Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tùng đâu Thuật Thiên Giáng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ Kinh Bồ Tát Xử Thai - Phẩm Năm - Tam Thế đẳng
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH BỒ TÁT TÙNG
ĐÂU THUẬT THIÊN GIÁNG THẦN
MẪU THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ
KINH BỒ TÁT XỬ THAI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM NĂM
TAM THẾ ĐẲNG
Khi ấy, trong pháp hội có một vị Bồ Tát tên Hỷ Kiến, với biện tài vô ngại, bước vào Thập Trụ. Những gì Như Lai hành, vị ấy đều nắm vững. Bồ Tát ấy đứng dậy, rời khỏi tòa, trịch bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chấp tay đến trước Phật.
Thưa: Lành thay! Bạch Thế Tôn! Hôm nay con nghe pháp thật chưa từng có này.
Vậy vô số Hằng hà sa Như Lai ở quá khứ có nhập Niết Bàn hay không nhập Niết Bàn?
Nếu nhập Niết Bàn thì chúng sinh ở Cõi Dục làm sao được độ?
Nếu Như Lai không nhập Niết Bàn thì chư Như Lai ấy trụ vào cảnh giới Phật nào?
Phật bảo Bồ Tát Hỷ Kiến: Lành thay! Lành thay! Ông có khả năng ở trước Như Lai gầm lên tiếng gầm Sư Tử. Ông hãy nghe thật kỹ, suy nghĩ đúng đắn điều ấy.
Nay Ta sẽ phân biệt rõ ràng từng chi tiết cho ông.
Bồ Tát Hỷ Kiến thưa: Bạch Thế Tôn! Con rất thích được nghe.
Đức Phật dạy: Hằng hà sa Chư Phật Thế Tôn trong quá khứ với giả danh gọi, không thể ghi nhớ hết, cũng như chúng sinh được đời đời không diệt mất, vô biên, không có biên vực, cũng không có đầu mối. Chư Phật chú trọng tập trung, tâm như không giới. Niết Bàn tức là chúng sinh, cho nên Như Lai không nhập Niết Bàn.
Vì sao?
Vì là chúng sinh.
Bồ Tát Hỷ Kiến bạch Phật: Chúng sinh mà Đức Thế Tôn ở quá khứ đã độ có diệt độ hay không diệt độ?
Phật bảo Bồ Tát Hỷ Kiến: Thế nào, này Bồ Tát Hỷ Kiến! Từ vô số A tăng kỳ kiếp ông luôn phụng thờ Chư Phật, lễ lạy cúng dường hương hoa, cờ phướn, lọng báu, ông có thấy Như Lai thủ Bát Niết Bàn không?
Bồ Tát Hỷ Kiến thưa: Thưa không!
Đức Phật dạy: Này Bồ Tát Hỷ Kiến! Ta hiệu là Thích Ca Văn Vô Thượng Bồ Đề.
Nay ở trong thai mẹ là Niết Bàn hay chẳng phải Niết Bàn?
Bồ Tát Hỷ Kiến thưa: Bạch Thế Tôn! Chẳng phải.
Đức Thế Tôn dạy: Này Bồ Tát Hỷ Kiến! Chúng sinh, Bồ Tát được thọ ký sẽ thành đạo chánh chân vô thượng, là đạo chân thật hay chẳng phải chân thật?
Bồ Tát Hỷ Kiến thưa: Đạo ấy chẳng phải đạo chân thật.
Vì sao?
Vì có Phật, có nói pháp thì thấy giáo hóa chúng sinh, cho nên đạo ấy chẳng phải đạo chân thật.
Duyên vào duyên chúng sinh là đạo, duyên vào duyên tận cùng chúng sinh là đạo chân thật.
Duyên quá khứ duyên vào tận cùng chúng sinh đối với hiện tại chẳng phải đạo chân thật.
Duyên hiện tại duyên vào tận cùng chúng sinh đối với quá khứ chẳng phải đạo chân thật.
Duyên quá khứ, hiện tại duyên vào tận cùng chúng sinh đối với vị lai chẳng phải đạo chân thật.
Duyên vị lai duyên vào tận cùng chúng sinh đối với quá khứ, hiện tại chẳng phải đạo chân thật.
Vì sao?
Vì đạo ấy chẳng phải đạo chân thật.
Duyên quá khứ duyên vào tận cùng chúng sinh, duyên hiện tại duyên vào tận cùng chúng sinh, duyên vị lai duyên vào tận cùng chúng sinh, đạo ấy là đạo chân thật.
Đại Bồ Tát biết và thấy điều đó nhưng không nơi nào là không có mặt.
Vì sao?
Giống như chín hành bất tận.
Chín hành ấy là:
Thượng thượng, thượng trung, thượng hạ.
Trung thượng, trung trung, trung hạ.
Hạ thượng, hạ trung, hạ hạ.
Duyên thượng thượng tận, duyên thượng thượng trung bất tận thì chẳng phải là đạo chân thật.
Duyên thượng trung tận, duyên thượng hạ bất tận, chẳng phải đạo chân thật.
Duyên thượng hạ tận, duyên trung thượng bất tận, chẳng phải đạo chân thật.
Duyên trung thượng tận, duyên trung trung bất tận, chẳng phải đạo chân thật.
Duyên trung trung tận, duyên trung hạ bất tận, chẳng phải đạo chân thật.
Duyên trung hạ tận, duyên hạ thượng bất tận, chẳng phải đạo chân thật.
Duyên hạ thượng tận, duyên hạ trung bất tận, chẳng phải là đạo chân thật.
Duyên hạ trung tận, duyên hạ hạ bất tận, chẳng phải đạo chân thật.
Duyên hạ hạ tận là đạo chân thật.
Đối với tánh chân thật, Đại Bồ Tát không nắm bắt, không buông xả, không trụ, chẳng phải là không trụ.
Quá khứ, hiện tại và vị lai như nhau, đạo như nhau, Niết Bàn như nhau, tất cả đều như nhau, không có hai pháp.
Tánh như nhau, tướng tự nhiên như nhau, chúng sinh như nhau, cấu như nhau, năm ấm như nhau, duyên như nhau, si hành như nhau, đạo hạnh thanh tịnh không một, không hai.
Hành duyên Cõi Dục tận, chẳng phải hành duyên Cõi Sắc tận. Hành duyên Cõi Sắc tận, chẳng phải hành duyên Cõi Vô Sắc tận. Hành duyên Cõi Vô Sắc tận, hành duyên Cõi Sắc tận, hành duyên Cõi Dục tận, đó gọi là Bồ Tát như nhau, chẳng phải một, chẳng phải hai.
Bấy giờ, Đức Phật bảo Bồ Tát Hỷ Kiến: Ông có muốn biết cõi Chư Phật quá khứ diệt hay không diệt không?
Thế rồi Thế Tôn dùng thần lực nhập vào tam muội Vô úy không giới, khiến cho tất cả mọi người đều thấy rõ thân Thích Ca Văn im lặng không nói, với thân tướng đầy đủ.
Đức Thế Tôn bảo: Bồ Tát nên biết! Thân quá khứ của ta rất nhiều, không thể tính, không thể lường.
Nói xong, Thế Tôn dùng thần thông hòa vào cảnh giới thấp sinh đầy đủ với các tướng, y như chúng và nói pháp cho vô số A tăng kỳ chúng sinh, khiến loài thấp sinh tùy theo sở nguyện đều được giải thoát.
Thế Tôn lại dùng thần thông hòa vào chúng hóa sinh, hiện tướng sắc thân y như chúng và nói pháp cho vô số A tăng kỳ chúng sinh, khiến cho loài hóa sinh tùy theo sở nguyện đều được giải thoát.
Thế Tôn lại dùng thần thông hòa vào chúng noãn sinh, hiện tướng sắc thân y như vậy, nói pháp cho vô số A tăng kỳ chúng sinh, khiến cho loài noãn sinh tùy theo sở nguyện đều được giải thoát.
Thế Tôn lại dùng thần thông hiện Thế Giới đương lai, hòa vào bốn sinh của cõi người, hiện tướng sắc thân nói pháp cho vô số A tăng kỳ chúng sinh, khiến chúng sinh bốn sinh ấy tùy theo sở nguyện đều được giải thoát.
Giống như ngày nay ta ở trong thai mẹ nói pháp bất thoái chuyển khó có cho các Bồ Tát đạt thần thông trong mười phương và lại dùng thần thông bốn sinh của Cõi Trời, bốn sinh của địa ngục, bốn sinh của ngạ quỷ, bốn sinh của súc sinh.
Trong bốn sinh thì hai loại hóa và thai lậu dứt hết mau, còn hai loại thấp và noãn thì lậu dứt hết chậm. Hóa sinh và thai sinh là hàng lợi căn, còn thấp sinh và noãn sinh là hạng độn căn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại dùng thần thông hiện cảnh giới tịch tĩnh để đại chúng ấy đều thấy biết, cũng không nói tên của khổ, tập, diệt, đạo.
Vì sao?
Vì chúng sinh nơi cõi đó đều là hạng lợi căn, thuộc thai sinh và hóa sinh.
Phật lại dùng thần thông hiện Thế Giới nơi phương dưới, chiếu sáng thấy chúng sinh ấy giữ gìn đọc tụng, trải qua kiếp số mới thành đạo quả và biết chúng sinh thấp và noãn này là hạng độn căn.
Phật lại dùng thần thông hiện cõi bất tử để đại chúng biết chúng sinh kia không nghe tên chết. Biết chúng sinh này có đại bi thệ nguyện, là hạng căn tối thắng trong hạng lợi căn.
Phật dùng thần thông hiện cõi chết yểu để đại chúng đều thấy biết. Thấy chúng sinh ấy có người chết yểu vì họ tự tạo gốc khổ, vốn tuổi thọ xưa kia rất dài, nay tuổi chuyển lại ngắn.
Vua cõi ấy tên Trừ Ưu, lột da người chết để làm trống, một trăm năm đánh một lần để chúng sinh ấy đều biết tên chết, tuổi thọ giảm dần còn một trăm tuổi thì ta xuất hiện. Nay ta xả bỏ thọ mạng hơn tám mươi bốn tuổi, ra khỏi thai sinh, hóa sinh trong đời năm trược, đó là phần lợi căn của ta.
Các ông nên biết, mạng sống không tồn tại lâu dài, thần lực của Phật không thể lưu lại được. Thân này như bong bóng nước, không trụ lâu. Thân như sương móc, thường làm loạn tư tưởng con người. Thân như mộng, làm tăng thêm sân giận.
Thân như huyễn, lừa gạt mê hoặc người đời. Thân như tiếng vọng, tìm kiếm nhưng vô hình. Thân như mắt quáng thấy không rõ. Như vậy, thân Ta đây là lần diệt tận cuối cùng, không còn sinh lại nữa.
Bất sinh là gì?
Là không sinh vào Cõi Diêm Phù Đề này nữa. Lại khi hành Phật Sự ở ba mươi hai vạn vạn Cõi Phật khắp mười phương, đây chẳng phải ở quá khứ. Do đó, duyên vào duyên tận, duyên vào duyên bất tận thì không có Niết Bàn.
Bấy giờ, Đại Bồ Tát Di Lặc liền đứng dậy, sửa pháp phục, trịch bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, bạch Phật: Kỳ diệu thay, bạch Thế Tôn! Tất cả chúng sinh trong Thế Giới không giống nhau. Quả báo của việc làm thiện, ác đều khác nhau.
Vậy, Như Lai nói pháp không, không tịch mịch, không thể nghĩ bàn thì nhập vào tam muội nào mà có oai thần cảm động khó lường như vậy?
Chúng sinh có thức đều có thể dễ giáo hóa, còn như núi, sông, tường, đá, cây, cỏ đều biến làm người thì chúng sinh có thức hay chúng sinh không có thức?
Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Xưa kia ta cùng ông băng qua sông núi, ông có thấy một con thú dữ muốn ăn thịt vị Bồ Tát Thập Trụ không?
Bồ Tát Di Lặc thưa: Bạch Thế Tôn! Không.
Vì sao?
Giả sử thú dữ đầy khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới muốn ăn thịt vị Bồ Tát thì điều đó không thể được.
Đức Phật dạy: Xưa kia Ta khuyên ông: Ai có khả năng tiến lên trước?
Ông và Bồ Tát Văn Thù đều nói không có can đảm.
Ngay khi ấy Ta dùng thần lực lấy vị cam lồ bảo thú đói kia biết: Nếu giữ tâm kiên cố thì được thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Ông nói rồi lui dần ra phía sau. Như vậy tất cả đều là loài giáo hóa có thức, chứ chẳng phải giáo hóa vô thức.
Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Ông chẳng nhớ vô số A tăng kỳ kiếp xa xưa, cách về phương Tây Bắc này sáu mươi hai hằng hà sa cõi, có Phật hiệu là Bình Đẳng, nước tên Vô Hình. Phật ấy hiện đang thuyết pháp.
Cõi đó không có Phật Bích Chi, Thanh Văn thừa. Không có Mặt Trời, Mặt Trăng, thời tiết, kiếp số nhiều ít. Phật ấy giáo hóa hết một Cõi Phật. Chúng sinh cõi đó đều được thành Phật và không dời đổi qua ở Thế Giới Phật khác.
Này Bồ Tát Di Lặc! Có thể gọi Phật ấy là quá khứ, hiện tại, vị lai không?
Bồ Tát Di Lặc bạch: Bạch Thế Tôn! Vừa quá khứ, hiện tại và vị lai.
Vì sao?
Vì tất cả đều từ các cõi đi đến cõi đó. Các duyên tận thì chúng sinh tận. Vì được độ thoát nên hiện có hiện tại.
Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Hiện ông ở hiện tại chăng?
Bồ Tát Di Lặc thưa: Bạch Thế Tôn! Không phải. Mặc dù nói hành hiện tại nhưng không phải hiện tại, vì hành trước đã qua và hành sau thì chưa đến.
Thức niệm tư duy ba việc thành tựu cho nên không có hiện tại.
Phật liền hỏi Bồ Tát Di Lặc: Tâm có bao nhiêu niệm?
Mỗi niệm ấy có bao nhiêu tưởng?
Bồ Tát Di Lặc thưa: Khoảng bằng khảy móng tay thì có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm. Niệm niệm thành hình, mỗi hình đều có thức. Niệm của thức rất vi tế, không thể nào nắm giữ được, chỉ có oai thần của Phật nhập vào thức vi trần đó mới đo lường được.
Như vậy giáo hóa có thức chứ chẳng phải vô thức. Lại nữa, thức rất nhỏ, nhỏ hơn bụi trần. Thức bụi trần này không thể thấy được, chỉ có oai thần của Như Lai nhập vào sự giáo hóa ấy thì mới lường xét được.
Đức Phật dạy: Bồ Tát Di Lặc nên biết, đừng có hồ nghi điều đó. Thức vi trần này cũng nhận bốn khí, cũng có bốn sinh.
Vì sao?
Vì chúng sinh vô biên, mà biên cũng vô biên. Như Lai cũng vô biên, đạo cũng vô biên. Tất cả nói hữu, hữu cũng vô hữu. Vô giới, vô xứ, vô trụ cũng đều không có người dạy bảo, giáo hóa chúng sinh. Đây gọi là nghịch thuận tam muội.
Không trụ, không phải không trụ, một tướng, vô tướng. Không vướng mắc, không trói buộc, cũng không có chân tế, tu tập nơi Đạo Tràng, làm thanh tịnh Cõi Phật, quyền biến vô số chẳng phải những điều mà kẻ thấp kém sánh kịp.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn giải thích sự hồ nghi cho Bồ Tát Dilặc nên iền hiện sắc thân mềm mại đẹp đẽ, với sắc nhìn không nhàm chán, sắc trong ngoài thanh tịnh không tỳ vết.
Từ vô số A tăng kỳ kiếp, Ta từng tu nhãn thanh tịnh, trong ngoài không bị chướng ngại nên nay được sắc thân này: Thân không phải thân, sắc cũng không phải sắc.
Nếu biết thân không, sắc không, thì thân sắc đều không. Biết thân sắc đều không thì không này là không không.
Biết vô thân không, Vô Sắc không, thì biết vô thân Vô Sắc đều không. Ai biết vô thân Vô Sắc đều không thì không này là không không.
Biết thân quá khứ không, biết sắc quá khứ không, thì biết thân sắc quá khứ đều không. Ai biết thân sắc quá khứ đều không thì không này là không không.
Biết thân hiện tại không, biết sắc hiện tại không, thì biết thân sắc hiện tại đều không. Ai biết thân sắc hiện tại đều không thì không này là không không.
Biết thân vị lai không, biết sắc vị lai không, thì biết thân sắc vị lai đều không. Ai biết thân sắc vị lai đều không thì không này là không không.
Biết vô thân quá khứ không, biết Vô Sắc quá khứ không, thì biết vô thân Vô Sắc quá khứ đều không. Ai biết vô thân Vô Sắc quá khứ đều không thì không này là không không.
Biết vô thân hiện tại không, biết Vô Sắc hiện tại không, thì biết vô thân Vô Sắc hiện tại đều không. Ai biết vô thân Vô Sắc hiện tại đều không thì không này là không không.
Biết vô thân vị lai không, biết Vô Sắc vị lai không, thì biết vô thân Vô Sắc vị lai đều không. Ai biết vô thân Vô Sắc vị lai đều không thì không này là không không.
Biết thân Dục Giới không, biết Sắc Dục Giới không, thì biết thân Dục Giới, Sắc Dục Giới đều không. Ai biết thân Dục Giới, Sắc Dục Giới đều không thì không này là không không.
Biết thân Sắc Giới không, biết Sắc Sắc Giới không, thì biết thân Sắc Giới, Sắc Sắc Giới đều không. Ai biết thân Sắc Giới, Sắc Sắc Giới đều không thì không này là không không.
Biết thân Vô Sắc Giới không, biết sắc Vô Sắc Giới không, thì biết thân Vô Sắc Giới, sắc Vô Sắc Giới đều không. Ai biết thân Vô Sắc Giới, sắc Vô Sắc Giới đều không thì không này là không không.
Biết vô thân Dục Giới không, biết Vô Sắc Dục Giới không, thì biết vô thân Dục Giới, Vô Sắc Dục Giới đều không. Ai biết vô thân Dục Giới, Vô Sắc Dục Giới đều không thì không này là không không.
Biết vô thân Sắc Giới không, biết Vô Sắc Sắc Giới không, thì biết vô thân Sắc Giới, Vô Sắc Sắc Giới đều không. Ai biết vô thân Sắc Giới, Vô Sắc Sắc Giới đều không thì không này là không không.
Biết vô thân Vô Sắc Giới không, biết Vô Sắc Vô Sắc Giới không, thì biết vô thân Vô Sắc Giới, Vô Sắc Vô Sắc Giới đều không. Ai biết vô thân Vô Sắc Giới, Vô Sắc Vô Sắc Giới đều không thì không này là không không.
Biết thân duyên duyên không, biết sắc duyên duyên không, thì biết thân sắc duyên duyên đều không. Ai biết thân sắc duyên duyên đều không thì không này là không không.
Biết vô thân duyên duyên không, biết Vô Sắc duyên duyên không, thì biết vô thân Vô Sắc duyên duyên đều không. Ai biết vô thân Vô Sắc duyên duyên đều không thì không này là không không.
Biết thân thai sinh không, biết sắc thai sinh không, thì biết thân thai sinh, sắc thai sinh đều không. Ai biết thân thai sinh, sắc thai sinh đều không thì không này là không không.
Biết vô thân thai sinh không, biết Vô Sắc thai sinh không, thì biết vô thân thai sinh, Vô Sắc thai sinh đều không. Ai biết vô thân thai sinh, Vô Sắc thai sinh đều không thì không này là không không.
Biết thân hóa sinh không, biết sắc hóa sinh không, thì biết thân hóa sinh, sắc hóa sinh đều không. Ai biết thân hóa sinh, sắc hóa sinh đều không thì không này là không không.
Biết vô thân hóa sinh không, biết Vô Sắc hóa sinh không, thì biết vô thân hóa sinh, Vô Sắc hóa sinh đều không. Ai biết vô thân hóa sinh, Vô Sắc hóa sinh đều không thì không này là không không.
Biết thân thấp sinh không, biết sắc thấp sinh không, thì biết thân thấp sinh, sắc thấp sinh đều không. Ai biết thân thấp sinh, sắc thấp sinh đều không thì không này là không không.
Biết vô thân thấp sinh không, biết Vô Sắc thấp sinh không, thì biết vô thân thấp sinh, Vô Sắc thấp sinh đều không. Ai biết vô thân thấp sinh, Vô Sắc thấp sinh đều không thì không này là không không.
Biết thân noãn sinh không, biết sắc noãn sinh không, thì biết thân noãn sinh, sắc noãn sinh đều không. Ai biết thân noãn sinh, sắc noãn sinh đều không thì không này là không không.
Biết vô thân noãn sinh không, biết Vô Sắc noãn sinh không, thì biết vô thân noãn sinh, Vô Sắc noãn sinh đều không. Ai biết vô thân noãn sinh, Vô Sắc noãn sinh đều không thì không này là không không.
Biết thân vị chí định là không, biết sắc vị chí định không, thì biết thân vị chí định, sắc vị chí định đều không. Ai biết thân vị chí định, sắc vị chí định đều không thì không này là không không.
Biết vô thân vị chí định là không, biết Vô Sắc vị chí định không, thì biết vô thân vị chí định, Vô Sắc vị chí định đều không. Ai biết vô thân vị chí định, Vô Sắc vị chí định đều không thì không này là không không.
Biết thân Sơ Thiền không, biết Sắc Sơ Thiền không, thì biết thân Sơ Thiền, Sắc Sơ Thiền đều không. Ai biết thân Sơ Thiền, Sắc Sơ Thiền đều không thì không này là không không.
Biết vô thân Sơ Thiền không, biết Vô Sắc Sơ Thiền không, thì biết vô thân Sơ Thiền, Vô Sắc Sơ Thiền đều không. Ai biết vô thân Sơ Thiền, Vô Sắc Sơ Thiền đều không thì không này là không không.
Biết thân trung gian thiền không, biết sắc trung gian thiền không, thì biết thân trung gian thiền, sắc trung gian thiền đều không. Ai biết thân trung gian thiền, sắc trung gian thiền đều không thì không này là không không.
Biết vô thân trung gian thiền không, biết Vô Sắc trung gian thiền không, thì biết vô thân trung gian thiền, Vô Sắc trung gian thiền đều không. Ai biết vô thân trung gian thiền, Vô Sắc trung gian thiền đều không thì không này là không không.
Biết thân Nhị Thiền không, biết sắc Nhị Thiền không, thì biết thân Nhị Thiền, sắc Nhị Thiền đều không. Ai biết thân Nhị Thiền, sắc Nhị Thiền đều không thì không này là không không.
Biết vô thân Nhị Thiền không, biết Vô Sắc Nhị Thiền không, thì biết vô thân Nhị Thiền, Vô Sắc Nhị Thiền đều không. Ai biết vô thân Nhị Thiền, Vô Sắc Nhị Thiền đều không thì không này là không không.
Biết thân Tam Thiền không, biết sắc Tam Thiền không, thì biết thân Tam Thiền, sắc Tam Thiền đều không. Ai biết thân Tam Thiền, sắc Tam Thiền đều không thì không này là không không.
Biết vô thân Tam Thiền không, biết Vô Sắc Tam Thiền không, thì biết vô thân Tam Thiền, Vô Sắc Tam Thiền đều không. Ai biết vô thân Tam Thiền, Vô Sắc Tam Thiền đều không thì không này là không không.
Biết thân Tứ Thiền không, biết sắc Tứ Thiền không, thì biết thân Tứ Thiền, sắc Tứ Thiền đều không. Ai biết thân Tứ Thiền, sắc Tứ Thiền đều không thì không này là không không.
Biết vô thân Tứ Thiền không, biết Vô Sắc Tứ Thiền không, thì biết vô thân Tứ Thiền, Vô Sắc Tứ Thiền đều không. Ai biết vô thân Tứ Thiền, Vô Sắc Tứ Thiền đều không thì không này là không không.
Biết thân Không xứ không, biết sắc Không xứ không, thì biết thân Không xứ, sắc Không xứ đều không. Ai biết thân Không xứ, sắc Không xứ đều không thì không này là không không.
Biết vô thân Không xứ không, biết Vô Sắc Không xứ không, thì biết vô thân Không xứ, Vô Sắc Không xứ đều không. Ai biết vô thân Không xứ, Vô Sắc Không xứ đều không thì không này là không không.
Biết thân Thức xứ không, biết sắc Thức xứ không, thì biết thân Thức xứ, sắc Thức xứ đều không. Ai biết thân Thức xứ, sắc Thức xứ đều không thì không này là không không.
Biết vô thân Thức xứ không, biết Vô Sắc Thức xứ không, thì biết vô thân Thức xứ, Vô Sắc Thức xứ đều không. Ai biết vô thân Thức xứ, Vô Sắc Thức xứ đều không thì không này là không không.
Biết thân Bất dụng xứ không, biết sắc Bất dụng xứ không, thì biết thân Bất dụng xứ, sắc Bất dụng xứ đều không. Ai biết thân Bất dụng xứ, sắc Bất dụng xứ đều không thì không này là không không.
Biết vô thân Bất dụng xứ không, biết Vô Sắc Bất dụng xứ không, thì biết vô thân Bất dụng xứ, Vô Sắc Bất dụng xứ đều không. Ai biết vô thân Bất dụng xứ, Vô Sắc Bất dụng xứ đều không thì không này là không không.
Biết thân Phi tưởng phi bất tưởng xứ không, biết sắc Phi tưởng phi bất tưởng xứ không, thì biết thân Phi tưởng phi bất tưởng xứ, sắc Phi tưởng phi bất tưởng xứ đều không. Ai biết thân Phi tưởng phi bất tưởng xứ, sắc Phi tưởng phi bất tưởng xứ đều không thì không này là không không.
Biết vô thân Phi tưởng phi bất tưởng xứ không, biết Vô Sắc Phi tưởng phi bất tưởng xứ không, thì biết thân Phi tưởng phi bất tưởng xứ, Vô Sắc Phi tưởng phi bất tưởng xứ đều không. Ai biết vô thân Phi tưởng phi bất tưởng xứ, Vô Sắc Phi tưởng phi bất tưởng xứ đều không thì không này là không không.
Phật bảo Bồ Tát Di Lặc: Nay ta sẽ giảng nói cho ông về nghĩa phát sinh và nghĩa căn bản. Ông hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ.
Sinh nghĩa là gì?
Sinh là bảy chín. Căn là nghĩa liên kết lại.
Như Lai không chấp trước dĩ tri, vị tri, vô tri.
Dĩ tri căn là quá khứ, hiện tại, vị lai.
Vị tri căn là sự chướng ngại của kiết sử.
Vô tri căn là Như Lai Chí Chân Đẳng, Chánh Giác.
Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai thành tựu căn này và phân biệt các căn. Vô căn cũng không phải vô căn, vô thuyết, vô nghĩa. Phân biệt các nghĩa của chữ là không, không sở hữu. Đó là nghĩa căn.
Từ lúc mới phát tâm cho đến ngồi bên gốc cây Thọ Vương chuyển pháp luân vô thượng, nhóm tập các pháp môn, hành pháp môn vô hành, pháp môn tư nghì, pháp môn tổng trì căn, pháp môn hư không pháp tàng. Đây là những tam muội mà Chư Phật thâu nhập.
Bồ Tát Di Lặc nên biết! Ta thọ ký cho ông năm mươi sáu ức bảy ngàn vạn năm sau sẽ thành tựu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác bên gốc cây Thọ Vương.
Ta sinh từ hông phải, còn Bồ Tát Di Lặc thì sinh từ đỉnh đầu.
Ta sống một trăm tuổi, Bồ Tát Di Lặc sống tám vạn bốn ngàn tuổi.
Cõi của ta bằng đất, cõi của Bồ Tát Di Lặc bằng vàng.
Đất nước của ta thì khổ, còn đất nước của Bồ Tát Di Lặc thì vui.
Khi ấy, Đức Thế Tôn liền nói kệ:
Đấng Như Lai Thập Lực
Hư không không biên giới
Nghiệp lực phước nhẫn tuệ
Sức thệ nguyện tối thắng.
Ông sinh nước an lạc
Không khổ như cõi ta
Ông nói pháp rất dễ
Ta nói pháp rất khó.
Đầu: Nói chín mươi sáu
Hai: Nói chín mươi bốn
Ba: Nói chín mươi hai
Đầu: Ta nói mười hai.
Hai: Nói hai mươi bốn
Ba: Nói ba mươi sáu
Ba hội người ông dạy
Ta đã giáo hóa trước.
Cha ông: Phạm Ma Tịnh
Tám vạn bốn ngàn tướng
Chẳng phải ta dạy trước
Những người ông hóa độ.
Chín mươi sáu ức người
Thọ năm giới của ta
Chín mươi bốn ức người
Thọ trì ba quy y.
Chín mươi hai ức người
Chỉ xưng: Nam mô Phật
Trước nói: Ngàn Tỳ Kheo
Hai mươi bốn ức Trời.
Ba: Ba mươi sáu ức
Các chúng sinh diệt độ
Ông vui, ta khổ cực
Ông lười, ta tinh tấn.
Khi Phật đang nói kệ này, có bảy mươi hai ức chúng sinh khổ hạnh ngồi yên bất động, đắc pháp nhẫn bất khởi pháp nhẫn vô sinh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Ba Mươi Ba - Kinh Chặt Cây Hái Quả
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Một - Phẩm phóng Quang
Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Ba - Phẩm Nhất Thừa - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Pháp Môn Căn Bản - Phần Ba - Vị Hữu Học
Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Mười Một
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Ba Mươi Hai - Phẩm Các Vật Quang Hiển
Phật Thuyết Kinh Vô Nhi Bình đẳng Tối Thượng Du Già đại Giáo Vương - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm Tham