Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Năm Mươi Mốt
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP NĂM MƯƠI MỐT
Lại nữa, ở các nơi, thấy có các con chim, tiếng chim ấy đáng yêu. Nơi ấy có đủ loại màu sắc, hình tướng hương hoa.
Lại thấy ở nơi khác có đủ loại chim thú, có sông bờ bằng phẳng, có sông bờ cao, chúng đều đáng yêu.
Ở nơi khác, bên cạnh sông ấy có nhiều Thiên Tử và các Thiên Nữ ca múa, vui cười, đùa giỡn thọ hưởng thú vui. Các rừng cây nơi ấy đều như đã nói ở trước. Thiên Tử mới sinh cùng với Thiên Nữ vui chơi thọ hưởng dục lạc, sống buông lung, tham ái không biết đủ.
Họ lại đi nơi khác, đến nơi có thức ăn ngon Cõi Trời để ăn. Họ được thức ăn tương ưng với nghiệp của chính mình. Ăn thức ăn ấy rồi, bị lửa cảnh giới thiêu đốt, họ lại hướng đến sông rượu cùng với các Thiên Nữ bồng bềnh trên sông ái. Họ đi đến sông ấy là nơi uống rượu, đến chỗ ấy rồi họ dùng chén châu báu đựng rượu để uống. Uống rượu xong càng vui vẻ và họ bị ngọn lửa ưa thích cảnh giới thiêu đốt, bị năm cảnh giới làm mê hoặc, nên lại ca múa vui chơi cùng Thiên Nữ.
Sau khi thọ hưởng dục lạc ở nơi ấy, Chư Thiên lại hướng đến rừng hoa sen trong ao nước vì muốn vui chơi nơi ao ấy và cùng Thiên Nữ thọ hưởng dục lạc, họ đi đến ao sen thọ hưởng thú vui cảnh giới, cùng với Thiên Nữ vui chơi ở dưới nước. Đó là thú vui bậc nhất không thể ví dụ.
Thọ hưởng thú vui như vậy rồi, tham dục lại phát khởi, tâm mong cầu dục lạc, muốn nghe âm thanh, tham đắm cảnh giới và năm loại âm nhạc. Tâm mong cầu được nghe tiếng ca ngâm của các Thiên Nữ và năm loại âm nhạc. Nghe xong, tâm liền vui sướng không thể tả được, không có pháp gì khác có thể ví dụ.
Vị ấy thọ hưởng công năng của năm dục gồm đủ loại thú vui thù thắng không biết chán, đủ. Do tham ái và lòng tham không biết đủ giống như lửa được củi không có hạn lượng, người tham dục này ham muốn không biết đủ, thường thọ hưởng các thú vui gồm vô lượng loại khác nhau.
Đã thọ hưởng lạc thú vui trong thời gian lâu dài rồi, nay lại ngồi trong tòa nhà châu báu ở trong rừng ngỗng, lại cùng các Thiên Nữ bước ra khỏi tòa nhà châu báu ấy, để đi xem những nơi chưa từng có trong rừng ngỗng. Như vậy, như vậy thấy nơi ấy rồi, tâm liền sinh ưa thích. Thấy đủ loại như vậy rồi mà họ vẫn còn chưa biết đủ đối với cảnh giới. Chư Thiên và Thiên Nữ vui chơi như vậy ở sông suối, ao sen, vườn cây, nghe vô lượng loại âm thanh của năm thứ âm nhạc.
Lại nữa, ngỗng chúa ở nơi rộng rãi. Chư Thiên và Thiên Nữ hướng đến chỗ ngỗng chúa ấy. Ở đó, họ thấy vô lượng trăm ngàn Chư Thiên đủ hạng, ca múa, nô đùa thọ hưởng thú vui Cõi Trời, không có vật gì khác có thể thí dụ. Nơi ấy sáng đến nỗi Mặt Trời ở thế gian cũng giống như con đom đóm. Ánh sáng ấy không thể ví dụ.
Thú vui cảnh giới ở nơi ấy không thể ví dụ được. Lạc thú Chư Thiên thọ hưởng ở nơi ấy cũng không thể ví dụ được.
Mùi vị ngon nhất ở thế gian là vị mật hòa với rượu thuốc, nước mía. Đó là mùi vị ngon nhất trong cõi Diêm Phù Đề. Hòa hợp tất cả những vị đó đem so với vị tô đà thì cũng giống như vị đắng, vị thuốc không khác. Mùi vị ngon nhất của loài người đem so với mùi vị của Cõi Trời ấy thì sút kém như vậy. Mùi vị thù thắng này chỉ có thể nêu thí dụ một phần nhỏ. Mùi vị của Cõi Trời không thể ví dụ.
Hương thơm ở Cõi Trời cũng không có gì thí dụ được. Hương thơm nhất ở thế gian là hương chiên đàn, hương trầm thủy, hương bột, hương thoa, hoa Chiêm bặc ca, hoa Ni cư tư đế tô ma na, Càn đà, Bà ly sư ca, Ưu Bát La, Câu vật đầu, Ni châu la… hòa hợp tất cả hoa này cũng vẫn không bằng hoa trên Cõi Trời. Hương thơm của các hoa ấy không bằng một phần mười sáu hương thơm của hoa Nhẫm ba sắc ở Cõi Trời đó. Trong Cõi Trời này, hương cũng như vậy, không gì có thể ví dụ được.
Lại nữa, trong Cõi Trời ấy, sự xúc chạm cũng như vậy không thể ví dụ. Sự xúc chạm thù thắng bằng phẳng của tất cả các nước trên Thế Giới là lụa kiêu sa da, ô noa, hoặc kiếp bối… hợp với tất cả những sự xúc chạm tốt nhất của loài người đem so với sự xúc chạm kém nhất trên Cõi Trời là vàng rất cứng thì sự xúc chạm ấy vẫn thù thắng hơn. Sự xúc chạm tốt nhất của loài người không bằng một phần mười sáu so với sự xúc chạm kém nhất của Cõi Trời. Như vậy các sự xúc chạm trên Cõi Trời không gì có thể thí dụ.
Lại nữa, âm thanh trong Cõi Trời cũng như vậy không thể ví dụ. Âm thanh hay nhất ở trong Thế Giới loài người là tiếng đàn tỳ bà, đàn tranh, đàn địch, đàn không hầu, tiếng trống, tiếng ca. Hợp tất cả âm thanh này cũng không bằng âm thanh đầy đủ sự trang nghiêm trong Cõi Trời ấy. Nó không bằng một phần mười sáu âm thanh vi diệu của Cõi Trời ấy. Âm thanh trong Cõi Trời đó không gì có thể thí dụ.
Thí dụ này chỉ có thể đem dùng để thí dụ cho âm thanh của Cõi Trời Tứ Thiên Vương, chớ không thể dùng để ví dụ cho âm thanh của Cõi Trời Tam Thập Tam, cũng không thể thí dụ cho âm thanh của Cõi Trời Dạ Ma.
Dục lạc của loài người chỉ có thể so sánh được với dục lạc của Trời Tứ Thiên Vương. Dục lạc của Trời Tứ Thiên Vương thọ hưởng chỉ có thể đem so sánh với dục lạc mà Trời Tam Thập Tam thọ hưởng. Dục lạc của Trời Tam Thập Tam chỉ có thể đem so sánh với dục lạc của Trời Dạ Ma thọ hưởng.
Lần lượt như vậy, do nghiệp lực thù thắng, sáu Cõi Trời thuộc Dục Giới tốt đẹp dần dần lên. Cảnh giới Chư Thiên cũng lại như vậy. Thú vui của các Cõi Trời tốt đẹp dần dần lên. Thú vui của tâm ý có vô lượng loại và tất cả đều hòa hợp.
Các Thiên Tử vui chơi, thọ hưởng hoan lạc trong rừng ngỗng ấy. Theo thứ lớp, họ tiến dần về phía trước và tiến gần đến ngỗng chúa.
Họ thấy ngỗng chúa vui chơi đủ kiểu ở trong ao rộng. Ngỗng chúa sống cùng với các con ngỗng mái trong rừng hoa sen, Thiên Chúng vây quanh ngỗng chúa ấy. Có một bông sen bằng bảy báu rộng một do tuần, nó có tua làm bằng Kim Cang, chạm vào rất mềm mại, hương sắc của nó không thể ví dụ. Có vô lượng ánh sáng phát ra từ hoa sen ấy.
Hoa đó có trăm ngàn cánh. Vào lúc lễ hội, ngỗng chúa đứng trong hoa sen như vậy, thuyết pháp cho Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà và Thiên Chúng nghe. Do nguyện lực ngỗng chúa này sinh ở Cõi Trời Dạ Ma tạo lợi ích như vậy, nói pháp cho Trời Dạ Ma khiến họ lìa bỏ phóng dật.
Lúc này, các vị Thiên Tử mới sinh lần lượt tiến về phía trước, đến bên ao rộng.
Thấy các Thiên Tử mới sinh ấy, ngỗng chúa Thiện Thời nói pháp cho họ nghe:
Do vì có khát ái
Ham muốn không biết đủ
Các căn động bởi tâm
Không biết thời giờ qua.
Dục lạc ta tham đắm
Thuộc về pháp vô thường
Nhìn phụ nữ để vui
Không biết thời giờ qua.
Bị ái làm mê hoặc
Lệ thuộc vào sinh tử
Người ngu si như vậy
Không biết thời giờ qua.
Tâm bị tham dục dắt
Chìm đắm nơi si ám
Người bị sân trói buộc
Không biết thời giờ qua.
Bị giam ở địa ngục
Không sinh tâm chán bỏ
Bị phóng dật mê hoặc
Không biết thời giờ qua.
Không hổ thẹn sửa chữa
Ỷ thế sinh kiêu mạn
Tâm tham không biết đủ
Không biết giờ đã qua.
Bị năm dây lưới trói
Và sáu pháp mê hoặc
Trong ba thời thường si
Không biết thời giờ qua.
Không biết nẻo đường ác
Bị lưới ác phá hoại
Nếu có tâm như vậy
Không biết thời giờ qua.
Dục mới được thì vui
Về sau thì thành hại
Do tham đắm dục lạc
Không biết thời giờ qua.
Không biết khổ đời trước
Mà say đắm thiên lạc
Chưa biết ái biệt ly
Không biết thời giờ qua.
Bị lưới nghiệp trói buộc
Như cá bị mắc lưới
Do đó mất đường lành
Không biết thời giờ qua.
Người ngu si vô tâm
Không biết có tai họa
Chìm đắm nơi si ám
Không biết thời giờ qua.
Lưới nghiệp trói chúng sinh
Một mình không bè bạn
Thấy Thiên Nữ nên mê
Không biết thời giờ qua.
Cưỡi trên ngựa các căn
Mê hoặc, mất đường lành
Tham đắm vị ba cõi
Không biết thời giờ qua.
Không biết giới, phi giới
Hoặc là nhiều sân hận
Mất ý, mất cả đạo
Không biết thời giờ qua.
Không biết lợi hay hại
Và nên làm hay không
Vui chơi như trẻ con
Không biết thời giờ qua.
Như nước sông chảy xiết
Ở nơi ao, vườn cây
Do thường hưởng dục lạc
Không biết thời giờ qua.
Ở tòa nhà trên núi
Hoặc ở rừng hoa sen
Do thường hưởng dục lạc
Không biết thời giờ qua.
Chưa từng có hiểu biết
Về quả báo nghiệp lành
Chỉ tham đắm mùi vị
Không biết thời giờ qua.
Bị gió nghiệp thổi bay
Thường ở ba cõi ấy
Trôi lăn như bánh xe
Do si không hay biết.
Thường ở nơi nguy hiểm
Đi trên cầu dây cao
Người ngu si như vậy
Không siêng trừ bỏ lỗi.
Ai xả bỏ tham dục
Là người tinh tấn nhất
Lìa tất cả mong cầu
Liền không còn phiền não.
Người ấy đầu, giữa, cuối
Nếu được Phật Pháp rồi
Do tu hành yên tĩnh
Là người không phiền não.
Nếu ai được dục lạc
Dục lạc ắt phá hoại
Chịu quả khổ vì dục
Dục chẳng phải pháp lành.
Vì vậy người có trí
Tâm không ưa dục lạc
Người ấy thường trừ bỏ
Nguồn gốc khổ sinh tử.
Ngỗng chúa nói kệ chê bai việc tham dục cho các vị Trời mới sinh nghe. Do ngỗng chúa nói như vậy, Chư Thiên mới sinh tiến dần về phía trước đến sát ngỗng chúa. Chư Thiên mới sinh ấy tuy nghe pháp thù thắng nhưng tâm không ghi nhớ vì bị cảnh giới mê hoặc. Tuy dần dần đến gần ngỗng chúa nhưng không ghi nhận pháp vẫn say đắm cảnh giới thọ hưởng các dục lạc.
Khi ấy, thấy ngỗng chúa vui chơi trong nước, họ vào rừng hoa sen, cắt lấy hoa sen, cùng Thiên Nữ ném vào nhau để vui chơi.
Ngỗng chúa Thiện Thời nói với họ: Đây là lời an ổn mà không chịu tiếp thu, sau này các ông sẽ làm được gì?
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hung ác
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Ba - Phẩm Tương ưng - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Lâu Thán - Phẩm Sáu - Phẩm Long điểu
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Bất động Lợi ích - Phần Hai - Bất động
Phật Thuyết Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Chánh Tri Kiến - Phần Mười Hai - Nhập