Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Tám Mươi Mốt

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP TÁM MƯƠI MỐT  

Khi ấy, Khổng Tước Chúa nói kệ:

Ai bận áo nhẫn nhục

Là trang phục đẹp nhất

Của cải có thể mất

Nhẫn nhục không thể mất.

Người nào tu nhẫn nhục

Được mọi người yêu mến

Về sau được yên ổn

Nhẫn là giới đứng đầu.

Người nào tu nhẫn nhục

Bỏ tất cả sân hận

Hiện tại và vị lai

Thường được nơi an ổn.

Nhẫn nhục, giới, trí tuệ

Ba loại của cải đó

Tài sản này hơn hết

Vật báu không sánh bằng.

Người nào tu nhẫn nhục

Tất cả nên cúng dường

Được người tốt ngợi khen

Vậy nên tu nhẫn nhục.

Vui nhẫn nhục hơn hết

Có thể trừ sân hận

Nhẫn nhục diệt sân hận

Làm nó không sinh lại.

Người ngu si tối tăm

Nhẫn là ánh sáng chói

Như đèn trừ bóng tối

Nhẫn nhục chỉ đường chánh.

Ai lìa của chánh pháp

Lưu chuyển trong năm đường

Ai có của cải nhẫn

Là người rất giàu có.

Sân hận là đồng trống

Tối tăm khó vượt qua

Có nhẫn làm hành trang

Sẽ vượt qua không khó.

Ai lạc đường chánh pháp

Nhẫn nhục là đường chánh

Người sợ hãi đường hiểm

Sẽ được nhẫn nhục giúp.

Thường làm chúng sinh vui

Diệt trừ các khổ não

Thường được vui yên ổn

Vĩnh viễn thoát lo sợ.

Được người lành yêu thích

Sinh công đức tin tưởng

Tập hợp các điềm lành

Lìa bỏ pháp bất thiện.

Chỉ bày đường giải thoát

Diệt nỗi sợ sinh tử

Là thềm thang lên Trời

Diệt trừ lửa địa ngục.

Cõi ngạ quỷ, súc sinh

Nhẫn là người cứu giúp

Nhẫn đầy đủ công đức

Làm chúng sinh tịch diệt

Muốn được thú vui lành

Phải tu tập nhẫn nhục.

Pháp nhẫn nhục này là pháp đứng đầu. Nhờ tu tập pháp ấy, hiện tại, vị lai thường được an lạc, khi chết sinh lên Cõi Trời và về sau đạt được Niết Bàn. Vì thế để không phóng dật, khi sinh làm Trời, người phải tu tập nhẫn nhục.

Nghiệp lành thứ tư có thể trừ bỏ phóng dật cho Sa Môn, Bà La Môn và các người khác là siêng năng cầu pháp lành tương ưng với điều thiện tinh tấn thực hành đạo pháp, thời gian và nơi chốn tịch tĩnh, tu tập pháp thế gian và xuất thế gian tịch tĩnh.

Sa Môn, Bà La Môn nào đối với pháp thế gian và xuất thế gian đầu đêm, cuối đêm, biết lúc dừng nghỉ, biết thời, biết xứ thì sẽ được yên ổn, sống tinh tấn phá trừ tất cả sự biếng nhác. Để phá trừ phiền não, Sa Môn, Bà La Môn cần siêng năng tinh tấn.

Khi đã sinh tinh tấn thì không tham đắm cảnh giới sắc, thanh, hương, vị, xúc. Nếu có nhân duyên thì làm bạn với tâm tinh tấn và tâm chánh niệm để an trụ tâm, thâu giữ tâm lìa khỏi tất cả cảnh giới. Nếu có sức bất thiện phát sinh thì tinh tấn sẽ ngăn cản và chánh niệm sẽ trừ bỏ nó.

Trong tất cả các pháp, tinh tấn là bậc nhất. Nhờ làm bạn với hai pháp này nên các pháp lành được kiên cố, không hư hoại và được quả báo. Nhờ công đức của chánh niệm và tinh tấn, cuối cùng họ đạt được Niết Bàn. Sa Môn, Bà La Môn những người nào biết công đức này thì phải siêng năng tinh tấn. Trong thế gian này tinh tấn là hơn hết.

Nhờ siêng năng tu tập mà nghiệp thế gian được chắc chắn, được quả báo, được sống lâu, không bị người khác phá hoại.

Người nào tinh tấn thì lúc lâm chung tâm sẽ trong sạch, không khiếp sợ, tán loạn, tuy bị suy não vẫn không ngừng siêng năng tu tập, các căn lành tăng trưởng, kẻ thù không hại được, không ai nói được lỗi lầm của họ, làm việc gì cũng thành tựu đầy đủ. Việc siêng năng tu tập nghiệp lành ở thế gian còn được người trí khen ngợi huống gì là siêng năng tu tập chánh trí xuất thế gian thì làm sao không tốt đẹp.

Vì vậy, ai đối với tất cả các pháp, tất cả thời, tất cả xứ, tinh tấn một cách có trí tuệ, biết thời, biết xứ, siêng năng tu tập chánh kiến thì nhờ tinh tấn như vậy sẽ được tất cả thú vui. Nếu sống điên đảo thì sẽ chịu khổ não, buồn lo và các điều bất lợi. Nếu không có trí tuệ thì tuy siêng năng khổ nhọc cũng không gọi là tinh tấn.

Khi ấy, Bồ Tát Khổng Tước Chúa nói kệ:

Nhờ thời xứ thích hợp

Làm cho nghiệp tăng trưởng

Ai tinh tấn đúng pháp

Thì được quả báo lành.

Tuy làm việc nơi pháp

Mà lìa bỏ chánh pháp

Việc làm không thành tựu

Là do không tinh tấn.

Ai tinh tấn đúng pháp

Trí tuệ đắc Niết Bàn

Như ném kích trên không

Thì vọt lên trên Trời.

Người nào siêng tạo nghiệp

Và tu hành tinh tấn

Việc làm đều hòa hợp

Sẽ được thành tựu lớn.

Đối với nghĩa thế gian

Hoặc nghĩa xuất thế gian

Tất cả được thành tựu

Đều nhờ sức tinh tấn.

Nếu lìa sức tinh tấn

Và lìa bỏ chánh pháp

Người ấy không giàu vui

Như tìm bụi trong trăng.

Nhớ nghĩ và giữ gìn

Con đường tám thánh đạo

Người tinh tấn rất mạnh

Đến được đạo bậc nhất.

Tinh tấn đắc Bồ Đề

Nhờ tinh tấn sinh Thiên

Tất cả các đạo quả

Đều được nhờ tinh tấn.

Đã biết công đức này

Siêng điều phục các căn

Ý siêng năng tinh tấn

Không gì bằng tinh tấn.

Bồ Tát Khổng Tước Chúa thuyết pháp trước đây đã nghe cho Chư Thiên ở Trời Đâu Suất Đà và Chư Thiên Trời Dạ Ma.

Chư Thiên đều ghi nhớ, lìa bỏ phóng dật, các căn được điều phục, chú ý lắng nghe.

Biết Chư Thiên rất vui mừng và siêng năng tinh tấn, với tâm thanh tịnh, Khổng Tước Chúa nói pháp làm cho họ hướng đến Niết Bàn an ổn, tịch diệt, tạo lợi ích cho tất cả Chư Thiên. Tất cả Bồ Tát đều dùng pháp làm lợi ích cho chúng sinh.

Lại nữa, pháp thứ năm đem lại lợi ích an lạc cho tất cả hàng Trời, người là thuyết pháp, thuyết các pháp bố thí, thuyết các pháp lành. Trong tất cả các điều tôn quý, việc nghe pháp là hơn hết. Nó có thể trừ bỏ tất cả gốc rễ kiêu mạn.

Việc thuyết pháp có thể điều phục kiêu mạn. Vì vậy, ta phải thuyết pháp, nghe pháp, kính trọng pháp, nói pháp đáng tin, nói pháp thọ trì, nói pháp tu hành và không ngừng thuyết pháp. Chư Phật đều lấy pháp làm thầy huống gì là Thanh Văn, Duyên Giác.

Việc thuyết pháp có mười công đức và có nhiều lợi ích.

Mười công đức đó là:

1. Đầy đủ thời gian.

2. Nơi chốn phân biệt giải thích.

3. Tương ưng với pháp.

4. Không vì lợi dưỡng.

5. Vì điều phục tâm.

6. Tùy thuận thuyết pháp.

7. Thuyết bố thí có quả báo.

8. thuyết pháp sinh tử có nhiều chướng ngại.

9. Nói về việc thoái đọa của Chư Thiên.

10. Nói có nghiệp quả.

Người nào thuyết pháp mà có mười pháp này thì làm cho người nghe pháp được nhiều công đức, được lợi ích an lạc cho đến đạt được Niết Bàn. Người thuyết pháp và người nghe pháp nguyện điều gì cũng được thành tựu, trong tất cả các loại bố thí thì pháp là hơn hết, nó có thể làm cho chúng sinh đạt được Niết Bàn, nhờ công đức nghe pháp ta thành tựu được tâm sâu xa, tín căn trong sạch và hết lòng tin tưởng Tam Bảo.

Ai đến nơi nghe pháp để nghe chánh pháp thì mỗi bước chân đều được sinh phước thanh tịnh. Ai cúng dường Pháp Sư thuyết pháp thì được phước giống như cúng dường Đức Thế Tôn trong hiện tại. Nhờ cúng dường Pháp Sư, người ấy nguyện gì cũng thành tựu và có thể đạt được quả vô thượng bồ đề.

Vì sao?

Vì nghe thuyết pháp tâm được điều phục và có thể trừ bỏ bóng tối vô tri. Nếu không nghe pháp thì không gì có thể điều phục được tâm.

Có bốn ân rất khó báo đền. Bốn ân đó là ân mẹ, ân cha, ân Như Lai và ân Pháp Sư thuyết pháp. Ai cúng dường bốn bậc này thì được vô lượng phước đức, hiện đời được người khen ngợi, đời sau đắc quả bồ đề.

Vì sao?

Vì sức mạnh của thuyết pháp làm cho người kiêu mạn được điều phục, người tham lam tin vào việc bố thí, người hung ác, thô lỗ trở nên hiền hòa, dễ dạy, người ngu si có được trí tuệ, sức mạnh của việc nghe pháp làm cho người tà kiến có chánh kiến, người thích tạo nghiệp sát sinh, trộm cướp, tà dâm không còn tạo nghiệp nữa.

Nhờ việc thuyết pháp điều phục cuối cùng họ có thể đạt được Niết Bàn. Do đó rất khó báo đền ân đức của Pháp Sư thuyết pháp. Ân đức của cha mẹ cũng khó báo đáp được bởi vì họ sinh ra thân ta. Ai làm cho cha mẹ được sống trong chánh pháp đó là báo ân được phần nào.

Đức Như Lai là Bậc Tối Thắng trong ba cõi. Như Lai là Bậc Vô Thượng Đại Sư, cứu độ chúng sinh ra khỏi sinh tử. Ân đức này rất khó báo đáp. Chỉ có một cách báo đáp ân Phật là tin tưởng chắc thật đối với Phật Pháp. Đó gọi là báo ân, cúng dường theo cách ấy là tự tạo lợi ích.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần