Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Một - Phẩm Mười Con đường Thiện Nghiệp - Tập Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM MỘT
PHẨM MƯỜI CON ĐƯỜNG
THIỆN NGHIỆP
TẬP MỘT
Tôi nghe như vậy!
Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ở tại thành Vương Xá, du hành đến thôn của Bà La Môn Na La Đà.
Vào sáng sớm, tuệ mạng Xá Lợi Phất cùng chúng Tỳ Kheo vào thành Vương Xá khất thực. Bấy giờ, chúng Tỳ Kheo tách rời tuệ mạng Xá Lợi Phất đi khất thực và lần lần đến chỗ ngoại đạo Già La Ca Ba Ly Bà Xà Ca, rồi cùng nhau thăm hỏi. Tất cả ai nấy đều vui vẻ bàn luận về giáo pháp và đối đáp qua lại.
Ngoại đạo Già La Ca Ba Ly Bà Xà Ca hỏi các Tỳ Kheo: Sa Môn Cù Đàm Thích Ca của các ông nói pháp như vậy: Dục là bất thiện, không đáng ưa thích, không an vui, không vừa ý.
Đối với tham dục của người khác cũng không tùy hỷ.
Tôi cũng nói như vậy: Thân nghiệp không đáng ưa thích, không an vui, không vừa ý.
Đối với tham dục của người khác cũng không tùy hỷ.
Sa Môn Cù Đàm Thích Ca của các ông nói: Khẩu nghiệp không đáng ưa thích, không an vui, không vừa ý, không tùy hỷ với dục của người khác.
Tôi cũng nói như vậy: Khẩu nghiệp không đáng ưa thích, không an vui, không vừa ý, không tùy hỷ với dục của người khác.
Sa Môn Cù Đàm Thích Ca của các ông nói: Ý nghiệp không đáng ưa thích, không an vui, không vừa ý, không tùy hỷ với dục của người khác.
Tôi cũng nói như vậy: Ý nghiệp không đáng ưa thích, không an vui, không vừa ý, không tùy hỷ với dục của người khác.
Pháp luật nơi Sa Môn Cù Đàm Thích Ca của các ông cũng như vậy, có khác gì đâu?
Có ý gì khác và có gì hơn không?
Nếu pháp luật theo Sa Môn Cù Đàm Thích Ca của các ông cũng như vậy thì có gì khác với tôi?
Vậy mà Sa Môn Cù Đàm Thích Ca tự xưng mình là Bậc nhất thiết trí.
Ngoại đạo Già La Ca Ba Ly Bà Xà Ca hỏi như vậy xong, tâm của các vị Tỳ Kheo không tùy hỷ và không trả lời được vì các vị mới xuất gia nên chưa hiểu rõ về pháp của Tỳ Kheo.
Bấy giờ, chúng Tỳ Kheo tách rời tuệ mạng Xá Lợi Phất trước đây, khất thực xong rồi đến thôn Na La Đà để thọ trai và nghỉ ngơi. Lúc này, tuệ mạng Xá Lợi Phất cũng vừa khất thực xong và cũng đi đến thôn Na La Đà. Khi ấy, các Tỳ Kheo đến chỗ tuệ mạng Xá Lợi Phất thưa hết các việc ở trên.
Tuệ mạng Xá Lợi Phất bảo chúng Tỳ Kheo: Nếu Tuệ mạng tôi cùng với các vị vào thành Vương Xá khất thực, cùng với các vị đi ra ngã tư, ngã ba để đến chỗ ngoại đạo Già La Ca Ba Ly Bà Xà Ca thì tôi có thể dùng chánh pháp để phá họ, nhưng tôi đi khất thực ở ngã tư, ngã ba khác nên không nghe những điều mà ngoại đạo Già La Ca Ba Ly Bà Xà Ca cật vấn trước đây.
Đức Thế Tôn có trí tuệ thấy biết tất cả nghiệp quả ở hiện tại. Nay Đức Thế Tôn đang ở đây rất là tôn thắng.
Nếu tất cả ngoại đạo gặp Phật sẽ bị hàng phục ngay. Đức Thế Tôn đang khéo nói rõ tất cả pháp nghiệp báo cho các Thanh Văn, Ưu Bà Tắc, Trời, Người. Đức Thế Tôn ở cách đây không xa lắm, các vị có thể đến đó để hỏi ắt sẽ được nói rõ về tất cả pháp nghiệp báo cho các vị nghe.
Còn như Chư Thiên, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn ở thế gian đều không thể nói rõ được, chỉ có Đức Như Lai mới có thể nói cho các vị hiểu. Đối với pháp kia tôi chưa thông tỏ, chỉ có Đức Thế Tôn thông hiểu bậc nhất về pháp nghiệp báo mới có thể vì các vị mà giảng nói.
Thế rồi, chúng Tỳ Kheo đi đến chỗ Đức Thế Tôn.
Bấy giờ, vào buổi Thuyết Pháp ban ngày, Đức Thế Tôn giống như núi Tu Di, hào quang tỏa khắp như ánh sáng Mặt Trời, như Trăng thanh mát trong đêm, như ao nước trong lành, sâu rộng như biển. Đức Thế Tôn an trú bất động giống như núi Tu Di, tâm không sợ sệt như Sư Tử chúa và làm chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh.
Cũng như cha mẹ luôn có tâm từ và hết thảy chúng sinh là người thân yêu tối thượng, luôn có lòng từ, bi, hỷ, xả để làm chỗ dựa, lấy ba mươi bảy pháp thù thắng vi diệu của phần bồ đề lớn lao để trang nghiêm thân, làm cho mắt của tất cả chúng sinh thanh tịnh, nhìn không nhàm chán.
Vương tử Thích Ca Thắng Nhật Nguyệt Quang nói kệ:
Mắt Thế Tôn nhìn khắp
Mắt tịnh không ba cấu
Hay khéo nói Nhị Đế
Biết rõ ba thứ khổ.
Như vậy, Phật Thế Tôn
Đã tu hai thứ tu
Hiện chứng được đạo quả
Trí diệt đế đầy đủ.
Xa lìa khỏi ba cõi
Giảng nói vượt ba cõi
Biết rõ mười tám giới
Quán biết đế giải thoát.
Mười tám nhóm công đức
Tương ưng công đức mình
Tháo gỡ chín trói buộc
Đầy đủ mười thứ lực.
Thành tựu bốn vô úy
Và thành tựu đại bi
Tâm đại bi thấm nhuần
Thành tựu ba niệm xứ.
Bấy giờ, các vị Tỳ Kheo gặp Đức Thế Tôn rồi, trịch áo bày vai, chân phải quỳ sát đất như pháp, lạy Đức Thế Tôn rồi lui qua một bên và giữ oai nghi đứng cúi đầu cung kính.
Chúng Tỳ Kheo cử ra một vị đến gần lạy Đức Thế Tôn, thưa: Bạch Thế Tôn! Vào sáng sớm nay con ôm bát, đắp y đi vào thành Vương Xá khất thực thưa hết mọi việc ở trên cho đến cùng ngoại đạo Già La Ca Ba Ly Bà Xà Ca cật vấn và vấn đề ngoại đạo hỏi về thân, khẩu, ý nghiệp… như trước đã nói.
Đức Thế Tôn sau khi quán xét rồi bắt đầu nói pháp cho các Tỳ Kheo thôn Na La Đà và các Bà La Môn: Này các Tỳ Kheo! Những lời ta nói ra ban đầu, chặng giữa và rốt sau đều thiện, ý nghĩa và lời lẽ đều thiện. Chỉ có một pháp là đầy đủ thanh tịnh, tốt đẹp, phạm hạnh khai sáng. Đó là pháp môn chánh pháp niệm xứ. Hãy khéo lắng nghe và suy nghĩ kỹ, ta sẽ vì các ông mà giảng nói.
Các Tỳ Kheo thưa: Bạch Thế Tôn! Chúng con xin lắng nghe.
Ngay lúc đó, các Tỳ Kheo chí tâm lắng nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn Thuyết Pháp cho các vị Tỳ Kheo: Này các Tỳ Kheo! Thế nào là pháp môn chánh pháp niệm xứ?
Đó là pháp thấy là pháp, phi pháp thấy là phi pháp. Thường niệm pháp môn đó tâm không nghi ngờ, ưa thích nghe pháp, đêm ngày cúng dường, biết được thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, đối với sự sinh diệt của nghiệp quả không thấy một cách điên đảo, không thực hành pháp khác.
Này các Tỳ Kheo! Thân nghiệp có ba, đó là sát sinh, trộm cắp và tà dâm.
Thế nào là sát sinh?
Đối với chúng sinh khác, khởi tưởng về chúng sinh nên có tâm sát hại, cắt đứt mạng sống của chúng.
Tạo tác nghiệp sát sinh có ba: Thượng, trung, hạ.
1. Thượng là giết các bậc A La Hán… bị đọa vào địa ngục A tỳ.
2. Trung là giết người phàm phu.
3. Hạ là giết kẻ ác và súc sinh.
Lại có ba: Quá khứ, hiện tại và vị lai.
Lại có ba: Hành động tham, hành động sân và hành động si.
1. Hành động tham như hạng săn bắn.
2. Hành động sân như tánh thấp hèn.
3. Hành động si như những trai giới của ngoại đạo.
Lại có ba: Mình làm, bảo người khác làm và thấy người khác làm sinh tâm vui mừng.
Tuy sát sinh nhưng có năm trường hợp không bị nghiệp tội sát sinh.
1. Người đi đường vô tâm mà làm tổn thương, giết hại những mạng sống nhỏ bé, mọn mạy như trùng, kiến.
2. Nếu ném cây sắt, vô tâm sát hại mà làm đứt mạng sống loài vật.
3. Thầy thuốc trị bệnh, vì lợi ích mà cho người bệnh uống thuốc. Nhân nơi thuốc đó làm người bệnh chết, nhưng thầy thuốc ấy không có tâm ác.
4. Cha mẹ vì tâm từ dạy con mà đánh, nhân đánh mà người con chết.
5. Khi đốt lửa những con trùng bò vào, vì trùng bò vào mà chết, nhưng người kia không có tâm giết trùng.
Năm trường hợp trên đây, tuy đoạn mạng sống của chúng sinh nhưng không mắc tội sát sinh.
Lại có ba loại sát sinh: Mình làm, bảo người khác làm và thấy người khác làm thì sinh tâm vui mừng.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Thế nào là tạo nghiệp trộm cắp trọn vẹn?
Trộm cắp thế nào là chịu quả báo ít?
Người kia thấy, nghe, biết, hoặc thấy bằng thiên nhãn: Vật của người khác thuộc về của họ mà mình tự ý trộm lấy.
Như vậy là tạo tác đầy đủ nghiệp trộm cắp.
Nếu là ba điều: Vì làm lợi ích cho các bậc tôn trưởng, cha mẹ và người bệnh, các bậc Duyên Giác, La Hán, A Na Hàm, Tư Đà Hàm và Tu Đà Hoàn. Hoặc vì bệnh nặng. Vì đói khát, người kia vì làm lợi ích mà trộm cắp. Trộm cắp như vậy thì chịu quả báo ít vì nghiệp trộm cắp chưa hội đủ.
Lại nữa, trộm cắp bị quả báo ít nghĩa là sau khi trộm cắp, luôn sám hối trong lòng. Sám hối rồi sau không dám tái phạm nữa, ngăn cản người khác trộm cắp, chỉ bảo họ giới không trộm cắp và nêu con đường thiện để họ trú trong pháp lành, xa lìa nghiệp trộm cắp. Như vậy là nghiệp trộm cắp không đầy đủ.
Thế nào là nghiệp đầy đủ?
Nếu người trộm cắp, khi trộm cắp dối trá làm mê hoặc người khác. Ở chỗ vắng suy nghĩ tính toán làm những việc dối trá, đong cân đổi vật tạo những nghiệp ác. Những hành động như vậy là nghiệp đầy đủ.
Thế nào thì thành nghiệp?
Vật thuộc của người khác, mình biết rồi mà vẫn trộm cắp. Như vậy là thành nghiệp.
Thế nào là nghiệp đầy đủ?
Làm rồi tùy hỷ, lại ưa thích làm và làm nhiều, rồi đến chỗ người khác ca ngợi việc trộm cắp.
Lại nữa, bảo người giữ giới thiện khác trộm cắp, đó là nghiệp đầy đủ.
Ba nghiệp như vậy đầy đủ thì quả báo không mất, còn những nghiệp trộm cắp khác thì mắc quả báo ít, chứ không nhất thiết phải chịu.
Lại nữa, người tu hành trong tâm tư duy, tùy thuận với chánh pháp, quan sát sự hoạt động của các pháp.
Thế nào là tà dâm?
Kẻ tà dâm ở đây, nếu với vợ mình hành trái đạo, đối với vợ người hành đúng đạo hoặc trái đạo. Nếu người khác làm mà sinh tâm tùy hỷ, hoặc cố bày phương tiện, khuyên bảo người khác làm. Đó là tà dâm.
Tà dâm thế nào mắc quả báo ít?
Tà dâm xong luôn sám hối trong lòng, không tùy hỷ, ngăn cản người khác tà dâm, chỉ họ con đường thiện. Đó là nghiệp tà dâm không đầy đủ. Nếu lìa bỏ ý tà dâm, giữ giới tu hành. Tà dâm như vậy là mắc quả báo ít, không nhất định phải chịu.
Như vậy, ba thứ nghiệp bất thiện của thân, mắc quả báo ít, quả báo nhẹ là những điều mà ngoại đạo Già La Ca Ba Ly Bà Xà Ca không thể hiểu biết được, vì không phải cảnh giới của họ. Ngay cả các hàng Trời, Người, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn trong thế gian không ai có thể hiểu biết được. Trừ những vị Thanh Văn theo ta nghe pháp, nên biết quả báo của nghiệp chứ không ai dạy cả.
Lại nữa, người tu hành biết quả báo của nghiệp.
Thế nào là khẩu nghiệp, hạnh ác bất thiện?
Khẩu nghiệp có bốn: Vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu và ỷ ngữ.
Thế nào là vọng ngữ?
Nghĩa là mình suy nghĩ, rồi đến chỗ người khác nói lời không chân thật. Hoặc thề rủa, ở trước nhà Vua nói dối, khiến người khác đau khổ, bị đánh đập, bị trói, hoặc bị thâu hết tài sản. Người kia đã tạo tác đầy đủ nghiệp vọng ngữ. Ai tạo tác đủ nghiệp vọng ngữ sẽ bị đọa vào địa ngục.
Thế nào là lưỡng thiệt?
Đối với những người đang hòa thuận, cùng nhau làm việc mà người kia đến nói lời phá hoại. Nói như vậy là tạo tác nghiệp lưỡng thiệt.
Thế nào là lưỡng thiệt mắc quả báo ít?
Sau khi nói lời phá hoại rồi, luôn ăn năn trong lòng: Vì ta ngu si nên nói như vậy. Người ấy luôn sám hối nơi tâm, lại ngăn cản người khác nói lời phá hoại, chỉ rõ cho họ con đường thiện. Vì không đầy đủ nên nghiệp này không nặng.
Thế nào là nghiệp này không đầy đủ?
Nếu lời nói phá hoại ấy vì phiền não, vì say rượu, đem tâm phân biệt sai đến người kia nói khác. Cho nên nghiệp này không đầy đủ.
Thế nào là nghiệp đạo tương ưng thành lời nói phá hoại?
Vì tâm ác mà phá hoại người khác, rồi tùy hỷ khen ngợi. Như vậy là nghiệp đạo tương ưng thành lời nói phá hoại.
Thế nào là nghiệp này quyết định tạo thành lời nói phá hoại?
Nghĩa là làm rồi tùy hỷ, lại bảo người khác làm, tùy hỷ khen ngợi, hỷ lạc tham đắm không rời khỏi tâm. Người kia thường ôm lòng ác nên bị mọi người xa lánh không lui tới. Khi bị mọi người chê bai thì không có tâm xấu hổ nhục nhã, không tự biết mình. Đó là nghiệp của lời nói phá hoại.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sanh Văn - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Hai Mươi Ba
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Trì Nhân - Phẩm Bốn - Mười Tám Chủng Tánh
Phật Thuyết Những Kinh Do Tăng Già La Sát Tập Thành - Phần Bốn