Phật Thuyết Kinh Tọa Thiền Tam Muội - Phần Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT

KINH TỌA THIỀN TAM MUỘI

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

PHẦN NĂM  

Bấy giờ, lại nên suy nghĩ: Hình tướng này là ai?

Đó là hình tướng của Phật Thích Ca Mâu Ni trong quá khứ. Như nay ta được thấy hình tướng Phật. Hình tượng ấy không đến, ta cũng không đi. Tâm tưởng như vậy thì thấy Đức Phật quá khứ, từ lúc mới giáng thần đã khiến chấn động cả trời đất, gồm có ba mươi hai tướng của Bậc Đại Nhân.

1. Lòng bàn chân bằng phẳng.

2. Dưới bàn chân có hình bánh xe với ngàn tăm.

3. Ngón tay dài, đẹp.

4. Gót chân rộng.

5. Kẽ ngón tay, ngón chân đều có màng lưới mỏng.

6. Mu bàn chân cao, bằng, đẹp.

7. Chân thon, tròn đầy như nai chúa.

8. Đứng thẳng, tay quá gối.

9. Tướng mã âm tàng.

10. Thân tròn thẳng như cây Ni câu lô đà.

11. Mỗi lỗ chân lông đều có một sợi lông.

12. Lông hướng lên và xoay qua phải.

13. Sắc thân hơn sắc vàng ròng.

14. Hào quang tỏa xung quanh thân một trượng.

15. Da mỏng, đẹp.

16. Bảy chỗ đều đầy đặn.

17. Dưới hai nách bằng, đẹp.

18. Thân trên như Sư tử.

19. Thân rất đẹp, ngay ngắn.

20. Vai tròn, đẹp.

21. Có bốn mươi cái răng.

22. Răng trắng, bằng khít, chân sâu.

23. Bốn răng cửa trắng, lớn.

24. Má vuông như má sư tử.

25. Trong vị giác luôn có được vị thượng diệu.

26. Lưỡi lớn, rộng, dài mà mỏng.

27. Tiếng Phạm âm sâu xa.

28. Âm thanh như tiếng chim Ca Lăng Tần Già.

29. Mắt màu xanh biếc.

30. Lông mi như bò chúa.

31. Trên đảnh có nhục kế.

32. Giữa chặng mày có tướng bạch hào dài, đẹp xoắn về bên phải.

Lại có tám mươi vẻ đẹp:

1. Tướng vô kiến đảnh.

2. Mũi cao, thẳng, đẹp, kín.

3. Lông mày như vầng trăng lưỡi liềm, xanh như màu lưu ly.

4. Tai đẹp.

5. Thân như Na La Diên.

6. Xương nối kết nhau như mắt xích.

7. Khi xoay thân như voi chúa.

8. Khi đi, chân cách đất bốn tấc mà vẫn in dấu.

9. Móng tay màu như đồng đỏ, mỏng và bóng sáng.

10. Đầu gối tròn, đẹp.

11. Thân tinh khiết.

12. Thân mềm mại.

12. Thân không cong.

13. Ngón tay thon dài.

14. Đường chỉ tay đẹp như bức họa nhiều màu.

15. Mạch sâu không lộ.

16. Mắt cá ẩn không lồi.

17. Thân sáng, bóng láng.

18. Thân vững, không xiêu quẹo.

19. Thân đầy đủ tháng năm thọ thai, tháng hai sinh.

20. Đầy đủ dung nghi.

21. Đứng vững chải như bò chúa không động.

22. Uy dũng trùm khắp.

23. Chúng sinh thích chiêm ngưỡng.

24. Mặt không dài.

25. Dung mạo đoan nghiêm, không có sắc xen tạp.

26. Môi đỏ như màu quả Tần bà.

27. Mặt tròn đầy.

28. Âm thanh vang xa.

29. Rốn tròn sâu, không lồi.

30. Lông khắp thân đều xoay về phía phải.

31. Chân tay đầy đặn.

32. Tay chân như ý trong ngoài đều nắm được.

33. Đường chỉ tay chân đều rõ ràng và thẳng.

34. Chỉ tay dài.

35. Chỉ tay không dứt đoạn.

36. Tất cả chúng sinh có tâm xấu ác, khi trông thấy đều lộ vẻ vui mừng.

37. Mặt rộng, đẹp.

38. Mặt như vầng trăng.

39. Chúng sinh thấy không kinh sợ.

40. Lỗ chân lông tỏa mùi thơm.

41. Miệng thoảng mùi hương, chúng sinh gặp thì có được pháp lạc bảy ngày.

42. Dung nghi như sư tử.

43. Tiến, dừng như voi chúa.

44. Đi như ngỗng chúa.

45. Đầu như quả Ma đa la quả này không tròn không dài.

46. Đầy đủ âm thanh có sáu mươi loại âm thanh, Phật đều đầy đủ.

47. Răng sắc bén.

48. Lưỡi rộng và đỏ.

49. Lưỡi mỏng.

50. Lông toàn màu hồng, sạch sẽ.

51. Mắt rộng, dài.

52. Khổng môn đầy chín khổng môn đủ và đầy đặn.

53. Chân tay trắng đỏ như màu hoa sen.

54. Bụng không lồi.

55. Bụng không lép.

56. Thân không động.

57. Thân nặng.

58. Thân lớn.

59. Thân cao, lớn.

60. Chân tay sạch, đầy đặn.

61. Quanh thân có hào quang lớn, khi đi ánh sáng tỏa chiếu khắp.

62. Xem chúng sinh đều như nhau.

63. Giáo hóa không chấp trước, không tham cầu đệ tử.

64. Tùy thuận theo tiếng của chúng sinh đầy đủ, không thêm không bớt.

65. Thuận theo ngôn ngữ của chúng sinh mà thuyết pháp.

66. Lời nói không bị ngăn ngại.

67. Thuyết pháp theo thứ tự không bị gián đoạn.

68. Tướng của Phật, chúng sinh chiêm ngưỡng không thể biết rõ hết.

69. Chiêm ngưỡng không nhàm chán.

70. Tóc dài, đẹp.

71. Tóc xoắn, đẹp.

72. Tóc không rối.

73. Tóc không hư.

74. Tóc mềm mại.

75. Tóc màu xanh như ngọc Tỳ Lưu Ly.

76. Bề mặt của tóc mềm.

77. Tóc không thưa.

78. Ngực có chữ Đức, chân có chữ Cát.

79. Ánh sáng chiếu khắp vô lượng Thế Giới.

80. Lúc mới sinh đi bảy bước, miệng nói lên những lời quan trọng.

Xuất gia siêng năng tu tập khổ hạnh, ở nơi cội Bồ Đề, hàng phục các ma. Cuối đêm vừa rạng sáng, thành Bậc Đẳng Chánh Giác, hào quang rực rỡ tỏa chiếu khắp mười phương, không đâu là không hiện bày. Chư Thiên nơi hư không đàn hát và rải hoa, mưa hương để cúng dường.

Tất cả chúng sinh đều vô cùng cung kính. Một mình đi trong ba cõi, chuyển thân như voi chúa, quán xét về cây Bồ Đề, chuyển pháp luân lần đầu, khiến cho hàng trời, người được giác ngộ, dùng đạo đã tự mình chứng đắc đạt đến Niết Bàn.

Thân Phật như vậy, phát ra sự cảm hóa vô lượng. Dốc lòng niệm Phật không khởi niệm khác, nếu dấy khởi niệm khác theo các duyên thì thâu tóm trở lại. Không loạn động như thế, bấy giờ liền thấy được sắc thân của Phật, một Phật, hai Phật, cho đến sắc thân của Chư Phật trong vô lượng Thế Giới khắp mười phương. Do tâm tưởng nên đều được thấy Phật. Đã thấy Phật, lại được nghe Thuyết Pháp, hoặc tự thưa hỏi. Đức Phật vì mình mà thuyết pháp, giải thích những chỗ còn nghi ngờ.

Đã đạt được sự nhớ nghĩ về Đức Phật rồi lại phải nhớ nghĩ đến Pháp Thân công đức của Phật, với vô lượng đại trí, trí tuệ rộng sâu, công đức không thể tính kể, gồm đủ mười ton hiệu: Đa Đà A Già Độ Như Lai, A Lê Ứng Cúng, Tam Miệu Tam Phật Đà Chánh Biến Tri, Tỳ Già Giá La Na Tam Bát Na Minh Hạnh Túc, Túc Già Đà Thiện Thệ, Lộ Già Bại Thế Gian Giải, A Nậu Đa La Vô Thượng Sĩ, Phú Lâu Sa Đàm Miệu Điều Ngự Trượng Phu, Xá Đa Đề Bà Ma Nậu Xá Nam Thiên Nhân Sư, Phật Bà Già Bà Phật Thế Tôn.

Bấy giờ, lại niệm về thần đức nơi một, hai, ba, bốn, năm Đức Phật, cho đến vô lượng tận hư không giới cũng đều niệm như vậy. Lại thấy một Đức Phật có thể làm thành mười phương Phật, có thể thấy mười phương Phật làm thành một Đức Phật. Có thể khiến một sắc tạo thành sắc của kim, ngân, thủy tinh, Tỳ lưu ly, tùy theo sự ưa thích của mọi người đều làm cho họ thấy được.

Khi ấy, chỉ quán xét hai việc: Thân Phật như hư không và công đức của Phật, càng không dấy khởi những niệm khác, tâm được tự tại, ý không giong ruổi, liền chứng được Tam Muội Niệm Phật. Nếu tâm giong ruổi theo năm trần, hoặc suy nghĩ về sáu thứ như trước thì phải tự cố gắng hết sức để kềm chế, giữ tâm mạnh mẽ nhằm điều phục nó.

Tư duy như vậy: Thân người khó được, Phật Pháp khó gặp, nen gọi là trong các thứ ánh sáng thì mặt trời hơn hết, trong các bậc trí thì Đức Phật là tối thắng.

Vì sao?

Vì Đức Phật phát khởi tâm đại bi, thường vì muôn loài dùng đầu, mắt, tủy, não để cứu giúp chúng sinh.

Vậy cớ sao mình lại buông lơi tâm ý, không dốc lòng niệm Phật mà phụ ân sâu nặng của Ngài?

Nếu Đức Phật không xuất hiện ở đời, thì không có đạo lý của hàng Trời, người, đạo lý đạt đến giác ngộ, giải thoát. Nếu người dùng hương hoa cúng dường, dùng xương, thịt, máu, tủy xây dựng tháp để cúng dường thì cũng không bằng người dùng pháp cúng dường, đạt đến Niết Bàn. Tuy nhiên, nếu phụ ân Phật thì dù có niệm Phật cũng không đạt được gì cả.

The nên, cần phải dốc lòng ghi nhớ, không quên để báo đáp ân Phật, huống nữa là niệm Phật đạt được các tam muội, có trí tuệ, thành Phật mà không chuyên niệm sao?

Cho nên, hành giả thường phải chuyên tâm giữ gìn ý không cho tán loạn thì được thấy Phật, thưa hỏi những chỗ nghi ngờ. Đó gọi là Tam Muội Niệm Phật diệt trừ đẳng phần và các tội nặng khác.

Bấy giờ, hành giả tuy đạt được nhất tâm nhưng chưa thành tựu định lực, còn bị phiền não ở Dục Giới làm rối loạn, nên dùng phương tiện tinh tấn tu học, đạt được Sơ Thiền nhằm trừ bỏ những ái dục.

Làm thế nào để diệt trừ?

Quán xét lỗi lầm về dục của Dục Giới là bất tịnh với vô số những thứ bất thiện. Nên nhớ nghĩ ở Sơ Thiền sẽ được an ổn, vui vẻ.

Quán xét về dục là thế nào?

Từ nhận biết dục là vô thường với những tác động gay nên oan gia như huyễn hóa, rỗng không, không thể nắm bắt. Nhớ nghĩ chưa được thì tâm tối tăm, loạn động, huống nữa đã bị dâm dục trói buộc, che phủ. Vui ở Cõi Trời còn không an ổn huống nữa là ở cõi người.

Tâm người tham đắm Cõi Dục không nhàm chán như lửa được bén vào củi, như biển dung nạp các dòng, như Vua Đảnh Sinh tuy đủ bảy thứ báu, làm Vua bốn cõi thiên hạ, được Đế Thích phân nửa tòa ngồi vẫn không cho là đủ, như họ Na Hầu Sa, Vua Chuyển kim luân bị dục giày vò, đọa vào loài mãng xà.

Lại như Tiên Nhân ăn trái cây, mặc áo cỏ, sống ở nơi thâm sâu, xõa tóc cầu đạo hãy còn không tránh khỏi giặc tham dục hủy hoại, thích vui thì ít, oán giận độc hại lại nhiều. Người tham dục thích gần gũi kẻ ác, xa lìa người hiền.

Dục là rượu độc làm cho say mê trong sự tối tăm, lầm lạc.

Dục là lừa dối, sai khiến kẻ ngu, làm mầm mống cho muôn vàn đau khổ không được tự tại, chỉ có xa lìa dục ở thân thì tâm được an ổn, vui vẻ vô cùng.

Dục không chỗ đạt được như chó gặm xương khô. Mong cầu dục phải vất vả, cực khổ mới được, được dục thật là khó, nhưng mất đi thì rất dễ dàng. Ví như sự nhờ vả chỉ trong chốc lát không thể lâu dài, như những điều thấy trong mộng chốc lát liền diệt mất.

Dục là hoạn nạn, khi cầu đã khổ mà được rồi cũng khổ, được nhiều thì khổ nhiều, như lửa gặp củi, củi càng nhiều thì cháy nhiều.

Dục như miếng thịt, bị các loài chim giành nhau ăn. Tóm lại, như con thiêu thân bay vào ngọn lửa, như cá mắc phải lưỡi câu, như nai chạy theo tiếng vang, như khát uống nhằm nước mặn. Chúng sinh vì dục mà bị tất cả các khổ nạn, chịu đủ thứ khổ.

Vì thế nên biết, dục là độc hại, phải mong cầu đạt được Sơ Thiền để diệt trừ lửa dục. Hành giả tâm phải chuyên cần tinh tấn, tin tưởng được an vui, khiến cho tâm tiến lên, ý không tán loạn.

Quán xét tham dục để tâm nhàm chán, từ bỏ hết phiền não kết sử, được định Sơ Thiền, xa lìa lửa dục, để được nước thiền định mát ngọt, như khi nóng nực được bóng mát, như kẻ bần cùng được giàu có. Khi đó, liền được niềm vui của Sơ Thiền. Tư duy ở trong thiền định được các công đức. Quán phân biệt về tốt xấu liền được nhất tâm.

Hỏi: Người tu tập thiền định được tướng nhất tâm, làm thế nào có thể nhận biết?

Đáp: Thực hành thiền định sắc mặt vui vẻ hiền hòa, điềm tĩnh, thường nhất tâm, mắt không tham đắm sắc, nhờ định lực công đức của thần thông, không tham danh lợi, trừ sạch kiêu mạn, tánh ấy hòa dịu, không ôm lòng độc hại.

Lại không có bỏn sẻn, ganh ghét, hiểu chính xác tâm thanh tịnh, bàn luận không tranh cãi, thân không lừa dối, lời nói đúng đắn, tâm tánh hòa dịu, biết hổ thẹn trong chánh pháp, chuyên cần tinh tấn giữ gìn giới cấm đầy đủ, đọc Tụng Kinh sách, suy nghĩ đúng như chánh pháp mà thực hành.

Tâm ý thường an vui, đối với chỗ không vừa lòng vẫn không giận dữ, với bốn sự cúng dường nếu không thanh tịnh thì không thọ nhận. Nếu bố thí thanh tịnh thì nhận lấy nhưng biết vừa đủ, hiểu rõ, xem nhẹ lợi dưỡng có thể thực hành hai pháp bố thí, nhẫn nhục để đoạn trừ tà kiến, bàn luận về nghĩa lý không tự cao, tự mãn, ít nói năng, cung kính khiêm tốn đối với các bậc thượng, trung, hạ. Thường thân cận, vâng lời thầy lành, bạn tốt.

Ăn uống điều độ, không tham vật ngon. Thích ở nơi vắng lặng, hoặc khổ, hoặc vui, tâm nhẫn nhục không lay động, không oán thù, không cạnh tranh, không kiện tụng. Đầy đủ các tướng như vậy thì biết đó là tướng nhất tâm. Hai việc quán này làm loạn tâm thiền định như nước lắng trong bị quấy động thì vẩn đục.

Hành giả cũng như vậy, bên trong đã nhất tâm, quán xét rõ chỗ bị não loạn, như mệt nhọc được nghỉ ngơi, như ngủ nghỉ được an ổn, cứ tuần tự như vậy không giác, không quán thì sinh định thanh tịnh, bên trong thanh tịnh hỷ lạc, chứng được thiền thứ hai.

Tâm vốn an nhiên vắng lặng không có đối tượng thủ đắc, chứng đắc hỷ này rồi, khi ấy tâm quán xét cho hỷ là vướng bận. Thực hành giác quán như ở trên, không thấy pháp hỷ mới lìa được hỷ, chứng đắc lạc của Bậc Thánh Hiền nhất tâm biết rõ, giữ gìn chánh niệm chứng nhập thiền thứ ba.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần