Phật Thuyết Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Phần Hai - Phần Chánh Tông - Tập Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Cảnh, Đời Tiêu Tề

PHẬT THUYẾT KINH

VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Cảnh, Đời Tiêu Tề  

PHẦN HAI

PHẦN CHÁNH TÔNG  

TẬP MỘT  

Khi bấy giờ, Vua Ba Tư Nặc nghe con của Phật là La Hầu đi xuất gia làm Sa Di. Vua cùng với quần thần, phu nhân, thái tử, hậu cung, thể nữ, Bà La Môn và Cư Sĩ cung kính đi theo.

Buổi Trời sáng sớm đồng đi đến chỗ Phật làm lễ hỏi thăm và xem con của Phật là Sa Di La Hầu. Rồi mỗi người ngồi một phía, nhân đó Phật lại vì nói pháp. Nhưng Vua và quần thần vì đã quen thói kiêu mạn nên nghe Phật nói pháp ngồi lâu chán nản muốn từ tạ lui về.

Khi bấy giờ, Đức Thế Tôn biết Vua mới ngộ, tín căn chưa vững, toan muốn khai ngộ cho Vua và quần thần được nhiều lợi ích.

Nên bảo A Nan rằng: Ông nên đi kêu Sa Di La Vân và tất cả quyến thuộc đều đến nhóm đây nghe ta nói pháp. Ông A Nan đi kêu trong chốc lát đều nhóm đủ.

Phật lại bảo Vua rằng: Người đợi giây phút nghe ta nói pháp.

Vua liền vòng tay bạch rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Nay thân con đây quen thói vui chơi đã nhiều, không có thể ngồi nghe lâu được, khổ lắm mong Phật tha thứ.

Phật liền bảo Vua rằng: Thế cũng không lấy gì làm khổ.

Là vì sao?

Vì bởi đời trước gieo trồng cội phúc cho nên đời nay được làm Vua, thường ở trong chốn thâm cung thỏa tình ngũ dục, lúc ra vào có kẻ hầu hạ, chân không chấm đất sao gọi là khổ?

Cái khổ ở trong tam giới đâu có cái khổ nào bằng các nạn khổ nơi đường địa ngục, súc sanh và ngạ quỷ, những cái khổ như trên ta đã từng nói rồi.

Phật liền quay lại bảo La Vân rằng: Này La Vân con ơi! Gặp Phật ra đời rất khó, nghe được chánh pháp rất khó, giữ được thân người là khó và đắc đạo cũng khó, mà con nay được thân người, lại gặp Phật ra đời cớ sao biếng lười, chẳng chịu nghe pháp vậy?

La Vân bạch Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn!

Pháp Phật tinh diệu, tâm trí con còn non nớt đâu đặng nghe nổi pháp mầu của Đức Thế Tôn. Trước con đã từng nghe, nay lại quên hết, luống nhọc tinh thần, không đặng một chút, và con nay tuổi còn nhỏ, tình ý hay buông lung, đợi đến chừng con tuổi lớn khôn, may ra có khác chút nào mới nghe pháp được.

Phật bảo La Vân: Muôn vật vô thường, thân người cũng khó giữ được, vậy ngươi có thể giữ được mạng ngươi đến lớn không?

Dạ thưa Đức Thế Tôn!

La Vân con đây không thể giữ được, như Phật há chẳng giữ giùm mạng con ư?

Phật bảo: Này La Vân!

Ta còn không giữ được cho Ta huống chi là giữ giùm cho ngươi.

La Vân bạch Phật rằng: Luống nhọc theo pháp đã không đắc đạo, vậy công nghe pháp nào có ích cho cho người.

Phật lại bảo La Vân: Công trình nghe pháp dù đời nay tuy không đắc đạo, nhưng đời sau thọ thân trong ngũ đạo được nhiều lợi ích.

Như Ta trước đã nói bát nhã trí tuệ cũng kêu là Cam Lộ, cũng kêu là vị lương y, cũng kêu là cầu cống, cũng kêu là chiếc thuyền to, người đã nghe chưa?

La Vân bạch Phật: Thưa Đức Thế Tôn!

Con đã được nghe.

Khi bấy giờ, Vua Ba Tư Nặc quỳ gối chắp tay bạch Thế Tôn rằng: Như Phật vừa nói bát nhã trí tuệ kể có bốn tên, nhưng chưa biết nghĩa đó ra làm sao, mong Phật thương xót vì con giảng dạy.

Phật bảo Vua rằng: Người muốn đặng nghe thì phải để tâm nghe kỹ, ta nay nói đây.

Phật nói: Ta nhớ nghĩ đời quá khứ từ vô số kiếp, ở nước Tỳ Ma Đại, trong núi Tỷ Đà có một con Giả Can bị một con sư tử vương rượt bắt muốn ăn thịt, Giả Can sợ hãi giông nhảy rớt xuống một cái giếng không có thể lên được, ở đấy ba ngày tâm tưởng chắc chết.

Mà nói bài tụng như vậy:

Thảm kịch! Ngày nay khổ đến cùng!

Chắc là mất mạng ở nơi giếng!

Tất cả vạn vật đều vô thường,

Tiếc thay chẳng hiến thân cho sư tử!

Than ôi! Thân tội ách nạn gì,

Tham tiếc thân mạng chết không công,

Không công mà chết đã đáng giận.

Lại để thân thối nhơ giếng người.

Nam Mô sám hối mười phương Phật,

Chứng biết lòng con sạch mãi rồi.

Đời trước đã làm ba nghiệp tội,

Nguyện đem thân này đền trả xong.

Các tội hết rồi ba nghiệp sạch,

Tâm cần bất động niệm chơn thật,

Từ đây kiếp kiếp gặp Minh Sư,

Như pháp tu hành mau thành Phật.

Khi Trời Đế Thích nghe tên Phật,

Bừng dậy dửng tóc nhớ Phật xưa.

Nghĩ mình cô lộ không thầy dạy,

Say mê ngũ dục tự đắm chìm.

Không thể vượt qua khỏi ngục ái ân.

Càng suy càng thảm ứa nước mắt,

Liền cùng Chư Thiên tám vạn chúng.

Bay xuống bờ giếng muốn hỏi gạn.

Mới thấy Giã Can nơi đáy giếng,

Hai tay bấu đất không lên được,

Thiên Đế lại tự nghĩ thầm rằng:

Thánh Nhân ứng hiện nhiều phương pháp,

Ta nay tuy thấy hình Giã Can,

Ấy là Bồ Tát chẳng phải phàm.

Nay xin hỏi rõ chỗ nghi ta,

Và khiến Chư Thiên được nghe pháp.

Không nghe Thánh Giáo đã hèn lâu,

Ở chỗ mịt mù không thầy dạy,

Những lời nhân giả chẳng phải phàm.

Xin vì Chư Thiên nói pháp giáo.

Khi ấy Giả Can ngước đáp rằng:

Ngài là Thiên Đế không ai dạy,

Thật rất si ngạo không biết thời,

Pháp Sư ở dưới mình ở trên,

Đã không cung kính lại hỏi pháp,

Pháp như nước mát cứu được người.

Thế nào muốn được lòng ngạo mạn.

Thiên Đế nghe rồi rất hổ thẹn,

Chư Thiên đứng hầu bật buồn cười.

Thiên Vương chìu lòng thật không ích,

Còn bị hổ thẹn rất đáng thương,

Đế Thích tức thời bảo Chư Thiên,

Dè dặt chớ cho là quái lạ,

Ta đây ngu tệ hạnh chẳng xứng.

Vì thế quyết phải nghe pháp yếu,

Liền vì xủ xuống áo Thiên Y,

Bọc lấy Giã Can lên khỏi giếng.

Vòng tay từ tạ lời vô lễ.

Cúi đầu sám hối xin tha tội.

Chư Thiên thiệt đúng như thầy dạy,

Triền miên ngũ dục rất hoang mê,

Đều bởi không gặp thầy hay giỏi,

Giảng nói khổ, vui, thường, vô thường.

Chư Thiên dâng cúng Cam Lồ thực,

Giả Can đặng ăn hy vọng sống.

Không ngờ trong họa lại gặp phước,

Tâm tình khấp khởi mừng xiết bao.

Khi ấy, Giã Can tự nghĩ rằng: Trong đường súc sanh, sự xấu xa thô tệ nhất là Giã Can, nhưng nhờ cái sức trí tuệ nên được như vậy.

Lại tự nghĩ thân mình thô xấu thật chẳng đáng yêu, sở dĩ vui mừng và vui mừng hơn nữa là được hoằng pháp. Chư Thiên si mê đây đều nhờ Đế Thích trước có chút phần bát nhã, nên được chung cùng đồng đến nghe pháp.

Rồi tự khen rằng: Lạ thay! Lạ thay! Có cái may nào bằng cái may ngày nay được thuyết pháp, để thành công đức cho ta.

Lại nghĩ rằng: Cám ơn ngày hôm nay đây không nhờ công sức công đức trí huệ phương tiện của Hòa Thương Tiên Sư ta từ mẫn dạy bảo hay sao?

Cung kính thầy ta!

Cung kính thầy ta!

Nam Mô bát nhã!

Nam Mô bát nhã!

Tuy con làm tội sanh trong ác thú, nhưng con vẫn nhớ đời trước và biết được nghiệp duyên là nhờ sức bát nhã cảm hóa Chư Thiên giáng thần đến đây cúng dường tiếp tế và được hoằng pháp thỏa chút lòng con.

Khi đó, Trời Đế Thích bảo Chư Thiên rằng: Như lời thầy nói định muốn thuyết pháp. Chúng ta từ nay được nhiều thiện lợi. Vậy thì ai cũng phải cúi đầu thành thật xin thầy thuyết pháp. Đế Thích nói xong rồi Chư Thiên đều vâng mạng.

Tức thời mỗi người sửa sang cung kính cẩn trịch vai áo bên hữu đồng thời bao chung quanh Giã Can, quỳ xuống chắp tay, mỗi người đồng tiếng mà nói bài tụng rằng:

Hay thay! Hay thay!

Hòa Thượng Giã Can

Xin Ngài nói pháp,

Khai hóa Cõi Thiên!

Cõi Thiên mờ mịt,

Mê đắm ngũ dục.

Hằng sợ phước hết

Vô thường kéo lôi!

Chết đọa ác đạo

Khó cứu ra khỏi,

Đã lâu đời lắm,

Mấy muôn ức năm,

Nay mới gặp một,

Ruộng phước tốt lành

Xin thầy thương xót,

Nói pháp cho nghe,

Thiên nhân đặng phước

Chúng sanh cũng được

Nguyện cùng Hòa Thượng,

Vĩnh kiếp theo nhau,

Đến khi thành Phật,

Thường kết nhân duyên.

Minh Sư khó gặp,

Nên phải thề nguyền.

Khi bấy giờ, Giã Can thấy các người Trời ân cần khuyến thỉnh và ưa muốn nghe pháp thì lòng vui mừng bội phần.

Liền bảo Thiên Đế rằng: Ta nhớ nghĩ thuở xưa ta từng thấy người đời, những người muốn nghe pháp, thì trước phải sửa sang một cái tòa cao, trang sức thanh tịnh, mới thỉnh Pháp Sư lên ngồi thuyết pháp.

Vì sao?

Bởi Kinh Pháp là quý trọng, Kinh đó thời được phước, chớ nên đem cái tâm khinh, mà bị tổn phước.

Chư Thiên nghe rồi ai nấy nói rằng: Xin vâng. Liền cởi áo Thiên Bảo chồng lại thành một cái tòa cao, chỉ trong giây phút đã được trang sức tôn nghiêm thanh tịnh bậc nhất.

Khi đó, Giã Can lên tòa, bảo Thiên Đế rằng: Ta nay nói pháp chính là vì hai sự nhân duyên rất lớn: Thế nào gọi là hai: Là vì thuyết pháp khai hóa Cõi Thiên thì được phước không lường.

Là vì cái ơn thí cho ăn không nói sao được.

Thiên Đế thưa rằng: Cứu khỏi nạn chết dưới giếng được toàn thân mạng thì cái công ơn rất lớn. Thế nào Tôn Giả lại nói cái ơn đó không bằng cái ơn thuyết pháp.

Sở dĩ vì sao?

Hòa Thượng phải biết rằng: Tất cả trong thiên hạ ai cũng ưa sống cầu an, không ai muốn chết cả.

Do vì nhân duyên ấy nên cái công ơn cứu toàn thân mạng há đặng không lớn hay sao?

Giả Can đáp rằng: Cái sự thích hợp sống chết phải chăng của mỗi người đều có khác. Hoặc có người tham sống, hoặc có người ưa chết.

Kẻ nào tham sống, là kẻ sống trong đời ngu si mờ ám chẳng biết chết rồi lại có sanh ra đời sau, trái Phật xa pháp, không gặp Minh Sư, làm việc sát, đạo, dâm, dối, chỉ gặp ác là theo, những người như thế là người tham sống sợ chết.

Trái lại, người nào ưa chết, muốn gặp Minh Sư, phụng sự ngôi Tam Bảo, cải dữ làm lành, hiếu dưỡng cha mẹ, kính thờ thầy Tổ, hòa thuận vợ con, tôi tớ quyến thuộc đều được khiêm nhường cung kính mọi người, những người như vậy là người ghét sống ưa chết.

Sở dĩ vì sao?

Vì người lành chết đi, nhờ phước được sanh lên cõi Trời hưởng năm điều dục lạc. Còn người dữ chết đi sẽ vào địa ngục chịu khổ không cùng. Người lành ưa chết, như tù ra khỏi ngục, người dữ sợ chết, như tù vào trong ngục.

Thiên Đế hỏi rằng: Như lời thầy dạy té ra cứu toàn mạng sống không có công phu gì rồi, đúng thật như lời thầy nói thì còn có hai việc: Là thí cho ăn.

Là thí pháp, đều có cái công đức gì, cúi xin thầy giảng dạy, khai hóa kẻ mờ ám này được rõ?

Giã Can đáp rằng: Bố thí về việc ăn uống chỉ giúp mạng sống trong một ngày, còn bố thí của quý thì giúp sự thiếu thốn trong một đời, nhưng đó cũng là một sự nhân duyên ràng buộc thêm lớn đường sanh tử mà thôi, còn về sự thuyết pháp giáo hóa gọi là pháp thí có thể khiến cho chúng sanh được đạo xuất thế gian.

Mà đạo xuất thế gian ấy kể có ba món: Một là La Hán, hai là Bích Chi Phật. Ba là Phật Đạo. Những người trong bậc Tam Thừa ấy đều nhờ nghe pháp rồi y theo pháp tu hành mới chứng được.

Lại những chúng sanh khỏi cái khổ trong ba đường ác đạo, được hưởng cái phước vui ở Cõi Trời là đều nhờ nghe pháp. Thế cho nên Phật nói đem pháp bố thí thì được công đức vô lượng.

Thiên Đế thưa rằng: Nay thân thầy đây, thật là thân nghiệp báo hay là thân ứng hóa vậy?

Giả Can đáp rằng: Thật là cái thân nghiệp báo chớ chẳng phải là thân ứng hóa.

Người Trời nghe rồi bừng dậy kinh hãi, buồn thảm thương tâm, nhỏ đôi hàng giọt lệ, liền đứng dậy cung kính bạch Giã Can rằng: Lòng con tưởng thầy là Bồ Tát Thánh Nhân ứng hiện cứu đời mà nay vừa nghe thầy nói là tội nghiệp quả báo.

Chúng con chưa rõ cái duyên cớ gì?

Cúi xin thầy thương xót nói rõ nhân duyên ấy?

Giả Can đáp rằng: Ngài muốn nghe cũng được, ta nay nói đây. Ta trước hồi đời thượng cổ, ta sanh trong nước Ba La Nại, tại thành Ba Đầu Ma, làm con nhà nghèo tên là A Dật Đa cũng thuộc về dòng Sát Đế Lợi, tuy tuổi còn nhỏ mà thông minh ham mộ sự học hành đến khi mười hai tuổi đi theo Minh Sư vào ở trong chốn thâm sơn nhọc nhằn hầu hạ, nghiên cứu tập học siêng năng không biếng lười.

Thầy cũng ngày đêm tha thiết dạy bảo, không mất thời giờ, trải qua năm mươi năm học được chín mươi sáu món Kinh, Thơ, Ký, Luận, Phương Y, Chú Thuật và xem tướng biết hung, tai, dị, họa, phước không có món nào mà không biết, trí đức tài cao danh vọng bốn bể.

Khi bấy giờ, A Dật Đa tự nghĩ rằng: Cái sự cứu giúp ngày nay đâu không nhờ cái công ơn giáo hóa của Hòa Thượng Tôn Sư ta, cái công ấy khó trả.

Song mà nhà ta nghèo hèn không có gì để cúng dường, chỉ còn một lẽ là bán thân để đền đáp ơn thầy, nghĩ như thế rồi liền quỳ xuống thưa với thầy rằng: Đệ tử con nay muốn tự bán thân đền trả ơn thầy.

Thầy lại bảo rằng: Này con!

Kẻ Đạo Sĩ này ở trong núi vẫn đi khất thực tự nuôi sống không có việc chi thiếu thốn, nhưng con nay vì sao lại hủy báng cái thân quý mà cúng dường cho ta vậy.

Thôi con nay đã được thành tựu trí tuệ biện tài thì nên đi giáo hóa thiên hạ nhân dân, vì pháp làm ngọn đèn sáng, thì cái công giáo hóa ấy há chẳng đủ trả ơn cho ta hay sao!

May lắm! Thôi đừng làm những chuyện như vậy.

Khi đó, A Dật Đan là người trí nên không trái lời thầy, bèn ở lại trong nước đi khất thực tự nuôi sống. Như vậy không bao lâu vị Quốc Vương trong nước thăng hà. Các quan quần thần nhóm họp lại luận bàn, ra lệnh trong nước các chư Học Sĩ đều mời nhóm hết bảo cùng nhau thi luận, nếu ai được nhiều hơn hết sẽ được làm Vua.

Khi ấy, A Dật Đa cũng được mời đến nhóm cùng với chư Học Sĩ có hơn năm trăm người, suốt trong bảy ngày cùng nhau thi luận. Nhưng không có ai hơn được A Dật Đa. quần thần rất vui mừng liền mời các thầy Bà La Môn lại, tôn A Dật Đa lên nối ngôi vị Quốc Vương.

Khi A Dật Đa thấy sự như vậy rồi, vừa lo vừa mừng mà tự nghĩ thầm rằng: Nếu ta làm Vua thì sợ e có cái tâm kiêu mạn khoái ý tham cầu làm cho nhân dân bị khổ, đến khi chết sẽ đọa vào trong địa ngục, vì làm Vua là một nhân duyên chịu khổ, còn nếu không làm Vua thì nhà nghèo không có cái của cải lấy gì cúng dường báo đáp ơn nặng cho thầy, nghĩ đi nghĩ lại đành phải nhận ngôi Vua để trả ơn cùng nuôi dưỡng song thân. Nghĩ như vậy rồi đành nhận ngôi Vua.

Khi lên ngôi Vua rồi liền sai quan trung thần sửa soạn xe báu, tràng phan bảo cái, hương hoa kỹ nhạc đủ trăm món đồ ăn uống vào trong núi rước thầy về nước cúng dường riêng lập cung điện toàn bằng thất bảo, sơn phết chạm trổ đủ mọi vẻ đẹp, nào là giường chõng mền nệm, đồ ăn uống thuốc thang, vườn hoa, rừng quả, suối chảy ao tắm trang hoàng rực rỡ để cúng dường thầy.

Vua A Dật Đa cùng với quan dân trong nước phu nhân thể nữ. Ngày ngày theo thầy thọ giáo pháp thập thiện suốt trong một trăm năm.

Khi ấy, cõi ngoài có hai nước nhỏ, hai ông Vua nhỏ kia cùng nhau ganh ghét riêng lập binh mã đánh giết lẫn nhau, trải qua đã nhiều năm mà đàng nào cũng không hơn đàng nào. Một nước nhỏ kia tên là An Na La, một nước nữa tên là Ma La Bà Da.

Lúc đó Vua An Na La mời các quần thần nhóm lại cùng nhau đề nghị rằng: Chúng ta phải lấy phương pháp gì để đánh hơn được nước kia.

Các quần thần đáp rằng: Vua A Dật Đa là người sanh sản nơi nhà hàn tiện, tuy là địa vị ngôi Vua, nhưng cái tánh hàn tiện vẫn còn, và từ xưa đến nay vâng giữ theo mười điều lành không phạm sắc ngoài tà dâm tuy có cung nữ nhưng mà tuổi già hết rồi.

Như theo kế của tiểu thần thì nên tìm xem trong nước, không luận nhà nghèo hay giàu, miễn gái cho có tiếng, đủ một trăm người tuổi trẻ sắc đẹp, hễ vừa ngó thấy là vừa thích ý, ăn mặc trang điểm phấn son thơm sạch.

Rồi sai quan trung thần chở chuyên của báu và các thể nữ ấy đem sang cống hiến. Nếu Ngài thâu nhận thì xin Ngài giúp cho trăm vạn hùng binh đem qua đánh thì không đâu là không thắng.

Ai nấy liền y theo kế đó: Gái đẹp, của báu trong một giờ tìm đủ, Vua sai trung thần đem sang cống hiến.

Khi bấy giờ, Vua A Dật Đa được các mỹ nữ và của báu thì chi xiết vui mừng mới hỏi vị sứ thần rằng: Vua ngươi cống hiến cho ta những vật quý như thế này mà muốn cho ta đáp lại những gì không?

Sứ thần tâu rằng: Vì nước Ma La Bà là một nước dưới quyền thống trị của Đại Vương, Vua kia ngu mê không biết giáo hóa nhân dân, dâm loạn vô đạo không lo việc quốc chánh, nhân dân bị đồ thán xem như kẻ thù.

Dám xin Đại Vương giúp cho trăm vạn hùng binh đem qua đánh nước ấy. Nên hôm nay tôi thành tâm cống hiến chính là vì lẽ đây.

Vua nói rằng: Hay lắm!

Rồi liền sai quan lệnh giản kiểm đủ trăm vạn hùng binh đem giao phó cho đó và Vua An Na La cũng tự chọn lựa trong nước được trăm vạn binh nhân đồng thời giúp nhau, thổi hiệu ra lệnh suốt trong trăm ngày đấu chiến sát hại người chết hơn nửa, mới thắng được nước kia.

Bấy giờ, Vua Ma La Bà đều bị xử trảm và cả họ hàng có hơn ngàn vạn người trong một thời đều chết sạch.

Bấy giờ, nhắc lại Vua A Dật Đa khi được các gái đẹp thì tình ý mê hoặc quên mất bổn tâm, lung dâm chơi đùa không lo việc quốc chánh, để cho quan quần liêu cùng nhau làm loạn, bắt con gái của lương dân về làm nô lệ.

Gió mưa không đúng thời tiết, nhân dân chết đói đầy đường. Nên bị kẻ địch nước ngoài bèn đến xâm lấn. Vua A Dật Đa từ đây mất nước rồi cũng bị diệt vong.

Sau khi chết rồi sanh trong đường địa ngục thân chịu khổ sở, nhưng vì nhờ đời trước có sứ học vấn trí tuệ, nên nhớ được túc mạng tâm tự hối quá bỏ dữ làm lành, chỉ trong giây lát hết đời địa ngục sanh làm ngạ quỷ, mà còn nhớ được mạng đời trước, liền lại ăn năn tội lỗi.

Chuyên tu pháp thập thiện, trong giây lát lại hết đời ngạ quỷ sanh trong loài súc sanh, chịu cái thân Giã Can, song vì nhờ cái sức trí tuệ nên lại còn biết được túc mạng, bỏ những việc ác đã qua sửa làm việc lành sắp đến, vâng giữ pháp Thập Thiện, lại đi giáo hóa tất cả chúng sanh khiến dạy bảo làm mười điều lành.

Nhưng nay rủi gặp sư tử rượt bắt trong khi sợ hãi nhảy nhào xuống giếng, trong tâm tưởng là chết rồi sẽ được sanh về cỏi Trời hết khổ được vui, nhưng mà do ngươi cứu ta làm trái bổn nguyện của ta nên mới trải qua những nỗi khổ, biết đời nào khỏi được. Thế cho nên ta nói ngươi cứu mạng ta là không có công phu vậy.

Thiên Đế nạn rằng: Như theo lời thầy nói thì người lành cầu chết. Việc ấy không phải vậy.

Là vì sao?

Vì thầy ở dưới giếng nếu không nắm vào áo thì không đặng lên, nếu không đặng lên thì thân không đặng sống. Nay xét cái nguyên do được sống là nhờ thầy nắm vào áo.

Thế cho nên phải biết rằng: Chẳng phải là thầy không muốn sống lẽ nào thầy lại nói rằng thầy không tham sống ư?

Giả Can đáp rằng: Ý ta nay sở dĩ nắm vào áo là chính vì ba sự nhân duyên rất lớn.

Sao gọi là ba?

Một là nắm vào áo vì không trái cái bổn nguyện của Thiên Đế. Vả lại làm trái ý không mãn chỗ sở nguyện của người, thì mắc cái khổ rất lớn, làm cho người khổ não thì đời đời sanh ra chỗ nào, chí nguyện cũng không loại, cầu chi cũng không dặng, tìm nơi nào cũng không gặp, khổ não đến thân. Ta vì cái lẽ ấy chớ chẳng phải là vì sự sống vậy.

Hai là nắm vào áo, là thấy ý Chư Thiên muốn đặng nghe pháp, nên ta muốn vì Chư Thiên tuyên truyền chánh pháp bởi ta không lẫn pháp vậy.

Ví như ta không nói thì thành ra lẫn pháp, mà cái tội lẫn pháp đời đời sanh đui, điếc, câm, ngọng, các căn bế tắc, sanh ở chốn biên địa, ngu si vô trí.

Dù sanh ở chỗ tốt mà tâm tánh ám độn sở học không thành tựu nên khổ não đến thân. Ta nay vì cái lẽ ấy chớ chẳng phải vì sự sống vậy.

Thí như người đời, nhân đời trước của họ làm việc bố thí tu thiện phước đức nhân duyên, nên đời nay sanh ra làm người, chỗ sở nguyện tùng tâm giàu có của cải, mà kẻ nghèo đi đến xin lại keo tâm lẫn tiếc không chịu thí cho.

Cái quả báo của sự xan tham sẽ sanh trong đường ngạ quỷ thường bị nạn đói khát, áo chẳng đủ che thân, mùa đông lạnh rét thân thể nứt nẻ, mùa nắng thì nóng dữ, không có bóng che, khổ não như thế đến mấy nghìn vạn kiếp.

Tội ngạ quỷ hết rồi sanh trong loài súc sanh ăn cỏ uống nước, ngu dại không biết chi, hoặc ăn bùn đất, uống nước bất tịnh, đó là vì mắc cái tội xan tham, cho nên phải chịu cái quả báo như vậy. Mà cái tội lẫn pháp cũng như thế.

Ba là nắm vào áo, là chính vì muốn tuyên truyền pháp hóa cùng khắp vậy thôi. Đó là vì muốn khai ngộ lợi ích cho người Trời.

Thiên Đế lại hỏi rằng: Gọi là pháp thí được công đức không lường.

Việc ấy ra làm sao?

Cúi xin thầy nói cho.

Giả Can đáp rằng: Tuyên truyền chánh pháp hay khiến cho chúng sanh được biết có chết đây thì có sanh kia, làm lành thì được phước, làm ác phải chịu họa, tu đạo đắc đạo, nhờ công đức ấy, đời sau sanh ra được trí tuệ sáng suốt thường biết túc mạng.

Hoặc sanh lên cõi Trời thì làm thầy của Chư Thiên, nếu sanh trong thế gian, thì làm Vua Kim Luân thường đem pháp thập thiện giáo hóa trong thiên hạ, hoặc làm vị nhân Vương, lấy chánh pháp trị nước, thường biết túc mạng, vì biết túc mạng, nên tâm không buông lung.

Pháp người ở địa vị cao sang, hưởng thú vui của ngũ dục phần nhiều có ma sự đến phá hoại, cám dỗ khiến cho người cảm tình tạo ra nghiệp ác, tuy còn làm những việc tội lỗi chịu cái quả báo ác, nhưng nhờ cái sức trí tuệ, chóng được khỏi khổ, sanh lên Cõi Trời, hưởng phúc vui, trí tuệ sáng suốt, dần dần tăng trưởng thành hạnh Bồ Tát, đến nhẫn vô sanh.

Thế cho nên Phật nói rằng: Cái công giáo hóa được phước không lường.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần