Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Hai Mươi Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP HAI MƯƠI NĂM
Thế nào là đầy đủ mười hai loại bố thí?
1. Phương xứ đầy đủ.
2. Thời tiết đầy đủ.
3. Công đức đầy đủ.
4. Đầy đủ sự đáng yêu. Đó là vật ưa thích.
5. Ruộng phước đầy đủ.
6. Việc bố thí cho người đói khát.
7. Bố thí với lòng tin.
8. Không cầu mà đầy đủ công đức bố thí.
9. Có tâm hoan hỷ, bố thí vợ con.
10. Tâm lựa chọn với sự kính trọng, đem cả thân mình ra mà bố thí.
11. Bố thí mà không có tâm coi khinh đối với thế gian.
12. Bố thí không cầu báo đáp.
Người có mười hai loại bố thí như vậy, lại có đầy đủ công đức trì giới được sinh lên Trời, hết phước liền thoái đọa. Vì vậy Thiên Chúng nên từ bỏ việc làm phóng dật. Người đủ mười hai loại bố thí trong ấy như vậy sẽ làm Chuyển Luân Vương, của cải dồi dào, hoặc sinh lên Trời, hoặc nơi tương tợ Cõi Trời.
Lại có mười hai loại bố thí không thanh tịnh.
Những gì là mười hai loại không thanh tịnh?
1. Bố thí không bình đẳng đối với nhiều người, đối với chúng hòa hợp, đối với Chúng Tăng đều có giới hạnh, trí tuệ và công đức đầy đủ như nhau. Sự bố thí không thanh tịnh này được quả báo nhỏ.
2. Hoặc nam hoặc nữ, do sự tham dục mà nam bố thí cho nữ, hoặc nữ bố thí cho nam. Đó là sự bố thí không thanh tịnh thứ hai.
Sự bố thí không thanh tịnh thứ ba là do sợ hãi mà bỏ vật ra bố thí cho nhà Vua, cho thầy dạy như Sa Môn, Bà La Môn.
Người đó nghĩ như vậy: Nếu ta dâng nạp cho nhà Vua, khi ta bị khổ ách, nhà Vua có thể cứu ta. Đây chẳng phải do nhân duyên tu, tư mà bố thí nên gọi là bố thí không thanh tịnh.
Sự bố thí không thanh tịnh thứ tư là bố thí với tâm si mê, như Bà La Môn ngoại đạo kia lập trai hội bố thí. Đó là sự bố thí không thanh tịnh thứ tư.
Lại nữa, sự bố thí không thanh tịnh thứ năm là thấy người khác bố thí, không biết người kia có giữ giới hay không, không biết người kia có trí tuệ hay không, có yên tịnh hay không, có thiền định hay không, chỉ thấy người khác bố thí thì làm theo, chớ mình không tự suy nghĩ. Bố thí như vậy gọi là sự bố thí không thanh tịnh thứ năm.
Sự bố thí không thanh tịnh thứ sáu là: Người xin phải năn nỉ khổ nhọc mới cho. Đây là sự bố thí không thanh tịnh thứ sáu.
Sự bố thí không thanh tịnh thứ bảy là biết người có vật, vì muốn cho người tin, tạo phương tiện để chiếm đoạt nên đem vật cho người. Sau đó người này làm ác, gây đủ thứ thiệt hại. Người này vì muốn cầu lợi nên đem vật đi cho. Đây là sự bố thí không thanh tịnh thứ bảy.
Sự bố thí không thanh tịnh thứ tám là: Vì muốn phá hoại sự hòa hợp của người mới đem vật đi bố thí và kết bạn cùng với hai người đó, khiến họ lìa nhau để thu lợi, làm cho họ khổ đau. Đó là sự bố thí không thanh tịnh thứ tám.
Sự bố thí không thanh tịnh thứ chín là: Vì muốn kết thân nên đem vật cho người, hoặc nam bố thí cho nữ, hoặc nữ bố thí cho nam. Đây là sự bố thí không thanh tịnh thứ chín.
Sự bố thí không thanh tịnh thứ mười là: Vì việc làm ăn, người ấy mua nhiều thức ăn và các vật đủ loại như lúa, đậu, rau, quả, tất cả tạp vật đợi đến ngày trai hội đem bán mắc để thu lời, được vật dụng rồi mới đem bố thí chút ít. Đây gọi là sự bố thí không thanh tịnh thứ mười.
Sự bố thí không thanh tịnh thứ mười một là: Vì muốn nổi tiếng nên đem vật để bố thí. Đây là sự bố thí không thanh tịnh thứ mười một.
Sự bố thí không thanh tịnh thứ mười hai là thấy vợ con họ nghèo đói, người ấy đem đồ vật cho họ nhưng trong tâm không có ý nghĩ tốt đẹp. Đây là sự bố thí không thanh tịnh thứ mười hai.
Tất cả sự bố thí này đều không có suy nghĩ. Do không có suy nghĩ nên không có quả báo. Nếu suy nghĩ tăng trưởng thì có thể xa lìa sự cấu uế. Giống như áo dơ đem giặt với nước tro áo liền sạch, cũng vậy nếu thêm vào sự suy nghĩ thì việc bố thí đó sẽ thành tựu.
Vào lúc ấy, Phật Tỳ Bà Thi nói kệ:
Đủ mười hai công đức
Lìa mười hai cấu uế
Thành tựu thí trong sạch
Trái lại liền dơ bẩn.
Hoặc Trời hoặc người nam
Bố thí được sức mạnh
Không thí đọa đường ác
Bố thí sinh đường lành.
Bụi tham lam ganh ghét
Chỉ biết thương vợ con
Người này đọa ngạ quỷ
Chỉ mong cầu ăn uống.
Ai mở dây tham lam
Đốn ngã cây ngạo mạn
Diệt trừ khối si ám
Người này nhờ bố thí.
Bố thí đi phía trước
Thí chủ bước theo sau
Bố thí hay chỉ đường
Đi thẳng sang đời khác.
Người tắm nước bố thí
Thao hương thơm giữ giới
Trí tuệ rộng không dơ
Vượt khổ đến bờ kia.
Trượng phu có ba đèn
Đốt lên vì lợi ích
Gọi là trí thí giới
Hay trừ được tội lỗi.
Tham ái rất sâu rộng
Sóng si rất cuồn cuộn
Do giữ giới tu trí
Vượt qua biển khổ này.
Tâm không điều rối ren
Nơi nào cũng vướng mắc
Pháp bố thí, trì giới
Có thể buộc tâm ấy.
Ba vị thầy thuốc này
Hay trừ bệnh phiền não
Trí bố thí, giữ giới
Thường xuyên khiến an lạc.
Tâm có lỗi phóng dật
Phân biệt và dối trá
Trí bố thí, trì giới
Ba thứ buộc tâm này.
Ba loại hơn lửa dữ
Đốt tất cả thế gian
Nước trí dập lửa xong
Được Niết Bàn vắng lặng.
Phật Tỳ Bà Thi chép Kinh này ở trong Tháp ấy. Việc bố thí này chỉ con người mới có thể thực hành, còn Chư Thiên thì không thể. Do nhân duyên ấy, con người hơn Chư Thiên. Chư vị đã biết bố thí như vậy, đối với những cảnh giới phải khéo giữ tâm, chớ có phóng dật.
Khéo giữ tâm rồi nên khiến cho phiền não và tội lỗi lớn không thể phát sinh trong tâm. Nếu có sinh ra, có thể dùng lửa trí tuệ để thiêu đốt. Lửa trí đốt phiền não liền đến nơi bất thoái đệ nhất, không sinh, không già, không chết, không chấm dứt. Như vậy cần phải xả bỏ phóng dật đáng ghét.
Lại nữa, Thiên Chúng còn có việc khác lưu chuyển ý bị khiếp nhược, nhục nhã, hổ thẹn. Đó là vào giờ ăn, quả báo thấp kém của mình hiện ra trước mặt nên hổ thẹn. Do oai lực của nghiệp có thượng, trung, hạ nên quả báo cũng có các bậc thượng, trung, hạ.
Vị Thiên ấy không thể bố thí một vật nhỏ cho vị Thiên khác, không thể đem nghiệp của mình chuyển sang cho người khác là vì lúc làm người bố thí thức ăn vào giờ ăn hoặc là giữ giới nên được thức ăn như vậy.
Vị Thiên ấy thấy thức ăn của người khác đầy đủ sắc hương vị tốt đẹp hơn mình, thấy như vậy rồi tâm sinh hổ thẹn. Nếu vui chơi trong vườn, ao sen thì tất cả các thú vui đều tương ứng với nghiệp. Vui chơi xong, thấy các vị Thiên khác thọ hoan lạc thì trong tâm hổ thẹn, cúi đầu, rụt cổ.
Trong Chư Thiên có năm loại hổ thẹn.
Những gì là năm?
Một là vào giờ ăn, thấy các vị Thiên khác có thức ăn màu cam lồ trắng, còn thức ăn của mình thì không thanh tịnh, hoặc là màu đỏ. Lúc ăn gần nhau thấy việc này thì rất hổ thẹn. Đây là sự hổ thẹn đầu tiên.
Sự hổ thẹn thứ hai là thấy vị Thiên khác có sắc tướng tươi đẹp, hình dáng, y phục trang nghiêm, có nhiều Thiên Nữ dung mạo tuyệt đẹp hầu hạ, cúng dường, thấy rồi liền hổ thẹn.
Điều hổ thẹn thứ ba là thấy vị Thiên khác ở trong hoa sen, bay trên hư không, vườn cây, ngọn núi, trong ao sen, nơi đùa giỡn màu vàng Tỳ lưu ly. Do nghiệp vượt trội họ bay nhanh. Nếu Chư Thiên nào nghiệp lành ít thì bay chậm, không thể cùng bay song song với các vị khác mà thường bay sau họ, nên cảm thấy xấu hổ với các Thiên Nữ.
Điều hổ thẹn thứ tư là Chư Thiên vào trong ao sen, ao sen sinh ra sắc, hương, xúc tương ứng với nghiệp. Vị Thiên kém phước thấy rồi sinh hổ thẹn với quyến thuộc.
Điều hổ thẹn thứ năm là nghiệp của Chư Thiên như thế nào thì được quả báo như vậy. Chỗ ngồi cũng theo nghiệp. Nếu xưa kia tạo nghiệp lành nhiều thì có tòa ngồi bằng tỳ lưu ly xinh đẹp, hoặc tòa bằng châu báu màu xanh, hoặc lại có hoa sen đỏ, được ngồi ở chỗ đẹp đẽ.
Nếu là Chư Thiên ít phước thì khi ngồi ở chỗ đó, do nghiệp ít nên tòa ngồi vi diệu như vậy liền biến thành vàng, hoặc biến thành bạc, hoặc thành pha lê. Vị Thiên ấy thấy chỗ ngồi đã biến theo đủ các loài tạp nghiệp hoặc nặng hoặc nhẹ. Đã thấy biết rồi vị ấy liền sinh hổ thẹn. Do hổ thẹn uy đức bị giảm sút. Các vị Thiên khác thì uy đức và sắc mặt tăng thượng.
Thấy vậy, các Thiên Nữ của vị ấy liền rời bỏ. Họ lìa bỏ vị Thiên ít nghiệp lành và đến nương tựa nơi các vị Thiên có nghiệp lành lớn. Lúc vui chơi thọ lạc, các Thiên Nữ cùng nhau đến với các vị Thiên khác. Vị Thiên ít nghiệp ấy rất hổ thẹn. Đây là sự hổ thẹn thứ năm đối với quyến thuộc ở trong Chư Thiên.
Như vậy, pháp hữu vi không đáng ưa. Pháp hữu vi hay lừa dối, khiến sinh tâm tham. Giống như lá cây xoan, vị nó rất đắng được đem hòa với vị ngọt, thú vui ở Cõi Trời cũng vậy, khổ nằm lẫn trong vui. Ở Cõi Trời còn vậy, huống gì chúng sinh ở các đường khác như địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh hoặc do định nghiệp sinh hoặc do nghiệp bất định sinh, thường chịu khổ không dứt, có vô lượng loại khổ lớn phát sinh.
Giống như trong biển có đủ các dòng nước là do các sông khác nhau chảy vào. Tâm của chúng sinh cũng lại như vậy, chảy liên tục như sông, có đủ các nghiệp, dựa vào nghiệp mà sông tâm phát sinh, tạo nên sức mạnh dấy khởi các khổ não.
Thiên Chúng các ông nên biết, ở đây lường xét như vậy và nêu rõ hết thảy loại khổ khác nhau. Tổng cộng tất cả khổ gồm có ba loại nhân chính, hòa hợp tạo thành đủ các khổ. Ba loại khổ này nếu có ba loại đối trị liền có thể trừ bỏ nó.
Những gì là ba?
Đó là trí tuệ, trì giới và bố thí.
Bấy giờ, Phật Tỳ Bà Thi nói kệ:
Nếu tâm không nương tựa
Ba thứ trí, giới, thí
Chúng sinh ấy thường khổ
Không thể được an lạc.
Như các loại nhân duyên
Có bao nhiêu loại nghiệp
Nghiệp mà chúng sinh tạo
Thành tựu quả như vậy.
Tất cả đều nhờ duyên
Không gì không nhờ duyên
Hữu vi không hủy hoại
Nhân duyên không thể thấy.
Do bị tâm lừa dối
Hổ thẹn khi bố thí
Người bố thí như vậy
Sẽ không được quả vui.
Hòa hợp và bố thí
Bỏ keo kiệt, ganh ghét
Do thiên thường thọ vui
Không có tâm như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Duyên Sinh Sơ Thắng Phần Pháp Bản - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật Danh - Phần Bốn Mươi
Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Giữ Hạnh
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Chín - Trưởng Lão Ni Kệ - Phẩm Mười Bốn - Tập Ba Mươi Kệ