Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Một - Tập Tán
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MỘT
TẬP TÁN
Sự xuất hiện của Ngài
Sáng hơn ánh mặt trời
Đức chứa cao vời vợi
Hơn hẳn hạng Đế Vương.
Chư Thiên và Thần Tiên
Tinh chuyên mau chóng thành
Học nhiều thông các nghĩa
Tối yếu là giữ lễ.
Trời, người, rồng, quỷ, thần
Ở đời mà tinh tấn
Phụng sự Đức Thế Tôn
Ba cõi không ai sánh.
Dùng tuệ tuyệt vời cứu
Trừ hết sợ sinh tử Phật,
Chánh Pháp, Chúng Tăng
Ba ngôi không gì hơn.
Nên quán đạo nhãn này
Nói đúng pháp bình đẳng
Lấy ý nêu lời Phật
Giống như rưới cam lồ.
Có người chuyên tu hành
Quán sát ở thế gian
Ba nhiêu thứ ồn ào
Nỗi bất an sinh tử.
Chìm đắm trong cuộc đời
Giống xe hư đắm bùn
Chẳng thể tự cứu được
Nên từ cốt lõi Kinh.
Cũng như chọn các hoa
Thương đời nên phải nói
Chuyên nghe Kinh tu hành
Trừ hữu để đạt vô.
Ngay khi đang giảng Kinh Con Đường Tu Hành thì các loại phiền não bất như ý như sinh, tử, già, bệnh, âu lo, trói buộc, khóc than đều có mặt.
Người tu hành, tại gia hoặc xuất gia, muốn đạt được pháp cứu cánh thanh tịnh mà chí chẳng chuyển đổi, trái lại bằng lòng với vị ngọt các hoạn cho là tuyệt diệu, thì những kẻ ấy không ai cứu giúp, không chỗ nương tựa trông nhờ, chỉ nên xả bỏ tất cả mong cầu. Vì vậy người muốn xa lìa phiền não, thường nên tinh tấn phụng hành Kinh này.
Bài tụng rằng:
Đọa vào sinh, già, chết, sầu buồn
Vì có thân tâm nên có khổ
Muốn được cứu độ không còn khổ
Học tu hành đạo chớ có nản.
Sao gọi không hành, sao gọi là hành?
Thế nào là tu hành, thế nào là con đường tu hành?
Kẻ không hành là kẻ nghĩ về tham dâm, giận dữ, nhằm hại thân thuộc, che khuất Quốc Độ, Chư Thiên và pháp hủy giới cấm, quen nói lời thô ác, nghe điều bất thiện, chẳng ưa học hỏi, tự khinh thường, tự kiêu mạn, chấp hữu, khởi tà tưởng thường còn, tham muốn có chỗ ở cho thân, gần gũi nữ sắc, phóng dật, biếng lười, đắm mê tình dục, chẳng kìa nộ si, mong cầu lắm chuyện.
Người bỏ lánh xa, phóng túng, tự cho là mình đúng, đa nghi phóng tâm, mất đức tinh tấn, lòng luôn sợ sệt, căn môn chẳng định, đuổi theo căn trần, nói nhiều vô độ, ưa nghĩ viễn vông, luận bàn tà thuyết, thích nói việc quanh co, thuận theo điều phi pháp, xa rời đạo nghĩa, gọi đó là không hành. Như vậy, đối với đạo vô vi chẳng thể thực hiện.
Bài tụng rằng:
Sân hận, tham dục nghĩ hại mạng
Thường ưa thân thể, tưởng bất tịnh
Tà trí, thuận theo bao tội lỗi
Phật nói kẻ ấy không thể hành.
Sao gọi là có thể hành?
Chẳng khởi sân hận, chẳng nghĩ làm hại, gần gũi bạn lành, giữ giới thanh tịnh, nói hợp với đạo, thọ giáo học hỏi, chẳng tự khinh mạn, nghĩ đến vô thường, khổ, không chẳng phải là nơi thân có thể cư trú.
Chẳng cận kề nữ sắc, trừ bỏ phóng dật, chí phải tinh tấn, diệt trừ trần lao, ăn ít, biết tiết chế, thực hành cứu độ, nhiếp hóa, ngày đêm tỉnh thức, thâu giữ tâm chẳng quên, chẳng có hồ nghi, không ôm sợ sệt, căn môn vắng lặng, loại bỏ các duyên, lời nói hợp với bình đẳng, giải thoát. Thích nơi ở vắng vẻ, quán đúng như thật.
Pháp chưa đạt được thì quan tâm đến. Những pháp đang theo đuổi, kiên trì chẳng quên. Hoan hỷ thâu thập điều cốt yếu của pháp hóa. Đối với cơm ăn, áo mặc nên biết rõ chỗ dừng đủ. Để hết tâm trí vào Kinh Điển, chẳng chút mệt mỏi, luôn luôn quán tưởng về thức ăn cấu uế của thế gian vô thường, chẳng an lạc. Thực hành đạo vô vi là tĩnh lặng.
Những pháp gần với vô vi như vậy gọi là pháp nên hành, mà thực hành là nhằm mong cầu cái gì, đó là Niết Bàn.
Bài tụng rằng:
Giới tịnh, chí vui, tưởng vô ngã
Chỉ nghe Kinh nghĩa, theo bạn lành
Xét kỹ điều biết, làm như biết
Phật nói đây là đạo vô vi.
Các chỗ nên đến là niệm pháp
Thiền định bao nhiêu, ý không nản
Đó là đã giảng chỗ chứa đức
Nhiếp định các căn gọi là lành.
Sao gọi là tu hành, thế nào gọi là hành?
Nghĩa là, luôn luôn tuân phụng sự tu tập, đó là tu hành. Sự tu và tập ấy gọi là hành.
Sao gọi là con đường tu hành?
Tinh chuyên theo con đường tịch tĩnh, đó là con đường tu hành.
Sự tu hành ấy có ba bậc: Một là phàm phu. Hai là học hướng đạo. Ba là vô sở học. Đó là đối với hàng phàm phu, hàng mới tu học, hoặc hàng tu học đã lâu mà chưa thành, vì những hàng ấy mà nói Kinh Con Đường Tu Hành. Còn những kẻ không học mà thông đạt thì đối với họ có gì mà luận bàn, cho nên gọi là lặng lẽ quán chiếu Kinh Con Đường Tu Hành.
Thế nào là lặng lẽ quán chiếu?
Hướng đến quả của bốn đức Sa Môn.
Thế nào là bốn đức?
Đó là cảnh giới hữu dư Nê hoàn.
Thế nào là hữu dư?
Đó là người đang đạt đến cảnh giới vô vi.
Thế nào là đang đạt đến cảnh giới vô vi?
Đó là đã trừ hết gốc rễ của tất cả khổ đau. Vì vậy hành giả muốn xả bỏ sự não hại của tất cả nỗi khổ kịch liệt, thì thường nên tinh chuyên, chẳng khởi lên việc làm nào khác, chẳng làm thương tổn điều răn cấm, tu tập tịch quán.
Nếu như hành giả hủy bỏ giới cấm, làm tổn thương giáo pháp, chẳng đạt tịch quán thì uổng phí công phu. Giống như có người chà gỗ lấy lửa nhưng thường dừng nghỉ, chẳng chuyên nhất, kết quả chẳng đến đâu, đã không lấy được lửa mà uổng phí công sức. Người có tâm lười biếng mà muốn cầu vô vi, cũng giống như thế.
Bài tụng rằng:
Thường được vắng lặng, hành thiền định
Nên bỏ kiêu mạn và khinh, đua
Trân trọng tu hành chớ hủy mất
Ví như đêm tối mở mắt đi.
Như vậy hành giả thấy chỗ đến
Trí tuệ giống như tinh tấn này
Phụng sự chánh hóa chưa từng mỏi
Mới đạt đạo vô vi vắng lặng.
Thấu suốt các việc mầu, vi diệu
Quán thấu lời dạy của đại đức,
Kinh này dạy rộng, tên tịch quán
Tôi chép các Kinh để diễn bày.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Vô Tận Tạng
Phật Thuyết Kinh Dần đủ Tất Cả Trí đức - Phẩm Ba - Trụ Hưng Quang
Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Mười
Phật Thuyết Kinh Bổn Sư - Phẩm Ba - Phẩm Pháp Ba - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm ảo Nhơn Thính Pháp
Phật Thuyết Kinh Bột Sao - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Bốn Mươi Ba - Phẩm Biện Sự - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Tiểu Kinh Phương Quảng - Phần Mười Một - Kết Luận