Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Hai Mươi Bốn - Quán

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM HAI MƯƠI BỐN

QUÁN  

Tướng lông trắng giữa mày

Sáng hơn Mặt Trời sáng

Như chim hộc trên không

Xa gần đều nhìn thấy.

Thân Ngài như sư tử

Vượt hẳn thân Vua trời

Mi và ngực rộng đẹp

Xin đảnh lễ Thế Tôn.

Cánh tay đều đặn và tròn trịa

Rốn của Thế Tôn như nước xoáy

Đùi vế ống chân như trụ vàng

Quay về nương tựa xin đảnh lễ.

Mắt Ngài lóng lánh tựa hoa sen

Lông tóc trên thân như Khổng tước

Tâm luôn an trụ trong vắng lặng

Con xin quy mạng Đấng hơn Tiên.

Với người tu hành, thế nào gọi là quán?

Đến chỗ thanh vắng, ở một mình bên gốc cây, quán sát nguồn gốc của năm ấm, thấy đúng như sự xem xét một cách chắc chắn là khổ, không, vô thường, vô ngã. Cái thân sắc, thống, tưởng, hành, thức vốn là không thân có năm mươi lăm tính chất không nên tham đắm cũng không có nơi chốn.

Bài tụng rằng:

Do hành nhẫn nhục được pháp quán

Quán sát năm ấm vốn từ đâu

Thấy quá khứ, vị lai, hiện tại

Phân biệt nói năm mươi lăm dụ.

Những gì là năm mươi lăm tính chất?

Đó là:

1. Thân như bọt nước chẳng thể nắm bắt được.

2. Thân như biển cả chẳng chán năm dục.

3. Thân sẽ già chết như sông chảy về biển cả.

4. Thân như phân uế, kẻ trí vứt bỏ.

5. Thân như thành cát chóng bị tan hoại.

6. Thân như biên địa gặp nhiều oán tặc.

7. Thân như nước quỷ không có giữ gìn.

8. Thân như đống xương thịt dính máu.

9. Thân như tủy gân bó lại mà đứng.

10. Thân như đất chứa dâm, nộ, si.

11. Thân như đồng trống người ngu bị mê hoặc.

12. Thân như đường hiểm thường mất pháp lành.

13. Thân như mộ gạch nung do bao điều yêu thương dựng nên.

14. Thân như đồ nứt bể thường bị rỉ chảy.

15. Thân như bình đẹp chứa đầy đồ bất tịnh.

16. Thân như nhà xí chín lỗ thường chảy.

17. Thân như cống rãnh toàn là dơ bẩn.

18. Thân như huyễn hóa dùng hoặc bịp người chẳng biết sự thật.

19. Thân như gai gốc đâm chích thân tâm.

20. Thân như nhà mục, đồ ăn hư thối.

21. Thân như nhà lớn chứa nhiều loài trùng.

22. Thân như lỗ trống dơ sạch ra vào.

23. Thân như hoa héo, mau đến tàn tạ.

24. Thân như cỗ xe đồng hành cùng vô thường.

25. Thân như sương mù chẳng dừng lâu được.

26. Thân như mụt ghẻ bất tịnh chảy ra.

27. Thân như người mù chẳng thấy sắc màu.

28. Thân như ngôi nhà chỗ chứa bốn trăm lẻ bốn thứ bệnh.

29. Thân như ống cống các loại dơ uế đều dồn vào đó.

30. Thân như cái sọt chỗ chứa của rắn độc.

31. Thân như nắm tay không, để lừa con nít.

32. Thân như tha ma, người thấy đều sợ.

33. Thân như con rắn, lửa sân thường đốt.

34. Thân như nước loạn, đầu mối của mười tám kết.

35. Thân như hồn tàn tạ, khi chết quỷ dẫn đi.

36. Thân như tiền đồng, bên ngoài mạ vàng.

37. Thân như khối rỗng, chỗ ở của sáu tình.

38. Thân như ngạ quỷ, thường cầu ăn uống.

39. Thân như voi đồng hoang, ôm già bệnh chết.

40. Thân như chó chết thường được phủ che.

41. Thân như tâm kẻ địch thường ôm oán thù.

42. Thân như cây chuối, chẳng được bền chắc.

43. Thân như thuyền hư, bị sáu mươi hai kiến chấp mê hoặc.

44. Thân như nhà dâm, chẳng chọn thiện ác.

45. Than như gác mục, xiêu đổ niệm lành.

46. Thân như cổ họng bị nghẹt, uế trược ở trong.

47. Thân không có ích, trong ngoài có hoạn.

48. Thân như nhà hoang, bị dâm, nộ, si làm hại.

49. Thân không cứu hộ, thường gặp tai nạn.

50. Thân không gìn giữ, các bệnh xâm nhập.

51. Thân không chỗ về, sự chết bức bách.

52. Thân như đàn cầm do dây có tiếng.

53. Thân như cái trống da, cây bao bọc nó vốn là không.

54. Thân như cái chén, không có bền chắc.

55. Thân như thành tro, gió mưa tan hoại, rồi già bệnh chết.

Do năm mươi lăm tính chất ấy, quán thân là dơ uế, thân là giả dối, mãi không trở lại chớ tin mà gần gũi xót thương, hãy xả bỏ, không có thân sơ. Ví như mộng, như huyễn, như bóng, như vang, như ánh nước bỗng nhiên hóa hiện.

Nó giống như là oan gia mà thường cung kính, phụng sự cung cấp để cầu vừa ý, tắm rửa, chải chuốt, ăn uống, y phục, giường chõng, ngọa cụ theo đúng nhu cầu, dẫn dắt con người đến cái họa hoạn cuối cùng là già, bệnh, chết.

Bài tụng rằng:

Cho thân này ăn uống

Tự tại hưởng năm dục

Cầu bình an như bạn

Xét kỹ là oán thù.

Không cứu không giữ gìn

Mãi mãi không trở lại

Dẫn người đến họa hại

Vào sinh, già, bệnh, chết.

Con người sau khi chết đều sẽ rã tan, làm thức ăn cho chó thú. Hoặc có thây bị thiêu đốt, xương cốt vung vãi trên đất.

Dựa vào vô số phương cách quán thân này: Ví như ung nhọt, giống như mũi tên ghim vào thân chẳng nhổ ra giống như tử tội ở chốn đông người. Quán sát các khổ não của thân thể phát sinh khi chết thì không có niệm tham đắm gọi là sắc. Quán thân là yếu đuối tiếp giáp với an nguy thì gọi là thống. Có sự hiểu biết thì gọi là tưởng. Tâm niệm là hành. Phân biệt các loại thì gọi là thức.

Bài tụng rằng:

Biết rằng nhãn thủ sắc sở quán

Thân ấy có được vốn nhờ duyen

Các thứ mềm dịu để thành hành

Dùng tâm vô sắc quán các đức.

Ví như bên dòng sông có một cái ao, bầy voi vào ao tắm, uống nước, ăn hoa sen xanh, thân cây phù dung rồi ra đi. Khi ấy dấu chân to, nhỏ lớn, dài hiện lên trên cát bùn.

Có người thọ săn, kẻ chăn trâu, dê, lượm củi quơ rác, người đi đường nhìn thấy dấu chân ấy nói: Có bầy voi lớn đi ngang qua đây! Tuy chẳng thấy voi nhưng thấy dấu chân chúng thì nhận biết là có bầy voi đi ngang qua đây.

Không có ấm của thọ, tưởng, hành, thức cũng vậy, sự biến đổi các ấm không tướng: Thống, tưởng, hành, thức là nhỏ nhiệm.

Bài tụng rằng:

Như ao ở bên sông

Trong cát có chân đi

Vì thấy dấu chân voi

Biết có bầy voi qua.

Như thế suy nghĩ kỹ

Đến được pháp thức niệm

Nhiều chỗ đều hiện rõ

Nhân duyên của khởi diệt.

Như vậy, các niệm tưởng vô sắc đều nương vào sắc, nhiên hậu mới có sắc pháp. Ví như hai cây lau dựa vào nhau mà đứng.

Bài tụng rằng:

Vô sắc nhiều chỗ nương

Hữu sắc nương vô sắc

Như cành dính liền cây

Danh sắc cũng như thế.

Pháp vô sắc ấy dựa vào hữu sắc mà phân biệt, còn hữu sắc thì cũng chẳng nương vào sự đắm chấp của vô sắc. Như trước hết có trống, nhiên hậu mới phát ra tiếng, tiếng đó và trống khác nhau, chẳng đồng, trống chẳng ở trong tiếng, tiếng chẳng ở trong trống. Danh và sắc cũng như thế đều khác nhau chẳng hợp, đắp đỗi nương nhau mới thành. Ấm vô sắc ấy chẳng được tự tại, chẳng phải tự lực mà phát khởi được.

Ví như có hai người, một người mù từ lúc sinh ra, một người bị què muốn đi đến nước khác. Người mù con mắt tối tăm vĩnh viễn chẳng thấy gì hết, chẳng biết hướng đi. Còn người què thì không có hai chân chẳng thể đi được.

Người mù gọi người què bảo: Ta bị mù có chân đi được nhưng mắt mịt mờ không biết phương hướng. Còn ngươi thì què chẳng thể đi được nhưng lại có mắt sáng thấy đường lui tới. Nay hai chúng ta cùng nương nhờ vào nhau mà đi đến nước kia.

Người què ngồi trên vai người mù mà đi được, chẳng phải do oai lực của người què cũng chẳng phải phước đức của người mù. Sắc pháp cũng thế chẳng phải đứng riêng lẻ được, vô sắc cũng thế đắp đổi nương nhau.

Bài tụng rằng:

Tư duy các pháp chẳng riêng thành

Sắc pháp, vô sắc cũng vậy thôi

Tại thế gian, nương nhau đắp đổi

Ví như què, mù cõng nhau đi.

Danh sắc ấy đắp đổi nương nhau. Ví như trống và tiếng, như cung và tên nương nhờ nhau, hỗ trợ nhau chẳng hợp chẳng rời. Vạn vật cũng thế từ nhân duyên mà thành, không có uy lực, chẳng được tự tại, đều từ duyên mà hiện khởi sự vật mới phát sinh.

Tu hành cũng như thế, quán sát các pháp vốn là như vậy có sự sinh khởi, hoại diệt, vốn không sở hữu, bỗng tự nhiên hiện rồi lại diệt mất, vô sinh mà sinh, vô khởi mà khởi, chung quy đều là vô thường.

Bài tụng rằng:

Năm ấm vốn thuộc không

Nương tựa hành mỏng manh

Do nhân duyên hợp thành

Đắp đổi hỗ trợ nhau.

Khởi, diệt, không có thường

Hưng suy như phù vân

Thân, tâm tưởng, niệm pháp

Đều hoại diệt như thế.

Người tu hành thường lấy bốn việc để quán vô thường.

1. Tất cả vạn vật đã sinh ra chung quy đều vô thường.

2. Sự hưng khởi ấy không có tăng giảm.

3. Vạn vật diệt hết cũng chẳng hao giảm.

4. Người vật chung quy đều tan rã, cũng chẳng diệt hết.

Vì vậy cho nên cái bất sinh sinh ra, cái bất tận hết đi. Thấy vạn vật tiên khởi sự quán sát về sự khởi diệt tồn vong như thế. Người quán như vậy không có gì mà chẳng biết, có khả năng thấy tất cả, chẳng có gì mà chẳng thấu suốt.

Bài tụng rằng:

Người vật tuy có sinh

Chẳng tăng giảm, chẳng diệt

Cũng chẳng bỏ hình thể

Tuy mất nhưng chẳng diệt.

Tuy hết, nhưng tương tục

Đều từ bốn nhân duyên

Quán vạn vật như thế

Siêu vượt cả thỉ chung.

Giả sử người tu hành tự nghĩ: Vạn vật hiện hữu ở khắp nơi chung quy đều vô thường, nhiễu động bất an, vừa khởi liền diệt đều trở về không. Từ khi mới sinh ra đến lúc vô thường là họa hoạn già bệnh chết luôn theo bám sát thân thì người quán như vậy, chẳng đắm vào ba xứ, chẳng ưa bốn loài, không trụ năm thức, tâm ấy chẳng nhập vào chín chỗ của chúng sinh ở.

Dù có sinh lại cũng trừ ba kết: Một là tham dâm, hai là phạm giới, ba là hồ nghi để thành Đạo tích, đạt đến vô vi. Ví như dòng sông chảy về biển cả.

Bài tụng rằng:

Quán vạn vật biến chuyển

Nghĩ tất cả sẽ qua

Và ái dục buộc ràng

Tất cả đều vô thường.

Muốn được thoát thế gian

Phải bỏ mê đắm dục

Đó gọi là đạo tích

Dẫn đến cõi vô vi.

Người tu hành nào mà quán như thế thì tự xem thân mình như là rắn độc.

Ví như thành phát cháy trong đó có người nhà giàu thấy nhà cửa bị thiêu rụi rất đau buồn, tự nghĩ: Làm thế nào để đem những của cải quý giá ra?

Liền nhớ lại: Ta có một cái rương, trong có các vật báu giấu tại ngôi nhà kia nào là ngọc sáng đẹp, vật quý báu hạng nhất đều chứa đầy nơi ấy giá trị vô cùng không thể kể xiết. Trong lòng sợ hãi vừa muốn bước đi sợ bị lửa đốt nhưng vì tham lam vật báu chẳng kể thân mạng liền xông vào lửa, đến chỗ rương báu, bên cạnh đó có rương rắn hổ mang.

Bấy giờ người nhà giàu kia đã sợ ngọn lửa mạnh, lại bị khói xông vào mắt, trong lòng nôn nao sợ hãi chẳng còn bình tĩnh để xem xét kỹ, lấy lầm rương rắn kẹp nách bươn chạy. Bọn cướp đuổi theo sau muốn đoạt rương. Vừa thấy cướp đuổi liền phóng thật nhanh.

Cướp đuổi chẳng kịp từ xa réo gọi: Nếu như đuổi kịp ngươi thì ta sẽ đâm chết! Nếu bỏ rương lại mới mong thoát chết. Nhưng nếu không bỏ thì mạng sống chẳng còn.

Người nhà giàu thấy cướp đuổi sắp kịp, nghĩ: Đã mất của báu lại chẳng tự cứu được mạng.

Liền nghĩ lại: Ta hãy mở rương ra lấy của quý nhất mang trong mình, bỏ đồ còn lại mà đi khi đó mới an ổn được. Liền mở rương ra chỉ thấy rắn độc mới biết chẳng phải là vật báu mà là rắn độc.

Tu hành cũng vậy, đã đạt Đạo Đế rồi thì thấy tất cả hình thể đều như rắn độc. Do vậy, người muốn đạt đến quán này thì cần phải suy xét cho tinh tường.

Bài tụng rằng:

Ví như lửa bốc cháy

Người vội lấy của báu

Lại cầm nhầm rương rắn

Cho là những châu báu.

Mở ra thấy ghê sợ

Bên trong đầy rắn độc

Khi ấy liền bỏ ngay

Biết là chẳng phải báu.

Tu hành cũng như vậy

Quán kỹ vốn là không

Khi rõ được bốn đế

Thấy thân như bốn rắn.

Biết vậy tu bốn đế

Thường tư duy đạo đức

Để đạt được vô vi

Trừ khổ mới được an.

Để vào cửa giải thoát

Khỏi các tội lỗi khác

Vì vậy phân biệt nói

Quán sát pháp vô thường.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần