Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Năm - Cây Thuốc - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP HOA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM NĂM
CÂY THUỐC
PHẦN HAI
Đức Phật lại bảo Tôn Giả Đại Ca Diếp: Như Lai giáo hóa, chỉ dạy bình đẳng không thiên lệch. Ví như ánh sáng mặt trời chiếu khắp thiên hạ, ánh sáng ấy không chọn lựa chỗ nào nên chiếu và chỗ nào không nên chiếu, dù là cao, thấp, sâu, cạn, xấu, đẹp, thơm, hôi… đều chiếu soi như nhau không khác.
Đức Phật cũng như thế, dùng ánh sáng trí tuệ chiếu soi tất cả chúng sinh trong năm đường sinh tử, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, trí tuệ ấy không tăng giảm, mỗi chúng sinh tùy theo sự giác ngộ của tâm mình mà tự đạt đạo.
Vốn không có ba thừa, do hạnh nguyện mà đưa đến như vậy.
Tôn Giả Ca Diếp bạch Phật: Nếu không có ba thừa, làm sao có được bậc Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát?
Đức Phật dạy: Ví như người thợ gốm dùng đất dẻo làm đồ vật đựng, hoặc đựng mật cam lồ, hoặc đựng bơ sữa, dầu mè, hoặc đựng rượu ăn uống…
Đất bùn tánh chất nó như nhau nhưng khi làm đồ vật khác nhau thì chỗ dùng cũng không giống nhau.
Pháp giải thoát cũng như vậy, bình đẳng không sai khác. Tùy theo chỗ thực hành của mỗi người mà Thượng, Trung, Hạ có khác nhau.
Tôn Giả Ca Diếp lại thưa: Bạch Thế Tôn! Giả sử khác nhau nhưng cứu cánh có giống nhau chăng?
Đức Phật dạy: Sẽ giống nhau nhưng chỉ có người giác ngộ mới hiểu rõ việc này. Ví như có người sinh ra đã bị mù, không thấy được năm sắc, mặt trời, mặt trăng và mười phương.
Người ấy cho rằng thiên hạ không có mặt trời, mặt trăng, năm sắc, tám phương và phương Trên, phương Dưới. Có người giải thích, người ấy vẫn không tin.
Giả sử có vị lương y xem thấy nguyên nhân căn bệnh của người ấy: Vì sao người ấy không thấy?
Là do khi xưa vị ấy đã tạo tội nên nay mắt mù tối không thấy được ánh sáng, thân thể bị bệnh nặng.
Thế nào gọi là bệnh nặng?
Đó là bốn chứng bệnh phong, hàn, nhiệt, tích.
Vị lương y thầm nghĩ: Bệnh trạng của người này cho dù dung các dược liệu cũng không thể chữa khỏi.
Trên Tuyết sơn có loại thuốc có thể trị được bốn bệnh ấy.
Một là Hiển, hai là Lương, ba là Minh, bốn là An. Đó là tên của bốn vị thuốc.
Lúc ấy vị lương y vì thương xót người bệnh, bày ra phương cách liền vào núi Tuyết hái bốn loại thuốc đem hợp lại rồi ngâm, giã, dùng để trị cho người mù mắt kia được sáng trở lại.
Vị lương y lại châm cứu, tiêu tức, bổ tả, làm cho người mù sáng mắt, trong ngoài đều thấy rõ.
Người ấy thấy ánh sáng mặt trời, mặt trăng, năm sắc, mười phương, khi ấy ông ta mới thật tin liền tự trách mình: Ta thật là mù lòa, đã không thấy nghe mà tự cho rằng mình đã thông đạo. Nay mắt thấy được mới tự biết rằng trước đây đã bị sự ngu si che phủ, nay đã thấy được xa gần, cao thấp, ta không còn lầm lẫn.
Khi ấy có vị Tiên nhân sống nơi vắng vẻ, có năm phép thần thông, thấy nghe xuyên suốt khắp cả và thân có thể bay đi, tâm có thể biết ý nghĩ người khác, tự biết nguồn gốc sinh tử từ trước đến nay.
Vị Tiên nhân bèn nói rõ cho người kia: Ngươi chớ kiêu căng, tự cao cho rằng mình đã thấu đạt. Vì người ở trong nhà đóng cửa, không ra ngoài nên không biết mọi sự bên ngoài được. Ngươi không biết người khác nghĩ tốt xấu về mình, cũng không thể thấy xa được năm dặm mười dặm.
Các tiếng nói hay tiếng trống đánh cách xa hai mươi dặm còn không thể nghe, trong gần mười hai dặm tự thân ngươi không thể đi bộ nổi, cũng không thể đạt được đến chỗ tự nhớ lại, thấy được lúc chưa sinh, còn ở trong thai, cũng không thể biết được.
Ngươi thông đạt điều gì mà tự cho là thấy biết tất cả?
Nay ta thấy ngươi thật là kẻ ở trong tối cho là sáng, ở trong sáng cho là tối.
Người kia hỏi: Phải làm cách nào để được Thánh trí ấy?
Xin ngài rủ lòng ban cho lời dạy bảo.
Vị Tiên nhân đáp: Ngươi phải vào núi sâu sống một mình nơi thanh vắng, trừ hết các dục tình, lúc ấy mới đạt được.
Người ấy tuân lời vị Tiên Nhân dạy, bỏ nhà vào chốn núi non, nhất tâm chuyên ròng không đắm say dục lạc, chứng được thần thông tự giác ngộ, quán sát những điều đã thấy không thể dung ngôn từ để gọi được.
Khi đã được năm phép thần thông, không có chỗ ngăn ngại mới tự biết sở kiến xưa kia của mình bị tối tăm che phủ.
Đức Phật dạy: Ta sẽ giải rõ ví dụ này. Con người sống trong năm đường ấm, cái sinh tử, chẳng rõ bản vô thì gọi là si, từ si đưa đến hành, từ hành đưa đến thức, từ thức đưa đến danh sắc, từ danh sắc đưa đến lục nhập, từ lục nhập đưa đến xúc, từ xúc đưa đến thọ, từ thọ đưa đến ái, từ ái đưa đến thủ, từ thủ đưa đến hữu, từ hữu đưa đến sinh, từ sinh đưa đến lão, bệnh, tử, ưu não khổ hoạn.
Các tội tích tụ cho nên gọi là mù tối. Chính vì thương xót những người này bị trôi lăn trong ba cõi không dừng nghỉ không thể tự cứu vớt, nên Thế Tôn quán sát nguồn tâm của chúng sinh thấy có người bệnh nặng có kẻ bệnh nhẹ.
Có người nhiều trần cấu, có kẻ ít trần cấu.
Có người dễ giải thoát, có kẻ khó giải thoát.
Có người thấy xa, có kẻ thấy gần, phát tâm Bồ Tát đến không thoái chuyển, không còn sinh tử, đạt đến Phật Quả, giống như người có mắt được làm Thần Tiên. Vị lương y đó chính là Như Lai vậy.
Người không phát đại bồ đề tâm gọi là sống mù. Tham, dâm, sân hận, ngu si, sáu mươi hai tà kiến gọi là bốn bệnh. Không, vô tướng, vô nguyện, hướng đến cửa Niết Bàn gọi là bốn thứ thuốc.
Thuốc làm cho khỏi bệnh thì không có si, hành, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, lão, bệnh, tử, ưu não khổ hoạn, tất cả đều được đoạn trừ.
Chí không trụ thiện, cũng không trụ ác, như người mù hai mắt được sáng trở lại gọi là Thanh Văn, Duyên Giác đã đoạn sinh tử, vượt khỏi ba cõi, thoát khỏi năm đường, tự biết rõ đã thông đạt, không bị nhầm lẫn.
Lúc muốn diệt độ, có Phật thị hiện ra trước, đem chánh pháp giảng dạy khiến họ phát tâm Bồ Tát, không ở nơi sinh tử, chẳng trụ Niết Bàn, hiểu rõ nghĩa không trong ba cõi.
Tất cả các pháp hiện hữu trong mười phương như huyễn như hóa, như giấc mộng, như ngựa hoang, như tiếng vang trong núi thẳm. Tất cả đều không sở hữu, không có gì hy vọng, không thủ không xả, không tối, không sáng.
Khi ấy họ mới thấy sâu xa, không có gì là không thông đạt, thấy được các pháp chưa từng thấy, hiểu biết rõ nguồn gốc sinh khởi của tất cả của chúng sinh.
Khi ấy Đức Thế Tôn nói lại nghĩa trên:
Ví như ánh mặt trời
Tỏa chiếu khắp muôn nơi
Ánh sáng không tăng giảm
Cũng không chọn tốt xấu.
Như Lai cũng như vậy
Trí tuệ như trời, trăng
Hóa cùng mười phương cõi
Cũng không có giảm tăng.
Như người thợ gốm kia
Nhào nặn đất làm đồ
Hoặc đựng mật cam lộ
Hoặc đựng dầu ăn, sữa
Vốn từ một chất đất
Thành vật dụng khác nhau
Nhưng chỗ dùng không khác
Vì chỗ đựng đặt tên.
Người vốn cũng như vậy
Không ba cõi năm đường
Theo hành nghiệp đọa sinh
Luân hồi không tự biết.
Rõ không gọi Bồ Tát,
Bậc trung là Duyên Giác
Chấp không, tuệ chưa giải
Thì gọi là Thanh Văn.
Ví như người mù mắt
Không thấy ánh trời trăng
Năm sắc và mười phương
Cho rằng đời không có
Lương y xét nguyên nhân
Thấy bốn bệnh che lấp
Tự mẫn thương xót họ
Vào núi tìm thuốc thang
Hái thuốc hay diệu kỳ
Tên hiển, lương, minh, an
Ngâm, giã, hòa hợp lại
Để trị cho người mù
Gia giảm thêm châm cứu
Bệnh khỏi, mắt thấy sáng
Thấy trời, trăng, năm sắc
Mới biết mình tối ngu
Người không rõ tánh không
Đọa mãi đường sinh tử
Mười hai duyên buộc ràng
Không rõ nguyên nhân bệnh
Thế Tôn hiện ra đời
Quán sát gốc ba cõi
Tùy nhân sinh ra bệnh
Mà khai hóa tất cả
Rõ không là Bồ Tát
Ý thấp là Duyên Giác
Chán sợ khổ sinh tử
Nên rơi vào Thanh Văn
Tự cho đạo đức cao
Không thể tự hiểu rõ
Người thấy được cứu cánh
Không có lo chướng ngại
Giống như vị Tiên Nhân
Có đủ năm thần thông
Thương xót bảo người kia
Ngươi chấp chặt ngăn che
Không hiểu rộng sâu xa
Nơi tối cho là sáng
Ở trong không thấy ngoài
Tuy sáng cũng là tối
Vài mươi dặm có tiếng
Tai không thể nghe được
Hoặc người muốn ách hại
Không biết ý họ nghĩ
Muốn đến ngoài vài dặm
Phải đi bộ mới đến
Hoặc khi sinh lớn lên
Không biết việc trong thai
Rõ năm việc trong ngoài
Lúc ấy mới thông đạt
Sao lại sanh kiêu ngạo
Tự cho mình hơn hết
Người muốn được ngũ thông
Phai ở nơi thanh vắng
Chuyên tinh nghĩ nhớ đạo
Khi liễu ngộ pháp này
Phụng trì lời Phật dạy
Bỏ nhà vào núi sâu
Nhất tâm không nghĩ xấu
Liền đạt đến Thần Tiên
Nếu đạt đến Thanh Văn
Và được Duyên Giác thừa
Tự cho tuệ đầy đủ
Bằng Niết Bàn Chư Phật
Khi sắp muốn diệt độ
Phật liền đứng phía trước
Vì hiện pháp Bồ Tát
Tam đạt vô quái ngại
Tuệ giác đến vô cùng
Khéo tạm dùng phương tiện
Đạt không, vô tướng nguyện
Bồ Tát do đó sinh
Bốn đẳng tâm, bốn ân
Đem khai hóa chúng sinh
Rõ tất cả như hóa
Như mộng, huyễn, sóng nắng
Như tiếng vang, thân chuối
Ba cõi không sở hữu
Không giữ cũng không bỏ
Không tối cũng không sáng
Không sinh tử Niết Bàn
Bình đẳng như hư không
Thấy cũng chẳng phải thấy
Mới thấy được tất cả
Cái nhìn ngay lúc ấy
Không phân biệt tam thừa
Tất cả đều bình đẳng
Cứu giúp không hạn lượng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Trang Nghiêm Pháp Môn - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Tứ Thập Nhị Chương - Chương Mười Bảy - ánh Sáng đến, Bóng Tối Tan
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bát
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phật độ Nghiêm Tịnh - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Phương Tiện Phật Báo ân - Phẩm Một - Phẩm Tựa
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Năm Mươi Năm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tài Lợi
Phật Thuyết Kinh Niệm Tụng được Lược Ra Trong Kim Cương đỉnh Du Già - Phần Một