Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng đảnh Vương - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG ĐẢNH VƯƠNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN SÁU
Khi ấy Đức Phật nói kệ:
Pháp kia không chỗ trụ
Tu tập ở trong đó
Nêu giảng, tu diệt trừ
Cách pháp Phật rất xa.
Ở trong pháp vắng lặng
Tạo tư tưởng hư vọng
Do vì pháp hư vọng.
Không gần gũi Niết Bàn.
Thuyết giảng việc tranh cãi
Cho là đã diệt độ
Thiện Tư nên hiểu rõ
Hạnh ấy không chánh kiến.
Nếu có người tu hành
Thuyết nêu việc trái nghịch
Do phản loạn, đảo điên
Là nghiệp của kẻ học.
Đức Phật đã thuyết giảng
Đại Bồ Tát tuyên xưng
Vì người học đời sau
Nên khuyến hóa tu tập.
Nếu có người phụng trì
Phật giảng pháp sâu xa
Vì tất cả chúng sinh
Để cúng dường Chư Phật.
Nếu có người trí sáng
Thọ trì pháp chân thật
Đời sau nhờ người ấy
Mà chánh pháp tồn tại.
Người không tu pháp này
Tâm vẫn còn tưởng nhớ
Tự ứng hợp với tuệ
Chẳng nhờ đến đạo khác.
Lúc Phật thuyết giảng Kinh này, Đồng Tử Thiện Tư chứng được pháp nhẫn vô sinh, hết sức vui mừng nên bay vọt lên hư không, cách đất bốn trượng chín thước.
Khi ấy Đức Phật vui cười, hào quang năm sắc uy nghiêm, mầu nhiệm với các màu xanh, vàng, đỏ, trắng, hồng từ kim khẩu Đức Thế Tôn phóng ra tỏa chiếu đến vô lượng cõi Phật trong mười phương, rồi trở lại nhiễu quanh chỗ Đức Phật ba vòng, theo đỉnh đầu mà nhập vào. Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới liền hiện đủ sáu cách chấn động.
Trên hư không trời mưa xuống vô số bột thơm chiên đàn, bột thơm mộc mật, lại mưa xuống đủ các thứ hoa tươi, trông rất đẹp mắt. Các loại nhạc khí như đàn không, đàn hầu, không tấu mà tự vang lên, hư không hiện bày đủ sự trang nghiêm trùm khắp mười phương, không nơi nào là không hiện rõ.
Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới lại hiện ra nhiều thứ ngọc báu, đan xen các thứ màn trướng, lầu đài, cây cối, suối nước, ao hồ, năm âm thanh đều phát ra tiếng hòa nhã, diệu dụng. Người nghe thấy sự biến hóa này đều vui thích cho là chưa từng có.
Hiền Giả A Nan từ chỗ ngồi đứng dậy, bày vai áo bên phải, sửa lại y phục, quỳ gối chắp tay bạch Phật:
Do nhân duyên gì mà Thế Tôn mỉm cười?
Thế Tôn đã cười thì tất có ý gì?
Rồi dùng kệ tán thán Phật:
Thánh Tôn chưa từng dối
Đại Hùng vui chân thật
Vì từ bi giảng thuyết
Cớ gì mà cười vui?
Ở giữa chốn hư không
Cúng dường bậc tối thượng
Tất cả đều tán thán
Lành thay! Thuyết giảng Kinh.
Như ánh sáng đèn lớn
Nhiều sắc màu vi diệu
Ánh sáng này cũng vậy
Rực rỡ chiếu xa gần.
Như pháp của Chư Phật
Quyết trao cho chánh đạo
Nhiễu quanh Phật ba vòng
Bỗng nhiên thâu vào đảnh.
Nụ cười của Thế Tôn
Tỏa ánh sáng rực rỡ
Từ miệng nhập vào đảnh
Xin nêu ý lành này.
Đức Thế Tôn dùng kệ nói với Hiền Giả A Nan:
Tộc tánh tử Thiện Tư
Tạo công đức vô lượng
Sẽ thành Bậc Chánh Giác
Tôn quý của trời, người.
Phật bảo Hiền Giả A Nan: Đồng Tử Thiện Tư này sẽ gặp hàng triệu ức Đức Phật không thể tính kể, đời đời thân cận chưa từng xa lìa, thường chí tâm cúng dường Chư Phật: Nào y phục, các vật dụng, thực phẩm, các loại giường nằm, đồ nằm, thuốc thang trị bệnh.
Sau khi Phật diệt độ thì cúng dường xá lợi, xây dựng Tháp báu để phụng thờ, đem các thứ hương hoa thượng hạng, y phục tốt đẹp, nhiều loại châu báu, nhạc hay cờ phướn, hương chiên đàn, hoa giải thoát và những thứ the lụa, để cúng dường các Đức Như Lai Chí Chân.
Vào đời sau cùng sẽ được thành Phật, hiệu là Vô Cấu Quang gồm đủ mười tôn hiệu: Như Lai Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.
Đức Phật nói kệ:
Nếu dùng đủ các báu
Đầy khắp trong mười phương
Để cúng dường Chư Phật
Các Như Lai cứu đời.
Nếu nghe được Kinh này
Công đức hơn cúng dường
Sức an trú Chánh Pháp
Cứu độ khắp ba cõi.
Bấy giờ, Hiền Giả Xá Lợi Phất nghe Phật nói xong, tâm rất vui mừng cho là điều chưa từng có, bèn suy nghĩ: Đức Phật Chí Thánh công đức hơn núi Tu Di, trí tuệ thì vượt ba đời, đạo không thể sánh như hư không, chẳng ai sánh bằng.
Xét việc xưa biết việc nay, chỗ thấy biết thật vô cùng, trí sáng mênh mông, không gì ví dụ được, cứu giúp ngay nan, thông suốt như cõi không, không giới hạn, chúng sinh đều nương nhờ tâm từ của Phật.
Khi nhớ nghĩ ân đức của Đức Phật xong, Hiền Giả Xá Lợi Phất cung kính nói kệ, tán thán:
Kinh này rất vi diệu
Vì cứu đời nên thuyết
Mà không nói danh hiệu
Làm sao biết xưng gọi?
Xưa nay chưa từng nghe
Thuyết giảng Kinh pháp ấy
Pháp kia không trú xứ
Vui thay, pháp được giảng.
Giả sử pháp hữu lậu
Cùng với pháp vô lậu
Xét cũng không chỗ đạt
Vui thay pháp được thuyết.
Nếu khiến cõi hữu vi
Cùng với cõi vô vi
Cả hai không chấp trước
Kinh này thuyết như vậy.
Bậc cứu đời thuyết pháp
Dạy đạo hạnh chánh chân
Mà không thấy chỗ đạt
Nghĩa Kinh này cũng thế.
Pháp Chư Phật đã thuyết
Không gì tán thán hết
Tôi, ta không thủ đắc
Lành thay! Kinh được thuyết.
Giả sử mười phương cõi
Tự nhiên không thật có
Bậc cứu đời giảng nêu
Nhưng chưa bằng Kinh này.
Xin nguyện Đấng Thế Tôn
Thương yêu đến muôn loài
Giảng thuyết nghĩa Kinh này
Mà chưa đặt danh hiệu.
Phật bảo Hiền Giả Xá Lợi Phất: Kinh này gọi là Đảnh Vương, là ví như ở trên đỉnh núi Tu Di đều thấy được bốn châu thiên hạ.
Người hiểu được Kinh này thì được bốn pháp không sợ hãi, đạt đến đạo lớn vô thượng, không còn sinh, lão, bệnh, tử, vượt qua mọi nguy nạn của ba cõi. Nếu người đời ưa thích pháp này thì khắp cả mười phương không ai là không được cứu giúp, vì thế nên gọi là Đảnh Vương.
Còn việc phụng trì Kinh này, nếu có người thọ trì Kinh Điển Phật đã giảng thuyết thì sẽ được các vị Tứ Thiên Vương ủng hộ, hàng trời, người đến cả trăm vạn ức chúng, phát khởi vô số công đức chánh chân vô thượng.
Bất luận là Duyên Giác hay Thanh Văn, nếu tuyên giảng pháp này đều được vô số sự ủng hộ của thế gian. Nhờ nghe pháp, nghiên cứu sâu xa, rồi giảng thuyết nghĩa lý để hiểu tường tận pháp thâm diệu vô thượng, mới thành tựu Phật Đạo.
Người có thể phụng trì tất cả các pháp không hề hồ nghi, nếu thọ trì, đem Kinh này tuyên thuyết giáo hóa, khuyến dạy người khác, chẳng những chứng được pháp nhẫn thứ nhất mà còn được pháp thứ hai, thứ ba, đầy đủ ba pháp nhẫn. Pháp ấy không thể thủ đắc vì đạo không có nơi chốn, không ánh sáng nào có thể chiếu soi hết mới là đạo rộng khắp.
Đối với tất cả pháp, người ấy không ham muốn, không mong cầu cho hiện tại. Nếu người thọ trì Kinh này, đem những ngôn từ trong Kinh Đảnh Vương mà Đức Phật đã thuyết để đọc tụng, giáo hóa cho người khác, thì phước ấy không thể lường tính. Nếu có người nữ thọ trì Kinh này, tu hành theo trí tuệ thì mau đạt được sự thù thắng, bỏ những hình trạng xấu của thân nữ, biết tất cả là một, do biết nhiều và một nên thọ trì pháp ấy.
Giảng thuyết Kinh này, hội nhập vào các nẻo hành hóa, làm sáng tỏ tất cả chỗ hướng về. Do vào được pháp này mà giảng thuyết, nên sáng nhiều chỗ, biết nhiều phẩm loại để tu tập tinh tấn, khiến vô số chúng sinh đều thọ pháp ấy. Bản thể vốn không, không có pháp được tuyên thuyết, đều không xứ sở, không thể thủ đắc.
Vì sao?
Vì gốc ngọn đều rỗng lặng. Từ xưa đến nay nghĩa không thể đạt đến kịp, tất cả các pháp cũng như vậy. Phụng trì Pháp Môn này tức rõ các pháp không thể thủ đắc, không vướng vào nẻo có, không, vốn là pháp thanh tịnh, mới gọi là thọ trì.
Người nào ưa thích ánh sáng vô lượng thì phải tùy thời mà thuyết giảng Kinh Đảnh Vương này, rộng cầu pháp giới, được mắt trí tuệ, không chấp nơi cảnh giới mới gọi là thọ trì. Các pháp thâm diệu vì pháp không thể chứng.
Nếu không thể chứng thì chẳng có không, đầy đủ biện tài, chí cầu Phật Đạo, giác ngộ như vậy để thông suốt nghĩa Kinh, không thu không hiện như rồng biến hóa, trước sinh mây mù, sau mới đổ mưa. Tâm không từ đâu đến vì do nhân duyên hợp thành.
Trí tuệ không hình tướng, đó là không thể nghĩ bàn. Nếu muốn tuyên thuyết vô số pháp, thì nên học Kinh này, hiểu tất cả là không, không chấp trước vào pháp, tư duy Kinh Điển không rõ từ đâu đến, nhưng chỗ thuyết giảng khéo léo, như Kinh đã nói, pháp không tự sinh.
Ánh sáng huyền diệu soi chiếu như Mặt Trời, Mặt Trăng, ánh sáng ấy không từ đâu đến, không đi về đâu. Kinh Điển cũng như vậy, soi chiếu khắp chốn có không mà không vướng vào không có. Nếu có Tỳ Kheo giữ gìn biện tài thanh tịnh không đoạn dứt thì phải hết lòng tu tập Kinh Đảnh Vương này.
Nhân vào ánh sáng của pháp chiếu soi vô lượng mà rộng nêu chánh pháp, mau được hội nhập nơi biện tài vô ngại. Nhờ sự tu tập Kinh Đảnh Vương mà thế gian được lợi ích. Nếu không học theo Kinh này thì không biết rõ về pháp vị, không thấu đạt chỗ huyền diệu của Kinh ấy.
Muốn cầu đạo vô thượng mà không phụng trì Kinh này thì xa lìa giáo pháp của Phật. Các chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, nếu không theo sự chỉ dạy của Kinh này thì không có nẻo quay về nơi diệu nghĩa, nếu không mong cầu thì không đạt đến đạo chân chánh.
Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni cầu trở về với pháp ấy, vì tất cả thế gian mà làm mắt pháp. Tất cả các pháp đều không thể dẫn dụ. Cũng như có người ở Cõi Trời Đao Lợi, tại nơi cung điện trời thì thấy cả thiên hạ. Người học Kinh này siêu vượt hơn chúng sinh để cứu giúp muôn loài.
Như người đứng trên đỉnh núi Tu Di quan sát khắp thiên hạ, Kinh này cũng vậy, hiểu thông các pháp, thấy tất cả đều không, mở đường dẫn lối cho chúng sinh. Như người cầm đuốc lớn vào trong nhà tối thì dứt trừ được sự tối tăm. Kinh này cũng vậy, dùng ánh sáng của pháp soi chiếu tất cả các pháp, tu tập phụng trì Kinh này sẽ không còn tăm tối.
Giống như ánh sáng Mặt Trời xuất hiện chiếu soi khắp thiên hạ. Kinh này cũng thế, đem ánh sáng của đạo pháp chiếu sáng khắp ba cõi, dùng trí tuệ đạo chỉ bày cho tất cả chúng sinh. Cũng như Mặt Trăng đi qua hư không mà chẳng ngừng nghỉ.
Kinh này cũng vậy, soi chiếu khắp mười phương cõi chúng sinh đều được nhờ ân đức. Đó là pháp ấn, ấn chứng tất cả pháp, tạo lập ấn này là vì các Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Ba - ứng Thời - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Viên Giác - Chương Sáu - Chương Thanh Tịnh Tuệ
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tế Tự
Phật Thuyết Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật - Phần Hai Mươi Sáu - Pháp Thân Phi Tướng