Phật Thuyết Kinh Tối Thắng Hỏi Về Việc Trừ Cấu đoạn Kết Của Bồ Tát Thập Trụ - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm Chứng Bồ Tát

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH TỐI THẮNG

HỎI VỀ VIỆC TRỪ CẤU ĐOẠN KẾT

CỦA BỒ TÁT THẬP TRỤ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM HAI MƯƠI BẢY

PHẨM CHỨNG BỒ TÁT  

Đức Phật lại dạy: Này Tộc Tánh Tử, Đại Bồ Tát nương sáu pháp thần thông đến vô số Cõi Phật mười phương hầu cận, cúng dường Chư Phật Thế Tôn, từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác giáo hóa chúng sanh mà không có tâm khiếp nhược, khen ngợi công huân, đức hạnh của Phật, làm cho mười phương đều nghe thanh âm của Phật.

Này Tối Thắng, không có việc làm nào của Bồ Tát là không tế độ chúng sanh, hoặc dùng thần túc, hoặc dùng giáo giới, làm ruộng phước thanh tịnh không có đường ác, vĩnh viễn xả bỏ tà phái.

Tâm niệm bi mẫn thương xót kẻ chưa được độ, đã vượt qua các tâm suy lường, trụ nơi tâm lượng của Phật, tạo phước cho người an trụ nơi giải thoát.

Trong trăm ngàn kiếp tu tập phạm hạnh thanh tịnh không bằng ở trong năm đường uế trược tu tập tâm từ chuyên nhất. Phàm người có tâm Từ thì phước khó lường tính.

Thế gian có nhiều người làm ba nghiệp ác: Thân có ba, miệng có bốn, ý có ba pháp căn bổn thì phải hướng theo ba đường ác, phải thọ quả báo đó. Nếu người nào có thể chuyên tâm tụng đọc Kinh Điển này thì ở trong pháp hiện tại chấm dứt nguồn gốc khổ đó.

Hoặc có Bồ Tát mệt mỏi, nhàm chán sanh tử gặp được Kinh Điển này thì trọn không thoái chuyển, càng không thọ sanh ở trong thai mẹ. Thần thức nhận biết sáng suốt, chưa từng sai lầm. Phàm muốn giải thoát buộc ràng, thanh tịnh các kết sử phải hộ trì Phật Pháp, làm hưng hiển trí tuệ sáng.

Nếu ở phương khác, trong trăm ngàn vạn kiếp phụng hành chánh pháp, diễn nói nghĩa lý chánh pháp không bằng ở cõi này trong khoảnh khắc khảy móng tay tụng niệm một bài kệ, phân biệt nghĩa lý tối diệu thù thắng đó. Ta thấy Cõi Phật An Minh diệu lạc cũng thấy vô lượng Cõi Phật vĩnh viễn vắng lặng.

Ở đó không có nạn lo buồn, khổ phiền não, lại cũng không được làm việc phước. Nếu có thể ở đây chấm dứt các kết trói buộc thì đó là được duyên thù thắng sanh về nước đó.

Vì sao như vậy?

Ở trong đời năm trược, các phiền não vạn mối, trong ức ngàn vạn kiếp mới có Phật. Chúng sanh làm việc ác mà mong gặp được Hiền Thánh, hoặc sanh đến cõi biên địa, nơi có tám việc không nhàn. Hoặc sanh vào trước hay sau Đức Phật nên không được nghe chánh pháp, giả sử có Phật thì lại không thấy, không nghe.

Có thể ở trong cảnh đó làm hưng khởi Phật Pháp thì đó là thù thắng không gì có thể sánh bằng. Ta nay tuy là bậc tôn quý trong ba cõi, do phước nguyện hạnh nên không cho là nhàm chán, từ, bi, hỷ, hộ xả nhổ sạch nguồn gốc khổ.

Chúng sanh nhiễm theo tà quá lâu khó làm thay đổi, đột nhiên nghe chánh giáo càng sanh tâm nghi ngờ hôm nay mới có thể gặp được pháp yếu tập của Như lai. Vô số bậc Bồ Tát Đại Sĩ không thể tính kể nghe pháp không nhàm chán, như biển cả quy tụ các dòng sông, phải diễn nói Phật Đạo chân chánh.

Thích, Phạm Tứ Thiên vương, Rồng, Quỷ, Thần, A Tu Luân, Chiên Đà La, Ma Hưu Lặc, Nhân cùng Phi nhân, các loại ma như Thiên Ma ở mười phương tựu lại nay được nghe pháp đột nhiên đại ngộ đều là do phước nghiệp đã tạo ở đời trước.

Giả sử Ta trong trăm ngàn vạn kiếp diễn xướng nghĩa lý thâm diệu của một câu thì không thể nói hết pháp bổn trí tuệ đó. Cho nên, này Tối Thắng, Bồ Tát Đại Sĩ tu tập vô số khổ hạnh cũng không cho là khó.

Giả sử ba ngàn Đại Thiên Cõi Nước đồng một lúc nổi lửa thiêu cháy lên tận Cõi Phạm Thiên, chúng sanh phàm phu chưa chứng đạo tích nghe được Kinh Điển này, ở Cõi Phật khác thân tự đi vào trong nạn lửa đó vẫn an ổn vượt qua, không bị thương tổn.

Có khi ba ngàn đại thiên Thế Giới lửa tắt, nước dâng cao đến Cõi Phạm Thiên. Vị ấy tự thân đi vào cơn thủy tai đó mà vẫn an ổn vượt qua, hoàn toàn không bị chìm đắm. Tối Thắng nên biết, có khi ba ngàn đại thiên Thế Giới nước khô cạn, gió nổi lên thổi đến tận Cõi Phạm Thiên. Vị ấy lại tự thân đi vào cơn phong tai đó mà vẫn an ổn vượt qua không bị phiêu dạt.

Vì sao như vậy?

Là do được oai thần của Chư Phật ủng hộ. Nếu có Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di giữ gìn đọc tụng Kinh Điển này thì đời hiện tại được các thần hộ trì, không gặp khổ não. Nếu có thể tinh tấn tu tập phạm hạnh thì ở đời hiện tại chứng đắc giải thoát.

Ở trên tòa hiện nay có ức trăm ngàn cai na thuật vị Bồ Tát thần thông đều tu tập Kinh Điển này nên mới chứng quả.

Ta nay ân cần diễn xướng Kinh Điển này, người nghe được độ không rơi vào đường ác, theo chí hướng tương ứng thuở xưa mà trí tuệ ngộ rõ, hướng theo Phật thừa, ý rộng lớn không giới hạn, lại thương xót chúng sanh chứ không tự vì bản thân cho đến khi thành Phật trọn không mảy may lui giảm.

Các vị theo pháp Duyên Giác hoàn tất nhân duyên sở nguyện của mình rồi đều thành đạo, bay lên hư không tự do biến hóa. Các vị có nguyện tu tập pháp Thanh Văn, cầu thầy học hỏi, lãnh thọ không bị chướng ngại, đoạn trừ các phiền não trói buộc, chấm dứt lậu hoặc, thành đạo. Bồ Tát lại quán thấy tâm ý sở thú của chúng sanh.

Hoặc có vị phát tâm sắp thành tựu quả đạo tích Tu Đà Hoàn, Bồ Tát dùng trí tuệ phương tiện khuyến dụ đi vào đạo khác, dần dần dẫn dắt, họ liền thành La Hán.

Hoặc có chúng sanh sắp thành tựu quả Tần lai Tư Đà Hàm, Bồ Tát dùng trí tuệ phương tiện theo thứ lớp hướng dẫn họ đắc quả La Hán.

Hoặc có chúng sanh sắp thành tựu quả Bất Hoàn A Na Hàm, Bồ Tát lại dùng trí tuệ phương tiện khai hóa đưa họ vào pháp tu tập, khiến họ thành tựu quả La Hán.

Hoặc có chúng sanh không theo thứ lớp đã thành tựu quả thứ ba, Bồ Tát dùng trí tuệ phương tiện muốn làm cho người học đạo biết rõ tiểu tiết là không chân thật, rồi khuyến dụ họ tinh tấn tu tập thành tựu quả Tu Đà Hoàn.

Hoặc có chúng sanh đã thành tựu nhị đạo, Bồ Tát lại dùng trí tuệ phương tiện tiếp dẫn họ thành tựu quả Tư Đà Hàm.

Hoặc có chúng sanh vượt qua thứ lớp thủ chứng quả ứng chân, Bồ Tát dùng trí tuệ phương tiện quán sát họ đã đắc quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, lại khuyến dụ họ tinh tấn tu tập đạo Duyên Giác.

Bấy giờ Đức Như Lai bảo bốn bộ chúng, các vị trong hội: Chúng sanh vô số, Cõi Phật không đồng.

Các vị cho là bậc Duyên Giác Như Lai Bích Chi Phật không có Cõi Nước sao?

Chớ nghĩ như vậy.

Vì sao như thế?

Chuyển Luân Thánh Vương đã đầy đủ mười pháp lành, nối tiếp truyền thừa, không mất đi vương vị, danh hiệu. Bậc Duyên Giác tự ngộ cũng như vậy. Phật diệt độ, sau đó pháp Phật cũng diệt mất, hoặc trải qua một kiếp đến trăm ngàn kiếp, các vị Duyên Giác, Ứng chân làm Phật Sự. Phật Phật nối tiếp, với các Phật Sự hoàn toàn không mảy may lui giảm.

Cho nên Đại Bồ Tát luôn dùng trí tuệ phương tiện khai hóa dẫn dắt chúng sanh lìa khỏi họa ba đời, an trụ nơi vĩnh viễn vắng lặng.

Khi ấy Bồ Tát Tối Thắng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, ở trước Đức Phật thưa: Thật là kỳ diệu! Thật là đặc thù! Chẳng phải pháp hàng nhị thừa có thể đạt. Con ưa muốn nghe phương pháp chứng nghiệm sự thành đạo.

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Nếu ông ưa nghe, nay ta sẽ vì ông mà nói.

Lắng nghe! Lắng nghe! Tư duy và ghi nhớ pháp này. Ta xưa kia cầu đạo không thể tính lường, từ sơ phát tâm bố thí, làm việc công đức đến nay thành Phật. Trong khoảng thời gian ấy, di thể rải rác khắp nơi có thể tính được sao.

Xưa kia Ta chứng nghiệm tâm hoằng thệ đã phát, nếu có chúng sanh có căn tánh hướng theo đạo, hoặc tự thân dốc lòng quy mạng Tam Tôn thì phải dùng thần thông thị hiện chứng minh, bảo vị ấy: Không chỉ thân ta từ xưa có nguyện đó. Thệ nguyện của Chư Phật Thế Tôn đều giống nhau. Nếu có chúng sanh tu tập Tứ Hướng, Tứ Quả, ta cũng quán thấy rõ pháp tu tập chân thật của họ. Giả sử có người thành tựu quả Duyên Giác, ta cũng chứng nghiệm nhân duyên tự ngộ của họ.

Nếu có chúng sanh ngồi dưới tàng cội thọ vương, trong khu vực năm mươi do tuần về các phương các loại ma như Thiên Ma không thể thấy được. Đó là pháp chứng nghiệm của Ta.

Đức Phật lại bảo: Này Tộc Tánh Tử, Đại Bồ Tát cũng giống như ta hôm nay, thân hiện tại nhận lãnh chứng nghiệm, rộng độ chúng sanh, không thấy ngô ngã, tâm thức thông tỏ sáng suốt, phân biệt sở thú, thực hành bố thí, làm Phật Sự, nhớ lại từng đến đi qua lại trăm ngàn vô số Cõi Phật tu học rốt ráo đạo pháp.

Ta luôn đứng trước vị đó chứng minh Cõi đó là chân thật. Xưa kia ta đến Cõi Phật Vô Úy. Khi ấy số Bồ Tát ở đó nhiều không thể tính kể, hoặc có vị theo chí thú Tiểu Thừa La Hán, hoặc có vị dừng ở địa Duyên Giác, hoặc có vị chí tánh siêu việt chú tâm tu tập Phật Đạo.

Bấy giờ Ta chuyên tâm nhập định Tam Muội, vì khuyến tấn tất cả chúng sanh mà hiện chứng minh. Lại nữa, nếu có vị Đại Bồ Tát tự thân tu tập Tu Đà Hoàn hướng đắc quả Tu Đà Hoàn, tu tập Tư Đà Hàm hướng đắc quả Tư Đà Hàm, tu tập A Na Hàm hướng đắc quả A Na Hàm, tu tập A La Hán hướng đắc quả A La Hán, Ta thường ở đó chứng minh quả báo thành tựu của họ, chừng từng bỏ gốc pháp tánh.

Đức Phật dạy: Này Tộc Tánh Tử, Đại Bồ Tát đến ba ngàn đại thiên Thế Giới, có chúng sanh tín tâm, không tín tâm, có lãnh thọ, không lãnh thọ.

Hoặc có chúng sanh trụ tận tín địa, lại có chúng sanh trụ phụng pháp địa, hoặc có chúng sanh tu tập tám hạnh đồng chân giải thoát, ta luôn đến hiện thân chứng minh khiến họ đắc đạo.

Đức Phật lại dạy: Này Tộc Tánh Tử, thân, thức của Đại Bồ Tát thanh tịnh không thể nhiễm ô. Nếu có chúng sanh tâm theo tà nghiệp, Ta cũng đến chứng minh đó là tà thuật không được trụ lâu.

Hoặc có người cúng tế đất, nước, gió, lửa, ta cũng đến giảng nói cho họ biết đó là pháp không chân thật. Lại có người chấp theo tà giáo chủ trương sanh lên Cõi Phạm Thiên, ta lại đến khuyến tấn họ rằng ở cõi đó phước hết phải trở lại thân người.

Hoặc có người muốn sanh lên Cõi Trời Vô Sắc trụ thọ mạng một kiếp, tâm luôn trụ chuyên nhất trong đó không đoạn tuyệt.

Khi ấy Ta nhập định Chánh thức định ý, giảng nói cho họ rằng sắc không có sắc, sắc không tự có. Sắc của ta, sắc của người.

Ta, người đều không hình tướng. Sắc là vô sắc há lại có ngã. Thức chẳng phải ngã thức há lại có ngã. Thống thọ, tưởng, hành, pháp cũng như vậy.

Bấy giờ Bồ Tát Tối Thắng ở trước Đức Phật thưa: Lành thay! Lành thay! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn Giảng dạy pháp hiện chứng thật không thể nghĩ bàn, chẳng phải pháp hàng La Hán, Bích Chi Phật đạt được.

Khi ấy Ngài Tối Thắng lại bạch Phật: Con vâng theo lời Phật dạy xin hỏi vô sắc là gì?

Thế nào là vô sắc?

Bạch Thế Tôn, cúi mong thương tưởng giảng nói để hàng hậu học vĩnh viễn không còn tâm hoài nghi.

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Lành thay! Này Tộc Tánh Tử, lắng nghe! Lắng nghe! Hãy suy tư, ghi nhớ pháp này. Ta sẽ vì ông giảng nói định vô sắc. Gọi là vô sắc chính là không có sắc. Bốn đại tạo sắc nên gọi là sắc. Pháp nào không có sắc, đó mới gọi là vô sắc. Phàm sắc có năm pháp mới thành bốn đại.

Do chỉ có sắc vô hình nên gọi là vô sắc. Thống thọ sắc, tướng sắc, hành sắc, thức sắc chẳng phải là pháp mà kẻ phàm phu có ngũ thông thấy được. Chỉ có Đức Như Lai và bậc Bồ Tát Nhất Sanh Bổ Xứ mới thấy sắc ấy.

Đức Phật dạy: Này Tộc Tánh Tử, bậc Bồ Tát bất thoái chuyển dùng quyền phương tiện nhập định ý Tam Muội chánh thọ tịch tĩnh lên đến Cõi Trời Hữu Tưởng Vô Tưởng vì các thức vi tế kia nói pháp vi diệu không, vô tướng, vô nguyện.

Sáu thân căn nhận lãnh pháp không có hành vi sanh diệt rồi dần dần nói pháp vi diệu không, vô tướng, vô nguyện. Sáu thân căn nhận lãnh pháp không có hành sanh diệt rồi dần dần nói pháp sanh, pháp già, pháp bệnh, pháp chết cho họ.

Gọi là sanh tức là ở trong thai mẹ, sanh tạng ở dưới, thục tạng ở trên, bốn đại đã đầy đủ thì phải rời thai mẹ. Nếu túc nghiệp có thiện hạnh thì như bơi lội trong ao ngắm nhìn hoa cảnh trong hậu viên. Nếu túc nghiệp tích lũy ác hạnh thì như leo lên núi hang hiểm trở, nằm trên gai sắc nhọn.

Bồ Tát lại vì họ giảng nói hướng hành hoạt của thần thức. Ngã, nhân, thọ mạng không thể giữ gìn lâu dài. Ở trong đó tế độ thần thức được tỉnh thức, chỉ trụ thức A Lan Ca Lan.

Các pháp như thế nhiều không thể tính kể. Ức ngàn na thuật Chư Phật hiện trước mặt, mỗi vị hiện pháp thù thắng thậm thâm. Thức đó ngu hoặc như bình lủng đáy, không nhận lãnh lời dạy các pháp đạo phẩm chân chánh.

Một kiếp giảm rồi một kiếp khô cháy, trải qua số ức trăm ngàn na thuật như vậy. Trong số kiếp khô cháy đó, hoặc có một kiếp một Đức Phật xuất hiện ở đời, hoặc có một kiếp hai Đức Phật xuất hiện ở đời, hoặc ở một kiếp trăm Đức Phật, ngàn Đức Phật, ức trăm ngàn Đức Phật xuất hiện ở đời như thế.

Sau đó thức mới nhận lãnh chánh giáo. Bồ Tát lại vì các thức đó giảng nói pháp già suy. Gọi là già, suy chính là các căn thuần thục, da mặt nhăn nheo, buồn bã sầu não, rên rỉ nhàm chán họa bốn đại, không còn tâm vinh hoa của tuổi trẻ.

Pháp già suy đó không thể giữ gìn lâu dài. Tiếp theo Bồ Tát lại vì các thức đó giảng nói về tánh không đồng nhau của bốn đại: địa, thủy, hỏa, phong.

Địa thắng thủy tánh, thủy thắng hỏa tánh, hỏa thắng phong tánh, hỗ tương có tăng giảm thì biến thành bệnh của thân, hoặc sanh ra nhọt đau, bị vạn căn bệnh hành hạ, máu mủ tuôn chảy không ai dám nhìn.

Bồ Tát lại nhân đó giảng tiếp về pháp vô thường biến đổi như chùm bọt trên mặt nước sanh đó rồi diệt đó. Sanh là tự sanh, diệt là tự diệt. Sanh không tự sanh, diệt không tự diệt. Thần thức không niệm tưởng thì ở nơi đó, theo hướng tu tập của mình mà mỗi thức đều đạt được quả chứng, ở Niết Bàn Vô Dư mà Bát Niết Bàn.

Bồ Tát Tối Thắng bạch Phật: Bạch Thế Tôn, con vừa nghe Như Lai giảng nói về tánh không đồng nhau của bốn đại, nơi thần thức nương trụ. Địa tăng, thủy giảm thì sanh ra thân bệnh. Thủy tăng, hỏa giảm thì sanh ra thân bệnh. Hỏa tăng, phong giảm thì sanh ra thân bệnh.

Con lại nghe Như Lai nói phong tăng thì hỏa giảm, hỏa tăng thì thủy giảm, thủy tăng thì địa giảm. Thức chẳng phải bốn đại, bốn đại chẳng phải thức. Nay con nghe Phật nói một đại tăng thì ba đại bệnh, ba đại tăng thì một đại bệnh. Bốn đại đầy đủ thì thần thức được yên ổn. Suy yếu là do bốn đại, chẳng phải từ thức sanh ra.

Vì sao Thế Tôn lại nói bệnh do bốn đại, cũng từ thức sanh ra?

Đức Phật bảo Ngài Tối Thắng: Thức chẳng phải bốn đại, bốn đại chẳng phải thức. Thức không lìa bốn đại, bốn đại không lìa thức. Cho nên một đại tăng thì các đại bệnh, các đại tăng thì một đại bệnh. Thức theo đó suy hao.

Ngài Tối Thắng lại hỏi: Là bốn đại bệnh chăng?

Là thần thức bệnh chăng?

Đức Phật dạy: Thức do đại mà bệnh, đại do thức mà bệnh.

Ngài Tối Thắng lại hỏi: Thức do bốn đại nên mới tự có tác dụng sai khiến.

Bỏ thân hình đã thọ, mỗi đại của bốn đại đều tách biệt thì thần thức của thân kia làm sao mà không tổn giảm?

Đức Phật bảo: Này Tộc Tánh Tử, lành thay! Lành thay! Chỉ ông mới có thể ở trước Như Lai hỏi pháp đó. Ta sẽ phân biệt rõ ràng cho ông. Thức là vô hình nên không thể thấy. Thức chẳng phải là có thức, do đại mà có thức. Bốn đại đều tăng thì thức có bệnh. Bệnh chẳng phải do bốn đại mà do thức sanh ra. Vạn căn bệnh tăng giảm đều do thức sanh ra.

Từ sơ phát tâm cho đến thành Phật, thần thức không cấu uế, cũng không do bốn đại.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần