Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Bảy - Phẩm Thân Niệm Xứ - Tập Tám

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BẢY

PHẨM THÂN NIỆM XỨ  

TẬP TÁM  

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, có những gió gì ở trong thân, hoạt động như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn quan sát thấy có gió gọi là gió trên dưới ở trong thân, hoặc an ổn, hoặc không an ổn gây nên những bệnh gì?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy gió trên dưới, nếu không điều hòa thì khắp năm chỗ, tạo thành hơi thở ra vào, người ta gọi là mạng sống. Gió hoạt động ở trên đầu tim, đi khắp trong thân tự tại không ngại, gọi là năng lực thứ nhất của gió. Nếu gió không điều hòa, có thể phá hoại thân. Gió ấy cũng làm cho trong miệng có nhiều nước miếng, thân ốm gầy, ăn uống vào dạ dày thì gây rối loạn, mửa ra, gọi là năng lực thứ hai của gió.

Nếu gió ở giữa ngực thì gây những bệnh gì?

Nếu hơi thở ở tim hoặc buồn hoặc vui. Nếu hơi thở từ yết hầu trên đến chỗ cổ, dưới vào thiệt căn, tùy theo chỗ nhớ nghĩ thì có thể nói văn tự, suy nghĩ các nghĩa lý, gọi là năng lực thứ ba của gió. Lại thường làm não loạn thân nhiệt làm cho thân chảy mồ hôi, gọi là năng lực thứ tư của gió. Gió ấy đi khắp thân, mắt nhìn nhấp nháy, động tất cả thân, suy nghĩ khắp thân, nương vào căn nam, nữ sinh con cái.

Nếu nam nữ hành dục như sức của gió này có thể tập hợp tinh huyết, có thể khiến xương đùi người nữ nhiều sức lực, tinh huyết nam nữ hòa hợp tụ lại thân giáp la bà, lúc tinh mỏng, gió thổi làm cho dày mà tạo thành khối thịt. Tạo khối thịt rồi, tiếp đến sinh ngũ bào.

Sinh ngũ bào rồi hoặc vuông hoặc tròn, tùy theo thân dài ngắn, thức cũng tùy thuận biến khắp theo các tướng, giống như có người lấy lạc làm ra tô, có lạc, có nước, có bình, có quấy lên nên sinh ra tô.

Biết nó đã chín, thâu lấy sinh tô. Sức gió như vậy và nghiệp phiền não tập hợp thành thân cũng lại như vậy, gọi là năng lực thứ năm của gió.

Nếu ăn uống, nếm vị vào trong bằng lưỡi, đưa vào trong yết hầu, ăn uống đầy đủ, làm cho khắp cả chân lông và các móng tay, móng chân, khí lực phát triển tạo sắc, hương, vị. Nếu gió không điều hòa thì gió dưới hoạt động lên trên, tạo bốn loại khí ác, bế tắc, khó ra, khắp thân khổ não. Nếu nó lìa chỗ hoạt động của mình, tất cả thân căn và trong tất cả thức đều bị não loạn, mất thân mạng.

Đã bỏ thân rồi mất luôn ba pháp:

1. Mạng.

2. Hơi ấm.

3. Thức.

Do đó nói kệ:

Nếu khi bỏ thân này

Mất mạng, hơi ấm, thức

Lại không chỗ hiểu biết

Giống như cây, gạch, đá

Đó gọi là ác thứ nhất.

Nếu không điều thuận thì tạo nghiệp thứ hai, hơi thở khò khè, nặng nề không thể điều hòa, khắp thân khổ não bức bách. Vì cực khổ bức bách nên bỏ thân mạng, gọi là điều ác thứ hai.

Gió đi trên nếu không điều hòa gây điều ác thứ ba: Não loạn các căn khắp thân, gây não loạn mất thân mạng thì gọi là điều ác thứ ba.

Gió đi trên này nếu không điều hòa, gây điều ác thứ tư, hoặc hơi thở quá mạnh, hoặc lại quá yếu, hoặc đến nỗi mạng chung, hoặc chỉ rút người mà không mất mạng thì gọi là điều ác thứ tư. Hoặc lúc ngủ nghỉ, hơi thở ra vào để giữ mạng sống. Như vậy, quan sát gió trên dưới rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, có những gió gì ở trong thân, hoặc làm an ổn, hoặc không an ổn, hoạt động như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn quan sát thấy có gió gọi là mạng phong trụ trong thân, hoặc làm thân mập mạp, hoặc ốm gầy, khiến tâm suy xét.

Nếu gió không điều hòa thì tâm xao động, quên những điều đã biết, đã nghe, thấy cảnh không rõ, âm thanh không nghe, mũi không biết mùi thơm, lưỡi không biết vị, thân không biết cảm giác, ý không biết pháp, không biết mình và người. Quan sát mạng phong rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân có những gió gì, hoạt động như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy gió làm loạn tâm ở trong thân, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa, gây những bệnh gì?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy gió này, nếu ta có bệnh tim thì gió không điều hòa, tùy theo tâm mà hoạt động, hoặc động, hoặc đứng im, khô khan, si loạn, hoặc đối với thức ăn bị rối loạn tiêu hóa. Như vậy, gió làm loạn tâm ấy đối với pháp thiện không sinh ưa thích, chảy mồ hôi, nhiều nước miếng, không chịu tiếp xúc với lạnh.

Đối với màu sắc không thấy đúng như thật. Thân nặng nề, khó hoạt động, lông trên toàn thân đều dựng đứng. Nếu gió điều hòa thì không có các bệnh như trên. Quan sát gió làm loạn tâm rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, có những gió gì ở trong thân, hoặc làm an ổn, hoặc không an ổn, hoạt động như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy có loạn phong ở trong thân. Nếu không điều hòa thì khiến người thấy nhiều mộng ác, ngủ nghỉ đều sợ hãi, tuy ở chỗ ấm áp mà thường cảm thấy lạnh.

Nếu nhìn thành ấp, xóm làng hay dân chúng thì thấy như chốn không người, hay thấy màu vàng, ít nói năng, không thích nằm một chỗ, pháp đã từng nghe đều quên hết. Bốn đại não loạn. Những thức ăn mùi vị ở trong tâm vô cớ sinh nhàm chán, lại thấy như gò đống. Nếu gió điều hòa thì không có các bệnh như trên. Quan sát loạn phong rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, có những gió gì ở trong thân, hoạt động như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy thị huyễn phong ở trong thân. Nếu không điều hòa thì mắt không hoạt động. Không có gió nào nhanh như gió này. Thị huyễn phong ấy hoạt động đều khắp các căn, nếu gió không điều hòa thì sinh bệnh, nếu gió điều hòa thì không có các bệnh như trên. Quan sát thị huyễn phong rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân có những gió gì ở trong thân, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa thì gây ra những bệnh ra sao?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy có một loại gió tên là Hỗ tương bế.

Lúc sắp mạng chung có năm loại gió phát sinh, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa, gây ra những bệnh gì?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, vị ấy thấy mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tâm hư hoại, ở trong cảnh giới của mình không thể tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp được rõ ràng.

Nếu gió không phát khởi thì thôi, phát khởi thì mất mạng. Quan sát ngũ bế phong rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân có những gió gì ở trong thân, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa, gây những bệnh gì?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy gió hoại thai tạng ở trong thân. Nếu người nào thức mới nhập vào thai mẹ với nhân duyên của nghiệp có trước thì khi ở trạng thái ca la la mà không mất mạng, tất đến lúc thành khối thịt sẽ bị mất mạng. Vì gió lạnh vào thai làm cho mạng bị chết. Nếu ở trạng thái khối thịt không bị chết thì các chi phần của thân đều đầy đủ.

Nếu thân phần đầy đủ mà không chết thì khi các căn đầy đủ sẽ bị chết. Tùy theo nghiệp đời trước, nghiệp sát sinh nặng, nhẹ mà bị chết ở trong thai tạng. Nếu đời trước không sát hại chúng sinh thì như trên đã nói, gió không thể giết hại được. Quan sát gió hoại thai tạng rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân có những gió nào ở trong thân, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa, gây ra những bệnh gì?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy có một loại gió gọi là chuyển thai tạng ở trong thân.

Hoặc gây nhiễu loạn, hoặc không gây nhiễu loạn, hoạt động như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, vị ấy thấy gió chuyển thai tạng do nghiệp ác tạo từ đời trước của chúng sinh này khiến cho chúng sinh đó nếu là nam sẽ chuyển thành nữ, hoặc làm huỳnh môn, hoặc chết trong thai vì nghiệp ác. Nếu ở đời trước không có các nghiệp ác thì không bị gió làm hại. Quan sát gió chuyển thai tạng rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, có những gió nào ở trong thân, hoạt động ra sao?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy gió khứ lai tẩu trịch ở trong thân, hoặc gây não loạn, hoặc không gây não loạn, tạo các bệnh gì?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy gió khứ lai tẩu trịch, nếu không điều hòa thì khiến người tay chân bị co quắp, xương sống cong vẹo, không thể đi lại, ăn uống trông nhờ vào người khác, không thể tự ăn. Thân căn, trí tuệ đều không thanh tịnh. Nếu gió điều hòa thì thân có thể hoạt động, đi đứng, qua lại, có thể chạy, có thể ngồi, có thể lên xuống, cỡi ngựa. Quán xét gió khứ lai tẩu trịch rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân, có những gió gì ở trong thân, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa, gây ra những bệnh gì?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy gió hoạt động theo từng nghiệp ở trong năm căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân với gió nghiệp luôn thổi. Một loại gió duyên với mắt trong bốn đại, sức nó rất mạnh, vì thế gọi là gió. Gió ấy có thể khiến mắt thịt được sáng, thấy các màu sắc hình tượng. Một loại gió trong tai có thể khiến nghe âm thanh. Mũi ngửi mùi thơm, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm cũng lại như vậy.

Quan sát đúng như thật về năm loại gió, nếu gió điều hòa, ở năm cảnh giới không có gì chướng ngại. Nếu không điều hòa thì tạo nhiều chướng ngại, không thể nhận biết cảnh giới đúng như thật. Như vậy, quán xét về năm loại gió trong mắt, tai, mũi, lưỡi, thân rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân có những gió gì ở trong thân, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa, hoạt động như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy có gió đao ở trong thân, hoặc gây não loạn, hoặc không gây não loạn tạo ra những bệnh gì?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy: Khi qua đời, gió đao đều chuyển động. Tất cả da, thịt, xương, gân, mỡ, tủy, tinh, huyết đều rã rời, khiến thân khô khan, hơi thở bế tắc, không lưu thông.

Thân đã khô khan thì đau đớn đến chết, như ngàn đao nóng đâm vào thân, sự khổ não cũng không bằng một phần mười sáu nỗi đau đớn trên. Nếu có nghiệp thiện, lúc sắp chết, gió đao động rất nhẹ, khổ não ít. Quan sát gió đao rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân có những gió gì, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa, hoạt động như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy có gió châm chích ở trong thân, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa gây ra những bệnh gì?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy lúc sắp chết gió không điều hòa thì toàn thân với các đốt xương, tất cả các mạch, tất cả gân, tất cả lỗ chân lông, trong thịt, trong xương, trong tủy như bị kim nóng đốt vào khắp thân.

Trăm ngàn kim nóng cùng chích vào thân cũng không bằng một phần mười sáu sự khổ não trên. Người nào ở đời trước có tạo nghiệp thiện, lúc sắp mạng chung, gió châm chích này không làm đau khổ lớn. Quan sát gió châm chích rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân có những gió gì, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa, hoạt động ra sao?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy có gió gọi là ác hoàng ở trong thân, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa thì gây ra những thứ bệnh gì?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy gió ác hoàng, nếu không điều hòa thì sinh bệnh vàng da, trong miệng khô khốc, thân thể vàng vọt, mặt, mắt, móng tay, chân… tất cả đều vàng, bụng trướng phình to, ở trên bụng, gân xanh vàng hiện rõ.

Thân ấy không có sức lực, ăn không thể tiêu, miệng đau, tiểu tiện vàng, thân thể càng gầy guộc, mắt nhìn các màu sắc đều thành xanh vàng, không thể đứng lên ngồi xuống, bụng thường trương phình. Nếu gió ác hoàng điều hòa thì không có các bệnh này. Quan sát gió ác hoàng rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân có những gió gì, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa, hoạt động như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy có một loại gió gọi là phá trường, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa gây ra những bệnh gì?

Dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, hành giả thấy gió phá trường, nếu không điều hòa hoặc ăn uống nhiều, co duỗi nhiều, gió có thể phá ruột, hoặc ăn xương thịt lẫn lộn rồi vào trong ruột, có thể phá hoại ruột, khiến thức ăn thoát ra ngoài, bụng to, tăng nhanh, sinh nhiều đau đớn, không thể ăn uống được, vì ăn ít, thân thể suy yếu, tay chân đều sưng phù, hạ môn nóng sốt, khắp thân thường nóng, không nhất định, trong miệng khô khốc, thường thấy mộng ác.

Gió trong bụng chuyển động luôn luôn, không yên. Nếu gió phá trường điều hòa thì không có các bệnh như trên. Quan sát gió phá trường rồi thì biết như thật về thân.

Lại nữa, người tu hành quán thân theo nội thân có những gió gì ở thân trong, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa, hoạt động như thế nào?

Hành giả dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn thấy có một loại gió gọi là lãnh thóa, hoặc điều hòa, hoặc không điều hòa gây ra những bệnh gì?

Dùng văn tuệ hoặc dùng thiên nhãn, hành giả thấy gió lãnh thóa, nếu không điều hòa thì trong miệng có vị ngọt, lòng không yên ổn, không muốn ăn uống. Nếu muốn tọa thiền thì sinh mỏi mệt, biếng nhác. Lưỡi khó nói hoặc yết hầu đau, hơi thở hôi thối xông thẳng lên yết hầu, hơi nghẹt khó ra, không biết đói khát, yết hầu bế tắc. Nếu gió lãnh thóa điều hòa thì không có các bệnh như trên. Quan sát gió lãnh thóa rồi thì biết như thật về thân.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần