Chánh Giác còn nhanh hơn việc ấy.
Ngay khi ấy Long nữ ấy liền biến thành vị Bồ Tát Nam Tử và lập tức thành Phật, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt và các vẻ đẹp.
Chúng hội đều thấy rõ quốc độ, biết rõ danh hiệu, cho là việc lạ lùng chưa từng có.
Vô số Trời, Người, Rồng, Quỷ Thần đều phát tâm đạo vô thượng chánh chân.
Ba ngàn Thế Giới đều hiện ra sáu loại chấn động.
Ba vạn vị Đạo tích Thanh Văn cũng đạt tâm không thoái chuyển, đều sẽ thành đạo vô thượng chánh chân.
Xá Lợi Phất và Bồ Tát Trí Tích im lặng tin nhận.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh A Thấp Ba Thệ
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Thủ Lăng Nghiêm - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Chiên đà Việt Quốc Vương
KINH ĐỊA TẠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN - QUYỂN THƯỢNG ( Phẩm thứ nhất)
Phật Thuyết Kinh đại Sự Nhân Duyên Lợi ích Của Danh Hiệu Phật Vô Lượng Thọ