Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Tám Mươi Năm

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM SÁU

PHẨM QUÁN THIÊN

DẠ MA THIÊN  

TẬP TÁM MƯƠI NĂM  

Khi ấy, Bồ Tát Khổng Tước Chúa nói kệ cho Chư Thiên nghe:

Ác kiên cố quấy nhiễu

Sức lớn khó điều phục

Dũng cảm điều phục tâm

Được thú vui bậc nhất.

Ba loại lỗi lầm này

Hủy hoại các thế gian

Nước trí trừ diệt được

Có thú vui bậc nhất.

Người nào không thích pháp

Thì khác chi phi nhân

Không sống với chánh đạo

Không đến thành Niết Bàn.

Đã được thân người rồi

Nơi công đức nương tựa

Vì sao không lên bè

Vượt các dòng biển hữu.

Mạng sống của chúng sinh

Như mộng, bánh xe lửa

Như thành Càn Thát Bà

Qua mau không tạm dừng.

Thân rã trong từng niệm

Thường sợ nạn già chết

Chóng diệt, không chắc chắn

Dựa đâu sinh kiêu mạn.

Thân là thành chứa bệnh

Là nơi rất buồn rầu

Là đất thiện hoặc ác

Vì vậy gọi là thân.

Ai tự trang điểm thân

Bằng thí, giới và trí

Đó là người tối thắng

Thành tựu quả báo lành.

Ai có bảy điều chánh

Người đó ngang hàng Phật

Thí, giới, trí, tinh tấn

Bi, nhẫn, khéo điều phục.

Người nào trong vô số

Thời kiếp không đếm được

Tu sáu Ba la mật

Người ấy chính là Phật.

Ai xả bỏ tham dục

Bậc nhất trong ba cõi

Do xả bỏ tham dục

Thường được rất an lạc.

Ai tham đắm dục lạc

Các khổ thường hiện tiền

Tham dục là nhân khổ

Vì vậy nên lìa bỏ.

Bồ Tát Khổng Tước Chúa đã nói cho Chư Thiên Trời Đâu Suất Đà và Trời Dạ Ma nghe pháp này. Khi ấy, Bồ Tát lại nói cho Chư Thiên nghe pháp lợi ích thứ mười lăm. Nếu Sa Môn, Bà La Môn và người nào tâm không tán loạn thì sẽ được lợi ích, nếu tâm tán loạn thì thâu giữ tâm ý làm cho tâm an trụ. Người ấy thích gần gũi người đồng phạm hạnh, thường siêng năng lìa bỏ đường ác để mong cầu an ổn.

Tỳ Kheo nào tâm không tán loạn thì điều phục được sáu căn, không tham đắm cảnh giới, sợ hãi sinh tử, lìa bỏ tất cả pháp bất thiện. Do lìa bỏ tất cả pháp bất thiện nên họ thường được an lạc. Nếu có Tỳ Kheo tâm không tán loạn đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì đó là Tỳ Kheo tâm ý chánh niệm.

Do tâm chánh niệm nên pháp lành tăng trưởng, người chánh niệm không thích sinh tử, thường siêng năng tinh tấn, thích tu định, nhờ chánh niệm liền có thể đắc đạo. Đã đắc đạo rồi, họ siêng tu các hạnh. Do siêng tu đạo, các hạnh thiện phát sinh. Do nhớ nghĩ chân chánh, họ đạt được đạo quả. Do thường chánh niệm tu đạo, họ trừ bỏ các kết sử.

Những kiết mà họ đoạn trừ là: Tham ái, sân hận, vô minh, ngã mạn, cấu uế, keo kiệt. Những sử mà họ diệt trừ là dục nhiễm, sân hận, hữu nhiễm, vô minh, ngạo mạn, kiến, nghi. Do sức mạnh của các kết sử này nên ta bị lưu chuyển trong các đường, bị trói buộc ở ba cõi. Nếu tâm không tán loạn, nhất tâm tu niệm thì có thể diệt trừ các phiền não đó.

Nếu Sa Môn, Bà La Môn hoặc người khác muốn được an ổn thì nên biết tâm là gốc rễ của tất cả các pháp thiện, ác, vì vậy ta nên siêng năng tu tập đạo pháp, sợ hãi tai họa của Hữu, thâu giữ tâm chánh niệm, diệt trừ phiền não. Không có pháp nào khác có diệt trừ rừng già phiền não từ vô thỉ đến nay bằng tâm chánh niệm.

Khi ấy, Bồ Tát Khổng Tước nói kệ:

Nhất tâm niệm hiện tiền

Sợ hãi các việc ác

Sinh ra pháp vô lậu

Giống như đám ruộng lúa.

Nhất tâm niệm hiện tiền

Siêng năng tu tập đạo

Trừ bỏ pháp bất thiện

Như mặt trời trừ tối.

Ai nhất tâm hiện tiền

Thường chánh niệm tịch diệt

Thì không sợ lầm lỗi

Như chim cánh vàng chúa.

Tâm tán loạn như vậy

Như gió có sức mạnh

Người trí hay điều phục

Giống như người dạy voi.

Giới tam muội trí tuệ

Giống như lửa rất mạnh

Lại hòa hợp với gió

Thiêu cháy các rừng ác.

Vì vậy nên tu trí

Để trừ bỏ ngu si

Lìa khỏi họa già chết

Đạt đến nơi vô thượng.

Nếu ai siêng thâu tâm

Tinh tấn mà tu hành

Do họ thâu tâm nên

Trừ bỏ mọi pháp ác.

Tâm thường duyên cảnh giới

Mạnh mẽ mới giữ được

Các dục không thể phá

Như thuốc độc trong tay.

Siêng tinh tấn như vậy

Điều phục được tâm họ

Ba dòng sông ái lớn

Vượt qua chớ dừng lâu.

Để đem lại lợi ích cho Chư Thiên ở Trời Dạ Ma và Trời Đâu Suất Đà, Bồ Tát Khổng Tước Chúa đã giảng các hạnh lành. Sau khi nghe pháp này, Chư Thiên đều sợ hãi sinh tử, lìa bỏ tất cả thú vui cảnh giới. Biết được tâm của Chư Thiên, Bồ Tát Khổng Tước Chúa lại dạy pháp thứ mười sáu.

Bồ Tát bảo Chư Thiên: Có pháp lành đáng ưa, có chế ngự phóng dật giống như móc sắt, ta nên nhớ nghĩ, tu hành pháp đó. Pháp đó là nhớ nghĩ về cái chết. Nếu ai nghĩ về cái chết thì siêng năng tu tập không ngừng nghỉ.

Việc ác không gì lớn bằng này làm não loạn tất cả chúng sinh, làm cho họ không thể lẫn trốn, chắc chắn không ai tránh khỏi bởi vì có sinh thì phải có tử. Nó gây ra tất cả sự ân ái biệt ly, làm con người chết đi sinh ở nơi đáng sợ, hoặc là từ nơi vui sinh đến nơi khổ, bị dây nghiệp trói buộc, lấy nghiệp của mình làm của cải, bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Lúc chết, họ không có bạn bè, chỉ có nghiệp lành và nghiệp dữ làm đồng bạn.

Nghiệp lành đã tạo giống như cha mẹ dắt họ đến nơi an vui, nghiệp ác như kẻ thù dắt họ đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Do đó, ta nên tu tập nghiệp lành, lìa bỏ nghiệp ác. Nếu có thể tu tập nhớ nghĩ cái chết thì tâm sẽ không vướng mắc nơi cảnh giới, không tham dục, sân hận, ngu si. Do sợ cái chết, họ không gây nghiệp ác vì vợ con, họ hàng. Những người tại gia tu pháp này còn được tịch tĩnh huống gì là người xuất gia.

Nếu Sa Môn nào tu tập nhớ nghĩ đến cái chết thì không phạm giới, không thích cảnh giới, không ở nơi ồn ào bởi vì nếu ở nơi ồn ào thì tâm tán loạn, nói nhiều, thường gặp người nữ là nơi sinh ra tất cả tham dục, vì vậy cần phải xả bỏ chỗ ồn ào và tư duy về cái chết.

Nếu ở nơi ồn ào, tâm ý sẽ trở nên bất thiện và khi chết sẽ chịu tất cả những việc suy não, không được an lạc, bị gió đao kiếm cắt xẻ không ai cứu giúp, bị dây nghiệp trói buộc dắt sang đời khác, ngay cả cha mẹ, anh chị em, bà con cũng không thể cứu giúp.

Người nào tu tập nhớ nghĩ về cái chết thì người ấy thích trí tuệ giữ giới, tu hành như vậy thì có thể làm cho nghiệp lành tăng thêm, nghiệp ác tiêu trừ. Do nghiệp lành người đó được hưởng thú vui của Cõi Trời, cõi người và về sau đạt được Niết Bàn.

Biết công đức này, hoặc nam hoặc nữ, hoặc tại gia, xuất gia, hoặc Sa Môn, Bà La Môn phải thường nghĩ về cái chết.

Do nghĩ về cái chết họ sẽ sợ hãi không làm ác, họ nghĩ rằng tất cả chúng sinh đều sẽ chết, các cảnh giới nơi Cõi Trời, người, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh không nơi nào không chết. Nếu tu tập niệm về cái chết, lo sợ cho đời vị lai thì tâm họ không tham đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc, thấy cảnh giới này không thường còn, chẳng phải là pháp bất hoại và thường nghĩ đến sự vô thường, khổ, không, vô ngã.

Nếu tâm nghĩ đến cái chết thì không bị các điều ác làm não loạn, thường siêng tu quán bất tịnh, làm tăng thêm quán thiện, thường nhớ đến cái chết, tinh tấn tu tập, nhớ nghĩ đến sự vô thường, không có nơi nào là thường còn mà không bị hủy hoại, thay đổi, diệt vong.

Trăm ngàn vạn ức các ngọn núi đáng yêu cho đến núi Tu Di đến kiếp hỏa thiêu còn bị diệt hết huống gì là thân Trời, người. Biển lớn không bờ là nơi tập trung tất cả sông lớn, là nơi cư trú của tất cả Long Vương, rồng và A Tu La còn bị khô cạn khi bảy Mặt Trời xuất hiện huống gì là thân ta.

Tóm lại mà nói, tất cả Ba Cõi Dục giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới không thường còn, luôn luôn biến động và đều sẽ bị phá hoại huống chi là thân mạng ta lại có thể là pháp thường trụ, bất động, không phá hoại sao?

Nếu tâm thường niệm, ý thường quan sát kỹ, thì không thấy nơi nào đáng yêu, đáng tham đắm và không có gì để sân hận. Do hết tham, sân, nên si mê cũng diệt theo. Nhờ lìa ba lỗi đó họ đạt được nơi bậc nhất không già, không chết, không tận diệt. Nếu nhớ nghĩ về cái chết thì không còn nhớ nghĩ về gì khác, vì vậy đối với tất cả sự nhớ nghĩ, việc nghĩ đến cái chết là đứng đầu.

Tu tập niệm về cái chết lại có công đức là: Nếu Sa Môn, Bà La Môn tu hành như vậy, quán kỹ thấy thân này giống như chuồng cọp.

Còn sự khổ ta phải quán làm sao?

Thân tâm ta bệnh hoạn, khổ não, bị già làm hư hoại, bị thần chết dắt đi, bị lưới chết trói buộc không làm gì được, không thể tu bố thí, trì giới và tu tập trí tuệ.

Vì vậy lúc cái chết chưa đến ta phải tu bố thí, giữ giới và trí tuệ. Không bao lâu nữa thần chết sẽ đến làm hủy hoại thân mạng của tất cả chúng sinh. Nếu Sa Môn, Bà La Môn buộc tâm nhớ nghĩ đầy đủ về cái chết thì sẽ đạt được Niết Bàn.

Lại nữa, nhớ nghĩ về cái chết là nhớ rằng thân này không thường còn, tất cả các hành đều là vô thường, khổ, không, vô ngã, niệm niệm biến đổi mau chóng không dừng, là pháp phá hoại, không có thật, không chắc chắn, như bánh xe lửa xoay, như thành Càn Thát Bà, tất cả các hành đều như vậy, thân mạng ta cũng như vậy, không chắc chắn, giống như bọt nước, như thành Càn Thát Bà.

Tất cả đều bị pháp chết này chi phối. Nó chắc chắn sẽ đến, rất là đáng sợ. Vì vậy nên tu tập pháp chắc chắn, gìn giữ ba nghiệp lành, xả bỏ ba nghiệp ác và nhớ nghĩ đến cái chết. Nếu Sa Môn, Bà La Môn nào tu tập ý niệm này sẽ được lợi ích lớn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần