Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phật độ Nghiêm Tịnh - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH VĂN THÙ SƯ LỢI
PHẬT ĐỘ NGHIÊM TỊNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẦN BỐN
Khi ấy, Bồ Tát Sư Tử Bộ Lôi Âm từ chỗ ngồi đứng dậy bày vai phải, quỳ gối bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Công đức của Văn Thù Sư Lợi đồng chân được Chư Phật khen ngợi, vậy còn bao lâu nữa mới thành tối Chánh Giác.
Đức Phật bảo: Ông nên đem việc này hỏi thẳng Văn Thù Sư Lợi.
Vâng lời Phật dạy, Sư Tử Bộ Lôi Âm liền đến trước Văn Thù Sư Lợi hỏi: Còn bao lâu nữa thì Nhân Giả mới thành Vô Thượng Chánh Chân tối Chánh Giác?
Văn Thù Sư Lợi đáp:
Ông nên hỏi như vậy: Nhân Giả chí học đạo Vô Thượng Chánh Chân ư?
Vì sao?
Giả sử như thân ta học Phật Đạo thì nên hỏi câu này: Ta không cầu đạo nhân đâu mà thành tối Chánh Giác?
Sư Tử Bộ Lôi Âm hỏi lại: Chứ Nhân Giả không vì chúng sinh mà cầu tối Chánh Giác ư?
Văn Thù đáp: Không. Vì sao?
Vì chúng sinh không thể được. Giả sử chúng sinh có xứ sở thì ta sẽ vì chúng sinh mà cầu Phật Đạo.
Vì sao?
Vì không có ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Do vậy cho nên ta không chí cầu cũng không thoái chuyển.
Sư Tử Bộ Lôi Âm lại hỏi: Nhân Giả không cầu Phật, không hâm mộ pháp Phật ư?
Văn Thù đáp: Không.
Vì sao?
Vì tất cả pháp đều là Phật Pháp. Nếu các pháp không có vô lậu, không thọ nhân duyên, không tưởng thì đó la Phật Đạo. Nên hiểu rõ các pháp như vậy. Lại như ông hỏi kiến lập Phật Pháp, tôi tùy theo ý ông mà trả lời.
Vậy thì ai cầu Phật Đạo?
Sắc là Phật Đạo ư?
Sắc vốn thanh tịnh là Phật Đạo ư?
Sắc ấy vốn không là Phật Đạo ư?
Sắc tự nhiên, sắc đều không, sắc bất chợt, sắc vốn thanh tịnh, sắc vắng lặng, đem sắc pháp này để cầu Phật Đạo thành Chánh Giác ư?
Sư Tử Bộ Lôi Âm đáp: Không. Sắc không phải đạo, vốn thanh tịnh tự nhiên. Do không, tịch nhiên cho nên các sắc pháp không thể cầu đạo, không thành Chánh Giác, pháp cũng như vậy.
Văn Thù Sư Lợi hỏi lại: Thọ, tưởng, hành, thức cùng với thức pháp có thể cầu Phật Đạo không?
Sư Tử Bộ Lôi Âm đáp: Không thể cầu.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Năm ấm thức pháp không thành Chánh Giác.
Ý ông nghĩ sao?
Ngoài năm ấm đó ra thì ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả có thể nói là được không?
Sư Tử Bộ Lôi Âm đáp: Không được.
Văn Thù Sư Lợi hỏi: Như vậy, ta nên phân biệt lấy pháp nào để cầu Phật Đạo thành tối Chánh Giác?
Sư Tử Bộ Lôi Âm hỏi lại: Bồ Tát tân học A Di Điềm nghe lời giáo huấn này không kinh sợ ư?
Vì sao?
Vì danh hiệu Nhân Gia là bậc hướng dẫn đứng đầu trong tất cả, vì chúng mà gánh vác nên nay mới chứng. Vì các Bồ Tát tuyên nói các pháp, không chí cầu đạo, không thành Chánh Giác.
Văn Thù Sư Lợi đáp: Pháp giới không sợ, bản tế không sợ, nghe Phật nói pháp không có kinh sợ. Người có lòng kinh sợ thì ôm lấy sự lo lắng. Người không lo lắng thì xa lìa trần cấu, người ấy nhất định được giải thoát. Do giải thoát cho nên không đắm trước.
Do không đắm trước cho nên không bị trói buộc. Do không trói buộc cho nên không có gì phải thoát. Do không thoát cho nên không từ đâu đến. Do không từ đâu đến cho nên không đi về đâu. Không đi về đâu nên không sở nguyện. Do không sở nguyện nên không chí cầu.
Do không chí cầu cho nên không thoái chuyển, do không thoái chuyển thì liền không thoái chuyển, không không bất chuyển, không tưởng, không nguyện. Bản tế này là pháp Phật không chuyển, pháp Phật vô tac, không có biên tế. Pháp Phật không đắm trước thì không có nương cậy, pháp Phật không hành cũng không tinh tấn, không có sở hành cũng không có giáo lệnh, các pháp Phật ấy mượn có danh hiệu.
Lại nữa, pháp không, không từ đâu sinh, không từ đâu đến, không đi về đâu.
Lại nữa, pháp Phật không lìa trần lao tham, giận, si mê, tật đố. Pháp Phật không nhiễm nghiệp trần lao, không có ngã vắng lặng, không niệm, sở hành không niệm, vô tận không khởi, bình đẳng không tà vạy thì mới là pháp Phật, cũng không phải phi pháp.
Vì sao?
Vì không có xứ sở cho nên không thể hành. Đây mới gọi là pháp Phật. Nếu có Bồ Tát tân học nghe nói lời này, nếu người kinh sợ thì mau chóng thành Chánh Giác, còn không kinh sợ thì không thành Chánh Giác.
Sư Tử lôi âm hỏi Văn Thù Sư Lợi: Vì ai mà nói lời này?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Vì người kinh sợ mới có vọng tưởng, do có vọng tưởng nên tâm tự nghĩ rằng: Thân ta sẽ được thành Tối chánh giac. Vì lý do đó cho nên mới khởi ý đạo chí cầu Chánh Giác.
Ý ông nghĩ sao?
Xưa nay chưa từng có giác thành không ư?
Sư Tử Bộ Lôi Âm đáp: Chưa.
Văn Thù lại hỏi: Đức Thế Tôn không nói tất cả các pháp như hư không ư?
Sư Tử Bộ Lôi Âm đáp: Có nói.
Văn Thù Sư Lợi nói: Đạo cũng như hư không, hư không như đạo. Đạo như hư không, nên hư không cùng với đạo không có hai, không thể phân biệt. Ai hiểu như vậy tức là không có sở tri, cũng không thể không có tuệ.
Lúc Văn Thù Sư Lợi nói lời này, bốn ngàn Tỳ Kheo lậu tận ý giải, mười hai ức chúng được pháp nhãn tịnh, chín vạn sáu ngàn người từ xưa đến nay chưa từng phát đạo tâm nay đều phát tâm Vô Thượng Chánh Chân, bốn vạn hai ngàn người được pháp nhẫn không từ đâu sinh.
Lúc đó, Bồ Tát Sư Tử Bộ Lôi Âm hỏi Văn Thù Sư Lợi: Phát ý bao lâu thì mới phát đạo tâm?
Văn Thù Sư Lợi đáp: Thôi, thôi, này thiện nam! Chớ có vọng tưởng như vậy. Tất cả các pháp đều không có sở sinh. Giả sử nói rằng ta phát đạo tâm, ta hành đạo thì đó là rơi vào đại tà kiến.
Vì sao?
Vì nay quán sát tâm vĩnh viễn không thấy tâm phát đạo ý, lại cũng không thấy kia phát đạo tâm, ta cũng không thấy sự tồn tại của đạo tâm. Vì lẽ đó cho nên ta không phát đạo tâm.
Sư Tử Bộ Lôi Âm lại hỏi: Nhân Giả nói rằng không có sở kiến thì tại sao nay lại tuyên nói chương cú này?
Văn Thù đáp: Không sở kiến mới là giáo pháp bình đẳng, hướng đến không sở kiến mới gọi là chương cú ngôn từ bình đẳng.
Sư Tử Bộ Lôi Âm hỏi: Cớ gì nói hướng đến bình đẳng?
Văn Thù đáp: Bình đẳng mà ông vừa hỏi đó, thật chưa phải bình đẳng. Bình đẳng ấy nó không có hành pháp, đối với bình đẳng ấy không có thí dụ, không thấy các pháp mới là bình đẳng. Nếu nói lời này tức là nói một việc, nếu việc vắng lặng thì không có trần lao.
Không vì sân hận mà nói Kinh Pháp không có đoạn diệt, không chấp thường, không khởi không diệt, không có ngã cũng không chấp thọ, không đưa lên, không hạ xuống, không cao, không thấp. Tuy có nói ra nhưng không có vọng tưởng, cũng không có suy nghĩ tìm cầu.
Nếu Thiện Nam Tử hiểu được nghĩa này mà phụng hành thì mới gọi là bình đẳng. Lại có Bồ Tát nhập vào pháp mà không thấy là bình đẳng, cũng lại không phải một thì mới gọi là bình đẳng. Cái bình đẳng ấy tức là không thiên về bên này hay bên kia, không thiên hai bên ấy là thanh tịnh thậm thâm.
Khi ấy, Bồ Tát Sư Tử Bộ Lôi Âm bạch trước Phật: Bạch Thế Tôn! Lời nói của Văn Thù Sư Lợi cao vời vợi như vậy, vậy thì từ khi phát đạo tâm cho đến nay đã bao lâu rồi?
Đại chúng hiện đang khát ngưỡng rất muốn được nghe.
Đức Phật dạy: Này thiện nam! Văn Thù Sư Lợi đối với nhẫn thậm thâm vi diệu, nhập vào nhẫn thậm thâm đó không chóng được đạo, cũng không thành Phật, không được tâm. Vì không sở đắc cho nên không nói phát tâm đã được bao lâu.
Nay ta vì các ông mà giải nói. Từ lúc mới phát tâm cho đến đời quá khứ bảy ngàn A tăng kỳ hằng hà sa kiếp, thuở đó, có Phật Hiệu Lôi Âm Hưởng Như Lai Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Phương Đông cách Thế Giới này bảy mươi hai ức Cõi Phật, có Thế Giới tên là Khoái Thành. Đức Phật ấy tuyên nói giáo pháp ở cõi ấy, đệ tử Thanh Văn tám mươi bốn ức trăm ngàn vạn chúng, số Bồ Tát lại gấp bội số ấy.
Lúc đó, có Chuyển luân thánh Vương tên là An Bạc hiệu là Pháp Vương, đem chánh pháp sửa trị dân chúng, làm Vua bốn Thiên hạ, Vua có bảy báu thánh Vương. Khi ấy, Vua đến chỗ Lôi Âm Hưởng Như Lai dốc ý cúng dường, tám vạn bốn ngàn năm khiến được an ổn.
Vua suy nghĩ rằng: Ta đã tích tập công đức vô lượng, không dùng tam này mà nên đem công đức căn bản để rộng tu khuyến hóa.
Vua lại nghĩ tiếp: Vậy đem đức khuyến hóa này để mong cầu nguyện gì?
Là cầu Thiên đế, Phạm Vương, Chuyển Luân Thánh Vương, Thanh Văn, Duyên Giác ư?
Khi Vua mới khởi tưởng như vậy thì đồng thời trên hư không có tiếng nói lớn: Này Đại Vương! Chớ khởi ý thấp kém như vậy, mà nên phát tâm Vô Thượng Chánh Chân. Vua nghe lời này rồi rất vui vẻ, tâm từ lan rộng ý không thoái chuyển.
Vì sao?
Vì Trời người đã chỉ rõ ý ta, biết được tâm niệm ta.
Lúc đó, An Bạc Vương cùng với đại chúng chín mươi sáu ức vạn người đến chỗ Lôi Âm Hưởng Như Lai đảnh lễ sát chân, nhiễu quanh bên phải bảy vòng, rồi lui ngồi một bên nói kệ khen rằng:
Muốn hỏi pháp thù thắng
Dùng lời hay trả lời
Vì sao người thế gian
Muốn đạt đến tối thắng?
Cúng dường khắp tất cả
Tự quay về hộ thế
Dùng tâm không đắm trước
Khuyến hóa giúp tất cả.
Thế Tôn quán sát biết
Con vắng lặng phát tâm
Với cúng dường rộng lớn
Để mong cầu gì đây?
Thiên đế hay Phạm Vương
Làm Vua bốn Thiên hạ
Hay là cầu Thanh Văn
Hoặc là Duyên Giác thừa?
Con vừa nghĩ như vậy
Trong không tuyên hồng âm
Nhân Giả hãy cẩn thận
Chớ phát tâm hạ liệt,
Nên vì khắp tất cả
Phát khởi tâm vi diệu
Khai sáng ý đạo cả
Nhiêu ích khắp thế gian.
Nay muốn hỏi Thế Tôn
Trong các pháp tự tại
Làm sao phát khởi tâm
Mà không mất ý đạo?
Xin nói nghĩa thú này
Nhân gì được biến lập
Như những gì con làm
Mong phát tâm bồ đề.
Thiên Trung Tôn nguyện nói
Chương cú thượng vi diệu
Đại Vương nên lắng nghe
Ta sẽ hướng dẫn lần,
Vì thương xót chúng sinh
Ưa trụ nơi pháp bản
Theo như thệ chí nguyện
Chóng thành tựu nguyện vọng.
Ta từng ở quá khứ
Nhân phát khởi đạo tâm
Thương xót các chúng sinh
Mà phát thệ nguyện này.
Theo như chí nguyện đó
Cũng như tâm suy nghĩ
Phật Đạo không lay động
Bậc Thánh ở thế gian.
Đại Vương nên gắng chí
Tạo lập tâm cực thượng
Nếu tu các chánh hạnh
Rồi cũng sẽ thành Phật.
Khi nghe lời Phật dạy
Ý Vua rất vui mừng
Khắp tất cả thế gian
Nói như Sư Tử rống
Giả sử ở đời trước
Không biết nguồn sinh tử
Vì mỗi mỗi nhân hạnh
Như bao nhiêu chúng sinh,
Nay phát khởi đạo tâm
Vì tất cả thế gian
Mong rằng các chúng sinh
Không rơi vào nghèo cùng.
Từ hôm nay trở đi
Giả sử sinh tâm dục
Là khi dối Chư Phật
Hiện tại Thánh mười phương.
Nếu sinh sân hận ghét
Tật đố và xan tham
Chưa từng bị vi phạm
Chí thành Nhân Trung Tôn.
Thường luôn tu phạm hạnh
Bỏ dục xả uế ác
Nên học theo Chư Phật
Giới cấm tánh điều hòa,
Không vì bốn sắc này
Chóng thành Phật Chánh Giác
Vì tất cả như thế
Nên làm ngay đời này.
Thường nghiêm tịnh Cõi Phật
Vô hạn chẳng nghĩ bàn
Nên tuyên truyền danh xưng
Thông suốt khắp mười phương,
Chỉ Phật được thọ tuệ
Thành Phật Nhân Trung Thượng
Khiến tâm ấy thanh tịnh
Không còn các do dự.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba