Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba - Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ - Phần Mười Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BẢO TÍCH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế  

PHÁP HỘI THỨ BA

PHÁP HỘI MẬT TÍCH KIM CANG LỰC SĨ  

PHẦN MƯỜI MỘT  

Này Kiều Thi Ca!

Ý Ngài nghĩ sao?

Núi Tu Di có nặng chăng?

Thiên Đế thưa: Bạch Đức Thế Tôn! Núi Tu Di rất nặng.

Đức Phật nói: Này Kiều Thi Ca! Giả sử có đại lực sĩ thần lực vô lượng tay mặt cầm chày Kim Cang này để bên núi Tu Di. Lực sĩ ấy đứng vào giữa cất hai thứ lên, núi Tu Di vẫn còn hơi nhẹ chẳng bằng trọng lượng của chày Kim Cang này.

Này Kiều Thi Ca! Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nếu dùng chày Kim Cang có thể đập núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi và núi Kim Cương làm cho nát ra như bụi. Dầu như vậy, Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ còn chưa hiện hết thần lực.

Bấy giờ Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói với Ngài Đại Mục Kiền Liên: Thưa Ngài Đại Mục Kiền Liên! Đức Thế Tôn khen Ngài thần thông đệ nhất.

Nay Ngài thử cầm chày Kim Cang này lên xem sao?

Ngài Đại Mục Kiền Liên có đại thần lực dời được bốn biển lớn. Ngài phấn khởi thần thông muốn cầm chày Kim Cang lên làm rúng động cả Cõi Đại Thiên nhưng vẫn không lay động được chày Kim Cang ấy chừng lông tóc.

Rất lấy làm lạ, Ngài Đại Mục Kiền Liên đến bên chân Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đức Phật từng khen thần thông của tôi. Tôi từng thử thần thông của mình làm rung động cả Cõi Đại Thiên như khều cái bát nhỏ ném qua cõi nước khác.

Tôi từng hàng phục khai hóa Nan Đầu Hòa Nan Long Vương. Tôi còn có thể nuốt khúc gỗ lớn bằng núi Tu Di.

Vừa tác ý là tôi có thể nắm kéo mặt trời, mặt trăng đứng lại, lấy tay rờ mó.

Như vậy mà nay tôi không thể lay động được chày Kim Cang nhỏ xíu này chừng lông tóc! Phải chăng tôi đã mất thần thông rồi?

Đức Phật dạy: Ông chẳng mất thần thông.

Này Đại Mục Kiền Liên! Thần thông của Bồ Tát có oai thế rất lớn. Thần thông của Thanh Văn và Duyên Giác chẳng bằng được.

Giả sử những núi Tu Di của hằng hà sa Thế Giới hiệp lại làm một núi Tu Di còn có thể lay động được, chớ chẳng thể lay nổi chày Kim Cang này. Bồ Tát lập hạnh, oai lực chẳng thể nghĩ bàn vòi vọi như vậy.

Ngài Đại Mục Kiền Liên được Chưa từng có, bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát Đại Sĩ có được oai lực lớn, như Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ đây cầm chày Kim Cang.

Bạch Đức Thế Tôn! Sức lực của Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ đây là do cha mẹ sanh, hay là do thần thông?

Đức Phật dạy: Đó là sức mạnh do cha mẹ sanh. Nếu Bồ Tát mà dùng sức mạnh thần thông thì có thể thị hiện thấu khắp trên Trời và thế gian.

Đức Phật bảo Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ: Ông nên cầm chày Kim Cang lên.

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ bước động Cõi Đại Thiên, dùng tay mặt cầm chày Kim Cang lên ném thẳng vào hư không. Chày ấy ở trên hư không lộn quanh bảy vòng rồi rơi trở lại dừng ở trên tay hữu của Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ.

Tất cả chúng hội đều được chưa từng có, đồng vòng tay lễ chân Đức Phật, đồng xướng lên rằng: Khó kịp, khó kịp! Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ có sức lực rất vi diệu. Cầu mong các chúng sanh đều được thế lực vô cùng như vậy.

Vua A Xà Thế tiến lên bạch: Bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát có bao nhiêu công hạnh mà được sức lực như vậy.

Đức Phật dạy:

Bồ Tát có mười hạnh lớn được oai lực ấy:

Một là siêng thọ trì chánh pháp thà bỏ thân mạng.

Hai là chưa từng tự cao tự đại, luôn khiêm hạ lễ kính chúng sanh.

Ba là gặp chúng sanh cang cường khó dạy bảo thì nhẫn nhục chịu đựng.

Bốn là thấy người đói khát thì đem món ăn ngon để bố thí cho họ được no đủ.

Năm là thấy kẻ sợ sệt thì an ủi cho họ được an.

Sáu là nếu có chúng sanh bị bệnh nặng thì lo thuốc men chạy chữa.

Bảy là nếu có ai yếu đuối bị người khinh mạn thì kính thương che chở.

Tám là lấy nước hồ sạch trét vách điện miếu thờ Phật vá chỗ nứt bể.

Chín là thấy người côi cút nghèo khổ thiếu thốn thường mang vác nặng nhọc, thì giúp đỡ cho họ được khỏi sự nặng nhọc khổ sở.

Mười là nếu có người không chỗ nương nhờ thì thường giúp đỡ họ, nói ra giữ đúng lời không hề quên bỏ.

Đó là mười hạnh lớn của Bồ Tát.

Vua lại bạch hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát nhân hòa là có bao nhiêu pháp mà Bồ Tát tới lui đó đây luôn luôn hòa nhã chẳng hề nóng giận?

Đức Phật dạy:

Bồ Tát nhân hòa có tám pháp:

Một là chí tánh chất trực không có dua gièm.

Hai là tánh nết hòa nhã thường không dối nịnh.

Ba là tâm ý thuần phục trọn không hy vọng.

Bốn là tâm hành kiên quyết không hề kém yếu.

Năm là lòng không mê lầm luôn luôn nhân hòa.

Sáu là làm chỗ nhờ cậy cho người đời được đức hạnh lạ.

Bảy là tâm trí tỏ thấu mà không chấp trước.

Tám là tư duy tội phước mà tâm không tưởng niệm.

Đó là tám pháp nhân hòa của Bồ Tát.

Đức Phật phán tiếp:

Bồ Tát lại có bốn pháp chí tánh thuần thục đi khắp đó đây mọi nơi:

Một là ở nhân gian làm Chuyển Luân Thánh Vương được thấy Chư Phật hưng khởi đạo tâm bất thối.

Hai là ở trên Trời làm Thiên Đế Thích, Vua của Chư Thiên, thường thấy Chư Phật chẳng trái đạo pháp.

Ba là nếu ở trên Phạm Thiên thì được tự tại vun trồng đạo nghiệp, chẳng hư đạo tâm.

Bốn là mặc dầu ở nhân gian Thiên thượng như vậy nhưng thường sanh về Phật Độ thanh tịnh diện kiến Chư Phật nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp.

Đó là bốn pháp.

Vua A Xà Thế lại bạch: Bạch Đức Thế Tôn! Gì gọi là ngồi nơi đáng tin cậy?

Đức Phật phán: Này Đại Vương! Là chỗ ngồi của thiện hữu.

Vua lại hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Bố thí thì ngồi ở đâu?

Đức Phật phán: Này Đại Vương! Bố thí thì ở chỗ giàu lớn lắm của nhiều báu.

Người trì giới thì được sanh lên Cõi Trời.

Người nhẫn nhục thì sắc mặt vui vẻ thường được xinh đẹp.

Người tinh tiến thì siêng tu thông suốt vượt hơn mọi người.

Người thiền quán thì được chánh định vắng lặng, các căn chẳng loạn động.

Người trí huệ thì dứt các trần lao họa hoạn cấu nhiễm.

Người nghe rộng thì được có đại trí, giải quyết sự nghi ngờ của mọi người nếu được hỏi, làm cho không còn thắc mắc.

Người siêng học thì nhóm họp nhập vào đạo vô thượng chánh chân.

Người suy xét vô thường vô ngã vắng lặng thì ở tại chỗ nào đều tiêu trừ điên đảo.

Đó là ngồi nơi đáng tin cậy.

Vua lại hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Tâm niệm thuận thời thì được ngồi chỗ nào?

Đức Phật phán: Này Đại Vương! Quán vô thường, khổ, không tịch thì ngồi ở chánh kiến chẳng sa vào tà nghiệp. Thân tâm thanh tịnh thì ngồi tại thiền định phát khởi thần thông.

Vua lại hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Đạo ở chỗ nào?

Đức Phật phán: Này Đại Vương! Ngồi vững không thối thoát thì thành tựu đạo quả không còn nạn khổ của ba cõi.

Vua lại hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Không thối thoát thì ngồi tại chỗ nào?

Đức Phật phán: Này Đại Vương! Người không thối thoát thì ngồi tại nơi giải thoát họa hoạn sanh tử.

Vua lại hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Phật ngồi tại đâu?

Đức Phật phán: Này Đại Vương! Ngồi tại ba mươi bảy pháp đạo phẩm đã được tu tập không có phá hoại, chuyển pháp luân mãi mãi không bao giờ đoạn tuyệt giáo pháp Tam Bảo.

Vua lại hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Ai hưng khởi Phật?

Đức Phật phán: Này Đại Vương! Chánh là người hay phát lòng tin chí quyết tỏ thấu bổn lai không vô.

Vua lại hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Ai phát khởi lòng tin chí quyết?

Đức Phật phán: Này Đại Vương! Nếu là người hay phát Bồ Tát tâm.

Vua lại hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Ai phát Bồ Tát tâm?

Đức Phật phán: Này Đại Vương! Người có chí tánh định chẳng tán loạn.

Vua lại hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Ai có chí tánh định chẳng tán loạn?

Đức Phật phán: Này Đại Vương! Người thi hành đại bi chưa bao giờ dứt.

Vua lại hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Ai chẳng dứt lòng đại bi?

Đức Phật phán: Này Đại Vương! Người chẳng rời bỏ tất cả chúng sanh.

Vua lại hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Ai chẳng rời bỏ chúng sanh?

Đức Phật phán: Này Đại Vương! Người làm mình an vui và làm an vui tất cả chúng sanh.

Vua lại hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Ai làm mình an vui và làm an vui đến chúng sanh?

Đức Phật dạy: Này Đại Vương! Người hưng long đạo pháp chẳng dứt tuyệt Tam Bảo.

Vua lại hỏi: Bạch Đức Thế Tôn! Ai chẳng dứt Tam Bảo?

Đức Phật phán: Này Đại Vương! Vất bỏ trần lao là chẳng dứt Tam Bảo?

Vua A Xà Thế lễ Phật, bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đức Thế Tôn thật là chưa từng có. Đức Như Lai phán dạy vào đúng pháp luật. Đức Như Lai ban dạy, pháp được nói ra tột đến nhu thuận rời lìa nghiệp đoạn diệt và hữu thường mà chẳng quên mất quả báo ứng.

Vào chỗ gầy dựng, làm không loạn động, không có những nghiệp thiện, ác, tịnh, bất tịnh. Siêng tu đạo hạnh không trái không mất.

Bạch Đức Thế Tôn! Người nào nhập vào hạnh nguyện ấy thì giải quyết mọi điều nghi ngờ thuận theo giáo pháp chánh chân của Đức Như Lai.

Người nào nghe pháp ấy mà sanh lòng ngờ vực, đó là vì đời trước chẳng vun trồng cội đức, theo bạn ác, chẳng tin và hủy báng chánh pháp.

Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi đời trước có trồng cội đức, chẳng phải là không công đức. Nay tôi được nghe chánh pháp, muốn báo ân sâu của Đức Phật mà chí ý chẳng thể báo được trọn vẹn. Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát từ mẫn vì chúng tôi mà giải quyết nghi ngờ hiển hiện đại quang minh. 

Đức Thế Tôn khéo phán dạy đầy đủ phạm hạnh, là bậc thân hữu chí thiện được Đại Nhân từ là hàng thiện hữu vậy.

Bấy giờ Tịch Ý Bồ Tát hỏi Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ: Ngài kiến lập Kinh Pháp này phải chăng là để lưu bố cho tất cả tương lai?

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói: Thưa Ngài Tịch Ý! Kiến lập Kinh Pháp này để lưu bố khắp thiên hạ ở Diêm Phù Đề sau khi Đức Như Lai diệt độ thời mạt thế sau cùng, làm cho các Pháp Sư, chư vị chánh sĩ đều được soi sáng.

Thưa Ngài Tịch Ý! Đức Phật kiến lập Kinh Điển quan yếu này, được Chư Phật đều hộ trì. Ai thọ trì được Kinh này thì là khéo học chánh pháp chẳng chấp văn tự, ngôn từ chẳng cùng tận, không ai dứt ngang được.

Thưa Ngài Tịch Ý! Đức Như Lai chí chân chẳng bỏ các pháp.

Tại sao vậy?

Kia không chỗ sanh. Đã không chỗ sanh thì không chổ diệt.

Vì thế nên Đức Như Lai nói: Đức Như Lai xuất thế là không chỗ sanh. Chỗ đứng của Như Lai là đứng tại pháp giới. pháp trụ như pháp, có Phật hay không Phật, Phật Pháp vẫn thường trụ.

Bởi trụ như vậy nên mười hai duyên khởi được chẳng sai trái, duyên khởi chẳng rối loạn, chẳng loạn chánh pháp. Lại xét pháp ấy thường không có ngôn thuyết nên được gọi là chánh pháp, vì không có ngôn thuyết.

Tịch Ý Bồ Tát hỏi: Thưa Ngài Mật Tích! Ngài hộ trì chánh pháp mặc áo giáp hoằng thệ.

Vì vậy mà Ngài mặc áo giáp ư?

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói: Thưa Ngài Tịch Ý! Mặc áo giáp hoằng thệ hộ trì chánh pháp, chẳng làm loạn các pháp, chẳng nắm lấy pháp ấy.

Tại sao vậy?

Chánh Pháp ấy, tất cả các pháp đều không có chỗ loạn.

Đó là hộ trì chánh pháp?

Ngài Tịch Ý Bồ Tát hỏi: Sao gọi rằng làm loạn chánh pháp?

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói: Nương dựa nơi hãi sợ là thành mê loạn.

Thưa Ngài Tịch Ý! Rốt ráo không loạn, nghĩa là ý nghĩa không loạn, mới được gọi là hộ trì chánh pháp.

Tịch Ý Bồ Tát hỏi: Thưa Ngài Mật Tích! Chừng có phương tiện nào, lúc tất cả thế gian rối loạn, nhân đó mà hộ trì chánh pháp chăng?

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói: Thưa Ngài Tịch Ý! Nhân vì loạn mà hộ trì vậy.

Tại sao vậy?

Nhân vì thế gian dựa theo tà nghi sáu mươi hai kiến chấp. Chỗ làm của Bồ Tát lấy rỗng không làm căn bổn. Vì thế nên cùng tất cả thế gian làm loạn nhau.

Lại vì thế tục kia quan niệm có thường còn, nên họ lập có ngô ngã cho là sạch là an. Bồ Tát luôn tỏ thấu các pháp vô thường, khổ, không, chẳng phải thân, không có ngô ngã. Thế nên gọi là cùng tranh biện với thế gian.

Tùy theo thế gian chìm trong dòng nước sanh tử, Bồ Tát phương tiện ngược dòng tận nguồn trái lại dòng sanh tử, chứa công tích đức. Vì thế nên gọi là cùng thề gian tranh loạn nhau. Người đời dựa nương năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới.

Người làm hạnh Bồ Tát, nơi tâm không dính mắc một pháp nào cả. Vì thế nên gọi là cùng thế gian tranh loạn.

Tại sao vậy?

Vì chẳng đồng với trần lao vậy.

Thưa Ngài Tịch Ý! Vì thế nên hộ trì chánh pháp là cùng thế gian tranh loạn nhau.

Tịch Ý Bồ Tát hỏi: Thưa Ngài Mật Tích! Hành giả làm thế nào hộ trì chánh pháp?

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói: Thưa Ngài Tịch Ý! Vì thọ trì chánh pháp mà hộ trì thân mình cũng hộ trì thân chúng sanh, hộ trì tất cả pháp, nhưng vẫn không có chỗ hộ trì.

Tịch Ý Bồ Tát lại hỏi: Thưa Ngài Mật Tích! Thọ trì thế nào?

Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ nói: Thưa Ngài Tịch Ý! Bặt dứt ngô ngã, chúng sanh vắng lặng. Chúng sanh đã lặng thì ba đời lặng. Ba Đời đã lặng thì Phật Pháp lặng. Phật Pháp đã lặng thì Phật Độ lặng, Phật Độ đã lặng thì các pháp lặng. 

Ở nơi các pháp mà không có chỗ về đến thì gọi là hộ trì chánh pháp vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần