Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Mười - Lìa điên đảo
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn
PHẨM MƯỜI
LÌA ĐIÊN ĐẢO
Công đức Đấng Giác Ngộ cao vời
Giống như học thuật ở chỗ vắng
Dòng trí tuệ trong thân lành báu
Xin cúi đầu lạy Đại Sơn Vương.
Từ Trời cao giáng xuống
Biết hướng, không mê lầm
Phật chẳng từ thai sinh
Chẳng vào cũng chẳng ra.
Chẳng bị các khổ não
Chẳng đắm, chẳng điên đảo
Đức trọng, không đắm vướng
Quy mạng, vượt sinh tử.
Người tu hành, có kẻ luôn luôn biếng nhác, nên đối với pháp vi diệu khó hiểu, khó thấu chẳng phân biệt, nên biết rõ nguồn gốc các khổ, đoạn trừ các tập, chứng đắc nẻo diệt và tu niệm về đạo.
Ví như có người lấy một sợi tóc chia tách làm trăm phần, rồi nối lại như cũ, không để suy suyễn, việc này rất khó phải không?
Đáp: Rất khó! Rất khó!
Có thể dung các loại thuốc huyễn hóa, thần chú mới nối tóc lại như cũ. Đạo Nê hoàn chẳng dùng phương cách này để thành lập. Tuy chúng ta chưa có khả năng đạt đạo, nhưng người chứng ngộ sẽ có phương tiện.
Bài tụng rằng:
Thường mạnh tiến hướng cửa giải thoát
Muốn rõ việc này khó thật khó
Nỗ lực khuyến tu không thoái chuyển
Như khoan sâu đất, được nước suối.
Thường khởi quán thế này: Mau chóng thành tựu không gì bằng Nê hoàn, chẳng cầu từ đâu khác, từ do tâm địa đến.
Do từ người khác mà được mới là khó, chứ do sự chuyên cần của ta mà đạt được thì có khó gì đâu.
Lại nên khởi nghĩ thế này: Chỉ dùng để quán để dụ tâm thăng tiến, như dụ đứa bé, gọi nó đi tới trước, đến để lấy vật trong tay mà ăn.
Đứa bé đến nơi, mở hai tay ra chẳng có gì hết. Cái thấy điên đảo của thế nhân cũng như thế, vô thường cho là thường, khổ bảo là vui, vô ngã cho là hữu ngã thân, không bảo là thật. Bỏ bốn điên đảo, khởi quán Vốn không. Như vậy mới gọi là thuận theo lời giáo huấn của Đức Phật.
Bài tụng rằng:
Người chẳng hiểu vốn không
Thường nghĩ vui là tịnh
Ví như lấy nắm tay
Dùng để dụ trẻ thơ
Người điên đảo cũng thế
Cứ tưởng là có ta
Vì họ rọi ánh sáng
Như trong tối thắp đèn.
Đầu tóc mà ta có chẳng thể tồn tại lâu dài, cũng chẳng phải là sạch sẽ, chẳng an ổn, là vô ngã. Dùng phép quán ấy quán tất cả đều như thế, khuyên phát tâm quán chiếu ấy, như người sáng mắt cầm đuốc đi vào nhà trong, xem không thấy người, cũng không thấy gì khác.
Người quán xét kỹ cũng giống như thế. Quán sát bản chất của sắc thấy là vô thường, khổ, vô ngã chẳng phải thân. Kẻ có kiến chấp hư vọng thì trở lại tự ràng buộc mình. Người quán rõ về không thì đâu có gì ngăn ngại.
Hiện có thể thấy nghe đạt được đạo tích, rồi vãng hoàn, bất hoàn cùng vô sở trước, đạt được bình đẳng giác. Họ là người, ta cũng là người, họ thành đạo thì vì lý do gì mà chỉ riêng ta chẳng đạt được. Người tu hành tự khuyến khích tâm như thế, xả bốn điên đảo, chuyên tâm tu hành.
Bài tụng rằng:
Tóc, lông, móng, xương, thịt
Và các hình sắc khác
Đến mê hoặc tâm pháp
Làm rối loạn năm ấm.
Vô thường, khổ, bất an
Vô ngã và bất tịnh
Thân như nhà gò trống
Người sáng suốt quán vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bảo Lăng Già A Bạt đa La - Phẩm Hai - Phẩm Nhất Thiết Phật Ngữ Tâm - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Bốn Mươi Mốt - Phật Thuyết Kinh đảnh Sinh Thánh Vương
Phật Thuyết Kinh Thuần đà Chân đà La Sở Vấn Như Lai Tam Muội - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Hai - Trình Bày Quán địa