Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Lạc Vui - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA MƯƠI

PHẨM LẠC VUI  

TẬP MỘT  

Thắng thì oán hết

Thua thì tự khinh

Dứt thì vui sướng

Không tâm thắng, thua.

Thắng thì oán hết, thua thì tự khinh: Như kẻ thù đêm ngày rình rập đối phương, bởi y có mối thù lớn với đối phương. Đời này qua đời khác không xả bỏ mối oán thù ấy. Như vậy trải qua trăm ngàn thân, báo oán mới dứt, kẻ thua tự khinh.

Cho nên nói: Thắng thì oán hết, thua thì tự khinh.

Dứt thì vui sướng, không tâm thắng, thua: Tất cả kết sử hết hẳn không còn. Lại không còn khởi lên ý tưởng mê đắm. Cũng không có tâm hơn, thua. Ta thắng, nó thua, hay nó thắng, ta thua.

Hoàn toàn không còn tâm phân biệt ta người.

Cho nên nói:

Dứt thì vui sướng,

Không tâm thắng, thua.

Nếu quấy rối người khác

Tìm an vui ở đời

Thì trở thành oán thù

Không bao giờ thoát khổ.

Nếu quấy rối người khác, tìm an vui ở đời: Trên đời này, có nhiều kẻ giữ khư khư tâm mê lầm, tâm thù oán sâu xa, xúc não, quấy rối kẻ khác, lấy đó làm chuyện vui thú cho mình, cho bà con dòng họ mình. Chuyện này như gieo giống đắng mà mong được trái ngọt. Thật uổng công, tốn thì giờ vô ích.

Cho nên nói: Nếu quấy rối người khác, tìm an vui ở đời.

Thì trở thành oán thù, không bao giờ thoát khổ: Như chợt đánh lộn giết người, chuyện đó còn tha thứ. Còn như có tâm ác độc âm mưu hại người thì phải tránh xa hạng người ấy. Hạng người ấy chắc chắn rơi vào đường dữ.

Vì sao?

Vì họ khư khư giữ sự ngu muội của mình, không buông bỏ.

Cho nên nói:

Thì trở thành oán thù,

Không bao giờ thoát khổ.

Quá ưa thích ái dục

Đánh đập các chúng sinh

Để mong tìm an vui

Thì đời sau không vui.

Quá ưa thích ái dục: Tất cả chúng sinh đều ưa thích an vui chứ không ưa khổ não. Thấy khổ thì mọi người không ưa thích. Tự mình giết và vào bảo người giết, tự mình dâm dật và bảo người dâm dật. Tự mình nói dối, nói thêu dệt, dạy người nói láo, nói thêu dệt. Tự mình ăn cắp, dạy người khác ăn cắp.

Cho nên nói: Quá ưa thích ái dục.

Đánh đập các chúng sinh: Việc làm không đúng pháp, gây oan uổng cho mọi người, ý lấy việc gây hại cho người làm gốc.

Cho nên nói: Đánh đập các chúng sinh.

Để mong tìm an vui, thì đời sau không vui: Người làm ác đều vì bản thân mình. Bỏ thân này thọ thân khác chịu các khổ não, trải qua sinh tử, đắm chìm trong năm đường. Sinh nơi nào thì tội khổ vẫn đi theo.

Cho nên nói:

Để mong tìm an vui,

Thì đời sau không vui.

Ai muốn được vui sướng

Chớ đánh đập chúng sinh

Để mong tìm an vui

Thì đời sau được vui.

Ai muốn được vui sướng, chớ đánh đập chúng sinh: Tất cả chúng sinh đều ưa thích sự an vui, không ưa thích sự khổ. Thấy người bị khổ thì sinh tâm từ bi thương xót với bốn tâm bình đẳng, coi kẻ khổ ấy như con đẻ của mình. Từ đầu, không khởi tâm oán giận đánh đập chúng sinh, sống ở đời ai cũng cầu yên thân. Nếu bây giờ ta xúc não, làm phiền nhiễu cho kẻ khác thì đời sau chịu vô số oan đối.

Cho nên nói:

Ai muốn được vui sướng,

Chớ đánh đập chúng sinh,

Để mong tìm an vui

Thì đời sau được vui.

Ưa pháp, ưa tu hành

Cẩn thận, chớ làm ác

Khéo thực hành chánh pháp

Đời này, đời sau vui.

Người ta ở đời làm việc đạo pháp thì chọn pháp lành, bỏ pháp ác, đi đây đó để tìm thiện tri thức, để được dạy bảo những lời hay. Đến nơi nào cũng làm cho pháp sự được hưng thịnh.

Cho nên nói: 

Ưa pháp, ưa tu hành,

Cẩn thận chớ làm ác,

Khéo thực hành chánh pháp,

Đời này, đời sau vui.

Giữ pháp, hành chánh pháp

Hành pháp được báo lành

Đúng theo luật pháp dạy

Hành pháp, không đọa ác.

Giữ pháp, hành chánh pháp, hành pháp được báo lành: Chính mình có khả năng giữ gìn pháp khiến không để rơi mất thì được phước báo đời sau.

Cho nên nói: Giữ pháp, hành chánh pháp, hành pháp được báo lành.

Đúng theo luật pháp dạy, hành pháp không đọa ác: Người tu hành tự giữ mình bằng chánh pháp. Sinh nơi nào cũng không gặp tai họa xấu ác. Từ nhỏ đến lớn đều được phước. Hưởng hết phước Trời, sinh xuống cõi người lại được hưởng phước.

Cho nên nói:

Đúng theo luật pháp dạy,

Thực hành chánh pháp,

Không bị đọa đường ác.

Giữ pháp, hành chánh pháp

Như dù lọng che thân

Đúng theo luật pháp dạy

Hành pháp, không đọa ác.

Người tu hành giữ gìn pháp sâu xa, là những lời dạy hay, diệt trừ các ấm cái như giữa trời nắng mà được dù lọng tốt đẹp, được ân cứu giúp.

Cho nên nói:

Giữ pháp, hành chánh pháp,

Như dù lọng che thân,

Đúng theo luật pháp dạy,

Hành pháp, không bị đọa.

Làm ác đọa địa ngục

Phải rơi vào đường ác

Phi pháp tự nhận chìm

Như tay cầm rắn độc.

Làm ác đọa địa ngục, phải rơi vào đường ác: Người làm ác chứ không phải cha mẹ, anh em, bà con họ hàng làm, do tội lỗi chính mình làm gây ra. Tạo tội thì tự mình chịu tai ương, không ai thay thế cho mình được. Kiến chấp của ngoại đạo, dị học khác nhau. Theo kiến chấp của ngoại đạo thì mình tạo tội nhưng kẻ khác phải chịu quả báo.

Cho nên nói: Làm ác đọa địa ngục, phải rơi vào đường ác.

Phi pháp tự nhận chìm, như tay cầm rắn độc: Như người trong tay cầm rắn độc, hoặc dùng chú thuật mà bắt nó, hoặc dung cỏ thuốc mà bắt nó, hoặc được thầy dạy cách dùng tay cầm rắn độc để chơi. Chú thuật hết hiệu nghiệm thì bị rắn cắn, chết đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trôi lăn trong sinh tử không lúc nào ra khỏi.

Cho nên nói:

Phi pháp tự nhận chìm,

Như tay cầm rắn độc.

Bất luận pháp, phi pháp

Hai việc đều có báo

Phi pháp vào địa ngục

Chánh pháp sinh Cõi Trời.

Bất luận pháp, phi pháp, hai việc đều có báo: Các loài chúng sinh làm những việc lành dữ, không tự giác biết quả báo của tai ương và phước đức, người làm lành, không biết có quả báo của việc lành, người làm ác không biết có quả báo của việc ác. Như người được thức ăn có lẫn chất độc, khi được là ăn ngay, không biết trong đó có chất độc. Chất độc lan mạnh làm hại thân.

Người làm ác cũng giống như vậy, ngay lúc ấy là ngon miệng, nhưng về sau bị tai ương, đến nỗi mất mạng không đến được cõi lành. Người có mắt sáng nhìn thức ăn biết liền. Thấy món ấy là sạch, không có chất độc nên lấy ăn, do vậy không bị nạn khổ về sau.

Cho nên nói: 

Bất luận pháp và phi pháp,

Hai việc đều có quả báo.

Phi pháp vào địa ngục.

Chánh pháp sinh Cõi Trời.

Thí và giằng một chỗ

Việc ấy trí không khen

Vừa thì vừa giằng lại

Hai việc ấy ngang nhau.

Thuở xưa, trong thành Xá Vệ có một vị trưởng giả tên Tối Thắng, lại có vị trưởng giả khác tên Nan Hàng, cả hai vị đều tham lam bỏn sẻn nhất trong nước, tài sản vật quý rất nhiều, bảy thứ báu đầy đủ, voi ngựa, xe cộ, kẻ ăn, người ở, lúa thóc ruộng vườn nhiều không kể xiết. Nhà của hai ông đều có bảy lớp cửa, họ ra lệnh cho người giữ cửa không cho một người hành khất nào lọt vào sân nhà.

Ở trên thì hai ông cho phủ lưới sắt để chim chóc khỏi bay vào ăn thóc lúa. Bốn vách tường nhà đều bằng sắt vì sợ chuột khoét cắn phá đồ đạc.

Lúc ấy, năm vị đại Thanh Văn theo thứ lớp đến giáo hóa hai vị trưởng giả, các vị này từ dưới đất vọt lên dạy họ pháp thí, nhưng hai vị này nghe rồi đều không chịu thực hành. Sau đó Đức Phật tự đến, ngồi nằm trên hư không, phát ra ánh sáng rực rỡ, nói pháp nhiệm mầu cho họ nghe. Họ nghe pháp nhưng lòng vẫn chưa thấu đạt.

Họ thầm nghĩ: Phật đến nhà ta chẳng lẽ để Ngài về tay không. Thôi, hãy vào kho lấy một tấm dạ bố thí Như Lai.

Nghĩ xong, ông trưởng giả liền đứng dậy vô kho lựa một tấm dạ xấu, không dè lại nhằm tấm dạ tốt. Ông để tấm đó lại, lấy tấm khác, nhưng tình cờ tấm này lại càng tốt hơn tấm trước. Tâm ý cứ giằng co nhau không thể quyết định được.

Ngay trong ngày ấy, A Tu La chiến đấu với Trời Đao Lợi, hễ Trời thắng thì A Tu La thua, còn A Tu La thắng thì các Trời thua.

Khi ấy Đức Phật dùng thiên nhãn quán thấy tâm ông trưởng giả, có lúc tâm bố thí thắng, có lúc tâm bỏn sẻn thắng, nên Ngài nói bài kệ:

Thí và giằng một chỗ

Việc ấy trí không khen

Vừa thí vừa giằng lại

Hai việc ấy ngang nhau.

Trưởng giả từ xa nghe lời ấy, tâm rất hổ thẹn, lời Như Lai nói chính là vì ta. Ông liền mở kho lấy tấm dạ tốt bố thí. Còn trưởng giả Nan Hàng thì lấy năm trăm lạng vàng ra bố thí. Tâm ý mở tỏ, mỗi người đều thấy đạo mầu.

Người gặp trăm ngàn việc

Dứt bỏ oán kiêu mạn

Bố thí lòng thanh tịnh

Là người mạnh hơn hết.

Người gặp trăm ngàn việc, dứt bỏ oán kiêu mạn: Người tu mà ở tại gia thì cứ mãi đắm mê tài sản sự nghiệp, bận rộn các việc, tâm không yên định. Cho nên người muốn tu đạo thì phải lìa bỏ gia nghiệp, dứt bỏ kiêu mạn, không khởi ý tưởng mê đắm. Khi bố thí chớ cầu đền ân.

Khiêm cung tự hạ mình, tu các cội gốc công đức. Khinh thường người khác, coi trọng mình là tai họa. Do vậy, Bậc Thánh dạy hãy ở nơi thanh vắng, sau đó tu tập chân đạo.

Cho nên nói: Người gặp trăm ngàn việc, dứt bỏ oán kiêu mạn.

Bố thí lòng thanh tịnh là người mạnh hơn hết: Bố thí có năm công đức. Dứt bỏ tâm kiêu mạn tự đại, ý thường trong sạch, không còn nhơ bẩn.

Cho nên nói:

Bố thí lòng thanh tịnh

Là người mạnh hơn hết.

Nhẫn ít được thắng nhiều

Giữ giới thắng lười biếng

Có lòng tin bố thí

Đời sau quả báo tốt.

Nhẫn ít được thắng nhiều, giữ giới thắng nhiều lười biếng: Có nhiều người lòng tin quá ít, tâm giận dữ lẫy lừng, giữ giới, nhẫn nhục cũng lại quá ít. Ai thực hành được nhẫn nhục thì chiến thắng được oán thù.

Người giữ giới thì thắng được biếng nhác. Như Ngài A Na Luật có lần bố thí cho vị Bích Chi Phật nên trong chín mươi kiếp không hề bị đọa vào đường ác. Sau sinh vào nhà họ Thích, là em chú bác với Phật, đi xuất gia học đạo và chứng đắc đạo quả.

Cho nên nói: Nhẫn ít được thắng nhiều, giữ giới thắng nhiều lười biếng, có lòng tin bố thí, đời sau quả báo tốt.

Vui thay phước báo lớn

Ước nguyện đều thành tựu

Mau được diệt bậc nhất

Dần vào bờ vô vi.

Vui thay phước báo lớn, ước nguyện đều thành tựu: Người tu phước là do đời trước lập nguyện mà ra. Hễ gặp ruộng phước là gieo, dù ít nhưng thâu gặt vô lượng. Nếu như đời trước xúc phạm, làm phiền nhiễu Thánh Hiền, tâm bố thí không thuần nhất, không có tâm bình đẳng thì kiếp sau nếu được làm người dung mạo sẽ xấu xí, bị mọi người khinh chê. Làm ác chịu quả khổ, làm lành hưởng quả lành.

Cho nên nói: Vui thay phước báo lớn, ước nguyện đều thành tựu.

Mau được diệt bậc nhất Niết Bàn dần vào bờ vô vi: Các kết sử dứt hết, các công đức đầy đủ, trong sạch sáng suốt, trong ngoài đều thanh tinh, ý mong cầu nghĩa bậc nhất thì nghĩa liền thành tựu.

Muốn được mãi mãi đi vào nơi hư vô thì liền được ngay, không không có gì trở ngại, cho các ác ma tà vạy bên ngoài muốn đến hủy hoại người có phước đức này thì chúng cũng không làm gì được. Giống như xưa, Ma Vương dẫn mười tám ức chúng, một than trăm đầu, hình tượng đáng sợ như cọp, sói, Sư Tử, rắn độc, cùng kéo đến dọa nhát Như Lai, nhưng phước lực của Như Lai khiến các ma phải tiêu tan.

Ma Vương rút lui rồi, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ này:

Vui thay phước báo lớn

Ước nguyện đều thành tựu

Mau được diệt bậc nhất

Dần vào bờ vô vi.

Nếu ai tìm phương tiện

Thánh Hiền ban trí tuệ

Dứt hết cội gốc khổ

Nên biết được may lớn.

Ai tìm được phương tiện, Thánh Hiền ban trí tuệ: Người học muốn tu tập pháp Thánh Hiền thì phải tinh tấn mạnh mẽ, ý không phân tán. Sau mới ứng hợp với đạo Thánh Hiền.

Cho nên nói: Ai tìm phương tiện, Thánh Hiền ban trí tuệ.

Dứt hết cội gốc khổ, nên biết được may lớn: Khổ chính là năm ấm lẫy lừng, dứt được khổ ấy là ứng hợp với đạo pháp.

Cho nên nói:

Dứt hết cội gốc khổ,

Nên biết được may lớn.

Ưa pháp, ngủ yên lành

Tâm ý thuần thanh tịnh

Pháp do Hiền Thánh dạy

Được người trí ưa thích.

Người học tu hành đạt được pháp sâu xa, phân biệt rõ rang nghĩa câu. Tâm ý điềm nhiên lặng lẽ, không còn ý tưởng nào khác.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần