Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Ba Mươi Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP BA MƯƠI TÁM
Thấy như vậy rồi, họ bèn nói kệ cho nhau nghe:
Ác lại chồng thêm ác
Sức mạnh thật không lường
Tâm si tạo nghiệp này
Sẽ đọa vào địa ngục.
Nghiệp do tâm sinh ra
Là duyên sinh các cõi
Ai bị si phá hoại
Đều trôi lăn chịu khổ.
Đủ loại khổ rất lớn
Phiền não không chịu được
Nghiệp trói tại thế gian
Mà không sinh chán mệt.
Trời đọa, sinh làm người
Người chết vào địa ngục
Kế đó sinh súc sinh
Thoát súc sinh, sinh quỷ.
Ở trong bánh xe nghiệp
Gió nghiệp thổi thế gian
Trôi lăn trong thế gian
Do si không hay biết.
Thiên chúng ở vùng đất có đầy đủ cây cối ấy nói cho nhau nghe về sự hóa hiện như thật của Phật Ca Na Ca Mâu Ni, về vô lượng loại nghiệp được thấy rõ trên vách Tháp Phật. Quán nghiệp ấy rồi, kế đó họ lại quan sát nghiệp thiện hay bất thiện gồm vô lượng loại.
Ở trên vách nơi khác trong Tháp Phật, lại thấy Thiên Vương Dạ Ma Thiện Sắc.
Do nghiệp gì vị ấy sinh ở Cõi Trời Dạ Ma làm Thiên Vương?
Lúc làm người, vị ấy sinh trong dòng họ Bà La Môn, giữ vững chánh kiến, không làm não hại người, khéo giữ gìn giới luật. Vị ấy đem nhiều đồ ăn, thức uống thơm ngon, tinh khiết cho người đang bị nhốt trong ngục chịu nhiều khổ não, người không có ai để nương tựa, hoặc người đói khát vào lúc mất mùa. Hoặc là ngày trai, hoặc chẳng phải ngày trai, vị ấy đều dùng tâm thanh tịnh để thọ giới, trì giới.
Vị ấy cứu người bị trói buộc, khiến được giải thoát. Hoặc là dùng vật để mua chuộc khiến họ được giải thoát. Do những nhân duyên ấy, khi chết vị ấy sinh vào đường lành là Trời Dạ Ma, làm Dạ Ma Vương tên là Thiện Sắc. Suốt một thời gian dài, vị ấy làm Thiên Vương có đủ oai đức lớn, có thần thông lớn.
Làm Vua ở cõi ấy rồi, khi thoái đọa, vị ấy lại sinh vào Cõi Trời Tam Thập Tam, thọ hưởng vô lượng diệu lạc lớn. Đến lúc nghiệp hết, thoái đọa khỏi Cõi Trời Tam Thập Tam, sinh làm A tu la, thân thể rất lớn, có thần thông lớn. Khi hết nghiệp A tu la, vị ấy sinh trong nhân gian làm Trưởng Giả, có oai đức lớn. Khi hết nghiệp làm người, vị ấy sinh vào xứ Cù Đà Ni.
Khi hết nghiệp ở cõi đó, vị ấy lại sinh ở biên địa của loài người. Do tâm khinh động, vị ấy trở lại sát sinh, săn bắn các thú vật, giết hại nhiều loài bằng dao hay cung tên. Do nghiệp này, khi chết vị ấy sinh trong địa ngục, bị lửa dữ ở địa ngục thiêu đốt. Do tạo nghiệp ác, vị ấy chịu vô lượng loại khổ não khắt khe.
Thiên chúng ở vùng đất có đầy đủ cây cối quan sát nghiệp báo như vậy rồi, lại thấy vô lượng loại nghiệp thiện, ác khác nhau. Thấy như vậy rồi, lại đến chỗ khác của Tháp Phật để xem hình ảnh do Phật Ca Na Ca Mâu Ni hóa hiện ở trên vách.
Đến đó rồi, họ lại thấy việc kỳ lạ khác ở trên vách Tháp: Đời trước đã từng có Thiên Vương Dạ Ma tên là Phổ Lạc.
Do nghiệp gì vị ấy sinh vào Cõi Trời này làm Dạ Ma Vương?
Họ thấy: Vào đời trước, lúc làm người, vị ấy có ý thiện, thường lễ lạy sư trưởng, tâm sinh kính trọng. Lúc gặp, liền đứng dậy xá chào, cúng dường. Hoặc do nghiệp khác là quét đất nơi Tháp Phật. Quét xong, lại sửa, trám những chỗ lở, rải hoa, đốt hương.
Trong tất cả các thời thường cúng dường Sa Môn, Bà La Môn theo khả năng của mình, thường cấp phát cúng dường cho người bệnh, hoặc bậc Ana hàm với tâm tịnh tín. Do nghiệp lành của việc cúng dường như vậy, khi chết vị ấy sinh vào đường lành là Cõi Trời Dạ Ma, làm Thiên Vương tên là Phổ Lạc, thân thể đều vui.
Ánh sáng thân ấy có đủ loại sắc khiến người khác thấy sinh tâm vui. Ánh sáng ấy an ổn, trong mát, chiếu khắp năm trăm do tuần. Ánh sáng này thù thắng hơn sắc đẹp của tất cả vật báu. Vẻ đẹp trang nghiêm vi diệu của nó cũng hơn tất cả, không thể ví dụ.
Như ở cõi Diêm Phù Đề, ánh sáng mặt trăng là trang nghiêm, vi diệu nhất, cũng vậy, trong tất cả Thiên Chúng ở Trời Dạ Ma, Thiên Vương Phổ Lạc có ánh sáng thù thắng nhất, có công đức nơi năm dục trong một thời gian lâu dài. Hưởng hết dục lạc rồi, thoái đọa khỏi cõi ấy, do oai lực của nghiệp còn sót lại, vị ấy sinh làm Vua loài người ở cõi Diêm Phù Đề.
Vị ấy làm Vua một cách tự tại ở một vùng năm trăm do tuần. Sinh nơi ấy rồi, do tâm khinh động, vị ấy săn bắn các thú vật. Do nghiệp ấy, khi thân hoại mạng chung, vị ấy bị đọa vào địa ngục Hoạt. Khi ra khỏi nơi đó, do lực của nghiệp còn sót lại, vị ấy sinh trong loài chim.
Các vị Trời ấy đã thấy quả báo của nghiệp như vậy rồi, lại quan sát chỗ khác trên Tháp Phật để tìm pháp hi hữu. Trên vách ấy lại cho thấy Thiên Vương Mâu Tu Lâu Đà sống thuận theo chánh pháp. Vị ấy không thường thân cận với dục lạc, thích thực hành chánh pháp và làm các việc lợi ích cho chúng sinh, biết rõ tất cả các nghiệp thiện, ác.
Đã thấy nghiệp rồi, vị ấy không sống phóng dật, tuy là Thiên Vương nhưng không sống phóng dật.
Các vị Trời quan sát nghiệp, quả báo của Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà rồi, mới nghĩ: Đại Thiên Vương này vốn do nghiệp gì được sinh ở Cõi Trời làm Vua Trời?
Họ thấy vào đời trước, khi làm người, vị ấy tu tập pháp lành. Vào thời Đức Phật Nhiên Đăng, vị ấy được nghe pháp Phật. Nghe pháp rồi, vị ấy thâu giữ thọ trì, tư duy, tu hành theo pháp được nghe.
An trụ như vậy, nghe như vậy rồi, cho đến trong một niệm, vẫn chưa bị tán loạn bao giờ, vị ấy xuất gia với lòng tin chân chánh, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp y. Đã xuất gia rồi, ngay cả một điều ác nhỏ như hạt bụi vị ấy cũng rất ghê sợ và tu tập phạm hạnh. Do nhân duyên đó, khi chết, vị ấy sinh vào đường lành là Cõi Trời, làm Thiên Vương ở Cõi Trời Tha hóa tự tại, có tên là Bất Hoại.
Khi thoái đọa khỏi Cõi Trời đó, vị ấy sinh trong loài người làm Chuyển Luân Vương, làm Vua bốn phương. Khi nghiệp này hết, vị ấy chết và sinh ở Cõi Trời Tứ Thiên Vương. Ở cõi này thoái đọa, vị ấy sinh trong nhân gian và lại được làm Vua cai quản một vùng đất rộng một ngàn do tuần.
Sau khi chết, vị ấy sinh làm Vua ở cõi Phất Bà Đề, có thân thể rất thù thắng. Sau đó vị ấy lại sinh làm A Tu La có thần thông bậc nhất và có thế lực lớn. Khi chết, vị ấy lại sinh làm Trưởng Giả rất giàu, thường tu pháp bố thí lớn nhất. Vị ấy trì giới nghiêm túc và có đủ trí tuệ. Sinh ở chỗ nào vị ấy cũng có đủ ba việc bố thí, trì giới và trí tuệ.
Khi hết nghiệp ở nơi ấy, do tu thí, giới, trí không ngừng nghỉ nên khi chết vị ấy sinh vào đường lành là Cõi Trời và làm Vua Cõi Trời Dạ Ma có tên là Mâu Tu Lâu Đà.
Do các pháp như vậy lần lượt nối tiếp nhau không dứt, do tâm thiện và khéo điều phục, do không sống phóng dật, nên các cảnh giới dục không hủy hoại được tâm vị ấy. Vị ấy làm lợi mình, lợi người và tạo vô lượng nghiệp lành. Do sống tùy thuận vị ấy có nhiều Thiên Chúng và không bị lệ thuộc vào dục lạc.
Bấy giờ, Thiên Chúng Dạ Ma mới nói kệ:
Sống thuận theo pháp lành
Sẽ thường gặp việc lành
Vô lượng ngàn ức kiếp
Không bị mất nghiệp thiện.
Trì giới ngày càng vững
Chuyên đào luyện trí tuệ
Mọi thời đều bố thí
Thường không dứt hệ niệm.
Tu hành thí, giới, trí
Trừ bỏ ba lỗi lầm
Do lìa bỏ lỗi ấy
Siêng tu tập công đức.
Tuy đầy đủ thiên dục
Cảnh giới vui không mất
Do không sống phóng dật
Nên không đọa địa ngục.
Thường không từ bỏ pháp
Sống thuận với chánh pháp
Ai không sống theo pháp
Là kẻ rất ngu si.
Người gần với giới pháp
Siêng năng tu tập trí
Sẽ diệt khổ các cõi
Như ánh nắng trừ tối.
Ai hay tăng trưởng pháp
Được Trời, Người lễ lạy
Sống ở chỗ đặc biệt
Cho đến nhập Niết Bàn.
Ai biết pháp như vậy
Tư duy đúng pháp tướng
Thì sẽ thoát các cõi
Và đến thẳng bờ kia.
Trí, nhẫn thường ái ngữ
Thương tất cả chúng sinh
Bố thí đủ loại vật
Đường này đến Niết Bàn.
Kẻ ác thì gần ác
Hoặc là gần biếng trễ
Tâm thô ác pháp tăng
Đi con đường địa ngục.
Gặp ai cũng đều vui
Gặp ai cũng đều giận
Nơi nơi đều tham đắm
Như vậy gọi là si.
Bị pháp ác mê hoặc
Lìa bỏ các pháp thiện
Do si vào địa ngục
Chịu các pháp khổ não.
Cầu thiện sống theo pháp
Thường xả bỏ dục lạc
Sống trong sạch giữa Trời
Xứ Mâu Tu Lâu Đà.
Thiên chúng ở vùng đất có đầy đủ cây cối nơi Cõi Trời Dạ Ma nói với nhau về sự ưa thích cảnh giới mà sinh lo sợ, tất cả sự buồn khổ đều hiện cho thấy rồi lại cùng với Thiên Vương Mâu Tu Lâu Đà đến nơi khác của Tháp Phật nhìn lên vách Tháp xem Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà cùng Thiên Chúng khi thoái đọa khỏi cõi này sẽ sinh cõi nào và ở đường nào.
Bấy giờ, ở trên vách Tháp, tất cả Thiên Chúng đều thấy bản thân mình và Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà sau khi thoái đọa khỏi Cõi Trời thì sinh ở Diêm Phù Đề, tất cả đều ở vào lúc Đức Phật Di Lặc ra đời. Họ có đầy đủ các căn và đều sinh trong dòng họ lớn, làm bạn với nhau, sống chung trong một nước, yêu thích lẫn nhau, ở trong dòng họ lớn, đều rất giàu có, sinh trong dòng họ tôn quý.
Trên vách Tháp họ đều thấy tự thân Mâu Tu Lâu Đà ở cõi nước ấy sinh trong hàng Vua chúa thuộc dòng họ lớn, giàu có, có uy lực lớn, được mọi người cúng dường, trăm ngàn ức bảo vật đầy nhà, sinh làm con trưởng trong dòng dõi Vua chúa, có tên là Thiện Giới.
Bấy giờ, ở nơi ấy, Đức Phật Di Lặc thuyết pháp tịch tĩnh, hướng đến thành Niết Bàn. Đức Phật nói bốn Thánh Đế đầy đủ công đức đầu, giữa, cuối đều thiện, nghĩa thiện, ngữ thiện, các pháp đầy đủ, trong sạch, rõ ràng.
Pháp đó chỉ ra: Đây là sắc, đây là nguyên nhân phát sinh ra sắc, đây là sự diệt mất của sắc, đây là con đường dẫn tới sự hoại diệt của sắc.
Theo thứ lớp như vậy, Đức Phật lược nói về tổng tướng của thọ, tưởng, hành, thức, tất cả chúng sinh an ổn, xa lìa uế trược, hướng đến thành Niết Bàn không có chướng ngại và thuyết pháp như vậy cho các thế gian.
Khi ấy, vương tử Thiện Giới con đầu của nhà Vua truyền cho mọi người nghe tin Phật Di Lặc sắp thuyết pháp. Nghe rồi, như đã nói ở trước, các đồng bạn do nghiệp nhân tu tập nghiệp thiện ở đời trước mới so lường suy xét, tất cả đều đến chỗ vương tử Thiện Giới. Cả thảy là hai vạn người đều gặp vương tử Thiện Giới và nói như ở trước.
Khi ấy, nghe họ nói xong, do nghiệp thiện cũ, Thiện Giới sinh tâm hoan hỷ, sinh tâm kính trọng, sắc mặt thanh tịnh. Tất cả đều hòa hợp cùng nhau đứng dậy đến gặp Đức Phật Di Lặc.
Những người này vây quanh Thiện Giới cũng như Trời Tam Thập Tam thứ hai vây quanh Đế Thích. Trên đường đi, từ xa họ đã thấy Phật Di Lặc có ba mươi hai tướng đại trượng phu. Đức Phật rộng nói pháp vi diệu, để làm lợi ích cho tất cả hàng Trời, Người ở thế gian cùng với các Sa Môn, Bà La Môn.
Đức Phật nói pháp nhập Niết Bàn đầu, giữa, cuối đều thiện. Pháp ấy trong sạch giống như ao nước có thể dứt hết các khổ, có thể dứt trừ tất cả dây trói sinh tử để tuần tự tiến đến Niết Bàn và đã thuyết pháp như vậy. Bấy giờ chúng hội rộng lớn hơn biển và Đức Phật Di Lặc đang thuyết pháp trong ấy.
Khi đó, từ đằng xa, thấy Thiện Giới có nhiều người vây quanh, Đức Phật bảo đại chúng: Đây là Thiên Chủ Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà cùng với Thiên Chúng Dạ Ma. Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà này tu tập phạm hạnh, trước đây đã gieo nhiều hạt giống pháp lành, nay căn lành đã chín, Thiên Chủ Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà đã nới lỏng dây trói buộc, phần lớn các nghiệp bất thiện đều bị tiêu diệt, xả bỏ dục lạc, nay đã đến lúc dứt sạch các khổ.
Nghe Như Lai nói như vậy, họ sinh tâm hoan hỷ, sinh tâm kính trọng, xa lìa tất cả sinh tử. Dung quang của Như Lai rất là hiếm có không thể ví dụ.
Mâu Tu Lâu Đà được thấy Đức Phật đáng kính rồi, bèn đảnh lễ dưới chân rồi đứng qua một bên, bạch với Thế Tôn: Con đã mệt mỏi, chán nản việc trôi lăn trong thế gian sinh tử.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Phương đẳng Như Lai Tạng - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bốn Mươi - Kinh Chữa đầu Không Tóc
Phật Thuyết Kinh địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện - Phẩm Mười Hai - Phẩm Thấy Nghe được Lợi ích
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Mười - Phẩm Lý Thú Bát Nhã
Phật Thuyết Kinh Viên Giác - Chương Mười - Chương Phổ Giác
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Mười Chín - Súc Sinh