Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Hai Mươi Mốt - Hành Không - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM HAI MƯƠI MỐT

HÀNH KHÔNG  

TẬP BỐN  

Bài tụng rằng:

Như Vua người tiên ở nơi vắng

Đến nơi nhân gian nghe tiếng đàn

Nhà Vua khi ấy hỏi quần thần

Âm thanh gì mà hay quá vậy.

Quần thần tâu Vua:

Đại Vương chưa từng nghe âm thanh này ư?

Bài tụng rằng:

Quần thần tâu Vua rằng

Vua chưa từng nghe ư

Như Vua muốn xem thử

Thần chẳng nói sai lời.

Nhà Vua bảo quần thân: Ta vốn từ lâu học đạo trên Tuyết Sơn, là người tiên ở chỗ vắng vẻ, vì thế đối với những tiếng khác lạ này chưa nghe.

Bài tụng rằng:

Vua đem nguồn gốc nói bề tôi

Ở chỗ thanh vắng pháp làm vui

Đi ở một mình nên chẳng biết

Chẳng thể phân biệt âm thanh này.

Cận thần tâu Vua: Đại Vương muốn biết, đó gọi là cây đàn.

Bài tụng rằng:

Vua chưa nghe tiếng này

Chẳng hiểu chỗ âm phát

Thần tâu bậc tôn quý

Thứ ấy gọi là đàn.

Vua bảo cận thần: Đem đàn đến ta xem là loại gì.

Cận thần liền vâng lệnh mang cây đàn đến.

Vua bảo: Ta chẳng dùng thứ ấy, hãy lấy âm thanh của nó đến.

Cận thần tâu: Đây là cây đàn, cần phải dùng phương cách, động tác, công phu mới phát ra tiếng. Vậy làm sao lấy tiếng ra để mà trình cho Vua được.

Bài tụng rằng:

Nhà Vua có điều hỏi

Quần thần đều tâu rằng

Âm thanh chẳng thể lấy

Không có âm tự nhiên.

Nhà Vua hỏi quần thần: Dùng công phu gì mà khiến có tiếng?

Quần thần tâu: Đây là cây đàn, do thợ đã dùng gỗ khô làm thành, rồi dùng dây buộc vào mới hoàn tất. Lại thử âm thanh của nó khiến chẳng lớn, chẳng nhỏ, điều chỉnh cho thích hợp.

Bài tụng rằng: Đẽo gọt gỗ khô làm đàn này

Làm cho ngoài mỏng và trong rỗng

Lại mắc dây tốt, điều chỉnh âm

Nhiên hậu tiếng nó mới êm dịu.

Quần thần tâu Vua: Trống, đàn phải khéo tay thì âm tiết mới hòa nhau, chẳng gấp, chẳng hoãn, chẳng chậm, chẳng nhanh. Khi biết âm thì rõ tiết tấu, tiếng thô tế, cao thấp mới đúng chỗ. Lại đã hiểu tiếng ngâm vịnh thi phú thì lời ca chẳng lạc tiết tấu, nhịp nhàng với âm trống, tám âm chín khúc, mười tám bậc, cung bậc có điệu khác nhau, sự biến đổi của dây có ba mười chín.

Bài tụng rằng:

Âm nó mà hòa dịu

Phát tiếng rất thánh thoát

Bốn bộ tiếng êm ái

Có thể ca thông suốt.

Hiểu rõ ngâm thơ phú

Như kỹ nhạc của trời

Người nào đạt như thế

Trống, đàn mới hòa trong.

Quần thần tâu Vua: Như thế, nhạc sư điều chỉnh âm thanh của dây đàn, lúc đó mới êm ái. Như âm thanh nhà Vua đã nghe đã mất rồi chẳng thể tìm lại được. Dù người bốn phương đuổi theo âm thanh ấy tìm nó ở chỗ nào cũng chang thể được.

Vua phán bảo quần thần: Cái gọi là đàn ấy không ích cho đời, không có thiết yếu, cái đàn ấy khiến cho vô số người phóng dật, chẳng thuần lương, vì khi nghe thấy nó thì lòng người bị mê hoặc. Hãy lấy đàn ấy đi, đập thành trăm mảnh, vứt bỏ ngoài đồng.

Bài tụng rằng:

Biết bao công phu mới thành âm

Chỉ vì hư vọng mê hoặc đời

Nếu không có trống, đâu phát tiếng

Phiền não rất nhiều do đó ra.

Người tu hành nghĩ thế này: Ví như chiếc đàn kia tốn biết bao nhiêu công mới thành tiếng. Mắt cũng như thế, không bị phong, hàn, nhiệt thì tinh thể của nó trong suốt, tâm chẳng nghĩ gì khác, bên trong và ngoài mắt đều sáng, sắc đã thấy không có xa gan, sắc không nhỏ nhiệm, cũng chẳng che khuất. Thức chẳng phải là một thứ, vì nhân đó mà duyên nên nhãn thức.

Bài tụng rằng:

Do biết bao công, mới thành đàn

Từ tai nghe tiếng, tâm ưa thích

Không có các bệnh, mắt sáng trong

Nếu không nghĩ khác, gọi nhãn thức.

Nhãn thức đã do nhân duyên sinh khởi thì nhân duyên kết hợp ấy là vật vô thường, khổ, không, vô ngã. Do từ nhãn thức mà dẫn đến họa hoạn này. Dù có người nói có sinh mạng thường, lạc thì cái ngã sở ấy cũng chẳng thể nắm bắt được.

Đây là lời nói hư dối, đâu có thể tự cho rằng nhãn thức là ngã sở. Vì vậy biết rằng, thân không có nhãn thức, nhãn thức vô thường, các tưởng của tâm cũng giống như thế. Người quán sâu xét kỹ thì biết nguồn gốc của nó.

Tất cả các pháp đều chẳng phải là ngã sở. Ví như lấy tàu lá chuối cho đó là vật cứng nhưng đang ở trên tay đã rách vụn. Lần lượt chọn mãi cho đến gốc của nó không có một cái gì cứng chắc, cũng chẳng có cái lõi, thì đâu có thể cứng được.

Người tu hành cũng thế, từ khi nơi phát tâm, quán lông tóc là của mình hay của người?

Quán kỹ thế này: Quán sát tóc trên đầu của mình, tất cả đại chủng địa, thủy, hỏa, phong, không và tinh thần thấy là không có thân.

Như ta từng nghe: Mặt Trời đã lặn, trời tối không có ánh trăng, có một người độc hành, vào nửa đêm trông thấy cái cây từ xa cho là giặc cướp, như đang giơ đao, trương cung, cầm kích muốn hại mình, không còn hồ nghi gì nữa, trong lòng sợ sệt, không dám bước tới.

Cất bước di động lòng rất lo âu, sợ sệt quá đỗi. Trời dần về sáng, tinh tú lặn mất, Mặt Trời sắp mọc, lúc ấy mới rõ chẳng phải là kẻ cướp mà là cái cây.

Người tu hành nên quán như thế này: Ta từ lâu đời ngu si che lấp, cho là có thân cùng đầu, tay, chân, hông, sườn, ngực, bụng, các chỗ chất chứa, bước đi, đến dừng, ngồi đứng, nói năng, việc co thể làm dần dần tự đạt, học hỏi hiểu lẽ là trí tuệ thông minh, mờ mịt ngu si tức là nông cạn.

Bây giờ mới rõ, không có cái ngã của ta, xương cốt nói nhau, da dẻ bọc ngoài, do tâm ý, gió, bước đi, tới, dừng, nằm, đứng, nói năng, có các động tác.

Bài tụng rằng:

Có người đêm đi đường

Thấy cây tưởng là cướp

Người ngu cũng như thế

Thấy thân nghĩ có ngã.

Rõ không có ngã, nhân

Chứa các duyên thành thân

Xương cốt các lỗ thông

Do tâm thần, gió động.

Ta từng nghe rằng, xưa tại một nước nọ, các đám thiếu niên chơi ở bên sông, cùng nhau vui đùa, dùng cát xây thành hoặc làm nhà cửa, cho là sở hữu của mình, ai nấy tự giữ, phân biệt việc làm khiến không sai sót. Làm nhà xong rồi trong đó có một đứa dùng chân đụng, phá thành đứa khác.

Chủ thành quá giận nắm tóc đứa kia dùng tay thoi đấm, cất tiếng kêu lớn: Có người phá thành của tôi, xin quý vị đến đây giúp tôi trị tội.

Đám trẻ đáp lời đều đến trợ giúp, đánh đập đứa kia, chân đạp lên thân hỏi: Vì cớ gì ngươi phá hoại thành của người khác?

Và đám đó nói: Ngươi phá thành người khác thì phải làm lại.

Rồi cùng bảo nhau: Có thấy người này phá hoại thành của người khác không?

Nếu có ai bắt chước thì trị tội như thế. Ấy nấy ở tại thành của mình mà vui đùa cười giỡn, chớ phạm đến nhau nữa.

Bài tụng rằng:

Trẻ con xây thành cát

Chạm vào đầu tan rã

Chơi giỡn mà làm nên

Cho đó là của ta.

Ai nấy tự yên trí

Là nhà, thành của mình

Mà vui chơi trong đó

Như Vua ở trong cung.

Bấy giờ, lũ nhỏ vui chơi với thành cát, cho là của ta, nên giữ gìn ưa thích, chẳng ai đụng đến. Ngày đã sắp tối, chúng muốn trở về, tâm chẳng luyến tiếc, chẳng đoái hoài thành cát, dùng tay chân đạp phá bỏ đi, rồi trở về nhà.

Bài tụng rằng:

Trẻ con dồn cát để làm thành

Ở trong chơi giỡn đến hoàng hôn

Trời vừa chạng vạng không luyến tiếc

Liền bỏ thành ấy, trở về nhà.

Người tu hành nên quán thế này: Ta chưa hiểu đạo, nghĩ nó là của ta, đắm vào ân ái, giữ sắc của thân. Già bệnh dẫn đến đối mặt vô thường, bỗng tiêu diệt hết. Nay vừa bỏ sắc, tâm không còn ưa, dùng pháp trí tuệ, phân tích chia chẻ, bốn đại năm ấm, nay đã hiểu rõ sắc, thống, tưởng, hành, thức, trần của các nhập, chẳng phải là của ta.

Như năm ấm này chẳng phải là sở hữu của thân. Quá khứ, vị lai, hiện tại cũng vậy. Ai muốn quán xét sinh tử, dùng phép quán như thế thì có đủ khả năng đến được cửa giải thoát. Nếu người muốn cầu không thì làm theo như thế.

Bài tụng rằng:

Có người quen với dục

Chẳng bỏ, đắm ân ái

Mãi tự giữ lấy thân

Như phụng kính người thân.

Nếu xa lìa tình dục

Như trăng bị che khuất

Biết thân như thành cát

Chẳng nghĩ ngã của ta.

Người tu hành thấy Ba Cõi là không, thì chẳng còn ưa thích sinh tới đó nữa.

Thế nào gọi là vô nguyện, hướng đến cửa giải thoát?

Có cảnh giới dâm, nộ, si, cấu, giả sử khởi tưởng thì chế ngự không theo, đó gọi là vô nguyện, hướng đến cửa giải thoát. Người không khởi tưởng như vậy tức ra khỏi ba cửa giải thoát. Vô tướng cũng như thế. Đã hiểu rõ điều ấy thì gọi là ba cửa giải thoát. Người tu hành, vì vậy chuyên tinh, chỉ muốn hiểu không.

Bài tụng rằng:

Ba Cõi, chẳng thấy ngã

Chỗ thấy, đều là không

Đâu thể cầu sinh lại

Hoàn toàn chẳng trở lui.

Tâm luôn luôn nghĩ đến

Vô tướng, vô nguyện, không

Như ở trong trận chiến

Hàng phục trừ giặc oán.

Quán năm ấm vốn không

Nương gá trong thân người

Quá khứ và vị lai

Hiện tại cũng như vậy.

Chứa nhóm thân khổ nhọc

Tất cả đều rã tan

Người sáng quán năm ấm

Giống như bọt của nước.

Đạt vô tướng, vô nguyện

Thấy ba cõi đều không

Ba giải thoát an ổn

Đều vượt các khổ não.

Thấy cát tường chẳng xa

Như xem chỉ bàn tay

Thế gọi là Sa Môn

Thủy chung không có hoạn.

Tỉnh giác xem Kinh Pháp của Phật

Vì cầu giải thoát thường an ổn

Nghĩ sâu nói rộng chỉ vì thương

Để hành giả hiểu giảng Không nhiều.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần