Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Ba - Phẩm địa Ngục - Tập Ba Mươi Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM BA
PHẨM ĐỊA NGỤC
TẬP BA MƯƠI BA
Lại nữa, Tỳ Kheo ấy biết quả báo của nghiệp, lại quan sát nơi chốn của đại địa ngục A tỳ. Vị ấy thấy, nghe, biết còn có chốn tên Thập nhất diệm, là chốn thứ mười sáu trong đại địa ngục A tỳ.
Chúng sinh vì nghiệp gì mà sinh vào chốn này?
Vị ấy thấy, nghe, nhận biết có người tạo ác, tâm xấu ác cực độ, phá hoại, hủy diệt Tượng Phật, Tháp Phật, nhà cửa, chùa chiền của Chúng Tăng, phá hủy cả tranh vẽ hình tượng Phật, Kinh Sách, trụ xứ của các Bậc Thánh.
Hoặc có kẻ không phải là đệ tử của Phật, đã không tin Phật, lại tự xưng mình là đệ tử của Phật, vì muốn xin trừ bỏ tội lỗi mà tìm đến nghe Phật Pháp, nghe rồi không sinh tin tưởng, hội nhập, mà lại tạo nhiều hành động chê bai, hủy báng pháp. Do nhân duyên của nghiệp ác ấy, nên sau khi qua đời, người kia bị đọa vào chốn Thập nhất diệm trong đại địa ngục A tỳ, chịu khổ bức vô cùng tận.
Những khổ não ấy như trước đã nói trong bảy đại địa ngục: Hoạt, Hắc Thằng… tất cả khổ não đó ở đây đều có đủ, lại nhiều gấp trăm lần.
Còn có những thống khổ hơn nữa: Chốn Thập nhất diệm này có hơn một ngàn con rắn độc. Loài rắn ấy rất nhiều, đầy cả nơi các chốn thuộc địa ngục. Tội nhân đi qua, đi lại bị Diêm Ma La cầm gậy đánh đập, khiến phải chạy mau nên bị rắn độc cắn, lại có khi bị lửa đốt cháy dữ dội.
Người kia như thế là bị hai thứ lửa thiêu. Một là bị lửa độc, hai là bị lửa nơi địa ngục, nên kêu gào thảm thiết, rồi chạy tới lui cùng khắp.
Diêm Ma La bắt lại, quở trách nói kệ:
Ngươi bị say ái độc
Tất cả lực tâm si
Ngu độn về chánh pháp
Ngày nay phải kêu gào.
Thấy nghiệp ác ưa thích
Chỉ ham vui hiện tại
Tạo tác đầu tuy ngọt
Về sau như lửa độc.
Người gây ra nghiệp ác
Bị mọi người chê mắng
Còn tạo thiện được khen
Thế nên phải bỏ ác.
Thấy nó không ưa thích
Vì báo ác khổ não
Tạo ác, lấy quả ác
Nên người trí xả bỏ.
Tạo ác không thể mất
Tất cả có quả báo
Điều ác đã tạo ra
Do tâm nên đã tạo.
Do tâm mà tạo ác
Do tâm mắc quả báo
Tất cả do tâm tạo thành
Tất cả đều do tâm.
Tâm lừa gạt chúng sinh
Vị lai đến chỗ ác
Chốn địa ngục ác này
Là khổ ác bậc nhất.
Chớ hệ thuộc vào tâm
Nên theo pháp thực hành
Hành theo pháp thường vui
Theo ác không tịch tĩnh.
Phi pháp, quả bất thiện
Do không thọ điên đảo
Tất cả các quả báo
Theo nhân thấy tương tợ.
Quả tương tự với nhân
Tướng khác không nhân quả
Cho nên pháp vô thường
Đều do nhân duyên sinh.
Không nhân, không có quả
Hơn hết trong địa ngục
Nếu nhân quả tương ưng
Trong địa ngục đốt cháy.
Nghiệp tạo tác đã nên
Chắc chắn đọa đường ác
Nghiệp quả trói liên tục
Nấu chín trong địa ngục.
Nếu dùng cách sám hối
Thì nghiệp ác tiêu sạch
Không bị quả đáng ghét
Như Đức Phật đã nói.
Thế gian nhờ ánh sáng
Như nghiệp nhân có quả
Nghiệp, quả làm nhân nhau
Tất cả pháp cũng vậy.
Theo nhân duyên qua lại
Chúng hoạt động với nhau
Tương tự tùy thuận buộc
Như Đức Phật đã nói.
Tất cả pháp thế gian
Thảy đều có nhân quả
Không phải tự nhiên sinh
Như Đức Phật đã nói.
Sinh tử vô thỉ kiếp
Đều do nhân duyên sinh
Theo nghiệp thấy tương tự
Các pháp đều giống nhau.
Nếu biết mà ưa tạo
Nghiệp chúng sinh sẽ sinh
Người kia biết quả nghiệp
Nên gọi người tịch tĩnh.
Tự chính mình tạo ác
Thường bị lưới si trói
Đã tạo nghiệp ác rồi
Tâm hối hận làm gì.
Ác thường dựa nơi ác
Pháp thường dựa theo pháp
Người trí đều lìa bỏ
Như Đức Phật đã nói.
Đạo làm cho phi đạo
Là hiểu lầm Phật Pháp
Sẽ không được tịch tĩnh
Như giữa trưa không bóng.
Ai không hiểu nhân duyên
Không hiểu pháp, phi pháp
Ngươi đến địa ngục ác
Chốn khổ não cùng cực.
Diêm Ma La dùng lời ứng hợp quở trách, rồi nổi giận cầm giáo, mâu và vô số dụng cụ như gậy gộc, dây để trói gô tội nhân lại. Do tạo nghiệp ác nên luôn luôn bị chẻ, chặt, đánh… bị hành hạ như vậy mà nghiệp ác, bất thiện đã tạo vẫn chưa hoại, chưa tan, ảnh hưởng của nghiệp chưa hết, nên không bao giờ ngừng khổ.
Nếu nghiệp ác hết, người kia mới thoát khỏi chốn này. Thoát ra rồi, trải qua bảy trăm đời làm thân ngạ quỷ ăn phân dơ, là do sức mạnh còn lại của nghiệp ác.
Nếu thoát được kiếp ngạ quỷ, lại trải qua năm trăm đời làm thân súc sinh, mang thân loài giun, cũng là sức mạnh còn lại của nghiệp ác. Thoát thân súc sinh, được sinh làm người, ở chỗ hợp với nghiệp thì sinh vào biên địa, thân đen đúa, ở chỗ ẩm ướt nơi nhà chài cá, ruộng nước mất mùa, sinh sống rất khó khăn, phải ăn những thứ trùng trong nước. Đó là quả báo của nghiệp ác còn sót lại.
Lại nữa, Tỳ Kheo ấy biết quả báo của nghiệp, lại quan sát các nơi chốn của đại địa ngục A tỳ, không thấy có chốn thứ mười bảy. Nhìn xuống phía dưới không có, bốn bên cũng đều không, tế thô cũng đều không, gần xa cũng vậy, tất cả đều không thấy.
Vị ấy tư duy như vậy: Do tư duy kiến đạo mà quán xét hết cả biên vực, tám đại địa ngục đều có mười sáu nơi chốn tùy thuộc, đó là biên giới cuối cùng của người gây nghiệp ác. Tất cả kẻ phàm phu ngu si, kẻ tạo nghiệp ác gây dựng nên vùng này, chịu lấy quả báo rõ ràng.
Trong tám đại địa ngục với các chốn tùy thuộc, ta không thấy có đại địa ngục nào khác nữa. Lại cũng không có nghiệp nào khác để sinh vào chỗ khác, không có chỗ ác nào khác nữa. Những chốn khổ não trong địa ngục A tỳ nơi chúng sinh sinh vào, những khổ não đó, trong ngàn phần chưa nói được một phần.
Vì sao?
Vì nói không thể hết, không thể được nghe, không thể ví dụ. Nỗi khổ địa ngục vô cùng ác độc, vững chắc, là nỗi khổ lớn lao không thể nhẫn chịu. Nỗi khổ ấy không có nỗi khổ nào tương tự như vậy, không thể ví dụ được.
Vì sao?
Vì không có ai có thể nói ra, không ai nghe thấy. Nếu có người nói, nếu có người nghe kẻ ấy sẽ ói máu mà chết. Địa Ngục ấy không thể ưa thích, không thể nhớ nghĩ. Nỗi khổ của địa ngục ấy là nỗi khổ trong các nỗi khổ.
Tỳ Kheo kia quan sát về đại địa ngục rồi thì sinh tâm nhàm chán đối với tất cả khổ não của sinh tử. Quán xét về vô thường, khổ, không, vô ngã, thấy tất cả pháp đều vô thường. Tư duy về Thánh Đế thì càng sinh tâm nhàm chán nơi sinh tử. Sinh tử như vậy là rất xấu ác, tồi tệ.
Tỳ Kheo kia quán xét như thế rồi sinh tâm như vậy: Các chúng sinh này vì không có thiên nhãn nên không biết về quá khứ mình đã lìa bỏ việc nghe chánh pháp. Khổ não trong địa ngục là khổ não bậc nhất, chốn ác bậc nhất, vậy mà chúng sinh cứ sinh vào. Kẻ phàm phu ngu si từ vô thỉ đã bị lưới ái trói buộc trong sinh tử.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát các pháp hành, biết Tỳ Kheo kia theo thứ tự quan sát về tất cả chốn ác, từ địa ngục Hoạt cho đến địa ngục A tỳ.
Vị ấy biết hết tất cả quả báo của nghiệp đó và chứng đắc địa thứ mười ba, không thích cảnh giới ma. Do thoát ra khỏi lưới ái nên ái không còn chi phối nữa, không trụ ở cảnh giới ma, ưa thích vô thường. Tỳ Kheo kia muốn đoạn hết mọi thứ kết sử để nhập thành Niết Bàn.
Dạ Xoa trên đất thấy vị ấy tinh tấn, sinh tâm hoan hỷ, nói với Dạ Xoa Hư Không như vậy: Trong cõi Diêm Phù Đề, thuộc nước… thôn… có Thiện Nam họ… tên… đã cạo bỏ râu tóc, mang pháp y, xuất gia vì có chánh tín, chánh hạnh, chánh đạo, chánh kiến, không tà, hành đạo xuất thế gian, biết quả báo của nghiệp, đạt được địa thứ mười ba, thấy rõ tất cả biên vực của địa ngục cùng mọi khổ não ở cõi vô gián.
Dạ Xoa trên đất nói đầy đủ cho Dạ Xoa Hư Không nghe. Dạ Xoa Hư Không hướng đến tâu với Tứ Đại Thiên Vương như trước đã nói. Tứ Đại Vương hướng đến tâu với Tứ Thiên Vương. Tứ Thiên Vương lại tâu lên Trời Tam Thập Tam. Trời Tam Thập Tam hướng đến tâu với Trời Dạ Ma. Trời Dạ Ma lại hướng đến tâu với Trời Đâu Suất. Trời Đâu Suất tâu với Trời Hóa Lạc.
Trời Hóa Lạc tâu với Đệ Lục Thiên, cho đến tâu với Trời Thiểu Quang, như vậy: Chư Thiên nay nên lắng nghe, giữ tâm chánh niệm. Trong cõi Diêm Phù Đề, ở nước…, thôn…, có Thiện Nam họ…, tên…, đã cạo bỏ râu tóc, mặc pháp ý, xuất gia theo chánh tín, chân chánh hành theo pháp, chưa từng dừng nghỉ.
Tâm không thích cảnh giới của ma, không ưa ái nhiễm, không ưa dục nhiễm với cảnh giới của sắc, thanh, hương, vị, xúc, đã đạt được địa thứ mười ba. Tất cả nghiệp báo trong tám đại địa ngục, vị ấy đều biết tường tận. Tỳ Kheo kia biết như vậy rồi, nên nhàm chán sinh tử trong vô minh tối tăm. Các vị Trời nên biết, quân ma đã bị tổn giảm, bạn chánh pháp đã được tăng trưởng.
Trời Thiểu quang nghe như vậy thì vô cùng hoan hỷ. Do họ nghe quân ma tổn giảm, bạn chánh pháp tăng trưởng nên hết sức hoan hỷ. Chư Thiên ở cõi ấy được nghe chánh pháp nên vui mừng như vậy. Chư Thiên chưa nghe pháp Phật hãy còn hoan hỷ, Chư Thiên nghe rồi thì cũng hoan hỷ, huống chi là người tùy thuận tín tâm mà thực hành.
Các bậc Chánh sĩ đã thấy rõ chân lý nghe Tỳ Kheo kia biết pháp quả báo của nghiệp, khiến cho chánh pháp tăng trưởng mà sao lại không hoan hỷ?
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Hai - Hai Pháp - Phẩm Mười Năm - Phẩm Nhập định
NẾU MUỐN THẤY CHỚ NÊN CHẤP TƯỚNG
Phật Thuyết Kinh Khởi Thế - Phẩm Bốn - Phẩm địa Ngục - Tập Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Huỷ Báng Bát Nhã
Phật Thuyết Kinh Khen Ngợi Công đức Của Chư Phật - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Mười Chín - Phẩm Quán Hạnh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Hai Mươi Ba - Thọ Ký Quảng Quả Thiên
Phật Thuyết Kinh Kim Quang Minh Hợp Bộ - Phẩm Tám - Phẩm Không
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Hai - Phẩm Học Quán - Phần Một