Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Năm Mươi Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP NĂM MƯƠI BA  

Pháp thứ ba để đối trị phóng dật của Sa Môn là: Gần gũi người không phóng dật, thọ giới, giữ giới, sống giống như họ, làm giống như họ, thường ở cùng chỗ với người giữ giới, xa lánh không gần gũi những người phá giới. Do đó vị ấy không còn một chút phóng dật. Đó là pháp thứ ba để đối trị phóng dật.

Pháp thứ tư để đối trị phóng dật là: Thường gần gũi người trí để cầu trí tuệ. Người thường thích trí tuệ xả bỏ phóng dật, gần người không phóng dật. Người cẩn thận không phóng dật như vậy thích xa lìa khổ não. Thiện nam ấy thường không sống phóng dật. Đó là pháp thứ tư để đối trị phóng dật.

Pháp thứ năm để đối trị phóng dật của Sa Môn là: Có Vua hoặc đại thần bắt người phóng dật, phạt tội người ấy hoặc là giết, hoặc tịch thu hết của cải, hoặc dùng gậy đánh, hoặc chặt tay, áp dụng đủ loại hình phạt khác nhau đối với người phóng dật như vậy.

Người ấy thấy vậy sinh tâm lo sợ, vì lo sợ nên lìa bỏ phóng dật, không sống phóng dật, đối trị như vậy để họ lìa bỏ phóng dật khi thấy người khác chịu các hình phạt ấy. Vì sợ nên họ sống thuận theo pháp. Vì sợ sống phóng dật sẽ bị đọa vào địa ngục nên vị ấy không làm tất cả việc ác. Đó là pháp thứ năm để đối trị phóng dật. Phóng dật như vậy thì không an ổn đối với hàng Trời, Người.

Nghe Kinh này rồi, phần lớn Thiên Chúng xả bỏ phóng dật.

Nghe ngỗng chúa thuyết pháp xong, Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà phát khởi tâm tùy hỷ, lại cùng Thiên Chúng bay lên hư không để trở về giống như lúc đến.

Các vị Thiên khác, có vị ở lại ao rộng để thọ hưởng dục lạc, có vị vào rừng để thọ hoan lạc. Đã vào rừng họ hưởng đủ loại dục lạc như vậy cho đến khi hưởng hết nghiệp lành.

Do nghiệp hết, họ thoái đọa khỏi nơi ấy. Khi thoái đọa khỏi chỗ ấy rồi, theo nghiệp lực của mình họ bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ hoặc súc sinh. Hoặc nhờ nghiệp còn lại họ được sinh làm người, sinh ở nơi giàu có, vui sướng bậc nhất, làm người lợi căn, thông minh, nhiều hiểu biết, có trí tuệ. Do có trí tuệ nên vị ấy rất giàu, được Vua quý mến. Đó là nhờ nghiệp còn sót lại. Vùng đất thành tựu đã được nói xong.

Lại nữa, biết quả báo của nghiệp, Tỳ Kheo ấy quan sát vùng đất thuộc Cõi Trời Dạ Ma. Vị ấy thấy có vùng đất tên là vườn Quang minh.

Do nghiệp gì, chúng sinh sinh ở nơi ấy?

Do thấy nghe, hoặc Thiên nhãn, vị ấy biết nếu người thiện nam nào từng nghe ý nghĩa của pháp, thọ giới, giữ giới, giữ gìn chánh kiến, không làm người khác rối loạn, khổ não, tâm ý ngay thẳng, không sát sinh, trộm cướp như đã nói ở trước, lại xả bỏ tà dâm. Vì sợ phạm tà hạnh nên ngay cả ảnh của người phụ nữ họ cũng không xem. Vị ấy thường tạo nghiệp lành, khéo tu tập việc sinh sống trong sạch. Người này khi chết sinh vào đường lành là Cõi Trời, ở vườn Ánh sáng.

Sinh ở nơi ấy rồi, do nghiệp lành, với sáu căn họ thọ hưởng đủ loại lạc thú, công đức của năm dục và cảnh giới vi diệu ở Cõi Trời, họ thích xem vườn rừng.

Như vậy, như vậy họ thấy đủ loại pháp, như vậy như vậy sáu căn ngày càng hoàn hảo, tăng thượng. Do sáu căn tăng thượng nên có thể khiến vùng đất đó bằng phẳng, mềm mại bậc nhất, có bảy báu xen lẫn nhau rất đáng ưa thích.

Trong vùng đất ấy nếu có cây mọc thì rờ vào rất mềm mịn, quả bằng vàng, lá bằng bạc, có đầy đủ xúc, hương, vị thù thắng. Trái cây Cõi Trời ấy tỏa mùi hương như ý muốn và sinh mùi vị như ý muốn.

Nếu Chư Thiên nơi ấy có ý nghĩ muốn cây đó phun ra rượu theo ý muốn thì liền có rượu ngon của Cõi Trời đầy đủ xúc, hương, sắc vị từ quả phun ra, ở dưới cây ấy. Lúc đó Chư Thiên cùng Thiên Nữ cầm chén bằng châu báu hứng uống. Rượu Trời này có hương vị, xúc, gồm ba loại thượng, trung, hạ. Do có vô lượng loại nghiệp nên tùy theo nghiệp của mình mà họ được rượu có các bậc thượng, trung, hạ.

Lại nữa, các vị Trời khác thọ hưởng vô lượng loại thú vui theo năm dục, bị phóng dật thiêu đốt, thích xem vườn cây, ca múa vui chơi, đi chơi khắp nơi, theo nhau mà đi đến vườn cây ấy.

Như vậy như vậy, theo con đường đi, họ thấy đủ loại cảnh sắc vi diệu khác nhau.

Mùi vị mà họ nếm được gồm vô lượng loại khác nhau, có đủ loại vị thù thắng. Mùi hương mà họ ngửi gồm vô lượng loại khác nhau, có đủ loại mùi hương vi diệu thích hợp với tâm. Xúc chạm mà họ nhớ nghĩ gồm vô lượng loại khác nhau tương ưng với sự xúc chạm vi diệu mà Chư Thiên thọ hưởng.

Âm thanh vi diệu của Cõi Trời mà vị Trời ấy nghe gồm vô lượng loại khác nhau, thích hợp với sở thích của tâm, nghe xong trở nên vui vẻ. Do nghiệp lành thù thắng là giữ giới bậc nhất nên họ thọ hưởng lạc thú đầy đủ nơi công năng của năm dục.

Do thọ hưởng dục lạc như vậy nên trong một thời gian lâu dài vị ấy thọ hưởng không biết chán, biết đủ.

Lại thấy ở đằng xa có một khu rừng tên là Tâm Lạc. Nó được trang điểm bằng vô lượng trăm ngàn cây báu. Rừng Tâm Lạc ấy đáng yêu như vậy. Cành, lá, rễ, thân mỗi thứ đều khác nhau.

Một phần là rừng bạc có màu trắng như tuyết, tên là rừng cây bạc. Ánh sáng của nó giống ánh sáng mặt trăng ở cõi Diêm Phù Đề. Mỗi một cây ấy đều rất xinh đẹp, vi diệu. Vị Trời nào thấy nó đều yêu thích.

Một phần khác lại có màu đỏ ca kê đàn na rất đỏ, không gì đỏ bằng. Nó có ánh sáng đỏ. Lá nó cũng đỏ. Những lá như vậy hòa hợp thành rừng. Rừng đỏ này rất là đáng yêu. Do rừng màu đỏ chiếu lên hư không nên khắp hư không đều có màu đỏ.

Lại có một phần gọi là rừng Thường lạc. Một phần của rừng này có vườn cây màu xanh, toàn bộ rừng ấy đều xanh, bóng của ánh sáng cũng xanh.

Một phần của rừng ấy có ánh sáng như vậy, rất vi diệu, xinh đẹp giống như hư không ở cõi Diêm Phù Đề không khác, hoặc như ánh sáng của châu báu Tỳ Lưu Ly. Nơi ấy tên là rừng Thường lạc.

Lại nữa, một phần khác là rừng pha lê. Gốc, thân, cành, lá đều có ánh sáng trong sạch. Trong rừng có vô lượng sông suối, ao hồ. Mọi thứ đều đầy đủ.

Khu rừng rộng lớn ấy lại có một phần là rừng có cây bằng châu báu xanh, gốc, thân, cành lá phát ra ánh sáng màu xanh. Ở trên cành cây có nhiều loại chim, chim hót đủ loại âm thanh, có đủ loại ao sen kỳ diệu tô điểm vườn cây ấy phát ra ánh sáng rất xinh đẹp, vi diệu.

Bấy giờ, ở vườn Quang minh ấy, tất cả Chư Thiên có ánh sáng quanh thân vì muốn vui chơi thọ hưởng dục lạc nên hướng đến rừng Tâm lạc. Họ đi chơi thọ hưởng dục lạc trong rừng ấy và bị rừng ái trói buộc. Họ thọ hưởng hoan lạc của Cõi Trời đầy đủ công đức của năm dục không biết chán, biết đủ.

Họ lại vào rừng Tâm lạc vui chơi, thọ hưởng đủ mọi thú vui. Trong rừng ấy có đủ loại màu sắc, mùi vị, hương thơm, hoa quả, có nhiều con ong kỳ diệu trang nghiêm rừng ấy, ở khắp mọi chỗ, lại có nhiều con chim đáng yêu, nhiều ao sen vi diệu đáng yêu, có đủ loại nhà cửa đáng yêu làm bằng cành cây, hoa rải khắp mặt đất, đất mềm mại rất đáng ưa thích, có nhiều đến vô lượng trăm ngàn Thiên Chúng. Vì vậy, nơi đó rất xinh đẹp.

Nhà cửa làm bằng cành cây có chứa nhiều hoa sen, sông suối, ao hồ, đủ loại hang núi và có nhiều cây cối. Thiên Chúng ca múa vui cười, nô giỡn đủ kiểu. Nơi ấy có âm thanh rất hay giống như tiếng ca, gió nhẹ lay động rừng làm cành hoa rũ xuống. Vì thế rừng ấy rất xinh đẹp.

Bấy giờ, các vị Trời vào trong rừng đó càng thêm vui vẻ, lại ca múa, nô đùa, vui cười, cùng nhau thọ hưởng hoan lạc, tâm ưa thích cảnh giới trong tất cả mọi lúc, tâm thường xuyên nghĩ đến việc phóng dật.

Chư Thiên ấy thọ hưởng lạc thú như vậy suốt một thời gian dài, lại vào rừng Mạn đà la bằng bảy báu, rừng ấy rất đáng yêu và tốt đẹp như núi chúa. Ánh sáng của nó hơn cả trăm ngàn Mặt Trời. Nó có ao sen vây quanh để tô điểm cho cảnh.

Rừng Mạn đà la có chim khổng tước chúa tên là Tạp Sắc được làm bằng đủ loại bảy báu xen lẫn nhau. Tiếng chim ấy hót vang khắp rừng đó. Thật ra đó là Bồ Tát, do nguyện lực nên sinh vào Cõi Trời ấy, để trừ bỏ phóng dật cho các vị Thiên phóng dật vì thấy Chư Thiên bị lửa cảnh giới thiêu đốt.

Vị ấy đứng trên cành cây, dũng mãnh, không sợ sệt, thương xót bảo Chư Thiên: Chư Thiên các ông làm nhiều việc phóng dật không sợ sau này bị thoái đọa, niệm vui này sắp hết, vô thường không dừng, tất cả thú vui Cõi Trời mau chóng trôi qua như sông trên núi, dòng chảy rất xiết mà không hay biết, tâm thường say đắm dục lạc do lòng tham ái xấu xa.

Bấy giờ, chim khổng tước chúa Tạp Sắc nói kệ:

Việc làm như nằm mộng

Chỗ ở như đóm lửa

Thành như Càn Thát Bà

Trời tham dục như vậy.

Trời nào sinh tham ái

Rốt cuộc bị hủy hoại

Bảo thú vui không hết

Trời tham dục như vậy.

Vui không lâu thì mất

Như dòng sông chảy xiết

Bị thành dục lừa dối

Trời tham dục như vậy.

Như gió thổi động nước

Như trăng hiện trong nước

Như bánh xe lửa xoay

Trời tham dục như vậy.

Như luồng điện chuyển động

Như nai theo bóng nắng

Như bọt nước không chắc

Trời tham dục như vậy.

Như thân chuối lá lay

Như tai voi luôn vẩy

Người bất thiện yêu mến

Trời tham dục như vậy.

Như trái ngon có độc

Như thức ăn có móc

Như huyễn hóa vô thường

Trời tham dục như vậy.

Đều hư dối không thật

Tạm thời không dừng lại

Vì ban đầu thì ngọt

Trời thọ vui như vậy.

Chỉ một giọt phóng dật

Là nhân sinh các cõi

Khiến mau vào đường ác

Trời tham dục như vậy.

Cho tham ái là tốt

Thường ghê sợ ngăn ngại

Như chất độc, như dao

Trời tham dục như vậy.

Ở trong rừng Tâm lạc ấy chim sẻ chúa Tạp Sắc thuyết bài kệ ấy để điều phục Chư Thiên. Do ý nguyện tốt lành, vị ấy sinh trong Cõi Trời.

Chim sẻ chúa ấy dùng vật trong nhân gian làm thí dụ nói cho Thiên Chúng nghe khiến Thiên Chúng nghe xong nhớ lại đời trước. Do nhớ lại đời trước, biết quả báo của nghiệp nên họ tu hạnh vô thường. Do tu hạnh vô thường nên không sống phóng dật. Vì vậy chim sẻ chúa Tạp Sắc dùng thí dụ trong nhân gian để thuyết pháp cho Chư Thiên.

Vị ấy thuyết những pháp gì?

Vị ấy thuyết pháp vô thường để nói về tai họa của dục lạc và sự vô thường của dục lạc.

Khi ấy, có vị Trời nghe bài thuyết pháp liền nhớ lại đời trước. Do nhớ lại đời trước, biết quả báo của nghiệp liền không phóng dật trong một thời gian ngắn và phát sinh ý lành. Vị Trời ấy phát sinh ý lành và không phóng dật trong một thời gian ngắn nên được lợi ích và an ổn trong chốc lát. Vì muốn họ gieo vô lượng trăm ngàn hạt giống nghiệp lành để sinh nơi an ổn trong đời vị lai nên Bồ Tát chim sẻ chúa Tạp Sắc thuyết pháp như vậy.

Lúc đó, Thiên Chúng vẫn còn say đắm dục lạc vào trong rừng ấy, dùng vòng hoa sen để trang điểm đầu, dùng ánh sáng thân mình trang nghiêm cho thân, nghe năm loại âm nhạc, thọ hưởng đủ loại hoan lạc. Trong rừng ấy có vô lượng sông suối, ao hồ tràn ngập, đầy đủ vẻ đẹp.

Thấy cảnh đó, Thiên Chúng sống phóng dật không sợ nỗi khổ sinh, già, bệnh, chết, ca múa vui chơi không biết chán, biết đủ.

Họ lại vào rừng khác có tên là Man. Số cây trong rừng có đến vô lượng trăm ngàn. Hoa trên cành cây ấy có đủ màu sắc xen lẫn không giống nhau. Nó có vô lượng loại hình tướng sắc hương, có đủ loại hoa vi diệu đầy đủ trên từng cành. Hoa vi diệu ấy lớn nhỏ đều nhau, do mong cầu mà được.

Trong rừng ấy có ong bằng bảy báu, tiếng của nó rất đáng yêu. Những con ong này vui chơi cùng Chư Thiên trong hoa ấy.

Chư Thiên lấy vòng hoa ném lẫn nhau để vui đùa với Thiên Nữ. Chư Thiên và Thiên Nữ vốn đã xinh đẹp, do đeo vòng hoa vi diệu này trở nên đẹp hơn trước gấp mười lần. Họ đồng lòng đi chơi, thọ hưởng thú vui trong rừng, ngắt lấy cành hoa. Mùi thơm của hoa đầy khắp năm do tuần, có loại đến mười do tuần, hai mươi do tuần, ba mươi do tuần. Rừng ấy đầy đủ mùi hương của Cõi Trời, do vô lượng loại hoa hòa hợp mà có.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần