Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Hai Mươi Ba - Sổ Tức - Tập Ba
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM HAI MƯƠI BA
SỔ TỨC
TẬP BA
Thế nào là đếm hơi thở tâm giải thoát liền biết?
Nếu điều khiển hơi thở ra mà ý chẳng thật cởi mở thì chế phục khiến vượt qua, rồi đếm hơi thở ra, hơi thở vào cũng vậy.
Thế nào là đếm hơi thở thấy vô thường liền biết?
Thấy các hơi thở nặng nề đều là vô thường, đó là hơi thở ra, hơi thở vào cũng vậy.
Thế nào là đếm hơi thở ra thấy vô dục liền biết?
Thấy sự khởi diệt của hơi thở, như vậy là lìa dục, đó là quán hơi thở ra lìa dục liền biết, hơi thở vào cũng vậy.
Thế nào là đếm hơi thở, quán tịch tĩnh liền biết?
Khi hơi thở phát ra quán thấy diệt tận, đó lá quán tịch diệt nơi hơi thở liền biết, hơi thở vào cũng vậy.
Thế nào là đếm hơi thở hướng về đạo liền tự biết?
Thấy hơi thở ra tịch diệt. Thấy như vậy rồi về sau tâm liền lìa mọi khách trần, vì xa lìa vô dục, bỏ tam giới ý liền giải thoát. Giữ gìn được ý này đó là đếm hơi thở ra và hơi thở vào. Đó là đã nói mười sáu điều đặc biệt thù thắng. Sở dĩ hành giả quán hơi thở ra vào cốt là cầu tịch tĩnh cho nên khiến tâm an định.
Từ sự tịch tĩnh đó mà có hai hạng: Một là phàm phu, hai là đệ tử Phật.
Thế nào là phàm phu mà cầu tịch tĩnh?
Nếu muốn tâm dừng lại thì trừ diệt nam ấm cái.
Vì sao muốn diệt trừ các họa hoạn của ấm cái?
Vì muốn đạt đệ nhất thiền.
Vì sao muốn cầu bậc thiền thứ nhất?
Vì muốn chứng đắc ngũ thông.
Thế nào là đệ tử Phật muốn cầu tĩnh lặng?
Sở dĩ cầu là muốn được on hòa.
Vì sao cầu ôn hòa?
Muốn đạt đến pháp đảnh. Thấy năm ấm là không, tất cả đều chẳng phải ngã sở, đó gọi là pháp đảnh.
Vì sao cầu pháp đảnh?
Vì thấy bốn đế thuận với pháp nhẫn.
Vì sao theo cầu pháp nhẫn?
Vì muốn được pháp tối thượng của thế gian?
Vì sao cầu pháp tối thượng của thế gian?
Vì muốn biết biết các pháp đều là khổ, nhân đó đạt được phân biệt ba mươi bảy pháp đạo phẩm.
Vì sao muốn biết cái khổ của các pháp?
Vì muốn được địa thứ tám.
Vì sao?
Vì ý chí của người ở địa thứ tám là muốn đạt đến đạo tích.
Thế nào là phàm phu do đếm hơi thở mà đạt đến tĩnh lặng?
Vì tâm gắn liền với hơi thở chú ý không loạn động, không có ý niệm khác. Do đó từ sự đếm hơi thở mà đạt được tĩnh lặng, và do phương tiện ấy mà năm ấm cái đều bị tiêu diệt. Bấy giờ, hơi thở dù điều khiển ra vào, thường cùng với tâm duyên với niệm tưởng, hơi thở vào cũng vậy.
Nếu quán sát chỗ đến của hơi thở ra vào thì đó gọi là hành, trong tâm hoan hỷ thì gọi đó là vui vẻ, cái vừa ý thì gọi đó là an. Tâm tôn quý đệ nhất mà được tự tại thì gọi đó là định ý, bắt đầu trừ năm ấm cái trong tâm thuận chiều giải thoát từ đó lìa chấp trước.
Thế nào là lìa chấp trước?
Là xa lìa các tưởng về ái dục, các pháp hành bất thiện. Như vậy, niệm tưởng được hoan hỷ, an ổn, tâm đắc đệ nhất định, dứt trừ năm phẩm, đầy đủ năm phẩm nhờ vào pháp đếm hơi thở ấy. Do đạt năm đức, đắc bậc thiền thứ nhất, đã đắc bậc thiền thứ nhất tập mãi không bỏ.
Bậc thiền thứ nhất vừa an định, vững chắc không động, muốn cầu thần thông, chí được thần túc, thiên nhãn thấy khắp, thiên nhĩ nghe hết, biết từ đâu sinh đến, biết tâm niệm người, pháp ý tự tại. Ví như thợ vàng dùng đủ màu vàng tự do làm ra các loại anh lạc, nhẫn, xuyến, ngọc dao như ý muốn đều thành. Khi đã đắc bậc thiền thứ tư thì cũng tự tại như thế, đấy là năm thông.
Thế nào là đệ tử Phật đếm hơi thở ra vào mà được tĩnh lặng?
Người tu hành ngồi nơi vắng vẻ không người, thu nhiếp tâm ý chẳng cho giong ruổi, tinh chuyên, quán hơi thở ra vào. Hơi thở từ mũi chuyển đến yết hầu, rồi đến giữa rốn, từ rốn trở lại mũi, phải tỉnh táo quán sát. Hơi thở ra có khác, hơi thở vào chẳng giống, điều ý theo dõi hơi thở ra vào, khiến tâm bất loạn.
Do đếm hơi thở ấy mà tâm chí định được tĩnh lặng, vĩnh viễn không có niệm tưởng nào khác xen vào, chỉ nghĩ về đức tánh của Phật, Pháp và Thánh chúng, thông suốt nghĩa của bốn đế khổ, tập, tận, đạo liền được vui thích, đó gọi là ôn hòa.
Như người thổi lửa, sức nóng đến nơi mặt chớ lửa chẳng chạm mặt, chỉ có hơi nóng thôi. Sức nóng của lửa ấy chẳng phải do thổi mà có, nên biết như thế. Ôn hòa cũng như vậy.
Thế nào là pháp Ôn noãn?
Chưa đầy đủ văn bản thiện, gồm có chín việc: Có vị nhu hòa, hạ nhu hòa, thắng nhu hòa. Có hạ trung, có trung trung, có thắng trung. Có thượng nhu hòa, có trung thượng nhu hòa, có thượng thượng nhu hòa. Biết vi nhu hòa và hạ nhu hòa ấy, gọi là căn bản thiện an hòa.
Hạ trung, trung trung, và thượng trung ấy gọi là căn bản thiện pháp đảnh. Hạ thượng, trung thượng và thượng thượng nhu hòa ấy, gọi là pháp nhẫn nhu hòa chân thật. Cái thượng ở trong cái thượng, đó là pháp tôn quý của thế gian, là ý nghĩa căn bản thiện của chín việc.
Vì vậy các lậu thế gian chưa hết, nếu người tu hành đắc hạnh ôn hòa, gắn chặt tư tưởng vào pháp đếm hơi thở, nhân đó chuyên nghĩ tưởng hơi thở, nếu thở trở lại thì ý cũng theo dõi hơi thở không có niệm nào khác. Nếu hơi thở phát ra thì biết hơi thở trở lại, tâm thể nhập Phật, Pháp và Thánh chúng, khổ, tập, tận, đạo như ở trong sự ôn hòa, tâm trở nên thăng tiến, đó gọi là pháp đảnh.
Giống như có người đứng trên núi cao quán sát bốn phương, hoặc có kẻ leo lên núi: Hoặc có kẻ leo xuống, hoặc có người vào đường Thánh, hoặc vào chốn phàm phu. Người tu hành đã đạt được pháp đảnh mà nhập vào chốn phàm phu, thật đáng buồn. Ví như nước ở trên núi chảy xuống rất nhanh, tạo thành dòng xoáy.
Có người muốn vượt qua, lội vào dòng nước, bơi qua bờ bên kia, bị dòng nước xoáy lôi lại, bị khốn giữa dòng, đã mệt mỏi, hết sức liền bị dòng nước nhận chìm xuống đáy, người ấy nghĩ chắc chắn là chết chẳng còn nghi ngờ gì nữa.
Người đứng bên bờ, buồn cho người ấy. Tu hành cũng vậy, đã gặp được minh sư sớm tối thức tỉnh, ngồi theo lối kiết già, áo thô cơm đạm, ngồi trên mền cỏ, khốn khổ xác thân, tạo hạnh như thế, nhưng bị dòng xoáy sinh tự ngăn cản, đắm vào ân tình, chẳng thể chuyên nhất, hoàn toàn chìm vào ao nước các tưởng thì đâu được ánh sáng của đạo, vì vậy người tu hành lo rầu cho họ.
Ví như người lái buôn có nhiều của báu đi ngang qua con đường nơi đồng vắng hiểm trở, về gần tới nhà, bỗng nhiên gặp bọn giặc cướp, cướp mất hết tiền của, mọi người áy náy cho ông, cũng sẽ vì người tu hành mà lo lắng như vậy.
Ví như nông gia cày gieo ngũ cốc, hạt chắc tươi tốt đến khi sắp gặt hái thì bỗng dưng có trận mưa đá làm dập nát trái hạt, chỉ còn cỏ rác, người ấy buồn rầu. Tu hành cũng vậy, đã được pháp đảnh mà sa vào chốn phàm phu, nên bị áy náy lo âu. Đã được pháp đảnh rồi mà lại bị thoái đọa.
Hoặc gặp bạn ác nghĩ đến ái dục, bất tịnh cho là tịnh, tịnh cho là bất tịnh, ưa du hành xa, chẳng được tinh chuyên. Hoặc bị bệnh kinh niên, hoặc gặp mất mùa, đói khát, khốn khó, chẳng có gì ăn đỡ đói.
Hoặc nghĩ việc nhà, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thuộc. Hoặc ngồi chẳng đúng chỗ, nơi ồn ào náo nhiệt. Đã đắc pháp đảnh mà chưa thành đạo quả, già nua kéo đến, tâm liền mê hoặc, bỗng lâm bệnh khốn, mạng sống sắp dứt.
Niềm tin đối với Phật, Pháp, Thánh chúng và sự chấm dứt khổ, tập, tận, đạo đã có thì vĩnh viễn không còn tin nữa. Thiền định đang tập, thì xả bỏ. Cái nên quán thì không quán nữa. Tinh tấn thì trở thành bê trễ. Cái pháp vốn đã suy nghĩ vĩnh viễn không khởi lại. Vì vậy, nên từ pháp đảnh ấy mà bị thoái đọa.
Thế nào là pháp đảnh chẳng thoái lui?
Như đã tin thì càng ngày niềm tin ấy càng tăng lớn. Như định tâm vốn có khiến chẳng lay động, đối tượng quán chiếu chẳng mất, luôn luôn quán sát, tinh cần càng gia tăng, pháp đã suy nghĩ tinh chuyên chẳng bỏ.
Vì vậy cho nên chẳng mất pháp đảnh. Tu hành như vậy, do sự tinh chuyên mà tâm định tĩnh, luôn luôn tư duy pháp cứu cánh, vì ngay từ đầu chưa từng lay động, chẳng nghĩ gì thêm.
Như thế liền biết hơi thở ra có khác, hơi thở vào chẳng giống, khiến sinh tâm phân biệt: Hơi thở ra vào có khác nhau. Thấy biết như vậy, không có nghĩ gì khác. Đó gọi là bậc thượng trong bậc trung mà đắc pháp Nhẫn. Tâm không nghĩ tưởng gì khác mà khởi quán như thế, niệm trước, niệm sau chưa từng lẫn lộn, phân biệt quán sát tâm qua lại.
Thế nào thì gọi đó là pháp nhẫn nhu hòa, thấp nhất trong bậc thượng trung?
Nếu khiến tâm ưa thích chuyên nghĩ, ý chí chẳng dời đổi, lăng xăng, thì gọi đó là pháp nhu hòa bậc thượng trung.
Nhẫn ấy thuận hướng đến chỗ nào?
Thuận hướng đến bốn đế, thẩm xét đúng như thật, nhờ vậy tâm đạt đến thanh tịnh, đó gọi là tín. Tuy nhiên, đạt đến điều đó là chưa thành Tín căn.
Vì được lòng tin như vậy, thân, khẩu, ý kiên quyết thì gọi đó là tinh tấn, còn chưa thể thành tinh tấn căn. Chí hướng đến các pháp đó gọi là hữu tâm chưa thành niệm căn. Vì tâm chuyên nhất, gọi đó là định ý, chưa thành định căn. Cái mà quán các pháp phân biệt nghĩa, gọi là trí tuệ chưa thành tuệ căn.
Nghĩ năm pháp ấy, hướng đến các căn chưa thành đạo căn. Có niệm có tưởng, còn có sự hiện hữu và thấy có sự nhiễu động thì chưa thành định, ý đó gọi là đạt cái cao nhất trong bậc thượng, là pháp tôn quý của thế tục.
Người tu hành cần hiểu rõ điều này, nơi sắc khởi, diệt, thống ý pháp, quán nguồn gốc của sự khởi diệt, xem xét nhân duyên của nó ở quá khứ, vị lai, thực hành định vô nguyện, theo vào cửa giải thoát, quán xét khổ nơi sinh tử. Nghĩ rằng năm ấm này chính là nỗi ưu lo, họa hoạn, không còn hồ nghi nữa. Bấy giờ mới đạt được pháp nhan thoát khổ. Đã thấy nguồn gốc khổ rồi liền thấy tuệ nhẫn, trừ diệt mười kết.
Đó là: Một là tham thân, hai là kiến thân, ba là tà kiến, bốn là do dự, năm là mất giới, sáu là hồ nghi, bảy là ái dục, tám là sân han, chín là cao ngạo, mười là ngu si.
Trừ bỏ mười kết ấy, đã đạt được tâm này thì mới hướng đến vô lậu nhập vào chánh kiến, vượt qua phần vị phàm phu, trụ ở Thánh đạo, chẳng phạm tội lỗi về địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, chẳng bị chết oan, thành tựu đạo tích, thực hành thiền định, chẳng quản ba thời, đã hướng đến cửa giải thoát, chưa khởi pháp ác thì chẳng sinh lại, các ác tự hết.
Pháp thiện chưa khởi sẽ khiến hưng phát, pháp thiện đã hưng khiến thành đầy đủ, tâm đã như vậy, thì tùy theo sở thích, đó gọi là tam muội tự ý khiến chí chuyên nhất, gọi là định ý tự tại. Từ đó, lần lượt tin tưởng, tinh tấn quán sát, giữ gìn thân mạng gọi đó là tín. Tư duy hạnh ấy gọi là tam muội tự ý, chuyên tinh tu đạo đạt được thần túc. Giả sử tu hành thân, khẩu, ý kiên quyết thì gọi đó là pháp định ý tinh tấn.
Ý chí chuyên vào tâm thức thì gọi là định ý. Muốn vào nghĩa đạo thì gọi là định ý sát giới. Do nhân duyên ấy đạt được bốn Thần túc. Đã đạt được thần túc rồi thì gọi là tín căn. Thân tâm kiên cố thì gọi là tinh tấn căn. Pháp có thể tư duy thì gọi là ý căn.
Tâm chuyên nhất thì gọi là định căn. Có khả năng phân biệt pháp và biết chỗ hướng đến, đó gọi là trí tuệ căn. Như vậy là đầy đủ năm căn. Lòng tin mà ôn hòa thì gọi là tín lực, tinh tấn lực, ý lực, tịch ý lực, trí tuệ lực cũng giống như thế.
Thành tựu năm lực luôn luôn theo dõi các pháp, tâm tỉnh thức, phân biệt các pháp thì gọi là tinh cầu các pháp giác ý, thân tâm kiên cố thì gọi là tinh tấn giác ý, tâm luôn vui vẻ phấn khởi được như ý muốn thì gọi là hân duyệt giác ý, thân ý nương nhau, tin tưởng nhu hòa chẳng loạn động thì gọi là tín giác ý, tâm chuyên nhất tịch tĩnh thì gọi là định giác ý, tâm đã diệt các cấu dâm, nộ, si chí đạt sở nguyện là Hộ giác ý. Vậy là bảy giác ý thành tựu.
Nếu quán riêng ý nghĩa các pháp thì gọi là chánh kiến, các điều tư duy không có ước muốn tà vạy thì đó là chánh niệm. Thân ý kiên cố là chánh phương tiện, tâm hướng về nghĩa kinh là chánh ý, tâm chuyên nhất là chánh định, thân ý và sự tạo nghiệp cả ba đều thanh tịnh.
Lúc đó mới đắc thành tám hạnh chánh đạo. Trong tám chánh đạo này chánh kiến, chánh niệm, chánh phương tiện đó là ba việc thuộc về thân. Chánh ý, chánh định là hai việc thuộc về tịch tĩnh. Hai quán tịch tĩnh này như hai con ngựa đóng vào một chiếc xe để chở đi.
Nếu tâm vô lậu không chuyên nhất về một pháp mà biến nhập vào ba mươi bảy pháp phẩm và vì thế đầy đủ ba mươi bảy pháp này, thì hiểu biết khổ. Nếu thường xuyên như vậy thì liền đắc tâm vô lậu thứ hai.
Bấy giờ tư duy: Như nay năm ấm của Dục Giới có khổ thì Sắc Giới và Vô Sắc Giới cũng vậy không khác. Đó gọi là thành tựu trí tuệ tùy nhẫn tri khổ, đạt được tâm vô lậu thứ ba.
Đã đắc hạnh ấy vì thấy khổ cho nên trừ được mười tám kết: Siêu vượt Sắc Giới, Vô Sắc Giới, thuận chiều trí tuệ, liền đắc tâm vô lậu thứ tư.
Đã đạt được bốn tâm vô lậu rồi, vượt qua tội lỗi khổ đau của ba cõi liền tự biết: Ta đã vượt qua họa hoạn, không có các phiền não vượt qua các khổ.
Rồi tự tư duy: Khổ vốn do đâu?
Vốn do ân ái mà sinh mê đắm ràng buộc. Từ lâu xa đến nay tập quen với ân ái này nên bị họa hoạn. Nay vĩnh viễn nhổ gốc ân ái thì không còn các khổ não. Biết cái nạn ân ái dễ ưa thích từ đâu mà có thì gọi là hiểu rõ tập đoạn trừ pháp nhẫn, đó là tâm vô lậu thứ năm.
Trừ diệt các tập nhiễm của Dục Giới thì dứt được bảy kết, biết nhổ các họa hoạn của Dục Giới gọi đó là tâm vô lậu thứ sáu.
Người tu hành tự nghĩ: Gốc của Sắc Giới vốn do đâu mà phát khởi?
Quán chiếu kỹ nguồn gốc của nó là từ dục mà khởi, ưa phát sinh ân ái dễ ưa thích, đó là tâm vô lậu thứ bảy.
Vì có hạnh này nên vượt qua Sắc Giới còn mười hai kết của Vô Sắc Giới, tâm theo nếp sống của tuệ, đó là tâm vô lậu thứ tám. Đó gọi là tám nghĩa hạt giống đầu tiên của sự giác ngộ.
Bấy giờ, tâm nghĩ: Ta thấy Ba Cõi vì trừ khổ tập đối với dục không ưa thích đó gọi là an ổn, chỉ ưa vắng lặng êm ái dễ chịu đó là nhẫn pháp tuệ diệt tận. Đây là tâm vô lậu thứ chín.
Đã được nghĩa này thắng diệt hết gốc đối với Dục Giới, trừ sự ràng buộc của bảy kết, đó là tâm vô lậu thứ mười.
Rồi tự nghĩ: Nếu chẳng tham đắm chấp trước nơi Cõi Sắc và Vô Sắc thì gọi là tịch tĩnh, đó gọi là tâm vô lậu thứ mười một, rồi trừ mười hai nghi kết, đã vượt qua họa hoạn này liền đắc tuệ diệt tận, đó là tâm vô lậu thứ mười hai.
Bấy giờ, tự nghĩ: Được điều chưa từng có đúng như Đức Phật Thế Tôn giảng giải pháp. Nhờ đạo nghĩa ấy, biết khổ của Dục Giới nên vứt bỏ đi. Biết là do từ tập mà phát sinh nên xa lìa tập, đạt được tận diệt nhân đấy được nhập vào pháp tuệ đạo nhẫn, đó là tâm vô lậu thứ mười ba.
Bấy giờ, dùng đạo lực thấy cõi Dục, bỏ tám kiết, bỏ vậy rồi, nhiên hậu mới đạt được pháp tuệ hưng long ấy, đó là tâm vô lậu thứ mười bốn.
Ngay khi đó, tâm nghĩ, được điều chưa từng có. Do đạo hạnh ấy biết nỗi khổ của Sắc Giới, Vô Sắc Giới mà trừ diệt các tập, chứng đắc tận diệt, đó là tâm vô lậu thứ mười lăm.
Tùy theo ý mình trừ diệt mười hai kết ở cõi Sắc và Vô sắc, trừ kiết ấy rồi thì phát khởi đạo tuệ đó là tâm vô lậu thứ mười sáu.
Ngay khi trừ hết tám mươi tám kết, thì nên bỏ mười kết tưởng.
Vì sao?
Vì lấy một giọt nước từ sông Hằng thì rốt cuộc cái tính chất cũng như nước sông Hằng. Những cái mà chưa trừ diệt như một giọt nước liền thành Đạo tích, đạt đến Thánh Hiền, bảy lần sinh lên trời, bảy lần trở lại nhân gian, vĩnh viễn dứt hết gốc khổ.
Người tu hành lấy đó noi theo, nhổ gốc rễ các khổ não, dứt dòng sinh tử thì tâm mừng vui, đã vượt ba đường, chẳng phạm ngũ nghịch, lìa các tà đạo, vượt qua tri kiến, chẳng theo ngoại đạo mong cầu vinh hiện, các đức hỗ trợ thỉ chung chẳng đối, họa hoạn bảy phen chưa từng phạm giới, thấy vô số quang minh, ngày đêm hoan hỷ.
Ví như có người tránh nơi đói khát đến nước nhiều của cải, thoát hiểm được an như bị nhốt ngục được thả ra, như bệnh được lành, tâm luôn phấn khởi. Tu hành như thế do an ban thủ ý mà được tịch tĩnh. Muốn cầu tịch tĩnh phải tu tập như thế.
Bài tụng rằng:
Biết rõ ngủ nghỉ thêm biếng lười
Phân biệt hơi thở từ thân ra
Tu hạnh thở vào nhớ là vào
Gọi là hành trì quán hơi thở.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Mạng
Phật Thuyết Kinh đà La Ni Tập - Phần Năm - Phật Nói Phẩm Tướng Của Pháp Làm Xâu Chuỗi
Phật Thuyết Kinh Phổ Diệu - Phẩm Mười - Phẩm Thi Tài Nghệ
Phật Thuyết Kinh Chúng Hứa Ma đế - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Tát Già Ni Kiền Tử Sở Thuyết - Phẩm Bốn - Phẩm đến Chỗ Vua Nghiêm Sí
Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Hai Mươi Mốt