Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Hai Mươi

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BẢY

PHẨM THÂN NIỆM XỨ  

TẬP HAI MƯƠI  

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân: Qua cõi Uất Đan Việt, Cù Đà Ni, giữa hai cõi ấy lại có những núi rừng, biển và bãi nhỏ nào?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy: Giữa hai cõi Uất Đan Việt và Cù Đà Ni có một biển lớn tên là Phổ Nhãn, rộng một vạn do tuần, có một vùng nước xoáy rộng một do tuần, do sức mạnh của rồng tạo thành.

Qua khỏi biển lớn ấy có một núi lớn tên Du Hý Man, ngang dọc mười ngàn do tuần, do hơi rồng thiêu đốt nên núi có màu như mực đen.

Vượt hết vùng núi này, có một biển lớn tên Cụ Tư Duy, ngang dọc một ngàn do tuần, có nhiều cá lớn như cá Đề Di, cá Đề Di Nghê La, cá Quân Tỳ La, Cá Na Ca La… các loài cá như vậy đầy khắp trong biển, biển rất sâu, người trông thấy sợ hãi. Trong biển này có rồng Lạc Trụ đã xa lìa mọi sự sân hận.

Đi khỏi biển lớn này có một biển lớn nữa tên là Thủy Vân, ngang rộng mười ngàn do tuần. Trong biển sóng lớn luôn nổi lên hoặc mười do tuần, hai mươi do tuần, ba mươi do tuần.

Tiếp theo vùng biển này, có một đảo lớn tên Chân Châu Hợp, có nhiều chân châu. Nếu cá hoặc rồng bị chết trong nước thì sẽ bị nổi, đẩy ra khỏi đảo. Đảo này ngang dọc một ngàn do tuần.

Rời khỏi vùng đảo này có một núi lớn tên Bảo Sơn, ngang rộng bằng nhau là năm ngàn do tuần. Đỉnh núi có bảy báu, Tỳ Lưu Ly… giống như đỉnh núi chúa Tu Di thứ hai.

Vượt hết núi này rồi có rừng Chân Thúc Ca, rộng hai ngàn do tuần. Các loại vườn rừng, hoa quả đầy đủ.

Rời khỏi vùng rừng này rồi có một núi lớn rộng năm ngàn dotuần, có ao hoa sen vàng. Ngỗng, chim Trời trên các đỉnh núi luôn hót vang.

Tiếp sau vùng núi này có một biển lớn rộng mười ngàn dotuần, nước sắc vàng ròng đầy khắp, trong biển phát ra ánh sáng màu vàng óng. Biển này có núi vàng tên Kim thủy, cao năm trăm do tuần.

Qua khỏi núi này rồi là cõi Cù Đà Ni rộng chín ngàn do tuần, có mười ức làng xóm, một vạn hai ngàn thành. Thành lớn thứ nhất có đến năm trăm làng xóm. Giống cõi Diêm Phù Đề có hơn ba trăm thành lớn khác, như thành Ba Trá Lê Phất Đa.

Cũng vậy, cõi Cù Đà Ni có năm trăm thành lớn như Đại vân tụ… Thành Đại vân tụ rộng mười hai do tuần, ngã tư đường, nhà cửa, lầu gác đầy khắp trong thành. Thành lớn bậc nhất trong cõi này tên là Bách Môn, thành tiếp theo là Lan Thuẫn, Nê Mục La, Quang Minh, Sơn Cốc… có các thành lớn bậc nhất như vậy thuộc giữa thành trung tâm.

Lại có những nước lớn tên là Già Đa Chi, Tăng Sai Na Đa, Ma Ni Ngân, Phiên. Những nước lớn bậc nhất này ví như các nước lớn bậc nhất trong cõi Diêm Phù Đề, như là nước Ca Thi, Kiều Tát La, Ma Già Đà… nước bậc nhất nơi cõi Cù Đà Ni cũng lại như vậy.

Kế tiếp, có các nước vùng trung tâm như là Ni Khí La, Đơn Trì, Già Đô La, Câu Lan Đồ, Tỳ Đa Sa, Quật Hành. Biên giới của cõi Cù Đà Ni có những nước như vậy. Tất cả là hai mươi lăm nước lớn tóm thâu hết thảy các nước, giống như mười tám nước lớn ở cõi Diêm Phù Đề.

Cõi Cù Đà Ni có năm con sông lớn:

1. Sông Quảng.

2. Sông Quân Châu Sư Ba Đế.

3. Sông Nguyệt Lực.

4. Sông Lạc Thủy.

5. Sông Tăng Chi Na.

Giống như bốn sông lớn của cõi Diêm Phù Đề là: Sông Hằng Già, sông Tân Đầu, sông Bà Xoa, sông Tư Đà.

Cõi Cù Đà Ni có năm núi lớn, đó là:

1. Núi Long Phi.

2. Núi Tam Phong.

3. Núi Chu Môn.

4. Núi Bách Tiết.

5. Núi Kiên.

Giống như bốn núi lớn ở cõi Diêm Phù Đề là:

1. Núi Tuyết.

2. Núi Dân Đà.

3. Núi Ma La Da.

4. Núi Kê La Sa.

Cõi Cù Đà Ni có ba cái ao lớn là:

1. Ao Thâm Ngạn.

2. Ao Vô Gián.

3. Ao Phóng Quang.

Giống như những ao A Na Bà Đạt Đa và ao Chiêm Ba ở cõi Diêm Phù Đề.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân, xem cõi Cù Đà Ni thọ dụng những gì?

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy cõi Cù Đà Ni có rất nhiều trâu nghé. Tất cả con gái đều có ba vú. Như người nữ ở cõi Diêm Phù Đề mang thai mười tháng mới sinh, người nữ cõi Cù Đà Ni cũng lại như vậy. Như người nữ nơi cõi Diêm Phù Đề hai vú đều chảy sữa, người nữ nơi cõi Cù Đà Ni ba vú đều chảy sữa cũng lại như vậy.

Như cõi Diêm Phù Đề vườn rừng đầy đủ, cõi Cù Đà Ni vườn rừng, hoa quả, sông hồ hết thảy cũng đều đầy đủ, trái cây có nửa mùi vị, hoa có nửa mùi thơm và nước sông chỉ có phân nửa vị.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem chúng sinh do nghiệp gì mà sinh ra ở cõi Cù Đà Ni?

Tạo nghiệp bậc hạ, bậc trung sinh ra ở cõi Cù Đà Ni chăng?

Dùng văn tuệ hay Thiên Nhãn, vị ấy thấy những nơi sinh ra khác ít giữ giới, ít bố thí, ít nghiệp lành, ít thực hành theo chánh pháp.

Vì sao ít giữ giới?

Vì ở đời trước do nghèo khổ nên nhận giữ giới thuê, hoặc do sợ hình phạt, chẳng phải vì tâm thanh tịnh, đảnh lễ Phật, Pháp, Tăng. Gần gũi quốc vương, được của cải bố thí do gần Vua, không đọc tụng kinh, bố thí nơi chẳng phải phước điền, người tham lam, tà kiến thì cho là phước điền, xem mười điều thiện là cấu uế, làm những việc không thanh tịnh, do đó chết ở cõi Diêm Phù Đề, sinh ra ở cõi Cù Đà Ni.

Như vậy, không biết đâu là điều lành, đâu là điều ác. Ăn chỉ biết nửa mùi vị, thiếu trí tuệ, tham đắm phụ nữ… tất cả đều do nhân duyên nơi nghiệp đã tạo từ đời trước mà sinh ra ở cõi Cù Đà Ni. Tất cả chúng sinh đều do nghiệp bao trùm, do nghiệp nên hành động tạo nghiệp và bị lưu chuyển. Như do những nghiệp lành, nghiệp ác đã tạo mà chúng sinh phải chịu quả báo như vậy.

Nếu tạo nghiệp lành thì được sinh lên Cõi Trời, nếu tạo nghiệp ác thì đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Do nghiệp mà chịu quả báo tương tợ. Như gieo trồng hạt giống, nếu trồng lúa thì được lúa, trồng nếp thì được nếp, trồng cỏ sinh ra cỏ.

Nếu đem hạt giống gieo trồng nơi đất xấu thì kết quả thu hoạch giảm sút, nếu đem hạt giống gieo trồng trên đất tốt thì thâu nhiều hạt quả chắc. Như trồng lúa đỏ thì không sinh ra những thực vật khác. Trồng đậu thì được đậu, trồng mía thì được mía, dùng ruộng tốt thì quả cũng nhiều.

Như ba loại ruộng:

1. Phước điền thí.

2. Phước điền khổ thí.

3. Khổ thí.

Phước điền thí được gọi là bậc thượng.

Phước điền khổ thí được gọi là bậc trung.

Khổ thí được gọi là bậc hạ.

Ngoại trừ công đức của tư duy, cũng như ba loại ruộng sau:

1. Ruộng nhiều đá, cũng nhiều màng nước phèn là ruộng bậc trung.

2. Ruộng nước đầy đủ, không có cỏ dại, lại không có lớp màng nước, cũng không có trộm cắp sâu bọ… gọi là ruộng bậc thượng.

3. Ruộng có nhiều màng nước, cỏ xấu, nước không điều hòa, lại có nhiều trộm. Đây là ruộng bậc hạ.

Nếu nông phu siêng năng thêm công sức thì được hạt chắc.

Nội pháp, ngoại pháp là do nghiệp bao trùm, tùy theo nghiệp lưu chuyển, nghiệp biến đổi không dừng do mỗi mỗi uy lực, mỗi mỗi nhân duyên, mỗi mỗi thọ sinh. Người cõi Cù Đà Ni không tu tịnh nghiệp nên sinh ra ở nơi đất này, chết rồi do nghiệp của mình tạo mà phải lưu chuyển trong sinh tử. Như vậy, người tu hành quan sát nghiệp của ngoại pháp rồi thì nhận biết ngoại thân rõ ràng.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân xem qua khỏi cõi Cù Đà Ni lại có những núi, sông, biển và bãi nhỏ nào?

Dùng văn tuệ hay Thiên Nhãn, vị ấy thấy giữa hai châu của cõi Cù Đà Ni và cõi Phất bà đề có một biển lớn tên Thanh Tịnh Thủy, ngang rộng một vạn hai ngàn do tuần, nước trong tràn ngập, có nhiều sò, cá Đề Di, cá Đề Di Nghê La, cá Na Ca, cá Ma Già La, cá Quân Tỳ La, cá Thất Thâu Ma La, cá cũng có màu xanh.

Qua khỏi biển này có núi San Hô ngang dọc năm ngàn do tuần, có những chúng sinh hung dữ ở trong núi ấy.

Vượt qua vùng núi ấy có biển nước nóng, với nhiều rắn độc, hơi của rắn độc làm cho nước biển nóng lên. Do có rắn độc nên không có một chúng sinh nào ở đây. Vì hơi nóng của chất độc nên tất cả chúng sinh đều chết.

Đi hết biển này, có một biển lớn tên Xích Hải, ngang rộng một vạn năm ngàn do tuần. Rồng và A Tu La sống dưới biển ấy. Vì sự ăn uống nên sân giận, ghét ganh, thường đánh nhau. Có rồng tên Ma Đa Lê Na, A Tu La tên Tăng Già Đa.

Tiếp theo vùng biển ấy, có một đảo lớn tên nước La Sát Nữ, ngang rộng hai ngàn do tuần. Đảo này có nữ La Sát tóc dài, ăn nuốt hương hoa và thịt đốt trong lửa, một niệm có thể đi hai ngàn do tuần, thường hại người khác. Trên đảo La Sát ấy, hài cốt, máu thịt rơi vãi hôi thối đầy khắp nơi.

Rời khỏi đảo này, lại có một đảo lớn nữa tên nước Tỳ Xá Già Quỷ Nữ, ngang rộng năm ngàn do tuần. Quỷ Tỳ Xá Già tên là Phát Phú sống trên châu này.

Vượt hết vùng đảo này, có một núi lớn tên Nhiêu Sơn, ngang rộng năm trăm ngàn do tuần, có nhiều cây rừng như là: Cây Na Lê Chi La, cây Ba Na Bà, cây Vô Giá Quả, cây Đa La, cây Đa Ma La, cây Tỳda La, cây Câu La Ca, cây Đà Bà, cây Khư Đề La, cây Đề La Ca, cây A Thù Na, cây Ca Đàm Bà.

Cây Nê Đồ La Bà, cây Bà Trá, cây Khư Thù La, cây Am Bà La, cây Tỳ Vị Bàn Đà, cây Bà Đa Lợi, cây Chân Thúc Ca, cây Rồng, cây Vô Ưu, cây Kỳ Lân Đà, cây Chi Đa Ca, cây Ca Ni Ca La, cây A Đề Mục Đa Ca, cây Na Phù Ma Lợi Ca, cây Ba Trá Ca, cây Ba Tiết La, cây Ca Tỳ Tha.

Cây Tỳ La Bà, cây Thiên Mộc Hương, cây Ba Đầu Ma, cây Chiêm Ba Ca, cây Ca La Tỳ Lược Ca, cây Thanh Vô Ưu, cây Cưu Labà Ca, cây Quân Đà, cây Bà Đà La, cây Cưu Trá Xà… có nhiều giống cây trái như vậy. Nơi nào cũng có suối chảy. Vua Càn Thát Bà luôn dạo chơi trong rừng ấy.

Đi khỏi vùng núi ấy, có một biển lớn rộng năm trăm do tuần, tên Nhũ thủy, màu sắc, mùi vị của nước trong biển giống như sữa không khác, có cá lớn dài năm do tuần sống ở đấy.

Tiếp theo biển lớn này, có một núi cát rộng một ngàn do tuần, không có cây cối và các dược thảo.

Vượt qua núi này lại có một biển lớn tên Long Mãn, rộng sáu ngàn do tuần, có các loài rồng tên Chiên Già La sống tại đây, giao chiến với nhau, thích làm mưa to.

Đi tiếp khỏi vùng này, có một biển lớn khác tên Tô Vô Đà La, ngang rộng hai ngàn do tuần, mặt nước không động, tĩnh lặng trong suốt, có nhiều cá Quân Tỳ La, Cá Na Ca La, cá Thất Thâu Ma La và các loài sò ốc sống dưới biển.

Lại nữa, người tu hành biết được nghiệp, quả báo.

Dùng văn tuệ hay thiên nhãn, vị ấy thấy tất cả mọi nơi: Núi, sông, biển, bãi nhỏ, rừng núi như đã nói, không một nơi nào là không sinh, không chết, không phát khởi, không hoại diệt, tất cả ân ái đều phải chia ly, không một nơi nào chẳng phải do nghiệp nên biến đổi không ngừng.

Không có một nơi nào chẳng phải do nghiệp chi phối, không một nơi nào chẳng phải do nghiệp mà lưu chuyển, nhận chịu nghiệp quả của mình, hoặc sống, hoặc chết. Không có núi, sông, biển, bãi nhỏ nào chẳng phải là chỗ sinh tử. Núi, sông, biển, bãi nhỏ không thể kể hết, chẳng phải nơi ta sinh ra, trong trăm ngàn ức, trăm ngàn nẻo sinh tử đều là yêu thương phải xa lìa, oán ghét phải gặp gỡ.

Nơi trăm ngàn ức, trăm ngàn sự sinh tử bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, không có bắt đầu không có kết thúc, bị lưới tham lam, sân giận, ngu si trói buộc nên lưu chuyển, luân hồi, vì thế cần phải chán ghét, xa lìa sinh tử, chớ tham đắm. Sự sinh tử này rất là khổ não, lâu dài, đau đớn, bức bách, khó chịu đựng nổi. Sự già chết, sầu bi, khổ não, buồn rầu độc hại, tất cả có sinh chắc chắn là phải chết, bị hủy hoại.

Ở trong sinh tử không có một chút sự thường hằng nào cả. Ví như khi mặt trời mọc lên thì không còn một chút tối tăm. Quan sát về sinh tử cũng lại như vậy. Như thế, người tu hành quan sát ngoại thân và biết rõ về ngoại thân.

Lại nữa, người tu hành tùy thuận quán ngoại thân, qua khỏi biển bình đẳng lại có những núi, sông và bãi nhỏ nào?

Dùng văn tuệ hay Thiên Nhãn, vị ấy thấy nơi cõi Phất Bà Đề ngang rộng tám ngàn do tuần, có nhiều đảo nhỏ vây quanh, xóm làng, thành ấp, sông ao, cây cối, đảo lớn nhỏ, hang núi, cây cỏ, hoa quả, cầm thú… hết thảy đều đầy đủ.

Có sáu núi lớn:

1. Núi Đại Bà Xa.

2. Núi Tân Man.

3. Núi Khổng Tước Tập.

4. Núi Thú Dục.

5. Núi Hải Cao.

6. Núi Chân Châu Man.

Khắp Cõi Phất Bà Đề cũng như bốn núi lớn ở cõi Diêm Phù Đề đã nói ở trước.

Núi Đại Bà Xa ngang rộng ba ngàn do tuần, có ba khu rừng lớn, mỗi mỗi khu rừng đều rộng một ngàn do tuần.

Ba khu rừng là:

1. Rừng Tu Di.

2. Rừng Lưu Thủy.

3. Rừng Dục Man.

Cây cối rừng rậm đầy đủ, như cây Ha Lê Cần, cây Bình Diện, cây Cốc Sinh, cây Chi Đẳng, cây Ngạn Sinh, cây Thạch Sinh… như những cây cối đã kể ở cõi Diêm Phù Đề. Người sống nơi núi này là giống người Đại Man. Trong núi có sông Bà Lô, sông Lưu Sa, sông Hiệp Lưu, sông Tốc Lưu, sông Long Thủy, sông Quang Lâm, sông Chinh Ca.

Ngọn núi lớn thứ hai tên là Tân Man, ngang rộng một ngàn do tuần. Núi này có rừng Cưu Trá, rừng Hành, rừng Thiên Mộc Hành, rừng Yên, rừng Cửu Thùy. Trong núi có sông Đa La Phú, sông Giác Vy, sông Ái Thủy, sông Nhiếp Niệm, sông Yên Tiếu. Người ở trong núi gọi là Câu Tri La.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần