Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Tám - Phân Biệt Hành Tướng - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM TÁM

PHÂN BIỆT HÀNH TƯỚNG  

TẬP BA  

Bài tụng rằng:

Người miệng nói nhu hòa

Mà tâm ôm độc hại

Nhìn người rất hoan hỷ

Theo đuổi thì dễ thân.

Miệng nói lời nhu thuận

Trong tâm họ ngậm độc

Như cây, sắc hoa tươi

Quả lại đắng như độc.

Làm sao biết người miệng dục, tâm si?

Lời nói nhu hòa, nhưng tối dạ, chẳng thể làm ích cho người mà cũng chẳng làm tổn hại người. Ví như cái bình vẽ vời, nhìn bề ngoài rất tốt đẹp nhưng bên trong thì trống rỗng và tối. Miệng dục, tâm si thì cũng giống như thế.

Bài tụng rằng:

Miệng nói có nhu hòa

Mà tâm vẫn si mê

Nên biết những người ấy

Miệng dâm mà tâm ngu.

Xem miệng ấy như tuệ

Trong tâm tối như mực

Ngoài đẹp như bình vẽ

Nhưng trong rỗng, lại tối.

Thế nào gọi là người miệng dục mà tâm nộ si?

Lời nói thì nhu hòa, nghĩ về điều thiện chút ít, tánh chẳng điều thuận, hoặc lại nghĩ ác, có lúc chẳng nghĩ. Thiện ác chẳng phân, tánh ấy khó biết. Ví như thuốc ngọt trộn lẫn mặn, đắng, chẳng thể phân biệt. Người có miệng dục mà tâm nộ si, cũng giống như vậy.

Bài tụng rằng:

Có người miệng nói dục

Mà tâm ôm nộ, si

Ví như đề hồ ngọt

Xen lẫn cay, đắng, mặn.

Thế nào gọi là người miệng thô mà tâm dâm?

Ngôn ngữ cứng cỏi nhưng trong làm tổn thương người. Mọi người đều ghét, chẳng muốn nhìn thấy, không ai kính trọng. Ví như cha mẹ quở trách con cháu, tuy miệng cứng cỏi nhưng lòng thương yêu. Ví như thuốc chữa ghẻ nhọt, chà rửa mụt ghẻ của người, đang lúc ấy thì rất đau, nhưng dần dần sẽ lành, lòng rất vui vẻ. Người có miệng cứng cỏi mà tâm dâm, cũng giống như thế.

Bài tụng rằng:

Có người mieng nói cứng

Mà tâm ôm dâm dục

Như mặt trời mùa hạ

Ánh sáng chiếu nước lạnh.

Thế nào gọi là người miệng cứng cỏi mà tâm nộ?

Miệng nói thô bạo và những điều cần suy nghĩ thì không có sự thương yêu, chẳng muốn làm lợi người. Ví như thuốc đắng lại hòa thêm chất độc, nếu cho uống thì người bệnh mửa ra không uống, nếu đã uống vào rồi thì hại đến mạng người. Người miệng cứng cỏi mà tâm nộ, cũng giống như thế.

Bài tụng rằng:

Người miệng nói cứng, không thân kính

Tâm nghĩ tệ ác và ôm độc

Thường ưa chống đối vối người khác

Nên xem kẻ này hành tạp độc.

Thế nào gọi là người miệng thô mà tâm si?

Nói thường cứng cỏi, gán điều ác cho người, cử động làm việc tâm chẳng tự biết, chẳng nghĩ việc thiện của người, cũng chẳng nghĩ điều ác. Ví như có giặc cướp rút đao uy hiếp người, nhưng chẳng làm hại. Như vậy, hành giả biết miệng cứng cỏi mà tâm ngu si.

Bài tụng rằng:

Miệng nói cứng cỏi, tâm chẳng hại

Ưa khủng bố người, không gì khác

Ví như rút đao mà không chém

Miệng thô, tâm si cũng như vậy.

Thế nào gọi là người miệng thô, tâm chứa ba độc?

Miệng nói cứng cỏi hoặc thiện với người, rồi lại thêm điều ác. Bỗng dưng nghĩ điều bất thiện, cũng chẳng thể làm ác. Ví như vị khâm sai bắt được giặc cướp, ông ta ra lệnh thuộc hạ khủng bố, trách mắng, rồi lại cho người dụ dỗ, thăm hỏi. Kế đó thuộc hạ lại tra khảo đánh đập. Lại có vị không hỏi thiện, ác cũng chẳng tra khảo, trách mắng. Đó gọi là người miệng thô mà chứa ba độc.

Bài tụng rằng:

Miệng nói lời cứng cỏi

Tâm sẵn chứa ba độc

Người tánh ý như thế

Chẳng thiện, chẳng làm ác.

Làm theo cách người này

Gọi là người trung gian

Khổ nhọc và an ổn

Việc ấy xen lẫn nhau.

Thế nào gọi là người miệng si mà tâm dục?

Không biết rõ điều gì về người, cùng nói chuyện hoàn toàn không có kiến giải, chẳng hiểu thiện ác.

Tâm thường tự nghĩ: Ý nghĩa của mục đích hướng đến là nên làm gì, để cho người thêm lợi ích.

Đã đến được mục đích như điều mong ước rồi, mà không quên chủ ý ban đầu. Ví như đêm tối, khởi mây, đổ mưa. Người miệng si tâm dục cũng giống như thế.

Bài tụng rằng:

Có người miệng si mà tâm dục

Miệng nói ra lời chẳng hiểu rõ

Như rồng phun mưa mà chẳng sấm

Miệng si tâm dục cũng như thế.

Thế nào gọi là miệng si tâm cứng cỏi?

Chẳng thể làm việc thiện, cũng chẳng thêm điều ác, thường nghĩ rằng dùng cách gì để làm hại người. Nếu có cách rồi thì liền làm ngay để hại người. Ví như dùng tro phủ lên than đỏ, người đi trên đó liền bị phỏng chân, miệng si tâm nộ cũng như thế.

Bài tụng rằng:

Miệng si mà tâm cứng

Chẳng nhu, không nói ác

Ôm ác gán cho người

Chẳng nghĩ tạo thiên lợi.

Lời nói chẳng rõ ràng

Chứa ác ở trong tâm

Như tro phủ than đỏ

Nếu giẫm, thiêu thân người.

Thế nào gọi là miệng si, tâm tăm tối?

Chẳng thể dùng điều thiện ban bố cho người, tâm cũng chẳng thể nghĩ thêm điều ác. Đối với điều thiện, ác của người khác, không tăng, không giảm.

Vì sao?

Vì không có uy lực. Ví như lửa tàn dùng tro phủ lên, nếu mang cỏ khô và phân bò khô, chất đống trên đó, tay chạm chân đạp, không thể thiêu cháy được và cũng chẳng bị phỏng.

Vì sao?

Vì không còn có khả năng phát hỏa. Miệng si, tâm tăm tối cũng giống như thế.

Bài tụng rằng:

Người miệng nói ngu si

Và trong lòng hắc ám

Đều chẳng thường nghĩ ác

Cũng chẳng luôn nghĩ thiện.

Chẳng thể thành việc được

Cũng có thể làm nên

Như vội vàng thổi, nấu

Không thể nào chín được.

Thế nào gọi là miệng si, tâm chứa ba độc?

Miệng nói không xâm phạm, cũng chẳng làm ích lợi người, trong đó có chút ít tổn hại thì ngày đêm suy nghĩ, do đâu mà tổn hại đến người, lại nghĩ làm sao để lợi người.

Hoặc tâm niệm: Chẳng làm tổn hại, hay lợi ích cho người. Ví như chiếc bình cũ chứa đầy vật sạch, hoặc chẳng sạch, rồi đậy miệng lại, chẳng thấy gì bên trong, có nói mới biết. Miệng si tâm chứa ba độc cũng giống như thế.

Bài tụng rằng:

Tánh ưa làm ngang ngược

Miệng nói chẳng chừa gì

Mà chứa dâm, nộ, si

Đầy ắp điều xú uế.

Ví như bình cũ lớn

Chứa vật tịnh, bất tịnh

Chẳng thể ích cho người

Cũng không làm tổn hại.

Là Pháp sư thì dùng mười chín việc này quán, quán xét tánh tình của người mà giảng nói pháp cho họ.

Với người có tướng dâm thì giảng thuyết thế nào?

Vì họ mà giảng rằng, người quen thói dục nhiều khi bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ. Sau khi được thoát ra lại làm loài chim dâm dục như là oanh vũ, sẻ xanh, bồ câu, uyên ương, ngỗng, vịt, khổng tước, và loài dã nhân vượn, khỉ. Nếu trở lại làm người thì đa dâm, phóng dật, cẩu thả, vội vàng, hung bạo. Nên quán sát điều này, sắc đẹp và thân người, quán biết là tội lỗi, dơ uế, xấu xa, mong manh, bất tịnh. Chớ quen thói dâm dục.

Bài tụng rằng:

Người quen dâm dục nhiều

Kiêu mạn, mau tự đốt

Trong loài người, súc sinh

Hoặc địa ngục, ngạ quỷ.

Sinh ra rồi tự hại

Lửa trần lao thiêu hủy

Muốn được thoát chốn này

Tùy thuận nên giảng nói.

Nếu người sân si nhiều thì tùy theo nếp sống của họ mà nói pháp thích ứng. Nếu nhiều sân giận thì bị đọa vào địa ngục, ngạ quỷ. Từ chốn ác thoát ra sẽ làm các loài thú độc, quỷ mị, La sát, phản túc, nữ quỷ, hỗn quỷ, lại làm sư tử, hổ sói, rắn hổ mang.

Trùng độc, muỗi nhặng, sâu, ong, loài trùng nhiều chân. Nếu từ chốn này trở lại nhân gian thì hình mạo xấu xí, chẳng ai ưa thích, thường chết yểu, nhiều tật bệnh, thân thể bất toàn. Vì tội lỗi phân minh như vậy, nên thực hiện lòng từ, trừ bỏ sân giận.

Bài tụng rằng:

Người ôm nhiều sân giận

Mọi người ai cũng ghét

Mang tội đọa cõi ác

Nhiều bệnh chẳng an ổn.

Đọa làm quỷ, thú độc

Sinh làm người hạ tiện

Người hành trì tâm từ

Liền dứt trừ sân giận.

Nếu người nhiều ngu si, thì vì họ nói pháp này: U mê quá mức thì chết bị đọa vào đường địa ngục, ngạ quỷ.

Nếu đọa vào súc sinh thì làm những loài thú ngu đần như là trâu, bò, cáo, chó, la, lừa, heo. Nếu trở lại làm người thì tánh chẳng cương quyết, nhãn căn yếu, không rõ, mang nhiều tật bệnh, sáu loài tình cảm chẳng đầy đủ, sinh trong loài dã nhân, man rợ, từ chỗ tối tăm này nhập vào chốn tăm tối khác. Vì vậy dạy cho họ quán mười hai nhân duyên để diệt trừ cội gốc của ngu tối.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần