Phật Thuyết Kinh Chiêm Sát Thiện ác Nghiệp Báo - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bồ Đề Đăng, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT KINH
CHIÊM SÁT THIỆN ÁC NGHIỆP BÁO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bồ Đề Đăng, Đời Tùy
PHẦN MỘT
Nghe như vậy!
Một thời, Đức Phật cùng tất cả bậc trí ở trong núi Kỳ Xà Quật thuộc Thành Vương Xá, đã dùng năng lực thần thông thị hiện Đạo Tràng rộng lớn trang nghiêm thanh tịnh vô ngại, cùng vô lượng, vô biên các đại chúng, giảng thuyết pháp môn căn bản sâu xa.
Bấy giờ, trong chúng hội có một Bồ Tát gọi là Kiên Tịnh Tín, từ chỗ ngồi đứng dậy sửa y phục ngay thẳng, bày vai phải chắp tay thưa Phật: Bạch Thế Tôn! Hôm nay, con ở trong hội này muốn có đôi điều thưa hỏi, nguyện xin Thế Tôn cho phép.
Đức Phật bảo: Này Thiện Nam! Tùy theo ý ông để hỏi.
Bồ Tát Kiên Tịnh Tín thưa: Bạch Thế Tôn! Đúng như lời Thế Tôn đã dạy con ở đời quá khứ sau khi chánh pháp diệt, tượng pháp sắp diệt cho đến đời sau cùng mạt pháp như vậy chúng sinh phước mỏng nhiều khổ não, đất nước có nhiều loạn lạc, tai họa đều dấy khởi, nhiều nguy hiểm kinh sợ đe dọa làm nhiễu hại, các đệ tử của con quên nhớ nghĩ thiện, chỉ tăng thêm tham, sân, si, tật đố, ngã mạn, giả sử có thì cũng tương tự như thực hành pháp thiện, chỉ cầu lợi dưỡng ở thế gian, được gọi lấy danh lợi làm căn bản, không thể phát tâm tu tập pháp chính yếu.
Lúc ấy, chúng sinh thấy tai họa nổi loạn ở đời tâm thường khiếp sợ, lo sợ thân mình và các thân thuộc không có cơm, áo đầy đủ để nuôi thân, do những điều này mà có nhiều nhân duyên làm chướng ngại, ở trong Phật Pháp, căn cơ thấp kém, lòng tin rất ít, người chứng đạo rất hiếm, cho đến ở trong ba thừa dần dần lòng tin cũng rất ít, sự tu tập thiền định ở thế gian thành tựu các thần thông biết được mạng sống kiếp trước lại càng không có.
Như thế về sau ở trong đời mạt pháp trải qua lâu mới đắc được đạo, lòng tin thiền định, các thần thông, tất cả hoàn toàn không có.
Hôm nay, con vì tượng pháp sắp diệt ở đời ác vị lai này và trong đời mạt pháp có căn lành kém ít, xin thưa hỏi Như Lai, dùng phương tiện gì để giáo hóa chúng sinh khiến cho họ phát lòng tin diệt trừ các tai họa, não hại.
Do chúng sinh gặp nhiều điều ác xấu, có nhiều chướng ngại mà bỏ mất tâm thiện của mình, ở trong pháp nhân quả thế gian và xuất thế gian, phát sinh nhiều nghi hoặc.
Không có tâm kiên cố mong cầu pháp thiện, những chúng sinh như vậy đáng thương yêu, đáng cứu giúp, với lòng đại bi và nhất thiết chủng trí của Thế Tôn, nguyện xin Thế Tôn thị hiện phương tiện, ví dụ để họ hiểu rõ khiến xa lìa lưới nghi hoặc, diệt trừ chướng ngại, lòng tin được tăng trưởng, nương theo xe thừa nào mà chứng đắc pháp không thoái chuyển.
Đức Phật bảo Bồ Tát Kiên Tịnh Tín: Lành thay, lành thay! Những điều ông hỏi rất hay, rất hợp ý ta. Hôm nay, ở trong chúng này có vị Đại Bồ Tát gọi là Địa Tạng, ông nên đem những câu này thưa hỏi, vị ấy sẽ vì ông thị hiện phương tiện để giảng thuyết giáo hóa, đúng với sở nguyện của ông.
Khi ấy, Bồ Tát Kiên Tịnh Tín lại thưa Đức Phật: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn trí tuệ vĩ đại, vì sao Thế Tôn không giảng thuyết mà muốn để Bồ Tát Địa Tạng đó giảng thuyết.
Đức Phật bảo Bồ Tát Kiên Tịnh Tín: Ông chớ sinh suy nghĩ cao thấp.
Thiện Nam này đã phát tâm đến nay trải qua vô lượng, vô biên, A tăng kỳ kiếp không thể nghĩ bàn, từ lâu đã chứng đắc Nhất thiết trí như biển, công đức đầy đủ, chỉ do bản nguyện, năng lực tự tại nên phương tiện, quyền xảo thị hiện giáo hóa khắp mười phương, tuy đến khắp tất cả các Quốc Độ thường thực hành các công đức, mà ở trong năm thứ ô uế ở đời để giáo hóa lợi ích về sau.
Cũng do năng lực, bản nguyện đã tu tập, do đó, chúng sinh lãnh thọ sự giáo hóa. Vị Bồ Tát đó từ mười một kiếp đến nay trang nghiêm Thế Giới này, chúng sinh được thuần thục.
Cho nên ở trong chúng hội nay, thân tướng đoan nghiêm, oai đức lạ thường, chỉ ngoài Như Lai ra thì không ai sánh bằng, lại ở trong Thế Giới này sự thị hiện giáo hóa, chỉ có Bồ Tát Quán Thế Âm và các Đại Bồ Tát, còn không ai sánh bằng. Vì thế năng lực thệ nguyện của Bồ Tát mau chóng hoàn thành tất cả sự mong cầu của chúng sinh, diệt trừ hết thảy tội nặng của chúng sinh, vượt qua chướng ngại hiện tại được an ổn, Bồ Tát này gọi là Thiện An Úy.
Có nghĩa là khéo léo giảng thuyết pháp sâu xa, có thể hướng dẫn những người mới học phát tâm mong cầu Đại Thừa, khiến không còn khiếp sợ, do nhân duyên này mà ở trong Thế Giới ấy, tôn trọng, lãnh thọ sự giáo hóa nên được giải thoát. Do đó, hôm nay, ta chỉ bày cho ông thưa hỏi.
Bấy giờ, Bồ Tát Kiên Tịnh Tín đã hiểu rõ ý của Phật liền thưa hỏi Đại Bồ Tát Địa Tạng: Lành thay, thưa Hiền Giả Cứu Đời! Lành thay, bậc Bồ Tát đại trí tuệ! Như tôi đã hỏi, chúng sinh ở đời ác dùng phương tiện gì để giáo hóa họ. Khiến xa lìa chướng ngại và được lòng tin kiên cố.
Hôm nay, Như Lai muốn khiến cho Hiền Giả giảng thuyết về phương tiện này, nên phải biết thời thương yêu, vì họ mà thuyết.
Lúc ấy, Đại Bồ Tát Địa Tạng nói với Đại Bồ Tát Kiên Tịnh Tín: Thiện Nam! Hãy lắng nghe! Tôi sẽ vì người mà thuyết. Sau khi Đức Phật nhập diệt trong đời ác, nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đối pháp nhân quả thế gian và xuất thế gian chưa có lòng tin chắc chắn không thể tu học, tưởng vô thường, tưởng khổ, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, hiện ra hoàn toàn.
Không thể siêng năng quán xét pháp bốn Thánh Đế và mười hai nhân duyên, cũng không chuyên cần quán xét về các pháp thật tế chân như, không sinh, không diệt, vì không siêng năng quán xét những pháp như vậy nên không chứng được Niết Bàn không tạo mười điều ác nguồn gốc của tội lỗi, đối với công đức Tam Bảo, đủ các cảnh giới, không có lòng tin trong ba thừa đều không có hướng nhất định.
Những người như vậy, thì có đủ các thứ chướng ngại, càng tăng thêm sự lo âu, hay nghi hoặc đối với tất cả, tâm không hiểu rõ, nhiều mong cầu, nhiều khổ não, các điều trói buộc sinh khởi không định, suy nghĩ, lo buồn, rối loạn, bỏ mất việc tu tập.
Người có những chướng nạn này thường dùng pháp tướng mộc luân để chiêm nghiệm về nghiệp thiện ác trong đời trước, những việc tốt, xấu, sướng khổ ở hiện tại đều do duyên hợp nên có chia lìa tức là diệt. Nghiệp tùy tâm tích tập, tướng hiện, quả sinh khởi, tướng không mất không hoại nên không sai khác.
Chiêm nghiệm kỹ về nghiệp thiện, ác như vậy thì hiểu rõ tâm mình, những việc nghi ngờ lấy đó để biết rõ. Nếu đệ tử Phật, chỉ cần tu tập pháp tướng này, chí tâm nương tựa những pháp quán ấy thì sẽ thành tựu, không nên từ bỏ pháp này, mà trái lại chạy theo những việc bói số xem tướng tốt, xấu ở thế gian, tham trước, ưa tích tập. Nếu người ưa thích tích tập sâu xa thì làm chướng đạo Thánh.
Này Thiện Nam! Nếu muốn học tướng mộc luân, trước hết phải khắc vào cây khoảng ngón tay nhỏ, khiến cho dài ngắn đều bằng một tấc, nằm ở giữa, bốn bên đều bằng, còn hai đầu xiên thừa thì bỏ đi để sát giữa bàn tay ngữa, gieo xuống làm cho nó thay đổi do nghĩa này nên gọi là luân. Lại nữa, dựa theo tướng này có thể phá trừ lưới nghi hoặc của chúng sinh, quay về chánh đạo, đạt được nơi an ổn. Vì thế gọi là chuyển. Tướng luân này có ba loại sai khác.
Những gì là ba?
1. Tướng luân có thể chỉ bày những sự khác nhau của nghiệp thiện ác đã làm đời trước, tướng luân này có mười loại.
2. Tướng luân hiển bày sự sai khác nhỏ, lớn, mạnh, yếu đã làm gần nay hay lâu đã tích chứa nghiệp đời trước, tướng luân này có ba loại.
3. Tướng luân có thể hiển bày sự chịu quả báo khác nhau trong ba đời.
Luân này có sáu loại. Nếu muốn chiêm nghiệm sự sai khác của nghiệp thiện, ác đã làm đời trước thì nên khắc vào cây mười luân vòng dựa vào luân này viết tên của mười thiện, mười thiện căn bản ở trong một luân, ghi vào mỗi mặt. Tiếp đến dùng mười ác viết đối diện với mười thiện làm cho tương xứng cũng viết vào một mặt.
Mười thiện là tất cả các pháp thiện căn bản có thể tóm thâu hết các pháp thiện khác. Mười ác là tất cả pháp ác căn bản có thể hàm chứa hết những pháp ác khác. Nếu muốn chiêm nghiệm tướng luân này thì trước hết phải học chí tâm đảnh lễ tất cả Chư Phật mười phương, nhân đó lập nguyện, nguyện làm cho hết thảy chúng sinh mười phương mau chóng đều thân cận, cúng dường thưa hỏi, lãnh thọ chánh pháp.
Lại nữa, phải nên học chí tâm kính lễ Tạng pháp mười phương. Nhân đó liền lập nguyện, nguyện làm cho tất cả chúng sinh khắp mười phương mau chóng được thọ trì đọc tụng đúng như pháp tu hành và vì người khác thuyết pháp.
Lại nữa, phải học chí tâm kính lễ tất cả Hiền thánh khắp mười phương, nhân đó liền lập nguyện, nguyện làm cho tất cả chúng sinh mười phương mau chóng được gần gũi cúng dường phát tâm Bồ Đề, chứng được quả vị không thoái chuyển.
Sau đó, phải học chí tâm lễ kính Đại Bồ Tát Địa Tạng ta, liền lập nguyện, nguyện làm cho tất cả chúng sinh mười phương nhanh chóng diệt trừ nghiệp ác, tội nặng xa lìa các chướng ngại các vật dụng đời sống đều đầy đủ. Kính lễ rồi, tùy theo những thứ hương hoa mình có nên tu tập cúng dường.
Tu tập cúng dường là tưởng nhớ đến ba ngôi báu: Phật, Pháp, Tăng, thường lễ bái khắp tất cả, nguyện đem hương hoa này đồng trong pháp tánh đều tỏa khắp tất cả cõi Chư Phật, cúng dường làm Phật sự.
Lại nghĩ tất cả mười phương luôn luôn được cúng dường đầy đủ. Hôm nay, con sẽ đem tất cả thứ hương hoa, chuỗi hạt cờ lọng báu các thứ trang sức, trân báu đẹp, âm nhạc, đèn đuốc lửa, thức ăn, nước uống, y phục, giường nệm, thuốc thang cho đến tất cả thứ trang nghiêm hiện có ở mười phương đều cúng dường đầy đủ, thường nhớ nghĩ cùng với chúng sinh vui vẻ cúng dường, thường nhớ tu tập cúng dường trong tất cả Thế Giới.
Hôm nay, con tùy hỷ, nếu người chưa tu tập cúng dường nguyện được giáo hóa khiến cho thực hành cúng dường.
Lại nguyện, thân con mau chóng biến hiện khắp tất cả cõi nước. Đối với hết thảy Phật, Pháp, Tăng đều đem hết vật dụng cúng dường trang nghiêm, cùng tất cả chúng sinh vui vẻ thực hành cúng dường tất cả pháp thân, sắc thân, xá lợi, hình tượng, những nơi tháp miếu của Chư Phật, tất cả việc Phật, cúng dường tất cả Pháp tạng hiện có và thuyết pháp khắp nơi.
Cúng dường tất cả chúng sinh Hiền thánh tăng, nguyện cùng với tất cả chúng sinh tu tập thực hành cúng dường như vậy, dần dần thành tựu sáu pháp Ba la mật, bốn vô lượng tâm, hiểu biết sâu xa những pháp xưa nay vốn vắng lặng, một vị bình đẳng, không sinh, không diệt, xa lìa nhớ nghĩ thanh tịnh hoàn toàn viên mãn.
Lại nên, biết rõ tâm cúng dường Đại Bồ Tát Địa Tạng ta. Lại nữa, nên xưng tán danh hiệu hoặc nhớ nghĩ, nhất tâm đọc tụng Nam Mô Địa Tạng Bồ Tát Ma ha tát.
Xưng tán như thế, đạt được một ngàn Kinh, ngàn niệm rồi mà cho rằng: Lòng đại từ, đại bi của Đại Bồ Tát Địa Tạng nguyện xin cứu giúp cho con và tất cả chúng sinh mau tiêu trừ các chướng ngại, tăng trưởng lòng tin thanh tịnh.
Hôm nay, sự quán tưởng, xưng tụng khiến được tương ứng, nói như vậy rồi, sau đó, tay cầm mộc luân ở trên vật trong sạch mà gieo xuống trong đó. Như vậy muốn chiêm nghiệm pháp cho mình, hoặc muốn chiêm nghiệm người khác đều cũng làm như thế.
Nên biết về luân tướng này là tùy theo nghiệp hiện tại, nên mỗi một đế đều quán tưởng suy nghiệm, hoặc thuần mười thiện hoàn toàn hoặc thuần mười ác hoàn toàn hoặc thiện ác hỗn tạp, hoặc thuần thiện không hoàn toàn, hoặc thuần ác không hoàn toàn. Như vậy các loại nghiệp nhân không giống nhau, các quả báo tập khí đều sai khác.
Đúng như Phật Thế Tôn đã giảng thuyết nơi khác, nên phải nhớ kỹ. Tư duy quán xét các nghiệp ở hiện tại cùng quả báo đời này trong Kinh, những việc khổ, vui, tốt và xấu, với tập khí phiền não đều tương xứng nhau gọi là tương ứng. Nếu không thích đáng nghĩa là không chú tâm gọi là nói trống rỗng.
Nếu chiêm nghiệm luân tướng mà nghiệp thiện ác đều không hiện ra thì người này đã chứng tâm trí vô lậu thường cầu pháp xuất ly, lại không thích chịu quả báo thế gian, các nghiệp hữu lậu thay đổi yếu nhỏ dần, không thể tăng trưởng. Do đó, không thể hiện ra được, lại thuần thiện không hoàn toàn, thuần ác không hoàn toàn thì hai hạng người này nghiệp thiện ác không thể hiện ra, đều nhỏ yếu chưa có khả năng trở thành quả, vì thế không thể hiện ra.
Nếu ở đời đương lai, đệ tử Chư Phật đã chiêm nghiệm quả báo thiện ác đắc được điều tương ưng. Ở trong năm dục được điều vừa ý, chớ chẳng phải tự mình phóng túng mà khởi tâm buông lung, nên suy nghĩ, do nghiệp thiện đời trước của ta như vậy, nên hôm nay được quả báo này.
Hôm nay, ta có thể thay đổi, càng tinh tấn tu tập không nên dừng nghĩ. Nếu gặp những việc nguy hiểm, não hại, không tốt quấy phá, lo sợ không được vừa ý, nên phải chịu đựng không nghi ngờ, hối tiếc, thoái mất việc tu tập nghiệp lành, liền suy nghĩ đời trước ta tạo nghiệp ác như vậy, ngày nay gặp quả này.
Hôm nay, ta nên hối cải tu tập sửa đổi nghiệp ác và thường thực hành việc thiện khác không ngừng nghỉ. Nếu biếng nhác, phóng túng thay đổi thì càng tích chứa nhiều khổ tập. Đây gọi là chiêm nghiệm Pháp luân tướng ban đầu.
Này Thiện Nam! Nếu muốn chiêm nghiệm nghiệp đã tích chứa trong quá khứ đến lâu hay mau, sự tạo tác khác nhau mạnh, yếu, lớn, nhỏ thì nên khắc vào bảng gỗ ba vòng luân, dùng thân, miệng, ý, làm căn bản ở mỗi vòng, viết chữ vào đó lại ở giữa mỗi vòng vẽ một bức họa, lớn, dài xén bỏ đi các viền.
Lại nữa, mặt thứ hai vẽ một bức họa nhỏ, ngắn khiến cho đến viền. Lại nữa, mặt thứ ba, khắc một bên như bức họa kia, làm cho đường lớn, sâu, mặt thứ tư cũng khắc vào bên làm cho đường nhỏ, cạn.
Nên biết nghiệp thiện trang nghiêm giống như bức họa, nghiệp ác hại suy yếu gống như giảm lần. Bức họa lớn dài là hiển bày tích chứa thiện đến rất lâu, thực hành lanh lợi, làm được tăng trưởng. Bức họa nhỏ, ngắn đến rất gần, từ trước tu tập cơ bản thuần thiện, sự tạo ác rất ít. Bức họa được khắc lớn và sâu, biểu thị việc ác đến rất lâu, các tai họa phát triển.
Cuối cùng, bức họa nhỏ và cạn là biểu thị việc thiện đến mau giảm đi trước kia tích chứa pháp ác gây các nghiệp chưa đến mức lớn mạnh, hoặc tuy đã làm các tội ác nặng nhưng đã từng hối lỗi, sữa đổi. Đây có nghĩa là tội nhỏ.
Này Thiện Nam! Nếu ban đầu chiêm nghiệm chuyển tướng là chỉ biết sự sai khác của nghiệp thiện ác đã tạo đời trước mà không thể biết tích tập lâu, mau những nghiệp lớn, nhỏ, mạnh, yếu đã tạo.
Vì thế nên chiêm nghiệm tướng luân thứ hai, nếu chiêm nghiệm tướng luân thứ hai nên dựa vào trong tướng luân ban đầu nghiệp đã hiện ra, nếu thuộc về thân thì rơi vào luân tướng của thân, nếu thuộc về miệng thì rơi vào luân tướng của miệng, nếu thuộc về ý thì rơi vào luân tướng của ý, không được đem ba tướng luân này, chiêm nghiệm cùng một nên phải tùy theo nghiệp căn bản, nhớ mỗi một thiện ác dựa vào sự khác biệt thuộc luân nào mà quán xét.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Hữu đức Nữ Sở Vấn đại Thừa
Phật Thuyết Kinh Tám Danh Hiệu Của Chư Phật
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Bô đa Lợi - Kinh La Ma
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Quá Khứ đương đoạn
Phật Thuyết Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết - Phẩm Mười Ba - Phẩm Pháp Cúng Dường
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Kinh Bát Kiếp Tiên Nhân