Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Một - Bố Thí độ Vô Cực - Kinh Số Hai Mươi Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Khương Tăng Hội, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH LỤC ĐỘ TẬP

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Khương Tăng Hội, Đời Ngô   

CHƯƠNG MỘT

BỐ THÍ ĐỘ VÔ CỰC  

KINH SỐ HAI MƯƠI NĂM  

Thuở xưa, Bồ Tát là một Lý gia lớn, tích chứa của cải nhiều vô số, thường phụng thờ ba ngôi báu, lòng thương khắp chúng sinh. Một hôm đi ra chợ, thấy một con ba ba, động lòng thương xót, mới hỏi giá cả bao nhiêu.

Người chủ con ba ba biết Bồ Tát có đức nhân từ rộng rãi, ưa tế độ chúng sinh, giàu có của cải không kể xiết, giá mắc rẻ không từ chối, nên mới đáp: Đủ một trăm vạn thì có thể lấy đi được, bằng không tôi sẽ làm thịt nó.

Bồ Tát đáp: Rất tốt! Liền trả tiền đúng giá, mang ba ba về nhà, rửa giúp vết thương rồi đem ra bờ sông thả.

Nhìn nó bơi đi, buồn vui lẫn lộn, Bồ Tát thề rằng: Mong loài chúng sinh, ngạ quỷ trong địa ngục Thái Sơn, những kẻ bị lao ngục trên đời… sớm được thoát nạn, thân mạng an toàn như ngươi hôm nay.

Rồi cúi đầu lạy khắp mười phương, chắp tay nguyện tiếp: Chúng sinh, khổ kia không lường. Ta sẽ xin làm Trời, đất, vì hạn làm mưa nhuần, vì nổi trôi làm chiếc bè, đói cho ăn, khát cho uống, rét cho ấm, nóng cho mát, vì người bệnh cho thuốc, vì chỗ tối tăm cho ánh sáng. Nếu có đời dơ dục, gặp thời điên đảo, ta sẽ ở trong cõi đó thành Phật, tế độ chúng sinh ấy.

Mười phương Chư Phật đều tán thán lời thề đó: Hay thay! Ông ắt được như chí nguyện. Đêm hôm sau, con ba ba đến cắn cửa nhà Bồ Tát. Ông lấy làm lạ sao ngoài cửa có tiếng động, sai người ra coi thử thì thấy con ba ba.

Người nhà nói lại sự việc, Bồ Tát ra xem thì thấy con ba ba nói tiếng người: Tôi thọ ân nhuần của Ngài, thân thể được an toàn, không biết lấy gì để đáp tạ ân sâu. Vật sống dưới nước nên biết trước được nước đầy hay vơi. Tôi biết nạn hồng thủy sắp đến ắt sẽ gây hại lớn, xin mau chuẩn bị thuyền bè, đến lúc đó tôi sẽ đón Ngài.

Bồ Tát đáp: Tốt lắm! Sáng sớm hôm sau, Bồ Tát bèn đến Cung Vua tâu rõ sự việc trên. Nhà Vua biết Bồ Tát từng nổi tiếng là Bậc Hiền Thiện, nên tin lời ông ngay, liền ra lệnh dời hết dân ở vùng thấp lên chỗ cao.

Đến khi lụt bắt đầu, ba ba tới nói: Nạn hồng thủy đến rồi, hãy mau xuống thuyền, bơi theo sau tôi thì được an toàn. Thuyền của Bồ Tát bơi theo sau con ba ba ấy. Bơi được một lúc thì có con rắn bơi theo thuyền.

Bồ Tát hỏi: Cứu lấy nó chứ?

Ba ba đáp: Tốt lắm! Rồi lại thấy một con cáo bị trôi, Bồ Tát hỏi: Cứu lấy nó chứ?

Con ba ba cũng đáp: Tốt! 

Một lúc nữa, lại gặp một người bị trôi, đang tự vỗ vào mặt kêu Trời: Hãy thương cứu lấy mạng tôi!

Đại Lý gia hỏi: Cứu lấy hắn chứ?

Con ba ba đáp hãy thận trọng, không nên cứu. Lòng người đời dối trá, ít có trung tín, vong ân bội nghĩa, chạy theo thế lực, ưa làm những việc hung nghịch.

Bồ Tát nói: Loài vật ngươi cứu, còn loài người mà ta xử tệ thì đâu là nhân từ nữa. Ta không đành lòng. Rồi Bồ Tát cứu lấy người ấy.

Ba ba nói: Ôi! Rồi Ngài sẽ hối hận.

Đến được chỗ đất yên lành, ba ba từ tạ: Đền ân đã xong, tôi xin cáo lui.

Bồ Tát đáp: Khi ta chứng được đạo quả Như Lai Vô Sở Trước Chí Chân Chánh Giác thì ta sẽ độ cho ngươi.

Ba ba đáp: Tốt lắm! Ba ba lui rồi thì rắn, cáo cũng đều ra đi.

Con cáo đào hang làm chỗ ở, gặp được kho vàng ròng của người xưa có đến trăm cân, vui mừng nghĩ: Ta sẽ đem của này đền đáp ân cứu mạng kia.

Rồi nó vội trở lại gặp Bồ Tát, thưa: Loài vật nhỏ nhoi này chịu ân cứu mạng. Tôi vốn là loài vật ở hang nên trong lúc đào hang để ở, bắt gặp một trăm cân vàng. Hang ấy không phải mồ mả, không phải nhà cửa, của này không phải là của cướp đoạt, cũng không phải là của trộm cắp. Tôi được nó là do lòng thuần thành, nên nguyện đem đến hiến cúng cho Ngài.

Bồ Tát ngẫm nghĩ: Không nhận lấy mà bỏ đi thì không ích lợi gì cho dân nghèo.

Nếu nhận lấy rồi đem bố thí thì chúng sinh được cứu giúp, vậy chẳng tốt hơn sao?

Nghĩ rồi liền theo cáo tới lấy của ấy.

Người bị trôi thấy vậy, nói: Chia cho tôi một nửa! Bồ Tát liền lấy mười cân cho hắn.

Người bị trôi nói: Ông đào mả cướp vàng, tội ấy phải thế nào?

Nếu không chia cho phân nửa, thì tôi ắt tố cáo với quan.

Bồ Tát đáp: Dân nghèo thiếu thốn, ta muốn đem bố thí đều cho họ, mà ngươi muốn đoạt hết số của đó, chẳng là bất công lắm sao?

Người bị trôi bèn báo với quan Hữu ty. Bồ Tát bị bắt, hết cách biện bạch, chỉ còn cách quy mạng Tam Tôn, hối lỗi tự trách, nguyện cho chủng sinh mau lìa tám nạn, không còn oán kết như mình hôm nay.

Rắn và cáo gặp nhau bàn: Việc này sao đây?

Rắn nói: Tôi sẽ giúp cho. Rồi nó ngậm thuốc hay, mở khóa vào nhà giam, thấy tình trạng Bồ Tát, vóc dáng suy tổn mà xót xa buồn lòng.

Nó thưa với Bồ Tát: Ngài mang thuốc này trong mình, tôi sẽ tìm cắn Thái Tử. Nọc tôi cắn rất độc, không ai có thể cứu được, Ngài cứ đem thuốc này dâng lên Vua, uống vào là khỏi ngay. Bồ Tát lặng thinh, còn rắn thì làm như đã nói.

Mạng Thái Tử sắp mất, Nhà Vua truyền lệnh: Ai có thể cứu Thái Tử thì phong làm Tướng Quốc, cùng với ta tham gia trị nước. Bồ Tát dâng thuốc lên, Thái Tử uống vào liền khỏi ngay. Nhà Vua vui mừng hỏi nguyên do, tù nhân tự bày tỏ đầu đuôi câu chuyện.

Nhà Vua bùi ngùi tự trách lỗi: Ta tối tăm lắm thay!

Vua bèn xuống lệnh giết tên bị trôi kia, đại xá cho cả nước, phong Bồ Tát làm Tướng Quốc, nắm tay đi vào Cung, cùng ngồi mà nói: Hiền giả đọc sách gì, tin theo đạo nào mà làm việc nhân từ của Trời Đất, ban ân huệ khắp chúng sinh như thế?

Bồ Tát đáp: Tôi đọc Kinh Phật, tin theo Đạo Phật.

Nhà Vua hỏi: Phật có yếu quyết gì chăng?

Thưa: Có chứ. Đức Phật dạy về bốn vô thường, ai giữ được thì sẽ dứt hết các họa, phước lớn thịnh.

Nhà Vua nói: Xin được nghe lời dạy quý báu kia.

Bồ Tát đáp: Khi Trời Đất kết cuộc thì bảy mặt Trời cùng thiêu đốt, biển lớn đều khô cạn, Trời Đất rực lửa, núi Tu Di băng hoại. Trời, Người, Quỷ, Rồng…, thân mạng chúng sinh bị cháy thiêu đốt ngay.

Trước thịnh sau suy, đó gọi là vô thường. Người sáng suốt luôn giữ ý niệm vô thường, biết rằng Trời Đất còn vậy huống chi là quan tước, đất nước đâu có trường tồn. Đạt được ý niệm này mới có chí thương xót rộng khắp.

Nhà Vua nói: Trời Đất còn vậy huống chi là đất nước.

Đức Phật dạy vô thường lòng ta tin lắm thay!

Bồ Tát lại nói: Cái khổ càng khổ hơn nữa, Vua nên biết về điều ấy.

Nhà Vua nói: Xin được nghe lời dạy sáng suốt.

Bồ Tát nói: Linh thức chúng sinh vi diệu khó biết, nhìn không thấy hình, nghe không thấy tiếng, rộng khắp thiên hạ, cao không gì che được, mênh mông không gì nêu tỏ nổi, luân chuyển không cõi bờ.

Nhưng nó đói khát theo sáu dục, như biển cả với bao nhiêu sổng đổ về vẫn không đủ, vì vậy nhiều lần thay đổi, ngục Thái Sơn thiêu đốt, chịu các khổ độc, hoặc làm ngạ quỷ bị nước đồng sôi rót vào miệng, bắt làm lao dịch trong ngục. Hoặc làm súc sinh bị mổ, lột, róc xé, chết liền theo dao, thọ khổ vô cùng.

Như được làm người thì ở trong thai mười tháng, đến lúc sinh thì chật vật như dây tơ buộc thân, nỗi thống khổ sinh ra trên đất như từ cao rơi xuống, gió thổi như lửa thiêu mình, tắm nước ấm như rót nước đồng sôi vào thân, tay xoa vào thân như dao tự róc.

Những nỗi đau đớn ấy rất là khổ, khó nêu bày hết. Sau khi lớn tuổi, các căn đều suy sụp, tóc bạc, răng rụng… trong ngoài đều hư hao, chỉ còn nỗi lòng buồn, rồi chuyển thành bệnh nặng, bốn đại muốn rời bỏ, các bộ phận trong người đều đau nhức, ngồi nằm phải nhờ người, thầy thuốc đến càng thêm lo sầu.

Khi sắp chết các gió cùng dậy, đứt gân nát xương, các lỗ bế tắc, hơi thở dứt, thần hồn lìa theo nghiệp dẫn dắt. Nếu được lên Trời thì Trời cũng có giàu nghèo, sang hèn, thọ mạng kéo dài, hay có chừng mực.

Khi phước hết, tội đến thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Những việc ấy gọi là khổ.

Nhà Vua nói: Hay thay! Đức Phật nói yếu quyết về khổ, lòng ta tin ngay!

Lý gia lại nói: Phàm đã có ắt phải không, giống như hai khúc cây cọ xát vào nhau thì sinh ra lửa, lửa lại đốt cây, lửa và cây đều hết, cả hai đều không. Xưa các Tiên Vương, cung điện, thần dân, nay đã tiêu tan, không còn thấy đâu nữa, đó cũng là không.

Nhà Vua nói: Hay thay! Đức Phật nói yếu quyết của không, lòng ta tin ngay.

Bồ Tát lại nói: Phàm thân là đất, nước, gió, lửa hợp lại. Cái cứng là đất, cái mềm là nước, cái nóng là lửa, hơi thở là gió. Thân mạng chết, thần hồn ra đi, bốn đại lìa bỏ, không thể bảo toàn được. Do đó nên gọi là vô ngã.

Nhà Vua nói: Hay thay! Đức Phật nói về vô ngã, lòng ta tin ngay. Thân còn không giữ được, huống chi đất nước này ư. Ôi, đau đớn thay cho tiên vương ta, không nghe được lời dạy của Bậc Vô Thượng Chánh Chân Tối Chánh Giác về vô thường, khổ, không, vô ngã.

Lý gia nói. Trời, đất còn vô thường, thì ai có thể giữ được đất nước này mãi.

Sao không đem hết của kho, bố thí cho người nghèo thiếu?

Nhà Vua nói: Hay thay! Lời dạy của người thầy sáng suốt!

Thật vui sướng thay! Nhà Vua liền đem hết của cải trong các kho bố thí cho kẻ nghèo thiếu. Những người góa vợ, góa chồng, các em cô nhi thì đều khiến cho họ được làm cha làm mẹ, làm con cái.

Dân chúng ăn mặc sáng đẹp, giàu nghèo như nhau, cả nước hân hoan, vừa cười, vừa đi, ngửa mặt lên Trời khen: Bồ Tát thần hóa đến thế ư. Bốn phương khen ngợi thần đức của Vua, đất nước được thái bình.

Đức Phật bảo các vị Sa Môn: Lý gia đó là thân ta. Quốc Vương là Di Lặc, con ba ba là A Nan, con cáo là Thu Lộ Tử, con rắn là Mục Kiền Liên, còn người bị trôi là Điều Đạt. Bồ Tát từ bi thi ân, tu hạnh độ vô cực, đã thực hành bố thí như vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần