Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Bốn - Phẩm Mười Tám - Phẩm Tướng Không - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ BỐN
PHẨM MƯỜI TÁM
PHẨM TƯỚNG KHÔNG
PHẦN HAI
Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật:
Như Thế Tôn dạy: Các hành đều do phân biệt tạo ra, sanh từ vọng tưởng nên hoàn toàn chẳng thật có.
Do nhân duyên nào mà các Bồ Tát đó đạt được công đức vô lượng, vô biên như vậy?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Nhưng các Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa cũng nói các hành đều do phân biệt tạo ra, không vô sở hữu, hư vọng không thật.
Vì sao?
Vì các Đại Bồ Tát này đã khéo học pháp nội không cho đến pháp vô tính tự tính không, đã quán sát các hành đều do phân biệt tạo ra, không vô sở hữu, hư vọng không thật.
Đại Bồ Tát này tự quán sát các hành đều do phân biệt tạo ra, không vô sở hữu, hư vọng không thật. Như vậy như vậy nên không lìa bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Như Như không lìa bát nhã Ba la mật đa sâu xa. Như vậy như vậy đã đạt được công đức vô lượng, vô biên.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vô lượng, vô biên có gì sai khác?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Nói vô lượng nghĩa là đối với xứ này, lượng nó dứt hẳn. Nói vô biên nghĩa là ở trong số này không thể cùng tận.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Phải chăng có nhân duyên, sắc cũng thể nói vô lượng, vô biên.
Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng thể nói vô lượng, vô biên?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Vì có nhân duyên nên sắc cũng nói vô lượng, vô biên. Thọ, tưởng, hành, thức cũng nói vô lượng, vô biên.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nhân duyên nào mà sắc cũng nói vô lượng, vô biên.
Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng nói vô lượng, vô biên?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Sắc là tánh không, nên cũng nói là vô lượng, vô biên. Thọ, tưởng, hành, thức là tánh không, nên cũng nói là vô lượng, vô biên.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Chỉ có sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không, hay tất cả pháp cũng đều không?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Trước đây Ta đã chẳng từng nói tất cả pháp đều không đó sao?
Thiện Hiện bạch Phật: Tuy Phật thường nói các pháp đều không, nhưng các hữu tình không có kiến thức hiểu biết, nên nay con hỏi lại như vậy.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Không phải chỉ có sắc, thọ, tưởng, hành, thức là không, mà ta nói các pháp đều không.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vô lượng, vô biên là khái niệm gì?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Vô lượng, vô biên là khái niệm của không, vô tướng, vô nguyện.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vô lượng, vô biên chỉ là không, vô tướng, vô nguyện.
Ngoài ra còn có nghĩa nào khác?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Ý ông nghĩ sao?
Ta đâu chẳng nói tất cả Pháp Môn đều không đó sao?
Thiện Hiện bạch Phật: Đức Như Lai thường dạy tất cả Pháp Môn đều không.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Không tức là vô tận, không tức là vô lượng, không tức là vô biên, không tức là các nghĩa khác.
Thế nên, này Thiện Hiện! Tất cả Pháp Môn tuy có nhiều cách nói khác nhau nhưng nghĩa không khác.
Thiện Hiện nên biết: Các pháp không, lý đều không thể nói, Như Lai phương tiện nói là vô tận, hoặc nói vô lượng, nói vô biên, nói là không, nói vô tướng, nói vô nguyện, nói vô tác, nói vô sanh, nói vô diệt, nói phi hữu, nói vắng lặng, nói lìa nhiễm, nói Niết Bàn v.v…
Thật nghĩa vô lượng Pháp Môn của các pháp như thế không khác, đều do Như Lai Ứng Chánh Ðẳng Giác vì các hữu tình phương tiện giảng nói.
Khi ấy, Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hi hữu thay! Ngài đã dùng phương tiện thiện xảo, thật tánh các pháp vốn không thể giảng nói nhưng vì hữu tình nên phương tiện chỉ rõ. Như con hiểu nghĩa Phật đã nói, thật tánh các pháp đều không thể nói.
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Thật tánh các pháp đều không thể nói.
Vì sao?
Vì tánh tất cả pháp rốt ráo đều không, không có người có thể giảng nói rốt ráo không đó được.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nghĩa không thể nói có thêm bớt chăng?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Nghĩa không thể nói không có thêm bớt.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu nghĩa không thể nói không thêm bớt thì bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa cũng sẽ không thêm bớt. Nếu sáu pháp Ba la mật đa này cũng không thêm bớt, thì phải sáu pháp Ba la mật đa đều không sở hữu.
Nếu sáu pháp Ba la mật đa đều không sở hữu, thì tại sao Đại Bồ Tát tu hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa, cầu chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, có thể thân cận quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Đúng vậy! Đúng vậy! Bố thí v.v… sáu pháp Ba la mật đa đều không thêm bớt, cũng không sở hữu.
Nhưng khi các Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa phương tiện thiện xảo không nghĩ như vậy: Như vậy, bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa có thêm, có bớt.
Chỉ nên nghĩ: Chỉ có danh tướng gọi là bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa.
Khi Đại Bồ Tát đó tu hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa, đem bố thí này cho đến bát nhã Ba la mật đa câu hữu tác ý, và nương nơi thiện căn cùng phát khởi tâm này, cho các hữu tình một cách bình đẳng, cùng nhau hồi hướng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Phát khởi hồi hướng như quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật sâu xa vi diệu. Do thế lực tăng thượng của hồi hướng bằng phương tiện thiện xảo này nên chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế nào gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?
Phật dạy: Này Thiện Hiện! Chân như của các pháp gọi là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Thiện Hiện nên biết: Vì chân như của các pháp không có thêm bớt nên quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật cũng không thêm bớt. Nếu Đại Bồ Tát thường an trụ tác ý tương ưng với chân như như vậy, thì liền gần quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Thế nên, này Thiện Hiện! Nghĩa không thể nói, tuy không thêm bớt nhưng không thối chuyển tác ý chân như. Ba la mật đa tuy không thêm bớt nhưng không thối lui sự mong cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Đại Bồ Tát nào an trụ tác ý chân như như vậy mà tu hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa, liền gần quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Bốn - Phẩm Không Thoái Chuyển
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bách Phủ - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sanh Tử Lưu Chuyển - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Một - Bố Thí độ Vô Cực - Kinh Số mười Tám
Phật Thuyết Kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ đà La Ni - Phẩm Một - Phẩm Tựa