Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BẢY

PHẨM THÂN NIỆM XỨ  

TẬP BA  

Lại nữa, người tu hành quán thân tuần tự theo nội thân. Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy túy vị trùng ở ngay nơi đầu lưỡi cho đến ở nơi huyết mạch của sự sống. Trong khoảng đó, hoặc đi hoặc đứng, nó vi tế không chân, hoặc ăn thức ăn ngon thì trùng tăng thêm sự mê loạn, hoặc ăn không ngon thì trùng khô yếu.

Trùng ấy lúc ăn như ong hút hoa, chọn mùi vị ngọt ngào dùng để làm mật, trùng thích ăn mùi vị cũng lại như vậy, dù thức ăn tuy vi tế nhưng cũng được đầy đủ. Nếu trùng được mùi vị ta cũng được mùi vị này. Nếu trùng nhớ thức ăn thì ta cũng nhớ thức ăn. Nếu ta không ăn thì trùng say, nên phát bệnh khổ, không được an ổn. Quán xét túy trùng rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, quan sát trùng phóng dật.

Tại sao trùng này làm ta bệnh hoạn, hoặc tạo an ổn?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy trùng phóng dật sống ở trên đỉnh đầu. Nếu đến bộ não khiến người tật bệnh, hoặc đến nơi cổ khiến người sinh các bệnh nhọt, hoặc đến yết hầu, giống như kiến bò đầy trong yết hầu, nếu sống ở chỗ cũ thì bệnh không sinh. Đó gọi là quan sát về trùng phóng dật. Quán xét như vậy rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, quan sát về trùng ham thích sáu mùi vị, gây bệnh hoạn như thế nào, hoặc an ổn ra sao?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy chỗ ham thích của loài trùng này thì ta cũng ham thích, tùy theo mùi vị ấy trùng không ưa thích thì ta cũng không ưa thích. Nếu bị bệnh nhiệt thì trùng cũng bị bệnh trước. Do lỗi lầm ấy khiến người bệnh ăn không ngon, ăn không biết mùi vị. Quán xét vị trùng rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân. Quan sát trữ khí trùng sống dưới đỉnh đầu. Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy trữ khí trùng vì sân giận ăn não tạo thành lỗ hổng, khiến hoặc đau yết hầu, hoặc yết hầu bị tắc nghẽn, hoặc hơi thở mắc nghẹn ở đấy.

Sinh cái khổ đến chết, trữ khí trùng này cùng tất cả các trùng trong yết hầu đều nhiễu loạn khiến phát sinh các bệnh tật. Trữ khí trùng thường ẩn núp trong nước miếng, loài trùng ấy nhỏ và ngắn, có mặt có chân. Quán xét trữ khí trùng rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân. Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy Tắng vị trùng sống ở dưới đầu và chỗ yết hầu giáp nhau.

Tại sao trùng ấy làm ta bệnh hoạn, hoặc tạo sự an ổn?

Hành giả thấy trùng này ghét bỏ các mùi vị chỉ thích một mùi vị. Hoặc thích vị ngọt ghét các vị khác, hoặc thích vị chua ghét các vị khác, hoặc thích vị cay ghét các vị khác, hoặc thích vị mặn ghét các vị khác, hoặc thích vị đắng ghét các vị khác, hoặc thích vị nhạt ghét các vị khác, tùy theo chỗ ghét mùi vị gì của trùng ta cũng ghét mùi vị ấy, tùy theo chỗ trùng ham thích ta cũng ham thích như vậy.

Đầu lưỡi có mạch tùy thuận với mùi vị, vì trùng sân giận khiến lưỡi khô cứng, khiến lưỡi bị đau nhức, hoặc khiến yết hầu bị bệnh ngứa. Nếu trùng không sân giận thì yết hầu không bị các bệnh như trên. Quán xét tắng vị trùng rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, thấy trùng ưa thích ngủ hình tướng vi tế, dáng như bụi đất, sống nơi các mạch thông hành đến mùi vị, ở trong xương tủy, hoặc ở trong thịt, hoặc ở trong sọ.

Hoặc ở trong má, hoặc trong xương răng, hoặc trong xương yết hầu, hoặc trong tai, hoặc trong mắt, hoặc trong mũi, hoặc trong râu tóc. Trùng ưa thích ngủ này theo gió thổi lưu chuyển, nếu trùng ấy bệnh hoặc trùng rất mệt mỏi, sống ở trong tim, tim giống như hoa sen, ngày thì nở ra dù không có ánh sáng mặt trời, đêm thì hợp lại.

Trùng ở trong đó giữ lấy nhiều cảnh giới, các căn rất mệt mỏi thì trùng ngủ nghỉ, vì trùng ngủ nên người cũng ngủ, tất cả chúng sinh đều có ngủ nghỉ. Nếu trùng này ngủ ban ngày thì rất mệt mỏi, người cũng ngủ theo. Quán xét trùng ưa thích ngủ rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, thấy có thũng trùng đi trong thân, hoặc sống trong đầu, hoặc ở trong cổ, hoặc đi trong máu, hoặc đi trong mỡ, thân nó vi tế, tùy theo chỗ mà uống máu, tức có chỗ bị sưng lên, dần dần đau nhức.

Hoặc ở trên mặt, hoặc ở nơi cổ, hoặc ở trong yết hầu, hoặc trong não, hoặc ở chỗ khác. Ở nơi chốn nào cũng có thể khiến sưng lên. Nếu ở trong gân thì không bệnh khổ. Quán xét thũng trùng rồi thì biết như thật về thân.

Như vậy, các Tỳ Kheo tại thôn xóm của Bà La Môn Trưởng giả ở Na La Đế là người tu hành, quan sát các loại trùng, từ loài ở trong đầu đến lưỡi, tai, não, miệng, trong lỗ chân lông, tóc, trong da, thịt, xương, máu, gân, mạch đều quan sát đúng như thật. Đã quan sát rồi, ở trong mùi vị nơi lưỡi tâm sinh nhàm chán, xa lìa, đối với chỗ phát sinh sau, không còn ham thích mùi vị nữa.

Ở trong vô lượng vô biên do tuần nơi biển tham ái mùi vị trói buộc, có thể sinh chán lìa, vì chán lìa nên không bị phiền não nhiễu loạn do ham thích thức ăn, lại không thân cận với hàng trưởng giả giàu sang, xa lìa chốn đa dục, đối với thức ăn thì biết đủ để nuôi thân, do ý nghĩa ấy nên không ganh ghét người khác khi họ được cúng dường.

Không ưa nói nhiều, không tham đắm chùa chiền, không khởi sự kiêu mạn về thân, không sinh kiêu mạn về hình sắc, không dựa vào y phục để sinh kiêu mạn, không dựa vào ca sa, bình bát để sinh kiêu mạn. Không sinh kiêu mạn dựa vào đệ tử, không sinh kiêu mạn dựa vào xóm làng, không sinh kiêu mạn dựa vào bà con thân thuộc.

Hoàn toàn không tham gì cả, xa lìa mọi phiền não cấu uế trụ nơi tịch tĩnh, gần với Niết Bàn. Nếu ham thích mỹ vị, chìm đắm nơi biển mùi vị, bị lệ thuộc theo ma thì xa cách Niết Bàn. Người tu hành này quán xét các trùng rồi, đối với mùi vị đều chán lìa, không tham việc ăn uống.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, quan sát đúng như thật về xương sống. Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy xương sống có bốn mươi lăm đốt, xương ngực có mười bốn, xương sườn hai bên hông đều có mười hai, khớp xương cũng như vậy, xương bọc cũng thế.

Như vậy, phân biệt quán xét về xương gân rồi, lại quan sát từ vai xuống đến hông, phân ra bao nhiêu miếng thịt?

Như vậy là hai bên đều có mười hai miếng. Quán xét rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, có bao nhiêu gân nối nhau liên tiếp một cách chặt chẽ?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy hai bên hông ngoài da thịt ra thì có một trăm gân nhỏ kết nối chằng chịt. Quán xét gân kết nối xung quanh rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, quan sát thân này từ bắp tay đến hông có bao nhiêu mỡ?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, tự thấy thân mình, nhờ vào ăn uống nên mỡ tăng thêm, cũng do ăn uống mà khiến mỡ tổn hao. Người rất gầy ốm, người Ma Kiệt Đà… chỉ có năm lượng mỡ. Đã quan sát rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, quán xét thân này của ta có bao nhiêu nước?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, tự thấy trong thân có mười bụm nước, từ lỗ chân lông ra gọi là mồ hôi, ở trong các căn mắt chảy ra nước mắt gọi là thấp giới, nhờ ăn uống, mỡ, máu tăng thêm. Quán xét nước trong thân rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, quán xét trong thân này có bao nhiêu phẩn uế?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, tự thấy trong thân có bảy bụm phẩn, có sáu bụm nước giải. Quan sát thân này rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, quan sát trong thân ta có bao nhiêu đàm và nước tiểu?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, tự thấy trong thân có năm bụm đàm vàng và có bốn bụm nước tiểu, trừ lúc thân bệnh hoặc tăng hoặc giảm. Quan sát như vậy rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, quan sát trong thân ta có bao nhiêu mỡ, tủy, tinh uế bất tịnh?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy trong thân có mười hai bụm mỡ, tủy có một bụm, tinh có một bụm. Quan sát như vậy rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, quan sát trong thân có bao nhiêu gió?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy chỗ trống trong thân có ba bụm gió. Quan sát như vậy rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, quan sát trong thân có bao nhiêu mạch máu luôn lưu chuyển giúp ăn uống tiêu hóa?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy trong thân có mười ba mạch máu, nếu mạch lưu chuyển vào một chỗ thì khiến thân mập mạp, vui vẻ, ví như máy lấy nước, chảy rót vào một chỗ thì nước dồi dào, tràn trề, nên thân mạch lưu chuyển vào một chỗ thì cũng như vậy.

Những gì là mười ba?

1. Mệnh lưu mạch.

2. Tùy thuận lưu mạch.

3. Thủy lưu mạch.

4. Hãn lưu mạch.

5. Niệu lưu mạch.

6. Phẩn lưu mạch.

7. Thập lưu mạch.

8. Trấp lưu mạch.

9. Nhục lưu mạch.

10. Chỉ lưu mạch.

11. Cốt lưu mạch.

12. Tủy lưu mạch.

13. Tinh lưu mạch.

Quan sát mạch lưu chuyển rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, như mạch lưu chuyển kia lấy cái gì làm gốc khiến thân mập mạp?

Lại có các trùng di chuyển khắp cơ thể. Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy mạch lưu chuyển theo thân mạng lấy tâm làm gốc. Mạch lưu chuyển tùy thuận lấy hai hông làm gốc. Mạch lưu chuyển theo nước lấy sinh tạng, gan, tim làm gốc.

Mạch lưu chuyển thành mồ hôi lấy chân lông và mỡ làm gốc. Mạch lưu chuyển thành nước tiểu lấy căn bào làm gốc. Mạch lưu chuyển thành phẩn lấy thục tạng, hậu môn làm gốc. Mạch lưu chuyển đầy đủ lấy yết hầu và tim làm gốc. Mạch lưu chuyển thành chất lỏng lấy phổi làm gốc.

Mạch lưu chuyển theo thịt và mỡ lấy gân, da làm gốc. Mạch lưu chuyển nơi xương thì lấy tất cả khớp xương nối nhau làm gốc. Mạch lưu chuyển nơi tủy tinh lấy trứng và thân căn làm gốc. Như vậy, hành giả quán xét mạch lưu chuyển rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân tuần tự theo nội thân, có những loại trùng nào?

Lưu hành ở những chỗ nào?

Hoặc gây tật bệnh, hoặc khiến an ổn, từ xương hông cho đến khắp thân. Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy có mười loại trùng đến chỗ gan, phổi thì khiến người bị bệnh.

Những gì là mười?

1. Thực mao trùng.

2. Khổng huyệt hành trùng.

3. Thiền đô ma la trùng.

4. Xích trùng.

5. Thực trấp trùng.

6. Mao đăng trùng.

7. Sân huyết trùng.

8. Thực huyết trùng.

9. Tập tập trùng.

10. Tạc trùng.

Đây là các loại trùng hình tướng vi tế, không chân, không mắt, lưu chuyển trong máu làm cho đau ngứa.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, quán xét từng loại trùng ở trong thân, hành động như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, thấy thực mao trùng nếu sân giận có thể ăn râu mày khiến chúng rơi rụng và người ấy bị bệnh hủi.

Nếu trùng Khổng huyệt hành mà khởi giận dữ, đi trong máu khiến thân thô cứng, tê liệt.

Hoặc trùng Thiền đô ma la lưu hành trong máu, hoặc ở trong mũi, hoặc ở trong miệng, khiến mũi miệng của người ấy thảy đều hôi hám.

Hoặc Xích trùng khởi sân giận đi trong máu thì có thể làm cho yết hầu người ấy sinh bệnh viêm nhiễm.

Hoặc Thực trấp trùng khởi sân giận đi trong máu thì khiến cho thân thể người xanh xao, hoặc đen, hoặc vàng với bệnh tê bại.

Hoặc Mao đăng trùng khởi sân giận lưu chuyển trong máu thì sinh bệnh khổ về ghẻ lác, nóng vàng, lở lói.

Hoặc Sân huyết trùng nổi giận lưu chuyển trong máu, thì hoặc tạo bệnh sởi, người nữ bị lưu huyết, thân thể ghẻ lác ngứa, mụt nhọt ung mủ.

Hoặc Thực huyết trùng sân giận thì sinh bệnh não, xoay chuyển trên đỉnh đầu, trong yết hầu, trong miệng sinh mụt nhọt, hậu môn mọc ghẻ.

Hoặc Tập tập trùng lưu chuyển trong máu thì sinh bệnh mệt mỏi, không muốn ăn uống.

Hoặc Tạc trùng sân giận thì cũng khiến cho người ấy mắc bệnh như thế.

Như vậy, tất cả các trùng và chủng loại của chúng đã quan sát rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân tuần tự theo nội thân, quan sát mười loại trùng lưu chuyển trong thân.

Những gì là mười?

1. Sinh sang trùng.

2. Thích trùng.

3. Bế cân trùng.

4. Động mạch trùng.

5. Thực bì trùng.

6. Động chỉ trùng.

7. Hòa tập trùng.

8. Xú trùng.

9. Thấp trùng.

10. Nhiệt trùng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần